Thân con bất động, tâm cũng được an...khi đụng chuyện con vẫn phiền não!



Người ta tưởng hành thiền là cố gắng để thay đổi trạng thái này thành trạng thái khác tốt đẹp hơn. Ví dụ như thay đổi trạng thái bất an thành an lạc, hay trạng thái xáo trộn thành bình ổn v.v... Nhưng tất cả trạng thái đều vô thường, khổ, vô ngã nên mọi ý đồ tìm cầu, đạt được hay nắm giữ đều chỉ là ảo tưởng.  Đó là lý do vì sao khi con cố gắng định tâm, và càng định tâm con càng thấy phiền não.




Ngày 04 – 05 - 2011

Kính bạch Thầy,

Thưa Thầy, vậy Thầy có mở khóa 7 tiếp theo không? Một tuần nữa kỳ thi hoàn tất, con sẽ được nghỉ 3 tháng hạ, nhân dịp này con sẽ chuyên tâm học pháp hơn. Con mong Thầy hoan hỷ dạy cho con, con sẽ theo Thầy đến nơi đến chốn.
Bài kinh Tứ Niệm Xứ thì con có xem nhiều lần, cả kinh An Ban Thủ Ý nữa. Con phần nhiều thích xem kinh Nguyên Thủy. HT. Chơn Thiện giảng kinh Nikāya có bao nhiêu đĩa là con nghe hết, như Thầy biết đó, đâu có được bao vị giảng về kinh Nikāya! Còn kinh Bắc Tông tự nhiên con chỉ thích tụng quyển kinh Kim Cang đến thuộc nằm lòng luôn. Và hễ có sách nào nói về thiền Vipassanā là con xem. Thí dụ như: quyển Minh Sát Tuệ của FRANK TULLIUS Tuệ Dung dịch, Mặt hồ tĩnh lặng, Ba mươi ngày Thiền Quán... Và Sư Tâm Hạnh trước khi đi Mỹ cũng đã cho con quyển "Pháp Hành Thiền Tuệ" của Ngài Hộ Pháp. Con đọc rất thích, nhưng ở cuối sách trang 645 có đoạn:"Sách này không có ý muốn để độc giả xem rồi thực hành theo sách”, thế là con thất vọng. Con không biết tại sao con đã quên mất lời dặn của Sư Tâm Hạnh là phải đi tìm Thầy.
Thậm chí con đã ra Thiền viện Phước Sơn của Sư Bửu Chánh ở đó một thời gian, học qua Vi Diệu Pháp nhập môn, con vẫn không tìm thấy được cái con cần tìm. Sau đó con có xem “Tọa thiền Chỉ Quán” của Ngài Trí Khải Đại Sư, và con kết hợp những gì đã thu thập được trong các sách như điều phục thân, 12 hơi thở đầu tiên để điều phục hơi thở, (6 hơi thở hít vào bằng mũi, thở ra bằng miệng và 6 hơi hít vào bằng mũi thở ra bằng mũi) để mau vào định.
Tiếp theo là đếm 10 hơi thở thuận, nghịch. Con thấy đến một lúc hơi thở biến mất, con không đếm nữa và theo dõi hơi thở tự nhiên (không phải điều khiển hơi thở), thân con bất động, tâm cũng được an. Con ngồi mỗi ngày 3 hoặc 4 thời, 1 thời hơn 1 tiếng, và con còn dự định vào 3 tháng hạ sẽ tinh tấn miên mật hơn. Tuy nhiên, khi đụng chuyện con vẫn phiền não.
Mấy năm trôi qua, hàng ngày con vẫn cầu nguyện chư Phật, Bồ-tát và Hộ Pháp xoay chuyển cho con gặp được minh sư, vì con biết mình hành chưa đúng. Và cảm ứng được tâm con, nên đã khiến con tìm gặp Thầy qua một cô bạn giới thiệu trang web của Thầy, bấy giờ con mới nhớ đến lời dặn của Sư Tâm Hạnh. Thưa Thầy, con rất vui mừng, bây giờ nghe những lời Thầy giảng, con như được uống từng giọt cam lồ tươi mát mà tâm con bấy lâu bị khô khát. Tuy con không đủ duyên đi đủ 7 buổi hướng dẫn thiền của Thầy, nhưng con đã download tất cả những files trong trang Pháp thoại và chép vào Mp3 nghe đi rồi nghe lại, mỗi lần tâm đắc đuợc pháp nào tâm con vô cùng hoan hỷ.
Con vui lắm thưa Thầy, con thật không biết làm sao để tri ơn Thầy. Hôm nay, con lắm lời quá, nhưng đó là tất cả những lời chân thật trong tâm con. Con biết Thầy chắc chắn là Thầy từ bao kiếp của con, Thầy sẽ thông cảm và hứa khả dìu dắt cho con tiếp tục đi hết nghịch lộ đầy gian nan và thử thách này nhé thưa Thầy.

Kính thư,

Con, Thích Nữ Tịnh Ngọc.

                     


Tịnh Ngọc con,

Học Đạo là vậy đó con, cũng không phải những điều con học hay hành trước đây đều vô ích, chính nhờ đó mà con manh nha thấy ra chỗ đúng chỗ sai trong pháp học pháp hành của mình, để đến khi đầy đủ nhân duyên, nghe thầy chỉ ra chỗ cốt lõi thì con mới có thể thấy được. Có người chỉ nghe một lần là thấy ngay, nhưng cũng không ít người nghe thầy giảng đi giảng lại nhiều lần vẫn chưa thấy ra đường lối. Đó không phải do thầy hay do họ, chỉ là do nhân duyên đã tới hay chưa tới mà thôi.
Con cũng như biết bao người học Đạo khác đã nhầm lẫn giữa thái độ tu tập với trạng thái kinh nghiệm. Người ta tưởng hành thiền là cố gắng để thay đổi trạng thái này thành trạng thái khác tốt đẹp hơn. Ví dụ như thay đổi trạng thái bất an thành an lạc, hay trạng thái xáo trộn thành bình ổn v.v... Nhưng tất cả trạng thái đều vô thường, khổ, vô ngã nên mọi ý đồ tìm cầu, đạt được hay nắm giữ đều chỉ là ảo tưởng. Đó là lý do vì sao khi con cố gắng định tâm, và càng định tâm con càng thấy phiền não. Vì ngay khi con có ý muốn định tâm là con đã tạo ra mâu thuẫn đối kháng với tâm không định rồi, hơn nữa muốn định tâm phải có điều kiện, mà điều kiện định tâm rước lấy sự khắc chế của điều kiện đối nghịch và đó chính là kẻ hở để phiền não có cơ hội khởi sinh. Chắc chắn đó không phải là chánh định. Vì vậy mà Bồ-tát Sĩ-đạt-ta dù đã đạt tới đỉnh cao của thiền định vẫn từ bỏ những vị thầy để tự mình khám phá ra pháp hành thiền tuệ.
Nguyên tắc khởi đầu của chánh định là “ly dục ly bất thiện pháp”, vì vậy mà khi lìa bỏ mọi tham muốn bên ngoài, và mọi ý đồ của cái ta tìm cầu, muốn thay đổi trạng thái, muốn đạt được sở đắc bên trong thì định liền đến một cách tự nhiên mà không cần cố gắng rèn luyện để tập trung tâm ý gì cả. Đó là sự khác biệt lớn lao giữa chánh định và tà định, hay định bành trướng bản ngã và định hoàn toàn vô ngã. Và cũng chính sự khác biệt này giúp con thấy thiền là thái độ tâm rỗng lặng trong sáng đối với mọi trạng thái của thân, thọ, tâm, pháp chứ không phải là nỗ lực để thay đổi trạng thái kinh nghiệm cục bộ này đến trạng thái kinh nghiệm cục bộ khác, dù là thiền định hay thiền tuệ cũng đều như vậy.
Sẵn đây thầy xin đính chính cho sư Hộ Pháp khi nói: "Sách này không có ý muốn để độc giả xem rồi thực hành theo sách” không phải có ý nói đừng theo pháp hành thiền tuệ được biên soạn trong sách, mà muốn nói rằng sách chỉ giúp người đọc hiểu được lý thuyết thôi, còn khi hành thì phải y cứ trên thực tại thân thọ tâm pháp nơi chính mình và nên được sự hướng dẫn của một vị thiền sư đã thấy pháp mới được, chứ không nên suy đoán theo sách mà hành.
Vì sau Rằm tháng Tư, tức cuối tháng 5 Dương lịch thầy đi Hà Nội và đầu tháng 6 thầy đi Malaysia nên chắc cuối tháng 6 thầy mới mở khóa 7 được. Chúc con mùa an cư kiết hạ tràn đầy đạo vị.

Thầy Viên Minh

Thư Thầy Trò 24
Viên Minh - Tịnh Ngọc