Những bài Pháp ngắn (3) [THẦY VIÊN MINH]



NIẾT BÀN

... Tu là trải nghiệm sự sống để chiêm nghiệm, thể nghiệm, học hỏi mọi nhân duyên nghiệp báo đến đi, để thấy ra sự vận hành của ngã và pháp, của nhân quả duyên báo... thì không những con có thể khám phá ra sự thật để giác ngộ mà còn giải thoát ra khỏi những ảo tưởng mà chính con đã tự mình trói buộc. Hãy sống trọn vẹn với chính mình và thận trọng chú tâm quan sát thực tại đang là đừng cố phải là, hay mong sẽ là mà chuốc thêm khổ đau thất vọng.

Đạo ở khắp mọi nơi, ai ít bụi trong mắt đều có thể thấy như nhau
thiền là tâm rỗng lặng trong sáng thấy biết mọi sự mọi vật (thân-tâm-cảnh) một cách tự nhiên, chứ không cần cố gằng đề đạt được điều gì cả
...Niết-bàn không phải là một nơi chốn mà cũng không phải là một trạng thái. Còn có nơi chốn và trạng thái là còn sinh diệt. Do đó Niết-bàn là thái độ thì đúng hơn. Một thái độ đã đoạn tận bản ngã tham sân si. 



TAM BẢO

Tam Bảo luôn có trong lòng mọi người, chỉ là họ chưa có dịp thấy ra thôi. Phật là giác ngộ lẽ thật, Pháp là lẽ thật ở khắp mọi nơi, Tăng là đời sống trong lành hiền thiện. Không phải là tin Tam Bảo mà quan trọng là sống sáng suốt, định tĩnh, trong lành. Sáng suốt là làm theo Phật, định tĩnh là làm theo Pháp, trong lành là làm theo Tăng. Vậy không cần người nhà tin Tam Bảo, chỉ cần mình sống thật sáng suốt, định tĩnh, trong lành và vô ngã vị tha đem lại lợi ích cho mọi người thì họ sẽ thấy ra và sẽ tự nguyện hành theo "ba điều quý báu" đó ngay thôi.
Quy y Tam Bảo cũng để sống (hành động nói năng suy nghĩ) theo 3 đức sáng suốt, định tĩnh, trong lành của Phật Pháp Tăng chứ không phải là quy y gì cả.




NIỆM PHẬT

I) Niệm Phật có nhiều cách nhưng niệm "Araham Sammà Sambuddho" được đánh giá là hiệu quả nhất, vì đó là niệm ân đức thanh tịnh và sáng suốt của chư Phật chứ không phải niệm riêng danh hiệu một vị Phật nào. Mục đích của niệm ân đức thanh tịnh sáng suốt của chư Phật là để cho tâm trở về với bản chất thanh tịnh sáng suốt vốn sẵn có của tánh biết nơi mỗi người. Cách niệm Phật chia làm 3 giai đoạn: 
1. Niệm liên tục trong tâm "Araham Sammà Sambuddho" bất kỳ ở đâu và lúc nào để tạp niệm, vọng niệm và thất niệm không sinh khởi được nữa thì tâm sẽ đạt đến nhất niệm thanh tịnh. 
2. Khi tâm đã nhất niệm thanh tịnh không còn tạp-vọng-thất niệm thì buông luôn câu niệm để tâm vô niệm thanh tịnh. Tâm vô niệm sẽ hoàn toàn rỗng lặng trong sáng. Nhưng nếu thỉnh thoảng tâm khởi lên tạp-vọng-thất niệm thì niệm "Araham Sammà Sambuddho" trở lại cho đến khi tâm thanh tịnh thì buông. 
3. Khi tâm đã vô niệm tức đã trở về với bản chất sáng suốt, định tĩnh, trong lành của tánh biết thì tánh biết sẽ tự soi chiếu thực tại thân-thọ-tâm-pháp với chánh niệm tỉnh giác một cách tự nhiên. 


PHƯƠNG PHÁP THIỀN

Phần lớn các phương pháp thiền đều có khuynh hướng thiền định hơn là trí tuệ dù họ gọi đó là thiền tuệ. Chính thầy đã trải nghiệm qua các phương pháp ấy và khi đạt được một số ấn chứng thì phát hiện tính chất thiền định trong đó nên thầy mới từ bỏ mọi phương pháp chế định để trở về với thực tánh thấy biết tự nhiên của tâm. Về sau thầy càng thấy rõ những ấn chứng rất hấp dẫn trong các phương pháp thiền, đó chính là 10 phiền não ngăn che trí tuệ.
Sở dĩ thầy để cho Phật tử nên học hỏi nhiều trường phái thiền khác nhau là để giúp họ:
- Không cố chấp vào một phương pháp thiền nào mà có khả năng thấy ra nguyên lý cốt lõi của thiền nhờ vào sựđối chiếu để nhận ra yếu tố chung và riêng. Nhờ vậy thấy được đâu là pháp thiền phương tiện chế định trong lĩnh vực tục đế, đâu pháp thiền trực nhận thực tánh trong lĩnh vực chân đế.
- Thấy ra nhiều mặt tích cực và tiêu cực, sở trường và sở đoản, chỗ đồng dị và đúng sai của các phái thiền để có một tầm nhìn toàn diện hơn, không rơi vào cái nhìn phiến diện và kinh nghiệm cục bộ. Vì thiếu tầm nhìn toàn diện nên rất nhiều người bị kẹt vào phương pháp chế định không thể nào thấy được thực tánh chân đế.
Tất nhiên đối với những người đã thấy được thực tánh chân đế thì không cần phải học các phương pháp thiền mà vẫn thấy được những điều nói trên.



                     


BÍ QUYẾT 
của thiền Vipassanà

Bí quyết của thiền Vipassanà là tánh biết tự thấy pháp chứ không phải cái ta biết (năng tri) cố gắng ghi nhận (?!) đối tượng (sở tri) như nhiều người thường "hành". Cái ta biết không bao giờ có thể tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác được. Vì mọi cố gắng của cái ta biết dù tốt hay xấu đều nằm trong lãnh vực tục đế nghĩa là không bao giờ thấy được chân đế, và dù cái ta biết nỗ lực "chánh niệm tỉnh giác" tới đâu thực chất cũng vẫn là... thất niệm bất giác mà thôi! Con cần nhớ điều này: bản chất của pháp và tánh biết là hoàn toàn tự nhiên, không do cái ta ảo tưởng dàn dựng để tạo tác với mong muốn trở thành.

***
Khi tâm phóng con thấy tâm đang phóng, khi tâm định con thấy tâm đang định, như vậy tánh thấy biết vẫn không buông theo phóng mà cũng không kẹt vào định. Định và phóng là trạng thái, còn thấy biết trong sáng là thái độ. Thiền cốt ở thái độ chứ không phải trạng thái. Ngay trên phóng mà đủ bình tĩnh để thấy phóng tức là tánh biếtkhông buông theo phóng. Ngay trên định mà sáng suốt thấy định tức tánh biết không kẹt vào định.

***
Đặc tánh của tâm là biết đối tượng (tâm biết tự nhiên và đối tượng cũng tự nhiên), do đó tánh biết thấy thực tánh pháp trong sự tương giao tự nhiên, vô vi, vô ngã, vì vậy không hề có ý niệm phân chia năng sở. Nhưng khi cái ta ảo tưởng khởi tâm muốn biết hay quán đối tượng, hay nói cách khác là cái "ta biết" cố gắng thiết lập mối quan hệ với đối tượng được biết thì liền có phân chia năng sở, và cái biết đã trở thành hữu ý, hữu ngã, hữu vi... không thể nào thấy thực tánh pháp được.


***

Trong lành định tỉnh sáng suốt, thận trọng chú tâm quan sát và tinh tấn chánh niệm tỉnh giác là ba nhóm khác tên gọi, khác chỗ dùng nhưng có cùng tính chất như nhau nếu không muốn nói là một, vì cả ba đều là giới định tuệ. Do đó thầy mới nói trong lành định tỉnh sáng suốt là tự tánh giới định tuệ, thận trọng chú tâm quan sát là tuỳ dụng giới định tuệ, và tinh tấn chánh niệm tỉnh giác là minh sát giới định tuệ. Khi tâm trong lành, định tĩnh, sáng suốt thì đó là giới định tuệ tự nhiên; khi tâm thận trọng, chú tâm, quan sát thì đó là giới định tuệ được ứng dụng trong từng trường hợp cụ thể; khi tâm tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác thì đó là giới định tuệ để đưa tâm phóng dật, thất niệm, bất giác trở về trọn vẹn trong sáng với thực tại. Vậy con cứ tuỳ nghi mà ứng tâm tự nhiên phù hợp với giới định tuệ chính là sống tuỳ duyên thuận pháp vô ngã vị tha...



TÂM RỖNG LẶNG

Khi tánh biết quan sát thân tâm trong tương giao với ngoại cảnh một cách hồn nhiên trong sáng thì sẽ thấy đâu là sự kiện đơn thuần vô ngã, đâu là sự suy diễn của cái ta ảo tưởng can thiệp vào. Nếu chỉ là thuần túy thấy biết... thì sẽ không có khổ. Khổ chỉ được dựng lên bởi cái ta ảo tưởng mà thôi. Con cần thấy rõ đâu là cảm giác đau đớn khó chịu thuần túy và đâu là cảm giác khổ tâm lý do cái ta ảo tưởng tự dàn dựng và gán vào. Sự khám phá phát hiện này chính là nhờ sự tỉnh thức của tánh biết, chứ không phải là "cái ta biết". 

***
Khi tâm rỗng lặng (khỏi những ý niệm, tư tưởng, quan niệm...) thì đó chính là định, tâm định tĩnh thì tánh biết phát huy được sự trong sáng vốn có tự nhiên của nó. Thực ra tánh biết luôn soi sáng chỉ tại lúc đó con bị cuốn vào những trạng thái biểu hiện của cái ta ảo tưởng nên không thấy ra nó đó thôi. Bây giờ khi làm mọi việc, tiếp xúc với mọi người con cứ để cho tánh biết tự chiếu soi mọi hoạt động của thân tâm là được. Ví dụ đang ngồi thì biết đang ngồi, đang có cảm giác khó chịu thì biết cảm giác khó chịu, tâm đang tĩnh lặng thì biết đang tĩnh lặng, tâm đangsân giận thì biết đang sân giận, tâm đang ngã mạn thì thấy đang ngã mạn, bản ngã dễ bị tổn thương thì biết bản ngã dễ bị tổn thương v.v... chỉ thấy biết thôi chứ đừng xử lý hay phê phán gì cả, thì dù trạng thái đang là sân giận, thái độ vẫn rỗng lặng trong sáng.
Tinh tấn là đưa tâm buông lung phóng dật trở về với thực tại, do đó tâm sẽ trọn vẹn với thực tại (chánh niệm) và tĩnh lặng nơi thực tại (chánh định) là đúng. Nhưng nếu tinh tấn là nỗ lực để trở thành một trạng thái khác thì dù có định cũng chỉ là tà định.
Xưng hô gợi lên khái niệm tên gọi (nàma paññatti) và khái niệm tên gọi lại gợi lên cái ta ảo tưởng. Thực ra tên gọi tự nó không có bản ngã. Bản ngã đang ẩn núp trong ảo tưởng của con và nó nương theo tên gọi mà khẳng định mình thôi. Chỉ cần thấy bản ngã sinh, trụ, diệt như thế nào thì nó sẽ tự biến mất, mà con không cần làm gì để giải quyết cả, vì bản chất của nó vẫn là ảo tưởng, không thật.



                          

PHỤNG SỰ CHÚNG SANH

1) Phụng sự chúng sanh tức là sống tùy duyên thuận pháp vô ngã vị tha. Đó là cách sống của chư Phật vì vậy nói "Phụng sự chúng sanh là sống theo cách sống của chư Phật" thì đúng hơn, vì thực ra chư Phật chỉ phụng sự chúng sanh chứ không cần chúng sanh phụng sự. 

2) Tất cả chúng sanh đều sẽ thành Phật, do đó phụng sự chúng sanh tức là phụng sự Phật. 
3) Phụng sự chúng sanh là giác ngộ giải thoát cho "chúng sanh" trong chính mình, đồng thời phụng sự Phật chính là trưởng dưỡng Tánh Giác (Buddhacarita) nơi chính mình cho đến khi hoàn toàn giác ngộ giải thoát.


VỊ THẦY ĐÚNG NGHĨA

Vị thầy chỉ là người hướng dẫn đi đúng hướng chứ không phải để đưa lên bàn thờ cúng lạy. Chính đức Phật cũng nói Ngài là người chỉ đường thôi, còn mỗi người phải tự mình thắp đuốc lên mà đi. Và Ngài dạy rằng cách cúng dường cao thượng nhất là hành theo pháp, sống đúng pháp. Một vị thầy chỉ có sứ mạng giúp con trong một giai đoạn nào đó nên con chỉ cần kính trọng và tri ân là đủ. Nếu con học từ mẫu giáo lên tới tiến sĩ mà thầy nào con cũng đưa lên bàn thờ cúng lạy thì chỗ đâu mà thờ cho đủ! Vậy tốt nhất là "y Pháp bất y nhân" và nương tựa Pháp nơi chính mình chứ không nương tựa ai khác mới đúng. Vì Pháp là vị thầy vĩ đại nhất luôn sống trong con và cũng ở khắp mọi nơi, hãy chỉ duy nhất tôn thờ và đền ơn vị thấy vĩ đại đó bằng cách sống tùy duyên thuận pháp và vô ngã vị tha chứ không nên tôn thờ cá nhân một vị nào. 

Nguồn: www.trungtamhotong.org