Người học Phật ngày nay cần có kiến giải chân chính. Nếu có được sự hiểu biết đúng thực, sẽ không bị ảnh hưởng bởi sinh tử, đến đi tự tại. Chẳng cần tìm cầu những điều thù thắng, vì thù thắng sẽ tự đến với mình.
Các bậc tiên đức ngày xưa đều có phương tiện đưa người đến giải thoát. Sơn tăng ta chỉ muốn dạy các người đừng bị mê hoặc theo kẻ khác. Nếu cần làm gì, cứ làm, không do dự hay bị khiếp nhược bởi người khác. Người học đạo ngày nay không hiểu được điều đó, đó là chứng bệnh gì? Là không có tự tin nơi chính mình. Nếu không có tự tin thì cứ suốt ngày rộn ràng chạy theo cảnh, trôi lăn trong những biến động của cảnh mà bị người khác chi phối, không có được sự tự chủ, tự do cho mình.
Nếu có thể ngừng được cái tâm khởi niệm liên miên theo cảnh, bạn sẽ không khác biệt với một vị Tổ hay Phật. Bạn có muốn biết thế nào là một vị Tổ hay Phật không? Chỉ là cái hiện tiền ngay đây, đang nghe giảng Pháp. Chỉ vì người học đạo không có lòng tin hoàn toàn nơi mình nên mới tìm cầu ở ngoài. Ví như họ có đắc được cái gì ở ngoài, đó cũng chỉ là kiến thức sách vở, chứ không bao giờ đạt được ý nghĩa sống thực của các vị thầy.
Đừng lầm lẫn! Nếu ngày nay không thấy được, muôn kiếp ngàn đời bạn sẽ tiếp tục loanh quanh trong tam giới, đắm nhiễm theo cảnh để rồi phải bị tái sinh trong thân súc sinh lừa bò.
Chúng ta không có gì khác biệt với Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Ngày nay, trong tất cả những sự hành hoạt hàng ngày, thử nghĩ xem có điều gì khiếm khuyết không? Thần quang xuyên chiếu sáu căn của bạn không bao giờ bị gián đoạn. Nếu thấy được như vậy, bạn sẽ tự nhiên trở thành người vô sự, trút được những gánh nặng đeo đuổi từ trước đến nay.
Thế giới này đầy bất trắc, như một căn nhà đang bốc lửa vậy. Đây không phải là chỗ cho bạn ở lâu dài. Vô thường ám ảnh ập đến chỉ trong một chớp mắt, dù cho bạn là người giầu có hay nghèo khổ, già hay trẻ. Nếu bạn muốn mình không khác với một vị Tổ hay Phật, đừng tìm cầu điều gì ở ngoài.
Đừng để điều gì ngăn trở bạn thêm nữa bất cứ lúc nào, rồi bạn sẽ thấy mọi sự trước mắt đều là Đạo. Chỉ vì cảm xúc dâng tràn mà tri kiến bị ngăn chận. Đó là lý do tại sao bạn cứ đi theo những vết lầy xưa cũ của thế gian mà chịu biết bao điều đau khổ.
Bản tâm thực tại không có tướng nhưng tỏa rộng khắp cả mười phương. Nó hiển hiện trong cái thấy nơi mắt, cái nghe nơi tai, cái ngửi mùi nơi mũi, nói năng nơi miệng, cầm nắm nơi tay, bước đi nơi chân. Nền tảng cốt yếu là một nguồn ánh sáng tâm linh; có thấy được như thế, bạn sẽ được giải thoát tự tại ngay nơi đương xứ.
Tôi nói điều này có nghĩa gì? Đó là bởi vì bạn không thể nào ngừng lại được cái tâm thức tìm cầu, nên dễ bị kẹt vào những điều người khác đã làm và dính mắc từ bao nhiêu năm về trước. Nếu bạn có được tri kiến theo như tôi nói, bạn sẽ là một vị Phật hiện thân.
Chướng ngại đến với bạn chỉ vì bạn không thấy được tánh Không trong tất cả mọi thời. Những vị chân nhân không bao giờ như vậy; họ sống tuỳ duyên trong cuộc đời, ứng hóa theo hoàn cảnh, lúc cần làm gì thì làm, lúc cần ngồi thì ngồi, không lúc nào có mảy may khởi niệm gì về việc tìm cầu quả Phật.
Phải biết quý trọng thời gian! Đừng ngừng lại trong việc học Thiền, học Đạo một cách hời hợt theo những gì ở ngoài, hãy tập nhận biết những ngôn từ và khẩu hiệu, nào là cầu "quả Phật", cầu "đạt đến quả vị Tổ, Sư" v.v.. xem đó chỉ là những khái niệm mà thôi. Đừng lầm lẫn về những điều đó; hãy hướng sự tập trung vào việc quay lại quán chiếu bản thân mình.
Các vị Phật và Tổ trong tất cả mọi thời và mọi nơi thị hiện chỉ để tìm cầu chân lý. Những người cầu đạo ngày nay cũng tìm cầu chân lý. Chỉ khi bạn đạt được chân lý (đạo) thì việc mới xong; nếu chưa đạt được, sẽ chỉ rơi vào những thói quen cũ mà thôi.
Người không bị bất cứ cái gì chi phối là người cao quý. Khi bạn tìm cầu những gì ở nơi chốn nào ngoài mình, bạn đã sai lạc hoàn toàn. Bạn muốn tìm cầu quả Phật, nhưng quả Phật chỉ là danh tự, là một cách gọi mà thôi. Bạn có biết người đang tìm cầu ấy là ai không?
Chân lý (Đạo) là gì? Đạo là thực tại của tâm, không có hình sắc và tỏa rộng đến khắp mười phương. Dụng của Đạo hiển hiện ngay ở trước mắt chúng ta, nhưng người ta thường không có đủ lòng tin, nên chấp nhận những ngôn từ chữ nghĩa, tìm cầu Phật đạo qua khái niệm của lý thuyết sách vở. Họ thật là xa vời với Đạo như trời với đất vậy.
Tôi đang nói đến chân lý gì đây? Tôi nói về chân lý nền tảng của tâm, hiện hữu ở khắp cõi giới phàm và thánh, thanh tịnh và ô nhiễm, tuyệt đối và tương đối, và tuy nền tảng đó không phải là tuyệt đối hay tương đối, phàm hay thánh, nhưng có thể hóa hiện trong tất cả những gì tuyệt đối, tương đối, phàm, và thánh. Nếu bạn có thể hiểu được điều này, hãy tự mình ứng dụng mà không cần phải đặt nhãn hiệu hay gọi tên gì cả. Đó gọi là pháp vi diệu vậy.
Phật Đạo không cần phải dụng công mới có được; đó chỉ là sự hành hoạt bình thường không bị chi phối ràng buộc, đói ăn mệt nghỉ tự tại an nhiên. Kẻ ngu si không hiểu cười chế nhạo, còn người trí nghe là hiểu được. Cổ đức có câu: "Những kẻ nào dụng công nỗ lực theo những gì bên ngoài đều là ngu muội."
Ngay bây giờ, hãy là một vị thầy tổ bất cứ ở đâu, và rồi bất cứ nơi nào bạn đứng cũng đều là chân lý, như thế dù có gặp hoàn cảnh thế nào cũng không lay chuyển được bạn. Ngay cả nếu bạn đang có tập khí xấu có thể tạo nên nghiệp ác, điều đó cũng sẽ tự chuyển hóa để trở thành một đại dương giải thoát.
Người học đạo ngày nay không biết gì về chân lý cả. Họ giống như những con dê húc càn, thấy gì cũng cho vào mồm được. Họ không biết phân biệt đâu là tớ và chủ, đâu là chủ và khách. Những người như vậy bước vào đạo với một thái độ sai lầm; họ không đối phó được với những tình thế xao động, nhưng lại tự nhận mình là người xuất thế chân chính. Thật ra họ là người thế gian nhiều hơn.
Những người xuất thế phải thấu rõ được chân lý và có sự kiến giải chân chính. Họ có thể phân biệt được đâu là thật và giả, phàm và thánh. Đừng vội vàng đi tìm thầy ấn chứng, tự xưng là,"Tôi hiểu Thiền, tôi hiểu Đạo". Có những người thầy có tài giảng nói lưu loát, nhưng lại chính là đang tạo nghiệp.
Người học đạo chân chính không tìm lỗi của thế gian; mà dốc lòng khẩn thiết tìm cầu sự kiến giải chân chính. Nếu có được kiến giải chân chính, mọi sự sẽ tức thời sáng tỏ toàn vẹn.
Hãy phát huy trí tuệ trong sự kiến giải chân chính và đúng thực. Lúc đó bạn có thể tự do đi bất cứ nơi nào mà không bị mê hoặc bởi những phù phép tâm linh thường tình của kẻ khác.
Trích Lâm Tế Ngữ Lục
Diệu Huyền dịch
Trích dịch từ bản Anh ngữ của Thomas Cleary "The Five Houses of Zen"
( Daily Zen Journal)