Hỏi đáp: Pháp học 1 (THẦY VIÊN MINH)




1. Pháp vốn tự nhiên và tánh biết cũng tự nhiên thấy pháp.

Ngày gửi: 26-11-2012

Câu hỏi
: Kính chào Thầy,
Con có cảm nhận "tánh biết" là "tánh giác". Nếu ai muốn tu đúng đường điều đầu tiên nên học & hành "cái gốc" từ pháp môn của Thầy thì sẽ rất tốt vì nó rất tự nhiên, cho ta sự tu tập tự nhiên, đại ý như "tu như không tu vậy". 
Rồi từ cái gốc bền vững này có thể chăm bón và nở ra những cành lá, bông hoa quả khác cũng được, vì cái gốc tốt thì mọi cái khác đa phần cũng sẽ tốt (ý con nói những pháp môn cao siêu khác). Như con thấy "cái thêm vào này" lại không tốt, con có đọc "Đường Xưa Mây Trắng" Thầy Nhất Hạnh nói Đức Phật không khuyến khích người tu luyện tập cho mình thần thông. Con nghĩ là khi đã tu một cách tự nhiên rồi thì thần thông đến cũng tự nhiên đâu cần phải mong cầu, hay luyện tập gì... 

Mong Thầy chỉ dạy thêm cho con, suy nghĩ con như vậy có đúng không ạ. Con cảm ơn Thầy.
Trả lời: Con nói đúng. Pháp vốn tự nhiên và tánh biết cũng tự nhiên thấy pháp. Khi ta ảo tưởng xen vào thì nó cho là ta biết, từ đó có ý chí nỗ lực rèn luyện để trở thành "như ý của ta". Nhưng trong thực tánh tự nhiên của pháp thì một hạt giống sẽ nẩy mầm, ra lá, đâm chồi... rồi lớn lên và đương nhiên ra hoa kết trái. Cứ sống tự nhiên với tâm rỗng lặng trong sáng để thấy ra tất cả pháp thì lúc đó thần thông cũng chỉ là chuyện bình thường như ra hoa kết trái.

2.Thọ nhận phép điểm đạo 

Ngày gửi: 25-11-2012

Câu hỏi: Thầy ơi! Con muốn đăng ký thọ nhận phép điểm đạo trên trang Web mattongthiendinh nhưng con còn ngại và sợ. Thầy cho con lời khuyên, những hiện tượng ấn chứng mà những người tu mật tông có được là gì? Con xin cảm ơn thầy.


Trả lời: Con cứ nghiên cứu cho rõ ràng trước khi đăng ký thì tốt hơn. Cũng như muốn đăng ký mua một món hàng ở siêu thị thì con phải biết rõ hình dáng, chất lượng và giá cả món hàng đã. Đạo ở khắp mọi nơi, ai ít bụi trong mắt đều có thể thấy như nhau, sao con không tự mình trở lại mà thấy (Ehipassiko)? Quay lại thì ngay đó là bờ, sao con lại hướng ngoại tìm cầu? Ở nơi con đã sẵn có một tánh biết thật tuyệt vời và pháp quanh con đều đang vận hành thật mầu nhiệm, sao con không lặng lẽ chiêm ngoạn chân lý muôn đời ấy mà đi tìm chút "ấn chứng" đang còn trong tưởng tượng? Dù ấn chứng ấy có là Niết-bàn nhưng nếu đó là mục đích để trở thành thì vẫn chỉ là sinh tử, vì bản chất của tham vọng trở thành chính là sinh tử, con có biết điều đó hay không?

3. kiến thức và trí nhớ

Ngày gửi: 24-11-2012

Câu hỏi: Kính thưa Thầy,
Không biết sao đầu óc con rất mê muội, hay quên. Con thấy mình tiếp thu cũng kém, con cũng ít khi đọc sách. Sau khi được phước duyên gặp trang web của Thầy, được nghe Thầy giảng và được đọc sách Thầy con thực hành theo và thấy mình thay đổi nhiều, tâm rộng mở hơn, không co ro như trước nữa, biết yêu thương mọi người hơn không ích kỷ chỉ nghĩ tới mình như trước đây, nhưng trong quá trình đọc sách có cái con hiểu, có cái con lại không hiểu lắm mặc dù Thầy cũng đã giảng cặn kẽ trong đó, cái gì mà Sự, Lý, Lý Sự, Giáo, Nghĩa,...
Thầy ơi, con biết mình tiếp thu, nhận thức rất thấp. Trước đây con cũng có thiền qua với hy vọng thông qua thiền tâm sẽ được sáng suốt, đầu óc sẽ trở nên minh mẫn và hiểu được mọi việc hơn, nhưng qua mấy năm hành thiền con không được như ý mình. Giờ đọc sách và nghe Thầy giảng mà con đã thấy mình thay đổi rất nhiều, chỉ có điều là con vẫn chưa được hiểu hết những lời Thầy truyền dạy cho con, xin Thầy giúp con phải làm sao mới có thể hiểu được, con rất là ngu muội xin Thầy soi sáng tâm con. Con xin đảnh lễ Thầy.

Trả lời: 
Không phải như con nghĩ đâu. Cái biết của trí tuệ qua thấy biết trực tiếp khác với cái biết của lý trí qua kiến thức gián tiếp. Về kiến thức và trí nhớ có thể con không nhiều nhưng lắm khi nhờ vậy mà có thể thấy biết trực tiếp và trong sáng hơn. Kiến thức có được nhờ học hỏi thông tin qua chữ nghĩa còn trí tuệ lại nhờ biết trở về trọn vẹn trong sáng với thân tâm mà sáng ra. Tâm con đã rộng mở, có tình thương yêu... chứng tỏ con đã sống đúng pháp. Con đừng "thiền" như một cố gắng để đạt được hiểu biết của lý trí hay sở đắc của ham muốn mà tâm con càng rỗng lặng trong sáng thì trí tuệ càng phát huy. Trí tuệ chỉ chiếu sáng lúc không bị che lấp bởi những kiến thức đầy khái niệm chữ nghĩa. Con đang đi đúng đường phát huy trí tuệ, đừng mong cầu phát triển sở tri và sở đắc, vì đó mới chính là chướng ngại của trí tuệ. 


4. Trạng thái của Tâm



Ngày gửi: 21-11-2012


Câu hỏi: Kính thưa thầy, con xin hỏi các trạng thái vui, buồn, sợ hãi, sung sướng, bực bội... có phải là Tâm không? Hay đó là Pháp? Và xin thầy chỉ dạy cho chúng con phương pháp để chúng con không bị vướng mắc bởi những cái đó, hướng tới đời sống an lạc trong cuộc sống thường nhật.
Con xin cảm ơn thầy và kính chúc thầy mạnh khoẻ. 
Trả lời: Đừng gọi tên chúng hay xác định chúng là gì, chỉ thấy chúng như chúng đang diễn ra như thế. Chỉ thấy, nghe, cảm nhận... thôi chứ đừng dùng phương pháp gì để xử lý chúng cả. Đừng hướng đến an lạc chưa có rồi cố gắng trở thành, chỉ cần thấy thật rõ trạng thái thực của những cảm xúc ấy mà tâm không mong cầu hay lăng xăng tạo tác để trở thành thì ngay đó mới thật là an lạc. 

5. Hiện tại, là thực tại đang là, 


Ngày gửi: 20-11-2012 

Câu hỏi:
Kính bạch Thầy,
Xin cho con hỏi là làm thế nào để biết bây giờ là hiện tại bởi vì mỗi một thay đổi tâm luôn diễn dịch, dự đoán... bởi nó luôn nhớ những dữ liệu đã từng trải qua. Đó là điều con không thể thấy mới trong khi Thầy dạy rằng mọi thứ diễn ra luôn luôn mới.

Trả lời
Pháp luôn luôn mới, chỉ có tâm thức lặp lại cái đã qua nên mới cũ thôi. Khi tâm thức con diễn dịch, dự đoán, lặp lại... con hãy trở về lắng nghe lại nó thì nó chính là hiện tại, là thực tại đang là, nhưng nếu con chạy theo nó thì con liền quên mất hiện tại mà cũng là quên mất chính con.


6. Tiềm thức và Vô thức


Ngày gửi: 15-11-2012 

Câu hỏi: Kính bạch Thầy, con xin thầy chỉ dạy giữa Tiềm thức và Vô thức có gì giống và khác nhau ạ. Con xin đảnh lễ Thầy.
Trả lời: Tiềm thức là trạng thái tiềm ẩn của tâm trước và sau một tiến trình tâm hiện khởi trên đối tượng của nó. Ví dụ mắt thấy đối tương sắc là một tiến trình tâm qua nhãn môn. Trước khi mắt thấy sắc thì tâm ở trạng thái tiềm thức, sau khi mắt thấy sắc thì tâm trở về trạng thái tiềm thức cùng với bản sao của tiến trình vừa trải nghiệm. Các tiến trình tâm hiện khởi như vậy là hoạt động của hữu thức, còn những hoạt động ngấm ngầm trong tiềm thức thì ý thức không biết được nên gọi là vô thức. Vậy vô thức chính là hoạt động tự nội của tiềm thức.


                         
7. Tùy duyên mà thấy ra bản chất thật của đời sống.

Ngày gửi: 15-11-2012

Câu hỏi: Thưa thầy, mỗi ngày được ghé qua trang web là một niềm vui của con. Con cảm ơn thầy cũng như mọi người nhiều lắm. Mặc dù dạo này con "ít vấn đề" nên con không hỏi thầy nhiều nữa, con chỉ lắng nghe thôi. Lắng nghe cũng tuyệt vời lắm, thưa thầy!
Nhưng sáng nay ngủ dậy con chợt nghĩ trong đầu: "mình nhận thấy rất rõ sự vô thường và khổ nhưng lại rất mơ hồ về vô ngã. Sao mình có vẻ hơi luẩn quẩn, đã thấy vô thường, khổ rồi thì phải thấy vô ngã ngay chứ? Vì vô thường và khổ chẳng của riêng một người hay sự vật nào mà nó bao trùm lên tất cả các pháp." Con hiểu vô ngã như vầy đã đúng chưa, thưa thầy? 
Trả lời: 
Có hai cấp độ thấy vô thường, khổ, vô ngã. Một là thấy qua suy tư, hiểu biết của lý trí, hai là thấy qua trực nhận vô ngôn của trí tuệ. Nhiều người hiểu biết rất rành mạch về ba pháp ấn này nhưng không thật sự thâm cảm và sống thực với chân lý này. Thực ra không cần thấy hết cả ba, tùy căn cơ hay hoàn cảnh của mỗi người mà chỉ cần thấy một thôi cũng vẫn giác ngộ giải thoát. Ví dụ như người có nhiều tham vọng ở tương lai chỉ thấy vô thường, người bám víu trong lý tưởng hạnh phúc chỉ cần thấy khổ, người thiết lập quá nhiều mối quan hệ ta và của ta chỉ cần thấy vô ngã. Và cũng có khi ngược lại hoặc tùy duyên mà thấy ra bản chất thật của đời sống. Con cứ sống, khám phá, chiêm nghiêm rồi sẽ thấy tất cả. 


8. Tánh biết

Ngày gửi: 14-11-2012

Câu hỏi: Bạch thầy, tánh biết luôn có sẵn trong mỗi con người chúng ta, khi ta tham, sân, si, nếu chánh niệm ta biết ta tham, ta sân, ta si. Ngược lại, nếu ta chánh niệm ta vẫn biết ta không tham, không sân, không si. Vậy tánh biết về bản chất là gì? nó thuộc về tâm nào trong các loại tâm, muốn cho nó khỏe mạnh mình nên cho nó ăn thức ăn gì? Sao con rối quá. Mong thầy từ bi giảng cho con. Đội ơn Thầy!
Trả lời: Tánh biết chính là bản chất của tâm, vì tâm có nghĩa là biết pháp, hay nói cách khác cụ thể hơn là danh biết sắc. Tánh biết không những có mặt trong tất cả tâm hữu thức mà còn bao gồm cả phần hoạt động của bhavanga - tiềm thức và vô thức. Vậy tất cả các loại tâm biểu hiện ra ngoài thuộc về tánh biết chứ không phải tánh biết thuộc về loạitâm nào. Cũng như tất cả các loại sóng đều thuộc tánh nước chứ không phải tánh nước thuộc về loại sóng nào. 
Nhưng sao con lại muốn định nghĩa tánh biết là gì, trong khi mỗi ngày con vẫn dùng nó? Đừng quan tâm nó là gì, có hay không, mà đơn giản là chỉ cần trở về trọn vẹn trong sáng với thực tại thì lập tức ngay đó tánh biết liền biết pháp hoàn toàn trung thực. Nhưng nếu con khởi lên ý muốn định danh tánh biết thì liền bị cái ta lý trí che lấp chẳng khác nào mây đen che vầng nhật nguyệt!

9. Vô Minh

Ngày gửi: 08-11-2012

Câu hỏi: Thầy ơi, Thầy hoan hỷ chỉ giùm cho con, Vô Minh xuất phát từ đâu, và làm sao để cắt đứt Vô Minh ạ? Con cám ơn Thầy.
Trả lời: 
1) Đừng hỏi vô minh xuất phát từ đâu hay cố tìm nguồn gốc của vô minh mà nên hỏi vô minh đang ở đâu. Vô minh hiện hữu khi con không thấy được thực tại thân tâm nơi chính con, hay nói cách khác là con không tự biết mình. 
2) Không phải là cắt đứt vô minh vì thật ra vô minh là ảo nên không cần cắt, mà con chỉ cần trở về trọn vẹn trong sáng với thực tại thân-tâm-cảnh để thấy ra thực tánh pháp thì vô minh huyễn hóa vốn không đâu cần phải cắt.


10. Tánh biết bao gồm cả tiềm thức, vô thức và hữu thức


Ngày gửi: 06-11-2012

Câu hỏi: Kính thưa thầy, con là một Phật tử ở Cần Thơ. Hôm rồi con có đến chùa và đã gặp thầy, thật là duyên lành cho con! Trước đây con đã từng nghe những bài giảng của thầy trên web nhưng con chưa hiểu rõ thế nào là tánh biết của tâm và thế nào là cái biết của ý thức (biết bắng bộ não)?
Còn thắc mắc thứ hai của con là bên Phật giáo Nguyên Thủy, khi một người đắc quả A-la-hán thì người ấy có tự biết hay không? Hay cần phải có vị thầy ấn chứng như bên thiền tông? Con cảm ơn thầy.
Trả lời:
1) Tánh biết của tâm (hay đặc tánh của tâm là biết) được biểu hiện qua 6 thức khi 6 căn tiếp xúc với 6 trần, trong đó ý thức chỉ là một phần thôi. Tánh biết bao gồm cả tiềm thức, vô thức và hữu thức trong khi ý thức chỉ hoạt động với điều kiện hữu thức mà thôi. 
2) Khi hành giả trải qua tiến trình tâm 4 Đạo, 4 Quả đều tự biết rất rõ trên phương diện thực tánh chân đế, nhưng không cần biết tên gọi là gì, còn tên gọi các bậc Thánh là do đức Phật chế định để dễ ấn chứng cho mức độ giác ngộ của các đệ tử mà thôi, tên gọi chế định ấy hoàn toàn không quan trọng đối với sự chứng ngộ của hành giả. Tuy nhiên, người nào tự "ấn chứng" cho mình là thánh này thánh kia thì lại là quá phàm tục!


11. Để tâm bớt vọng động


Ngày gửi: 28-10-2012


Câu hỏi: Thưa sư ông, con là ngượi bị loạn tâm, con hay bị cuốn theo các ý nghĩ vọng tưởng mà không có cách nào kiềm chế lại được, con không có cách nào làm chủ mình được. Ví dụ, khi con đọc 1 cuốn sách hay đọc một đề toán mà trong tâm con nhạc nó cứ nổi lên (những bài nhạc con đã từng nghe dù cố ý hay vô tình). Nó cứ khởi lên mãi như thế làm con không tài nào tập trung vào học được, không thể hướng ý nghĩ của con vào bài học.
Tâm trí con bị những ý nghĩ vọng tưởng ấy chiếm hữu trong khi con lại là đứa không thông minh nên kết quả là con học kém và làm việc không thể nào tập trung vì cứ bị những ý nghĩ lăng xăng trong con lôi cuốn. Khi những ý nghĩ vọng tưởng ấy khởi lên trong lúc con đang học bài hay làm kiểm tra thì con rất hoảng loạn, nó làm con mất tập trung và không thể nào chú tâm vào công việc con đang làm được, con không cách nào ngăn chặn nó lại được. Nhưng vì thời gian dành cho công việc gấp rút nên con vẫn phải làm mà vẫn không tài nào chú tâm vào công việc. Khi vọng tưởng nổi lên, nếu con cố gắng đấu vật với nó, tập trung hết sức vào công việc đang làm và cố gắng quên nó đi thì con có cảm giác rất khó chịu nơi cổ họng là như có cái gì nghẹn nghẹn và rất là rát, nóng giống như bị kiềm nén! Cúi xin sư ông chỉ bày cho con! 
Mà sư ông ơi, con vẫn chưa hiểu cách quán sát tâm là phải làm như thế nào, con vẫn không tài nào hiểu được, cúi xin sư ông chỉ bày tường tận cho con ạ! Con xin cảm ơn sư ông.
Trả lời: 
Để tâm bớt vọng động có rất nhiều cách, một vài thí dụ như: 

1) Chú tâm quan sát mọi chi tiết hoạt động của thân như khi thở, đi, đứng, ngồi, nằm, nhai, nuốt, uống, tắm, rửa, gãi, lái xe v.v... 
2) Thận trọng quan sát và nhận biết những tư tưởng hay trạng thái tâm đang khởi lên để xem nó diệt đi như thế nào. 
3) Niệm "Araham Sammà Sambuddho: Thanh tịnh, Trong sáng" liên tục một thời gian, khi tâm đã bớt vọng động thì chỉ niệm khi vọng khởi, còn khi tâm thanh tịnh trong sáng thì thôi. 
4) Thư giản buông xả toàn thân tâm để cho thân tâm nghỉ ngơi vô sự hoàn toàn, chỉ thấy mọi sự diễn ra trong thân như thế nào thì thấy như vậy, không phản ứng gì cả, vân vân và vân vân. Thầy chỉ gợi ý để con hiểu ra nguyên lý thôi còn chủ yếu là con tự tìm ra cách phù hợp với mình mới tốt. 

12. Thấy biết đúng vì thể tánh và tướng dụng luôn đi đôi với nhau

Ngày gửi: 25-10-2012

Câu hỏi: Con thưa thầy: trong câu: "Thấy biết là thể tánh. Tư duy là tướng dụng" thì:
- Tư duy ở đây không thể suy nghĩ mà thấy được Thể tánh đúng không ạ?
- Thể tánh là thấy biết của tánh biết tự ứng nơi thực tại đang là đúng không ạ?
- Tư duy chỉ được gọi là chánh tư duy khi dựa trên nền tảng của tánh biết tự ứng để thấy biết bản chất của Pháp đúng không ạ?
Trả lời: Đúng là như vậy. Tuy nhiên trong hành trình điều chỉnh nhận thức và hành vi để giác ngộ thì tư duy cũng hỗ trợ hay dẫn đến thấy biết đúng vì thể tánh và tướng dụng luôn đi đôi với nhau, tuy hai mà một, không thể tách rời. Do đó chánh tri kiến và chánh tư duy đều thuộc về tuệ phần. 

 13. Trực giác và kiến thức  - Tuệ Tri và Thức Tri 


Ngày gửi: 20-10-2012

Câu hỏi: Bạch thầy, con cám ơn vũ trụ vô cùng vì vũ trụ giúp con có duyên được hỏi thầy những điều rất khó khăn trong cuộc sống.
Mấy ngày trước thầy dạy con sứ mệnh con người là biết rõ mình trong bối cảnh cuộc sống. Thầy dạy con về bi, trí, dũng và căn dặn con chú tâm quan sát. Con đã hết sức thực hành như lời thầy dạy và có những phát hiện tuyệt vời lắm, con tự nhận thấy mình sinh ra là để làm việc ích cho xã hội. Con tràn đầy năng lượng khi nghĩ về nó, những duyên giúp sức cho sứ mệnh đó cũng kéo đến bên con rất nhiều.
Nhưng con vẫn hoài nghi về sứ mệnh đó liệu đã đúng với con chưa? Con không dám tin vì những kế hoạch mà con đang nghiên cứu lại lớn đến vậy, nó mang tầm vóc quốc gia và giúp ích đại thể nhân dân trong xã hội.
Thầy có thể giải đáp cho con và thầy phân biệt giúp con thế nào là thông tin từ trực giác, thế nào là thông tin từ cảm tính, thế nào là thông tin từ trí thức (hay thông tin do logic não bộ).
Con xin cám ơn thầy!

Trả lời: 
Trực giác thuộc tri kiến, còn thông tin thuộc kiến thức. Tri kiến là tai nghe mắt thấy... nghĩa là trải nghiệm trực tiếp trên sự kiện thật như nó là, còn kiến thức là thông tin có được một cách gián tiếp từ bên ngoài và qua xử lý của hoạt động lý trí với khái niệm, tư tưởng, quan niệm... Đó là lý do vì sao thầy nói con phải biết mình, phải trải nghiệm trực tiếp sự thật và từ đó con thấy ra thì sẽ thấy tất cả. Đừng quá bận tâm đến việc "bên ngoài" sự thật đang là. Lão Tử nói: "Bất khuy dũ kiến thiên đạo" không cần nhìn bên ngoài vẫn thấy đạo lý của Trời Đất. Cho nên con muốn an bang tế thế trước hết phải "thành ý, chính tâm" thì mới thấy mọi việc đúng với sự thật (cách vật trí tri) như Khổng Tử đã nói, nếu không chỉ tự đánh lừa mình thôi. Thấy bằng kiến thức chế định gọi là thức tri. Thấy bằng tri kiến chân thực gọi là tuệ tri. Khi có tuệ tri thì tình cảm chính là từ bi hỷ xả, khi có thức tri thì tình cảm là thương ghét mừng giận. Tình cảm lệ thuộc vào nhận thức và cũng ngược lại, do đó sự tiến hoá chính là quá trình điều chỉnh nhận thức và hành vi. Nhận thức đúng và hành vi tốt là nền tảng của mọi "sứ mệnh" mà con muốn có. Nếu sứ mệnh là bánh vẽ của lý trí thì chỉ hại mình hại người thôi. Con nên thận trọng để không "sai một ly đi một dặm" như kinh nghiệm nhân gian thường nói một cách rất thực tế và minh triết.


14. Cách điều chỉnh thái độ hiện tại cho tùy duyên thuận pháp. 

Ngày gửi: 15-10-2012 

Câu hỏi:
Thưa Thầy! Từ lúc con nghe Thầy giảng, và con đã nhận ra phần nào lẽ thật trong cuộc sống, nên tâm con dần chấp nhận tùy duyên thuận pháp, cũng chính từ lúc ấy cuộc sống của con gặp rất nhiều trở ngại, từ trong gia đình, đến ngoài xã hội, ồ ạt kéo đến với con, nhiều lúc làm cho con tưởng như không trở minh nổi nữa, con quan sát tâm mình, dùng tâm tình hồn nhiên của một đứa trẻ để đón nhận sự việc mà tùy duyên thuận theo pháp vận hành, nhưng con thấy tâm con có lúc đón nhận được, có lúc con thấy lo lắng lắm, mà ngay khi đó chuyện con đang lo nghĩ là cho người khác, vậy tại sao lo nghĩ cho người khác mà tâm lại bất an? Con kính mong THẦY chỉ dạy cho con, con cảm đức Thầy!
Trả lời: Có lúc được có lúc bất an cũng là chuyện đương nhiên khi một người mới tập sống tùy duyên thuận pháp. Lúc bất an thì con chỉ thấy là bất an thôi cũng tốt. Thấy bất an để thấy rõ dần nhân duyên sinh diệt của nó, thấy tại sao những ý tưởng quá khứ tương lai lại hiện đến rồi đi qua, thấy tại sao lại bị vướng mắc vào người khác, thấy quan tâm đến người khác có thật sự là vị tha không, thấy trong tâm vị tha còn có chất vị kỷ nếu như người khác vẫn chưa thoát khỏi ý niệm của ta, như cha mẹ ta, anh chị em ta, bạn bè ta v.v... 
Con cứ thấy tất cả mọi tình huống với tâm trọn vẹn và trong sáng thì mọi chuyện sẽ rõ ràng minh bạch. Không phải vì con sống tùy duyên thuận pháp mà mọi rắc rối đến với con. Rắc rối, trở ngại là chuyện của nghiệp quá khứ đến hồi trổ quả, lúc đó nhờ biết sống tùy duyên thuận pháp nên tâm vẫn sáng suốt định tĩnh trong lành, nếu không khi quả đến mà tâm con phản ứng lung tung thì còn phải khổ nhiều hơn. Trở ngại đến có khi lại tốt cho con, một là con trả được nghiệp cũ, hai là nhờ đó mà con học ra được cách điều chỉnh thái độ hiện tại cho tùy duyên thuận pháp. 


15. Vị Thầy gốc



Ngày gửi: 12-10-2012


Câu hỏi: Kính bạch Thầy!
Con có một câu hỏi canh cánh bấy lâu, mong được Thầy từ bi chỉ dạy. Làm thế nào để nhận ra ai là vị Thầy gốc của mình (Thầy của mình từ nhiều kiếp trước)? Đâu là kết nối nghiệp mà mình phải theo (Thiền tông, Mật tông, hay Tịnh độ? Nếu là Mật tông thì theo dòng truyền thừa nào?). Con đang theo Mật tông nhưng vẫn băn khoăn không biết con đường mình đi có đúng với căn cơ, duyên nghiệp của mình hay không?
Con kính chúc Thầy luôn mạnh khỏe, an lạc!

Trả lời: Theo thầy vị thầy gốc và muôn đời của mỗi người chính là tánh biết hay tánh giác của tâm. Ở trong con có đủ tất cả căn cơ duyên nghiệp phù hợp với con nhất, nên con không cần theo tông môn hệ phái nào cả. Đức Phật dạy rất đơn giản là cứ ngay nơi thân - thọ - tâm - pháp mà thấy ra thực tánh là được. Và Ngài khẳng định rằng: "Mình là nơi nương tựa của chính mình, không có nơi nương tựa nào khác, khi chính mình thuần tịnh, thì đó là nơi nương nhờ khó được". Vậy con cần gì phải phân vân đi tìm chỗ nương nhờ?

16. Sự thách đố cho tánh biết....một trò chơi rất lý thú...mà kết quả chính là giác ngộ giải thoát.

Ngày gửi: 02-10-2012


Câu hỏi: Thưa Sư Ông, cội rễ của Dukkha là Vô Minh và ái dục, tin vào sự hiện hữu của cái tôi và cái của tôi. Vậy làm sao con có thể dứt được nó ạ?
Trên lý thuyết con biết điều này, nhưng thật sự con chưa có sự trải nghiệm để thấy được nó, con cúi xin Sư Ông chỉ dạy cho con ạ.
Làm sao thấy rõ và biết rõ được điều này ạ? Sự nhận biết của mình có một quá trình nào không ạ?
Mọi người thường nói có một cái ta ảo tưởng, có một bản ngã, và nó có phải là cái tôi, cái của tôi không ạ? Mong Sư Ông cho con ví dụ để con có thể hiểu hơn ạ!
Con đem hết lòng thành kính cúi đầu đảnh lễ Sư Ông! 

Trả lời: Vô minh, ái dục, bản ngã và khổ đau là sự thách đố cho tánh biết. Nó vừa cản trở tánh biết vừa giúp tánh biết phát huy khả năng vốn có của mình. Giống như trò chơi trốn tìm, trốn càng tài thì tìm càng giỏi. Vì vậy con đừng sợ bản ngã mà cứ để nó hoạt động xem nó có bao nhiêu chiêu thức, mánh lới, mưu mô, trá ngụy … khi thấy được tất cả mọi mánh khóe của bản ngã thì đồng thời tánh biết cũng hoàn toàn giác ngộ. Nếu con đang chơi trò chơi trốn tìm mà sư ông chỉ ra hết cho con thì trò chơi còn thú vị gì nữa? Cuộc đời là một trò chơi rất lý thú đó con, một trò chơi mà kết quả chính là giác ngộ giải thoát.

17. Phân biệt hành động của bản ngã và hành động tùy duyên thuận pháp

Ngày gửi: 02-10-2012

Câu hỏi: Kính bạch thầy:
Làm thế nào để phân biệt đâu là hành động của bản ngã (tham sân si), đâu là hành động tùy duyên thuận pháp? Trong đời sống con thấy nhận biết điều này rất khó; nếu không ta dễ rơi vào thụ động hoặc ngược lại; như một việc làm từ thiện, xây chùa, ấn tống kinh sách với vô ngã vị tha như thế nào là không can thiệp vào sự vận hành của pháp? Kính mong thầy chỉ dạy.

Trả lời: 
Tất nhiên là khó rồi, và mỗi người phải đối diện với khó khăn này để khám phá ra đâu là hành động hữu ngã vị kỷ, đâu là hành động hữu ngã vị tha, đâu là hành động vô ngã không vị tha và đâu là hành động tùy duyên thuận pháp vô ngã vị tha. Đơn giản là con chỉ cần lặng lẽ chiếu soi mọi hành động của thân tâm thì sẽ thấy ra ngay thôi.


18. Ý nghĩa Tâm không làm muôn việc...

Ngày gửi: 14-09-2012

Câu hỏi: Thưa thầy, Con không hiểu câu nói này lắm, mong Thầy giải thích cho con:
"Tâm không làm muôn việc Công đức trả về không Sống nhờ ơn không tạng Chết từ thưở lọt lòng."

Tâm của con bây giờ cũng không muốn làm việc gì cả thầy ạ! Con tạ ơn thầy! 
Trả lời: Không muốn làm việc gì tức là vẫn còn có muốn rồi làm sao mà tâm không đươc. Tùy duyên mà ứng tùy cảnh mà an nhưng vẫn không sai pháp thì mới tâm không làm muôn việc được chứ con. Làm mà còn thấy có công đức tức là còn bản ngã, vậy thì công đức trả về không hết đi mới phải. Sinh ra từ pháp rồi sống cũng nhờ pháp chứ mình có gì đâu? Đến với hai bàn tay không và ra đi cũng với 2 bàn tay không nên nói sống nhờ ơn không tạng là phải.Nói cho cùng cũng tại cái ta ảo tưởng sinh ra mà rắc rối vậy chẳng phải nó chết từ thuở lọt lòng là tốt hay sao? Vậy mà không muốn làm việc gì tức còn có cái ta rồi đó!

Nguồn: www.trungtamhotong.org