Hình ảnh và sự chú tâm

Cái gì là mối liên hệ hiện thực giữa chúng ta với nhau trong đời sống hàng ngày? Nếu bạn xem xét điều này thật kỹ và đừng sợ sệt, hãy nhìn điều gì xảy ra. Bạn sẽ có một hình ảnh về chính mình, đúng thế không? Bạn có một hình ảnh, một ý niệm, một hình dung về chính bạn, và người mà bạn liên hệ cũng có hình dung của người đó, hình ảnh của người đó về chính họ. Xin hãy nhớ, bạn đang nhìn ngó chính mình, chứ không phải chỉ nghe những lời này thôi đâu. Ngôn ngữ chỉ là tấm gương và tấm gương trở nên vô dụng nếu bạn tự nhìn ngắm mình. Thế nên bạn cũng như người khác, đàn ông cũng như đàn bà, con trai cũng như con gái, chồng cũng như vợ, v.v…, mỗi người đều có một hình ảnh, một kết luận, một ý niệm về chính bản thân mình. 

Nếu bạn ở chung với ai đó dù một tuần hay một trăm tuần, bạn cũng đều tạo ra một hình ảnh về người đó, và người đó cũng tạo ra một hình ảnh về bạn. Thực tế là như thế. Bạn có lo ngại khi nhìn hình ảnh này không? Cái hình ảnh đã được xây dựng sau nhiều ngày, nhiều năm, sau nhiều biến cố như trách móc, vui thú, tiện nghi, sợ hãi, thống trị, sở hữu, ràng buộc, v.v… Mỗi người có một hình ảnh về người khác. Đó là một thực tế. Thế mà bạn gọi đó là mối liên hệ. Đó chỉ là mối liên hệ giữa hai hình ảnh, giữa hai ý niệm. Đúng thế không? Bạn không cần phải đồng ý với người đang nói, bạn cứ nhìn vào thực tế này. Những hình ảnh này, ý niệm hay kết luận này, tất cả đều là ký ức mà mỗi người đều xây dựng nên, được gìn giữ trong bộ não. Và chúng tác động phản ứng lẫn nhau dựa trên những hình ảnh đó. Bạn từng bị xúc phạm và sự xúc phạm này là một ký ức được giữ trong não và chính nó sẽ phản ứng. Thế nên mối liên hệ của chúng ta không hề từ thực tại đích thực mà từ ký ức. Nếu bạn có gia đình, bạn đã có sẵn một hình ảnh về vợ bạn, và vợ bạn cũng xây dựng một hình ảnh về bạn. Những hình ảnh này, những ý niệm này là những thứ như trách móc, những lời phê bình tầm phào, những sự xúc phạm, những thú vui, những tiện nghi, ký ức về tình dục, tất cả đều tham gia. Và mối liên hệ được thiết lập giữa hai hình ảnh giả tạo này là của ký ức; nó không hiện thực; và do đó nó luôn luôn  là sự chia cắt và tranh chấp. Nếu bạn từng bị xúc phạm trong mối liên hệ này, thì kẻ bị xúc phạm chính là hình ảnh  bạn nghĩ về mình. 
Tôi tự hỏi bạn đang thực sự quan sát điều này trong chính bạn hay đang lắng nghe người nói và đồng ý với người nói? Ở đây ta có hai thực tế khác nhau. Nếu bạn đồng ý với người nói thì điều này không có mấy ý nghĩa. Bạn có thực sự thấy mình tạo nên một hình ảnh về chính mình và những thứ xúc phạm nọ hiện hữu cũng chỉ vì có hình ảnh này? 
Thế là trong mối liên hệ giữa con người, sự xúc phạm đã có chỗ đứng. Hình ảnh bị xúc phạm. Nếu bạn không cứu chữa hình ảnh này một cách hoàn toàn thì mối mâu thuẫn cứ mãi tồn tại. Có những sự xúc phạm đã qua và bạn có thể sẽ nhận thêm cái mới. Trong quá khứ bạn từng bị xúc phạm; rủi thay nó đã xảy ra từ thời thơ ấu – trong trường tiểu học, trung học, trong gia đình. Suốt đời con người bị thương tổn, và vì bị thương tổn, ta xây một bức tường quanh ta để chống trả, để không bị thương tổn nữa. Và khi xây bức tường, sự chia cắt phân biệt liền xảy ra. Bạn có thể nói “Ta yêu em”, nhưng đó chỉ là ngôn từ vì nơi đây có sự phân biệt. 
Có cách nào ta hoàn toàn không bị xúc phạm không? Điều này không có nghĩa là hãy xây một bức tường chống trả để không ai đụng được tới bạn, mà hãy sống không cần đề kháng, điều đó mới có nghĩa không bao giờ bị xúc phạm. 
Bạn biết bị xúc phạm có nghĩa gì không? Khi một đứa trẻ bị so sánh với một đứa khác thì đó là một sự xúc phạm. Mọi sự so sánh đều làm tổn thương cả. Mọi dạng của sự bắt chước, rập khuôn đều xúc phạm, không phải chỉ phiến diện thôi mà sâu xa trong tâm. Và khi ta bị thương tổn thì từ đó sẽ sinh ra bạo lực. Không bao giờ bị thương tổn là điều khả dĩ không? Làm sao ứng xử với sự thương tổn đã qua và tránh sự thương tổn về sau? Chúng ta thử tìm xem. 
Khi bạn nói “Tôi bị xúc phạm” thì cái “tôi” bị xúc phạm đó là gì? Bạn nói: “Ông xúc phạm tôi” – bằng ngôn từ, bằng cử chỉ, bằng sự vô lễ, v.v… - thì xúc phạm là gì? Không phải người bị xúc phạm chính là hình ảnh mà bạn nghĩ về mình ư? Hãy xem thử đi! Hình ảnh này là một trong những yếu tố mà xã hội, giáo dục và môi trường xung quanh đã sinh ra ở trong bạn. “Bạn” là hình ảnh, ấn tượng, danh tính, thể hình, tính cách, phong cách, v.v… Tất cả những cái này là bạn, là hình ảnh, là ấn tượng, cái mà bạn đang là. Và hình ảnh này bị xúc phạm. Bạn có một tổng luận về chính mình, rằng bạn là thế này thế kia, và khi tổng luận này bị quấy nhiễu, bạn thấy mình bị xúc phạm. Thế thì bạn có thể sống mà không có tổng luận nào không, không có hình ảnh, không có ấn tượng gì về mình cả? Bao lâu bạn có hình ảnh về mình, bấy lâu bạn còn bị xúc phạm triền miên. Bạn có thể đề kháng, bạn có thể xây một bức tường chắn quanh mình, nhưng khi có bức tường quanh bạn, khi bạn rút lui thì đã có một sự chia cắt, nơi đó có tranh chấp – như giữa người Ả-Rập và người Do Thái, như người theo Islam giáo và Ấn Độ giáo, người theo phe xã hội và người không theo phe xã hội. Bất cứ nơi nào có chia cắt thì luật tự nhiên là nơi đó có tranh chấp. 
Thế thì có thể nào không bao giờ ta bị xúc phạm cả chăng? Điều đó có nghĩa phải có một tâm hồn hồn nhiên, một tâm hồn không thể bị thương tổn. Thật quan trọng phải xác định xem ta có thể sống như thế trong đời sống hàng ngày. Vấn đề không phải là bỏ đời đến một tu viện hay một cộng đồng nào đó, nơi mà bạn nhất trí về mọi điều với nhau, tìm một chỗ mà ai cũng ủy mị sướt mướt; nhưng ngay trong thực tại của đời sống hàng ngày để xác định liệu bạn có thể sống mà không có một hình ảnh nào về mình và do đó không bao giờ bị xúc phạm, tức là không bao giờ có tranh chấp, không bao giờ có sự phân biệt chia cắt về tâm lý. Chúng ta đang thử tìm hiểu điều đó. Chúng ta đang xem xét liệu có thể sống theo cách này chăng. 
Trước hết hãy ý thức là ta có hình ảnh nọ. Khi tôi có một hình ảnh về bản thân mình và nó bị xúc phạm, còn vợ tôi cũng có một hình ảnh về chính cô ấy và cô ấy bị xúc phạm thì làm sao giữa chúng tôi có mối liên hệ được? Thế thì có thể đừng có hình ảnh không, tức là khỏi bị xúc phạm không? Ta đã bị xúc phạm trong quá khứ rồi và ta đã chống trả, xây quanh mình một bức tường, lo ngại bị xúc phạm thêm, do đó mà rút lui, tự cô lập. Làm sao giải quyết những xúc phạm đã qua? Phải chăng bạn sẽ phân tích tại sao mình bị tổn thương, nguyên nhân của sự xúc phạm? Bạn muốn đi vào vấn đề này bằng óc phân tích sao? 
Hãy xét truyền thống chuyên phân tích. Chúng ta đã chấp nhận phép phân tích như một phần của đời sống. Nếu bạn không phân tích được chính mình, bạn sẽ đi tìm chuyên gia. Hãy xem quá trình của phép phân tích là gì? Đó là nơi có người phân tích và vật bị phân tích. Hãy nhìn ngay sự chia cắt phân biệt ở đây. Không phải người phân tích chính là vật bị phân tích hay sao? Thế cho nên bạn tạo ra một sự chia cắt giả tạo giữa người phân tích và vật bị phân tích, nhưng thực tế người phân tích chính là vật bị phân tích. Cho nên có một sai lầm căn bản trong quá trình của phép phân tích. Trong quá trình phân tích bạn cũng lấy thời gian – ngày, tháng, năm – để chơi trò chơi của mình và bồi bổ cho nhau trong những cách thức đặc biệt của bạn, về mặt tài chánh cũng như tình cảm và các chuyện liên quan khác. Khi đã nhận ra sai lầm căn bản của quá trình phân tích, làm sao con người xả bỏ được mọi sự xúc phạm đã qua cũng như mọi sự thể có thể đến trong tương lai?
 Người nói và bạn cùng nhau chia sẻ vấn đề này, để cùng nhau tìm hiểu liệu trong đời sống này ta có thể sống mà không bao giờ bị một xúc phạm nào không, vì chỉ sau đó bạn mới hiểu thế nào là lòng yêu thương. 
Sự xúc phạm và sự xu nịnh chỉ là một, phải không? Cả hai đều là những dạng khác nhau của sự xúc phạm. Bạn được xu nịnh và bạn lấy làm thích và người xu nịnh sẽ biến thành thân thích của bạn. Đó là một cách khác của việc thừa nhận hình ảnh nọ. Một dạng thì bạn ưa thích, dạng kia bạn không ưa thích. Chúng ta đang nói về những gì không ưa thích, tránh làm sao không bị xúc phạm; nhưng chúng ta cũng nói về cái kia, cái vui thích, tiện nghi, thoải mái đối với hình ảnh mà ta có về mình. Cả hai đều chỉ là một. Thế thì tôi phải thế nào, con người phải thế nào để khỏi bị xúc phạm? Để đi vào câu hỏi này chúng ta cần phải chú tâm. 
Chú tâm (Attention) là sao? Nếu bạn biết chú tâm có nghĩa gì thì vấn đề có thể được giải quyết. Có lúc nào bạn hoàn toàn chú tâm vào một việc gì chưa? Một sự chú tâm hoàn toàn, trong đó không có một trung tâm nào từ việc bạn chú ý? Nếu có trung tâm của sự chú ý thì có ngay sự phân biệt chia cắt. Hãy nói một cách khác. Bạn biết rõ mình đang ý thức về gì. Ta đang ý thức về cây cối mà ta đang ngồi dưới gốc, ý thức về thân cành và sự rậm rạp của nó, về lá cây, vế bóng sẫm, về tất cả thiên nhiên và vẻ đẹp của nó. Rồi bạn ý thức mình đang ngồi trên mặt đất, màu sắc của những tấm thảm, ý thức về chiếc máy phóng thanh. Và bạn có ý thức về tất cả những thứ này, chiếc máy phóng thanh, tấm thảm, trái đất, màu sắc lá cây, v.v… chiếc áo màu xanh, có ý thức mà không chút lựa chọn không? Chỉ nhìn ngắm mà không lựa chọn, đánh giá gì cả, chỉ nhìn thôi. 
Nếu bạn có thể nhìn mà không đánh giá, không chọn lựa gì cả, chỉ quan sát thôi thì trong sự quan sát này không có người quan sát. Khi mà người quan sát bắt đầu đánh giá phân biệt, cái ưa thích và cái không ưa thích, “Ta thích cái này, ta không thích cái kia” thì lúc đó có sự chia cắt. Thế nên chỉ có sự chú tâm đích thực nếu không có một thể tính nào đó nói, “Ta đang chú tâm”. Xin nhớ, hiểu điều này thật là quan trọng. Vì rằng, nếu có sự chú tâm thật, khi có sự tỉnh giác mà trong đó không có lựa chọn, không có đánh giá, chỉ đơn thuần quan sát thôi, thì bạn sẽ thấy mình không bao giờ bị tổn thương nữa, và những sự tổn thương đã qua bây giờ cũng biến mất. Nhưng khi có người quan sát xuất hiện thì người quan sát bị thương tổn lập tức. 
Cho nên khi có sự chú tâm hoàn toàn thì không có sự thương tổn. Liệu có ai cho rằng người nói này là kẻ điên hay kiêu căng ngạo mạn thì xin cứ nói. Khi nghe những lời này và hoàn toàn chú tâm vào nó, thì không có sự thương tổn đã qua lẫn thương tổn sẽ tới, vì không có thể tính nào đang quan sát cả. Xin nhớ, điều này rất quan trọng, vì bao lâu còn có sự phân biệt, bấy lâu còn tranh chấp mâu thuẫn. Thật là quan trọng khi xét sự sợ hãi, sự vui thích, lo âu hay cái chết, ta phải thấy bao lâu còn có sự phân biệt giữa người quan sát, người chứng nghiệm, người suy tư với tư tưởng, thì bấy lâu buộc phải có tranh chấp, mâu thuẫn, chia cắt, phiến diện và vì thế mà có sự phân biệt. Bây giờ bạn có thể quan sát cây cối, quan sát chính mình, nhà hàng xóm, quan sát cuộc đời một cách hoàn toàn chăm chú không? Và khi bạn chịu chú tâm trọn vẹn, liệu lúc đó có còn một hình ảnh nào  không?
 Khi không còn hình ảnh, ấn tượng, kết luận nào cả thì mối liên hệ giữa hai con người là như thê nào? Hiện giờ thì mối liên hệ của chúng ta dựa trên sự chia cắt phân biệt, điều này hẳn đã rõ. Anh ta đến sở làm, nơi mà anh đã cư xử với đồng nghiệp rất tàn bạo, đầy tham lam và ham muốn; rồi anh về nhà và nói với vợ: “Này em, em đáng yêu biết bao.” Có mâu thuẫn trong cuộc đời của chúng ta và do đó cuộc đời chúng ta là một cuộc đấu tranh triền miên, và vì vậy mà không có mối liên hệ. Có mối liên hệ đích thực giữa người và người tức là không còn bất cứ hình ảnh gì; không có ấn tượng, không có kết luận. Và điều này thật là phức tạp vì bạn có ký ức. Bạn có thể xả bỏ ký ức về những điều xảy ra ngày hôm qua không? Tất cả đều tùy thuộc vào đó. Lúc đó thì mối liên hệ sẽ ra sao giữa hai con người mà không ai còn hình ảnh nữa? Bạn sẽ tự thấy điều này lúc bạn không còn hình ảnh. Lúc đó có thể là tình yêu thương. 
Người ta có thể sống như thế, thực sự trong đời sống hàng ngày; không có phân biệt, tức là không có chiến tranh, không có tranh chấp.

Tác giả: Krishnamurti
Dịch giả: Nguyễn Tường Bách