Còn đi tìm Niết Bàn... tức chưa biết Niết Bàn là gì và ở đâu.


Kính thưa thầy!
Thầy ơi, có người hỏi con rằng thiền là gì, con hành thiền được nửa năm rồi, con hành thiền và chỉ thấy suy nghĩ đến và đi không theo ý con và các cảm giác trên thân mà thôi, khi ngồi thiền con thấy tâm con tĩnh lặng hơn thầy ạ. Điều mà nửa năm nay con học được từ thiền đó là một cái tâm tĩnh lặng hơn, và hiểu về suy nghĩ nó đến rồi đi, nếu mình không thêm cái tôi vào thì chẳng có cái gì ở đó cả. Con hiểu mình và hiểu mọi người hơn, mọi thứ vẫn thế và mỗi người cho cái bản ngã, cái tôi của mình vào thì nhìn mọi chuyện khác nhau, nên không có gì lạ khi thấy thái độ của mọi người. Có thiền sư muốn con tu tập nhiều hơn để đạt Niết-bàn, nhưng con không biết nó như thế nào, con sợ bước tiếp rồi con sẽ vướng mắc thêm nhiều thứ, con thấy con chỉ muốn nhìn mọi thứ mà ít đánh giá, sống và yêu thương mọi người xung quanh mà ít dính mắc hơn thôi, thầy ơi cho con lời khuyên với ạ.
Con mong thầy nhiều sức khỏe ạ!



Trả lời: Sàdhu lành thay! Con có thái độ thiền như vậy thật đúng, nhất là con không bị Niết-bàn dụ dỗ mà chỉ biết sống tĩnh lặng trong sáng với thực tại thôi, đó chính là thiền, thấy được điều này thật là hiếm hoi. Ít người biết rằng không ham muốn trở thành gì cả chính là Niết-bàn, còn ham muốn trở thành Niết-bàn chính là sinh tử. Sàdhu, sàdhu! 

Hỏi đáp: Trung Tâm Hộ Tông



Ai đi tìm Niết Bàn? Nếu bản ngã đi tìm Niết Bàn thì Niết Bàn chỉ là ảo tưởng của bản ngã.
Ai đạt đến Niết Bàn? Nếu bản ngã có đến ngồi chễm chệ trên Niết Bàn thì bản ngã vẫn là bản ngã chứ không bao giờ Niết Bàn được.
Còn đi tìm Niết Bàn... tức chưa biết Niết Bàn là gì và ở đâu. Vậy không bao giờ tìm được Niết Bàn, vì dù có gặp thì làm sao biết đó là Niết Bàn?
Còn đạt đến Niết Bàn tức chưa phải Niết Bàn, vì Niết Bàn không phải là nơi (cõi giới) để đi để đến. đến đi tức nhân quả, thời gian và sinh tử.
Niết Bàn không phải là trạng thái lý tưởng, dù là hư vô, ngoan không hay thường - lạc - ngã - tịnh, vì trạng thái lý tưởng chỉ là phóng ảnh của vô minh ái dục.
Niết Bàn không đoạn nên chẳng thường, không khổ nên chẳng lạc, không năng sở nên chẳng ngã pháp, không dơ nên chẳng tịnh, chớ có mưu toan tô son vẽ phấn.
Niết Bàn cũng không phải là kết quả của một quá trình tu luyện, vì tu luyện chỉ đến sở đắc. Còn sở đắc là còn được còn mất, còn thành còn bại. Sở đắc có sinh nên sở đắc có diệt. Niết Bàn không sinh nên Niết Bàn không diệt. Chớ có manh tâm chiếm đoạt Niết Bàn.
Xưa có gã nằm mơ thấy mình giàu sang phú quý, danh vọng tột bực, hạnh phúc tuyệt đỉnh. Thế rồi vật đổi sao dời, một ngày kia bỗng nhiên tán gia bại sản, thân bại danh liệt, khốn khổ tận cùng. Trong khi đang bị tù tội tra khảo, gã mơ tưởng đến một viễn ảnh tự do và ngày đêm tìm phương vượt ngục. Kiên trí đào hang khóet lỗ, một hôm gã cũng thoát được ra ngoài, thấy mình thật là tự do thoải mái. Nhưng đi chưa được bao lâu, gã lại thấy trước mắt tường kín rào cao trùng trùng điệp điệp... Giật mình thức dậy thì tất cả thành bại, được mất, hơn thua, vui khổ đều bỗng tiêu tan, bấy giờ gã mới thở phào nhẹ nhõm.
Bản ngã, vô minh, ái dục, khổ vui v.v... đều toàn là mộng. Cho nên, với những người đang nằm mơ, Đức Phật không đưa ra thêm một “Niết Bàn trong mộng”, Ngài chỉ giúp họ tỉnh giấc thì tất cả mộng mơ đều tự tiêu tan. Đó là lý do vì sao Ngài Sàriputta trả lời du sĩ ngoại đạo Jambukhàdaka: “Này hiền giả! Đoạn tận tham, đoạn tận sân, đoạn tận si là Niết Bàn”. Và khi nói Niết Bàn là tịch tịnh, thanh lương cũng đồng một nghĩa: mộng mị tiêu tan thở phào nhẹ nhõm vậy.

* Được giảng từ câu chuyện:

Một thiền sinh tự cho mình là đã suốt thông kinh tạng, chỉ còn tinh tấn hành trí là sẽ đạt được Niết Bàn. Nhưng anh hành đến sốt ruột cũng chưa thấy Niết Bàn đâu. Anh bèn đến cầu kiến Sư:
- Lý sự con đều đã trải qua mà vẫn chưa được Niết Bàn, bây giờ phải làm sao?
Sư nói:
- Niết Bàn là tịch tịnh (santi), là nguội lạnh (sìta) mà ngươi nôn nóng như thế làm sao đạt được?

Trích:
Vi Tiếu
Tác giả
: Viên Minh
Nguồn:
 http://www.trungtamhotong.org/