PHÁP đã hoàn hảo nơi mỗi người


Sự thật về cuộc sống luôn sẵn có nơi mỗi người chúng ta, sẵn có xung quanh chúng ta. Những người hiểu ra điều này sẽ không thấy có vấn đề gì nữa, cũng không còn gì để họ phải theo đuổi nữa. Bây giờ họ chỉ sống với thực tại và tự chiêm nghiệm, học hỏi mà thấy ra thôi. Vì câu trả lời cho mọi vấn đề của cuộc sống đều nằm trong chính cuộc sống. Mọi thứ đã tự đầy đủ nơi thực tại hết rồi, không cần thêm bớt gì nữa.
Tất cả chân lý đều đã đầy đủ nơi chính mình ngay bây giờ và ở đây. Không phải nó sẽ chỉ xuất hiện sau quá trình nỗ lực tu tập mà nó đã có sẵn nơi mỗi người. Vì vậy người đã giác ngộ không bao giờ cho rằng ta giác ngộ "cao" hơn người khác, vì họ biết chân lý nơi mỗi người đều bình đẳng như nhau.
Và kỳ diệu hơn chân lý sẵn có trong bất kỳ cái gì, trong từng bông hoa, viên sỏi, chiếc lá… Như Đức Phật từng nói chỉ vì ta có nhiều "bụi" trong mắt nên không nhận ra. Những hạt bụi của những phiền não, tư kiến, tư dục, quan niệm, lý luận chủ quan. Chúng che mắt ta khiến ta không nhận ra được sự thật, mà sự thật này phổ biến và đơn giản tới mức chỉ cần buông xuống mọi ý đồ thì nó liền hiển hiện.
Vi vậy bước đầu tiên của Thiền chính là biết thư giãn, buông xả để cho thân tâm lặng lẽ vận hành, không thêm bớt gì cả. Mọi hoạt động của thân hay tâm lúc đó hoàn toàn tự nhiên, tự nó ứng ra, chứ không phải xuất phát từ ý đồ của một cái Ta nào cả. Khi đi thì chân cứ tự bước, vấp phải hòn đá thì tự tránh sang bên.
Thường thì ta có thói quen tưởng tượng ra một chủ thể, rồi chủ thế đó làm cái gì đó. Cái làm này gọi là làm một cách hữu vi. Còn khi những hành động, phản ứng tự nhiên ứng ra của thân và tâm trước hoàn cảnh mà không có ảo tưởng về chủ thể xen vào gọi là làm một cách vô vi. Như khi ta lái xe, tự thân và tâm điều khiển xe, thấy chướng ngại tự tránh đi, thấy đèn đỏ tự đứng lại. Không có cái ta nào đang lái xe cả, có thể lúc thân-tâm tự lái xe thì có cái ta ảo tưởng suy nghĩ lung tung với ý đồ gì đó thôi. Chỗ này ta cần phân biệt cho rõ, thế nào là làm một cách hữu vi và thế nào là vô vi. Buông ra không làm gì cả - không thái độ lăng xăng tạo tác, để yên cho thân-tâm tự nhiên vận hành, tức là làm một cách vô vivậy.

Yếu tố đầu tiên của Thiền chính là thư giãn, buông xả

Thường thì ta vẫn cố gắng tu tập, rèn luyện để đạt được chân lý. Có biết đâu cái chân lý mà ta muốn đạt tới chỉ là ảo tưởng từ tâm trí ta. Khi ta đọc sách, hay nghe lời giảng, trong tâm trí tự vẽ ra một chân lý ảo tưởng rồi ta muốn theo đuổi, níu giữ nó và sở hữu nó. Do mình tự nghĩ ra thì làm sao có thể là chân lý được. Chân lý là luôn có sẵn, hiển hiện ở khắp nơi. Nó không thể do bất cứ ai nghĩ ra, hay tạo ra.
Khi ta cố gắng rèn luyện, nỗ lực để đạt tới cái chân lý, mục đích do tâm trí của ta tự dựng lên thì chính ta đang bước vào con đường luân hồi sinh tử. Chính cái bản ngã ảo tưởng cứ thôi thúc ta muốn làm cái này cái kia, muốn tạo tác để trở thành liền rơi vào thập nhị nhân duyên. Nguyên nhân của việc tạo tác để trở thành chính là vô minh và ái dục. Vô minh là không thấy rõ thực tại đang là, còn ái dục chính là tham và sân.
Ngay tại đây, bây giờ khi ta buông mọi ý đồ để thấy rõ trọn vẹn thân-tâm đang vận hành, ngay đó là sự thật rồi nhưng ta lại không thấy là như vậy. Ta đi tìm một sự thực khác, chân lý khác hợp ý mình hơn. Thí dụ ta muốn đạt được Niết bàn. Có biết đâu Niết bàn là một khái niệm không có thực bởi vì buông khái niệm đi thì ngay đó là Niết bàn.
Khi tâm khởi lên một khái niệm dù là khái niệm về Niết bàn thì đã là vọng tưởng. Chỉ cần nghĩ về Niết bàn, ta liền đánh mất thực tại đang xảy ra và rơi vào vô minh mất rồi.
Khi ta muốn đạt được Niết bàn tức cho rằng những gì đang xảy ra nơi thân-tâm không phải Niết bàn và ta phải nỗ lực để biến chúng trở thành Niết bàn. Đó chính là tạo tác để trở thành. Vô minh-ái dục có ái-thủ-hữu để trở thành liền rơi vào luân hồi sinh tử, phiền não khổ đau. Điều này Đức Phật nói rõ trong Thập Nhị Nhân Duyên.

Có một câu kệ rất hay:


"Chân bất lập, vọng bổn vô"


Chân lý luôn sẵn có, không thể do ta lập ra, đó chính là "chân bất lập". Bây giờ chỉ còn thấy vọng tưởng vốn không. Đức Phật dạy ta một cách hết sức đơn giản, đó là trở về trọn vẹn trong sáng với thực tại nghĩa là tinh tấn-chính niệm-tỉnh giác. Trọn vẹn với những gì xảy ra nơi thân-tâm như nó đang là, không còn thêm bớt gì hết.

Khi ta ngồi một cách hoàn toàn thư giãn, buông xả để thân tâm nghỉ ngơi. Không còn ý đồ muốn tốt hơn, hay tìm cầu chân lý gì nữa thì làm sao vọng tưởng có thể nổi lên. Đó chính là "chân bất lập, vọng vốn không" vậy.
Nếu một người có thể hoàn toàn buông ra như thế và ngay đó chứng thực những gì đang xảy ra thì gọi là người đã "chứng ngộ". Vì vậy yếu tố đầu tiên của Thiền chính là thư giãn, buông xả. Để cho thân-tâm hoàn toàn nghỉ ngơi vô sự. Lúc đó tâm trở về với thái độ hoàn toàn rỗng lặng trong sáng tự nhiên của nó.
Nếu mỗi người dù đang ở trong các trạng thái khác nhau, nhưng trạng thái nào thì cứ thấy nó như vậy thôi, thái độ của tâm vẫn rỗng lặng trong sáng, không có bình luận, phán xét, phản ứng hay thêm bớt gì cả thì ngay đó là Niết Bàn. Đức Phật đã định nghĩa Niết Bàn rất đơn giản chính là đoạn tận tham, đoạn tận sân, đoạn tận si. Niết Bàn chính là thái độ rỗng lặng trong sáng của tâm, chứ không phải là một trạng thái tốt đẹp, dễ chịu, hay cao siêu nào đó.
Tâm hoàn toàn rỗng lặng trong sáng mới là quan trọng, chứ không phải lúc đó ta đang ở trong trạng thái nào. Ta có thể đang bệnh, hoặc đang mạnh khỏe, đang thành công hay đang thất bại, đang hạnh phúc hay đang đau khổ, nhưng dù ta đang ở trong bất kỳ trạng thái nào thì tâm vẫn có thái độ rỗng lặng trong sáng. Và trong thái độ rỗng lặng trong sáng ấy, tất cả các trạng thái đều bình đẳng.
Ta có thói quen chọn lựa, cái này là thành công, cái kia là thất bại. Cho nên ta muốn tách cái thất bại ra, chỉ giữ lại cái thành công thôi. Cuộc đời đã bị ta chia ra làm nhiều mảnh gọi là "phân chia manh mún". Người thì thích mảnh này, người khác thích mảnh kia, cứ như vậy làm cho mọi thứ trở nên xáo trộn, mâu thuẫn, đối kháng gây ra phiền não khổ đau.
Nhưng có một điều kỳ lạ rằng chính những mặt đối nghịch lại giúp ta cân bằng giữa cuộc đời. Ví như người nghệ sỹ xiếc khi đi trên dây cần buông lỏng để tự điều chỉnh, nghiêng bên này một chút, nghiêng bên kia một chút mà giữ cân bằng. Anh ta càng căng cứng bao nhiêu càng nhanh mất cân bằng bấy nhiêu.
Nhờ có được, có mất, có vui lại có khổ, có đen có trắng,… nên tâm ta mới không bị dính mắc hay chìm đắm mà được trở về với thái độ rỗng lặng trong sáng tự nhiên vốn có của nó. Một người cứ sống tự nhiên, không có ý đồ tìm cầu cái tốt hơn hay thêm bớt gì cả bảo đảm sẽ tới Niết Bàn. Có câu chuyện:"Người tu như khúc gỗ trôi sông" thế này:
"...Một hôm, đứng trên bờ sông Ganga, Phật nhìn thấy một khúc gỗ lớn đang trôi theo dòng nước chảy về phương đông. Phật gọi các vị khất sĩ đến, chỉ cho họ thấy khúc gỗ đang trôi và nói:
- Này các thầy, khúc gỗ kia nếu không bị vướng mắc vào hai bên bờ, nếu không bị mắc cạn, bị người ta vớt lên hoặc bị mục nát tan rã, thì sẽ cứ trôi như thế cho đến ngày ra tới biển cả. Các thầy cũng thế, trên con đường tu tiến theo chánh pháp, nếu các thầy không bị vướng mắc vào các cạm bẫy của cuộc sống hằng ngày, nếu các thầy không bị người đời lôi kéo ra khỏi con đường tu tiến, nếu các thầy không tự thối chí ngã lòng, thì chắc chắn các thầy cũng sẽ đi đến đại dương của sự giải thoát và giác ngộ hoàn toàn…"
Vướng mắc vào bờ bên nay hay bờ bên kia tức là khi tâm ta không trọn vẹn với thực tại đang là, mà lại chọn cái này, bỏ cái kia. Khúc gỗ bị mắc cạn có nghĩa là khi tâm ta bám víu (chấp) vào một cái gì đó. Thí dụ một người đắc được thiền định và chỉ thích vào định nên bị kẹt ở đó. Hoặc một người đang có danh vọng rất cao trong xã hội nên bị kẹt vào chức danh đó. Khúc gỗ bị mục nát tức là tự huỷ hoại bản thân, ăn chơi vô độ vì tham, sân và si. Khúc gỗ bị vớt lên tức là khi ta mải mê chạy theo những mục đích và vọng tưởng mà rời xa thực tại đang là. Muốn đạt tới Thiên Đường hay Niết Bàn cũng nằm trong trường hợp này.
Chỉ cần trở về ngay thực tại mà nhìn lại thân, nhìn lại thọ, nhìn lại tâm, nhìn lại pháp như nó đang là. Tức là khi nhìn lại thân thì thấy thân thôi chứ không thấy nó là của tôi, nó già hay trẻ, đẹp hay xấu. Khi nhìn lại thọ thì chỉ thấy những cảm giác, cảm xúc đang diễn ra nhưng không thấy ai đang hứng chịu những cảm xúc, cảm giác đó. Khi khổ chỉ có khổ thôi, không có ai đang khổ. Khi buồn cũng chỉ có buồn như nó đang là vậy thôi, chứ không có ai đang buồn. Tức là nhận thấy rõ ràng rằng không có cái Ta và Của Ta ảo tưởng nào trong thực tại đang diễn ra. Vậy là ngay đó ta thoát khỏi phiển não và khổ đau.
Khi ta chưa thể nhìn lại thân-thọ-tâm-pháp như nó đang là, mà còn cho là theo tư kiến của mình, phải là theo nỗ lực của mình, sẽ là theo mong muốn của mình thì ta vẫn còn bất an và đau khổ. Chính những bất an và đau khổ này là tín hiệu báo động rằng ta đã không chịu thấy sự thật như nó đang là, ta đang rời xa chân lý nơi thực tại. Ta đi tìm chân lý bằng cách đánh mất chân lý đã sẵn có nơi ta.
Và hãy nhớ chân lý nằm ở thái độ chứ không phải trạng thái, nằm ở cách vận hành chứ không ở nơi kết quả. Có một tu sĩ mặc dù đang chịu nhiều đau đớn vì ghẻ lở đầy thân nhưng sau khi nghe Đức Phật giảng mà thấy ra được cái thân và tâm này là vô thường, khổ, vô ngã thì vị đó cũng đắc đạo quả.
Sống trong đời đừng chú tâm tới kết quả thành, bại, được, mất…, cũng đừng chú tâm tới trạng thái như vui, buồn, khổ, bất an… mà hãy luôn nhận biết rõ thái độ của tâm dù ta đang ở trong bất kỳ trạng thái nào, dù ta đang đối diện với bất kỳ kết quả nào. Niết Bàn chính là thái độ rỗng lặng trong sáng để thân-tâm có thể ở trong bất kỳ trạng thái nào. Khi đau khổ, thất bại cũng vẫn là Niết Bàn, và khi hạnh phúc, thành công cũng vậy.
Niết Bàn có mặt ngay khi cái Ta ảo tưởng được buông xuống hoàn toàn. Thay đổi thái độ là ngay lập tức, còn thay đổi trạng thái cần có thời gian. Như lời Đức Phật dạy:"Chân lý là trở lại mà thấy, mỗi người tự thấy, thấy lập tức ngay trên chính thực tại đang là, không qua thời gian".

"Svakkhāto Bhagavatā Dhammo,
Sanditthiko, Akāliko, Ehipassiko, Opanayiko,
Paccatam Vedittabo Viññūhi"
Svakkhāto Bhagavatā Dhammo 
– Pháp mà đức Thế Tôn khai thị là chân lý hay sự thật tuyệt đối
Sanditthiko - Thấy ngay lập tức
Akāliko - Không qua thời gian
Ehipassiko - Trở lại mà thấy
Opanayiko - Ngay trên chính thực tại đó
Paccatam Vedittabo Viññūhi - Mỗi người tự chứng ngộ.
Có nhiều người đã làm được điều này. Có người ngay khi đang bệnh đau thập tử nhất sinh tự nhiên buông ra được và ngay đó thấy hoàn toàn thanh thoát nhẹ nhàng. Mặc dù vẫn rất đau, nhưng không còn khổ nữa. Vì người đó biết khổ chỉ xảy ra khi đau mà lại không muốn cái đau ấy mà thôi.

Viên Minh




                                         
 Audio: Pháp đã hoàn hảo nơi mỗi người