Thái độ đúng khi hành thiền - Thiền sư Tejaniya

Thế nào là thái độ đúng khi hành thiền?
Xin bạn hãy kiểm tra lại thái độ của mình khi bắt đầu hành thiền. Bạn đang hành thiền với thái độ hay quan kiến đằng sau tâm như thế nào? Bạn chỉ muốn một trạng thái tâm bình an hay muốn học hiểu những gì đang diễn ra? Tâm không thể mát lạnh và tĩnh lặng khi bạn muốn có một kinh nghiệm nào đó ngoài những gì đang thực sự diễn ra trong hiện tại.

________________________

Tâm tĩnh lặng với định khi nó không còn chạy theo
hay tìm kiếm những kinh nghiệm nhất định nào đó.
_______________________
Không cần thiết phải chạy quanh cố ép tâm mình phải hay biết một cái gì đó bởi vì tâm vẫn luôn hay biết. Bản chất của tâm là hay biết những đề mục đang diễn ra. Hãy kiểm tra lại tâm mình. Không cần phải tạo nên một cái gì cả. Bạn chỉ cần quan sát những đề mục và những kinh nghiệm đang diễn ra, đúng theo bản chất pháp của nó. Hãy chờ đợi và quan sát với trí thông minh.
Không có kinh nghiệm nào là sai lệch hay gây rối cả, bởi vì tất cả mọi kinh nghiệm đều mang bản chất của pháp cả. Những gì đang diễn ra trong thân cũng có bản chất pháp, nhưng gì đang diễn ra trong tâm cũng mang bản chất pháp. Không có cái gì thuộc về tôi hay thuộc về bạn cả. Cảm giác nóng chỉ là cảm giác nóng và là bản chất của pháp. Chúng ta cảm thấy nóng hơn chỉ khi chúng ta sở hữu cái nóng đó là của mình và phát triển sự chống đối lại nó.
Tất cả mọi thứ diễn ra bởi vì nhân duyên. Công việc của chúng ta chỉ là:

• Có thái độ đúng
• Duy trì chánh niệm
• Sử dụng trí thông minh
• Có hứng thú.

Với chánh kiến và chánh tư duy, chánh niệm sẽ trở nên liên tục và có đức tính không dễ duôi, không quên đề mục đúng đắn của nó (appamāda). Khi trí tuệ có mặt trong sự hay biết thì đó là chánh niệm.

Chúng ta quan sát như thế nào?

Không cần phải đi tìm đề mục mình lựa chọn. Trong pháp hành này, chúng ta chú ý đến cái tâm đang hoạt động, tâm thiền và phát triển các tâm thiện. Vì vậy, chúng ta có thể sử dụng bất cứ đề mục nào để phát triển chánh niệm, định tâm và đạt được tuệ giác về bản chất của các hiện tượng (thân và tâm) thay vì tạo ra thêm tham, sân, si do tà kiến và những quan kiến sai lầm trong tâm.
Bởi vì có thể dùng bất cứ đề mục nào để phát triển chánh niệm, nên chúng ta có thể bắt đầu chánh niệm với bất cứ đề mục nào.
______________________

Không nên sai lầm nghĩ rằng ở đó có đề mục khác tốt hơn những gì bạn đang kinh nghiệm trong hiện tại.
_______________________

Không có kinh nghiệm nào tốt hơn những gì bạn đang kinh nghiệm trong hiện tại cả. Điều quan trọng là cái tâm đang chánh niệm và hay biết. Điều quan trọng nữa là cách tâm mình nhìn nhận và quan sát kinh nghiệm ra sao.
Không cần phải chạy quanh tạo ra hay cố gắng chạy theo những kinh nghiệm khác nhau. Đề mục thiện hay bất thiện? Nó chẳng thiện hay bất thiện gì cả. Kinh nghiệm chỉ là kinh nghiệm. Đề mục chỉ là đề mục. Đề mục thì luôn luôn có sẵn đó. Hay biết và quan sát là công việc của tâm mình. Tâm biết tất cả những gì ở đó cần phải biết. Đây là những câu hỏi quan trọng hơn: Tâm đang có thiện hay bất thiện?

Tại sao chúng ta phải chánh niệm?



Tại sao chúng ta phải chánh niệm? Chúng ta chánh niệm vì muốn hiểu biết. Chúng ta chờ đợi, quan sát và nghiên cứu những gì đang xảy ra trong thân và tâm để hiểu được bản chất của chúng. Chúng ta không cố ý làm cho tâm tĩnh lặng hay cố để có được một “thời thiền tốt”. Chúng ta hành thiền để nhìn rõ những gì đang diễn ra như nó đang là và có thái độ đúng đắn với những thứ đang diễn ra đó (chúng là tự nhiên và không có gì là của mình cả). Chúng ta cần thấy tự nhiên chỉ là tự nhiên, nhận biết đề mục chỉ là đề mục, và biết những gì cần biết.
Khi có suy nghĩ rằng đối tượng này hay kinh nghiệm này là tốt, thì sẽ có tâm tham với nó. Khi thấy rõ cái nào đúng là đúng, cái gì có mặt ở đấy là ở đấy, thì bạn sẽ thoát khỏi tâm tham. Nhưng khi chúng ta không biết cách thực hành thì tâm tham sẽ chỉ càng lớn mạnh. Chúng ta hành thiền để giải thoát khỏi tâm tham và chấp thủ.


Hạnh phúc với chánh niệm

Bạn sẽ thấy kinh nghiệm chỉ đang tự diễn ra theo đúng bản chất của nó khi bạn biết chờ đợi và quan sát với chánh niệm và trí tuệ. Bất cứ cái gì đang diễn ra, hãy để nó tự diễn ra. Không cần phải vui hay buồn về những gì đang diễn ra và cũng không cần thích hay không thích bất cứ một kinh nghiệm nào. Bất cứ cái gì bạn kinh nghiệm được trong hiện tại đều là kinh nghiệm đúng. Hãy hạnh phúc rằng mình đang có sự hay biết và chánh niệm, bởi vì tự thân điều đó đã là việc thiện rồi.
_______________________

Tâm không yên lặng-nó luôn luôn suy nghĩ. Bạn nên thấy hạnh phúc rằng mình thấy được tự nhiên như nó đang là và có khả năng nhận ra được điều đó.
_______________________

Biết tâm mình không tĩnh lặng khi nó không tĩnh lặng, đó là chánh kiến (sammā-ditthi). Hay biết rằng tâm đang suy nghĩ trong khi có suy nghĩ là chánh niệm. Nhưng rất nhiều lần bạn cứ muốn suy nghĩ ấy phải dừng lại bởi vì bạn cho rằng nó đang quấy rối bạn. Nhưng khi bạn tham muốn cố gắng làm cho nó tĩnh lặng, điều đó chỉ làm phức tạp thêm vấn đề và đem lại căng thẳng.

Hãy làm tất cả những việc gì là thiện

Bất cứ cái gì thiện hay bất thiện đều xuất phát từ trong tâm cả. Tại sao có thiện và bất thiện? Những phẩm chất tâm thiện và bất thiện này sanh khởi bởi vì những phản ứng của chúng ta đối với những đối tượng tâm hay biết. Tất cả những gì thiện đều bắt nguồn từ thái độ đúng, khuôn nếp chân chánh của tâm, và như lý tác ý (yonoso manasikāra – định hướng tâm đúng đắn). Mọi điều bất thiện đều xuất phát từ thái độ sai, khuôn nếp sai và phi như lý tác ý (aynoniso manasikāra – định hướng tâm sai lầm).
Luôn cố gắng sống với những hành động đúng đắn, lời nói chân chánh và những phẩm chất tâm thiện lành. Hãy làm tất cả mọi việc thiện: bố thí, cúng dường (dāna), giữ giới (sīla), phát triển sự ổn định của nội tâm (samādhi) và hành thiền vipassanā (bhāvanā). Trong tất cả những việc thiện này, hành thiền là việc thiện cao nhất. Vì vậy, đừng quên mục đích của mình.
Chúng ta đạt đến Niết Bàn chỉ khi tất cả những thiện pháp có mặt đầy đủ. Tâm không có tham sân si là một cái tâm đầy trí tuệ và một cái tâm như vậy mới có thể chứng ngộ được Niết Bàn. Sẽ rất khó nếu những hiểu biết chưa đầy đủ và những phẩm chất tâm bất thiện vẫn còn xen lẫn vào trong các kinh nghiệm của mình.

Tạo đà chánh niệm

Bạn phải thư giãn. Tâm thiền của bạn có rộng mở, thành thật và không thiên vị hay không? Khi tâm không tham muốn điều gì, không bất mãn điều gì, nó yên lành và có chánh kiến. Nó thấy tự nhiên chỉ là tự nhiên. Chánh niệm trở nên liên tục. Khi đó, bạn sẽ không nghĩ những suy nghĩ tiêu cực hay nói xấu người khác. Giới hạnh vững chắc. Định tâm luôn hiện diện trong trí tuệ nhận biết đề mục chỉ là đề mục. Nó biết những thứ có mặt ở đó cần biết. Định tâm có mặt bởi vì không còn tâm tham cầu những kinh nghiệm khác hoặc chống đối lại những gì đang diễn ra.
Giữ giới, tu tập định và tuệ là thực hành theo lời dạy của Đức Phật và duy trì, giữ gìn Phật Pháp. Trong mọi trường hợp, khi bạn tránh làm việc sai lầm, làm những gì đúng đắn với chánh niệm + trí tuệ, thì tất cả mọi thứ đã bao gồm trong đó cả rồi.

Hãy kiểm tra lại tâm thiền:

• Có thái độ đúng không?

• Tâm có hay biết và tỉnh thức không? Hay là đang lờ đờ và nặng nề?

• Có hứng thú tu tập không?

• Nó chỉ hay biết một đề mục thôi sao? Có thể hay biết thêm đề mục khác nữa được không?

• Tâm hay biết được bao nhiêu đề mục?

Khi pháp hành có được đà quán tính, chánh niệm sẽ mạnh mẽ hơn. Khi chánh niệm mạnh hơn, tâm quan sát sẽ không còn tham cầu nữa. Nó sẽ đồng thời chánh niệm được nhiều đề mục khác nhau từ các cửa giác quan.
________________________

Chánh niệm giống như máy thu sóng truyền hình
vệ tinh, có thể bắt được nhiều kênh khác nhau.
Có chánh niệm về tâm quan sát và có sự ghi nhận
xem thái độ đúng hay sai
_______________________

Tâm biết nó đang làm gì. Khi tất cả những điều này diễn ra, không có gì là thuộc về cá nhân mình cả - đó không phải là “công việc của tôi” hay “tôi”. “Tôi” không chánh niệm, tâm và đề mục sanh khởi cùng nhau và tâm chỉ đơn giản hay biết. Không có ai cả, không có một thực thể nào, không có người nào đằng sau những tiến trình ấy. Tất cả chỉ là tự nhiên.
Chúng ta hành thiền vì lợi ích của chính mình. Hãy tiếp tục thực hành Pháp với niềm vui, sự hứng thú và lòng trân trọng, cung kính.

Trích:
PHÁP Ở MỌI NƠI - DHAMMA EVERYWHERE - Thiền sư Sayadaw U Tejaniya - Người dịch: Sư Tâm Pháp