THỜI GIAN và VĨNH CỬU

HỎI : Ông được sinh ra nơi một ngôi làng mà điều kiện sinh sống rất là nghèo khổ và ông có nói rằng chưa bao giờ ông được học hỏi, nghiên cứu kinh điển. Vậy nghiệp lành nào đưa ông đến sự giải thoát nầy ?

KRISHNAMURTI : Một câu hỏi thật lý thú, nếu ông chú ý thì vấn đề nầy không những chỉ riêng cho cá nhân mà còn là chung cho tất cả mọi người. Do đâu một người nào đó hiểu biết rõ ràng hơn, biết nhạy cảm về cõi trần và các vấn đề của nó. Do đâu một người linh thị hay kinh nghiệm vài sự việc thuộc lĩnh vực tinh thần ? Vấn đề là đây chớ nào phải người ấy đã ra đời nơi một ngôi làng nhỏ bé hoặc ở nơi nào khác, sự việc ấy không quan trọng. Hãy nghĩ cẩn thận việc nầy cùng với tôi. Vì sao một tinh thần bị lệ thuộc vào hình hài sắc tướng bên ngoài, bị áp đặt vào vài tính chất hành động nào đó mà người kia thì không ? Phải chăng đây là vấn đề của nghiệp, của nhân và quả ?

Là những gì tốt lành ông đã tạo ra trong quá khứ mà ngày nay ông thuộc vào hạng người tử tế, giàu sang hoặc tài ba, như thế nầy hay thế khác. Có phải không ? Như vậy nhân và quả đã rõ ràng đồng thời xác nhận tất cả vấn đề. Hay là tác động của nhân phát sinh ra quả rồi trở lại thành nhân ? Tuy nhiên không bao giờ có nhân và quả tách rời vì một chuỗi nhân mà quả chưa xuất hiện vẫn là nhân còn xa vời. Ông hiểu chớ ? Thế nên nghiệp của hầu hết chúng ta là một tiến trình nhờ đó, ông thụ hưởng những việc làm tốt lành ông đã thực hiện trong quá khứ, nhưng ông cũng phải trả bất cứ tội lỗi nào ông đã gây ra. Thế nên vấn đề nhân quả phải chăng không đơn giản ? Tôi biết có người thiếu thận trọng cho rằng những ai một khi đã leo đến nấc thang thành đạt rồi, khó mà tưởng nghĩ đến kẻ đánh giày, người nông thôn, làng nước. Họ thường có quan niệm về nghiệp quả như là một điều kiện để thành công vì họ đã làm điều lành ngay trong hiện tại và kiếp lai sinh, họ có một tòa nhà đồ sộ, một địa vị cao hơn, họ sẽ tiếp cận Niết Bàn và tất cả sự yên nghỉ, thảnh thơi của nó. Mặc dù sự việc nầy có thể được cho là xác đáng nhưng chắc chắn không thiết yếu. Vậy phải như thế nào mới cho là thiết yếu ? Nếu cần đặt câu hỏi một cách nghiêm túc thì qua việc khảo sát, nghiên cứu, chúng ta sẽ tìm ra sự thật ẩn trong câu hỏi nầy. Do đâu một cá nhân có được sự nhạy cảm phi thường về y mà người khác không có ? Nếu vì lòng ganh tỵ ông hỏi như vậy không bao giờ ông tìm được câu trả lời. Đừng cười ông bạn ơi, Hãy suy nghĩ cho ra lẽ vấn đề nầy. Phần đông chúng ta khi hỏi han một điều gì là do lòng ham muốn, ganh tỵ hay khao khát được như vậy. Tuy nhiên câu hỏi không xác đáng. Vậy, điều gì đã xảy ra khi tinh thần người nầy bị lệ thuộc còn tinh thần người kia thì không ? Ông có thể cho rằng việc đó do nghiệp (Karma) thật dễ dàng hoặc gán cho lòng ganh tỵ một số sự kiện do óc tưởng tượng, nhưng chắc chắn không hề có giải đáp. Nhờ cái gì mà một tinh thần cá biệt có thể chịu đựng được tất cả áp lực, vượt qua được những lúc tâm trạng căng thẳng trước cuộc sống, hiểu biết nhiều và nổi bật khác thường ? Do đâu, các sự việc đó xảy ra ? Phải chăng đây là những sự kiện hiếm thấy trong lĩnh vực của thực vật học hoặc trên sân cỏ của thể dục, thể thao ? Hay là cái gì đó khiến cho nhục thể con người có khả năng chịu đựng được ? Nếu đó là những điều hiếm có thật sự không có giá trị. Tốt hơn nên để vào viện bảo tàng, đặt danh hiệu rồi quên lãng đi cho xong - nhưng việc mà chúng ta thường làm là suy tôn người đó lên hàng một thánh nhân hoặc thực hiện vài công việc ngớ ngẩn tương tự. Nếu sự ông muốn tìm hiểu, ông hãy tìm hiểu nơi chính con người ông, có phải đó là một Thực Tại không và ông phải trực nhận tức khắc chớ không qua tiến trình của thời gian.
Đây là một Thực Tại - xin lắng nghe - một Thực Tại đến ngay trong tinh thần và biến đổi nó hoàn toàn. Ông không phải vận dụng điều gì hết. Nó linh hoạt, vận-hành và sống động trong chính nó; chỉ có tinh thần mới cảm nhận được, mới thâm nhập không qua sự suy đoán hoặc tất cả các loại tư tưởng nào về nó. Một tinh thần nào cố sức đạt tới nó sẽ hoài công, vì đây chính là một trạng thái, nếu có được ông sẽ không còn gì để tham vấn nữa. Đang nói về trạng thái nầy, tôi không hề suy đoán hay khởi xướng lên một kinh nghiệm nào của ngày hôm qua. Trạng thái đó là như vậy, nếu ông có được ông sẽ khám phá ra rằng mọi vật có thể hiểu được, vì đây là sự sáng tạo, là tình yêu, là lòng trắc ẩn. Nhưng ông không thể đạt được bằng bất cứ ý định nào, bất cứ sách vở hoặc một vị Thầy (Guru) hay tổ chức nào cả. Đừng mong thực hiện theo ý muốn, vì ông không thể đạt được trạng thái đó bằng bất cứ phương tiện nào. Cũng không nhờ tham thiền hướng dẫn ông đến mục tiêu. Khi ông thâm nhập được, thực sự không có sự chấp thuận, không do gương mẫu hay cách đối xử đạo đức, không thầy, không sách vở, không tổ chức hoặc bất cứ một quyền uy nào đưa ông đến trạng thái đó; ông đang sẵn sàng là ông trực nhận. Bây giờ, ông nhận ra rằng tinh thần chỉ là một dụng cụ của sự sáng tạo. Chính nó đang vận hành xuyên qua tinh thần hầu làm lộ rõ ra một tổng thể thiên hình vạn trạng trong vũ trụ - chớ không là một kế hoạch hoàn cầu hóa của nhà chánh trị hoặc của nhà cải cách tôn giáo xã hội - bởi vì sự sáng tạo nầy là Thực Tại trường tồn, bất biến của chính nó. . 


Sưu tập bài giảng của J. Krishnamurti Tập X
Madras, ngày 23-12-1956

HỎI : Theo lý thuyết về nghiệp (Karma) mà phần đông chúng tôi đều có lòng tin tưởng thì hành động và hoàn cảnh hiện tại của chúng tôi phần lớn do nghiệp chi phối, vì chúng tôi đã gây ra trong những kiếp sống đã qua. Ông có phủ nhận điều đó không ? Còn về bổn phận và trách nhiệm của chúng tôi thì sao ?

KRISHNAMURTI : Thưa ông, lại một câu hỏi rất phức tạp được nêu ra và cần suy nghĩ cho thật rốt ráo. Đây không phải vấn đề mà ông tin. Ông tin vì ông là hậu quả của quá khứ do kiếp trước đã qui định hoàn cảnh hiện tại của ông, cũng có nhiều người không tin những điều nầy. Họ tin rằng chúng ta chỉ sống qua một kiếp sống trên cõi trần và chính nó quyết định hoàn cảnh hiện tại của chúng ta. Vậy hãy xếp nó lại trong chốc lát việc tin hay không tin để tìm hiểu quan điểm của chúng ta về nghiệp. Điều này phần lớn thật quan trọng, nếu chúng ta thật tâm muốn hiểu nghiệp là gì, rồi ông sẽ thấy đây không phải là một vấn đề điều khiển hành động hiện tại của chúng ta. Khi đi sâu vào vấn đề, thế nào chúng ta cũng sẽ hiểu được.
Giờ đây, chúng ta phải chứng minh như thế nào về nghiệp ? Theo chúng ta hiểu thì thuật ngữ nghiệp tự nó có nghĩa là hành động, là thực hiện. Không bao giờ ông hành động mà không do một nguyên nhân, một động lực hoặc một hoàn cảnh nào đó thúc đẩy. Hơn nữa, ông hành động do tác nhân của quá khứ, của hàng ngàn ngày đã qua và bị thúc đẩy bởi một chiều hướng đặc biệt hoặc chịu sự cưỡng bách đột ngột của hoàn cảnh. Như vậy, chính là nguyên nhân và hậu quả. Xin ông theo dõi một chút nữa. Thí dụ ông đến đây để nghe tôi nói, cái nhân chính là ông muốn nghe, còn cái quả của sự nghe là ông sẽ tìm hiểu nếu ông cảm thấy thực sự quan tâm đến vấn đề. Vậy, cái điểm cốt yếu ở đây là đã có một nguyên nhân và một hậu quả rồi đó.
Bây giờ có phải nguyên nhân luôn luôn cố định và hậu quả thường xác định không ? Ông có hiểu không ? Như trường hợp một quả đấu (an acorn), một hạt giống, đây là nhân cố định và quả cố định, sự thật là như vậy. Một quả đấu không thể trở thành một cây cọ, nó sẽ luôn luôn sinh ra một cây sồi, đó là quả cố định. Chúng ta suy ra nghiệp cùng một đường lối như thế phải không ? Hôm qua, tôi đã làm một điều gì đó tức là nhân, tôi nghĩ cái quả của hành động nầy đã quyết định trước và cố định, chỉ có vậy sao ? Phải chăng nhân vẫn luôn luôn cố định ? Còn quả cũng cố định như nhân ? Nhưng có thể có quả của nhân lại trở thành nhân của một quả khác còn nằm yên chưa tác động chăng ? Ông hiểu không ? Tôi không muốn cho nhiều thí dụ, vì thí dụ thường làm cho vấn đề không rõ ràng và rắc rối thêm. Vậy, chúng ta nên suy nghĩ cho minh bạch, đừng dùng thí dụ.
Chúng ta nên tìm hiểu mỗi hành động đều có một nguyên nhân. Tôi tham lam, thế là tôi thực hiện một điều gì đó. Đây là nhân chắc chắn quả sẽ phát sinh. Vậy, hiện tại không có vấn đề quả trở thành nhân của một hành động trong tương lai sao ? Chắc chắn không hề có một nhân cố định hay một quả cố định. Vì mỗi quả đều trải qua vô số ảnh hưởng và chúng ta tự biến đổi để trở thành nhân của một quả khác còn đang im lìm chưa tác động. Thế nên, không có nhân cố định và quả cố định mà chỉ có nhân quả rồi nhân thôi.
Thưa ông, đây là sự thật hiển nhiên. Hôm qua, ông đã hành động điều gì đó dĩ nhiên cái gốc đã nằm sẵn trong cái nhân nầy rồi, ngày mai sẽ đưa đến một kết quả; trong thời gian chưa xuất lộ, nó là đối tượng của vô số áp lực, của biết bao tác dụng và trải qua nhiều sự đổi thay. Ông cho rằng nếu đã gây ra một cái nhân dĩ nhiên sẽ có một cái quả cố định phát sinh. Nhưng quả không bao giờ giống hệt như nhân, bởi vì giữa nhân và quả sẽ xuất lộ đã có nhiều sự việc xảy ra.
Vậy, có một chuỗi nhân tiếp nối để trở thành quả rồi quả trở thành nhân. Nếu ông nghĩ theo nghĩa đó thì Tôi đã có trong quá khứ, nay tôi đang ở đây và tôi sẽ như thế, như thế ở đời sống kế tiếp; tôi vẫn còn non nớt, vẫn hoàn toàn ngờ nghệch vì sự suy nghĩ của tôi vẫn theo đường lối cũ không có gì thay đổi, vẫn không sinh động, cũng không có khả năng cần thiết cho sự sống. Như vậy sẽ đi đến sự suy sụp, giảm giá trị và chết chóc. Nếu ông nghĩ sâu xa hơn thì vấn đề nầy thật kỳ diệu, vì khi ông nhận thức nó thật thâm sâu thì sợi chuỗi nhân quả rồi trở thành nhân khác có thể cắt đứt trong một thời gian nào đó và tinh thần có khả năng giải phóng khỏi nghiệp quả. Qua sự hiểu biết toàn thể tiến trình của tinh thần luôn bị tùy thuộc vào quá khứ, ông sẽ thấy chính nơi con người ông, cái quả của quá khứ đang ở ngay trong hiện tại hoặc trong tương lai không bao giờ cố định, tuyệt đối và chấm dứt. Hãy nghĩ rằng chấm dứt tức là suy sụp, dốt nát và đen tối. Trái lại nếu ông nhận thấy nhân và quả có nghĩa là sẽ trở thành nhân khác thì toàn bộ tiến trình nầy là sự sống, là các sự kiện sinh động, ông sẽ có khả năng chặt đứt chuỗi nhân quả rồi nhân nầy chỉ một thời gian nào đó thôi. Lúc đó, ông có thể giải thoát quá khứ. Hơn nữa, ông không cần phải là một tín đồ Cơ Đốc Giáo, Phật Giáo hay Ấn Giáo, vì tất cả sự ràng buộc vào vấn đề nầy ông có thể tự biến đổi tức khắc.
Ông không hiểu rằng lòng ganh tỵ chỉ đập một cú là nó tan nát ư ? Có bao giờ ông cố gắng phá tan sự phản kháng của một vết nhơ không ? Tôi biết có điều rất dễ chịu ở phía sau làm hậu thuẫn và nói : “Tốt lắm, đây là nghiệp báo, điều đó làm cho tôi phải đối lập với ông”. Nó đem đến một cảm giác hài lòng rất thú vị. Và cứ vui thích tiếp tục lòng căm ghét. Nhưng nếu ông nhận thức được toàn thể ý nghĩa của nghiệp, ông sẽ thấy sợi chuỗi nhân, quả rồi trở lại thành nhân có khả năng bị cắt đứt.
Tuy nhiên vấn đề nầy đòi hỏi lắm công phu vất vả, phải chú tâm nghiêm túc cùng với sự thẩm tra, thâm nhập và tự tri. Phần đông chúng ta hay lười biếng, thường hài lòng và tin tưởng quá dễ dàng vào nghiệp quả. Trời “Phải chăng đây là vấn đề tin hay không tin ?”. Hiện tại ông ra sao về vấn đề nầy, phải chăng ông đã hành động trong quá khứ, giờ đây ông là hậu quả của nó. Và bây giờ ông như thế nào ? Chính ông am tường điều đó hơn tôi. Giờ đây, ông ra sao chính ông nhận thấy hậu quả của quá khứ đã rõ ràng, nó là hậu quả của vô số tác dụng, của bao nhiêu sự cưỡng bách, của hậu quả sự dinh dưỡng, của khí hậu, và sự tiếp xúc với phương Tây v.v... Dưới sức ép của tất cả điều đó, tâm trí trở thành lười biếng nên dễ dàng đáp ứng những lời hứa hẹn. Một tinh thần như thế có thể phát biểu Chân lý, Thượng Đế, có thể tin tưởng Niết Bàn và tất cả sự yên nghỉ, thảnh thơi của nó, nhưng đức tin đó không có giá trị, chẳ̉ng hơn gì của nhà duy vật, của tín đồ Thiên Chúa hay bất cứ một đức tin nào khác.
Vậy, ta có khả năng biến đổi chỉ khi nào tinh thần thấu triệt toàn bộ tiến trình của chính nó cùng với sự linh động và quan hệ nhân quả của tiến trình nầy. Sự thấu triệt đem lại cho tinh thần một khả năng rộng lớn bao la vì nó mở tung cánh cửa trí tuệ trưóc sự sáng tạo vô cùng kỳ diệu. Đây đâu phải là tác phẩm của vài vần thơ hoặc vài nét chấm phá màu sắc trên một bức họa mà là một trạng thái của Thực Tại, của Thượng Đế và Chơn lý. Do đó, ông không phải có lý tưởng. Trái lại lý tưởng ngăn trở ngay sự thâm hiểu của ông. Chúng ta luôn sống trong ảo tưởng, trong những điều vô giá trị, vì vậy chúng ta dễ dàng khuất phục quyền uy, tôn giáo cũng như cơ chế chính trị bạo tàn. Khi tinh thần khám phá ra thế nào là trường tồn bất diệt thì vượt xa hơn phải chăng là sự giác chiếu của chính nó ? Tôi cho rằng có thể chặt đứt tính cách tiếp diễn của nghiệp quả và chỉ khi nào ông thấu hiểu tiến trình hoạt động của nó ông mới quyết định trước, bởi vì một sự sống đang sinh động, một vật đang hoạt động mà tự cắt đứt với quá khứ, hiển nhiên tinh thần sẽ trực nhận thế nào là Chân lý hay Thượng Đế.

Sưu tập bài giảng của J. Krishnamurti, tập X.
Colombo, ngày 23-01-1957

HỎI : Theo thuyết luân hồi thì điều gì đúng, điều gì sai?

KRISHNAMURTI : Câu hỏi nầy thật quan trọng và rất cần cho sự hiểu biết vì chúng ta có thể có một tinh thần quan sát và cởi mở. Quan sát còn bao gồm ý định tìm hiểu chân lý. Vậy chân lý không tùy thuộc bất cứ một hệ thống nào cả. Chân lý cũng không thuần là một tín ngưỡng hay giáo điều. Việc quan sát nầy thường bị ngăn trở bởi thành kiến và tư tưởng không trung thực. Có nhiều lời trích dẫn có tính cách quyền uy dù của người thời cổ hay của nhà thông thái cũng không thể có hiệu năng cho sự tự do của Chân lý. Quan sát cần có tự do không thành kiến, không tín ngưỡng, nếu ông bị ràng buộc vào các điều đó, có thể ông sẽ lầm đường lạc lối và lang thang trong phạm vi ảnh hưởng của chính ông, vì trong đó, không bao giờ có Chân lý.
Vậy, cái gì đi đầu thai ? Những phẩm chất gì tiếp nối nhau để tái sinh ? Ở đây chỉ có hai trạng thái, một là tính chất khả thi nối tiếp của thực thể tâm linh gọi là linh hồn hoặc trạng thái kia là cái "tôi" và cái "của tôi". Thực thể tâm linh có thể là điều gì đó không do cái "tôi" hoặc cái "của tôi" sáng tạo. Nó không thể đến do sự tiến triển của tư tưởng. Nếu là thực thể tâm linh thì là một điều gì đó vượt xa hơn vô minh và ảo tưởng. Nếu điều đó khác hơn tôi, có thể là trường tồn, vĩnh cửu; nhưng đã là vĩnh cửu thì không tiến triển, không tăng trưởng và không trở thành.
Đây là sự bất tử. Vì là bất tử nên nó vượt xa hơn tôi, hơn sự suy nghĩ của tôi và cũng không ở trong lĩnh vực tâm thức của tôi. Thế nên ông không thể suy nghĩ về nó, không thể tìm hiểu nó có hay không có luân hồi, tái sinh. Vậy đã là đời đời bất tận và không bao giờ chết, còn ông đang dính líu vào vấn đề sống chết và thời gian làm sao ông tìm hiểu được. Vậy việc suy đoán về thực thể tâm linh dựa theo thiên nhiên là một việc làm không thực tế, vì khi suy đoán một vấn đề gì mà chúng ta chưa biết chỉ là cách lẫn tránh, đồng thời rõ ràng là một trở lực trong việc am hiểu Chân lý.
Thực sự ông không quan tâm đến tính cách tồn tại của thực thể tâm linh, còn sự tồn tại của chính ông, của cái "tôi" - cái "tôi" và cái "của tôi" cùng với sự thành tựu và thất bại, với việc làm mất tác dụng và tài khoản ở ngân hàng, với đặc tính và cách biểu hiện riêng của chúng. Ông muốn biết nếu cái "tôi" thuộc quyền sở hữu của ông, cái "tôi" của gia đình ông, cái "tôi" của đức tin ông nếu cái "anh" đều có sự tiếp tục khi cái phần hiện sinh vật chất chấm dứt, đây là vấn đề thuộc về sinh lý học cũng như một quá trình tâm lý học.
Vậy ông có ý gì về sự tiếp tục nầy ? Chúng ta có xem xét ít nhiều về "tôi" và "của tôi", về danh xưng, đặc điểm cũng như sự thành tựu và tất cả các trình độ tâm thức khác nhau. Ông có ý muốn nói gì về sự tiếp tục nầy và cái gì khiến nó phải tiếp tục như thế ? Và cái gì bám sát vào nó và cứ tiếp diễn xuyên qua hình hài sắc tướng lâu dài ? Nếu ông quả quyết có sự lâu dài nầy, dĩ nhiên ông không bám vào vấn đề tiếp tục. Một khi ông tin chắc có sự lâu dài, có vấn đề bảo đảm quyền sở hữu tài sản, gia đình và tín ngưỡng. Nhưng khi thể xác chết đi thì tài sản, gia đình cũng không còn; tuy nhiên quan niệm của ông về sự lâu dài có thể còn tiếp tục. Đó là quan niệm mà chúng ta vẫn mong muốn có thể được duy trì. Như vậy, tư tưởng, quan niệm về cái "tôi" có tiếp tục không ? Từ kinh nghiệm đến kinh nghiệm sự tiếp tục vẫn thích hợp - việc trình bày có hệ thống về "cái tôi" nầy sẽ có sự tiếp tục không ? Tư tưởng bị đồng hóa là cái "tôi" tiếp tục và có thực chất. Giống như làn sóng điện tử, tư tưởng có sự sống. Tư tưởng nầy khi đã đồng hóa với ông chính là ông, như thế tư tưởng vẫn tiếp diễn chính là ông đó.
Bây giờ điều gì xảy ra từ sự tiếp diễn nầy ? Điều gì xảy ra khiến nó vẫn thích hợp, không thay đổi và vận hành từ kinh nghiệm nầy đến kinh nghiệm khác ? Và sự tiếp diễn nầy không đổi mới. Thật sự nó vận hành qua các kinh nghiệm vẫn thích hợp và tự chỉnh đốn một cách kiên trì, không thay đổi. Cái "tôi" đồng hóa với tư tưỏng vẫn tiếp diễn và sự kiện nầy là một tình trạng không ngớt suy tàn, và là sự vận hành từ kinh nghiệm đến kinh nghiệm rồi gom lại và hoạt động trong một thời gian tối thiểu. Chỉ có sự phục hồi khi nào kinh nghiệm không thay đổi, không có sự tích trữ kinh nghiệm, cũng không có ngày hôm qua. Điều nầy kết thúc có một căn nguyên, vì mãi tiếp tục dĩ nhiên không thể phục hồi, cũng như không tái sinh, không biến đổi. Vậy chỉ có chết mới có sinh, chết từng giây từng phút, từng ngày qua. Thế nên chỉ chấm dứt mới là tình thương. Tình thương mới lạ từ lúc nầy đến lúc khác. Tình thương không tiến hành và cũng không là sự bắt chước. Tình thương như thế mới cao quí và mỹ lệ.
Chắc có vài vị nói rằng tôi không giải đáp câu hỏi điều gì đúng, điều gì sai trong thuyết luân hồi. Nếu ông có thể cân nhắc những gì tôi đã trình bày, ông sẽ thấy tôi đã làm nổi bật và rõ ràng điều gì đúng, điều gì không đúng rồi. Về bài toán bí ẩn, thâm sâu của cuộc sống làm sao khẳng định được có hay không. Thế nên chỉ có cách ngưng tư tưởng mới hiểu được có hay không của vấn đề. Quan sát tìm hiểu vấn đề nầy, chúng ta sẽ thấy sự thật trong sự tiếp diễn. Sống và chết không hay, khi ông ấy thấu hiểu thì cái chết diễn ra trong từng giây phút. Thế nên, sự bất tử không phải là sự tồn tại của tư tưởng bị đồng hóa. Tử không đạt tới bất tử. Vì thế bất tử đi vào cuộc sinh tồn khi tiến trình của tư tưởng là cái "tôi" và cái "của tôi" đều ngưng bặt.

Sưu tập bài giảng của J. Krishnamurti, Tập IV
Bombay, ngày 29-02-1948.

HỎI: Có phải tự tri chấm dứt đau khổ không, điều nầy có vẻ cần thiết để linh hồn phải sinh đi, sinh lại nữa không ?

KRISHNAMURTI : Đây là quan niệm mà từ lâu ông đã từng đau khổ. Thế nên, ông cần phải tái sinh cho đến khi nào ông vượt qua được sự đau khổ. Quan niệm nầy của Ấn Giáo cổ, của Phật Giáo và tư tưởng Á Đông. Họ bảo rằng ông phải trở lại cõi trần, phải tái sinh nhiều lần nữa và còn tiếp tục đau khổ cho đến khi nào ông hiểu rõ toàn thể quá trình của nó mới thoát ra được.
Phương pháp nầy đúng hay không đúng ? Đời sống của chúng ta có quá nhiều đau khổ. Năm nầy qua năm khác, từ lúc chào đời cho đến ngày nhắm mắt, cuộc sống của chúng ta là cả một quá trình đấu tranh khổ sở, đau đớn, âu lo và sợ hãi. Chúng ta hiểu vì trải qua những điều đó quá nhiều. Có phải đây là hình thức tiếp diễn của đau khổ không ? Dù ông có tái sinh nữa, ông cũng vẫn đau khổ cho đến khi ông hiểu rõ các sự kiện nầy thực sự không thích hợp. Bây giờ ông sống đau khổ trong quãng đời còn lại. Vậy chúng ta có thể nào chấm dứt đau khổ, không những trong vài ngày nữa mà ngay lập tức, không cần hạn định của thời gian.
Tôi nghĩ điều nầy có thể lắm. Ông không nên chấp nhận những lời tôi nói, vì như vậy không có giá trị. Một người không chịu bắt đầu tìm hiểu chính mình thì đau khổ có chấm dứt không ? Tôi đang nói về sự đau khổ tâm lý chớ không đề cập đến vấn đề đau đớn thể xác và hình phạt - nhưng nếu chúng ta hiểu tình trạng tâm lý cũng có thể xoa dịu nỗi đau thể chất chúng ta. Vậy, đau khổ có thể chấm dứt không ? Hay là số phận con người phải cam chịu đau khổ mãi mãi không theo quan niệm chung của giáo lý Cơ Đốc về địa ngục và tất cả những gì vô giá trị, chúng ta có thể hiểu theo quan niệm thông thường chăng ? Cuối cùng 50 năm hay hơn nữa sống trong đau khổ thật quá đủ. Ông không hề nghiên cứu về tương lai.
Nếu chúng ta bắt đầu tìm hiểu vấn đề nầy, tôi nghĩ chúng ta sẽ khám phá ra sở dĩ đau khổ vẫn còn là do thiếu hiểu biết về toàn bộ của cuộc sống của một người. Từ lâu tôi không hiểu gì về tôi cả, đường lối và sự cưỡng bách của tinh thần tôi về mặt vô thức cũng như hữu thức, thế nên tôi vẫn phải cam chịu đau khổ. Sau hết vì vô minh mà chúng ta đau khổ - vô minh theo ý nghĩa là thiếu hiểu biết về chính mình. Vô minh còn là sự kém khuyết trong vấn đề giao tiếp hằng ngày giữa người với người, ngoài ra còn biết bao sự việc đưa đến đau khổ nữa như tôi đang nói về vấn đề chúng ta hoàn toàn thiếu tự tri. Vậy thiếu tự tri, đau khổ vẫn còn.

Sưu tập bài giảng của J. Krishnamurti, Tập X.
Hamburg, ngày 16-09-1956.

HỎI : Theo ông thì Chân lý sẽ giải thoát chúng ta, ông có thể cho chúng tôi biết vấn đề nầy không ? Lời trình bày của ông có ý nghĩa gì khi Chân lý chỉ cần thiết đến với ông chớ không do ông tìm kiếm ?

KRISHNAMURTI : Chắc chắn, nếu chỉ do tìm kiếm thì không đúng, đó là ảo tưởng, là vô minh, có phải Chân lý hiện hữu vì cuộc sinh tồn của chúng ta không ? Ông khó thể tìm hiểu nó bởi vì tư tưởng chỉ là dụng cụ để ông tìm hiểu thôi. Nếu tôi vẫn tham lam, ganh tỵ vẫn có thành kiến mà cứ cố gắng tìm hiểu Chân lý thì rõ ràng Chân lý của tôi sẽ là kết quả của tham lam, ganh tỵ và thành kiến - không phải là Chân lý. Thế nên tất cả những gì tôi có khả năng thực hiện là quan sát điều gì không thật, ý thức những gì tôi bị lệ thuộc khiến tôi tham lam, ganh tỵ. Vậy tất cả những gì tôi có thể làm là ý thức chúng một cách vô tư. Được như vậy, tôi mới bỏ được tánh tham lam, ganh tỵ, Chân lý sẽ đến trong cuộc sống. Nếu chúng ta tìm kiếm nó thì kết quả rõ rệt là ảo tưởng. Làm sao ông có thể tìm Chân lý ? Chân lý chắc hẳn là điều gì đó bất khả tư nghì đối với tinh thần luôn bị sự giải tỏa tóm chặt - thực sự chúng ta bị lệ thuộc về mặt tâm lý cũng như sinh lý, với một tinh thần như thế sẽ ra sao, thật không thể đo lường được sự thể bao la vô tận.
Những thuật ngữ nầy không đúng lắm. Ông có thể thấy được sự thật nếu ông nhiệt tình và sẵn sàng lắng nghe một cách nghiêm túc. Tôi sẽ ra sao khi ấy tôi vẫn lệ thuộc vào tín ngưỡng, sợ hãi, quốc tịch và thành kiến cùng vô vàn đường lối khiến tôi vẫn tham lam, ganh tỵ - thế thì làm sao tôi nhận ra Chân lý ? Nếu có nhận ra chăng nữa thì đó chỉ là một sự tự hình thành mà thôi. Cái gì ta tự tìm kiếm, theo đuổi, hiển nhiên là sự tạo tác của chính mình, vì vậy không thật. Và trong khi nhận ra sự thật của các điều đó, sự thật mà tôi vừa trình bày thì đã là một quá trình của tự do rồi, có phải vậy không ? Chỉ nhận ra khi ta ý thức được điều đó trong im lặng, chẳng những sẽ làm cho ta loại bỏ lòng tham mà còn thực hiện những gì chân thật.
Vậy, những ai đang cố tìm Chân lý sẽ bị bao vây trong ảo tưởng, thế nên Chân lý có thể đến được với ông chớ không cần phải theo đuổi. Vì đối với tất cả chúng ta thường ham muốn những gì ? Trong lời nói, trong các mối quan hệ, trong sự thèm muốn của chính mình, trong khát vọng và hư danh nhỏ mọn, trong tính chất thô bỉ mà chúng ta đang theo đuổi. Thấy được cái thật trong cái uyễn của tất cả là bắt đầu tri giác vấn đề nầy một cách chơn chánh...
Nhưng ông cũng thấy phần đông chúng ta không thích nhận thức như thế. Những điều nầy thật chán ngắt. Chúng ta thích ẩn mình, nép bóng trong ảo tưởng, trong vài tín ngưỡng vì các nơi đó, chúng ta cảm thấy được cô lập và an ủi - thật quá dễ dàng vì trong cuộc sống đó, chúng ta hài lòng vì đã tìm được Chân lý. Thực sự không thể tìm Chân lý trong cách sống cô lập, lánh đời. Không thể có lối sống an toàn tâm lý bảo đảm cho tính chất không sao xác định vô cùng trọng đại của Chân lý tiềm tàng trong cuộc sinh tồn. Như vậy, tất cả những gì chúng ta nên thực hiện nếu chúng ta thực sự quan tâm và bảo đảm cho lợi ích riêng tạo cơ hội cho Chân lý hòa nhập vào đời sống của chúng ta bằng tinh thần tương thân, tương ái giữa chúng ta và vạn vật, giữa đồng loại và các mẫu mực lý tưởng. Lúc đó, sự hiểu biết sẽ là tự do và chỉ có tự do mới chính là Sự Thật.

Sưu tập bài giảng của J. Krishnamurti, Tập V.
Luân-đôn, ngày 16-10-1949.

HỎI : Thượng Đế đâu phải là một chức vị nào đó để có thể phủ nhận dễ dàng. Ông đang tấn công các khái niệm về Thượng Đế. Vậy, bây giờ ông có cách gì để tỏ ra sẵn sàng cung hiến cho thế gian ? Nếu không ai đặt niềm tin vào Thượng Đế thì cuộc đời quả thật khô khan, đồi bại chỉ đưa đến tối tăm mà thôi.

KRISHNAMURTI : Dù ông tin hay không tin, dù tôi có bỏ qua hay đánh đỗ quan niệm về Thượng Đế thì Thực Tại vẫn hiển hiện. Thực Tại không thể tìm bằng tín ngưỡng, vì tín ngưỡng là hậu quả của sự mơ ước được bảo đảm. Tâm trí hay sợ hãi, âu lo, thiếu thốn và những gì bám vào đó. Vậy, khi xét rõ tính chất ngắn ngủi, phù du của thế gian, thế là tinh thần tạo ra một lý tưởng, nhưng lý tưởng về Thượng Đế chớ không phải Thượng Đế. Thượng Đế không là điều gì đó do tinh thần hình thành cụ̣ thể, vì vậy nó không thể lĩnh hội Thượng Đế chỉ trong một thời gian mà có được.
Niềm tin của ông về Thượng Đế chắc hẳn có sự chia rẽ giữa con người, nó khiến cho họ chống đối nhau, vì theo ông thì Thượng Đế không hệ trọng bằng tín ngưỡng. Ông chẳng làm cho thế giới thêm phần đen tối do tín ngưỡng của ông sao? Hãy nhìn xem vô số tín ngưỡng mà ông biết. Nhân danh Thượng Đế ông giết hại có phải không ? Người đã ném quả bom nguyên tử tiêu diệt hàng ngàn sinh mạng chỉ trong vài giây, ông ta cũng có đức tin nơi Thượng Đế. Còn những người không tin như trường hợp những người duy vật, họ cũng tàn phá với mục đích kiến tạo một thế giới tốt đẹp hơn. Vậy, giữa ông và họ đâu có gì khác nhau ? Những người có lòng tin nơi Thượng Đế và những người không tin, cả hai đều đem lại sự tàn phá và khốn khổ cho con người. Như đức tin của ngưòi Cơ Đốc Giáo và của người Ấn Giáo hoàn toàn đối lập nhau, nhưng họ giống nhau ở chỗ cũng chiến đấu, cũng ấu đả, cũng tham vọng, trừ khử và tin tưởng; tất cả những người nầy đều tự nhận đặt tin tưởng nơi Chúa và Thượng Đế. Như vậy có phải Chúa và Thượng Đế bị khước từ không ? Thượng Đế có phải là đều do tinh thần chúng ta hình thành không ?
Chắc chắn Thực Tại hay danh hiệu nào mà ông gọi đều thuộc về tinh thần, ông không thể tìm hiểu Thực Tại nếu tinh thần không tự tìm hiểu về chính nó. Nếu tinh thần không yên lặng, an bình thì chẳng bao giờ nó thâm nhập được Thực Tại, thật là một điều lạ thường.
Vậy, tín ngưỡng không đem lại sự yên lặng cho tinh thần. Trái lại làm cho tinh thần bị tê liệt, lệ thuộc và tan vỡ. Với nỗi sợ hãi, tinh thần thường tìm sự an toàn và một điều gì đó làm chỗ dựa, một tinh thần như thế dĩ nhiên không có giá trị. Lúc đó, tác dụng của tín ngưỡng là sự bảo đảm cá nhân. Cũng không là một vấn đề vô danh mà là một nơi để ông lệ thuộc. Tín ngưỡng phân rẽ dân tộc, tiêu diệt lẫn nhau. Một tinh thần như thế làm sao trực nhận được Thực Tại. Nhận thấy tất cả điều đó, tinh thần phải tỉnh táo để tự thoát ra khỏi các tín ngưỡng có nghĩa là tinh thần tự do tự tại không còn sợ hãi phải không ? Chỉ khi nào tinh thần trở nên thật yên lặng, an tịnh, chẳng còn bất cứ một sự hình thành nào cũng như mọi khát vọng, sách vở hoặc hy vọng nào nữa. Vì một khi tinh thần đang tuyệt vọng thường hay tìm nguồn hy vọng vào điều gì đó, nhưng hy vọng nầy lại là sự hình thành đích thực của tinh thần tuyệt vọng đó.
Vậy, khi xét thấy những điều nầy, tinh thần phải thực sự yên lặng. Đúng như thế Thực Tại mới hiển hiện. Ông chẳng cần mời mọc, cũng không phải lo hối lộ. Ở đây chẳng đòi hỏi sự hy sinh, ông chỉ cần thực hiện với mục tiêu chứng thực điều đó. Vì thế, đức hạnh sẽ không ban thưởng Thực Tại cho ông. Chỉ khi nào tinh thần thật hoàn toàn yên lặng - không mong đợi, không hy vọng - Thực Tại sẽ đến với một tinh thần tịch tịnh như thế.

Sưu tập bài giảng của J. Krishnamurti, Tập VII
Bombay, ngày 01-03-1953

HỎI : Xin ông vui lòng giải thích cho chúng tôi hiểu ý ông muốn nói gì về thời gian và vĩnh cữu. Có thể có tự do mãi mãi qua thời gian không ?

KRISHNAMURTI : Sự giải thích tương đối dễ dàng. Lời nói khi ghép lại tức là giải thích, phần đông chúng ta đều hài lòng với sự giải thích và kết luận. Nhưng để thực hiện có kinh nghiệm, đòi hỏi tinh thần phải qua một thời kỳ gian khổ phi thường chớ không nên tuyên bố, “tôi có đủ lời lẽ”.
Chắc chắn tinh thần là tiến trình của thời gian; tư tưởng phản ứng diễn giải ra bằng lời nói là kết quả của thời gian; lời nói và sự giải thích là thời gian. Tinh thần tỏ ra hài lòng với lời lẽ, với sự giải thích và thời gian, cố sức vượt qua thời gian bằng cách giải thích, bằng lời lẽ hay từ chương, bằng biểu tượng và cả các biểu tượng về thời gian vô tận. Mặc dầu tinh thần cố sử dụng biểu tượng nhưng rõ ràng nó phải yên lặng trong môi trường của thời gian - thời gian sống trong ký ức, những gì tôi ghi nhớ ngày hôm qua và sự hình thành cụ thể trong ký ức đến hôm nay và ngày mai là tiến trình của thời gian, đồng thời là tiến trình của tư tưởng.
Vậy, thời gian ở đây bao hàm từ thời thơ ấu đến tuổi trưởng thành cho đến lúc từ giả cõi trần - thế nên thời gian là sự phát triển. Ngày mai hoặc kiếp tới, tôi sẽ có một chức vị gì đó, nhưng hiện tại tôi là một luật sư, ba năm sau tôi trở thành thủ trưởng. Thời gian ngụ ý trau dồi đức hạnh, tôi lo sợ, tôi quá khích; tôi sẽ phải trau dồi để bỏ tánh quá khích - thật là một mưu mẹo rất êm ái. Một khi tinh thần đã quá khích thì không thể bỏ được dù bằng bất cứ phương cách nào. Việc cố sức luyện tập nầy là quá khích. Thưa ông hãy lắng nghe. Xin đừng cười.
Phương cách chịu khó và công phu rèn luyện đức hạnh càng làm vững thêm tánh quá khích chính là cái "tôi". Việc nầy cũng là thời gian. Tinh thần bị tóm chặt trong thời gian đó hỏi rằng, xin giải thích giúp tôi thế nào là vĩnh cửu, xin giúp tôi có được kinh nghiệm về những gì không thuộc về "tôi". Thế nên, trong thực chất chính của tinh thần là quá khứ mà quá khứ là thời gian, quá khứ còn là tương lai và những gì ngay trong hiện tại. Một tinh thần như thế đang đòi hỏi và cố sức: khám phá thế nào là vĩnh cửu. Nó chỉ có thể tìm hiểu những gì nó hình thành cụ thể chớ không làm sao khám phá được Vĩnh Cửu, bởi vì phương tiện của nó chính là thời gian.
Tinh thần có thể suy đoán, tìm lý lẽ để chứng minh và hình thành cụ thể thế nào là Vĩnh Cửu và v.v... Nhưng chẳng bao giờ nó có được kinh nghiệm trạng thái phi thời gian trong vài giây thôi, lúc đó, có sự biểu lộ rồi xếp vào ký ức. Thí dụ, "Tôi có kinh nghiệm vẻ đẹp buổi hoàng hôn ngày hôm qua; giờ đây, tôi vẫn còn nhớ được hình ảnh đó đến hôm nay". Vậy, đối với vạn vật, tinh thần có khả năng thực hiện tiến trình thu hút sự chuyển động phi thường của sự sống rồi xếp chúng vào dĩ vãng.
Xin lắng nghe. Giờ đây, sự việc không phải để tìm hiểu thế nào là Vĩnh Cửu, làm sao tôi đạt tới Vĩnh Cửu, cũng chẳng phải tinh thần có khả năng khám phá ra điều nầy mà là tìm hiểu trạng thái, trong đó tinh thần có thể trực nghiệm Vĩnh Cửu. Đây là trạng thái trực nghiệm chớ chẳng phải kinh nghiệm. Lúc tôi đang ý thức rằng tôi có kinh nghiệm thì nó sẵn sàng lui vào dĩ vãng rồi; vậy, kinh nghiệm cá biệt là của quá khứ...
Xin lắng nghe, ông sẽ tìm ra những gì tôi đang nói về sự kiện nầy; thật không có gì huyền bí. Ông khỏi phải làm như loại trừ một sự nhiễm độc, hoặc thực hành các nghi thức tôn giáo hay kiểm soát, mà ông chỉ cần tìm hiểu cách kết cấu của tinh thần và mổ xẻ tư tưởng. Khi ông thật hiểu rõ và tinh thần xét thấy đang bị vướng vào vòng thời gian, lúc đó, nó phải trở thành một tiêu điểm hoàn toàn và là một sự chú ý toàn vẹn không riêng biệt. Trong lúc chú ý, tâm thức đôi khi bị gián đoạn do tiếng ồn của xe lửa, sự phản ứng nầy là ký ức. Cùng thời điểm đó, tinh thần tự toàn vẹn vào một tiêu điểm chớ không phải là một sự tập trung - tiêu điểm nầy không do một ý muốn nào mà có, cũng không do một tác động nào của ý chí, vì đây là lúc tinh thần đang thâm nhập trọn vẹn, được gọi là sự hoàn trả chú ý về cho chính nó; và ở ngoại biên hay vùng ngoài thường thì cảm giác và đáp ứng vẫn tiếp tục.
Khi tinh thần xét thấy tư tưởng hoạt động chính là toàn thể tiến trình của thời gian, sau đó tụ trọn vẹn vào tiêu điểm, hoàn toàn chú ý, không còn một vấn đề gì khác, chỉ lắng nghe, khi tinh thần hoàn toàn tịch tịnh, lúc đó chính là biểu hiện của Vĩnh Cửu. Nhưng một người mà tinh thần tuy đã yên lặng vẫn còn có thể vướng mắc vào phút giây tối thiểu của thời gian nào đó. Như vậy đòi hỏi phải cảnh giác cao độ và trạng thái nầy là trực nghiệm, tuyệt nhiên không có chủ thể kinh nghiệm, chỉ hoàn toàn là trực nghiệm . Sau đó, nếu mống lên ý thức có chủ thể kinh nghiệm, thế là chúng ta bị tóm lại tức khắc vào vòng thời gian.
Vậy, tinh thần có thể có trạng thái trực nghiệm vì kinh nghiệm do sự hiểu biết, tích trữ từ quá khứ và thời gian sao ? Xin đặt câu hỏi rồi lắng nghe, ông sẽ tìm ra câu trả lời của chính ông. Tôi không dùng lời lẽ thôi miên ông đâu.
Có phải tinh thần thâm nhập trong trạng thái trực nghiệm không ? Và trạng thái nầy ra sao để là Vĩnh Cửu; ở đâu không có cái gì để tích lũy, không có trí thức và chẳng có thực thể tâm linh nào nói rằng "Tôi đang kinh nghiệm". Lúc nào có chủ thể kinh nghiệm thì chủ thể đó mở đầu cho thời gian hiển hiện.
Vậy, tinh thần có thể có trạng thái trực nghiệm Thượng Đế không ? Đó là tham thiền - tham thiền không là vấn đề để theo đuổi, chẳng phải là một lý tưởng đặc thù, không phải chỉ là một sự tập trung mà tham thiền có tính cách riêng biệt. Tham thiền chỉ có trực nghiệm chớ không có người kinh nghiệm. Tôi quả quyết với ông, vấn đề tham thiền là một sự kiện hết sức khó khăn, chớ không phải chỉ ngồi yên, nhắm mắt rồi tưởng tượng vài loại ảo ảnh và xuất thần.
Nếu tôi hiểu rõ thế nào là thực sự lắng nghe và thế nào là quán theo tư tưởng thì nhất định tư tưởng sẽ đưa tôi đến trạng thái đó - trạng thái không có người kinh nghiệm, không có gì để tích trữ, chính bản thân thu thập và thấu triệt. Thế nên, trực nghiệm là một trạng thái mà ý thức vắng bặt thật bền bỉ và là biểu hiện của Vĩnh Cửu, ngoài ra không là gì của tinh thần cả.

Sưu tập bài giảng của J. Krishnamurti, Tập VIII
Bombay, ngày 08-03-1953.

HỎI : Ông thường nói về sự sống, về kinh nghiệm và cuộc sinh tồn vốn là không. Vậy trạng thái tâm thức về cuộ̣c sinh tồn thế nào là không ? Có phải bất cứ sự việc nào đều nên thực hiện một cách khiêm tốn và sự sống phải chăng đang rộng mở trước ân huệ của Thượng Đế ?

KRISHNAMURTI : Ý thức về bất cứ điều gì không phải là tự do. Nếu tôi ý thức rằng tôi không tham lam, không giận dữ, chắc chắn tham lam, giận dữ không cho tôi được tự do. Vậy, tính khiêm tốn là tính mà ông khó thể ý thức được. Thế nên rèn luyện để được khiêm tốn là một việc làm để tự phát triển một cách tiêu cực Một đức hạnh nào được chú ý suy nghĩ, cân nhắc rồi mới trau dồi, thực hành và sống theo đó hiển nhiên chẳng phải là đức hạnh. Đây chỉ là một hình thức của sự đề kháng, của tính cách tự phát triển và cũng là sự hài lòng của chính nó. Vì vậy đức hạnh như thế không lâu dài. Đức hạnh chỉ là tự do, nhờ đó, ông khám phá ra sự thật. Vậy, không có đức hạnh không có tự do. Đức hạnh tự nó không hề chấm dứt. Giờ đây, chẳng phải nhờ suy tính kỹ lưỡng, nổ lực ý thức để là không (tâm không), bởi vì đây là sự thành tựu khác. Tính ngây thơ, trong sạch không phải là kết quả của sự rèn luyện kỹ lưỡng. Trở thành không chính là thực chất. Một cái chén hữu dụng là cái chén trống rổng, con người khi nào đạt được tâm không mới có khả năng tiếp thu ân huệ của Thượng Đế hay Chân lý hoặc điều gì ông muốn.
Có thể trở nên là không theo cảm thức đạt tới điều đó không ? Ông sẽ có điều kiện để thành công chớ ? Như ông tạo dựng một căn nhà, hoặc gom góp tiền bạc, có thể ông sẽ thực hiện được phải không ? Ngồi lại tham thiền về hư vô, thực tâm loại bỏ mọi sự của trần gian; tự chuẩn bị hầu lãnh hội điều đó, chắc chắn đây chỉ là một hình thức để chống cự lại có phải không ? Và cũng là cách giải tỏa tác dụng của ý chí vì ý chí là khát vọng; khi ông khao khát trở thành là không thì ông đang sẵn sàng có điều gì đó rồi. Xin ông xem xét lại tính cách quan trọng của sự kiện nầy; khi ông khao khát một cách tích cực cái gì đó, ông nên hiểu rằng điều đó ngụ ý - sẽ có đấu tranh, đau khổ, nếu ông loại bỏ chúng và không khao khát nữa, bấy giờ ông tự nhủ, "Hiện, tôi sẽ là không?” Vậy, dục vọng lắng êm cũng như thế, vì tiến trình đều như nhau chỉ khác chiều hướng. Nên ý chí muốn đạt tới không cũng giống như ý chí muốn đạt một điều gì. Như vậy, bài toán ở đây là giải đáp chẳng phải đạt tới không hay phải thành tựu điều gì mà là thấu triệt toàn thể tiến trình của dục vọng - khao khát được thỏa mãn hay thất vọng. Còn tiến trình ước vọng của thực thể tâm linh khác với dục vọng. Ông không nên nói, " Khát vọng là tôi" vì "tôi đang ham muốn điều đó". Thế nên ở đây có sự chia cắt giữa chủ thể kinh nghiệm, người suy tư với kinh nghiệm và tư tưởng. Xin đừng thực hiện vấn đề trừu tượng và khó khăn nầy. Ông có thể nhận xét về nó thật giản dị - giản dị theo ý nghĩa một người có khả năng mẩn cảm con đường của mình theo đó.
Như vậy, miễn là mơ ước trở thành không là ông đã có điều gì rồi. Vì mơ ước điều gì sẽ chia cắt ông là chủ thể kinh nghiệm với kinh nghiệm; với sự kiện nầy vẫn không có khả năng trực nghiệm. Bởi vì trạng thái trực nghiệm không hề có chủ thể kinh nghiệm cũng như kinh nghiệm. Khi ông kinh nghiệm điều gì ông không nên nghĩ rằng ông đang có nó. Cũng vậy, lúc ông đang thật sự hạnh phúc, ông không nên nói, "tôi hạnh phúc quá". Lúc ông vừa thốt ra câu đó thì hạnh phúc đã bay xa. Vì vậy vấn đề của chúng ta chẳng phải làm sao trở thành là không mà cốt yếu chúng ta phải thật thơ ngây, giản dị như trẻ con, hoặc làm như học một biệt ngữ mới lạ, líu lo không sao hiểu nổi và cố gắng trở thành thứ tiếng đó, hoặc làm thế nào thấu hiểu tiến trình của dục vọng, của lòng khao khát. Thật là một vấn đề vô cùng vi tế, vô cùng phức tạp, ông phải hết sức giản dị mới tiếp cận được - chấm dứt tất cả sự đấu tranh, chống đối và lên án, kết tội hay bào chữa, chứng minh điều gì có thể có, điều gì có thể không, làm sao nó phải bị hủy diệt, làm sao cho nó được thăng hoa; tất cả điều nầy ông đã học trong sách vở, từ chương, trong các tổ chức tôn giáo. Nếu ông loại bỏ hết những thứ đó và chỉ im lặng quan sát tiến trình của dục vọng, đây là chính của con người - chẳng phải ông kinh nghiệm nó mà là trực nghiệm - khi ấy ông sẽ thấy đó là tự do, sự tự do tách khỏi lòng hăng hái thiết tha do sự thúc giục không thôi của vấn đề sống chết, của sự thích hợp, lợi lộc, trở thành Chơn Sư, của đức hạnh và tất cả các điều ngu si của dục vọng cùng với sự theo đuổi chúng. Khi đã có khả năng kinh nghiệm trực tiếp, chính là trực nghiệm, không có ai là người quan sát. Lúc bấy giờ, mới thật có khả năng hiện thực một sự sống hoàn toàn rộng mở, sự sống nầy là không và chính là lúc tiếp nhận Thực Tại.

Sưu tập bài giảng của J. Krishnamurti, Tập V.
Ojai, ngày 14-08-1949.