Tạ ơn đời - Tình bạn, mối quan hệ và lòng từ bi


TẠ ƠN ĐỜI
(Thân Tặng NT & VH)

Hạnh phúc đến từ những điều nho nhỏ
Bạn đồng môn luôn thân thiết sẻ chia
Như ước giao tâm nguyện đến ngày kia
Cùng chung sức chèo trôi thuyền Bát Nhã


Điều kỳ diệu thấy hoa cười trong nắng
Tạ ơn Đời vui sống khúc hoan ca
Lắng nghe, nhìn thực tại của chính ta
Từ nguyên ủy thế gian là Tịnh độ

Vui hưởng sống Thiền, mỗi nơi mỗi lúc
Chẳng đi tìm Chân lý khắp muôn phương
Tịch tĩnh, an nhiên nhịp sống bình thường
Là trả ơn đời chân thành trọn vẹn

Huệ Hương






Tình bạn, mối quan hệ và lòng từ bi

Đâu là chìa khóa mở cửa trái tim con người? Sự hiểu biết lẫn nhau.
Điều quý giá nhất trên đời là mối quan hệ…là tình bạn.
Cuộc đời không thể thực nếu các quan hệ của mình không thực (giả tạo). 
Quan hệ giữa con người với con người thật thiêng liêng.
Quan hệ giữa con người với nhau là nguồn gốc

của những niềm vui lớn nhất và những đau khổ

lớn nhất trong tâm mỗi con người. Chất lượng
cuộc sống của chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào
chất lượng mối quan hệ giữa mình với
những người xung quanh. Điều tốt đẹp nhất tôi
có thể trao tặng bạn là tình bạn của tôi.

Thật vui khi có những người bạn tốt. Cuộc đời sẽ thật vô vị làm sao nếu không có những bậc thiện tri thức (những người bạn lành trong đạo, kalyāna mittas).
Có được một người bạn mới hiếm làm sao.
Bạn thân mến, tôi chẳng còn nhiều bạn nữa. Vì vậy tôi trân quý những người bạn vẫn còn lại với tôi.
Có được những người bạn là một trong những điều tuyệt vời nhất trong cuộc sống. Phát triển sự hiểu biết ngày càng sâu sắc hơn về chính bản thân mình và về thế giới cũng là một điều vô cùng tuyệt diệu. Đối với tôi, sự hiểu biết là thứ làm cho tôi thỏa mãn nhất trên đời.
Tình bạn của chúng ta không có thời gian và không gian.
Tôi đã có thêm nhiều bạn mới mà mình có thể trao đổi, liên hệ được; tôi không mong đợi điều gì từ họ cả: chỉ với một trái tim hoàn toàn rộng mở, một sự giao tiếp hoàn toàn tự do, thỏa mái.
Đúng thế, tôi cũng thực sự “khao khát có được một người bạn thực sự chân thành”.
Tôi muốn quan hệ giữa tôi với bạn, với anh ấy, với các con gái của tôi, với vợ cũ là những mối quan hệ tốt đẹp, bổ ích.
Quan hệ với mọi người, trong hầu hết các trường hợp, là rất khó tin tưởng được. Hầu hết các quan hệ chỉ như là những ván bài, những trò chơi. Một mối quan hệ thực sự chân thành, cởi mở, trung thực, không thao túng lẫn nhau, không áp đặt nhau, một mối quan hệ trân trọng và tin tưởng lẫn nhau, không có những mong đợi phi thực tế ở nhau –có thể có được một mối quan hệ như thế trên đời không nhỉ?
Tôi muốn trích dẫn một đoạn trong cuốn TỰ DO HỌC HỎI của C. Roger

Hơn nữa, tôi không có ý định hướng dẫn độc giả hay gây ấn tượng với bạn về kiến thức của mình trong lĩnh vực này. Tôi không có ý định bảo bạn cần phải suy nghĩ, cảm nhận hay làm điều gì. Điều duy nhất chỉ có thể là tôi chia sẻ một vài điều của chính bản thân mình, một vài kinh nghiệm về các mối quan hệ, về tôi trong quan hệ giao tiếp với người khác.
…mối quan hệ giữa người với người hầu như không bao giờ là tốt đẹp cả, chỉ một phần nào đó mà thôi. Có thể bạn sẽ thấy người khác chẳng bao giờ hiểu đầy đủ về mình cả, và tôi cũng thế. Nhưng tôi cảm thấy cực kỳ mãn nguyện khi có thể, trong một số trường hợp, thể hiện mình ra một cách chân thực với người khác. Tôi cảm thấy thấy rất quý giá khi đôi lúc cảm thấy thực sự gần gũi và hiểu được người khác.
Tôi biết tại sao khi nghe người khác nói tôi lại cảm thấy thỏa mãn. Khi tôi thực sự lắng nghe, tôi hiểu được người đó. Nó làm cho cuộc sống của tôi thêm phong phú
”.

C. ROGERS

Con người cần có một mối quan hệ tốt đẹp cho sự phát triển tâm lý của mình. Một quan hệ tốt đẹp là cần thiết trong cuộc đời một con người. Con người học hỏi và trưởng thành từ những mối quan hệ tốt đẹp đó. Không có những quan hệ tốt, chúng ta sẽ như những con robot; với những mối quan hệ tồi tệ, chúng ta sẽ trở thành những con quỷ hay còn tệ hơn cả quỷ nữa. Con người đang ngày càng trở nên mất nhân tính bởi vì họ không có được những quan hệ tốt đẹp với mọi người.

Mối quan hệ là mảnh đất để chúng ta
trưởng thành về mặt tâm lý.

Nếu đất cằn cỗi, chúng ta sẽ không phát triển tốt được hay là chỉ lớn còi cọc; đất tốt, chúng ta sẽ lớn mạnh và trưởng thành. Không thể có sự trưởng thành thực sự về tâm lý nếu không có những mối quan hệ tốt đẹp. Vì vậy, chúng ta cần có những mối quan hệ tốt đẹp, trong đó sự giao tiếp phải trung thực, dễ dàng, thoải mái, không có bất cứ sự lo sợ nào. Những quan hệ tồi tệ rất độc hại.
Với sự chân thành, cởi mở, hiểu biết lẫn nhau, với sự quan tâm chăm sóc, tâm từ và lòng kiên nhẫn, chắc chắn mối quan hệ ấy sẽ hiệu quả và tốt đẹp. Hầu hết các mối quan hệ không tốt đẹp bởi vì họ không có sự giao tiếp thoải mái (cởi mở), không có sự quan tâm lo lắng thật lòng, không thực sự tôn trọng lẫn nhau, và không hiểu biết rằng tất cả chúng ta chỉ là những con người (mỗi người chúng ta đều có những khiếm khuyết và hạn chế của riêng mình). Mong đợi quá nhiều ở người khác cũng có thể gây ra sự thất vọng, dẫn đến sự chối bỏ (nghĩ rằng con người này không phải là thứ tôi mong đợi, không chấp nhận được).
Với sự cởi mở, trung thực, nhã nhặn không làm người khác tổn thương, tâm từ (mettā) và sự hiểu biết, đó sẽ là một mối quan hệ tốt đẹp, thúc đẩy sự phát triển tâm linh và trưởng thành. Hầu hết các mối quan hệ đều trở nên nhàm chán sau một thời gian (không có sức sống, trì trệ).

Không có sự trung thực sẽ không thể có
sự giao tiếp thực sự; không có sự giao tiếp thực sự
sẽ không thể có mối quan hệ thực sự;
không có quan hệ thực sự sẽ không thể có
sự giúp đỡ thực sự (trợ giúp, dạy dỗ…).

Bạn cần có một người bạn tốt (hay nhiều người bạn tốt, như thế sẽ tốt hơn, nếu có thể được). Không nên sống ở nơi nào đó không có bạn bè. Nhưng thế nào mới là bạn? Và bạn cần ở một nơi thích hợp với bản tính con người mình.
Với một con người đang đau khổ, chúng ta dễ khởi lên lòng bi mẫn, nhưng không dễ sống chung với người đó suốt cả cuộc đời được đâu.

Tình yêu không đủ để hai người chung sống với nhau;
Mà cần phải có sự hiểu biết lẫn nhau một cách sâu sắc.
Tình yêu không đủ trong một mối quan hệ;
hiểu biết lẫn nhau một cách sâu sắc và trân trọng
lẫn nhau là điều cần phải có.

Hãy xem bạn có thể chấp nhận tất cả mọi điều xấu xa về anh ấy mà không muốn thay đổi anh ấy hay không, và xem bạn có thể tôn trọng anh ấy như anh ấy đang là bây giờ hay không. Những mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau thường không mấy tốt đẹp.

Không nên sử dụng các mối quan hệ
như là những phương tiện; nó cần đem lại tình thương
sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau.
Không có ai trên đời là hoàn hảo cả.

Đôi khi các quan hệ trở thành trói buộc nếu nó không đặt nền tảng trên thái độ đúng đắn.
Đừng bao giờ sử dụng hôn nhân hay bất cứ mối quan hệ nào như là một phương tiện để giải quyết một vấn đề nào đó. Con người nên quan hệ với con người chỉ vì họ yêu thương, tôn trọng và trân quý (ngưỡng mộ) lẫn nhau như chính họ đang là như vậy. Nếu không sẽ không thể có được mối quan hệ đích thực.

Yêu thì được nhưng đừng vội vàng cưới. Con người thường hay thay đổi một khi họ đã có được quan hệ thân mật với ai đó.
Phải mất cả một đời người bạn mới biết được mình có thực sự yêu ai đó hay không.
Lửa rơm nhanh cháy nhưng chóng tàn,
Lửa trấu âm ỉ nhưng cháy lâu thật lâu.
Hôn nhân không phải là điều xấu xa hay tồi tệ. Tôi đã từng thấy nhiều cặp vợ chồng sống với nhau hòa hợp, giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau thực hành Pháp. Mặc dù những trường hợp như vậy rất hiếm.

Thật hiếm tìm được một người nào thực sự
quan tâm, lo lắng cho bạn. Chỉ yêu mà không cần
hy vọng mối quan hệ sẽ dài lâu. Hãy ngắm hoàng hôn
khi nó đang còn ở đó, nhưng bạn không thể
níu giữ được hoàng hôn ở lại.

Chúng ta chưa bao giờ có quá nhiều tâm từ cả; thường là chúng ta có quá ít. Tâm từ thực sự không bao giờ làm bạn khổ. Chính là sự dính mắc và mong đợi mới làm bạn khổ. Bạn không thể mong đợi nhận lại tâm từ để đền đáp lại tâm từ bạn trao cho người; tâm từ không thể đem ra để trao đổi. Nếu có sự mong đợi ở đó, thì chứng tỏ ở đó có lợi ích cá nhân. Nếu chúng ta yêu thương một người nào đó bởi vì chúng ta muốn được người ấy yêu thương lại, thì chúng ta sẽ bị tổn thương khi không nhận được tình thương ấy đáp lại.
Tình cảm, cảm xúc đến rồi đi, và sự khao khát, tham ái đến rồi đi – hãy để chúng đến và đi. Đừng coi chúng là cái gì quá quan trọng. Hãy chỉ quan sát chúng. Nếu bạn đừng cố kiểm soát nó, và đừng mong muốn nó phải khác đi thì bạn sẽ không bị thất vọng. Chính mong muốn kiểm soát mọi việc mới làm cho chúng ta mệt mỏi và kiệt sức. Chúng ta không khổ vì mình có trái tim, mà chúng ta khổ vì lòng ham muốn và vì coi những ham muốn đó là quá quan trọng.
Tôi hy vọng bạn và anh ấy sẽ là những người bạn đạo trong suốt cả cuộc đời, giúp đỡ lẫn nhau trên con đường phát triển tâm linh này. Áp đặt ý kiến hay lý tưởng của mình lên người khác có thể gây ra xung đột lớn. Đánh giá phán xét và chỉ trích cũng chẳng có lợi ích gì; nó có thể mang lại sự cô đơn. Bạn không thể thay đổi được anh ấy và anh ấy không thể thay đổi bạn được. Mong đợi người khác phải thay đổi sẽ làm cản trở sự giao tiếp thoải mái giữa hai người.

Tốt nhất là đừng có mong đợi điều gì
trong một mối quan hệ.

Sự chia sẻ và quan tâm chăm sóc bản thân nó đã có đủ tác dụng hàn gắn. Điều đó sẽ làm cho anh ấy giải tỏa được gánh nặng của những cảm xúc. Con người muốn giải tỏa tâm lý, nhưng họ lại sợ bị người khác coi thường; họ sợ mình bị hiểu nhầm hay bị người khác thao túng; họ sợ bị người khác bàn tán và không được yêu thương nếu mọi người biết hết chuyện của mình; họ sợ bị coi là lập dị… Vì vậy, họ mang theo tất cả nỗi đau, sợ hãi, thất vọng, và mong chờ suốt cả cuộc đời, họ sống cô đơn và hành động như một người cứng rắn, nhưng sẽ mềm lòng ngay khi gặp được một người không đánh giá phán xét họ, không bàn tán về họ; người vẫn yêu thương họ ngay cả khi biết hết mọi chuyện về họ, một người thực sự quan tâm đến họ.
Sự chấp nhận vô điều kiện là điều mà anh ấy đang cần. Bạn có thể cho anh ấy sự chấp nhận như vậy được không? Em sẽ lấy anh nếu…Em sẽ không lấy anh nếu… Cái nếu đó mới thật là kinh khủng, mới là những điều đáng sợ.
Khi có ai đó nói: “Anh yêu em”, chúng ta cảm thấy rất sung sướng, nhưng lại không thực sự tin vào điều đó. Chúng ta luôn luôn có nỗi sợ hãi trong tâm: “Nếu anh ấy biết nhiều hơn nữa về mình, anh ấy sẽ không yêu mình nữa. Mình phải chuẩn bị cho điều đó, nếu lỡ nó xảy ra thì sao. Mình phải chuẩn bị tinh thần nếu anh ấy không chấp nhận mình”. Chúng ta không có sự tin tưởng hoàn toàn; chúng ta luôn luôn không chắc chắn. Chúng ta có thực sự chắc chắn không khi nói “Em yêu anh”? Rất hiếm!
Hình như rất hiếm có người thực sự hiểu bạn. Khi không có người hiểu mình (hoặc ít nhất là cố gắng hiểu hay thông cảm với bạn), bạn cảm thấy rất cô đơn. Trong 5 tỷ người trên thế giới này, có bao nhiêu người cô đơn như thế? Có sự liên hệ thực sự giữa người này với người kia hay không? Chúng ta có thực sự hiểu một con người khác hay không? Và bạn có cho phép người khác hiểu mình hay không?
Nhiều người nói với tôi: “Thầy là người duy nhất hiểu được con”. Tôi ngạc nhiên là mình nghe câu đó lặp lại rất nhiều lần, và cách họ nói với tôi thật cảm động. Tôi cố gắng. Tôi ước gì mình có thể hiểu được mọi người một cách sâu sắc; tôi không mong là mình sẽ hiểu hết được tất cả mọi người – quá nhiều đối với tôi. Nhưng ít nhất tôi muốn hiểu các con gái tôi và mẹ của chúng; và những bạn bè thân thiết của tôi.
Tôi muốn có người nào đó yêu thương bạn. Nhưng khi bạn yêu một ai đó, bạn lại không cảm thấy mình xứng đáng với tình yêu của họ. Để bạn cảm thấy xứng đáng với tình yêu đó bạn phải hy sinh chính bản thân mình, nhưng loại quan hệ đó sẽ chẳng bao giờ an toàn và mãn nguyện đâu. Cảm giác an toàn trong một quan hệ: điều đó chỉ có thể có với những người trưởng thành và cảm thấy an toàn với chính mình. Những người có cảm giác không an toàn và không xứng đáng sẽ không bao giờ cảm thấy an toàn trong bất cứ mối quan hệ nào.

Con người ta thường không yêu những người
đã hy sinh cho họ; họ không muốn bị mang nợ
với bất cứ ai.

Và họ sẽ càng không yêu bạn khi bạn nhắc nhở họ về những gì bạn đã hy sinh cho họ. Lạ lùng quá phải không? Đúng vậy, con người lạ lùng như vậy đấy.

Nếu bạn đã từng giúp đỡ một người nào đó,
điều tốt nhất cho bạn là bạn hãy quên chuyện đó đi.

Nếu họ nhớ, thì họ thật đáng mến, nhưng nếu bạn nhắc nhở họ về những điều mình đã làm cho họ, họ sẽ ghét bạn lắm đấy!
“Nếu tôi hy sinh cho anh ấy, anh ấy sẽ yêu tôi mãi mãi”
Không! Đừng tự lừa dối mình như thế.
Mà nên: “Em yêu anh không phải vì những gì anh làm cho em, mà vì chính con người anh”.
“Tôi sẽ tha thứ cho anh ấy và anh ấy sẽ tha thứ cho tôi, và chúng tôi sẽ yêu nhau”
Không! Đó là một loại mặc cả.
Tôi không muốn bạn sống cuộc đời mình mà cứ luôn phải tự hỏi mình xem anh ấy có nói thật với bạn hay không; điều đó sẽ làm thân và tâm bạn cạn kiệt sức lực. Đúng thế, một kẻ nói dối có thể làm bất cứ điều gì. Tôi không muốn sống với một người mà tôi không tin tưởng. Tôi có thể tha thứ cho một lỗi lầm, nhưng tôi không muốn sống với một người không đáng tin. Hãy đọc cuốn SỰ TỈNH THỨC, ĐIÊN RỒ VÀ GIA ĐÌNH của R.D. Laing mà xem. Bạn biết đấy, bạn có thể phát điên khi phải sống với một người dối trá.
Giúp đỡ một người thì OK, nhưng quan hệ sâu sắc với một người không trung thực thì sẽ rất mệt mỏi. Bạn không thể có một quan hệ tốt đẹp với một người mình không tin tưởng và không tôn trọng.
Mọi người đều muốn được yêu thương, cả tôi và bạn cũng thế, nhưng những gì chúng ta làm để được yêu thương thì rất khác.

Được yêu thương vô điều kiện, đó là điều

chúng ta thực sự mong muốn. Nhưng chúng ta đã

có thể tự yêu thương mình vô điều kiện được chưa?
Bạn có yêu thương chính mình không?
Một câu hỏi lạ lùng. Chúng ta không nghĩ đến điều ấy!
Yêu người dễ hơn là hiểu người, nhưng tốt hơn cả là có cả hai điều ấy cùng nhau.
Chúng ta phải học cách yêu thương
mà không trở nên phụ thuộc hay sở hữu người khác.
Tình yêu trong sáng, thuần khiết không bao giờ
gây đau khổ.

Tâm từ thực sự là cần thiết trong mối quan hệ; không có nó mối quan hệ chẳng có ý nghĩa gì nhiều cả. Có tâm từ thì sẽ có sự chấp nhận, hiểu biết và tha thứ, thông cảm. Chúng ta không hoàn hảo và chẳng có ai là hoàn hảo cả. Thấy rõ những khiếm khuyết của mình và cảm thấy OK về điều đó là điều rất quan trọng đối với hạnh phúc của chúng ta, và thậm chí đối với cả sự tiến bộ trong pháp hành nữa. Nếu không chấp nhận được những khiếm khuyết của chính mình, làm sao chúng ta chấp nhận nổi những khiếm khuyết của người khác?
Con người có thể sống hài hòa với nhau nếu họ sẵn lòng dành cho nhau tự do, càng nhiều càng tốt, nếu họ không gia trưởng và hay thao túng người khác.
“Năng lực của tâm từ thật lớn, ngay cả khi tâm từ ấy chỉ dành cho cá nhân một người nào đó thôi; và điều đó có tác động lớn đến cuộc đời tâm linh của một con người làm sao”. Đúng thế!

Tình yêu thương thực sự và sự hiểu biết sâu sắc
còn đem lại sự mãn nguyện lớn hơn tiền bạc
hay bất cứ một thú vui dục lạc nào.
Hơn thế nữa, một cách sống dựa trên chánh niệm
và trí tuệ chắc chắn sẽ làm cho cuộc đời chúng ta
trở nên thật đáng sống.

Bạn không thể có tâm từ với một người nào đó với mong đợi là họ sẽ tử tế với bạn. Bạn muốn hạnh phúc và bình an, vậy thì hãy trải rộng sự hạnh phúc và bình an ấy đến cho những người khác. Không có cách nào khác cả đâu. Bạn hãy nên ước nguyện rằng tất cả những điều tốt đẹp mà mình mong ước cũng sẽ đến với người.
Chúng ta cần tâm từ từ nhiều người, và nếu có thể được, từ tất cả mọi người xung quanh mình. Ngày nay, hầu hết tất cả mọi người đều đang mắc phải một căn bệnh gọi là hội chứng thiếu tâm từ. Hầu hết tất cả mọi người đều khùng khùng, điên điên bởi vì họ không có tâm từ (mettā), giới hạnh (sīla), chánh niệm (sati) và trí tuệ (paññā), họ dính mắc vào sự xa hoa và những thứ đồ chơi mới tậu, vì vậy họ đánh mất đi những đức tính tốt đẹp trong trái tim mình – họ đã bán linh hồn cho quỷ dữ, có thể nói như vậy.
Bạn có nghĩ mình sẽ tìm được một người nào đó có thể làm cho mình hạnh phúc không? Bạn có nghĩ mình sẽ tìm được một người yêu thương mình vô điều kiện mãi mãi không?

Quan tâm đến người khác là quan tâm
đến chính mình, đó là vinh danh cuộc đời mà
tất cả chúng ta cùng chia sẻ.

Điều đó đúng khi không có bản ngã, khi chúng ta thấy ra rằng tất cả mọi chúng sanh đều có mối liên hệ với nhau.
“Bạn không thể làm hại người khác
mà lại không tự làm hại đến chính bản thân mình”.
Vì vậy, khi bạn giúp người khác, tức là bạn đang giúp chính mình; sự quan tâm dành cho người khác cũng chính là sự quan tâm đến chính mình. Để thấy và cảm nhận được điều đó, điều đầu tiên là chúng ta phải mất đi cái ảo tưởng về bản ngã (cái tôi)[59]. Không có người khác, hẳn là cũng chẳng có tôi. Hãy tưởng tượng xem nếu trên đời này chẳng có cái gì và chẳng có bất cứ người nào tồn tại cả thì bạn sẽ như thế nào? Vì vậy, tất cả mọi người chúng ta biết đều có phần nào ảnh hưởng đến cuộc sống của mình. Bạn có tưởng tượng được bạn có ảnh hưởng thế nào đến tôi, đến cuộc đời tôi không? Và bạn có biết tôi có ảnh hưởng như thế nào đến bạn, đến tâm của bạn và cuộc đời bạn? Điều đó cũng đúng với tôi. Bạn cũng có một ảnh hưởng lớn đến cuộc đời tôi; bạn đã làm cho cuộc sống của tôi phong phú hơn trên nhiều phương diện.
Một người phụ nữ với cái tâm của riêng mình có thể yêu một người đàn ông với cái tâm riêng của anh ta. Hai con người trưởng thành, độc lập về tâm lý, chín chắn về nhân cách, tôn trọng tự do và cá tính của nhau, có thể có được một quan hệ sâu sắc, lâu dài, đầy ý nghĩa và nuôi dưỡng lẫn nhau.

Con người ta có thể mua một con người làm nô lệ,
nhưng không thể mua được tình bạn.

Con người không thể sống thực tế khi họ đang đắm chìm trong tình yêu. Tình yêu thì thường không có lý trí. Bởi vì chúng ta có thể nói về nó, giải thích nó hay thậm chí có nó, chúng ta cứ nghĩ rằng mình đã hiểu nó. Nhưng tình yêu mới thực là bí ẩn làm sao. Chúng ta cảm nhận nó, chúng ta bị nó chi phối hoàn toàn, đôi khi chúng ta không thể tin nổi chính mình nữa. Có thực sự đúng là tôi yêu một người nào đó với tất cả trái tim không? Bởi vì chúng ta luôn giữ lại một cái gì đó cho mình, và bởi vì chúng ta không tin tưởng vào chính bản thân mình, nên chúng ta cũng không tin tưởng được người khác.
“Anh yêu em bằng tất cả trái tim. Và anh cũng biết rằng em yêu anh. Không thể nghi ngờ gì về điều đó. Đó quả là một điều khác thường. Ít nhất, đối với anh, anh biết điều ấy là có thể xảy ra. Anh chưa bao giờ mong đợi điều ấy cả. Làm sao anh mong đợi được điều gì mà anh chưa hề biết? Vì vậy, điều đó là một sự ngạc nhiên. Anh cảm thấy rất biết ơn. Nhưng biết ơn ai? Vâng, biết ơn cuộc đời” – Một sự mong đợi ngọt ngào và đau đớn!
Nếu bạn chưa yêu thương (và nếu bạn không yêu thương) một ai đó với tất cả trái tim, bạn vẫn chưa phải hoàn toàn là một con người trọn vẹn; bạn chỉ có tiềm năng trở thành một con người trọn vẹn.

Khi yêu là khi đang ở trong một trạng thái tâm
thay đổi khác thường. Tình yêu không có sự hợp lý;
nó nằm ngoài lý trí và lô gíc.

Bạn đang tràn đầy sức sống và tuôn trào cảm xúc. Những điều như thế thường chỉ xảy ra một lần trong cả một đời người. Tôi vui mừng khi nghe bạn nói rằng trái tim bạn giờ đây đã rộng mở. Hãy để nó rộng mở, mặc dù có lúc nó sẽ đau đớn. Chúng ta sợ yêu, sợ bị từ chối; sợ tình cảm của mình không được trân trọng, hay sợ bị người khác thao túng; sợ mình dễ bị tổn thương, và đôi khi chúng ta không tin tưởng chính bản thân mình; chúng ta không tin rằng mình có thể thực sự yêu thương một người nào đó.
Hãy để tất cả mọi cảm xúc, tình cảm của bạn tuôn trào ra. Hãy viết lại, hãy thể hiện những tình cảm ấy thành những bài thơ không vần.
Nhưng, chớ nên vội vàng kết hôn. Hãy tìm hiểu cô ấy thật kỹ đã. Cô ấy cũng là một con người; cũng như tất cả chúng ta thôi, cũng có những khiếm khuyết của riêng mình. Hãy cố gắng hiểu toàn bộ con người và yêu cô ấy vì điều đó, chứ không chỉ yêu một phần nào đó trong con người cô ấy, hay chỉ yêu cái hình ảnh tưởng tượng về cô ấy mà bạn đang ôm ấp trong tâm.
Bạn nói: “Cô ấy rất trung thực”. Đó là đức tính quan trọng nhất; không có cái đó sẽ không thể nào có được mối quan hệ có ý nghĩa đâu.
“Nhưng mà cô ấy cũng rất điềm đạm, bình tĩnh với tất cả mọi thứ, điềm đạm và bình tĩnh đến mức làm cho người khác cảm thấy đau nhói trong lòng”. Thế bạn mong chờ cái gì? Muốn cô ấy phải phát điên lên vì một gã đang si mê mình đến phát điên lên ư? Tất nhiên là cô ấy phải cẩn thận chứ. Chắc là cô ấy cũng đã từng có kinh nghiệm đối với những kẻ phát điên lên vì mình trước kia rồi và… Đối với cô ấy, tốt hơn cả là nên học cách yêu bạn nhiều hơn. Đối với phụ nữ, nếu mất, cái mất của họ lớn hơn. Và chỉ mỗi tình yêu thì chưa đủ. Chắc hẳn bạn đã từng đọc hay nghe kể những câu chuyện tình yêu lãng mạn. Một số tình yêu như vậy chẳng kéo dài được lâu, một số khác thì có những kết cục bi đát.
“Nó đau như một vết thương chưa lành”. Vâng, vâng, nó đau và đồng thời bạn cũng không muốn cái đau ấy đi mất. Nó rất quý giá và rất đặc biệt. Nó đau, nhưng nó cũng đầy thích thú.

Yêu một người nào đó bằng cả trái tim là
đang trở thành một con người thật sự.
Kinh nghiệm này có tác động thực sự đến cách bạn
nhìn nhận về con người; nó rất quý giá.

Ngay cả tình yêu đối với một người phụ nữ cũng có thể là một kinh nghiệm tâm linh. Tâm linh có mặt ở trong tất cả mọi mặt của cuộc sống. Khi đó, cuộc sống sẽ rất đẹp và đầy ý nghĩa.
Bạn thấy đấy, không ai có thể dạy bạn làm thế nào để mở rộng trái tim mình; làm thế nào để sống mở lòng cho dù dễ bị tổn thương; làm thế nào để thương yêu người khác; làm thế nào để vượt lên trên tất cả mọi quy ước và tục lệ; làm thế nào để vượt qua những hạn chế của mình và khám phá những gì ở đằng sau những giới hạn ấy.
Bạn đang ở một thế giới hoàn toàn khác biệt với những giá trị khác biệt; bạn đã trở thành một con người khác và không thể là một với con người trước kia – sự chuyển hóa không thể đảo ngược được.
“Tôi quý trọng sự giao tiếp từ-trái-tim-đến-trái-tim với người khác”. Tôi biết cảm giác khi giao tiếp từ-trái-tim-đến-trái-tim với người khác như thế nào. Hầu hết các mối quan hệ không tốt đẹp, không có tác dụng bởi vì không có sự quan tâm lẫn nhau, sự chia sẻ, trung thực, dịu dàng, nhạy cảm, một tâm từ thực sự và tràn đầy (chứ không phải ham muốn). Một nhân tố khác cũng quan trọng không kém, đó là sự thấu hiểu sâu sắc người bạn đời của mình như một con người (chứ không phải là một đối tượng tình dục). Tình dục cũng là một phần trong quan hệ giữa một người nam và một người nữ; không nên làm ngơ không tính đến nó, nhưng nó cần phải hài hòa với sự chia sẻ niềm vui thực sự giữa hai người, chứ không phải chỉ là sự thỏa mãn ham muốn bản năng của con người.
Chúng ta đã nói quá nhiều về tình yêu. Bạn có biết mình đang nói về chuyện gì hay không? Bạn nói: “Đôi khi tôi cảm thấy không còn biết thực tại là gì nữa”. Bạn có biết thế nào là thực tại không? Khi chúng ta nghĩ về thực tại là chúng ta đã bị tách biệt ra khỏi nó rồi; khi là một với thực tại, chúng ta không còn nghĩ về nó được nữa.
Nếu có thể cho bạn một lời khuyên, tôi sẽ khuyên rằng: “hãy dành thời gian để hiểu tâm mình thật sâu sắc, tìm hiểu bạn đang thực sự mong muốn gì từ cuộc đời này”.
Con người ta cứ miên man làm hết việc này đến việc kia, hết mối quan hệ này đến mối quan hệ khác. Bạn mong muốn gì từ một mối quan hệ? Bạn đang tìm kiếm điều gì?

Nếu bạn không biết mình muốn gì,
thì kết cục là bạn sẽ có được rất nhiều thứ
mà mình chẳng muốn.

Tôi biết ý bạn muốn nói gì khi nói “sống từ trái tim”. Trong hầu hết các mối quan hệ của tôi với mọi người, tôi đã rất bất mãn và nghĩ rằng còn thiếu cái gì đó để thành quan hệ đích thực. Trong một số trường hợp, chính bản thân tôi cũng thiếu cái đó. Vì vậy mọi việc không thể tốt đẹp, thuận buồm xuôi gió trong cả thời gian dài; có cái gì đó không ổn. Nhưng bây giờ thì tôi đã ý thức rõ về nó. Tuy nhiên với một số người thì tình bạn nảy nở một cách rất tự nhiên, chẳng hạn, tôi cảm thấy rất dễ dàng khi giao tiếp với bạn.
Toi hy vọng cả hai bạn thực sự cởi mở và trung thực với nhau. Không có cái gì là “rồi họ sống bên nhau mãi mãi hạnh phúc” đâu. Luôn luôn có những vấn đề không mong muốn xảy đến; chúng ta chỉ cần học cách giải quyết chúng một cách có trí tuệ.
Khó khăn là điều cần thiết. Sau khi đã cùng nhau vượt qua một giai đoạn khó khăn bằng sự kiên nhẫn và nhạy cảm, hai người sẽ trở nên gần gũi hơn và hiểu nhau hơn. Sự hiểu biết lẫn nhau đó sẽ làm cho quan hệ trở nên ý nghĩa hơn và lâu bền hơn. Chỉ mỗi tình yêu thôi thì không đủ. Sự hiểu biết sâu sắc về những tình cảm và cảm xúc, những mong muốn, ước mơ, nỗi lo sợ , hy vọng…của nhau là điều rất quan trọng. Cha mẹ chúng ta đều yêu thương chúng ta. Tại sao mà chúng ta không thể nói chuyện được với họ?
Bạn là người rất may mắn bởi vì đã hiểu được yêu thương một con người khác nghĩa là như thế nào. Tôi không biết trước được tương lai, nhưng tôi tin rằng tình yêu của bạn dành cho cô ấy đã mang lại rất nhiều chiều sâu và ý nghĩa cho cuộc sống của bạn. Tôi nghĩ mỗi điều đó thôi đã là đủ cho cả một cuộc đời. Hầu hết mọi người sống rồi chết đi mà vẫn chưa hiểu được thế nào là tình yêu thương dịu dàng. Mặc dù họ vẫn thường hát những bài hát ca ngợi tình yêu cơ đấy.
Người ta nói con chim sơn ca khi sa vào bụi mận gai, với cây gai đâm trong ngực, nó cất lên tiếng hót tình yêu hay tuyệt vời. Tất cả chúng ta cũng vậy. Còn ca khác sao nữa?

KAHLIL GIBRAN[60]

Tôi rất vui khi nghe bạn và cô ấy bây giờ đã thân thiết với nhau. Cố gắng hiểu thực tế cuộc sống của cô ấy – nội tâm, tình cảm, những khó khăn khi hòa nhập với bạn và cuộc sống ở Mỹ, và cả những xung đột trong tâm cô ấy nếu có (hầu hết mọi người đều có những xung đột nội tâm). Bạn có thực sự hiểu chiều sâu cuộc sống của cô ấy không? Bạn có biết mình sẽ cảm thấy ra sao khi ở vào địa vị của cô ấy? Nếu cô ấy không lấy bạn thì sao?
Cái gì làm cho mối quan hệ thực sự bổ ích, mãn nguyện, lâu dài và sống động, chứ không phải chỉ là sự tẻ nhạt thường ngày?
Bạn viết: “Tôi muốn cô ấy thật nhiều…nhưng tôi muốn gì chứ nhỉ?”. Câu hỏi đó rất quan trọng, và không ai có thể cho bạn câu trả lời được cả. Bạn phải nhìn sâu vào trong tâm mình để tìm câu trả lời.
Sự hòa hợp giữa hai trái tim – sự hiểu biết trực giác và sâu sắc lẫn nhau; sự giao tiếp không lời; bí ẩn, vượt trên mọi lý luận của lý trí; hiểu biết từ trong gan ruột rằng cả hai người ở bên nhau trong vòng luân hồi này, yêu thương, chăm lo và giúp đỡ lẫn nhau; biết rằng sự hiểu biết giữa hai người sẽ ngày càng tăng cho đến khi cả hai tâm hồn trở nên hoàn toàn thấu rõ; không sợ hãi, e ngại điều gì, không có gì bí mật và hoàn toàn tin tưởng; không phải là một ván bài, không thủ đoạn. Liệu điều đó có thể được hay không?
Hãy bảo cô ấy kể cho bạn nghe về bản thân mình – thời thơ ấu, bố mẹ, anh chị em, những hy vọng, nỗi sợ hãi, lo lắng…của cô ấy. Bạn nói: “Sự ham muốn mãnh liệt đã phai nhạt dần đi”, và “Không biết có phải là nó tự nhạt đi hay một phần là do tôi đã thành công trong việc chinh phục cô ấy?”. Cuộc sống không thể nào tiếp diễn với những ham muốn mãnh liệt như thế mãi được, nó sẽ đốt cháy bạn mất. Nó chỉ là (và nên là) bình thường, chẳng có gì đặc biệt cả.
Tất cả mọi thứ trong tự nhiên đều đi theo những chu kỳ. Bạn không thể cứ tiếp tục sống với những cảm xúc mãnh liệt ấy suốt ngày được; cuộc sống của bạn sẽ trở nên nguy hiểm, bạn không thể làm được những công việc thường nhật cần phải làm trong cuộc sống. Cảm xúc mãnh liệt tiêu hao rất nhiều năng lượng. Tôi không có ý định làm giảm giá trị hay nói rằng cảm xúc mãnh liệt là không quan trọng. Nó cho chúng ta cái nhìn thoáng qua về cái gọi là “thực sự sống động”, và nó thay đổi các giá trị và mục đích của chúng ta. Câu hỏi thứ hai của bạn cũng có thể trả lời là đúng. Bạn đã có được tình cảm của cô ấy. Vì vậy bạn không còn phải lo lắng về chuyện chinh phục cô ấy nữa, việc đó khiến bạn cảm thấy hơi lố, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn yêu cô ấy ít hơn. Nó có nghĩa là tâm bạn bây giờ đã ổn định hơn. Lòng ham muốn (hay tình yêu) cháy bỏng không tốt về lâu về dài. Loại tâm từ nồng ấm hoặc đôi khi thậm chí loại tâm từ mát mẻ (không phải là lạnh lùng) tốt hơn nhiều; nó đáng tin cậy hơn và nuôi dưỡng mình hơn. Bạn sẽ lại phát điên lên lần nữa khi bạn có đứa con đầu lòng. Tôi sẽ chờ xem việc đó.
Khi bạn có con, hãy để tôi làm người bạn, cùng chơi với nó. Tôi biết cách làm một người bạn tốt của con trẻ. Hãy để tôi giúp nó học hỏi về tự nhiên, về cuộc đời, và về chính bản thân nó.
Những mối quan hệ không lành mạnh nên chấm dứt. Nếu bạn không thay đổi, bạn sẽ không thể sống một cách trọn vẹn. Bất cứ thứ gì sống đều buộc phải thay đổi. Không thay đổi có nghĩa là chết. Do đó, nếu là một tình bạn sống động, nó phải luôn luôn thay đổi. Hầu hết con người chúng ta không cảm thấy có sức sống là bởi vì chúng ta sợ sự thay đổi (đi đến một nơi không hề biết). Chúng ta không muốn rủi ro.
Trước khi bạn buông bỏ sự dính mắc với bất cứ ai hay bất cứ cái gì, hãy nhìn sự dính mắc ấy trong tâm mình. Hiểu sự dính mắc là rất quan trọng. Chỉ có sự hiểu biết sâu sắc về dính mắc mới giải thoát tâm mình khỏi nó được. Nếu bạn ép buộc tâm mình phải từ bỏ dính mắc mà chưa thực sự thấy rõ được bản chất của nó, nó sẽ quay trở lại rất nhanh. Nhìn rõ và hiểu thật sâu sắc là cách duy nhất để vượt qua nó. Sự buông bỏ khiên cưỡng không phải là buông bỏ thực sự.
Hầu hết tất cả mọi người đều “mọc” lên một lớp vỏ vô hình, không thể xuyên thủng xung quanh bản thân họ để bảo vệ họ khỏi bị tổn thương, và họ tìm kiếm sự thỏa mãn ở tiền bạc, địa vị, thú vui dục lạc, ma túy, rượu chè, và tình dục chủ yếu là vì họ không có được một người nào yêu thương họ và thấu hiểu họ một cách sâu sắc. Quá e sợ khi mở lòng mình ra và dễ bị thương tổn!
Trên đời này có thể có tình yêu khiên cưỡng (hay nhân tạo), lòng từ bi, tri túc, sự khiêm tốn nhân tạo… Đằng sau tình yêu thương và sự khiêm tốn khiên cưỡng ấy cũng có thể là (trong hầu hết các trường hợp) sân si, ham muốn, ngã mạn… Thấy rõ ràng có nghĩa là cắt đứt!
Tôi cũng có những khó khăn tương tự trong mối quan hệ với mọi người. Tôi nhận thấy hầu hết tất cả mọi người đều rất nông cạn. Bởi vì tôi là một nhà sư nên tôi có thể tránh không phải gặp một số người tôi không muốn gặp; nhưng chúng ta là những con người; chúng ta không thể sống một mình; chúng ta cũng cần phải gặp gỡ, liên hệ với con người; và chúng ta đang sống trong một thế giới mà hầu hết mọi người đều vô cùng thất niệm (không có ý thức về chính bản thân mình), ích kỷ, không biết điều, ngu ngốc, ngã mạn, ganh tỵ…và vân vân.
Vì vậy, một con người trí tuệ và nhạy cảm cần thiết phải chịu cái khổ tiếp xúc với mọi người. Sự khoan dung và thấu hiểu sâu sắc về con người là rất quan trọng. Nhiều lúc bạn phải tự nhắc mình điều mà Đức Phật đã nói: “puthujjano ummattako” (những kẻ phàm phu điên khùng).
Bạn đang tiếp xúc với những con người điên khùng. Con người già đi nhưng lại không trưởng thành! Vì vậy bạn đang nói chuyện với những đứa con nít lớn tuổi.
Bởi vì bạn không thể chạy trốn khỏi con người, vậy hãy cố gắng tìm cách quan hệ với họ một cách trí tuệ và nhân hậu.
Khi bạn không có điểm chung nào với người khác, bạn không thể chia sẻ được điều gì với họ. Bạn cảm thấy mình như một người xa lạ. Nếu bạn muốn có bạn bè, hãy xem mình có điểm gì chung với họ hay không. Nếu bạn cảm thấy hứng thú với họ, họ sẽ cảm thấy gần gũi với bạn.

Hãy học cách lắng nghe mọi người
mà không đánh giá, phán xét. Bạn không phải
giải quyết những vấn đề của họ.
Hãy cởi mở và sống nhân hậu.
Sống xung đột với người khác thật là mệt mỏi.
Ham muốn sự cung kính, tôn trọng và
ngưỡng mộ của người đời là một ngục tù.

Nếu có thể, hãy tránh xa những kẻ ngu (bāla)[61]; nếu không thể tránh được, hãy cẩn thận đừng nghe theo những lời khuyên sai trái, dại dột của họ, nhưng cũng đừng tranh đấu, xung đột với họ. Chúng ta đang sống trong thế giới của những kẻ ngu. Nếu giao du, quan hệ với những kẻ ngu, sớm muộn gì bạn cũng sẽ gặp rắc rối. Hầu hết mọi người không biết trân trọng những lời dạy của Đức Phật, ngài không bao giờ cho những khuyên sai cả.
Đúng vậy, asevanā ca bālānam (không gần gũi kẻ ác). Hãy nhận rõ những kẻ ngu ác và tránh xa họ; nhưng đừng tự làm mình khổ mà nghĩ quá nhiều về những kẻ ấy. Hãy tránh xa những kẻ ngu như tránh xa những con rắn độc. Nhưng cái gì làm nên một kẻ ngu?

Nếu bạn có thể tìm được một người bạn tốt,
hãy sống với họ; Nếu không tìm được bạn như vậy,
hãy sống một mình.
...

Trích : Chương 7
Tuyết giữa mùa hè - Sayadaw U. Jotika - Trang 8
"Tình bạn, mối quan hệ và lòng từ bi"