VẤN ĐẠO VỚI HUỆ HẢI THIỀN SƯ

Con người thường bị những tư tưởng yêu ghét chi phối, hướng ra ngoài tìm cầu điều mong muốn. Khi ở thế gian thì muốn đạt được hạnh phúc qua tình tiền danh vọng, đi tu lại muốn được hạnh phúc bằng cách đạt đến cảnh giới Niết Bàn, đạt được đạo quả. Sự mong muốn tìm cầu đó khiến con người ở trong đối đãi nhị nguyên, không thể nhận ra bảo vật quý báucó sẵn ngay nơi thân phàm phu của chính mình. Vọng niệm là chướng ngại cản trở tầm nhìn của chúng ta, như những đám mây dầy che khuất ngọn núi hùng vĩ, như những lớp đất bao phủ viên ngọc quý rạng ngời. Tâm bình thường là tâm bình lặng vốn sẵn ở đó như mặt hồ vốn phẳng lặng, nhưng khi vọng niệm khởi lên là như mặt hồ bị gió thổi gợn sóng. Trở về với tâm bình thường là trở về với tâm không lặng, không bị chướng ngại bởi vọng niệm. Khi không bị vọng niệm chướng ngại, không suy tính mưu toan thì tự nhiên có cuộc sống ngay thẳng, làm điều ngay thẳng. Các bậc thiền sư nói: "Tâm bình thường tức là Đạo". Dù ở thế gian hay xuất thế gian, đắc đạo hay chưa đắc đạo, nếu sống ngay thẳng, làm điều ngay thẳng được, há chẳng phải là trở về với Đạo đó sao. Lời dạy của thiền sư Huệ Hải thật giản dị mà ý nghĩa thâm sâu làm sao! Không lạ gì mà các vị tăng phải thán phục ngài là vị Thiền sư hiếm có trên cõi đời này!

Một nhận định về A-lại-da Thức

Trong Du Già Phái (Yogacara) -- còn gọi là Duy Thức Tông(Vijnanavàda) -- có một khái niệm được xem là biểu tượng độc đáo nhất, đó chính là A Lại Da Thức hay Tàng Thức (Alayavjnana) và chính ngài Vô Trước (Asanga) đã là người hoàn chỉnh nó.
Ngài Asanga đã chia Thức Uẩn (trong ngũ uẩn) thành ba phần Tâm (Citta), Ý (Manas) và Thức (Vijnana) trong khi ở truyền thống Phật giáo Thượng Tọa Bộ thì ba danh từ này đều trỏ chung một thức uẩn.  Kể cả Hữu Bộ(Sarvastivada) cũng đồng ý như vậy.  Đến Kinh Lăng Già(Larikavatarasùtra), một tác phẩm đặc biệt của Phật giáo Bắc Tông, cũng xem ba chữ này là các từ đồng nghĩa, dù trong vài bài kinh có nói tới những cái giống như là ý nghĩa riêng biệt của từng chữ.