Người dạo chơi trong cõi mộng

Nhìn lại năm mươi năm
Người khôn và quỷ dữ
Chẳng là gì, có chăng
Mộng ngay trong giấc mộng


Được thầy ấn chứng, truyền trao cây gậy chánh pháp để nối dõi tông môn, nhưng Lương Khoan đã từ bỏ tất cả và tự phong cho mình danh hiệu “Đại Ngu”, phải chăng Lương Khoan đã tự nhận mình là một kẻ ngu đối với người đời? Thật ra, “Ngu” hay “Trí” có nghĩa gì không, khi người ấy đã buông bỏ được tất cả, từ thân đến tâm, ngay cả đến trí tuệ của mình?
Tổ Đạt Ma đã nói: “Không biết buông bỏ trí tuệ là ngu si”, trong kinh Bát Nhã cũng có câu: “Vô trí, diệc vô đắc”. Như thế, chính cái Ngu của Lương Khoan lại biểu hiện cho cái Trí rỗng rang thông suốt, không còn bị vướng mắc trong những phân biệt của cái “đạt được” và “không đạt được” vậy.

Lương Khoan như ngu như đần!
Hãy mau buông bỏ thân tâm

Tự nhận mình là Ngu, hành động như một kẻ ngu ngơ, lúc nào cũng thích chơi đùa như một đứa trẻ, nhưng dưới cái lớp vỏ ngu đó là sự Vô Tâm của một thiền giả đạt đạo đã thấy tâm và buông được tâm, và trong sự buông bỏ toàn diện đó tỏa ra sự thấy biết mẫn cảm đối với thế giới chung quanh và lòng từ ái đối với những kẻ bất hạnh bần cùng. Những lời thơ để lại cho ta thấy thấp thoáng trong đó hình ảnh một bậc chân tu sống đời thanh tịnh, vui với những điều giản dị trước mắt:

Một mái lều suông
Bốn bề rừng tùng
Bài thơ, kinh kệ
Vách ván trơ không
Nồi cơm mờ bụi
Trơ lạnh bếp than
Ấm trà khô cạn
Những ngày sáng trăng
Phương Tây người khách
Lại đến viếng thăm

Trăng sáng tượng trưng cho tâm giác ngộ viên mãn. Người khách phương Tây ấy, phải chăng chính là A Di Đà, nguồn giác ngộ sáng ngời vẫn tiềm ẩn nơi tự thân của mỗi người chúng ta?
Chấp nhận cuộc sống gian khổ để sống thực với chính mình, lướt qua mọi sự như đám mây, có phải vì đã tìm được cứu cánh và có được sự bình an nơi tâm hồn?

Khắp nẻo đường gian nan
Mải loay hoay cơm áo
Bần hàn, đạo vẫn tìm
Một người ta đã gặp
Một người đầy chánh tâm
Điều cao siêu học hỏi
Ngọc quý mang theo mình
Niềm tin trong chéo áo
Thong dong khắp mọi miền

“Một người đã gặp”, phải chăng chính là cái Tâm Nguyên Thủy, là Bản Lai Diện Mục mà Lương Khoan trực nhận được, để rồi từ đây không còn hoang mang sợ hãi, vững tâm bước đi với “ngọc quý mang theo mình”, với “niềm tin trong chéo áo”?

Con đường tâm chân chính
Tìm vạn lần vẫn đi

Tuy nhiên, có những lúc Lương Khoan cũng thấy cô đơn giữa núi rừng, cảm thấy cần có một tâm hồn tri âm tri kỷ để cùng chia xẻ những nỗi niềm, vì dù thế nào tình cảm cũng là một phần không thể thiếu của con người:

Ta mong có bạn đồng hành
Xẻ chia hiu quạnh giá băng một mình


Người bạn tri âm ấy, mãi đến lúc cuối đời Lương Khoan mới gặp được, đem lại nét trọn vẹn cho cuộc đời của thiền sư. Cuộc chơi dạo trong cõi mộng đã chấm dứt, ông ra đi thanh thản, nhẹ nhàng như chiếc lá mùa thu. Cảnh sắc đời người có khác chi cảnh sắc của thiên nhiên vũ trụ, xuân đến rồi thu đi, hoa nở rồi tàn, lá mọc rồi rụng, để rồi đông qua xuân lại, mọi sự cứ tiếp tục như thế, mãi mãi là như thế. Lẽ sinh tử, luân hồi đã hiểu rõ, đâu còn điều gì cần phải nói? Cho nên bài thơ thị tịch của Thiền sư chỉ vỏn vẹn:

Di tích sẽ là chi
Sắc hoa xuân, tiếng họa mi vào mùa hè
Lá phong vàng đỏ
Vẫn về vào thu


Sự chứng đắc của một hành giả chỉ có người ấy mới biết được. Nhưng như một vì sao, tâm giác ngộ bao giờ cũng tự tỏa sáng, không cần người ấy phải chứng tỏ gì cả. Lương Khoan không bao giờ thuyết pháp, không nói chuyện Đạo, nhưng người ta vẫn tìm đến với ông, phải chăng vì họ đã cảm nhận được cái tâm Bi, Trí, Dũng của một bậc thiền sư đạt đạo, mà không cần qua ngôn ngữ văn tự. Có lẽ, lời giảng pháp hùng hồn nhất chính là cuộc đời mà Lương Khoan đã sống, là những lời thơ thanh cao nhẹ nhàng đầy nét Thiền vị mà ông đã để lại.
Lương Khoan đã nhận cây gậy chánh pháp của thầy truyền trao, và bằng cách riêng của mình, ông đã không phụ lòng tin cậy của thầy.

Ngọc Bảo

Nguồn: Ngocbao.org