Bỏ hết ngôn từ sách vở, và tự mình nhận thức

Việc thực hành của tôi không đặt nặng ở học hỏi hay nghiên cứu. Tôi lấy những lời dạy của Đức Phật làm căn bản và bắt đầu nghiên cứu tâm mình một cách tự nhiên. Khi thực hành, bạn hãy tự quan sát mình, cứ thế dần dần trí tuệ và tri kiến sẽ tự phát sinh. Nếu bạn ngồi thiền mà muốn được thế này, thế kia thì tốt hơn nên dẹp đi đừng ngồi thiền nữa. Đừng kỳ vọng hay mang thêm một ý tưởng gì vào việc thực hành của bạn. Hãy xếp vào kho mọi ý niệm hay tư kiến của mình.


Khi thực hành bạn dẹp bỏ tất cả ngôn từ, biểu tượng, dự định, kế hoạch, v.v. Có thế bạn mới tự mình thấy được chân lý, vì chân lý không ở đâu xa, nó khởi sinh ngay tại đây. Tôi đã học giáo pháp qua kinh điển trong những năm đầu tiên. Lúc ấy, khi có thì giờ tôi thường đến nghe những học giả, những bậc thầy thuyết giảng, cho đến khi sự học hỏi này biến thành chướng ngại nhiều hơn là hỗ trợ, tôi mới ngưng học. Thực ra tôi đã không biết cách nghe giáo pháp, vì tôi không nhìn vào bên trong.
Các bậc thiền sư này đã nói đến chân lý bên trong chính mình. Khi thực hành tôi bắt đầu hiểu rõ là nó nằm ngay trong chính tôi. Một thời gian sau, tôi thấy rằng các thiền sư này đã thực sự thấy rõ chân lý, và nếu tôi đi theo con đường của các ngài, tôi sẽ gặp những gì mà các ngài đã nói đến; và lúc đó tôi sẽ có thể nói, "Vâng, các ngài nói đúng. Còn gì nữa đâu?" Khi tôi kiên trì thực hành, tôi thấy quả đúng như vậy.
Nếu bạn thích ở trong Giáo Pháp thì hãy xả bỏ, hãy để mọi chuyện diễn biến tự nhiên theo nó. Chỉ thuần học lý thuyết mà không thực hành thì chẳng khác nào "bỏ hình bắt bóng." Không cần học hỏi nghiên cứu nhiều. Nếu bạn dựa vào những điều căn bản và thực hành theo, bạn sẽ tự mình thấy giáo pháp.


Tâm lý học Phật Giáo


Một hôm có một nữ giảng sư về môn Siêu Hình Phật Giáo đến thăm Ngài Ajahn Chah. Bà giảng sư này dạy định kỳ ở Bangkok về Vi Diệu Pháp (Abhidhamma) và Tâm Lý Học Phật Giáo. Trong lúc nói chuyện với Ngài Ajahn Chah, bà giải thích cặn kẽ tầm quan trọng của sự hiểu biết Tâm Lý Học Phật Giáo đối với mọi người. Bà cũng cho biết là những học sinh của bà đã gặt hái được nhiều lợi ích khi học hỏi với bà. Bà hỏi Ngài Ajahn Chah có đồng ý với bà về tầm quan trọng của một kiến thức như thế không?
Ngài Ajahn Chah gật đầu đồng ý:
-- Vâng, rất quan trọng.
Hết sức hân hoan, bà hỏi tiếp là Ngài có chịu để cho học trò của Ngài học Vi Diệu Pháp không?
-- Vâng, dĩ nhiên.
Bà lại hỏi là Ngài muốn học trò Ngài học ở đâu và cuốn sách nào tốt nhất.
Ajahn Chah đưa tay chỉ vào quả tim mình, nói:
-- Ở đây. Chỉ chỗ này thôi.
Học hỏi và kinh nghiệm
Chúng ta hãy nói đến sự khác biệt giữa việc Nghiên Cứu Giáo Pháp và Áp Dụng Giáo Pháp Vào Thực Hành. Chân Giáo Pháp phải học hỏi là: Tìm một con đường để thoát khỏi sự bất xứng ý của đời sống và đạt được hạnh phúc, bình an cho chính mình cùng tất cả chúng sinh.
Khi tâm an tịnh tức là nó đang ở trong điều kiện bình thường. Khi tâm di động thì tư tưởng hình thành. Hạnh phúc hay đau khổ là một phần của tâm hoạt động này. Bất an và tham ái cũng được hình thành như thế. Nếu bạn không hiểu rõ chuyển động này, bạn sẽ săn đuổi đàng sau tư tưởng hình thành mãi, và trở thành nạn nhân của nó.
Thế nên Đức Phật dạy chúng ta hãy quan sát hoạt động của tâm. Theo dõi tâm di chuyển, chúng ta có thể thấy được những đặc tính căn bản của nó. Đó là vô thường, bất toại nguyện và vô ngã. Bạn nên tỉnh thức và quan sát những hiện tượng tâm lý này. Bằng cách này bạn có thể học được tiến trình của nhân duyên. Đức Phật dạy rằng: Vô minh là nhân phát sinh ra hành nghiệp và mọi hiện tượng. Hành nghiệp hay sự "chủ ý" này phát sinh ra Thức và Thức lại là nhân của Thân và Tâm. Đó là tiến trình của Nhân duyên.
Khi bắt đầu nghiên cứu Phật Giáo, chúng ta thấy lối dạy theo truyền thống kinh điển đem lại nhiều lợi ích cho chúng ta. Nhưng khi tiến trình đã diễn ra bên trong chúng ta, chúng ta mới thấy rõ tầm quan trọng của sự thực hành. Những kẻ chỉ học pháp học mà không thực hành không thể nào theo kịp sự mau lẹ của tiến trình này.
Dĩ nhiên tiến trình của tâm được kinh điển hệ thống hóa và mô tả rõ ràng, nhưng kinh nghiệm vượt ra ngoài sách vở học hỏi. Sách vở không thể cho bạn biết "đây" là kinh nghiệm của si mê phát sinh, "đây" là những cảm giác phát sinh từ tác ý, "đây" là một loại tâm đặc biệt, "đây" là những cảm giác về sự khác biệt của thân và tâm. Cũng như khi bạn trèo cây và bị rơi xuống đất. Bạn không thể nào biết được là bạn đã rơi bao nhiêu thước, bao nhiêu tấc. Bạn chỉ biết bạn rơi xuống đất và thấy đau mà thôi. Không sách vở nào mô tả điều này.
Sách vở nghiên cứu Giáo Pháp được hệ thống hóa và làm cho rõ ràng, nhưng thực tế không chỉ đi theo một lối đi đơn giản. Bởi thế, chúng ta phải dùng trí tuệ sâu xa của chúng ta để nghiệm xem cái gì đã khởi sinh trong tâm kẻ giác ngộ. Kẻ giác ngộ hiểu biết qua kinh nghiệm của họ rằng tâm không phải là Ta, của Ta, không phải là Tự Ngã của ta. Khi nói cho chúng ta biết tên của các loại Tâm và Tâm Sở, Đức Phật không muốn chúng ta dính mắc vào ngôn từ. Ngài chỉ muốn chúng ta thấy tất cả đều vô thường, khổ và vô ngã. Ngài dạy hãy buông bỏ tất cả. Khi các pháp phát sinh ra hãy chánh niệm, biết chúng. Tâm thực hiện được sự ghi nhận, giác tỉnh này mới là tâm được huấn luyện đúng cách.
Khi Tâm bị khuấy động thì nhiều loại tâm, tâm sở: tư tưởng, phản ứng, v.v., được hình thành và nẩy nở liên tục. Chỉ để chúng thế, tốt cũng như xấu. Đức Phật chỉ dạy đơn giản: "Vất bỏ hết." Nhưng đối với chúng ta thì cần phải nghiên cứu tâm mình để biết làm thế nào để có thể vất bỏ chúng.
Nếu nhìn những yếu tố của tâm, chúng ta sẽ thấy tâm đi theo một tiến trình nhân quả tự nhiên: tâm sở như vậy, tâm sinh và diệt như vậy, v.v. Chúng ta có thể thấy ngay trong sự thực hành của chúng ta: Khi chúng ta có Chánh Kiến và Chánh Niệm thì Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, theo sau. Người Giác Ngộ thấy rõ từng yếu tố của Tâm. Người Giác Ngộ chẳng khác nào một ngọn đèn. Nếu có Chánh Kiến, tức là có sự hiểu biết đúng thì tư tưởng và những yếu tố khác cũng đúng, chẳng khác nào khi thắp đèn thì ánh sáng sẽ phát sinh. Nhờ nhìn sự vật với Chánh Niệm, Chánh Kiến sẽ phát triển.
Khi quan sát cái mà ta gọi là Tâm, chúng ta chỉ thấy sự kết hợp của các yếu tố tâm khác nhau mà không có Tự Ngã. Vậy thì ta ở đâu? Cảm giác, ký ức, tất cả năm uẩn của Thân và Tâm đang dời chỗ như lá cuốn theo cơn gió... Chúng ta sẽ khám phá ra điều này khi chúng ta hành thiền.
Thiền chẳng khác nào một khúc gỗ: Minh sát và suy xét ở một đầu, an tịnh và định tâm ở đầu kia. Nhặt khúc gỗ lên cả hai đầu đều lên cùng một lúc. Đầu nào là Thiền Minh Sát (Thiền quán)? Đầu nào là Thiền Định (Thiền chỉ)? Chỉ có tâm mà thôi!
Bạn không thể nào tách rời Định Tâm và Minh Sát. Chúng chẳng khác nào một trái xoài, lúc còn xanh thì chua, rồi chín thì ngọt, nhưng vẫn là trái xoài. Cái này sinh trong cái kia. Không có cái đầu tiên thì không có cái thứ hai. Những từ ngữ như vậy chỉ là sự chế định để thông đạt. Chúng ta đừng dính mắc vào danh từ. Nguồn gốc của chân trí tuệ là thấy những gì ở bên trong chúng ta. Chỉ có loại học hỏi này có điểm cuối và là loại học hỏi về chân giá trị.
Sự an tịnh ở giai đoạn đầu tiên của Định Tâm phát sinh từ sự thực hành "Nhất Tâm." Nhưng khi sự an tịnh ra đi, chúng ta lại đau khổ, vì chúng ta đã dính mắc vào nó. Đạt được sự định tâm không phải là điểm cuối vì pháp hành cấu tạo và đau khổ vẫn còn hiện hữu.
Thế nên, Đức Phật lấy sự Định Tâm, sự an tịnh này để quán xét thêm nữa. Ngài đi tìm sự thật của vấn đề cho đến khi không còn dính mắc vào sự an tịnh nữa. An tịnh chỉ là một trong vô số những hình thành của tâm, nó chỉ là một chặng trên con đường. Còn dính mắc vào sự an tịnh tức là còn dính mắc vào sự sinh thành và hiện hữu. Bởi vì khi an tịnh chấm dứt, dao động lại bắt đầu khởi lên và bạn sẽ bị dính mắc nhiều hơn nữa.
Đức Phật tiếp tục xem xét sự sinh thành và hiện hữu để tìm ra nơi chúng phát sinh. Khi chưa tìm ra được sự thật của vấn đề, Ngài dùng tâm mình quán xét thêm, xem xét mọi yếu tố của tâm, tìm xem chúng đã phát khởi như thế nào. Dầu có an tịnh hay không, Ngài vẫn tiếp tục xem xét cho đến khi Ngài hiểu rõ rằng: tất cả những gì Ngài thấy, tất cả năm uẩn của Thân và Tâm, giống như một thỏi sắt nóng đỏ. Khi thỏi sắt còn đang nóng đỏ, bạn có thể tìm được điểm nguội nào trên đó để sờ tay vào chăng? Năm uẩn cũng như vậy -- nắm chỗ nào cũng bị phỏng cả. Bởi thế, không nên dính mắc, dù đó là sự an tịnh hay định tâm đi nữa. Không nên nói rằng sự bình an tĩnh lặng là "Tôi" hay "Của Tôi". Nghĩ rằng "Tôi" hay "Của Tôi" sẽ phát sinh ảo tưởng đau thương về Tự Ngã -- thế giới của Tham Ái và Si Mê, tức là một miếng sắt nóng đỏ khác. Trong lúc thực hành chúng ta thường có khuynh hướng nắm giữ (chấp thủ), coi những kinh nghiệm đạt được là "Tôi" hay "Của Tôi." Và bạn nghĩ "Tôi an tịnh" hay "Tôi dao động", "Tôi tốt" hay "Tôi xấu", "Tôi hạnh phúc" hay "Tôi đau khổ". Sự dính mắc này là nguyên nhân của "Sinh thành" và "Hiện hữu". Khi hạnh phúc chấm dứt, đau khổ xuất hiện. Khi đau khổ chấm dứt, hạnh phúc xuất hiện. Bạn sẽ thấy chính mình không ngừng phân vân giữa thiên đàng và địa ngục. Đức Phật thấy rõ điều kiện của Tâm là vậy, và Ngài hiểu đó là nguyên nhân sinh thành và hiện hữu. Tâm ở trong điều kiện đó nên sự giải thoát không hoàn thành được. Ngài bèn lấy những kinh nghiệm đó và quán xét chân tướng của chúng: Do có nắm giữ (chấp thủ) nên có Sanh và Tử. Trở nên hân hoan là sanh; trở nên thóai chí là tử. Có chết nên có sống. Sinh và Tử từ thời điểm này đến thời điểm kia, kế tục nhau không dứt, như một guồng bánh xe kéo chỉ quay không ngừng.
Đức Phật thấy rõ cái gì do tâm sinh ra cũng đều tạm bợ, là những hiện tượng có nhân duyên, thực sự trống rỗng. Khi ánh sáng trí tuệ này phát sinh, Ngài xả bỏ tất cả, không nắm giữ gì nữa và chấm dứt đau khổ. Bạn cũng vậy, phải hiểu những vấn đề này đúng theo chân lý. Khi hiểu rõ sự vật đúng theo chân tướng của nó, bạn sẽ thấy rằng những yếu tố tạo thành tâm thường đánh lừa bạn. Tâm chẳng có gì cả, không sinh ra cũng không chết đi. Nó tự do, chiếu sáng, chói lọi, rực rỡ, và không gì làm bận rộn nó cả. Tâm trở thành bận rộn chỉ vì nó hiểu sai và bị mê mờ bởi những hiện tượng có điều kiện này -- đó là ý tưởng sai lầm về Tự Ngã. Thế nên, Đức Phật muốn chúng ta nhìn vào tâm mình xem thử lúc đầu có cái gì. Thật ra chẳng có gì cả. Sự trống rỗng này không sinh và diệt theo hiện tượng. Khi chứa đựng điều tốt, nó không trở nên tốt. Khi tiếp xúc việc xấu nó cũng không trở nên xấu. Tâm trong sạch biết những đối tượng này một cách rõ ràng--biết rằng chúng không có bản chất.
Khi tâm của thiền sinh an trụ như vậy, sẽ không có hoài nghi nữa: Có trở thành không? Có sinh không? Khỏi cần hỏi ai! Quan sát những yếu tố của Tâm, Đức Phật để chúng tự nhiên và trở thành người tỉnh thức trước chúng. Ngài chỉ nhìn với tâm xả. Những điều kiện dẫn đến Sinh không còn hiện hữu ở Ngài. Với trí tuệ hoàn toàn của Ngài, Ngài gọi chúng là Vô thường, Khổ và Vô ngã. Bởi thế nên Ngài trở thành người hiểu biết chắc chắn. Người hiểu biết chắc chắn hay giác ngộ thấy sự vật theo chân lý, không hạnh phúc hay đau khổ theo những đổi thay của điều kiện. Đó là chân bình an, vô sinh, vô lão, vô bệnh, vô tử, không tùy thuộc vào nhân quả hay điều kiện, vượt ra ngoài hạnh phúc và khổ đau, thiện và ác. Không còn cái gì để nói đến, không còn điều kiện nào để cải thiện nữa.
Do đó, hãy phát triển tâm định, an tịnh và minh sát, hãy học cách làm cho nó khởi dậy trong tâm bạn và thật sự dùng nó. Nếu không, bạn chỉ biết Phật giáo qua ngôn ngữ, danh từ. Mặc dầu khi hiểu rành pháp học, bạn có thể đi khắp nơi giảng giải cho mọi người biết giáo pháp, những đặc tính của cuộc đời; bạn có thể thông thái, hoạt bát, nhưng khi sự vật hiện khởi trong tâm, bạn có theo được chúng không? Khi tiếp xúc với vật ưa thích, bạn có tức khắc dính mắc vào nó không? Khi gặp chuyện bực mình, người giác ngộ có giữ sự bực mình trong tâm hay họ để nó ra đi? Nếu bạn thấy những điều bạn không thích mà vẫn nắm giữ hay kết án nó thì bạn nên suy tư như sau: Như vậy không đúng đâu, không cao thượng đâu. Nếu bạn quan sát tâm như vậy, bạn sẽ thật sự hiểu chính mình.
Tôi không dùng từ ngữ trong kinh điển để thực hành. Tôi chỉ nhìn vào kẻ giác ngộ. Nếu tôi ghét người nào, tôi hỏi tại sao? Nếu tôi không thương một người nào, tôi hỏi tại sao? Những gì khởi sinh hãy dò đến tận cội nguồn của nó thì bạn có thể giải quyết được vấn đề yêu ghét và khiến chúng để bạn ở yên một mình. Tất cả đều trở về và khởi sinh trong kẻ giác ngộ. Nhưng không phải chỉ nghe suông là đủ đâu, phải liên tục và quyết liệt thực hành mới được.


Gà hay trứng?


Giáo pháp dạy chúng ta hãy buông bỏ, nhưng thoạt đầu chúng ta tự nhiên bị dính mắc vào phần lý thuyết của giáo pháp. Người trí biết sử dụng lý thuyết làm công cụ để khám phá phần tinh hoa của cuộc sống.
Suốt thời gian viếng thăm Anh quốc lần đầu tiên, Ngài Ajahn Chah đã đến giảng dạy cho nhiều nhóm Phật tử. Một buổi tối nọ, sau phần thuyết giảng, Ngài nhận được một câu hỏi từ một mệnh phụ. Bà là người đã nhiều năm nghiên cứu sự phức tạp của tâm theo Vi Diệu Pháp. Bà hỏi ý Ngài có thuận giải thích cho bà một vài điểm khó khăn trong môn học này để bà có thể tiếp tục nghiên cứu một cách dễ dàng hơn không.
Thấy bà bị dính mắc vào sự hiểu biết lý thuyết và ngôn từ chế định mà không nhận ra được lợi ích của sự thực hành nơi chính tâm mình, nên Ngài Ajahn Chah trả lời bà một cách trực tiếp và mạnh bạo:
-- Bà chẳng khác nào người nuôi gà trong sân, thay vì nhặt trứng bà lại đi quanh sân để nhặt phân gà.
Những tên trộm trong tâm bạn
Mục đích của thiền là nắm sự vật lên và đưa vào phòng thử nghiệm để rõ thực chất của chúng. Chẳng hạn, khi nhìn hình dáng của một vật, ta thấy nó xinh đẹp, trong khi đó Đức Phật dạy chúng ta: nó là bất tịnh, vô thường, và chất chứa đau khổ. Vậy quan niệm nào đúng theo chân lý?
Chúng ta như du khách đến viếng một xứ lạ. Không hiểu ngôn ngữ bản xứ nên chúng ta chẳng thấy thú vị. Nhưng một khi đã học nói, học nghe ta có thể cười và nói đùa với người bản xứ.
Quan điểm thông thường cho rằng những yếu tố của đời sống chúng ta, bắt đầu từ cơ thể, là ổn cố. Một đứa bé chơi bong bóng. Quả bóng vướng phải gai hay một vật nhọn, nổ tung; cậu bé khóc lóc tiếc nuối. Một cậu bé khác, khôn ngoan hơn, biết rằng bong bóng rất dễ vỡ nên không buồn rầu khi bong bóng vỡ. Con người đi vào cuộc sống như kẻ mù. Họ quên cái chết như người tham ăn, ngốn vào bụng thật nhiều thức ăn khóai khẩu mà chẳng nghĩ rằng mình phải bài tiết. Đến khi đau bụng, vì không dự liệu trước, nên chẳng biết phải chạy đi đâu.
Thế gian đầy hiểm nguy, hiểm nguy từ những yếu tố của cuộc sống, hiểm nguy từ những tên trộm. Trong chùa chiền cũng có những mối hiểm nguy như vậy. Đức Phật dạy chúng ta truy tầm những mối hiểm nguy này và đặt tên "Bhikkhu" cho người xuất gia. Bhikkhu có hai nghĩa: người đi xin, và người thấy được hiểm nguy tham ái trong luân hồi. Chúng sanh đầy tham lam, sân hận, si mê. Bị ba loại phiền não này chế ngự nên họ phải nhận lấy quả, gia tăng thói xấu, tạo thêm nghiệp, và lại bị ngã quỵ trước phiền não.
Tại sao không thể loại bỏ tham, sân, si ? Nếu bạn có tư tưởng xấu, bạn sẽ đau khổ. Nếu bạn có sự hiểu biết đúng, bạn có thể chấm dứt đau khổ.
Phải biết hiệu lực và sự tác động của nghiệp, của nhân và quả. Dính mắc vào khóai lạc sẽ nhận lấy quả khổ. Ăn quá độ thức ăn ngon thì dạ dày và ruột sẽ phản ứng và bạn sẽ nhận lấy hậu quả sau đó. Bạn vui mừng khi lấy trộm của ai vật gì; nhưng sau đó cảnh sát sẽ còng tay bạn. Khi quan sát theo dõi, bạn sẽ biết cách hành động, sẽ biết cách chấm dứt sự nắm giữ và phiền muộn. Đức Phật thấy được điều này nên cương quyết thoát khỏi mọi hiểm nguy thực sự của thế gian.


Trích: Mặt hồ tĩnh lặng
Tác giả: Ajahn Chah
Người dịch: Sư Khánh Hỷ