Những bài Pháp ngắn (9) [THẦY VIÊN MINH]




NGHIỆP

Nghiệp là một đạo lý không đơn giản như chúng ta tưởng, nên đưỡc xem là một trong những pháp không thể nghĩ bàn (acinteyya dhamma), nghĩa là không nên suy luận hay tưởng tượng quá xa, nếu suy luận nhiều quá có thể bị điên loạn. Chủ yếu khi dạy đạo lý này đức Phật chỉ muốn giúp chúng ta quan sát, chiêm nghiệm sự vận hành của nghiệp nơi chính mình hay ở tha nhân để một mặt tránh hành động, nói năng, suy nghĩ sai trái, bất thiện gây tổn hại hoặc thực hiện những điều tốt lành, hiền thiện cho mình và người, mặt khác giúp chúng ta thoát khỏi lưới nghiệp của chính mình chứ không đổ thừa cho định mệnh và nhất là biết chịu trách nhiệm hành vi của mình chứ không tin vào bất cứ hình thức thưởng phạt nào từ bên ngoài.
Theo đạo lý về nghiệp, khi một người bị hại chính là anh ta đang thọ nghiệp quả do một nghiệp nhân mà anh ta đã tạo trong quá khứ, còn người gây hại chỉ là duyên để cho nghiệp quả ấy có cơ hội trổ sinh mà thôi. Duyên giúp cho một nghiệp quả nào đó trổ sinh không nhất thiết phải liên hệ nhân quả với nghiệp ấy, nghĩa là duyên ấy có thể độc lập với nghiệp kia. Ví dụ, một người bị vấp sợi dây ngả gảy xương. Sợi dây là duyên còn việc gảy xương thỉ do nhiều nguyên nhân khác trong quá khứ.
Duyên có thể vô tri, vô tình hay hữu ý. Trường hợp sợi dây là vô tri như đã nói trên, dĩ nhiên nó không tạo nghiệp gì cả. Trường hợp một cậu bé liệng đá hái xoài lại gây thương tích cho một ông lão, nó vô tình gây hại chứ không cố ý. Trường hợp một người cố ý hãm hại người khác thì dĩ nhiên cố ý là đã tạo nghiệp rồi. Tuy nhiên nhân hãm hại này có thể có liên quan trực tiếp với quả bị hãm hại nếu hai người này có oan trái vay trả với nhau. Cũng có thể không liên quan nhân quả từ trước, mà nhân của người này chỉ là duyên cho quả của người kia mà thôi.
***
Giải nghiệp có ba cách:
1) Chấp nhận trả quả để học ra bài học nhân quả nghiệp báo
2) Sám hối nghiệp đã gây ra trong quá khứ
3) Tránh làm việc hại mình hại người, thường làm những việc tốt lành lợi mình lợi người.
Ai làm được ba điều trên đều có thể giải nghiệp bất luận là người xuất gia hay tại gia. Trả quả có thể do báo oán, nhưng dù không ai báo oán thì cũng có thể gặt quả theo duyên khác. Ví dụ giết một vị Alahán thì vị ấy đâu có báo oán mà vẫn chịu quả khổ trong địa ngục.

***
1) Nếu con tin vào nghiệp thì cái gì con đang gánh chịu chính là nghiệp quả phát xuất từ một nghiệp nhân nào đó trong quá khứ. Tuy nhiên, nghiệp không phải chỉ đơn thuần là gieo nhân gặt quả một cách máy móc, nghiệp còn mang tính giáo dục và tôi luyện rất cao. Một người đã từng tạo nghiệp sai lầm nay gặt hái quả khổ, đó là luật nhân quả thuần túy. Nhưng thái độ phản ứng đối với quả khổ ấy thì còn tùy trình độ nhận thức của mỗi người. Có câu danh ngôn nói rằng: "Cảnh khổ là nấc thang cho bậc anh tài, là kho tàng cho người khôn khéo và là vực thẳm cho những kẻ yếu đuối". Đó chính là ý nghĩa giáo dục và tôi luyện của nghiệp đặc biệt là phương diện quả khổ. Có thể nhờ khổ như vậy mà con có duyên với thiền. Con thấy đó, mục đích của thiền tuệ chính là nhận ra bản chất thật của đời sống (pháp): Vô thường, khổ, vô ngã. Những người có điều kiện sống tốt, như ở Tây phương chẳng hạn, họ rất ít tu, và nếu có tu thì cũng là tu với tham vọng hoặc chỉ là xa xỉ mà thôi.
2) Nếu con tu thiền định để vững tâm đối diện với những thử thách của cuộc đời hay để trợ duyên cho thiền tuệ thì thầy hoan nghinh, nhưng nếu để có ít thần thông đủ xài thì e rằng không ổn, vì điều này chứng tỏ con không sẵn sàng học bài học tôi luyện trong cảnh khổ rồi, đúng không? Hãy can đảm và trầm tĩnh sáng suốt lên để đối diện với bản chất thật của cuộc sống. Tu không hẳn phải lánh đời bằng cách trốn vào rừng. Rừng có thể cho con yên tĩnh, nhưng ngược lại cũng có thể cướp đi nơi con lòng can đảm đối diện với những thử thách cam go, những sự thật phủ phàng để học ra bài học giác ngộ.
3) Nếu con thật sự nhận chân được xuất gia là con đường duy nhất phù hợp với mình, con không thể đi con đường nào khác, thì có lẽ không có bất kỳ lý do gì để con phải phân vân lựa chọn. Khi một người do dự thì sẽ có vô số lý do để mà... bỏ qua cơ hội! Không có sự tiến tới nảo không có lực cản, điều quan trọng là đã lượng định được hướng đi có tốt chưa và khi đã định hướng rồi thì liệu có khả năng để vượt qua lực cản hay không mà thôi.
 


                                     

XÁ LỢI

Nhiều người Nepal và Ấn-độ tin rằng vẫn còn Xá-lợi của những vị Phật quá khứ, nhưng khó mà kiểm chứng được. Xá-lợi đức Phật Thích-ca thì có thật, một số đã được các nhà khảo cổ xác định niên đại. Phần lớn Xá-lợi của Phật và chư vị Thánh Tăng tương truyền từ đời này qua đời khác và được tôn trí trong các Bảo Tháp nhiều nước trên thế giới, tuy chưa ai đem đi xác định bằng những phương pháp khoa học, nhưng rất đông tín đồ Phật tử vẫn tìm đến hành hương chiêm bái với lòng kính thành và xúc động.
Bản thân tôi cũng phân vân, không dám xác tín cũng không dám nghi ngờ. Có điều là tôi đã được chứng kiến một số hiện tượng lạ, cũng như nghe nhiều người kể những điều mầu nhiệm về Xá-lợi:

- Người bị tâm thần ngoại nhập đã khỏi bệnh khi được tụng kinh rải nước tắm Xá-lợi.
- Một người bệnh nhà thương trả về, đang hấp hối, cho uống nước tắm Xá-lợi đã phục hồi một cách nhanh chóng không ngờ.
- Xá-lợi biến mất ở một vài nơi, nhưng lại hóa sinh thêm nhiều ở một số nơi khác.
- Xá-lợi lớn lên dần và có khi chia thành nhiều viên.
- Xá-lợi phát hào quang nhiều màu…

Tôi có đọc vài cuốn sách (chẳng hạn như cuốn Tìm Hiểu Pháp Hành Thiền Tuệ, xuất bản năm 2002, trang 71) cũng như nghe tương truyền rằng sau 5 ngàn năm Xá-lợi của đức Phật Thích-ca sẽ tụ hội lại thành một kim thân Phật ở tại Bồ-đề Đạo Tràng, thuyết pháp độ sanh, rồi tự thiêu hủy, hiện tượng này gọi là Xá-lợi Niết-bàn (Dhātuparinibbāna).

Có ba loại Niết-bàn, là Phiền Não Niết-bàn, Ngũ Uẩn Niết-bàn và Xá-lợi Niết-bàn. Trong đó, Phiền Não Niết-bàn đã xảy ra tại bồ đoàn dưới gốc cây Bồ-đề, Ngũ Uẩn Niết-bàn đã xảy ra ở Kusinàra, và Xá-lợi Niết-bàn sẽ xảy ra trong tương lai. Đến thời giáo pháp sắp bị hoại diệt, tất cả Xá-lợi ở trên đảo quốc Tích lan (Tambapaṇṇidīpa) sẽ tập hợp lại và quy về Đại Tháp (Mahācetiya). Từ Đại Tháp Xá-lợi sẽ đến tháp Vương Xứ (Rājāyatanacetiya) trên đảo quốc của Long vương (Nāgadīpa). Từ đó Xá-lợi sẽ quy tụ về bồ đoàn ở dưới gốc cây Bồ-đề. Xá-lợi từ xứ sở của Long vương, từ cõi trời Dục giới và cõi trời Phạm thiên cũng đều quy tụ về Bồ-đề đạo tràng. Không có một viên Xá-lợi nào bị mất, dù có nhỏ bằng hạt cải. Tất cả Xá-lợi kết tụ lại thành một hình dung vàng óng và toả hào quang sáu màu. Hào quang đó chiếu sáng đến mười ngàn thế giới, cho nên chư thiên trong mười ngàn thế giới vân tập và bảo nhau: “Hôm nay Đức Đạo sư nhập diệt, hôm nay giáo pháp hoại diệt, giờ đây là lần cuối chúng ta thấy được dung sắc của ngài”. Nghĩ như vậy họ càng thấy thương tâm hơn, nên ngoại trừ những vị đã chứng đắc A-na-hàm và A-la-hán, tất cả đều không kìm được cảm xúc của mình. Yếu tố lửa trong Xá-lợi bốc lên, đến tận cõi trời Phạm thiên, tất cả các Xá-lợi khác, dù nhỏ như hạt cát đều bốc thành một ngọn lửa. Tất cả Xá-lợi đều cháy rụi. Sau khi đại thần thông đó được hiển bày, Xá-lợi hoàn toàn biến mất và giáo pháp cũng biến mất. (dịch từ Chú giải Kinh Tự Hoan Hỷ, Kinh số 28 Trường Bộ Kinh)


                            

CỐT LÕI CỦA THIỀN

Thấy, nghe, xúc, biết tức kiến, văn, giác, tri nên gọi chung là tri kiến. Như vậy bài kệ này nói đến tri kiến như thực (yathàbhuta ñàna-dassana). Thấy là nhãn thức, nghe là nhĩ thức, xúc dùng trong bài kệ này ứng dụng chung cho tỷ thức, thiệt thức, thân thức, và biết là ý thức. Nếu tâm rỗng lặng, trong sáng không bị lý trí vọng thức hay tình cảm tham sân xen vào thì khi thấy, nghe, xúc, biết pháp đều như thị như thực, gọi là thấy biết thực tánh (paramattha). Nếu tâm bị che lấp bởi lý trí, tình cảm thì chỉ thấy biết qua ý niệm, quan niệm, thành kiến, hay cảm tình ưa ghét v.v... nên sẽ là cái thấy chủ quan, không như thực, hay nếu có đúng thì chỉ đúng theo khái niệm chế định (paññatti). Cái biết này gọi là kiến thức. Tóm lại, tri kiến là thấy biết trực tiếp, thực tế và vô ngôn, còn kiến thức là một số thông tin vay mượn đã được mã hoá qua ngôn ngữ. Vậy không nên tin vào kiến thức mà cần phải thấy biết như thực theo bài kệ Phật dạy. Đó là cốt lõi của thiền Vipassanà Nguyên Thuỷ và thiền Kiến Tánh của Thiền Tông.

***
Người hành thiền mới sơ cơ thường tuân theo một thời khoá do một thiền viện, một thiền sư hay tự mình quy định để tự sách tấn, không giải đãi, dễ duôi. Điều này cũng tốt, nhất là với các loại thiền có sở đắc. Nhưng nếu hành giả là người đã thấy ra rằng thiền thật sự chỉ có thể thực hiện trọn vẹn tại đây và bây giờ thì người ấy có thể hành thiền ở khắp mọi nơi, mọi lúc, không cần quy định giờ giấc nào cả. Vì một khi đã quy định thì tất nhiên phải gặp trở ngại. Ví dụ đến giờ ngồi thiền thì có công việc, có khách khứa hay bệnh duyên v.v... lúc đó dễ sinh bất an, thậm chí có người còn sợ tội nữa. Vậy đơn giản là nếu chưa có thể hành thiền mọi lúc mọi nơi thì cứ theo quy định nhưng nên uyển chuyển một tí đừng quá cứng nhắc, đồng thời nên tập thận trọng, chú tâm, quan sát chính mình trong đời sống hàng ngày thì sẽ không còn bất an trong quy định giờ giấc nữa.




CHÁNH PHÁP

1) Pháp mà đức Phật dạy được gọi là chánh Pháp vì Pháp ấy chỉ bày cho chúng ta thấy sự thật. Nương nơi những lời dạy chân chánh ấy chúng ta thấy ra sự thật đã sẵn có nơi chính mình và cuộc sống, nhờ vậy chúng ta biết sống thuận Pháp, thấy rõ đâu là đúng đâu là sai, đâu là chân đâu là giả, không bị đánh lừa bởi ảo tưởng do bản ngã vô minh ái dục tạo ra. Tuy nhiên cần lưu ý: lời dạy của đức Phật ví như ngón tay chỉ mặt trăng, nương theo ngón tay để thấy trăng chứ đừng tưởng lầm ngón tay là mặt trăng. Quá chú ý vào ngón tay, quan trọng hóa ngón tay, diễn dịch quá nhiều về ngón tay có thể đánh lạc hướng ngón tay muốn chỉ, do đó không thấy được mặt trăng mà chỉ thấy cái mình diễn dịch. Pháp do tư kiến diễn dịch không đúng sự thật, dù là diễn dịch lời Phật dạy, hay tà kiến đều không thể giúp thấy được sự thật, mà chỉ tăng trưởng vô minh ái dục mà thôi nên gọi là tà Pháp, không phải chánh Pháp.2) Do không thấy sự thật (vô minh) nên các phiền não tham, sân, si, ngã mạn, trạo cử v.v... mới sinh khởi. Không thể loại trừ chúng bằng cái ta ý chí, vì như vậy chỉ dồn chúng vào vô thức. Ở đó chúng vẫn âm thầm lớn mạnh và chờ cơ hội sinh khởi trở lại. Đồng thời cái ta cũng sâu dày thêm. Chỉ có thận trọng, chú tâm, quan sát chúng một cách vô tư trong sáng để thấy biết sự sinh diệt trong điều kiện tự nhiên thì mới thấy được bản chất thật của chúng. Thấy như vậy thiền Nguyên Thủy gọi là vipassana, Thiền Tông gọi là kiến tánh. Cái thấy đó cũng chính là minh. Trong minh tất cà phiền não đều tự diệt.



                               



Đừng hiểu lầm " GIỚI ĐỊNH TUỆ"

Hỏi :
Thưa thầy, có điểm con chưa rõ lắm, mong thầy hoan hỷ giúp con ạ. 1. Trong Tam vô lậu học: Giới-Định-Tuệ thì hành giả chỉ tu tập trên Giới, còn phần Định và Tuệ thì không cần điều chỉnh hay tác động phải không ạ? 2. Có tu sĩ cho rằng, do có Định mới sinh Tuệ, vậy nhất thiết phải tu định trước rồi mới tu Thiền tuệ sau. Vậy đúng hay sai thưa thầy? Mong thầy bớt chút thời gian chỉ giúp con ạ. Con thành kính lạy thầy ạ!

Trả lời:

* Giới- Định -Tuệ là ba yếu tố không thể tách rời nhau. Không thể chỉ tu giới mà không đi kèm định, tuệ. Phật dạy :Người có giới ắt có trí tuệ, người có trí tuệ ắt có giới (Trường Bộ Kinh 1, 222). Có 3 loại giới định tụê:
1) Tự tánh giới định tuệ: đó là ba yếu tính sáng suốt (tuệ), định tĩnh (định) và trong lành (giới).
2) Tùy dụng giới định tuệ: đó là ba yếu tố thận trọng (giới), chú tâm (định), quan sát (tuệ) khi tùy tình huống mà ứng dụng.
3) Chế định giới định tuệ: Đó là giới định tuệ được đức Phật chế định tùy hoàn cảnh và căn cơ trình độ cho hàng tứ chúng.

* Chữ sinh trong giới sinh định, định sinh tuệ có nghĩa là tương trợ lẫn nhau, bổ túc cho nhau, chứ không phải yếu tố này sinh ra yếu tố kia. Ba yếu tố này có chức năng, nhiệm vụ, tánh tướng thể dụng đều khác nhau làm sao mà sinh nhau được! Nói là sinh nhưng thực ra ba yếu tố này vừa tương sinh vừa tương khắc chứ không phải hỗ trợ không thôi. Ví dụ người quá chú trọng giới không thể định được, người quá chú trọng đinh không phát tuệ được v.v... Giới định tụê trong tự tánh và tùy dụng phải ứng cùng lúc không thể trước sau. Chế định giới định tuệ thì có thể tu trước sau, nhưng chỉ cần giới và tuệ, còn định thì chỉ cần sát-na định cũng đủ đắc đạo quả, không cần tu định an chỉ. Phật dạy: "Trí tuệ được giới hạnh làm cho thanh tịnh, giới hạnh được trí tuệ làm cho thanh tịnh... Giới hạnh và trí tuệ được xem là tối thắng ở trên đời" (TBK 1, 222). Một vị A-la-hán phải diệt được sự dính mắc trong định sắc giới (sắc ái) và định vô sắc giới (vô sắc ái). Vị A-la-hán nào không có định an chỉ thì khỏi mất công tu tập và hóa giải thiền định. Tuy nhiên tùy thời định của vị A-la-hán này được gọi là "Bất động tâm giải thoát". Ngược lại dù đạt được định an chỉ Phật vẫn dạy: "Này Ananda, Đối với những ai sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần... chứng được hiện tại lạc trú... Ta nói rằng lợi đắc, cung kính, danh vọng sẽ là chướng ngại pháp đối với vị ấy" (TBK 1, 614). Tóm lại, không phải tu thiền định trước mới tu thiền tuệ đâu, mà thậm chí định an chỉ không cần thiết cho sự giác ngộ.


                        

NÔN NÓNG MUỐN GIẢI THOÁT


Chính tâm trạng nôn nóng muốn giải thoát đã làm con không chịu nổi khổ đau. 
Khi con thấy khổ đau là bài học để con thấy ra chính mình và bản chất cuộc sống thì con sẽ biết trân quý nó và con sẽ vô cùng cám ơn những nỗi khổ đau đã giúp con giác ngộ sự thât. Chỉ có giải thoát khi nào con giác ngộ ra sự thật. Tuyệt đối không có cách nào để giải thoát được khi con vãn chưa thấy ra sự thật về chính mình và cuộc sống. Ví như khi con lạc vào rừng, không phải chỉ nôn nóng muốn thoát ra là thoát ra được, mà con phải sáng suốt biết rõ khả năng của minh và nhẫn nại khám phá những nguy hiểm của khu rừng ấy thì mới tìm thấy đường ra. Hãy học từ đau khổ bài học giác ngộ giải thoát.

***
Nếu một người biết chánh niệm tỉnh giác, tức luôn thận trọng, chú tâm, quan sát chính mình thì có thể tự biết trình độ tu tập của mình. Trong tu tập, khám phá chính mình để thấy ra đâu đúng đâu sai, đâu chân đâu giả, v.v... thì người đó đồng thời cũng khám phá ra căn cơ trình độ của mình. Những phương pháp tu hướng ngoại, hoặc chỉ mong cầu ở sở đắc trong tương lai hay ở một nơi nào khác thì khó biết được trình độ của minh. Còn người thấy ra đâu là pháp, đâu là ngã, đâu là tập khí sinh tử thì họ có thể thấy ra căn cơ trình độ tu tập của mình một cách dễ dàng.






THA LỰC VÀ TỰ LỰC


1) Khi còn bản ngã thì còn tự lực và tha lực. Một em bé tất nhiên cần tha lực của mẹ cha v.v... Nhưng khi lớn lên em phải phát huy tự lực vì tự lực là nhân, tha lực chỉ là duyên. Khi không còn bản ngã nữa thì hoặc tự lực và tha lực là một hoặc không cần tự lực tha lực gì cả. 2) Cầu và nguyện là hai việc khác nhau. Cầu là xin hay mong được một điều gì đó cho mình hoặc người khác, vì vậy thường dựa vào tha lực. Nguyện là quyết tâm làm một việc gì đó cho mình hoặc người khác, vì vậy cần tự lực nhiều hơn. Ví dụ nguyện giữ giới, nguyện hồi hướng, nguyện sống vô ngã vị tha v.v. 3) Người tu tập cần dựa vào tự lực thì mới nhận được tối đa sự trợ giúp của tha lực. Ví dụ một em học sinh phải siêng năng học tập thì mới học được nhiều bài học từ thầy cô. Nếu em không chịu học tập thì thầy cô giảng chỉ làm em nhức đầu thêm mà thôi. Tự mình phải biết tiếp thu những nguồn trợ lực để phát huy tự lực cho đến khi có thể tự lập thì không nên dựa vào tha lực nữa. Ví dụ như một người bị thương phải nhờ vào xe lăn mà đi, nhưng khi đã khỏi thì phải tự tập đi chứ không nên ngồi xe lăn mãi. Cha mẹ nuôi dạy con chỉ muốn con khôn lớn để có thể tự lập chứ không ai mong con cái ỷ lại vào mình. Chư Phật cũng vậy, chỉ khai thị cho chúng sanh biết tự giác ngộ giải thoát. Nếu ai không tự nỗ lực thì dù cho cầu Phật gia hộ cũng không thoát khỏi phiền não khổ đau trong luân hồi sinh tử. Đức Phật dạy: "Mỗi người là nơi nương nhờ của chính mình, không ai khác là nơi nương nhờ cho mình được. Khi đã trở nên thuần tịnh thì chính mình là nơi nương nhờ tối thượng". Vì vậy "Mỗi người hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi".


                             

VIỆC GÌ LÀ GIÚP ÍCH ĐƯỢC LỚN NHẤT


Việc tốt lớn nhất và cho nhiều người nhất là tự giác giác tha, nghĩa là tự mình giác ngộ giải thoát và giúp người khác hiểu đúng, sống đúng Chánh Pháp để họ khỏi sa đọa vào đường ác. Nhưng sao con lại thích làm việc gì lớn nhất? Theo thầy thì nên tùy duyên mà làm việc thiện để giúp ích người khác, nghĩa là ai cần giúp thì mình giúp dù giúp cho ít hay nhiều người cũng nên làm. Làm đúng khả năng và vị trí của mình chứ không nên tham vọng làm quá sức mình. Ví dụ một em học sinh siêng năng học tập đúng cấp đúng lớp đúng bài vở của mình là việc làm lợi ích nhất và cho nhiều người nhất trong vị trí hiện nay của em ấy.


                                

CĂN CƠ VÀ HỆ SỐ THÔNG MINH (IQ)

1) Trình độ giác ngộ không liên hệ đến IQ. Một người giác ngộ có thể có chỉ số thông minh cao, nhưng một người có IQ cao thì không chắc gì giác ngộ được. Người có IQ cao có thể rất khôn ngoan tinh xảo, hoạt động lý tính tuyệt vời nhưng đồng thời bản ngã tham sân si cũng có thể cao theo, như vậy làm sao có trí tuệ giải thoát được. Trí tuệ đối nghịch với lý trí, nên nếu lý trí không có trí tuệ soi sáng sẽ chính là gốc của vô minh. Trí tuệ được định nghĩa như Lão Tử là: “Trí giả nhược ngu” vì nó phải hồn nhiên, chất phác, không so lường, không dục vọng (kiến tố, bảo phác, thiểu tư, quả dục). Giác ngộ giải thoát trong đạo Phật là không còn bản ngã vô minh ái dục, chứ không phải là sở học cao. Một vi Tăng 4 tháng không học thuộc một câu kệ mà vẫn đắc quả A-la-hán. Tổ Huệ Năng mù chữ vẫn ngộ. Nên Lão Tử nói “Vi học nhật ích, vi đạo nhật tổn”. Học lý trí thì ngày càng tăng, học đạo thì ngày càng giảm. Đó là hai thái độ đối nghịch đối với cái ta ảo tưởng vậy. 2) Hướng nội không hẳn là tốt hơn hướng ngoại. Quan trọng vẫn là thái độ tâm. Khi cần hướng nội thì hướng nội, khi cần hướng ngoại thì hướng ngoại, đôi lúc phải hướng cả hai hoặc chẳng cần hướng vào đâu cả. Người hướng nội dễ sinh thụ động, trầm trệ, nếu nặng sẽ trở thành trầm cảm, thu rút, cô lập. Người hướng ngoại dễ sinh dao động, trạo cử, nếu nặng thì bị rơi vào phấn khích, căng thẳng, bất an. Người chánh niệm tỉnh giác hay định tĩnh sáng suốt sẽ tự biết điều hòa không để thiên lệch trong ngoài.



        

LUÂN HỒI SANH TỬ


1) Luân hồi sinh tử có hai nghĩa: Một là sự tái sinh từ kiếp này qua kiếp khác theo định luật nhân quả của nghiệp. Hai là sự sinh diệt của những tiến trình tâm-sinh-vật lý kế tục không dứt trong sự tương giao căn - cảnh - thức diễn ra trong đời sống hàng ngày đối với những người chưa giác ngộ giải thoát hoàn toàn. Tiến trình này trong một giây có thể diễn đi diễn lại hàng triệu lần nên gọi là luân hồi sinh tử. Nếu đó là tiến trình tạo nghiệp thì đúng là nhân tái sinh trong những kiếp sau.
2) Một người hành đúng thiền Vipassanà thì nếu chưa hoàn toàn thoát ly sinh tử, trong kiếp sau họ đương nhiên sẽ có cơ hội hành thiền Vipassanà trở lại. Nhưng nếu hành không đúng thì kiếp sau họ sẽ hành một pháp thiền mà nội dung giống như họ đã hành sai trong kiếp này. Ví dụ, mặc dù họ nói là hành thiền tuệ, nhưng thực chất lại đang hành thiền định thì kiếp sau họ sẽ có duyên với một pháp thiền định nào đó tương ứng với trình độ tâm của họ, vì trong kiếp sau những gì còn lại chính là trình độ tâm mà họ tạo được trong kiếp này cộng với những kiếp quá khứ của họ.