Chìa khóa GIÁC NGỘ

Người giác ngộ giống như vị lương y thông thái, biết rõ tính dược (tánh, tướng, thể, dụng) của mọi vật trên đời nên biết tùy nghi sử dụng chứ không lấy cái này bỏ cái kia một cách chủ quan mê muội. Thuốc độc mà dùng đúng thì có lợi, thuốc bổ mà dùng sai thì có hại. 

Hỏi: Bạch Ngài cho con hỏi. Một người ngộ rồi nhưng có thể chưa giải thoát, có phải không? Và một người tâm giải thoát nhưng có thể chưa ngộ, có phải không? Con cám ơn Ngài.

T.S Vi
ên Minh trả lời: Có 4 trường hợp:

1) Ngộ nhưng chưa giải thoát: Đó là trường hợp mới ngộ lý nhưng còn vướng sự, hoặc bậc Thánh hữu học còn chưa hết kiết sử.
2) Giác ngộ và giải thoát: Đó là tường hợp ngộ lý và sự dung thông viên mãn, như các bậc Alahán, Độc giác và Toàn giác.
3) Giải thoát nhưng chưa giác ngộ: Đó là trường hợp những vị đắc các bậc thiền sắc giới, vô sắc giới có thể thoát khỏi cảnh giới vật dục (dục giới) nhưng vẫn còn vô minh và tham ái.
4) Giải thoát và giác ngộ: Đó là trường hợp tiến trình tâm của bậc Thánh, sau khi thoát khỏi sự trói buộc của kiết sử thì Đạo tuệ chứng ngộ Thánh quả.

Hỏi:Thầy ơi! Con muốn đăng ký thọ nhận phép điểm đạo trên trang Web mattongthiendinh nhưng con còn ngại và sợ. Thầy cho con lời khuyên, những hiện tượng ấn chứng mà những người tu mật tông có được là gì? Con xin cảm ơn thầy.

T.S Vi
ên Minh:Con cứ nghiên cứu cho rõ ràng trước khi đăng ký thì tốt hơn. Cũng như muốn đăng ký mua một món hàng ở siêu thị thì con phải biết rõ hình dáng, chất lượng và giá cả món hàng đã. Đạo ở khắp mọi nơi, ai ít bụi trong mắt đều có thể thấy như nhau, sao con không tự mình trở lại mà thấy (Ehipassiko)? Quay lại thì ngay đó là bờ, sao con lại hướng ngoại tìm cầu? Ở nơi con đã sẵn có một tánh biết thật tuyệt vời và pháp quanh con đều đang vận hành thật mầu nhiệm, sao con không lặng lẽ chiêm ngoạn chân lý muôn đời ấy mà đi tìm chút "ấn chứng" đang còn trong tưởng tượng? Dù ấn chứng ấy có là Niết-bàn nhưng nếu đó là mục đích để trở thành thì vẫn chỉ là sinh tử, vì bản chất của tham vọng trở thành chính là sinh tử, con có biết điều đó hay không?


Hỏi: Mô Phật, kính bạch thầy:Con là một Phật tử nhờ sự giới thiệu của bạn đồng tu mà biết được trang web này. Trang web có giải đáp thắc mắc giáo lý nên con xin mạn phép được hỏi: Đức Phật có nói "Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành". Sao mà tới giờ chưa có Phật nào thành ạ? Mong thầy giải đáp thắc mắc cho con. Nam Mô Thích Ca Mâu Ni Phật.


T.S Viên MinhPhật đơn giản chỉ có nghĩa là người giác ngộ chân lý và sống đúng với chân lý ấy. Có 3 hạnh giác ngộ thành Phật là Phật Thanh Văn Giác, Phật Duyên Giác và Phật Toàn Giác. Trong thời đang còn giáo pháp của đức Phật Gotama thì một vị Phật Toàn Giác khác không ra đời, chỉ có những vị Phật Thanh Văn Giác. Và trong thời không có giáo pháp của vị Phật Toàn Giác nào thì có Phật Duyên Giác. Như vậy ngoài đức Phật Gotama còn rất nhiều vị giác ngộ nhờ giáo pháp của Ngài, hoặc do duyên tự nhiên mà tự mình giác ngộ, sao con nói "... tới giờ chưa có Phật nào thành" và khi các Ngài thành thì làm sao con biết được?


Hỏi: Con chào sư ông, hôm nay con vô tình đọc được một câu nói của thiền sư Achan Cha làm con nảy sinh thắc mắc, mong sư ông giải thích giúp cho con, câu nói ấy như thế này:"Đức Phật nói rằng bậc giác ngộ là người đã xa lìa phiền não. Điều đó không có nghĩa là họ chạy trốn phiền não. Họ chẳng bao giờ làm như thế cả. Phiền não vẫn nằm đấy. Đức Phật so sánh điều này với lá sen trong hồ nước. Lá sen và nước cùng có mặt. Lá và nước tiếp xúc với nhau nhưng lá không ướt. Nước có thể ví như phiền não và lá sen là tâm giải thoát. Tâm của người hành thiền thì không chạy đây đó. Nó nằm yên tại một chỗ. Khi tốt và xấu, hạnh phúc và đau khổ đến, người hành thiền chỉ đơn thuần nhận biết mà không để chúng thấm ướt tâm. Nói cách khác người hành thiền không dính mắc vào cái gì cả." (Thiền sư ACHAN CHA)
Câu làm con thắc mắc ở đây là: "Đức Phật nói rằng bậc giác ngộ là người đã xa lìa phiền não. Điều đó không có nghĩa là họ chạy trốn phiền não. Họ chẳng bao giờ làm như thế cả. Phiền não vẫn nằm đấy."
- Con được biết là đức Phật có danh hiệu là Araham - người đã diệt sạch mọi phiền não trong tâm và cả tiền khiên tật trong quá khứ, nhưng ở đây tại sao vị thiền sư này nói "phiền não vẫn nằm đấy" là sao con không hiểu?
- Và vị ấy còn so sánh phiền não như nước và lá sen trong hồ, nước và lá sen cùng có mặt, cùng tiếp xúc với nhau nhưng nước không làm ướt lá sen". Có phải là ở đây ý của vị thiền sư này muốn nói là Đức Phật vẫn không tránh khỏi phiền não (phiền não vẫn khởi lên), nhưng phiền não vẫn không làm ảnh hưởng đến tâm giải thoát của ngài => Đức Phật vẫn còn phiền não?
Con xin cám ơn sư ông, mong sư ông giải tỏa thắc mắc nghi ngờ trong tâm con!


T.S Viên Minh: Sư ông lại có ví dụ khác để con hiểu lời nói của Thiền sư Ajahn Chah. Ví như một vị Thần Y, biết rõ mọi tính dược: chất này độc, chất này bổ; chất này âm, chất này dương, chất này hàn, chất này nhiệt, v.v... nhưng không loại bỏ chất nào dù là chất độc vì vị ấy biết sử dụng các dược tính này đúng lúc đúng chỗ nên không những không bị ngộđộc mà còn đem lại lợi ích. Cũng vậy, người mê bị đắm chìm trong phiền não, còn người trí lấy phiền não làm bài học giác ngộ. Chạy trốn phiền nào thì làm sao thấy được bản chất phiền não mà giác ngộ? Thấy ra bản chất phiền não mới có tuệ giác, con chỉ muốn giải thoát khỏi phiền nào thì làm sao có được tuệ giác? Con đừng lý luận, cứ tới đó là biết ngay thôi.

Hỏi:Thưa thầy. Như một người đàn ông thích một người vợ đẹp, rồi đòi hỏi phải thế này thế nọ, và thọ khổ. Rồi ông ấy đòi tìm người vợ khác trẻ đẹp hơn, rồi lại đòi hỏi và lại thọ khổ. Và cứ như thế, ông ấy cưới hết người vợ này đến người vợ khác rồi đến lúc...chết. Con thấy ngay nơi tâm con cũng giống như vậy. Cái ngã cũ sinh ra cái tham rồi khổ. Khi cái ngã cũ chết đi thì cái ngã mới lại sinh ra, rồi lại tham và lại khổ. Cứ như vậy, ngay nơi tâm này, con đang thấy và con đang sống trong trầm luân thưa thầy!


T.S Viên MinhĐúng vậy, đó là một ví dụ điển hình biểu hiện rõ nét bản chất không thật của cái ta tham ái không dừng nghỉ trong đời sống thế gian. Nhận thức được điều này là một sự bùng vỡ khá ngoạn mục. Không cần diệt cái ta ấy bởi vì nó đâu có thực mà diệt, chỉ cần thấy ra mọi hành trình của nó thì nó không còn chướng ngại hay che lấp gì được nữa.
Giống như khi xem một cuốn phim, chúng ta thấy được diễn biến và ý nghĩa của cuốn phim nhờ chúng ta biết không có mình trong phim nên không khổ vui theo những nhân vật trong đó. Nếu chúng ta tự đồng hóa mình với nhân vật trong phim thì cũng sẽ vui buồn theo họ. Ngã và vô ngã cũng vậy, nếu thấy pháp là ngã thì sẽ trầm luân theo pháp, nếu thấy pháp là pháp thì còn ai để trầm luân khổ não nữa đâu? Giác ngộ ra thì pháp cũng không huống chi là ngã!


Hỏi:Kính thưa Thầy,Trong thời gian vừa qua con thấy thế này ạ: Tham thì không bao giờ là đủ, sân thì chẳng bao giờ có thể đoạn được cho nên Pháp là quay trở về để mà thấy. Bản ngã lúc nào cũng muốn tạo ra một cái sân khấu với những vai diễn, kịch bản đầy cảm xúc. Phật dạy, "Các pháp hữu vi là vô thường", cái gì có sinh thì có diệt ngay cả tham sân si cũng vậy, rồi cũng sẽ chỉ còn lại một dòng lặng lẽ, luôn trôi chảy mà thôi. Bây giờ con chỉ cốt sống trọn trong từng giây phút như một con người, trong một kiếp người mà thôi.
Con cám ơn Thầy trong thời gian vừa qua đã hết lòng chỉ dạy cho con! Nhân dịp năm mới con kính chúc Thầy có nhiều sức khỏe để tiếp tục chỉ dạy cho hàng hậu học chúng con và thắp sáng những ngọn đèn chánh Pháp cho những ai hữu duyên ạ!


T.S Viên Minh: Sàdhu lành thay! Cứ thấy pháp và sống thuận pháp thì pháp là ân huệ, không thấy pháp và sống nghịch pháp thì tự rước lấy tai họa. Đó là nguyên lý muôn đời của Tứ Diệu Đế. Chúc con năm mới hưởng được pháp vị nhiệm mầu.

Hỏi:Thưa thầy, mỗi ngày được ghé qua trang web là một niềm vui của con. Con cảm ơn thầy cũng như mọi người nhiều lắm. Mặc dù dạo này con "ít vấn đề" nên con không hỏi thầy nhiều nữa, con chỉ lắng nghe thôi. Lắng nghe cũng tuyệt vời lắm, thưa thầy!Nhưng sáng nay ngủ dậy con chợt nghĩ trong đầu: "mình nhận thấy rất rõ sự vô thường và khổ nhưng lại rất mơ hồ về vô ngã. Sao mình có vẻ hơi luẩn quẩn, đã thấy vô thường, khổ rồi thì phải thấy vô ngã ngay chứ? Vì vô thường và khổ chẳng của riêng một người hay sự vật nào mà nó bao trùm lên tất cả các pháp." Con hiểu vô ngã như vầy đã đúng chưa, thưa thầy?



T.S Viên MinhCó hai cấp độ thấy vô thường, khổ, vô ngã. Một là thấy qua suy tư, hiểu biết của lý trí, hai là thấy qua trực nhận vô ngôn của trí tuệ. Nhiều người hiểu biết rất rành mạch về ba pháp ấn này nhưng không thật sự thâm cảm và sống thực với chân lý này. Thực ra không cần thấy hết cả ba, tùy căn cơ hay hoàn cảnh của mỗi người mà chỉ cần thấy một thôi cũng vẫn giác ngộ giải thoát. Ví dụ như người có nhiều tham vọng ở tương lai chỉ thấy vô thường, người bám víu trong lý tưởng hạnh phúc chỉ cần thấy khổ, người thiết lập quá nhiều mối quan hệ ta và của ta chỉ cần thấy vô ngã. Và cũng có khi ngược lại hoặc tùy duyên mà thấy ra bản chất thật của đời sống. Con cứ sống, khám phá, chiêm nghiêm rồi sẽ thấy tất cả.

Hỏi: Kính thưa thầy, con là học trò chểnh mãng trong khóa thiền. Trong lớp con hay ngủ gật nên đã nghe thầy giảng 2 khóa rồi mà chỉ trụ được mấy chữ "tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác" thôi. Trước dây con như người ngủ mê thấy Phật giáo nhiều tông phái quá nên không biết phải tu học như thế nào cho phù hợp. Con theo chị đến chùa Bửu Long nghe thầy giảng về thiền và ở nhà con cũng hay vô trang web Trung Tâm Hộ Tông để tìm hiểu thêm. Lạ lùng lắm thầy ạ, những lời thầy như rửa sạch tâm con vậy, càng nghe càng tìm hiểu thì tâm con càng rỗng lặng. Con thấy cuộc sống thật nhẹ nhàng, thuận lợi làm sao! Mấy lần con muốn bày tỏ với thầy trong lớp nhưng không dám nói.Thưa thầy, bây giờ con có cần hành thiền gì nữa không và nếu hành thì xin thầy từ bi hướng dẫn cho con để con được tinh tấn hơn, có lẽ pháp đang tự vận hành trong con chứ con không làm gì cả. Con muốn là một thiền sinh siêng năng thầy chỉ dạy giúp con, xin thầy hoan hỉ. Con kính chúc thầy luôn an lạc.


T.S Viên MinhCon nói rằng con đã "trụ" được mấy chữ tinh tấn chánh niệm tỉnh giác, rằng pháp thoại như rửa sạch tâm con, rằng tâm con càng rỗng lặng, rằng con thấy cuộc sống thật nhẹ nhàng... và pháp đang tự vận hành trong con chứ con không làm gì cả... Tuyệt vời! "không làm gì cả" chính là con đang làm rất tốt, vì đối với người trí thì làm gì không quan trọng mà quan trọng là biết mình đang làm gì. Và đó mới là hành thiền đích thực, vì thiền là chỉ thấy (vipassanà) pháp tự vận hành trong con, hoàn toàn vô vi vô ngã, chứ nếu "con hành" thì chỉ là hành động tạo tác của cái ta ảo tưởng mất rồi. Nếu tâm con đủ rỗng lặng, hồn nhiên, trong sáng để thấy pháp tự vận hành mà bỗng dưng lại khởi lên ý muốn hành thiền thì chẳng khác nào đất bằng dậy sóng. Chính vì nhiều người không thấy ra chỗ cốt lõi này nên cứ mãi bôn ba hành hết thiền này qua thiền khác mà thực chất chỉ là tự "hành" mình mà thôi! Trong thiền Vipassanà, thấy tức là hành, hành tức là học cách pháp đang vận hành nơi thực tại thân tâm. Học tức là buông mọi ý đồ tạo tác trở thành để pháp tự vận hành cho mà thấy, nên mới nói tâsy tức là hành. Nhưng nhớ là "nhậm pháp hành" chứ đừng "nhậm ngã hành" mà bỗng dưng chuốc khổ!

Hỏi: Kính thưa Thầy, trong thời gian qua con nhận thấy thế này ạ: khi một ý niệm trong đầu được sinh ra thì thiên đường hay địa ngục cũng do nó tạo ra, thiện hay bất thiện nếu mà còn phân biệt, tức là còn dính mắc thì còn đau khổ, còn trong tam giới. Luôn tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác để trở về với thực tại, để thấy đâu là ảo tưởng do bản ngã tạo ra, chỉ khi không còn dính mắc vào các ý niệm ảo tưởng nữa thì mới trả lại thực tánh cho Pháp và thấy Pháp như nó đang là. Cốt yếu của Đạo vẫn là sự buông bỏ cái ta ảo tưởng, không dính mắc vào các Pháp, vì chỉ có bản ngã mới lưu giữ lại Pháp, xem xét, đánh giá theo ý niệm.
Con kính mong được sự chỉ dạy của Thầy, con cám ơn Thầy và chúc Thầy sức khỏe!


T.S Viên Minh: Con đã thấy đúng. Và nếu con có thái độ đúng thì buông bỏ cái ta ảo tưởng có nghĩa là thấy nó đang hoạt động như thế nào hay thực chất nó là gì chứ không buông cái gì cả. Buông là thấy mà không can thiệp, không phản ứng, không tạo tác, vì thật ra chẳng có gì để buông cả. 

Hỏi: Kính thưa Ôn, xin Ôn cho con được hỏi: Con là một người xuất gia trẻ ở một ngôi chùa nổi tiếng, Ôn của con là một bậc tôn sư và con xuất gia bởi vì thấy đời sống này phù hợp với mình. Nhưng có những lúc con thấy đời sống này tẻ nhạt quá, một người tuổi xuân phơi phới, sự học hành, đường tương lai thênh thang... Nay vào chốn thiền môn mà tưởng như" Lầu Ngưng bích khóa xuân", suy nghĩ lại thì ra đời sự nguy hại cũng không lường hết được. Tất cả những suy nghĩ trên như là những đợt sóng nó cứ bất thường gợn lên trong tâm con. Xin Ôn cho đứa trẻ mới học đạo này lời khuyên. Kính cảm ơn Ôn!


T.S Viên MinhChung quy là con sợ khổ nên mới phân vân như vậy. Nhưng khổ một nỗi chính phân vân cũng đã là khổ rồi, phải không? Nói chung ở đâu cũng khổ cả vậy thì con phân vân làm gì cho mệt. Ngày nào còn có duyên ở chùa con cứ sống thật nhiệt tình, thật trọn vẹn từng giây từng phút, rồi nếu mai kia con hết duyên, có ra đời thì cũng cứ sống nhiệt tình và trọn vẹn từng phút từng giây. Sống trọn vẹn với chính mình thì chí ít cũng không phải bị khổ vì phân vân do dự.
Đừng quan tâm đến khổ hay vui trong cuộc sống, vì cuộc đời luôn có hai mặt, tìm vui thì cũng gặp khổ, chịu khổ rồi cũng được vui, khổ vui chỉ là tương đối. Dù con chọn đường nào thì khổ vui cũng thế. Nhưng khổ vui của cuộc đời lại là bài học quý giá giúp con giác ngộ. Vậy điều quan trọng là con có nhiệt tình học bài học giác ngộ của mình trên con đường mà con đang đi hay không mà thôi. Hãy đi với hết lòng mình để học ra bài học giác ngộ thì đường nào rồi cũng dẫn đến An Lạc Niết-bàn.


Nguồn: Trung Tâm Hộ Tông



***Giác ngộ là thấy pháp
Thấy pháp tánh đang là
Thấy người thợ làm nhà
Tất cả nhờ Tánh Biết.