Những bài Pháp ngắn (11)[ THẦY VIÊN MINH]




NGƯỜI GIÁC NGỘ.


Người giác ngộ giống như vị lương y thông thái, biết rõ tính dược (tánh, tướng, thể, dụng) của mọi vật trên đời nên biết tùy nghi sử dụng chứ không lấy cái này bỏ cái kia một cách chủ quan mê muội. Thuốc độc mà dùngđúng thì có lợi, thuốc bổ mà dùng sai thì có hại.

***
"Đoạn tận tham, đoạn tận sân, đoạn tận si" là định nghĩa của Niết-bàn. Nhưng "đoạn tận" không phải theo nghĩa tiêu diệt thông thường mà là thấy rõ tham sân si bằng tuệ, giác hay minh. Nếu hiểu đoạn tận theo nghĩa giết chết hay hủy hoại một vật nào đó là không đúng bởi vì hành động ấy cũng là tham sân si. Tham sân si là do cái ta ảo tưởng (vô minh, ái dục) sinh, nên khi trí tuệ thấy rõ vô ngã thì tham, sân, si cũng tự vô hiệu hóa. Giống như khi đã thấy rõ sợi dây thì con rắn ảo tưởng tự hóa giải cùng với nỗi lo lắng sợ hãi mà không cần dụng công "đoạn tận".

***

Mỗi người phải trải qua quá trình điều chỉnh nhận thức và hành vi mới giác ngộ giải thoát được. Lên tới trình độ cao thì không cần dùng phương tiện nữa, người sơ cơ thì tất yếu phải dùng phương tiện, do đó cứ tùy căn cơ mà tu niệm sao cho phù hợp với mình là được.

***

Giác ngộ chỉ có nghĩa là trở lại bình thường, mà người ta thường diễn tả thật kêu là “ngộ nhập tự tánh”. Một thiền sư đã xác nhận: Người giác ngộ “bất muội nhân quả” chứ không phải “bất lạc nhân quả”. Nhân quả biến dịch là cái bình thường, là cái “dữ ngã tịnh sinh” (cùng ta sinh ra), là cái “dữ ngã vi nhất” (cùng ta là một). Cho nên họ ở trong nhân quả mà không “muội” nhân quả, nghĩa là họ sống ung dung trong dòng sông nhân quả ấy mà chẳng hề bị nhân quả cuốn trôi và hẳn nhiên trong sự huyền đồng tuyệt đối đó họ đã là một với dòng sông - và vì biết như thế (như thị giác), nên đã “ra khỏi nó”, ra khỏi sự cuốn trôi (luân hồi) của dòng sông nghiệp mệnh. Đó cũng chính là ý nghĩa lời tuyên bố siêu việt của Đức Phật: “Không dừng lại, không bước tới Như Lai thoát khỏi bộc lưu”



GIỚI LUẬT

Giới luật rất vi tế. Tuy giới luật áp dụng cho hành động thân khẩu nhưng tội nặng nhẹ lại tùy vào mức độ cố ý sai phạm của tâm và hậu quả mà sự sai phạm ấy gây ra. Bất luận là Tăng, Ni, cư sĩ tại gia hay người thường cũngđều xét trên hai phương diện đó. Về tính chất tội của sự sai phạm giới luật thì hoàn toàn bình đẳng đối với mọi người, nhưng người xuất gia còn cộng thêm tội sống nhờ đàn-na mà làm cho đàn-na mất đức tin nữa. Ngoài ra có một số nguyên tắc cần lưu ý là dù cùng một hành vi sai phạm giống nhau tội vẫn khác nhau:
- Người biết rõ sự sai phạm ít tội hơn người biết ít hoặc không biết mình sai phạm. Vì người không biết mình sai phạm sẽ không biết dừng lại sai phạm của mình.
- Người nhận tội và sám hối ít tội hơn người không nhận tội và không sám hối.
- Người có đạo đức, đức tin, trí tuệ... nhiều ít tội hơn người có ít hoăc không có đạo đức v.v...
- Người phước lớn ít tội hơn người kém phước, vân vân và vân vân.

*** 

Về phương diện giới cũng có nhiều cấp độ nhận thức và thể hiện khác nhau theo thứ tự như sau: ngăn cấm > ngăn ngừa > điều học > thận trọng > tinh tế > trong lành. Người ở trình độ nào thì giữ giới theo trình độ đó cũng là điều tự nhiên.



Ý NGHĨA CỦA VIỆC KHẤT THỰC

Một ông vua dư sức tự nuôi sống mình, nhưng khi ông ta xuất gia thì vẫn đi xin ăn. Có một anh Phật tử làm chủ một nhà hàng ở Pháp về chùa thầy xin xuất gia gieo duyên mười ngày. Cảm tưởng đầu tiên của anh ta là cảm thấy thật hạnh phúc khi ăn đồ ăn bá tánh bố thí, dù không cao lương mỹ vị như bữa ăn tại nhà hàng của anh. Sauđây là một số lợi ích của hạnh khất thực:
- Tập giản dị, khiêm tốn, từ bỏ mọi địa vị, danh vọng, tiền tài... trong việc tình nguyện làm người ăn xin để xả ly bản ngã, đoạn trừ lòng kiêu căng ngã mạn.
- Cơ hội phát huy chánh niệm tỉnh giác trong khi đi khất thực
- Tập tính bình đẳng đối với mọi sự cúng dường
- Tập không ăn uống theo ý mình mà tùy vào người cho
- Tạo điều kiện cho quần chúng phát tâm chia sẻ để mở rộng lòng vị tha.
- Phát huy tâm từ khi đi vào quần chúng.
- Tập sống nhẫn nhục, nhu hòa và dễ nuôi mạng.
- Vận động (đi bộ) để điều hòa thân tâm trong đời sống tu hành.

***
Đức Phật giản dị đến nỗi ai cho gì mặc nấy chứ không phức tạp như chúng ta là cố gắng mặc sao cho người đời thấy mình giản dị.



                             

NGHIỆP


Khi con có chủ ý hành động, nói năng hoặc suy nghĩ với tâm thiện hoặc bất thiện thì đó là tạo nghiệp. 
Với tâm thiện thì gọi là tạo nghiệp thiện, 
với tâm bất thiện thì gọi là tạo nghiệp bất thiện. 
Muốn biết con đang tạo nghiệp gì thì phải xem hành động, nói năng, suy nghĩ của con thiện hay bất thiện.

***
Bản năng và tập khí bên trong kết hợp với duyên bên ngoài tạo ra vọng tưởng và nghiệp tạo tác. Đó là những khuynh hướng xung động từ vô thức thúc đẩy hành động tạo nghiệp của con mặc dù con có suy nghĩ đúng đắn và đôi khi có chánh niệm. Khi chánh niệm tỉnh giác còn yếu mà bản năng hay tập khí lại mạnh thì không hóa giải được nghiệp tạo tác theo thói quen tập tính. 
Trở về trọn vẹn trong sáng với thân tâm thì con sẽ hữu thức hóa những tập tính vô thức ấy, và nó không thúc đẩy con tạo nghiệp được nữa.
Ngay trong đời sống hiện tại của một người đã nói lên quá khứ và tương lai của người ấy. Nên người xưa nói: "Đời này thọ quả gì, biết nghiệp nhân đời trước. Đời này tạo nghiệp gì, biết quả trổ đời sau". Chúng ta có thể tiên đoán vận mệnh tương lai của một người theo con đường mà họ đang sống trong hiện tại:
- Người luôn sáng suốt định tĩnh, trong lành, sống hạnh vô ngã vị tha, biết thương yêu muôn loài, vạn vật là đang hành Phật Đạo
- Người luôn tự tri tự giác, không hại mình hại người, có tấm lòng bao dung hỷ xả là đang hành Thánh Đạo
- Người sống dù thành bại, được mất, hơn thua, vui khổ vẫn xem đó là bài học để tự giác, giác tha, không nản chí sờn lòng là đang hành Bồ-tát Đạo.
- Người luôn hoan hỷ trong thiền định, không màng việc bên ngoài nội tâm thường tĩnh chỉ là đang hành Sắc, Vô Sắc Thiên Đạo.
- Người luôn hoan hỷ trong điều thiện, biết giữ gìn thân tâm trong lành mát mẻ là đang hành Dục Giới Thiên Đạo.
- Người sống có lý có tình, biết người biết ta, bình đẳng, điều độ, không thái quá là đang hành Nhân Đạo
- Người tỏ ra uy quyền, nóng nảy, cố chấp, thích uy hiếp, chỉ đạo người khác theo ý mình là đang hành A-tu-la Đạo
- Người sống theo bản năng, thích ăn thích ngủ, chỉ biết hưởng thụ vật chất là đang hành Súc Sanh Đạo.
- Người sống tham lam, ích kỷ, chỉ biết lợi mình hại người, thường đắm chìm trong tài, tình, danh, lợi là đang hành Ngạ Quỷ Đạo.
- Người sống hung ác, tàn nhẫn, đê tiện, thường hành hạ, làm khổ người khác, sát sanh, trộm cướp... là đang hành Địa Ngục Đạo.
Tất nhiên người đi con đường nào thì đến đích đó nên tương lai sẽ là những gì họ đang tạo trong chính đời sống này.



                         

CÁI BIẾT TRÍ TUỆ & CÁI BIẾT LÝ TRÍ 

( Vô ngã và hữu ngã)

Cái biết của trí tuệ qua thấy biết trực tiếp khác với cái biết của lý trí qua kiến thức gián tiếp. Về kiến thức và trí nhớ có thể con không nhiều nhưng lắm khi nhờ vậy mà có thể thấy biết trực tiếp và trong sáng hơn. Kiến thức có được nhờ học hỏi thông tin qua chữ nghĩa còn trí tuệ lại nhờ biết trở về trọn vẹn trong sáng với thân tâm mà sáng ra. Tâm con đã rộng mở, có tình thương yêu... chứng tỏ con đã sống đúng pháp. Con đừng "thiền" như một cố gắng để đạt được hiểu biết của lý trí hay sở đắc của ham muốn mà tâm con càng rỗng lặng trong sáng thì trí tuệ càng phát huy. Trí tuệ chỉ chiếu sáng lúc không bị che lấp bởi những kiến thức đầy khái niệm chữ nghĩa. Con đang đi đúng đường phát huy trí tuệ, đừng mong cầu phát triển sở tri và sở đắc, vì đó mới chính là chướng ngại của trí tuệ.

***
Có hai cách biết: Một là biết thực tánh chân đế (paramattha), hai là biết khái niệm chế định (paññatti). Khi biết thực tánh thì không qua khái niệm và không phản ứng tạo tác (không làm: vô vi, hoặc làm mà không tạo tác: duy tác). Khi biết khái niệm chế định thì có hai cách: Một là làm thiện theo nhu cầu cần thiết, hai là làm bất thiện theo tà kiến và tham ái. Vậy biết là chính còn làm hay không là tùy theo cách thấy biết đúng theo bát chánh đạo.

***
Thấy như thực, nghe như thực... là chánh kiến. Chỉ cần con làm việc gì, ở trong trạng thái hay tình huống nào cũng thấy biết trung thực với cái nhìn lặng lẽ trong sáng thì đó là chánh kiến. Làm như vậy niềm tin cũng sẽ vững vàng. Đức tin thì tin vào tha lực còn niềm tin là tin vào tự tánh. Khi con thấy đúng thì niềm tin đương nhiên ổn định.


                          

ĐẠO

Đạo ở khắp mọi nơi, ai ít bụi trong mắt đều có thể thấy như nhau, sao con không tự mình trở lại mà thấy (Ehipassiko)? Quay lại thì ngay đó là bờ, sao con lại hướng ngoại tìm cầu? Ở nơi con đã sẵn có một tánh biết thật tuyệt vời và pháp quanh con đều đang vận hành thật mầu nhiệm, sao con không lặng lẽ chiêm ngoạn chân lý muôn đời ấy mà đi tìm chút "ấn chứng" đang còn trong tưởng tượng? Dù ấn chứng ấy có là Niết-bàn nhưng nếu đó là mục đích để trở thành thì vẫn chỉ là sinh tử, vì bản chất của tham vọng trở thành chính là sinh tử,


***
Pháp vốn tự nhiên và tánh biết cũng tự nhiên thấy pháp. Khi ta ảo tưởng xen vào thì nó cho là ta biết, từ đó có ý chí nỗ lực rèn luyện để trở thành "như ý của ta". Nhưng trong thực tánh tự nhiên của pháp thì mộthạt giống sẽ nẩy mầm, ra lá, đâm chồi... rồi lớn lên và đương nhiên ra hoa kết trái. Cứ sống tự nhiên với tâm rỗng lặng trong sáng để thấy ra tất cả pháp thì lúc đó thần thông cũng chỉ là chuyện bình thường như ra hoa kết trái.




SỐNG

Sống có mục đích hay không không thành vấn đề mà quan trọng là có sống đúng tốt hay không. Con cứ sống theo những gì con thấy là đúng tốt rồi qua đó con biết thận trọng chú tâm quan sát trên hiện thực để sẵn sàng điều chỉnh nhận thức và hành vi khi phát hiện sự sai xấu. Tôn trọng nguyên tắc không hại mình hại người hay lợi mình lợi người là tốt; hành động nói năng suy nghĩ hợp với nguyên lý vận hành của đời sống với tâm trầm tĩnh trong sáng là đúng. Đó cũng chính là ý nghĩa và mục đích sống trọn vẹn với chính mình và cuộc sống trong từng giây phút.

Nếu có một mục tiêu tốt nhất thì đó chính là thái độ sống trọn vẹn trong sáng với sự sống đang là. Người ta thườngđánh mất sự sống đang là cho một mục tiêu không lường được ở tương lai. Nhưng đánh mất hiện tại thì chắc chắn không có tương lai bởi vì tương lai là kết quả của hiện tại. Đặt ra một mục tiêu và để đạt được mục tiêu ấyngười ta có thể bất chấp thủ đoạn, do đó mà nói "mục tiêu gây ra tội ác". Có thể có những mục tiêu mang nhãn hiệu tốt, nhưng nó vẫn chưa phải là hiện thực, cái tốt thực chỉ biểu hiện ngay nơi thái độ nhận thức và hành viđúng đắn, lương thiện tại đây và bây giờ.
Chính vì con bị chi phối bởi mục tiêu chưa tới mà quên đi, đánh mất hoặc không trọn vẹn được với sự sống đang là, đó là lý do vì sao con không tập trung được lâu trong hiện tại. Có mục tiêu hay không không thành vấn đề, mà chính là có thực sự sống trải nghiệm, chiêm nghiệm sự sống đang là từng giây phút để thấy ra ý nghĩa đích thực của đời sống hay không.

***

Yêu mặt tốt ghét mặt xấu gọi là nhị nguyên. Khi nào có đủ khả năng đón nhận cả hai mặt của cuộc sống mà tâm vẫn rỗng lặng trong sáng thì mới thấy tính bất nhị của thực tánh pháp





CHÂN LÝ MUÔN ĐỜI

Cái ta ảo tưởng càng ít xen vào lăng xăng tạo tác thì càng thấy rõ pháp vận hành tự nhiên và chính xác. Đừng sống theo quan điểm nào, cũng đừng sợ sai xấu, càng bình tĩnh sáng suốt mà thấy thì càng dễ phát hiện hành động, nói năng, suy nghĩ sai xấu và nhờ vậy mới nhận ra sự đúng tốt tự nhiên muôn đời của pháp. Con cứ thế mà sống với niềm tin bất động nơi tánh biết và pháp.

***
 Giữa cuộc đời đầy những lo âu toan tính, những ảo vọng tìm cầu, và những khổ đau phiền muộn... Hạnh phúc thay cho những ai biết trở về trọn vẹn trong sáng với chính mình, thấy ra chân lý muôn đời vẫn ở đó... Để không còn lăng xăng hướng ngoại tìm cầu...