Hỏi Đáp: Giác Ngộ


1. Giác ngộ và giải thoát

Bạch Ngài cho con hỏi. Một người ngộ rồi nhưng có thể chưa giải thoát, có phải không? Và một người tâm giải thoát nhưng có thể chưa ngộ, có phải không? Con cám ơn Ngài.

Trả lời:


Có 4 trường hợp:
1) Ngộ nhưng chưa giải thoát: Đó là trường hợp mới ngộ lý nhưng còn vướng sự, hoặc bậc Thánh hữu học còn chưa hết kiết sử.
2) Giác ngộ và giải thoát: Đó là tường hợp ngộ lý và sự dung thông viên mãn, như các bậc Alahán, Độc giác và Toàn giác.
3) Giải thoát nhưng chưa giác ngộ: Đó là trường hợp những vị đắc các bậc thiền sắc giới, vô sắc giới có thể thoát khỏi cảnh giới vật dục (dục giới) nhưng vẫn còn vô minh và tham ái.
4) Giải thoát và giác ngộ: Đó là trường hợp tiến trình tâm của bậc Thánh, sau khi thoát khỏi sự trói buộc của kiết sử thì Đạo tuệ chứng ngộ Thánh quả. 


2. Quả vị Phật

Phật Gotama (Thích Ca) là Phật Chánh Đẳng Giác (Sammasam-buddha). Quả thứ 2 là Phật Độc Giác (Pacceka-buddha). Quả thứ 3 là Phật Thanh Văn đệ tử (Arahant-buddha)
con chưa hiểu 3 quả vị Phật này là như thế nào. Mong sư chỉ dạy ạ!


Trả lời:

Trước hết chứng quả Phật là hoàn toàn bình đẳng không lớn nhỏ như nhiều tông phái chủ trương sai lệch. Chân lý luôn đồng nhất, tánh giác cũng luôn đồng nhất, do đó không có sai khác trong thực tánh. Nếu có khác thì chỉ khác về cách chứng ngộ thôi. Phật Thanh Văn chứng ngộ Thể Tánh của Tâm và Pháp qua sự khai thị của Phật Toàn Giác mà trở về Tánh Giác. Phật Độc Giác chứng ngộ Chân Tướng của Tâm và Pháp qua tánh duyên khởi tự nhiên mà trở về Tánh Giác. Phật Toàn Giác chứng ngộ Diệu Dụng của Tâm và Pháp qua trải nghiệm đại dụng của vạn pháp mà trở về Tánh Giác.
Trở về Tánh Giác (thành Phật) thì thể tướng dụng bình đẳng, nhưng cách ngộ nhập thì Phật Thanh Văn ngộ nhập qua Thực Tánh, Phật Độc Giác ngộ nhập qua Chân Tướng và Phật Toàn Giác ngộ nhập qua Diệu Dụng. Giống như người thứ nhất nhờ biết chất vàng mà lấy được vàng, người thứ hai nhờ biết tướng vàng mà lấy được vàng, người thứ ba nhờ biết cách sử dụng vàng mà lấy được vàng. Cách lấy vàng thì khác nhau nhưng lấy được vàng thì hoàn toàn giống nhau. 

3. "lý có đốn ngộ, sự thì tiệm tu"

Thưa Thầy cho con hỏi. Con từng nghe nói "lý có đốn ngộ, sự thì tiệm tu" mà sao ông Bahiya khi nghe đức Phật nói xong đã được Phật ấn chứng A-la-hán ạ? Chỗ này con phân vân, thầy chỉ giúp con với ạ! con cám ơn thầy.

Trả lời:

Thực ra chẳng phải đốn ngộ tiệm tu gì như người ta thường tưởng tượng mà chỉ là ai đã từng trải nghiệm sự thật thì dễ dàng thấy ra sự thật thôi. Trải nghiệm sự thật chính là tiệm tu, thấy ra sự thật gọi là đốn ngộ. Bàhiya đã từng trải nghiệm sự thật nhưng chưa biết đó là gì nên khi được Phật chỉ thẳng cho thì ngay đó ông liền thấy ra. 



4. Đừng tưởng kiến tánh là đã xong

Thưa Thầy, con có đọc được trong một quyển sách mục nói về thiền Tông có bài thơ "Kiến tánh tuy đồng Phật, muôn đời tập khí thâm...", đoạn sau con không nhớ nữa, đại ý là người kiến tánh rồi thì vẫn chịu sự tác động của tập khí tích lũy từ muôn kiếp trước, đến khi tập khí tan hết thi mới thật sự giải thoát. Con muốn hỏi ý bài thơ trên có đúng không, và kiến tánh có phải là trở về với tính biết nguyên sơ tự nhận biết, phản ánh lại thực tại như nóng liền biết nóng, lạnh liền biết lạnh?

Trả lời:

Nên mới có câu "Lý đốn ngộ, sự tiệm tu" hoặc "Kiến tánh khởi tu", nghĩa là nếu chưa thấy được tánh thì tu chỉ mới là hoạt động của bản ngã, cho đến khi thấy được thực tánh chân đế mới thật sự biết tu là thế nào. Tưởng kiến tánh là đã xong thì lầm to!

5. Một người đã thấy pháp

Thưa Thầy, cho con hỏi, tiêu chí chung để nhận biết một người đã "thấy pháp" là gì ạ?

Trả lời:

Một người đã thấy pháp thì không còn chấp vào khái niệm tục đế, tức là không còn bị ràng buộc trong hình thức bên ngoài và ngôn ngữ văn tự - nói chung là "danh tướng" - nữa.

6. Đâu là bản lai diện mục


1/ Theo lời Phật dạy "Vô Ngã diệc Vô sanh". Kính thầy, pháp hành như thế nào để đi đến vô ngã?
2/ Lục Tổ dạy "không nghĩ thiện không nghĩ ác chính ngay khi ấy đâu là bản lai diện mục..." ngay lúc vắng lặng mà hằng biết, không một mống niệm nào khởi đó chăng?
Kính thầy khai thị.

Trả lời:

1) Chỉ có tánh biết mới "không ngã cũng không sanh", còn tướng biết thì cứ tuỳ duyên mà sanh chứ không sanh sao được. Đừng hiểu lầm mà cố giữ tâm không sanh như gỗ đá.
2) "Không nghĩ thiện không nghĩ ác" không phải là không nghĩ gì cả mà chỉ thấy pháp như nó là chứ đừng cho đó là thiện hay ác theo ý mình. Nếu không suy nghĩ gì cả sao Tổ lại nói: "... Bất đoạn bách tư tưởng/ Đối cảnh tâm sổ khởi..."? Hiểu sai một ly đi một dặm đấy!


7. Phạm trù giải thoát trong đạo Phật

Thầy cho con hỏi về phạm trù giải thoát trong đạo Phật ạ? Giải thoát phải chăng là thoát khỏi sự luân hồi từ kiếp này sang kiếp khác ạ? Con cảm ơn thầy!

Trả lời:

Không phải, giải thoát là ra khỏi sự trói buộc của thái độ nhận thức và hành động sai xấu. Thí dụ thoát khỏi sự trói buộc của tham, sân, si, ngã mạn, cố chấp, ích kỷ, lười biếng, lo âu, sợ hãi, căng thẳng v.v... Luân hồi sinh tử không phải là sinh từ kiếp này qua kiếp khác, vì không sinh từ kiếp này qua kiếp khác làm sao học ra được bài học giác ngộ giải thoát. Bị trói buộc trong những hồi tưởng quá khứ gọi là luân hồi, bị trói buộc trong những ảo vọng tương lai gọi là sinh tử. Khi con thấy ra được sự sai lầm này gọi là giác ngộ, khi con không còn bị những sai lầm này trói buộc gọi là giải thoát.


8. Người hiểu đạo rồi thì sống thế nào?

Kính bạch thầy, Người hiểu đạo rồi thì sống thế nào? Cứ để thân, ý, thức tự vận hành theo nhân duyên và tâm quan sát? Hay là sao ạ? Long Thọ nói: Niết-bàn là luân hồi, luân hồi là Niết-bàn. Xin thầy giảng nghĩa thêm cho con. Liệu đó có phải nhằm phá chấp theo cứu cánh của Bắc tông không?

Trả lời:

1) Dù là trạng thái hay hoạt động gì của thân, thọ, tâm hoặc pháp đều cần được thấy minh bạch và trung thực tự nhiên như nó là, không tưởng là, cho là, phải là, sẽ là..., đó mới là thiền, là bài học giác ngộ. Thiền không phải là thái độ thủ xả nhị nguyên của bản ngã trên huyễn tướng mà là thấy ra thực tánh như thị (yathàbhùtà nànadassana) của vạn pháp. 
2) Câu này nên hiểu như "Niết-bàn sinh tử thị không hoa" hoặc "Vô minh thực tánh tức Phật tánh, huyễn hoá không thân tức Pháp thân" nghĩa là nếu thấy rõ thực tánh sinh tử là sinh tử, huyễn thân là huyễn thân thì tánh thấy vẫn không sinh tử (Niết-bàn), hoặc giống cách nói của Lão Tử: "Phù duy bịnh bịnh thị dĩ bất bịnh!" (Ôi, nếu thấy bệnh chỉ là bệnh tức đã không bệnh). Trong Kinh Nhất Thiết Pháp, Majjhima Nikàya, đức Phật dạy: "Vì Như Lại thấy rõ địa đại là địa đại..., Niết-bàn là Niết-bàn nên không vui thích trong Niết-bàn, không xem Niết-bàn là ta, của ta, tự ngã của ta". Ngài xem bốn đại, tám thiền, các cõi giới, các sở đắc, sở tri v.v... cho đến Niết- bàn đều như vậy.

- Khi đã giác ngộ, giải thoát, không còn phiền não, khổ đau nữa,... thì tiếp theo sẽ là gì?

Trả lời:

Khi đã giác ngộ giải thoát thì tiếp theo vẫn là sống tuỳ duyên thuận pháp vô ngã vị tha.


9. Chân lý ở khắp nơi - Kiếm tìm chi ngôn ngữ

Theo con được biết thời Phật đã có chữ viết và phương tiện công cụ ghi chép. Đạo Bà La Môn có trước đạo Phật cũng đã ghi chép kinh điển của họ. Vậy tại sao Phật Tổ lại không cho biên soạn kinh điển để truyền lại cho đời sau những lời dạy nguyên thủy và chân thực nhất của Ngài. Đành rằng ở một khía cạnh nào đó ngôn từ, sách vở có thể là vật cản cho việc thực hành nhưng không thể phủ nhận lợi ích của sách vở. Số người không biết Phật Môn khá nhiều nhưng đáng lo sợ hơn la ngay cả những Phật tử cũng không hiểu biết đúng đắn được Ngã Phật dù đã quy y, học đạo. Lý do của điều này một phần vì kinh điển khá rối rắm, khó hiểu, thậm chí có những đoạn những kinh đầy màu sắc mê tín, thần quyền không thể do Phật thuyết hay Tổ Sư nói được mà do người đời sau tự sáng tạo rồi gán cho Phật. Phật là bậc Toàn Giác, Người chắc chắn phải biết trước được ngày hôm nay nhưng sao lại không can thiệp. Con nghĩ rằng với Trí tuệ và thần thông của Phật và các vị Tổ Sư thì biên soạn và duy trì kinh điển hàng bao nhiêu ngàn năm đi chăng nữa không phải là điều khó khăn.

Trả lời:

Đức Phật nói mà dường như không nói, ngôn ngữ chỉ là một phần rất bé nhỏ và hầu như không phải là chính yếu khi đức Phật khai thị Sự Thật. Những nhân tố chính yếu có tác dụng mạnh mẽ khi Ngài chỉ dạy là tâm thái, cử chỉ, nụ cười, ánh mắt, vẻ tự nhiên, năng lượng, trí tuệ, từ bi v.v... biểu hiện nơi Ngài ảnh hưởng trực tiếp đến người cầu đạo đúng với căn cơ, tình huống, không gian, thời gian và thái độ nhận thức, niềm tin, sự chú tâm trọn vẹn trong sáng của người ấy ngay lúc đó, còn ngôn ngữ chỉ là thứ yếu, đôi khi hoàn toàn không cần thiết, vì sự im lặng của đức Phật có tác dụng khai tâm hơn nhiều so với những gì Ngài nói.
Nếu như ngôn ngữ là trọng yếu đến thế thì khi đức Phật đã hoàn toàn giác ngộ Ngài chỉ cần bỏ ra một hai năm tìm một chỗ thanh vắng ngồi viết ra kinh điển rồi dùng thần thông biến ra vô số bộ kinh để phân phát cho chư thiên và nhân loại, đồng thời biến nó thành bất hoại để truyền lại cho muôn đời sau, rồi nhập Niết-bàn cho khoẻ, tội gì phải đi khai thị từng người và cần gì đệ tử phải ghi chép làm chi cho mệt. Cho dù làm thế Ngài vẫn không thể truyền đạt được toàn bộ chân lý Ngài đã giác ngộ qua ngôn từ mà chủ yếu là người được khai thị phải chứng ngộ chân lý ấy ngay nơi chính mình chứ chẳng có điều gì đến với anh ta qua ngôn từ cả.
Người thợ mộc đã rất đúng khi nói với ông vua đang nghiền ngẫm kinh điển rằng bệ hạ chỉ đang nhai lại cặn bã của Thánh nhân thôi. Chính vì thế mà sau khi đức Phật nhập diệt, lời dạy của Ngài đã được ghi lại một cách tóm lược qua trí nhớ, tất nhiên cũng có lợi nhưng đã tạo ra một hiệu ứng nguy hại khôn lường đó là sự phân phái do người sau hiểu nghĩa kinh ít nhiều sai khác, và càng về sau sự phát triển qua chú giải, luận thuyết, cùng các bộ kinh nguỵ tạo đã dần dần biến Đạo Phật thành Tôn giáo, Triết học và Tín ngưỡng. Như vậy không phải ngôn ngữ kinh điển chỉ còn là cặn bã của Thánh nhân đó sao? Chân lý luôn viên mãn nơi thực tại hiện tiền, vì không ai thấy nên Phật mới chỉ ra, ngay đó ai thấy được là xong, quên lời mới đúng.
Khi đạo sĩ Sāriputta hỏi ngài Assaji: "Thầy của ngài dạy gì?", sao lúc đó ngài Assaji không bảo Sāriputta ngồi xuống nghe ngài đọc lại bài kinh Chuyển Pháp Luân mà chỉ nói một câu quá đơn giản: "Các pháp sinh ra từ một nhân"...? Vì ngài không cần lặp lại ngôn từ Phật nói, mà liền chỉ thẳng vào một sự thật, đó là tình trạng luôn sinh tâm tìm cầu sở tri sở đắc của Sāriputta, khiến Sāriputta bừng tỉnh. Sự bừng tỉnh kỳ diệu ấy đưa Sāriputta về với thực tánh chân đế (paramattha sacca) ngay nơi thực tại hiện tiền (sandiṭṭhiko dhammo).

Chân lý ở khắp nơi
Kiếm tìm chi ngôn ngữ
Khi tâm thật thảnh thơi
Chính là Dòng Bất Tử.

10. Pháp hành chính là thầy của mình

Kính thưa Thầy, đêm nay con ngồi buông xả thì con đã sáng suốt nhận biết rõ ràng về thân tâm mình, đó là mấy hôm nay con rất trông chờ câu trả lời từ Thầy, nhưng có lẽ do máy con có vấn đề nên không đọc được. Con cảm thấy mình bị hụt hẫng vô cùng, vì dường như con đã đặt nặng ở Thầy mà quên đi chính mình. Mỗi lần nhận được câu trả lời của Thầy thì con hoan hỉ vô cùng và trong tâm có dồi dào năng lượng sống.
Nhưng qua đêm nay, con đã thấy mình sai ở chỗ là con đang sống nương tựa mà không biết mình đang sống nương tựa, điều này là điểm yếu của con. Nếu mai này Thầy không còn thì con sẽ ra sao là 1 điều tai hại vô cùng. Đêm nay con đã thông suốt hoàn toàn là mình nên lấy pháp mình đang hành để làm thầy, chính nơi đó đã có đầy đủ hết rồi, khi hành sai thì cũng tự mình biết và điều chỉnh lại. Khi hành sai thì trong cơ thể tự nhiên có những cảm giác rất khó chịu kèm thêm thân cũng khó chịu luôn, khi thấy đúng pháp thì thân tâm đều cảm thấy mát mẻ và hoan hỉ, đây là những dấu hiệu tự nhiên từ thân tâm đã có sẵn cho mình rồi. Pháp hành chính là thầy của mình, mình phải tin vào pháp mình hành là người thầy quý báu nhất. Con nói như vậy không phải là con quên ơn Thầy đã dạy bảo cho con, nhưng đêm nay tự nhiên con sáng suốt và nhận thấy được điều này nơi chính mình. Phải tự tin nơi chính mình để đối diện với mọi tình huống ở đời dù là gian lao khổ cực. Con xin cám ơn Thầy, con có chỗ nào sai mong Thầy từ bi tha tội cho con.

Trả lời:


Sàdhu, lành thay! Đó là một tiến bộ lớn trên đường đạo. Khi Ngài Sàriputta chứng quả Alahán đã tuyên bố không còn tin ai nữa cả, nhiều vị không hiểu cho là Ngài ngã mạn tự tôn nên trình bạch với Phật. Đức Phật khen ngợi và xác minh rằng Sàriputta chính là bậc đã hoàn toàn giác ngộ. Nhưng về tri ân thì Ngài Sàriputta luôn hướng về Ngài Assaji là vị thầy đầu tiên giúp Ngài Nhập Lưu để đảnh lễ.
Những vị thầy chân chính không bao giờ muốn đệ tử lệ thuộc vào mình mà chỉ nương tựa nơi Pháp. Khi thực sự trở về trọn vẹn tỉnh thức với thực tại thân thọ tâm pháp đang là hành giả không còn tham ưu, nương tựa, bám víu vào bất cứ ai hoặc điều gì trên đời. Nếu không làm sao trọn vẹn giác ngộ thực tại chân đế - tịch tịnh Niết-bàn?


11. Khi mình chứng ngộ thì sẽ tự biết ai đã chứng ngộ

Kính thưa Thầy,con có thắc mắc,thầy thuốc bác sĩ khi làm công việc của mình còn đăng bảng cho biết mình là bác sĩ, lương y, chuyên khoa gì, chữa được bệnh nào. Nhưng trong đạo tại sao không tu sĩ nào cho biết mình đã đắc đạo chưa, kiến tánh chưa... Con nhớ ngày xưa đức Phật Thích Ca khi đắc đạo còn cho biết mình đã giải thoát khỏi những trói buộc và chiến thắng phiền não tử sanh. Không lẽ đời nay không người nào giải thoát?

Trả lời:

- Bác sĩ thì cần đăng bảng để cho người ta biết mà đến khám chữa bệnh. Còn giác ngộ thì tự mình biết lấy chứ đăng bảng quảng cáo để làm gì? Có lần đức Phật gặp một người tự xưng là đệ tử của Ngài nhưng không biết Ngài là ai, Phật cũng không tự xưng mình là Phật, Ngài chỉ khai thị Sự Thật cho người ấy. Khi người ấy chứng ngộ mới biết Ngài chính là đức Phật mà mình hằng ngưỡng mộ. Ngày xưa Phật và các vị Thánh tự biết mình chứng ngộ chứ không tự xưng, chỉ do chư Thiên và loài người xưng tụng rồi người sau tường thuật lại mà tưởng lầm. Tốt nhất là khi mình chứng ngộ thì sẽ tự biết ai đã chứng ngộ, còn người nào tự đeo bảng quảng cáo sự chứng đắc của mình thì chắc chắn là chứng ngộ dzổm rồi!

12. Đạo giác ngộ thì "Không, vô tướng, vô tác, vô nguyện"

"Trên bước đường Phật đạo/ Con nguyện đi đồng hành/ Với các bậc giác ngộ/ Hiện đời và mãi mãi/ Con tiến bước không dừng/ Theo con đường LỤC ĐỘ/ Xả tất cả phiền não/ Không dính nhiễm các pháp/ Chẳng xâm phạm muôn loài/ Nơi tướng hằng lìa tướng/ Vô trụ một nơi nào/ Không hí luận các pháp/ Nguyện xả thân nghiệp báo/ Được thấy Phật nghe Pháp/ Tỏ ngộ pháp vô sanh/ Thị hiện cõi Ta Bà/ Hóa độ các chúng sanh/ Nguyện được làm con Phật/ Như Ngài La Hầu La/ Trên thượng cầu Bồ Đề/ Dưới cứu khổ chúng sanh/ Bổn nguyện con như thế/ Xin chư Phật mười phương/ Chứng minh và gia hộ/ Cho con sớm viên thành."
Con xin Thầy chỉ dạy con thêm, trong tâm con ước muốn như thế có gì sai không? Con xin thành tâm kính lễ Thầy.

Trả lời:


Nguyện như vậy cũng tốt với người còn mong cầu lý tưởng. Nếu không nguyện có lẽ tốt hơn. Bởi đạo giác ngộ thì "Không, vô tướng, vô tác, vô nguyện". Ngay đây là "tất cả mà cũng không là gì cả", ngay đây là "bất cấu bất tịnh bất tăng bất giảm" thì "hữu, tướng, tác, nguyện" làm gì để phải luôn mong muốn trở thành? Trở thành thì làm sao trọn vẹn với thực tại đang là, trở thành thì
 làm sao vô sanh được con?