1. Con đường giải thoát
... Con đường giải thoát khỏi vòng nhân quả của đạo Phật là thấy và chứng thực được vô ngã (không có một cái tôi) và vô pháp (không có những đối tượng cho cái tôi). Vô ngã là không có một cái tôi hành động, một cái tôi tạo nghiệp tốt xấu. Vô pháp là không có những đối tượng cho hành động, nghĩa là những đối tượng của nghiệp. Hai cái đó không có thì nghiệp nhân và nghiệp quả không thành.
Vô ngã và vô pháp là sự không có hiện hữu nội tại, không có tự tánh của một cái tôi và những đối tượng của cái tôi ấy. Vô ngã và vô pháp nghĩa là tánh Không, tức là sự không có tự tánh của tất cả mọi sự.
Thế nên người ta giải thoát được khỏi vòng sanh tử tạo bằng nhân quả khi người ta thấy và chứng được tánh Không, hay là sự vô tự tánh, của vòng sanh tử. Không phải người ta phải dùng một năng lượng khủng khiếp, như năng lượng nguyên tử chẳng hạn, để phá tan vòng sanh tử này, mà người ta phải phá sự chấp có tự tánh của vòng sanh tử. Khi thấy sanh tử không có tự tánh, người ta giải thoát mà chẳng hề đụng đến thế giới này.
Trong ba yếu tố cấu thành con người là thân, khẩu, tâm, thì tâm là cái quan trọng nhất (Tâm dẫn đầu các pháp, tâm là chủ, tâm tạo – Kinh Pháp cú, phẩm Song yếu). Thế nên người ta giải thoát khỏi một đối tượng không phải bằng cách phá hủy đối tượng đó, mà bằng cách phá hủy sự bám chấp của tâm vào đối tượng đó. Đạo Phật, tự căn bản, là bất bạo động như vậy.
2. Tánh Không là giải thoát
Như trên đã nói, người ta giải thoát khỏi ba cõi sanh tử tạo thành bởi nhân quả bằng cách đạt đến vô ngã và vô pháp, hay tánh Không, hay sự vô tự tánh của chủ thể và đối tượng.
Kinh Lăng Nghiêm nói về sự vô tự tánh như sau: Ở giữa không thật tánh Giống như lau gác nhau Buộc, mở đồng một nhân Thánh, phàm không hai lối. Hãy xem tánh giao nhau Có, không đều chẳng phải Mê lầm là vô minh Phát minh liền giải thoát.
Cái tôi và đối tượng của cái tôi đều vô tự tánh, không có hiện hữu thật sự. Chúng là duyên sanh, do rất nhiều nhân duyên tạm thời hợp lại mà thành. Mất chỉ một nhân duyên nhỏ, thì không thành cái đó. Như ba cây lau gác nhau thì thành một tam giác, thiếu một cây lau thì chẳng thành hình gì. Ba cây lau là căn, trần, thức. Thiếu một cái thì không thành con người. Một cái khác đi thì thành một người khác. Cái tôi và mọi cái của tôi, thế giới của tôi, đều do “tính giao nhau” của rất nhiều nhân duyên, rất nhiều nhân quả mà thành. Tôi mà mất đi một ít nguyên tố không khí, thì tôi không còn có mặt trên đời này, thế giới của tôi cũng tiêu tan mất.
Tất cả đều do nhân duyên sanh nên không có tự tánh, nên tất cả là tánh Không. Thấy được tánh Không bèn giải thoát khỏi vô minh mê lầm cho là có là không, là có sanh có diệt.
Thiền sư Quốc sư Huệ Trung, giống như Kinh Đại Bát-nhã đã chỉ rõ, nói, “Các pháp chẳng đến nhau, ngay đó là giải thoát”. Sắc thọ tưởng hành thức hội họp thành cái tôi.
Sắc thanh hương vị xúc pháp là đối tượng của một cái tôi. Vì do hội họp mà thành, do những nhân duyên mà có, nên chúng là vô tự tánh. Chúng chỉ tạm thời “giao nhau” trong vài giây phút chứ chúng chẳng thật sự đến được với nhau. Nếu chúng thật sự gặp gỡ nhau, đến được với nhau, chúng phải ở luôn với nhau. Chúng chẳng đến nhau vì chúng vô tự tánh.
Thấy các pháp chẳng đến nhau, đó là thấy tánh Không. Thấy các pháp tạo thành cái tôi và thế giới này chẳng đến nhau, chưa từng đến nhau, nghĩa là chưa từng có tôi và có sanh tử, thì “ngay đó là giải thoát”.
3 Sự khác biệt giữa con đường A-la-hán và con đường Bồ-tát
Muốn giải thoát khỏi thế giới sanh tử nhân quả chỉ có một cách là chứng ngộ tánh Không. Tánh Không là chân lý tuyệt đối, so với sanh tử là chân lý tương đối.
Trong sự tương quan giữa chân lý tương đối và chân lý tuyệt đối, chúng ta có từng cặp như sau: sanh tử và Niết-bàn, sắc và không, tướng và tánh, sự và lý, hiện tượng và bản thể…
Con đường A-la-hán từ bỏ sanh tử và chứng đắc Niết-bàn, từ bỏ thế giới hiện tượng và đạt đến thế giới bản thể, từ bỏ thế giới sự và thể nhập lý. Niết-bàn hay tánh Không của con đường này tách biệt và đoạn tuyệt hẳn với thế giới hiện tượng, sanh tử.
Trong khi đó, Niết-bàn hay tánh Không của con đường Bồ-tát thì không tách lìa với sanh tử hay thế giới sắc tướng. Bởi thế Tâm kinh Bát-nhã nói, “Sắc tức là Không, Không tức là Sắc”. Niết-bàn của Bồ-tát là Trung đạo “tức là” này.
Vì lời nguyện cứu giúp chúng sanh, người tu đạo Bồ- tát phải ở trong sanh tử cùng với chúng sanh, cho nên Niết-bàn tánh Không của Bồ-tát cũng không lìa sanh tử. Tánh Không là Trung đạo. Trung đạo này chính là tánh bất nhị của Niết-bàn và sanh tử.
Trung luận của Bồ-tát Long Thọ nói: Niết-bàn và thế gian Không mảy may phân biệt Thế gian và Niết-bàn Cũng không chút phân biệt Thật tế của Niết-bàn Cùng thật tế thế gian. Hai tế ấy như vậy Không mảy may sai biệt. (XXV, 19,20)
Sanh tử và Niết-bàn cùng một thật tế, cùng một bản tánh, cùng “một vị”...
Nguyễn Thế Đăng
(VHPG 197 2014)