Kiến Tánh là mục tiêu tối yếu của người tu hành

Bồ Đề Đạt Ma dạy rằng: “ Dẫu có giỏi, nói được ngàn kinh, muôn luận mà không thấy Tánh thì vẫn là phàm phu, chẳng phải là Phật Pháp. Đạo lớn kín sâu, không thể nói cho hiểu được. Kinh điển dựa vào đâu mà vói tới? Chỉ cần thấy Tánh thì dù không biết một chữ cũng được Đạo”. Thấy Tánh là thấy cái gì? Học Đạo, hành Đạo kể ra cũng được một thời gian khá dài rồi, nhưng tôi chẳng hiểu gì về kiến Tánh cả?
- Vâng, thưa anh, kiến Tánh là mục tiêu tối yếu của người tu hành, là yếu chỉ của Thiền Tông, là bước vào cửa giải thoát, là được Đạo, là ngộ nhập tri kiến Phật, là trực ngộ chân lý tối thượng, tối hậu. Bản tuyên giáo của Thiền Tông mà Tổ Bồ Đề Đạt Ma tuyên đọc khi Ngài tới Trung Quốc được dịch ra Hán tự bằng bốn câu, mỗi câu bốn chữ, cả thẩy có mười sáu chữ như sau:


Bất lập văn tự. Giáo Ngoại biệt truyền.
Trực chỉ nhân tâm. Kiến Tánh thành Phật.

Sau đó, Ngài còn nhấn mạnh bằng một lời khẳng định đanh thép mà anh vừa nhắc lại đấy.
Còn Ngài Ngũ Tổ thì nói rằng không kiến Tánh học pháp vô ích. Đến thời Lục Tổ thì Ngài còn nói mạnh mẽ hơn nữa :

“Bất kiến Tự Tánh ngoại mích Phật.”
“Khởi tâm tổng thị đại si nhân”


Nghĩa là những ai tu hành mà không kiến Tánh, cứ quay ra ngoài tìm Phật thì hết thẩy đều là những kẻ quá ngu si. Ngài cũng đã minh thị khẳng định là Ngài “duy truyền Kiến Tánh Pháp”, nghĩa là tông phái của Ngài chỉ dạy Pháp Kiến Tánh mà thôi. Thiền Sư Minh Chánh cũng lớn tiếng:

“Chẳng biết bản lai vô nhất vật.”
“Công phu cũng uổng một đời ai.”

Chẳng biết bản lai vô nhất vật tức không kiến tánh thì mọi công phu tu hành đều phí uổng thôi.

Trong Thiền Tông, việc truyền thừa bao giờ cũng lấy kiến Tánh làm cơ sở. Hai mươi tám vị Tổ tại Ấn Độ và sáu vị Tổ tại Trung Hoa đều lấy tiêu chuẩn kiến Tánh để truyền y bát cho người kế vị. Ngũ Tổ Hoàng Nhẫn không truyền y, bát cho giáo thọ Thần Tú, mặc dù Ngài Thần Tú là một kho kinh sách, hiểu rộng biết nhiều, nhưng lại truyền cho Ngài Huệ Năng, một người thất học, không biết một chữ, để lên ngôi vị Lục Tổ, chỉ vì Ngài Huệ Năng đã kiến Tánh còn Ngài Thần Tú thì chưa.Kiến Tánh quả là một điều vô cùng quan trọng. Không kiến Tánh và an trú trong Tánh được thì không thể có giải thoát, giải thoát tức thì khỏi phiền não, khổ đau và sợ hải cũng như giải thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi thống thiết này. Nhưng thưa anh, kiến Tánh lại không phải là vấn đề cần được hiểu biết qua văn tự, ngôn từ mà là vấn đề phải khéo nhận ra, phải khéo phát hiện ra thôi. Tôi xin kể anh nghe một vài giai thoại của Thiền Tông:

a- Chuyện Sa Di Cao

Thiền Sư Dược Sơn hỏi:
-Ta nghe ở Trường An rất náo loạn, ngươi có biết không?
- Sa Di Cao thưa:
- Nước con an ổn.
-Ngươi xem kinh mà đuợc hay thưa hỏi mà được?
-Chẳng do xem kinh mà được, cũng chẳng do thưa hỏi mà được.
- Biết bao người không xem kinh, cũng không thưa hỏi sao không được?
- Chẳng nói họ không được, chỉ vì họ không nhận ra thôi.

b- Chuyện Ông tăng Huệ Lãng

Ông tăng Huệ Lãng hỏi Ngài Thạch Đầu: - Thế nào là Phật?
- Ông không có Phật Tánh.
- Những loài: bò, bay, máy, cựa thì thế nào?
- Chúng lại có Phật Tánh.
- Chúng có Phật Tánh, tại sao Huệ Lãng này lại không?
- Vì Ông không chịu nhận ra.

c- Chuyện Ngài Cồ Đàm.


Lại nữa, khi thuyết giảng về Kinh Kim Cang tại Đạo Tràng Shree Rajneesh, Poona, Ấn Độ, Ngài Osho cũng có kể rằng: Trong một kiếp, ba ngàn năm trước khi chứng ngộ, Ngài Cồ Đàm ( Gautama) có đến gặp Đức Cổ Phật Dipankara và tỏ ý muốn xin nhận Đức Cổ Phật làm tôn sư để theo thầy, học Đạo, nhưng Đức Cổ Phật Dipankara cười và nói là chẳng có gì để học cả. Chân lý không thể học được. Chân lý phải được phát hiện ra, phải được nhận ra thôi. Chân lý đã có sẵn nơi con rồi. Chân lý đang chờ con nhận ra đấy.
Đúng như lời dạy của Đức Cổ Phật Dipankara, ba ngàn năm sau, khi Ngài Gautama Siddhartha tức Đức Phật Thích Ca Mầu Ni thành Đạo thì có người đến hỏi Ngài: “ Thưa Ngài, Ngài đã chứng đắc cái gì?” Đức Phật trả lời: “Ta chẳng chứng đắc cái gì cả. Ta chỉ nhận ra cái ta đã sẵn có mà thôi”.

Qua mấy câu chuyện này, chúng ta thấy rõ là chân lý không phải là điều mà người hành Đạo phải nỗ lực để thực hiện, để hoàn thành, để đạt tới, mà chân lý phải khéo phát hiện ra, phải khéo nhận ra thôi. Nhận ra chân lý tức là phát hiện ra Bản Thể thường hằng cũng tức là kiến Tánh. Nhưng làm thế nào để kiến Tánh tức nhận ra cái Tánh nơi mình?
Tánh, trong Phật Học, còn có nhiều tên gọi khác như: Phật Tánh, Giác Tánh, Chân Tánh, Tự Tánh, Chân Tâm, Pháp Thân, Như Lai Tạng, Bản Lai Diện Mục, Đệ Nhất Nghĩa, Chân Ngã, Đạo v.v, Trong Lão Giáo cũng goi là Đạo. Trong Ấn Độ Giáo thì gọi là Cái Ấy. Các tôn giáo khác thì gọi là Thượng Đế. Tánh chính là cái bản thể, cái uyên nguyên, cái cội gốc của vũ trụ vạn hữu. Tánh vốn cực kỳ huyền bí, cực kỳ vĩ đại, cực kỳ linh thiêng nên không có cái tên gọi nào phản ảnh được phần nào cái chân lý tối thượng, tối hậu này. Tánh không có hình tướng, nó chỉ là một sự trống rỗng (emptiness) thôi, nên với giác quan hữu hạn cả về số lượng lẫn khả năng của con người nhỏ bé, chúng ta vô phương nhận ra được Tánh. Chúng ta nếu đủ phước duyên thì cũng chỉ nhận ra được cái Dụng của Tánh, rồi từ đó biết có Tánh mà thôi.

Tánh có hai cái Dụng:
a/ Quyền năng sáng tạo ( pouvoir de creation theo tiếng Pháp hay creative power theo tiếng Anh). Vạn hữu trong vũ trụ này nhất nhất đều từ cái trống rỗng không hình, không tướng đó mà ra, chân không diệu hữu là vậy, hay nói môt cách khác thì vũ trụ vạn pháp chỉ là hiện tượng và hiện tượng nào lại chẳng từ Bản Thể mà ra. Lục Tổ Huệ Năng, khi đại ngộ, Ngài đã nhận ra cái Dụng thứ nhất này của Tánh và đã thốt lên: Đâu ngờ Tự Tánh hay sanh muôn pháp.

b/ Khả năng thấy biết ( faculté de connaissance theo tiếng Pháp hay perceptive faculty theo tiếng Anh) Cái khả năng thấy biết điều này, điều nọ nơi chúng sanh là cái Dụng thứ hai của Tánh. Thiền Tông không đề cập đến cái Dụng thứ nhất và chỉ đặc biệt nhấn mạnh đến cái Dụng thứ hai này mà thôi. Trong Thiền Tông khi nói kiến Tánh là nói đến việc trực nhận ra cái Dụng thứ hai này của Tánh. Rồi từ cái Dụng ấy biết có cái Thể. Và Thể , Dụng không có khoảng cách, nếu không muốn nói chúng dính liền với nhau. Thể, Dụng không hai là vậy.
Ví dụ: ban đêm đi dạo, ta thấy ánh sáng từ trên lầu cao của ngôi nhà bên đường rọi xuống, ta biết chắc là trong nhà có cây đèn đang thắp, mặc dù ở dưới đường ta không thể thấy cây đèn ấy. Đèn là Thể và ánh sáng là Dụng. Thấy được Dụng thì biết có Thể. Cái biết này chắc chắn không thể sai lầm. Có ánh sáng là có đèn. Có đèn là lập tức có ánh sáng. Đèn và ánh sáng không hề lìa nhau. Tiếp xúc được với ánh sáng cũng là tiếp xúc được với đèn vậy. Có đèn mà không có ánh sáng là cây đèn chết. Có Thể là lập tức có Dụng. Thể mà không có Dụng là cái Thể chết. Tiếp xúc với Dụng thì cũng là tiếp xúc với Thể, vì Thể, Dụng không hai. Ban nãy, trong lúc đang dùng bữa thì có tiếng chuông rung gọi cửa. Bốn anh em mình ai cũng đều thấy biết tiếng chuông cả. Nếu trong phòng có thêm nhiều vị khác thì các vị ấy chắc chắn cũng thấy biết tiếng chuông như bốn anh em mình vậy. Và nếu may mắn trong phòng lại có một vị Phật sống thì Ngài cũng thấy biết tiếng chuông y như chúng ta thôi, vì Tánh thì ở Phật hay ở chúng sinh cũng không có gì khác biệt. Cái khả năng thấy biết tiếng chuông gọi cửa chính là cái Dụng của Tánh đấy. Cái khả năng thấy biết trong: nhìn, nghe, ngửi, nếm và xúc chạm đều là cái Dụng của Tánh cả. Cái thấy biết này là cái thấy biết trực tiếp, không thông qua phán đoán, suy nghĩ. Cái thấy biết mà Lục Tổ gọi là “Hạnh Trực” và Ngài J Krishnamurti gọi là “Pure Perception” đấy, anh ạ. Lúc nãy, chúng ta có cần phải suy nghĩ mới nghe thấy tiếng chuông đâu, phải không anh? Không có Tánh thì chúng ta ắt vô tri kiến. Thử hỏi, nếu hôm nay trong phòng này có một pho tượng thì pho tượng ấy liệu có thấy biết tiếng chuông gọi cửa như chúng ta không? Chắc chắn là không. Không có Tánh thì chúng ta không thể tồn tại được. Xác thân này với nguồn sinh lực nội tại tiềm ẩn trong nó là cái Dụng thứ nhất của Tánh. Còn khả năng thấy biết điều này, điều nọ là cái Dụng thứ hai của Tánh.
Tánh lúc nào cũng thường trực nơi chúng ta. Chỉ một sát na vắng Tánh là chúng ta đã tiêu vong rồi. Chẳng khác gì như một món đồ điện bị rút ra khỏi dòng điện. Vừa rút ra là lập tức món đồ điện kia trở thành món đồ chết. Chúng ta trong đời có thể sống bình thường như chúng ta hằng sống, đều là nhờ vào Tánh cả. Nay sao nhận ra được Tánh thì con đường tu hành kể như đã tới trạm chót, không phải đi đâu nữa, không phải tìm kiếm điều gì nữa. Vấn đề còn lại chỉ là an trú trong Tánh mà thôi. Thời gian an trú trong Tánh này Nhà Thiền goi là thời gian Bảo Dưỡng Thánh Thai. Đây là thời gian để cho quặng được tinh luyện thành vàng, vĩnh viễn không trở lại trạng thái quặng nữa; thời gian để cho các bậc tu hành đã kiến Tánh dứt khoát trở thành Phật không trở lại làm chúng sinh nữa. Thời gian này dài ngắn tuỳ vào căn cơ mỗi hành giả. Với Ngài Lục Tổ thời gian này là 15 năm, với Ngài Triệu Châu Tùng Thẩm là 30 năm, với Ngài Huệ Trung là 42 năm và với Ngài Duy Tín là 30 năm. v. v.
Hành giả nào nhận ra Tánh và an trú trong Tánh thì hành giả ấy chính là một vị Phật sống ở giữa thế gian này. Đối với một hành giả thì việc nhận ra được Tánh là một bước vô cùng quan trọng. Đúng vậy, cái điều rốt ráo nhất mà Thiền Tông nhắm tới là giúp cho Thiền sinh hay Thiền gỉa nhận ra được Tánh. Các vị Thiền Sư thường xử dụng ba giác quan, đó là Nhãn, Nhĩ và Thân để chỉ cho đệ tử nhận ra cái khả năng thấy biết thường trực ở nơi mỗi người, chẳng hạn các ngài giơ cây phất trần lên để đệ tử thấy, gọi một tiếng để đệ tử đáp, hay đánh cho một gậy để đệ tử thống cảm. Rồi từ đó các đệ tử nếu có phước duyên sẽ liền trực nhận ra cái đã cho mình thấy, cho mình nghe và cho mình thống cảm.

***

Kiến Tánh không phải là vấn đề có thể giải quyết bằng học hiểu kinh sách. Ngài Bồ Đề Đạt Ma nói lời mà anh vừa nhắc lại ở trên là kinh sách không thể vói tới Đạo tức tới Tánh được. Nên bản Tuyên Giáo đã minh thị chủ trương: “Bất lập văn tự” là vậy. Đây là vài câu chuyện trong Nhà Thiền, tôi xin nhắc lại anh nghe:
Shoju, một đệ tử đã ngộ Đạo, được vị bổn sư là Munan muốn truyền trao cho một cuốn sách quý, nhưng Shoju từ chối, không nhận và nói rằng con học Thiền không văn tự của Thầy đã đầy đủ quá rồi. Vị bổn sư cứ nài ép, bắt Shoju phải nhận. Nể tình thầy, Shoju đành nhận sách, nhưng sau đó cũng đem sách vất vào lò lửa, chứ không giữ lại để tiếp tục truyền trao, có lẽ vì xét ra rằng kinh sách chẳng giúp ích gì trong việc kiến Tánh.
Ngài Đức Sơn xuất gia học thông kinh điển, trở thành một giảng sư Kinh Kim Cang nổi tiếng. Sau nhờ sự khai thị vô ngôn của Thiền Sư Sùng Tín, Ngài đã tỏ ngộ. Ngay sau khi tỏ ngộ, Ngài đã mang hết kinh điển mà Ngài có và đã bỏ công nghiên cứu, học hiểu trước đây ra đốt hết, cốt là để nói lên rằng Tánh không thể tìm trong kinh điển được vì Tánh ở ngoài kinh điển, ở bên kia kinh điển, và chính cái rừng kinh điển này đã giam hãm Ngài, không cho Ngài nhận ra cái lẽ thật bất sanh, bất diệt kia. Thiền Sư Huyền Giác, sau khi tỏ ngộ đã thốt ra lời tự thán trong tác phẩm “Chứng Đạo Ca” của Ngài: “Đa niên uổng tác phong trần khách” vì mải mê “tích học vấn” và “tầm kinh luận”, nghĩa là Ngài tỏ ý rất hối tiếc về một thời gian dài trước đó Ngài đã bỏ phí vì hướng ra ngoài tìm Đạo nơi ngôn ngữ, văn tự. Nay mở “Chứng Đạo Ca” ra, mọi người đã thấy ngay câu đầu tiên của tác phẩm nổi danh này là:
“Tuyệt học vô vi nhàn Đạo nhân”. Rõ ràng là Ngài Huyền Giác đã cố ý nhấn mạnh đến việc phải dứt khoát từ bỏ học hành để tom góp kiến thức, chủ yếu chỉ làm một Đạo nhân nhàn nhã, vô sự mà thôi. Còn một vị Thiền sư nhật Bản , Ngài Daikaku, thì cấm không cho Thiền sinh trong Thiền viện đọc kinh sách. Nhưng sau phát hiện ra là Thiền sinh vẫn lén lấy kinh sách ra đọc, Ngài bèn đem đốt quách toàn bộ kinh sách của Thiền viện. Đốt xong, Ngài thượng đường nói với Thiền sinh đại khái như sau:
Đây không phải là một trường Đại Học để các anh đến đây nghiên cứu kinh sách cho hiểu rộng, biết nhiều. Nơi đây tôi chỉ dạy mọi người nhận ra chính mình mà thôi. Và việc nhận ra chính mình ấy không cần đến kinh sách nào cả. Càng hiểu rộng, biết nhiều thì càng khó khăn gấp bội. Thêm một câu chuyện tương tự nữa. Có người hỏi Ngài Lâm Tế:
Trong Thiền viện của Hoà Thượng có giảng dạy kinh sách không?
- Không.
- Có dạy Thiền không?
- Không.
- Vậy thì Ngài dạy cái gì?
- Chỉ dạy làm Phật, làm Tổ.
Dạy người khác nhận ra chính mình tức nhận ra Chân Ngã, hay dạy làm Phật, làm Tổ là dạy cho người khác trực nhận ra cái Dụng của Tánh đấy thôi, thưa anh.
- Cái Dụng của Tánh là cái gì? - Đó là cái thấy biết trực tiếp không thông qua phán đoán, suy nghĩ như trên vừa nói. Tánh là Bản Thể cũa vũ trụ vạn pháp, là chân lý hằng hữu, tối thượng, tối hậu, nên cái Dụng của Tánh cũng là chân lý hằng hữu, tối thượng, tối hậu vậy. Lúc nãy khi có tiếng chuông gọi cửa thì bốn chúng ta đều thấy biết như nhau. Và nếu có bao nhiêu người nữa trong phòng ăn thì chắc chắn họ cũng thấy biết tiếng chuông như chúng ta vậy, không hề sai khác. Cái thấy biết trực tiếp, cái thấy biết như thị, phi thời gian, trong sáng, bình đẳng ấy thì trăm người, ngàn người ai cũng giống ai. Cái thấy biết ấy rõ ràng là chân lý, cái thấy biết ấy chính là cái Dụng của Tánh. Nhận ra cái khả năng thấy biết này tức là nhận ra cái Dụng của Tánh, từ đó biết có Tánh mà Nhà Thiền gọi là kiến Tánh. Nhưng khi kiến thức hay kinh nghiệm chen vào nghĩa là khi niệm khởi thì sự thấy biết lại mỗi người mỗi khác, không ai giống ai. Chân lý đã bị khuất lấp, đã bị che đậy và con người lại sống với cái vọng để bị cái vọng lừa dối, đưa dẫn vào nhưng chốn đoạn trường đầy dẫy phiền não, khổ đau, sợ hãi, và cột buộc ngày một chặt hơn vào vòng sinh tử luân hồi. Cũng vì vậy mà Ngài Luc Tổ dạy: “Tịch tịch đoạn kiến văn” mà Thầy Thích Thanh Từ dịch là “lặng lẽ dứt thấy nghe” nghĩa là thấy nghe thì chỉ thấy nghe thôi, thấy nghe rồi bỏ, đừng để cho cái thấy, cái nghe là điều kiện khởi suy, khởi nghĩ, rồi từ đó đưa tới lấy bỏ, ghét yêu vướng mắc
Tôi xin hỏi anh là lúc nãy, sau khi có tiếng chuông gọi cửa thứ hai thì anh lộ vẻ khó chịu và đứng lên đi ra mở cửa là tại sao vậy? Phải chăng đang vui câu chuyện mà bị tiếng chuông làm gián đoạn chăng?
- Thưa không phải vậy.Tôi cứ nghĩ là thằng con tôi đi tiễn bạn nó ra phi trường San Jose trở về. Nó đã biết là hôm nay nhà có khách, và khách đang dùng bữa. Đáng lẽ nó phải về lối cổng sau hay qua ngả garage như trước nay, nhưng nó bấm chuông tới hai lần, đòi bằng được vào lối cửa trước, đi qua mặt khách. Tôi giận quá, muốn ra mở cửa để quở trách nó. Nhưng khi mở cửa ra thì không phải nó mà lại là nhân viên Bưu Điện đến trao một lá thư hoả tốc, bảo đảm có hồi báo.
- Đấy thưa anh, tôi không có kiến thức như anh nên tiếng chuông chỉ đơn thuần là tiếng chuông thôi, một sự thấy biết như thị. Và hai anh bạn kia chắc cũng như vậy. Nhưng riêng anh vì có kiến thức nên khởi niệm, tiếng chuông đã không còn đơn thuần là tiếng chuông nữa mà lại là điều kiện để anh khởi suy, khởi nghĩ rồi từ đó khởi sân, khởi giận thằng con thiếu tế nhị kia. Nhưng khi mở cửa ra thì lại không phải là thằng con bấm chuông gọi cửa mà là một nhân viên Bưu Điện. Rõ ràng là anh đã bị tư tưởng lừa dối. Chúng sinh ở thế gian này đều như thế cả, thường bị tư tưởng dẫn giắt, lừa dối. Nghĩ thế này thì nó lại là thế khác. Tính một đằng, ra một nẻo. Suốt đời, con người thường bị tư tưởng dẫn giắt, lừa dối như thế đấy.
Tư tưởng rất hạn chế. Nó lệ thuộc vào cái kho kiến thức và kinh nghiệm của từng người. Kinh nghiệm, kiến thức thì chẳng ai giống ai, cho nên mới có chuyện “chín người, mười ý”, mỗi người một quan niệm, một ý nghĩ, từ đó luôn đưa tới mâu thuẫn, xung đột. Kinh nghiệm, kiến thức lưu giữ thì bản chất lại là cũ kỹ, lỗi thời, giới hạn, cho nên khi lấy chúng mà suy nghĩ về những cái sắp xẩy ra thì chẳng lấy gì làm chắc chắn cho được, phần lớn là sai trật, may ra hoạ hoằn mới trúng được thôi. Tư tưởng là cũ kỹ, là dối lừa. Đạo là mới mẻ, là chân thật, vì thế hành Đạo phải phi tư tưởng là vậy. Chúng sinh lúc nào cũng suy nghĩ, nghĩa là lúc nào cũng sống với cái bóng cũ kỹ, chứ không sống được với cái chân thật mới mẻ, nên cửa Đạo hết kiếp này sang kiếp khác vẫn cứ xa lắc, xa lơ. Như trên vừa nói, Tiếng chuông gọi cửa là chân kiện (fact) ở thời điểm nó vang lên và mọi người đều thấy biết như nhau. Chính ở chỗ này chúng ta đã tiếp cận được với cái Dụng của Tánh, nhưng không nhận ra đấy thôi, anh ạ. Ta không nhận ra được vì ta chạy theo tiếng chuông mà không nhớ đến cái gì đã cho ta thấy biết tiếng chuông. Ta quên cái gốc mà chạy theo cái ngọn hay nếu muốn mượn lời dạy của Đức Thế Tôn thì là ta đã “quên mình, theo vật”. Cái bệnh Quên Mình này chúng sinh đã mang từ vô lượng kiếp rồi chứ chẳng phải mới mẻ gì. Sự thể đúng là như thế đấy, anh. Trong Nhà Thiền có đưa ra một minh họa về sự thể này để cho các hành giả dễ nhận, dễ nhớ. Đó là: có người ném khúc xương ra. Con chó thì liền chạy theo chụp bắt khúc xương. Nhưng con sư tử thì không làm vậy. Nó không chạy theo chụp bắt khúc xương mà lại nhẩy chụp chính con người ném khúc xương ra. Thiền Tông khuyên hành giả hãy theo gương sư tử, đừng theo gương chó. Mỗi khi thấy biết một đối tượng thì đừng chạy theo đối tượng mà hãy tìm về cái mà nhờ nó mình mới thấy biết đối tượng.
Nhưng còn thế nào là an trú trong Tánh?
An trú trong Tánh là sống tỉnh thức phi thời gian hay nói theo Nhị Tổ Huệ Khả là sống trong liễu liễu thường tri, hoặc nói theo Ngài J Krishnamurti là sống trong constant awareness. Cũng gọi là sống trọn vẹn với hiện tiền, hay sống trong hiện trú toàn triệt, hay sống trong chánh niệm. Sống tỉnh thức là sống phi tư tưởng và thấy biết rõ ràng, thấy biết như thị những gì xẩy ra chung quanh ta, trên thân ta hay trong tâm ta, và chỉ thấy biết thôi, y như tấm gương phản chiếu cảnh vật trước nó. Sống tỉnh thức như thế là sống với cái chân, sống với cái thật. Còn sống với tư tưởng là sống với cái bóng, cái ảnh mà thôi. Cái thật giải thoát ta, còn cái bóng thì lại luôn luôn cột buộc ta, giam nhốt ta. Các bậc giác ngộ sống với cái thật. Chúng sinh thì lại sống với cái bóng. Đạo và Đời khác nhau cơ bản ở chỗ này. Phật, Tổ và chúng sinh cũng khác nhau cơ bản ở chỗ này.
Giờ chúng ta bước sang một khía cạnh khác và tự hỏi rằng: lúc nãy trong bữa ăn khi tiếng chuông gọi cửa vang lên thì cả bốn người đều thấy. Nếu có ai trong bốn chúng ta không muốn thấy tiếng chuông ấy được không? Chắc anh cũng công nhận là không được chứ gì? Không muốn thấy thì nó cũng cứ thấy. Cả bốn chúng ta đều tự động thấy tiếng chuông ấy.
- Ngay bây giờ đây, có tiếng phi cơ đang bay ngoài trời, anh và tôi dù không muốn thấy, nhưng nó cũng cứ thấy đấy, phải không?
- Vâng, đúng thế.
- Lại nữa một làn gió mát vừa thổi qua cửa sổ. Tôi thấy mát. chắc anh cũng thấy mát vậy. Nếu hoặc anh, hoặc tôi hoặc cả hai chúng ta không muốn mát có được không? Chắc anh cũng thấy là không muốn cũng không được. nó cứ tự động thấy mát phải không?
- Vâng, đúng thế.
- Nếu anh căm ghét một người nào đó và thề với lòng rằng cho đến ngày chết cũng không muốn thấy mặt con người ấy một lần nữa. Nhưng sau đó tình cờ gặp lại người ấy, anh có không thấy được không? Anh không muốn thấy, nó cũng cứ thấy. Anh có quay mặt đi hay nhắm mắt lại thì cũng đã trễ rồi, phải không?
- Vâng, đúng thế. Tôi cũng như anh, cũng như mọi người, chúng ta luôn luôn chớp mắt. Sự chớp mắt này là do chúng ta định hay nó tự động chớp? Chắc anh cũng thấy rõ là mắt cứ tự động chớp phải không?
- Vâng, đúng thế.
Khi chúng ta vô ý đụng tay vào một vật nóng là lập tức thấy biết và lập tức rút tay lại liền, chứ có chờ tính toán, suy nghĩ rồi sau mới thấy nóng, rồi mới rút tay lại đâu, phải không anh?
- Vâng , đúng thế. Đó là những vận hành của Tánh đấy. Chúng ta không thể trực tiếp ảnh hưởng đến sự vận hành của Tánh được. Trong cuộc sống của chúng ta, từ việc nhỏ đến việc lớn đều do Tánh hành xử, xếp đặt, an bài. Chúng ta muốn mưu chuyện gì và đem tất cả nhiệt tình, nhiệt huyết, huy động tất cả hiểu biết sâu sắc và khôn ngoan nhất để tính toán xa gần, sau trước, nhưng dù có làm gì đi nữa, có chu đáo, có tinh vi đến bao nhiêu đi nữa thì cũng không bảo đảm được sự thành công. Kẻ nào khẳng định sẽ thành công đều là những kẻ đại ngôn hay cố tình dối lừa người khác nhằm đạt mục tiêu cá nhân mà thôi. “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên” là thế, nghĩa là con người muốn mưu cầu điều gì thì tùy, nhưng thành hay không là do Trời. Trời là một quyền năng siêu hình không thể chỉ ra. Trời là tiếng gọi dân gian của Tánh. Đây là một kết luận kết tinh từ những kinh nghiệm thực tế của nhân loại. Một thành ngữ La Tinh nói: “Homo proponit, sed Deus disponit”, người Mỹ, người Anh nói:”Man proposes and God disposes” và người Pháp nói: “L’homme propose et Dieu dispose”. Xã hội nào, quốc gia nào cũng nhận ra điều ấy và cũng đưa ra kết luận tượng tự. Đó là: được hay không, thành hay bại, tất cả nằm bên ngoài sự suy tính, lượng định của con người chúng ta. Anh thử xét lại toàn bộ cuộc đời chúng ta coi. Cái gì chọn cha, chọn mẹ cho chúng ta đây, hay chúng ta tự chọn? Khi còn là một bào thai trong bụng mẹ thì cái gì đã nối hài nhi vào bánh nhau (placenta) để hài nhi được nuôi sống qua hệ thống tuần hoàn của người mẹ? Và đến ngày, đến tháng thì cái gì đã co bóp tử cung để đẩy hài nhi ra khỏi bụng mẹ? Cái gì đã ban cho hài nhi hình thù, tướng mạo để kẻ thì tuấn tú, phương phi, người thì khỉ vượn in hình? Cái gì đã cho mỗi người một khả năng khác nhau, một cuộc sống khác nhau, một cảnh đời khác nhau?
Đến đây thì có thể anh đồng ý với tôi là khi còn trong bụng mẹ hay ở giai đoạn thơ ấu, đầu đời thì phải do cái gì đó sắp xếp, cắt đặt cho, nhưng khi đã trưởng thành, lớn khôn, học rộng biết nhiều, kiến thức và kinh nghiệm đầy mình, biết tính trước, lo sau, nhìn xa, trông khắp thì chẳng lẽ lại không tự lo liệu cho mình được sao? chẳng lẽ lại cứ tiếp tục để cho cái gì đó đẩy đưa lui tới, khi thăng khi giáng, lúc bổng lúc trầm hay sao? Hoá ra mình trước sau chỉ là một con lật đật (puppet) do cái gì đó giật dây sao?
Con người thường vẫn cứ tưởng rằng mình có thể suy nghĩ, tính toán, có thể tổ chức, xếp đặt để đạt được điều này, điều nọ hay mục tiêu này, mục tiêu nọ. nhưng xét lại cho kỹ thì không phải vậy đâu. Nói gì những chuyện xa xôi, hãy coi ngay chuyện của chúng ta đây. Anh có muốn về Việt Nam vào dịp này đâu, nhưng rốt cuộc cũng đã phải về. Anh định tổ chức bữa ăn thết tôi. Việc này quá dễ đối với anh phải không? Thực phẩm đầy trong tủ lạnh, có thiếu món nào thì chợ cũng gần kề, chị lại có tài nấu ăn, chẳng có gì gọi là khó khăn, ngăn trở cả. Ấy thế mà không thành vẫn là không thành, trày trặt, hoãn đi, hoãn lại cả hơn hai tháng trời, mới thực hiện đuợc. Và anh cũng muốn bữa cơm ấy chỉ có một thực khách duy nhất là tôi thôi mà cũng không xong. Ông bà chúng mình hay nhắc đến câu: “Nhất ẩm, nhất trác giai do tiền định” nghĩa là một miếng uống, một miếng ăn đều có định trước cả, chứ không phải muốn mà được, ngẫu nhiên mà có. Nay tôi muốn nói: “nhất ẩm, nhất trác giai do Tánh định” anh ạ. Vâng, đúng thế đấy, tất cả mọi điều đều do Tánh định đoạt cả. Chúng ta muốn tính toán, suy nghĩ, xếp đặt gì thì cứ việc nhưng kết quả ra sao thì còn tuỳ ở Tánh. Được hay thua, thắng hay bại đều nằm ở ngoài cái khả năng định đoạt của con người chúng ta. Những khi thua, khi bại thì chẳng nói làm gì, nhưng khi thắng, khi được thì thường con người lại cứ nghĩ rằng mọi sự do ta. Đó là kết quả tất yếu của bản lãnh cao cường, của tính toán khéo léo, của quán triệt sâu sắc, của tổ chức tinh vi v.v., nhưng không phải vậy đâu. Đấy chỉ là những suy nghĩ sai lầm thôi. Thử hỏi trong thế gian này có ai là người luôn luôn thành công và chẳng hề biết đến thất bại là gì bao giờ không. Gặp thuận duyên thì được, thì thắng. Gặp nghịch duyên thì thua, thì bại. Duyên thuận hay duyên nghịch, duyên nào đến thì đến, tuỳ chúng, chứ chúng ta không có phương cách nào chọn lựa hay ngăn ngừa được. Đôi khi ở đời chúng ta cũng do suy nghĩ, tính toán mà đạt được thành công trong điều này, điều nọ và chúng ta vội vàng kết luận rằng chính chúng ta là yếu tố quyết định hết thẩy. Nhưng thật ra thì đấy chỉ là những may mắn mà sư suy nghĩ, tính toán của chúng ta lại ngẫu nhiên trùng hợp với sự vận hành của Tánh mà thôi. Những kết luân chủ quan, những thái độ tự mãn như vậy đều cần phải được xét lại. Hãy nhìn lại bản thân để thấy rõ rằng sự tồn tại, sự chuyển biến của con người chúng ta đều do Tánh và chỉ do Tánh mà thôi. Ta thức hay ta ngủ thì lục phủ, ngũ tạng cũng vẫn tự hoạt động nhịp nhàng, liên tục. Trong năm tạng thì có hai tạng mà hoạt động dễ nhận ra nhất là phổi và tim. Phổi luôn luôn tự thở để tiếp tế dưỡng khí cần thiết cho cơ thể. Tim luôn luôn tự đập để đưa máu đi nuôi châu thân. Các tế bào xương, da, thịt, gân tự chọn lấy thức ăn thích hợp của chúng. Chúng cũng liên tục tự động sinh ra và tự động hoại diệt đi để đáp ứng nhu cầu biến chuyển của cơ thể. Hồng huyết cầu này chết thì có hồng huyết cầu khác tự động xuất hiện thay thế (đời sống một hồng huyết cầu khoảng 120 ngày). Tất cả những hoạt động này để duy trì sự tồn tại của con người hoàn toàn độc lập đối với ý muốn hay sự can thiệp của chúng ta, phải không? Thân xác chúng ta chuyển biến từng phút từng giây. Chúng ta không có phương cách nào ngưng dứt được sự chuyển biến này dù chỉ một sát na thôi. Chúng ta muốn trẻ đẹp mà nó cứ già xấu. Chúng ta không muốn bệnh mà nó cứ bệnh. Chúng ta muốn sống mà nó cứ chết. Chúng ta có định đoạt được gì cho thân phận của chúng ta đâu. Sự tồn tại, sự chuyển biến của bản thân còn như thế, nói chi đến những chuyện thành bại, thịnh suy bên lề.
- Tánh vận hành như thế nào?
- Tánh là một bộ máy cực kỳ vĩ đại, cưc kỳ huyền vi, cực kỳ mầu nhiệm và cực kỳ linh thiêng. Tánh không ban phước cho ai. Tánh cũng không giáng họa cho ai. Tánh không đem lợi cho ai và Tánh cũng không gây thiệt cho ai. Tánh vận hành tuyệt đối vô tư, tuyệt đối công bình theo Quy Luật Nhân Quả. Tánh định đoạt từ tướng mạo đến môi trường sinh sống của mỗi con người. Nhân nào thì hoa trái ấy, không thể sai chạy dù chỉ một ly. chúng ta không thể lễ lạy, cầu xin để hòng ảnh hưởng đến Quy Luật này. Vả lại, với cái bộ máy huyền vi và mầu nhiệm ấy thì không có vấn đề họa phước, thịnh suy, bĩ thái, thiện ác. Vấn đề này vốn chỉ là trò chơi, là bẫy sập của tư tưởng con người mà thôi. Nhân như thế, Duyên như thế thì Quả tất phải như thế, chứ không thể khác được. Cầu xin không thể làm thay đổi được Qủa. Các vị Phật, Tổ và các bậc đại giác trước khi ra khỏi luân hồi cũng vẫn còn bị chi phối bởi Nhân Quả nói chi đến phàm nhân chúng ta. Biết như vậy thì gặp cảnh nào ta cứ an vui sống với cảnh ấy, nghĩa là sống với cái Như Thị, sống với cái Đang Là, sống với cái “What Is”. Sống như thế Phật Học gọi là sống tuỳ duyên. Duyên sao sống vậy, sống thuận theo sự an bài của Tánh. Nếu ta không chấp nhận sống với cái “What Is” mà lại sa vào cái bẫy sập của tư tưởng để rồi cương quyết vùng vẫy, sục sạo theo đuổi, rượt bắt Cái Phải Là hay Cái Nên Là, cái “What Should Be” thì chắc chắn sẽ phiền não, khổ đau và sợ hãi đắm chìm. Chống lại bộ máy cực kỳ vĩ đại, cực kỳ huyền vi, cực kỳ mầu nhiệm và cực kỳ linh thiêng kia thì thua thiệt, thất bại đã rõ hơn cả ban ngày, và thua thiệt, thất bại đồng nghĩa với biển khổ ngụp lặn, trầm luân. Châu chấu đá xe đã là một việc làm vô ích, nói chi đến việc châu chấu đem thân đi đá núi Hy Mã Lạp Sơn nữa. Ấy là chưa kể đến chuyện trên đường tìm kiếm cái “What Should Be” kia lại sẽ làm giầu thêm cho cái kho nghiệp nhân sẵn có, để rồi tự cột buộc mình ngày một chặt hơn vào vòng sinh tử luân hồi.
Như vừa trình bầy trên là Tánh vận hành theo quy luật Nhân Qủa. Đã có Nhân là phải có Quả. Chư Phật còn không can thiệp được vào sự vận hành này, nói chi đến phàm nhân chúng ta. Tuy vô phương can thiệp trực tiếp vào quy luật vận hành của Tánh, nhưng con người không phải hoàn toàn và mãi mãi là con lật đật đâu. Con người vẫn có thể gian tiếp can thiệp vào sự vận hành của Tánh ở giai đoạn gieo Nhân. Có Trời mà cũng có ta là vậy. Nhân là do thân, khẩu, ý tạo ra. Nói là thân, khẩu, ý, nhưng chủ chốt vẫn là ở ý, tức ở tư duy. Tà tư duy thì gieo Nhân xấu, Nhân ác để gặt hái lấy Qủa xấu, Qủa ác. Chánh tư duy thì gieo Nhân tốt, Nhân lành để gặt hái Quả tốt, Qủa lành. Chẳng Tà tư duy và cũng chẳng chánh tư duy, tức phi tư duy, hay nói theo Lục Tổ là: “Chánh, tà câu bất dụng” thì hết gieo Nhân. Đoạn tận Nghiệp Nhân thì giải thoát và sẽ không còn là con lật đật nữa. Đức Phật, một bậc tòan giác, đả chỉ cho chúng sinh sự thật này. Chúng ta tu hành theo lời dạy của Ngài thì sẽ hết, không còn là con lật đật hoàn toàn trôi lăn vô tận, vô cùng theo sự vận hành máy móc của Tánh nữa. Tu hành đến chỗ kiến Tánh và an trú trong Tánh thì sẽ đạt được điều này.
Đúng thế, Kiến Tánh và an trú trong Tánh là con đường duy nhất dẫn tới giải thoát. - Thưa anh, Tánh trong Phật Giáo và Thượng Đế trong các tôn giáo bạn có gì khác biệt không anh?
- Hiện Tượng thì đúng là vô số và vạn biệt, thiên sai, nhưng Bản Thể tức chân lý tối thượng, tối hậu thì chỉ có một thôi, làm sao có khác biệt được. Nhưng vì Bản Thể là một cái gì vô cùng huyền bí, vô cùng vĩ đại và sự chứng ngộ của các đấng Phật, Thánh trước đây có thể cũng có mặt này, mặt khác, nên các lời truyền dạy, rao giảng của các Ngài cũng không tránh được môt vài chi tiết khác biệt về mặt khái niệm. Ngoài danh xưng, đây là vài khác biệt ấy:
- Tánh hay Thượng Đế an bài tất cả, nhưng Tánh an bài theo Quy Luật Nhân Quả, còn Thượng Đế thì an bài theo sự sáng suốt tuyệt luân của Ngài.
- Tánh là Chân Như không tướng, không hình, một sự trống rỗng. Thựơng đế là một bậc tuyệt đại thánh nhân.
- Thượng đế ngự trong Thiên Quốc. Thiên Quốc ấy ở trên tầng trời cao nhất nào đó, chứ không ở trong thế gian này. Còn Tánh thì bàng bạc khắp nơi, nhỏ không gì trong, to không gì ngoài, trong vũ trụ chỗ nào cũng có. Tánh tàng trú thường trực trong vạn pháp, không pháp nào không, từ các thiên hà bao la cho đến con người, súc sinh, cây cỏ, cát đá v.v.
Như chúng ta đây, xác thân này là hiện tượng, nếu không có Bản Thể tức Tánh, thì không có nó. Xác thân này chừng nào còn dính liền với Tánh thì mới là con người bình thường, sống động. Lìa Tánh thì ngay lập tức con người chỉ còn là thân xác vô tri trên đường tan hoại, rữa nát. Tánh thường trực trong ta, ta không nhận ra được đấy thôi.
- Con người có thể chủ động gián tiếp ảnh hưởng đên sự vận hành của Tánh bằng cách tác động vào Nghiệp Nhân, nhưng với Thượng Đế thì chỉ có cách cầu xin để được Ngài cứu rỗi.
- Thượng Đế là nguyên nhân tối thượng tối hậu đầu tiên. Sau đó Ngài mới dùng quyền năng cực kỳ huyền bí và vô hạn của Ngài để tạo dựng ra vũ trụ vạn pháp, nghĩa là Tâm có trước rồi Vật mới có sau, nói một cách khác là có Bản Thể rồi sau mới có Hiện Tượng. Nhưng với Phật Gíao thì Tâm Vật tương tức. Có Tâm là lập tức có Vật. Có Tánh là lập tức có Tướng, nghĩa là Tánh và vũ trụ vạn pháp không có ly cách nhau về cả hai phương diện: không gian cũng như thời gian. Bản thể và Hiện Tượng dính liền với nhau, không có cái trước cái sau, tuy hai mà một, y như hai mặt của một đồng tiền. Với Phật Giáo thì Bản Thể hay Tánh vốn vô thủy, vô chung, nghĩa là Tánh không hề có khởi điểm, và vì vậy cũng không hề có chung điểm. Tánh vốn hằng hữu như thế, và mãi mãi như thế. Chính ở điểm này mới sanh ngộ nhận là Phật Giáo không công nhận nguyên nhân đầu tiên, tức không công nhận Thượng Đế và gán cho Phật Giáo chủ trương vô thần. Thưa anh, tôi vừa nhìn thấy anh vói tay lại đằng sau gãi lưng. Có phải đã suy nghĩ rồi anh mới thấy ngứa lưng, hay anh tự động thấy ngứa? Về phần tôi cũng tự động thấy anh gãi ngứa, chứ có cần phải suy nghĩ rồi mới thấy đâu. Nếu chúng ta là rôbô (robot) thì chắc chắn anh không thấy ngứa, tôi chắc chắn không thấy anh gãi ngứa. Cái gì đã cho chúng ta khả năng này, anh thì khả năng thấy biết ngưá lưng tức thân giác và tôi thì khả năng thấy biết anh gãi lưng tức nhãn kiến? Cái ấy không ngôn từ, văn tự, kinh sách nào vói tới được. Cái ấy chính là cái Dụng của Tánh đấy. Nó thường trực hiện hữu nơi con người chúng ta. Nhận ra cái lẽ thật hằng hữu, bất sanh, bất diệt ấy chính là kiến Tánh. Tôi xin nhắc lại là kiến Tánh và an trú trong Tánh là con đường duy nhất đưa tới giải thoát và cũng là cơ hội duy nhất để con người tiếp cận, nếm trải cái Vô Sanh, cái Vĩnh Hằng Tối Thượng, Tối Hậu, cái Bất Khả Tư Nghì (The Unthinkable and Undebatable), cái Bất Khả Ngôn Thuyết (The Unspeakable), luôn luôn hiện hữu trong thân xác vô thường này. Đấy là trạm chót của con đường tu hành. Gọi là trạm chót vì từ đây không còn điều gì phải tìm kiếm nữa. Cũng không cần nghe ai nói năng, giảng thuyết gì về Đạo, về Thiền nữa. Chư Phật, chư Tổ, chư Đạo Sư cũng không còn điều gì dạy bảo thêm nữa.

Trích: Giải thoát tức thì
Tác giả: NHI BẤT NHƯỢC


http://thuvienhoasen.org/D_1-2_2-44_4-4704_5-50_6-1_17-2_14-2_15-2_10-237_12-1/giai-thoat-tuc-thi.html