Hạt nhân của hạnh phúc

Hạnh phúc là một ước vọng chân thành và cũng là mục đích tối hậu của đời sống con người. Mặc dù mỗi người có một cách mô tả khác nhau về giấc mơ hạnh phúc của mình, nhưng trên căn bản của thực tại, hạnh phúc bao giờ cũng cưu mang trong chính nó một sức sống tràn đầy sinh lực của cảm xúc an bình được sinh khởi từ bản thể của nội tâm. Vì vậy, khi tâm bất an chúng ta sẽ không thể nào chế tác được năng lượng hạnh phúc cho dù hoàn cảnh và điều kiện sống có hoàn hảo đến mức nào đi nữa.

Thật vậy, tâm thức là nền tảng của đời sống, khổ đau và hạnh phúc là những biểu hiện trực tiếp của tâm; hay nói khác đi, chúng là tạo tác của tâm. Do đó, để xây dựng cuộc sống hạnh phúc chân thật, chúng ta không thể chỉ bám víu vào thế giới của cảm xúc mà không quan tâm đến những diễn biến trong dòng thực tại của nội tâm. Thực tế cho thấy rằng, khi tâm được an bình thì lúc nào và ở đâu ta cũng an bình. Vì thế, chăm sóc cho đời sống nội tâm chính là chăm sóc cho hạnh phúc của chính mình.
Hạnh phúc luôn có mặt trong đời sống của chúng ta. Mặc dù vậy, không dễ dàng để có một cuộc sống hạnh phúc nếu chúng ta không tìm cách kích hoạt những hạt nhân của hạnh phúc vốn tiềm ẩn trong đời sống hàng ngày của mình.
Có hai con đường tìm kiếm hạnh phúc, thứ nhất là hướng ra bên ngoài và thứ hai là hướng vào bên trong. Con đường tìm kiếm bên ngoài luôn đòi hỏi chúng ta phải có một đối tượng của hạnh phúc để qua đó nguồn hạnh phúc sinh khởi. Tuy nhiên, đối với hạnh phúc tìm kiếm được từ bên ngoài, chúng ta chỉ có thể chủ động một nửa, một nửa còn lại tùy thuộc vào đối tượng của hạnh phúc. Và đời sống hạnh phúc bên ngoài tất nhiên không thể tồn tại lâu dài vì sự thay đổi liên tục của cuộc sống vô thường.
Ngược lại là con đường tìm kiếm hạnh phúc ở bên trong. Trên con đường này, chúng ta không cần thiết phải tìm kiếm một đối tượng cho hạnh phúc vì chính ta là nền tảng cho hạnh phúc sinh khởi. Những gì cần thiết phải làm ở đây là khơi nguồn cho hạnh phúc nội tại được tuôn trào bằng cách đánh thức mọi tiềm năng hạnh phúc vốn có trong tâm thức của mình. Ðấy chính là đời sống của hiểu biết và yêu thương. Ở đâu có hiểu biết và yêu thương thì ở đó có hạnh phúc. Nguồn hạnh phúc nội tại này là gia tài thực thụ của ta, là nguồn sinh lực vô tận, không hề mai một theo thời gian.
Khi khép kín tâm hồn của mình cũng như con chim tự bay vào lồng, chúng ta sẽ tự giam hãm mình trong một thế giới chật hẹp. Mặc dù ai cũng mong muốn những điều tốt đẹp theo ý mình và không thích những điều không như ý. Tuy nhiên, cuộc sống luôn bao quát cả cái tốt lẫn cái xấu, những điều như ý và không như ý. Do đó, nếu chúng ta cố lẩn tránh cái xấu hay những điều không như ý bằng cách khép kín tâm hồn của mình lại, chúng ta sẽ tự làm cho mình khó chịu hơn.
Trái lại, với một tâm hồn rộng mở, sẵn sàng đón chào cả cái tốt lẫn cái xấu sẽ làm cho đời sống của ta nhẹ nhàng hơn và dễ chịu hơn. Khi chúng ta sẵn sàng đón nhận những điều không như ý, không có nghĩa là lúc nào những điều đó cũng xảy đến với bạn. Nhưng với một thái độ sống cởi mở, chúng ta sẽ làm cho chính bản thân mình tăng thêm nghị lực và sự an bình bên trong càng vững chãi hơn. Vả lại sống cởi mở, sẽ có cơ hội tiếp xúc với những điều tốt đẹp mà ta chưa từng biết và những điều đó có thể giúp ta chuyển hóa những khổ đau của riêng mình.
Ðời sống con người bao nhiêu năm kinh nghiệm đắng cay, bao nhiêu nỗi khổ chất chồng, vì vậy nó cần phải được làm mới trở lại để có thể tiếp tục sống hạnh phúc. Tất nhiên chúng ta không thể “theo lối cũ” để làm mới con người của chính mình mà những gì cần làm ở đây là thay đổi cái nhìn và nếp sống xưa cũ. Ðấy là một sự thay đổi và làm mới toàn diện. Trên thực tế, chúng ta không thể từ bỏ một thói quen nếu ta không huân tập một thói quen mới. Tuy nhiên, trên thực tế, để làm mới con người và cuộc sống của mình trước hết chúng ta phải thay đổi cái nhìn của mình hay nói khác đi là thay đổi cách suy nghĩ và chính cái tâm của mình. Khi tâm thay đổi thì cuộc sống của chúng ta sẽ thay đổi, nhưng chúng ta sẽ không thể nào chỉ qua một ngày mà có thể thay đổi tâm thức của mình một cách toàn diện. Công việc này đòi hỏi những nỗ lực lâu dài và sự kiên trì của bản thân.
Tuy nhiên, chúng ta chỉ có thể làm được điều này bằng chính sức mạnh tịnh hóa nội tâm của mình, đó là sức mạnh của “sự xả ly”. Xả ly là sự buông bỏ, không bám víu, không cố nắm giữ những nỗi ám ảnh được phóng chiếu trong tâm thức, đó là được, mất, vui, buồn, khen, chê, danh vọng và không danh vọng… Bao lâu ta có thể sống vượt lên trên những nỗi ám ảnh này thì đời sống hạnh phúc của ta sẽ thật sự đạt đến vô biên. Ðiều thú vị là, trên con đường xả ly, chúng ta không cần phải làm thêm cái gì hết mà trái lại chỉ cần bỏ bớt những bám víu âm thầm trong tâm thức đi thôi. Ðời sống của xả ly là đời sống của “thực tại vô niệm”, nó vốn không cần đến sự hiện diện của một cái bản ngã cá thể (cái tôi) để được an bình và hạnh phúc. Thật vậy, trong một giấc ngủ thật sâu và thật an lành, chúng ta đâu cần đến “cái tôi”? Trong một trái tim nồng ấm của yêu thương chúng ta cũng đâu cần đến “cái tôi”? Và vì vậy, để đạt đến niềm hạnh phúc vô biên, chúng ta hãy cố gắng buông bỏ cái tôi ích kỷ và nhỏ nhoi của mình.
Nếu như chúng ta cần có không khí để hít thở, thì hạnh phúc cũng cần có không gian và môi trường của nó. Không gian của hạnh phúc là cái tâm của chúng ta, tâm càng lớn chừng nào thì hạnh phúc càng tràn đầy chừng đó.
Mỗi người đều cưu mang một thân phận khác nhau được tạo tác từ chính nghiệp cá thể. Tuy nhiên, mọi người ai cũng mong muốn hạnh phúc và chán ghét khổ đau. Do vậy, ước mong được hạnh phúc của mình cũng giống như ước mong được hạnh phúc của mọi người; và nỗi chán ghét khổ đau của mình cũng là nỗi niềm tha thiết của mọi người. Thấy rõ điều này sẽ giúp cho chúng ta dễ dàng cảm thông với mọi người. Chúng ta sẽ thấy mình và người giống hệt nhau trong ước mong được hạnh phúc và trong sợ hãi khổ đau. Ðây là cái nhìn bình đẳng về thân phận con người, nó sẽ giúp ta vượt qua những hiềm khích ghen tỵ và đi đến cảm thông. Trên con đường tìm kiếm hạnh phúc, cái nhìn của chúng ta càng bình đẳng chừng nào thì cuộc sống của ta càng cởi mở chừng đó; ta sẽ có thêm nhiều bạn bè cũng như giảm bớt những phiền giận do tâm phân biệt gây ra. Sự bình đẳng này là bản chất của cuộc đời cho dù chúng ta không muốn thì nó vẫn là như thế. Trái lại càng cố làm cho mình khác biệt hơn người thì càng cô đơn hơn mà thôi.
Nụ cười là biểu hiện của hạnh phúc và cũng là tiềm năng đem lại hạnh phúc. Thật vậy, bao giờ chùng ta cũng dể chịu khi thấy một nụ cười hồn nhiên. Như những nguyên lý của đời sống an lạc, những hạt nhân của hạnh phúc mà chúng ta vừa bàn đến nếu được khai mở và phát triển nó sẽ làm cho đời sống hạnh phúc của chúng ta trở nên toàn diện và ngày càng viên mãn._

Trích HẠT NHÂN CỦA HẠNH PHÚC
Tác giả: Khải Thiên
http://thuvienhoasen.org/a18454/hat-nhan-cua-hanh-phuc