Những đoạn văn hay (Thiền Sư VIÊN MINH - Thiền Sư U JOTIKA)


"...Đức tin trong Phật giáo không có nghĩa là lòng tin tưởng mù quáng, mà là kết quả của nhận định sáng suốt.
Tiến trình đi đến giải thoát của người Phật tử được ví như sự phát triển của một hạt giống.
Trước hết phải có sức mạnh cần thiết để mầm phá vỡ lớp vỏ dày bao phủ bên ngoài và bắt đầu tiến trình phát triển.
Sức mạnh tất yếu đó là đức tin.


Kế đến, khi đã thoát ra khỏi vỏ, mầm cây bắt đầu nẩy rễ để giúp thân con đâm cành trổ lá, rễ càng dài càng vững chắc thì thân cây càng mau lớn.
Rễ ví như giới, thân cây ví như định và cuối cùng khi đã lớn mạnh, cây mới có thể đơm hoa kết trái.
Hoa ví như tuệ giác (magganāna: Đạo Tuệ) và quả là giác ngộ giải thoát (phalanāna: Quả Tuệ)

Thiền Sư Viên Minh




“Cuộc đời là thế đấy, đừng mang nặng những kỷ niệm quá khứ và mọi lo lắng tương lai trong đầu mình.Hãy sống mỗi và mọi phút giây một cách chánh niệm.
Tương lai sẽ tự nó lo cho chính nó”.
"...Chúng ta có thể làm được gì bây giờ?
Chẳng làm được gì hết.
Tại sao cứ phải phí thời gian và sức lực vô ích mà
thất vọng, bất mãn về điều đó?
Bạn biết không, những “công việc vui vẻ” chỉ mang lại cho bạn nhiều nỗi đau hơn là vui vẻ.
Tôi biết tất cả những gì sẽ xảy đến nhưng không có cách nào để nói cho bạn hiểu được.
Nếu muốn vui vẻ, bạn phải chấp nhận sự đau đớn luôn đi cùng với nó. Nếu bạn không muốn đau đớn, thì đừng chạy theo thú vui.
Phiền não làm cho cuộc đời thêm phức tạp. Không có lòng tham, ham muốn và dính mắc, bạn có thể sống một cuộc sống đơn giản như thiền sư Ryokan.
Tôi không muốn bảo bạn hãy trở thành một nhà sư. Tôi biết việc đó quá khó với bạn, nhưng ít nhất bạn cũng có thể là một người cư sỹ tại gia sống một cuộc đời đơn giản..."

Thiền Sư U.Jotika



"Chính vô thường, khổ, vô ngã là vẻ đẹp của cuộc đời".Nếu không thấy đời là vô thường, người ta sẽ chấp giữ những cái đã khô chết của quá khứ, hoặc bám víu vào một quan niệm thường hằng trong ảo tưởng, làm sao sự sống có thể luôn luôn đổi mới từng sát-na?
Nếu không thấy đời là khổ đau con người sẽ mãi mãi đắm chìm trong lầm lạc và dục vọng, chỉ biết lợi mình hại người, làm sao giải thoát khỏi những tà kiến và tham ái?
Nếu không thấy đời là vô ngã, chiến tranh để giành phần thắng về mình hoặc để chiếm hữu cho riêng mình sẽ không bao giờ chấm dứt.
Chính vô thường, khổ, vô ngã giúp con người giác ngộ giải thoát ra khỏi ảo tưởng tự trói buộc mình, vậy không phải đó là vẻ đẹp của cuộc đời hay sao?

Thiền Sư Viên Minh



Bạn muốn coi cái gì là giá trị nhất trong cuộc đời?Chẳng có sự thỏa mãn trong bất cứ cái gì hết, thế nhưng chúng ta vẫn cứ nghĩ, “Tôi sẽ hạnh phúc nếu…”.
Tìm kiếm sự thỏa mãn là tìm kiếm sự đau đớn. Hiểu biết điều này thật sâu sắc, chúng ta sẽ học cách buông bỏ.
Những lý giải về tâm lý đều đúng, (tôi thích nghiên cứu về tâm lý học), nhưng chỉ trừ khi nó dẫn đến nhìn rõ sự dính mắc của chúng ta và buông bỏ, còn không nó sẽ chẳng hề mang lại sự bình yên chút nào hết.
Không có sự bình an, chúng ta vẫn cứ rối mù và vẫn không hạnh phúc.
Sự hiểu biết về mặt tri thức không đủ; nó chỉ lý giải và lý giải, và khó khăn thì vẫn cứ chất đống lên – lý giải không bao giờ có hồi kết cả..."

Thiền Sư U.Jotika



"... Vì chúng ta thường thấy thực tại qua tướng khái niệm, nên không thấy thực tại tánh chân đế (Ta) ẩn mật đàng sau hiện tượng đó . Vì vậy, cần phải thường chánh niệm, tỉnh giác (ngày đêm tỉnh thức) mới có thể phát hiện được Sự Thật Tột Cùng.Phật dạy vô ngã vì tất cả đều là Pháp.
Nên phải qui y Pháp, sống thuận Pháp thì mới giác ngộ giải thoát, chứng ngộ Niết-bàn, còn khởi lên ý niệm ảo tưởng có ta, người, chúng sinh, kẻ nhận… là bị vô minh ái dục chi phối, thì liền đắm chìm triền miên trong luân hồi sinh tử..."

Thiền Sư Viên Minh



"... Sống ở trên đời là cả một nghệ thuật.Không có một công thức, một khuôn mẫu nào cho nó cả. Bạn phải luôn luôn tỉnh thức và sáng tạo. Một khi đã đánh mất đi tính sáng tạo, thì bạn sống cũng như chết rồi. Tính sáng tạo trong cách sống
cuộc đời mình thật là quá hiếm. Chẳng trách mọi người cứ ứng xử như một cái máy.
Chẳng trách họ chẳng hề có niềm vui trong cuộc sống.
Tất cả chúng ta đều có những thăng trầm trong cuộc sống. Điều quan trọng là phải nhìn chúng thật khách quan.
Tôi sống cuộc đời mình trọn vẹn trong từng khoảnh khắc hiện tại. Không suy nghĩ quá nhiều và làm tâm mình rối tung lên.
Chấp nhận cuộc sống như nó đang là và cũng sẵn sàng chết bất cứ giây phút nào.
Người ta nói cuộc đời đầy khó khăn. Nó sẽ còn khó khăn hơn đối với những người không cần phải làm việc.
Nhưng bạn vẫn có thể sống vui vẻ và học hỏi được rất nhiều từ cuộc đời..."

Thiền Sư U.Jotika



"...Thật ra, chúng ta đang chết dần từng giây, từng phút, chứ không phải chỉ đến lúc nhắm mắt xuôi tay mới gọi là chết.
Mỗi một điểm nhỏ thời gian (sát-na) trôi qua, chúng ta đã già đi một ít, các tế bào đã bị hủy diệt đi một ít.
Nhưng sự biến đổi quá nhanh chóng nên ta không nhận chân ra được.
Bao lâu chúng sinh còn vô minh, ái dục, phiền não, ô nhiễm thì vẫn còn bị chi phối bởi định luật tử sinh.
Trái lại Đức Phật đã diệt tận vô minh nên không còn hành, tức không còn tạo nghiệp. Không có hành nên thức không sanh.
Thức không sanh nên danh sắc, tức thân tâm không sanh.
Thân tâm không sanh thì làm sao có lục nhập: mắt, tai, mũi, lưởi, thân, ý.
Không có lục nhập thì không có sự xúc chạm. Không có sự xúc chạm thì không sinh ra cảm giác vui khổ.
Không có vui, khổ thì không có ái, tức không sinh yêu ghét.
Không có yêu ghét thì không có chấp thủ, muốn có, bám víu, giữ chặt.... Không có thủ thì không có hữu, không có sinh, không già, chết.
Đức Phật không còn vô minh, ái dục... nên đã thoát ra khỏi tử sinh tức Ngài đã chiến thắng được tử thần ma..."

Thiền Sư Viên Minh



"...Tôi coi đau khổ như một phần của cuộc sống, một phần rất quan trọng.
Làm sao tôi có thể học hỏi được điều gì nếu tôi không đau khổ?
Nhưng tôi bình tĩnh mỗi khi tôi đau khổ. Ai có thể tin được rằng tôi lại đau khổ sâu sắc đến thế?
Tôi không nghĩ rằng cuộc đời không nên có đau khổ; tôi không nghĩ rằng tôi cần phải loại bỏ đau khổ; tôi không cố gắng vượt qua đau khổ, nhưng tôi cố gắng biến đau khổ trở thành có ý nghĩa; tôi cố gắng thấu hiểu đau khổ một cách sâu sắc.
Không chống cự. Tôi không bị trầm cảm, lo lắng bất an. Tôi chỉ hy vọng rằng tôi đủ trí tuệ để thấu hiểu đau khổ và cuộc sống.
Mỗi khi tôi đau khổ cực cùng, tôi lại tiến thêm một bước về phía xa rời dính mắc. Nó dạy tôi buông bỏ..."

Thiền Sư U.Jotika



"...Trên đường giác ngộ giải thoát hành giả phải tùy nghi vận dụng pháp hành sao cho phù hợp với từng lúc, từng điều kiện của thực tại biến ảo vô thường.
Như một vị lương y khi bắt mạch, phải lắng nghe thật kỹ càng từng trường hợp để định bệnh và kê thuốc cho chính xác.
Lắng nghe chính mình còn tinh tế hơn nhiều nên không phải lúc nào cũng chỉ áp dụng một pháp môn để ứng xử với mọi tình huống của thực tại được.
Phiền não là pháp (thực tại), mà pháp là phải thấy ngay (sanditthiko) không chờ thời gian (akāliko), nên hãy trở về mà nhìn lại (ehipassiko) ngay trong chính nó (opanayiko) thì mỗi người sẽ tự thấy tự biết (paccattam veditabbo viññūhi).

Thiền Sư Viên Minh



"...Một ngày nào đó tất cả chúng ta rồi sẽ phải chết. Có thể ngay bây giờ. Chắc chắn 100% là tất cả chúng ta rồi sẽ chết.
Biết điều đó, chúng ta phải sống thực sự trí tuệ và đừng hoang phí thời gian và sức lực vào những điều phù phiếm, vụn vặt, đừng mất công lo lắng và nghĩ ngợi những điều vô ích.
Cái chết thì không đến nỗi tệ thế đâu. Cái đau trong lúc chết mới thực là khó khăn.
Bởi vì sự dính mắc nên chúng ta mới nghĩ cái chết là điều tồi tệ, vì khi chết chúng ta phải rời bỏ tất cả những gì mình yêu dấu.
Tôi nghĩ chúng ta phải tự rèn luyện mình để chết với một trái tim bình yên, và biết cách rời bỏ tất cả những gì mình thương yêu, dính mắc.
Một người chưa học được cách sống bình an thì chưa thể học hỏi được gì nhiều từ cuộc đời..."

Thiền Sư U.Jotika