Be there now
Tôi nhớ, trong quyển Jonathan Livingston Seagull, Richard Bach có kể về một chú chim hải âu trẻ tên là Jonathan Livingston. Chú chán một đời sống vật chất, tầm thường, giới hạn của một kiếp chim nhỏ bé. Chú có ước mơ muốn vươn lên hơn tất cả, được bay thật cao, thật xa… Chú hải âu nhỏ bé ấy lặn lội đi tìm một vị hải âu trưởng lão nhiều tuệ giác để xin học đạo. Vị hải âu già nhìn chú rồi từ tốn dạy rằng, “Nếu con muốn bay thật cao và thật xa, đến bất cứ một nơi nào con muốn, con hãy bắt đầu bằng cách ý thức như là mình đã đến nơi đó rồi vậy.”
Đó cũng là một lời khuyên hay cho chúng ta trên con đường tu học bạn hả? Nhưng thật ra thì ta cũng không thể đến một nơi “cao xa” mình muốn, nếu như ta có sẵn một khái niệm nào đó về nơi ấy rồi! Vì nếu chúng ta có một sự tìm cầu qua lý trí, thì nơi ấy cũng chỉ là do ảo tưởng, ham muốn của mình tạo dựng lên mà thôi. Ta sẽ không bao giờ đến được, mà nhiều khi nó lại còn gây nên nhiều phiền não.
Bạn biết không, ngày nay tôi thấy chúng ta thường hay nói nhiều đến việc sống trong hiện tại, be here now, hãy có mặt ngay nơi đây trong lúc này. Nhưng đôi khi tôi nghĩ, có lẽ mình cũng nên nhắc nhở với nhau rằng be there now, ta hãy có mặt ngay nơi đó trong lúc này. Nếu như nơi đó là thảnh thơi, tươi mát, là tỉnh thức, là tha thứ, thương yêu… thì ta hãy sống sao cho mỗi lời nói, mỗi hành động, mỗi bước đi của ta trong ngày hôm nay sẽ đưa mình về ngay nơi ấy. Tôi nghĩ, ta có thể đến được nơi đó bằng sự trải nghiệm một cách trọn vẹn ở nơi này. Cho dù bất cứ những gì đang có mặt. Và bạn biết không, thật ra đó cũng không phải là một sự cố gắng hay nỗ lực nào hết.
Trải nghiệm không phải là một nỗ lực
Trên con đường tu học, chúng ta thường nghĩ rằng mình cần phải nương tựa vào một phương pháp thực tập nào đó. Tôi nghĩ điều ấy đôi khi cũng là cần thiết. Nhưng nếu nhìn cho sâu thì ta cũng thấy rằng, thực tập cũng chính là sự trải nghiệm thực tại của mình trong giây phút này. Mà trải nghiệm chỉ là ý thức những gì đang có mặt, với một cái thấy trong sáng, chứ ta đâu cần phải làm một cái gì đó! Nếu như có làm gì, thì có lẽ ta chỉ buông xả hết những mong cầu và kỳ vọng của mình mà thôi.
Mỗi khi ta thực tập một điều gì có nghĩa là mình đang là việc ấy. Các tổ ngày xưa dạy chúng ta hãy thực tập như mình đã là việc ấy rồi vậy. Một nhà thư pháp sẽ thực tập vẽ như mình là một nhà thư pháp. Một nhà nhạc sĩ tập đánh đàn như là một nhạc sĩ. Trong thiền tập cũng vậy, chúng ta ngồi yên buông thả như là một thiền sư. Ta đi thiền hành với những bước chân tự nhiên và thảnh thơi như các thầy tổ ngày trước đã đi. Be there now!
Phải chi chúng ta chỉ cần biết buông xả bớt đi thôi phải không bạn? Buông xả giúp ta dừng lại để thôi tìm kiếm những gì xa xôi và kỳ lạ, để quay lại và thấy được rằng, hạnh phúc hay khổ đau, cỗi nguồn cũng ở lòng người mà ra…
Nơi ấy cũng là ở đây
Nơi tôi ở trời cũng bắt đầu vào Thu, với những sắc màu vàng, đỏ, tím, cam nhẹ len vào và tô phết lên trên rừng cây hai bên đường. Tôi có cảm tưởng như những chiếc lá vẫn cứ lưu giữ mãi lại màu sắc của những áng mây hoàng hôn, bình minh trôi qua ở cuối chân trời. Tôi thích cái không gian lành lạnh của mỗi sáng bước ra ngoài. Trên con đường đến sở, hai bên cánh đồng có sương phủ trắng cây cỏ, như những làn khói trắng dầy với những khoảng trống nhỏ của nắng ấm.
Trong chúng ta ai cũng có những mơ ước hạnh phúc, một nơi chốn an ổn để tìm về. Nhưng rồi trong sự tìm kiếm ấy ta sẽ khám phá ra rằng, những gì mà ta đang tìm, thật ra không bao giờ hiện hữu ở bên ngoài. Chúng bao giờ cũng đang có mặt trong ta, rất gần gũi và ngay cạnh bên. Và vì nơi đó cũng là nơi này nên ta đâu cần phải nỗ lực để đi đâu, phải không bạn?
Nhưng dù vậy, chúng ta hãy cứ đi theo giấc mơ của mình, vì tôi nghĩ có lẽ ta cũng sẽ không thể nào tránh được sự tìm kiếm bên ngoài. Nhưng rồi cuối cùng ta hãy quay trở lại với mình. Vấn đề quan trọng là ta biết buông xả và quay trở về. Tôi nghĩ, buông xả là điều kiện đầu tiên để ta dừng lại và trải nghiệm trọn vẹn sự sống đang có mặt. Nếu bạn có nương tựa vào một phương pháp thực tập nào đó, bạn cũng nên nhớ rằng, thật ra chúng cũng để nhắc nhở ta biết quay về lại ngay với nơi này.
Tối qua trên đường về tôi gặp một vầng trăng tròn thật sáng, tĩnh lặng đứng yên trên một thành phố xôn xao vào giờ tan sở. Nhìn vầng trăng tròn sáng, tôi cảm nhận có một cái gì rất chân thật và bình yên. Cũng vẫn là cùng một vầng trăng ấy mà đức Phật đã ngước nhìn dưới cội Bồ đề, ngàn năm về trước. Nó chưa bao giờ đổi thay. Chúng ta hãy quay về thôi.
Nguyễn Duy Nhiên