Những bài Pháp ngắn (12)[THẦY VIÊN MINH]




HAPPY NEW YEAR

Thưa thầy, đầu năm con kính chúc thầy sức khỏe, an lạc. Con cúi đầu đảnh lễ và tạ ơn những lời dạy dỗ của thầy cho con cũng như Phật tử Việt Nam khắp thế giới, chúng con đã biết con đường nào tốt nhất để mà đi. Quý hóa thay cho Phật tử chúng con sống trong thế kỷ này mà có thầy hiện hữu để dẫn dắt chúng con. Con cúi đầu tạ ơn thầy.



Trả lời:

Ơn thầy là nhỏ
Ơn Pháp khó lường
Biết sống thuận Pháp
Vạn sự tỏ tường.




                                 
CHÁNH PHÁP TƯỢNG PHÁP và MẠT PHÁP

Lúc Phật còn tại thế Đạo Phật vốn là lẽ sống chân thực của người giác ngộ, sau khi Phật nhập diệt thì tính chất sống đạo dần dần phai nhạt và đã biến thành tôn giáo nặng tính triết học siêu hình, rồi càng về sau tính tôn giáo cũng mai một dần và phần lớn đã bước qua giai đoạn tín ngưỡng.

Giai đoạn đầu là chánh pháp,
Giai đoạn 2 là tượng pháp 

Giai đoạn 3 là mạt pháp. 


Trong thời mạt pháp đạo Phật đã trở thành tín ngưỡng đầy mê tín và cố chấp tông môn (mạt là chia thành nhiều nhánh ngọn, nhiều tông môn hệ phái), do đó sự kỳ thị tông môn là điều không tránh khỏi của những người cố chấp và mê tín. Nếu con hiểu đạo Phật Nguyên Thủy là lẽ sống giác ngộ thì chỉ cần trở về trọn vẹn trong sáng với chính mình thì con sẽ sống trong sáng suốt, định tỉnh, trong lành. Đó chính là sống đạo, và như vậy con không cần tranh chấp thị phi trong lãnh vực đức tin của tín ngưỡng. Đừng xem Đạo Phật Nguyên Thủy là một tông phái mà nên xem đó là việc trở về với chân lý uyên nguyên của sự giác ngộ.

***
Phật đã dạy Kinh Kalama thật là ý nghĩa, nhất là ứng dụng cho thời Mạt Pháp này, đại ý Kinh cảnh báo là đừng vội tin mà phải lấy sự thật làm y cứ.
Có nhiều Kinh Luận được viết sớm nhất là 600 năm sau đức Phật Niết-bàn (PNB), bởi vì những Kinh Luận này không thấy ghi lại trong Pàli Nikaya thời Phật Giáo Nguyên Thủy (trong vòng 100 năm sau PNB), và cả trong Sanskrit Agama thời Phật Giáo Tiểu Thừa (từ 100 đến 600 năm sau PNB). Trong thời Chánh Pháp lời Phật dạy dài nhất là một bài kinh trong Trường Bộ Kinh (Nguyên Thủy) hoặc Trường A Hàm (Tiểu Thừa) chứ Phật không giảng Kinh nào dài thành một bộ nhiều tập. Đến thời Tượng Pháp Kinh Luận được biên soạn nhiều tập mang tính lý luận của triết học và đức tin của tín ngưỡng, mà cả hai đều dùng biểu tưởng để mô tả nên được gọi là Tượng Pháp. Vì những Kinh Luận trong thời này có 2 đặc điểm nổi bật chứng tỏ không phải đức Phật thuyết: Một là Kinh dài quá chứng tỏ là được biên soạn chứ không phải thuyết trực tiếp. Hai là Kinh nào cũng gán cho Phật nói Kinh này là đệ nhất, chứng tỏ do nhiều tác giả khác nhau sáng tác nên ai cũng dành "đệ nhất" về cho mình để thu hút niềm tin quần chúng!


                       

Cầu mong Chánh Pháp đến người hữu duyên

H
ỏi: Kính Sư, Quyển "Sống Trong Thực Tại" đã nói rõ sự thấy biết chính xác qua trải nghiệm thực của Sư đối với Giáo Pháp Đức Phật. Giống như ở Á Châu có J. Krishnamurti và Âu Châu có Eckhart Tolle... cũng từ trong thực tại mà thấy Pháp. Sư ơi, quyển sách của Sư nên cho Translate into English, French and Chinese... cho nhiều người hữu duyên ở xứ khác có thể đọc và hiểu được giáo pháp Đức Phật qua đời sống thực thì lợi lạc biết bao. Con thấy bây giờ sách Thiền của các vị Thiền Sư, của các Thiền Viện có thể nói là nhiều nhưng phần đông chỉ nói theo ngôn ngữ Kinh Điển hoặc từ quan niệm cá nhân hơn là nói từ thực tế sống động, do đó induire les gens en erreur, không đúng lời Đức Phật dạy. Có lẽ vì vậy mà lúc Đức Phật còn tại thế đã tiên đoán là Giáo Pháp sẽ tiêu hoại, phải không thưa Sư? Con kính cám ơn Sư.

Trả lời: Cám ơn con có ý kiến rất tích cực, nhiều người cũng đã nghĩ như con. Chắc khi thuận duyên thế nào ý kiến này cũng sẽ thành tựu. Con nói đúng, Giáo Pháp Đức Phật sẽ mai một khi người ta chỉ lo tìm nghĩa trong giáo rồi tạo thành quan niệm, phương pháp tu hành theo mức độ kiến thức và kinh nghiệm cục bộ của họ, từ đó chỉ lo củng cố uy tín cho phương pháp chế định của mình hơn là tự mình hay giúp người khám phá bản chất sự kiện thật (pháp thực tánh). Chính điều này làm cho Giáo Pháp ngày càng xa sự thật mà Đức Phật đã phải tạm dùng ngôn ngữ để chỉ bày. Khi trong ngôn ngữ kinh điển chỉ còn khái niệm của tư tưởng (pháp tục đế) chứ không còn sự kiện hiện thực (pháp chân đế) thì Giáo Pháp kể như đã tiêu hoại. Giống như một tấm ngân phiếu không còn tiền bảo chứng thì nó đâu còn tác dụng gì nữa!

                           


Phương pháp thực hành nào là đúng?


H
ỏi: Thưa Thầy, hiện nay có nhiều truyền thống dạy thiền Vipassanà. Làm sao để chúng con nhận biết phương pháp thực hành nào là đúng theo lời Đức Phật dạy?

Trả lời: 
Đây là một câu hỏi hay. Nhiều người nghe hành thiền Vipassanà có kết quả nhanh và tốt thì cứ việc tin tưởng và hành theo mà không hề biết phương pháp của người dạy mình đúng hay sai, thật hay giả. Nguyên nhân là vì thiếu nhận thức cơ bản về pháp học. Pháp học ở đây không phải là học hết Tam Tạng kinh điển, mà là có nhận thức đúng cốt lõi của giáo Pháp, nhất là tính chất và mục đích của pháp hành thiền tuệ. Đặc biệt trong thiền tuệ, không những có một số phương pháp sai lầm, cho dù phương pháp đúng mà chỉ hiểu sai một ly thôi cũng không còn là thiền tuệ nữa. Hiện nay thiền Vipassanà đang phổ biến trên thế giới, nhưng cũng chính vì thế mà sinh ra tình trạng vàng thau lẫn lộn. Điều đó là tất nhiên thôi, nhưng người học thiền thì nên đề cao cảnh giác không nên vội vàng cả tin. Hãy đọc lại cho thật kỹ bài kinh Kalama, để thấy chính đức Phật đã cảnh báo như thế nào về việc tin và hành.
Nhiều người sống chẳng ra gì nhưng lại tự mình cho mình là thiền sư, mà thực chất chỉ là đang thực hiện ý đồ danh lợi... Đơn giản là họ chỉ qua Thái Lan, Miến Điện, Tây Tạng hay Nhật Bản gì đó, hoặc thậm chí chỉ cần nghe được một vài điều từ người khác, và nếu chưa phải là nhà sư thì họ xin tu gieo duyên, rồi sẵn có phương pháp trong tay, nghiễm nhiên trở thành một ... "thiền sư"! Chính trong thời mạt pháp này người học Pháp cần phải hết sức cẩn trọng, đừng tự hại mình và tiếp tay cho kẻ phá hoại Phật Pháp. Thầy nói lên sự thật này không phải để chỉ trích ai, mà chỉ nhằm mục đích giúp cho những người đang tìm Đạo không bị đánh lừa.
Có những điều sau đây giúp con thấy ra đúng và sai trong khi tu học:
- Tri kiến (thấy biết) là trụ cột của thiền Vipassanà, tri kiến đúng là hành đúng, tri kiến sai là hành sai.
- Vipassanà có nghĩa là thấy biết như thực, vậy không có gì để hành ngoài thấy biết trực tiếp và chân thực, không qua bất kỳ khái niệm nào. Nói cách khác thấy biết như thực tức là đang hành thiền Vipassanà .
- Dựng lên phương pháp rồi áp dụng để hành và dựng lên đối tượng rồi lấy đó để quán là không phải thiền Vipassanà. Vì cái gì được dựng lên đều là khái niệm, không phải là thực tánh pháp tự nhiên.
- Có hứa hẹn sở đắc không phải là thiền Vipassanà. Hứa hẹn là tương lai, trong khi thiền Vipassanà hoàn toàn xảy ra trong hiện tại. Có sở đắc tức có ngã và ngã sở, hay nói cách khác là đồng hóa ngã với pháp (ngã chiếm hữu pháp), thì không thể nào thấy được ba tính chất vô thường, khổ, vô ngã của Pháp tánh tự nhiên.

- Phương pháp nào nhằm diệt khổ được lạc không phải là thiền Vipassanà, ngược lại, hành Vipassanà phải loại bỏ mục đích diệt khổ để được lạc, vì ý muốn diệt khổ là tâm sân, ý muốn được lạc là tâm tham. Pháp thiền Vipassanà dạy rằng khi chánh niệm tỉnh giác không để tham sân xen vào. Nếu không, không phải là hành thiền theo Đạo Đế mà đang hành theo Tập Đế. Nói rõ hơn là đang hành theo tiếng gọi của bản ngã tham sân si.
- Không áp dụng bất cứ kiến thức nào để hành thiền Vipassanà, dù đó là kiến thức Vi Diệu Pháp (Abhidhamma), trừ phi kiến thức đó không còn là khái niệm mà là thực tại hiện tiền. Ví dụ như không phải kiến thức về thân, thọ, tâm, pháp mà là trực nhận thân trên thân, thọ trên thọ, tâm trên tâm, pháp trên pháp.
- Không áp dụng bất cứ khuôn khổ, phương pháp hay ý niệm nào đã định sẵn vào pháp hành Vipassanà, vì như vậy là lấy quá khứ chụp mũ pháp, bóp méo pháp hiện tại chứ không phải tôn trọng pháp nguyên vẹn như nó là để thấy ra thực tánh. Pháp gì bị khuôn định sẵn thì không phải là pháp thực tại vận hành tự nhiên. Không bao giờ có thể thấy thực tánh ngoài pháp thực tại tự nhiên. Phương pháp chỉ có thể đem đến lợi ích tục đế nhưng không thể chứng ngộ chân đế.
- Tất cả những pháp thấy ra trong khi thiền định (mà người ta thường lầm là thiền tuệ!) đều do tưởng sinh, tuyệt đối không phải là thực tánh pháp. Thực tánh Pháp không phải là ảo ảnh, dù đó là ảo ảnh do định sinh, trừ phi thấy bản chất của nó là tưởng.
- Nếu có người nói họ đã đắc pháp này pháp nọ, thì dù có thực đó cũng chỉ là kinh nghiệm. Trí tuệ Vipassanà không phải để thu thập kinh nghiệm mà chính là hóa giải mọi kinh nghiệm sở đắc, vì kinh nghiệm chỉ làm giàu bản ngã.
- Đừng vội tin những gì thiền sư nói mà hãy xem những gì thiền sư ấy thể hiện trong đời sống hàng ngày. Một vị thiền sư không thể dạy đúng khi tự mình không sống đúng. Đó là lý do vì sao trong Thiền Tông người ta dùng từ khám nghiệm để chỉ sự khám phá chính mình hay khám phá một thiền sư thực ngộ hay chỉ là giả ngộ.
- Một vị thiền sư có đạo đức chưa hẳn đã giác ngộ, nhưng thiền sư giác ngộ luôn luôn đạo đức. Người đạo đức là tốt và đáng kính nhưng nếu chưa giác ngộ thì chưa hẳn dạy thiền đúng. Cần phải phân biệt rõ hai điều này.




Bốn giai đoạn tiến hóa đến GIÁC NGỘ GIẢI THOÁT

Kính thưa Thầy,
Trong buổi lên thăm Thầy vừa qua chúng con đã được nghe Thầy nói về 4 giai đoạn tiến hóa đến giác ngộ:
1. Hình thành cái ta bản năng: khuynh hướng chọn cảm giác “lạc” để hưởng thụ.
2. Hình thành cái ta tình cảm và lý trí: khuynh hướng muốn hoàn thiện tiểu ngã thành đại ngã.
3. Cái ta tự chối bỏ mình để giao phó cho sự vận hành của Pháp Tự Nhiên (hay Thượng Đế): Chấp nhận mọi việc đến đi (Thuận Thiên lập mệnh, Vâng ý Cha...).
4. Giác ngộ tánh tướng thể dụng... của pháp: Trải nghiệm, chiêm nghiệm và thấy ra bản chất, ý nghĩa đích thực của cuộc sống và từ đó sống tùy duyên thuận pháp vô ngã vị tha.
Con rất tâm đắc với cách phân giải rõ ràng này, nhưng do thời gian có hạn nên con chưa kịp lĩnh hội đầy đủ ý Thầy. Hiện con đang băn khoăn một số điểm rất mong được Thầy giảng giải thêm:
- Có phải mỗi người đều phải lần lượt trải qua 4 giai đoạn để giác ngộ hay có thể bỏ qua một vài giai đoạn để "đốn ngộ"?
Ví dụ một người khó tính, cầu toàn, luôn mệt mỏi vì không hài lòng với hiện tại và trăn trở với việc muốn hoàn thiện mọi thứ, như ông sếp muốn nâng cao trình độ nhân viên để đáp ứng tốt hơn cho công việc, như vậy có phải là giai đoạn 2 tất yếu hay đó là ham muốn sai lầm nên bỏ qua? Mong Thầy chỉ bảo giúp cho con.
- Con chưa hiểu rõ nghĩa của từ “hoàn toàn” trong câu “Phục vụ để hoàn toàn”. Trước đây con hiểu là trong khi phục vụ thì ta sẽ tự hoàn thiện mình, tuy nhiên nay con lại thấy bối rối vì theo thuyết ở trên thì hoàn thiện bản ngã không phải là mục đích sau cùng và khả thi. Vậy con phải hiểu như thế nào cho đúng?
Con kính mong được Thầy chỉ bảo thêm. Xin cảm ơn Thầy ạ.

Trả lời:
1) Trong phương diện thực tánh chân đế, tâm và pháp vốn hoàn hảo, nên nếu trở về với tự tánh thì có thể lập tức "đốn ngộ" nên Pháp mới được gọi là sanditthiko, akāliko, ehipassiko... (thực tại hiện tiền, vượt khỏi thời gian, trở về là thấy...). Đó là cái ngộ của vô sư trí. Tuy nhiên, trong phương diện khái niệm tục đế thì dù có đốn ngộ vẫn phải trải qua 4 giai đoạn tiến hóa mới hoàn thành hậu đắc trí. Hai trí này phải hợp tác song song, không thể bỏ qua giaiđoạn "tiệm tu" nào thì mới giác ngộ hoàn toàn được. Vậy việc ông sếp cầu toàn vừa sai vừa đúng: sai là vì chỉ bành trướng bản ngã nên không bao giờ hoàn hảo, nhưng đúng là vì ông ta có làm như vậy mới từ cái sai điều chỉnh tháiđộ nhận thức và hành vi cho đúng. Tất nhiên hoàn thiện bản ngã là ảo tưởng, nhưng nhận ra ảo tưởng cũng chính là một giai đoạn tất yếu của giác ngộ.
2) "Hoàn toàn" chính là sự hoàn thành trọn vẹn sự giác ngộ của vô sư trí và hậu đắc trí, hay của đốn ngộ và tiệm tu. Một bên là sự trở về trọn vẹn trong sáng với thực tại, đó là đốn ngộ của tánh biết với thực tánh chân đế, một bên là trải nghiệm, chiêm nghiệm, học hỏi, khám phá... để điều chỉnh nhận thức và hành vi của cái ta ảo tưởng với khái niệm tục đế. Nhờ sự soi sáng thực tại chân đế của vô sư trí mà chuyển hóa được tà kiến và tham ái của bản ngãtrong khái niệm tục đế để hoàn thành sự giác ngộ hoàn toàn của hậu đắc trí nên phải có sự tiệm tu qua 4 giai đoạn. Đó là ý nghĩa của "hoàn toàn " trong "Hoàn toàn để phục vụ, phục vụ để hoàn toàn".



                                  

VI DIỆU PHÁP

Toàn bộ những điều được đề cập trong Vi Diệu Pháp đều là thực tánh pháp có sẵn trong thân, thọ, tâm, pháp nên đức Phật dạy chỉ cần chánh niệm tỉnh giác ngay trên thân, thọ, tâm, pháp là thấy được thực tánh ấy ngay. Học Vi Diệu Pháp cũng tốt, ít nhất là giúp chúng ta bớt đi những quan niệm sai lầm về thân tâm mà mình tưởng lầm là bản ngã. Tuy nhiên nếu học mà biết quên ngôn ngữ đi chỉ thấy thực tánh pháp thôi thì rất bổ ích. Ngược lại, nếu cứ nhớ chi pháp này chi pháp khác đem ra áp dụng để hành thì không bao giờ thấy được thực tánh. Vì cái biết đó là biết qua lý trí, hay nói cách khác là tưởng tri và thức tri. Đôi khi trở thành sở tri chướng nên thức tri không thể nào thấy thực tánh được, chỉ có tuệ tri, tức biết bằng chánh niệm tỉnh giác đúng mức, mới thấy được thực tánh mà thôi. Vậy không nên học Vi Diệu Pháp để tích lũy kiến thức, mà nên học để mở rộng tầm nhìn, khai mở tâm trí. Lấy tâm trí khai mở, không chấp trước quan niệm sai lầm để hành thiền là tốt, nhưng nếu áp dụng kiến thức mà hành thì chẳng thà không có kiến thức còn hơn. Năm vị Kiều Trần Như không học Vi Diệu Pháp chỉ nghe Phật thuyết Tứ Diệu Đế cũng vẫn chứng ngộ Đạo Quả Vô Sanh. Những vị chỉ mới 7 tuổi thậm chí gần như chưa học gì mấy mà vẫn chứng ngộ bậc Alahán thì sao? Hành thiền bằng thấy biết trong sáng như thật chứ không bằng kiến thức.





BÁN CẦU NÃO TRÁI, BÁN CẦU NÃO PHẢI


 Phần đông các nhà nghiên cứu về não cho rằng não trái tạo ra tư tưởng và thời gian còn não phải thì hoạt động với hiện tại, vậy có thể đó là công việc tương tác của 2 bán cầu não. Theo phân tâm học thì đó là hoạt động của hữu thức và vô thức... Tuy nhiên con chỉ cần thấy rõ những tiến trình tâm sinh vật lý ấy xảy ra như thế nào rồi tự nhiên con sẽ biết tại sao một cách trung thực hơn là cố lý giải theo lý trí.

***

Trong Vi Diệu Pháp lúc đầu ta tiếp xúc với bên ngoài qua ngũ môn, khi tiếp nhận thế giới bên ngoài thì công việc chỉ tại đây và bây giờ...Tánh biết của bán cầu não phải, nhận ra mọi thứ cùng một lần, hoàn toàn thông suốt, khách quan, và không trở ngại..Tiến trình tâm ngũ môn ghi nhận trung thực của thế giới Chân Đế.
Bán cầu não trái chính là hoạt động của lý trí, phân tích tổng hợp...hình thành kinh nghiệm kiến thức và luôn luôn phóng ảnh tương lai, cái ta ảo tưởng chủ quan và tạo nên mối quan hệ...

***

Vọng tưởng xuất phát từ cái ta ảo tưởng mà bản chất của nó là vô minh ái dục, vì vậy không thể đem vô minh ái dục ra trừ vọng tưởng, giống như không thể đem bóng tối để trừ bóng tối. Cái ta có thể thiện hay bất thiện, có thể đắc thiền định dục giới, vô sắc giới... nhưng không thể trừ được vọng tưởng tà kiến, nên vẫn còn trong Tam Giới. Ví dụ như khi tâm sân khởi lên thì đó là một hiện tượng của định luật tâm (citta niyama) xuất phát từ cái ta bất mãn với đối tượng nghịch cảnh, bây giờ cái ta lại muốn diệt sân nghĩa là cộng sân lên sân thì làm sao diệt sân được.

                           

CHẾT

Chết là chuyện bình thường, thậm chí chết còn là vẻ đẹp của sự sống. Mọi người đều chết đi từng sát-na, từng giây phút, thì mới có sự sống chuyển hóa không ngừng. Nếu con có xem câu chuyện Ba Vị Thần trong Vi Tiếu thì con sẽ thấy nếu sự sống cắt bỏ đi sự sinh và sự diệt thì đó mới là cái chết không còn sự sống. Có sinh diệt mới có sự sống, không sinh diệt của tâm giác ngộ là thái độ sống trong sinh diệt mà không khởi tham sân thủ xả... còn vạn pháp thì muôn đời vẫn sinh diệt mà không rời bản chất tịch tịnh của nó.

***
Theo nguyên lý bảo toàn năng lượng thì chỉ có sự chuyển hoá từ dạng này qua dạng khác chứ không có cái gọi là hết hay không hết. Chỉ có một cái có thể hết đó là ảo tưởng, nhưng bởi vì ảo tưởng không có thật nên thực ra cũng không có gì để hết! Sống và chết là một dòng chuyển biến trùng trùng duyên khởi của nhân quả nghiệp báo mà thôi. Mọi thứ đều đang sinh ra và chết đi trong từng sát-na, vì vậy sống có nghĩa là sự chuyển dịch không ngừng của sinh và chết, chết và sinh...

***
BA VỊ THẦN 

Thần Sáng Tạo, Thần Bảo Trì và Thần Hủy Diệt là ba vị thần nắm giữ vận mạng muôn loài.

Vào một thời cảnh chiến tranh, thiên tai, bịnh tật phát sinh ra nhiều khiến chúng sinh chết chóc, cảnh vật tiêu điều... Vì vậy chúng sinh than oán Thần Hủy Diệt.
Thần Hủy Diệt thấy vậy nói với hai vị kia:
- Chúng sanh than oán tôi, hơn nữa tôi làm việc cũng đã mệt, nhị vị để tôi ngủ một lát.
Nhưng chưa được bao lâu Thần Hủy Diệt lại bị đánh thức và nghe Thần Sáng Tạo hớt hải nói:
- Bây giờ dưới trần lại quay qua than oán tôi, vì không những nạn nhân mãn tràn lan mà tất cả mọi vật đều sinh sôi nẩy nở chật ních không còn chỗ nào để thở...
Thần Hủy Diệt ngái ngủ nói:
- Thì anh ngưng sáng tạo đi là xong chứ gọi tôi làm gì !
Trong khi nguy kịch, Thần Sáng Tạo vộivàng ngưng việc. Thế là lập tức dưới trần tất cả đều trở nên im lìm bất động. Đó là hậu quả tài năng đơn phương của Thần Bảo Trì mà người trần thường hay mến chuộng! 


***
Tôn giáo ấn độ thời xa xưa đã thần hóa tính chất biến dịch SINH - TRỤ - DIỆT của vũ trụ vạn vật thành ba vị Thần: SÁNG TẠO, BẢO TRÌ và HỦY DIỆT.
Sinh - Trụ - Diệt là định luật vô thường của sự sống, không mấy ai ưa già - bịnh - chết, nên cũng chẳng bao người thích sự diệt vong.
Nhưng nếu vạn vật có sinh mà không diệt thì chẳng bao lâu vũ trụ bao la cũng khó tìm chỗ cắm dùi ! Hoặc nếu vạn vật có diệt mà không sinh thì không gian vô tận cũng là hư vô trống rông. Còn nếu vạn vật không sinh thêm, chẳng diệt bớt thì sao? Thì chắc chắn vạn vật sẽ trở nên ù lì, bất động, tuy được bảo trì nguyên vẹn, trường tồn vĩnh cửu, nhưng liệu có còn là lý tưởng ước mơ của mọi người nữa không, hay cõi vĩnh hằng chỉ là nghĩa trang đời đời khô chết?
Vô thường sinh diệt không phải là một kết luận bi quan, mà chính là vẻ đẹp vĩnh hằng của sự sống. Sinh trụ là thành tố của sự sống mà hoại diệt cũng là thành tố của sự sống. Sự sống chẳng THƯỜNG vì nó “sinh sinh nhi họa”, sự sống không ĐOẠN vì nó “miên miên nhược tồn”.Chính vì không thấy thực tánh “vô thường thị thường” mà sinh tâm chấp thường chấp đoạn. 


Mê chấp thế giới thường còn để rồi đắm trong sinh diệt!
Chối từ trần gian tạm bợ cho nên vọng đến vĩnh hằng!



                          

TÂM KHÔNG

- Tâm không là nói đến sự rỗng lặng trong sáng của tâm không bị cái ta ảo tưởng (bản ngã tham sân si) chi phối,che lấp, trói buộc hay sai sử, nên còn gọi là Ngã không
Pháp không là nói đến bản chất tịch tịnh vắng lặng tự nhiên của pháp giới thực tánh. 
Còn Tánh không là nói đến cả hai tâm không và pháp không. Khi tâm không thì thấy được pháp không nên lúc đó được gọi là tánh không.

- Thực tánh Chân Đế được giác ngộ ra khi không còn bản ngã chính là Niết-bàn và tất nhiên tánh biết lúc đó là hoàn hảo nên được gọi là Tuệ Giác (Tuệ Đạo, Tuệ Quả). Đức Phật dạy chính Tuệ Giác - Tánh Biết Hoàn Hảo - này biết rõ Niết-bàn là Niết-bàn nên không hỷ ái Niết-bàn, không xem Niết-bàn là ta, của ta hay tự ngã của ta. Vì vậy, khi không còn cái ta ảo tưởng thì Tánh Biết và Pháp là Niết-bàn Viên Giác, và điều này chứng tỏ rằng dù có bản ngã hay không bản ngã thì Pháp vẫn vậy, chỉ có cái ta ảo tưởng là luân hồi sinh tử và sầu bi khổ ưu não mà thôi.

- Bản chất của tâm là trong sáng hồn nhiên, nên dù cái ta ảo tưởng tham sân si xen vào cũng không làm mất đi tính rỗng lặng trong sáng, nếu không thì lấy cái gì để tu và làm sao giác ngộ được?

Không thấy được tánh sân
Nguyên quả và sinh diệt
Đè nén trạng thái sân
Chỉ giúp sân mãnh liệt!
Thấy được tánh tướng sân
Nhân quả và sinh diệt
Thấy rõ trạng thái sân
Ồ, Tánh biết siêu việt!





VIỆC THỜ CÚNG

1. Kính thưa thầy, chỗ con có thờ Thiên Chúa ở tầng trệt, trong phòng trên lầu cũng có thờ. Nay bên con có thuê một chị bếp, chị bếp có thờ Phật Quan Âm, chị bếp muốn mang Phật Quan Âm theo và thờ ở phòng ngoài chị bếp ở. Theo con nghĩ việc thờ cúng là hình thức để tướng nhớ đến các Ngài thôi, nên ai muốn tưởng nhớ đến ai thì cứ tôn trọng lòng sùng tín của họ, nhưng ở chỗ con sợ không biết thờ cả 2 vị chung có bị ảnh hưởng gì không, có xảy ra lục đục trong nhà không, kính xin Thầy chỉ dạy cho chúng con. Con xin cám ơn Thầy và chúc Thầy luôn khỏe mạnh!

Trả lời: Đối với người thiên về đức tin thì việc thờ tượng những bậc họ sùng tín là quan trọng, do đó cứ để họ tự do thờ cúng. Thực ra, tượng chỉ do tưởng tượng của con người nặn ra để tôn thờ theo đức tin của họ nên tượng chỉ có ý nghĩa tượng trưng chứ không thật. Nếu có sự xung đột thì đó là do sự khác biệt về đức tin của con người chứ tượng có biết gì đâu mà xung đột. Đức Phật cũng như đức Chúa đều dạy, sống đúng tốt mới là tôn thờ các Ngài một cách cao thượng, và các Ngài không hề khuyến khích thờ tượng của họ. Việc tạc tượng thờ chỉ là sản phẩm của đức tin cộng với trí tưởng tượng mà thôi. Nếu thờ tượng giúp người ta sống đúng tốt hơn thì cũng nên, nhưng nếu thờ để lệ thuộc vào chính sự tưởng tượng của mình thì chẳng khác nào tự kỷ ám thị để tự lừa dối mình, phải không?


2. Thưa Thầy! Khi Quy Y Tam bảo, đệ tử hứa nguyện đã quy y Tam Bảo thì không quy y các vị thần thánh - vốn vẫn còn trong luân hồi. Vì vậy, giờ con không đi lễ đình, đền nữa. Nhưng không biết phải ứng xử thế nào đối với bàn thờ đã lập ở nhà trước khi quy y Tam bảo. Mà thông thường, bàn thờ ở gia đình thì thường thờ ông bà tổ tiên hoặc thổ công, chúa đất. Con xin được Thầy chỉ dạy ạ. Con cảm ơn Thày!

Trả lời:Thờ Phật hay thờ gia tiên thực ra cũng chỉ để nhớ ơn và tỏ lòng tôn kính thôi, chứ thờ trong lòng và hành đúng pháp mới là cách thờ tốt nhất . Thờ Thần Hoàng, Thổ Địa cũng vậy, Thần Hoàng là người khai canh đầu tiên nơi mà mình đang ở, Thổ địa cũng vậy, kính trọng và nhớ ơn họ không có nghĩa là quy y. Ngay cả quy y Tam Bảo cũng để sống (hành động nói năng suy nghĩ) theo 3 đức sáng suốt, định tĩnh, trong lành của Phật Pháp Tăng chứ không phải là quy y gì cả.

Nguồn: Trung Tâm Hộ Tông