Huyền thoại về giây phút hiện tại

Trong nhà thiền có truyền cho nhau một huyền thoại: Khi chánh niệm của ta càng sâu sắc bao nhiêu, ta sẽ càng có khả năng nhìn thấy cái đẹp trong những sự vật bình thường nhất bấy nhiêu. Với một tâm “chú ý đơn thuần”, thì ngay cả bọt xà phòng trong nước rửa bát - khi những bọt bong bóng lấp lánh trong nắng - cũng là một thực tại tỏa sáng nhiệm mầu. Đó chỉ là một huyền thoại.
Mà sự thật là ngược lại như thế. Thật ra, khi ta càng có chánh niệm bao nhiêu thì những đối tượng cảm giác của ta lại càng ít hấp dẫn đi bấy nhiêu. Cho đến một lúc ta sẽ không còn ham muốn chúng nữa.

Sự thật thì khi ta có một định lực mạnh, điều đó sẽ làm tăng lên những cảm nhận của ta về màu sắc, âm thanh, mùi vị... Nhưng nếu chỉ có định lực thôi thì ta không thể đạt đến tuệ giác hay giác ngộ. Nếu ta bảo rằng chánh niệm làm cho khung trời mùa đông trở nên đẹp tuyệt vời, hoặc công việc rửa chén trở thành một bài tập mầu nhiệm, theo tôi nghĩ thì đó lại là một thách thức đối với Sự thật nhiệm mầu thứ nhất.
Huyền thoại này có mặt là do một sự hiểu lầm về vai trò của chánh niệm. Chánh niệm được kèm theo một nhận thức sáng tỏ, khác với một cái thấy biết bình thường. Thay vì chỉ nhìn thấy rõ rệt hơn những đặc điểm thông thường của một đối tượng, chánh niệm còn vượt xa hơn, và thấy được những điểm rất cá biệt - những đặc tính chung của mọi vật, dù tốt hay xấu. Đó là ba đặc tính về vô thường, bất toại nguyện và vô ngã. Với chánh niệm, ta thấy được tất cả mọi hiện tượng tâm lý và vật lý khởi lên rồi đều sẽ qua đi. Có nghĩa là ta không thể sửa đổi cũng không thể nắm giữ chúng được. Những đặc tính ấy mang lại cho ta một sự bất toại nguyện. Vậy thì, khi ta càng có chánh niệm bao nhiêu thì yếu tố bất toại nguyện, dukkha, lại càng trở nên rõ rệt bấy nhiêu.
Nhưng khi tôi ngồi đó với Achan Sobin, nhìn những điểm sáng của ba nén nhang, tôi cảm thấy một cảm giác mơ hồ về một điều gì đó mà tôi vẫn chưa xác định được. Có ai đó đang đùa giỡn với cuộc đời này chăng? Điều trớ trêu là tôi tập thiền vì muốn giải thoát khỏi những khổ đau của mình, và bây giờ tôi lại nhận thấy nhiều khổ đau hơn. Mà vị thầy của tôi lại công nhận điều ấy là đúng. Như vậy thì ta thực tập chánh niệm để làm gì? Tại sao ta phải có mặt trong giây phút hiện tại này?
Nhưng câu trả lời chắc chắn không phải là ta nên từ bỏ sự thực tập chánh niệm. Đối với tôi, Achan là một người thong dong nhất, tự tại nhất mà tôi biết. Và tôi muốn mình cũng được như ông. Tôi theo học và thực tập những phương cách nào đã mang lại cho ông được sự an lạc đó.

Hạnh phúc của Niết Bàn

Hãy tưởng tượng rằng ta và một số người bạn đang mắc kẹt trong một căn nhà bị bốc cháy. Những thanh gỗ cháy nối tiếp nhau rơi xuống từ trần nhà. Có phải tốt nhất là chúng ta cần ý thức được tình trạng hiểm nguy và cùng giúp nhau thoát ra, hay ta cứ đứng đấy mà tìm những cái hay đẹp của nó: “Xem kìa, cũng đâu đến nỗi nào đâu. Ngọn lửa hồng có màu tím hoa cà trông đẹp làm sao...”?
Cũng vậy, tôi nghĩ chúng ta cần có chánh niệm để nhìn rõ được dukkha trong giây phút hiện tại, bởi vì nó là chiếc cầu thang duy nhất dẫn ta thoát ra khỏi căn nhà lửa ấy. Căn nhà ấy chính là khandha, tức năm uẩn của ta là sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Tôi biết có nhiều người không thích chấp nhận quan điểm này. Nhưng không lẽ tốt hơn hết là ta nhún vai làm lơ việc ấy, và cứ để mặc mình rơi trở lại xuống cầu thang hay sao? Không công nhận sự nguy hiểm là một điều rất nguy hại. Thấy được nó, ta sẽ tìm được một lối thoát.
Nhưng không phải chúng ta đối diện với khổ đau bằng một thái độ bi quan. Người Phật tử nhận diện khổ đau để chuyển hóa nó, chứ không phải để bị chìm đắm trong đó. May mắn thay, đức Phật có chỉ cho ta một con đường giải thoát, Bát chánh đạo, và cuối con đường ấy chắc chắn sẽ là Niết-bàn. Ai mà chẳng mừng vui khi biết rằng ta có thể có được một hạnh phúc thuần túy không tì vết? Nhưng chỉ vì tầm nhắm của chúng ta còn quá thấp đi mà thôi.
Thực tập chánh niệm sẽ dẫn ta đến hạnh phúc. Nhưng không phải vì nhờ ta nhìn thấy rõ được cái hay đẹp của những cảnh vật trong giây phút hiện tại này - như là hình sắc, âm thanh, mùi vị... Mặc dù huyền thoại thì vậy, nhưng sự chú ý đơn thuần không hề phơi bày cho ta thấy một thực chất sáng chói nào hết, vì thật ra không có một hiện tượng nào là có thực chất.
Khi bản chất của các hiện tượng tự chúng là bất toại nguyện, thì ta có thể nào hy vọng chế biến chúng thành hạnh phúc được chăng? Việc ấy cũng giống như ta đi dệt một tấm thảm trắng từ những sợi len màu đen vậy. Vì vậy, tôi nghĩ cách hay nhất là ta nên chấp nhận rằng thực tập chánh niệm sẽ không làm trái mận ngọt ngào hơn, hay bình trà màu đồng sáng tươi hơn. Nhưng khi ta có chánh niệm, ta sẽ bớt quan tâm đến vấn đề ngọt ngào hay sự sáng chói. Khi chúng ta có một hạnh phúc lớn lao hơn, những thú vui nho nhỏ sẽ không còn là quan trọng. Và đây không phải là một thái độ lạnh lùng và dửng dưng, mà là một sự giải thoát thật sự. Khi chúng ta không còn dính mắc nữa, ta sẽ không cần một âm thanh, hình sắc hoặc sự xúc chạm nào để mang lại cho mình hạnh phúc.
Ta có thể chưa hiểu được, nhưng khi ta nếm được mùi vị của sự tự tại này rồi, ta sẽ trân quý nó hơn bất cứ một niềm vui nào khác có thể nghĩ tưởng đến - cho dù đó là mùi hương của một loài hoa quý, những nốt nhạc trầm bổng của Chopin, hay ánh trăng huyền diệu... Chúng ta vẫn có thể kinh nghiệm được những hạnh phúc này, và những thú vui khác. Nhưng ta sẽ không cố nắm giữ lại khi chúng ra đi, ta không có sự khổ đau của mất mát.
Và bây giờ là câu hỏi khó nhất: Chúng ta có thật sự muốn giải thoát ra khỏi vòng khổ đau này hay không? Nếu vậy thì ta hãy thực tập chánh niệm. Nhưng không phải là để nhìn thấy vẻ đẹp không thật của những bọt xà phòng, mà đúng theo ý của đức Phật, là thấy được sự dính mắc của mình, cho đến khi nào ta nếm được quả trái chân thật là Niết-bàn. Và như các bậc đi trước đã nhiều lần nói với ta: Khi đối tượng tâm thức của ta là Niết-bàn, giây phút hiện tại này sẽ đẹp tuyệt vời.


Cynthia Thatcher


Theo: Đức Phật bên trong