Kinh Kim Cương ví những bài pháp của Phật như chiếc bè, chỉ là phương tiện để đi qua bờ bên kia. Những bài pháp dùng như phương tiện sau một thời gian có thể được buông bỏ, nhưng bài pháp chân chính – không thể buông bỏ - là thân giáo, là sự thuyết pháp qua phong thái và hành động nơi thân. Bài pháp ấy là gì, có thể chân lý ấy rất sâu xa, nhưng nói một cách đơn giản có nghĩa là người ấy gợi lên niềm cảm hứng chính đáng nơi người khác. Có câu nói rằng khi một vị Bồ Tát tu tập không ngừng qua ba a tăng kỳ kiếp, vị ấy sẽ được chánh quả Phật.
Sau một trăm năm hiện tướng của các vị ấy sẽ trở thành trang nghiêm đẹp đẽ. Đây không có nghĩa là sự đẹp đẽ bên ngoài, mà có nghĩa là trong sự giúp đỡ người khác, cái cách hành xử để hoàn thành mọi việc là quan trọng nhất, và qua năng lực của trí tuệ và lòng từ bi mà tính cách uy nghi và nhân ái được thể hiện. Khi ngắm nhìn tướng của các vị Bồ Tát như Quan Âm và Địa Tạng, ta cảm thấy êm dịu nơi tâm, nhưng cùng lúc cũng có một cảm giác xúc động không thể chối cãi được. Khi một người luôn giữ được trong tâm những cảm giác của lòng từ bi và trí tuệ, trong tất cả mọi thời, điều đó sẽ tự nhiên phản chiếu ra hiện tướng bên ngoài, thu hút lòng ngưỡng mộ và kính trọng của người khác.
Điều gây cảm hứng cho chúng ta là bài pháp về phương cách ứng xử hành động của các vị Bồ Tát. Họ có năng lực làm một điều gì đó mà không cần dùng một câu nói nào, nhưng điều này không chỉ giới hạn cho các vị Phật và Bồ Tát. Cho những vị thầy tâm linh hay những môn nào khác, cho tất cả những người có vị thế quyền lực ở nhiều nơi, như người chủ một gia đình đối với những người trực thuộc ở dưới, một vị chủ nhân đối với nhân viên, tất cả đều quan trọng.
Một bài pháp không phải là điều gì Đức Phật nói từ ngàn năm về trước, hay được giảng từ một bục thuyết pháp nào đó trong hiện tại. Bài pháp bằng ngôn ngữ giống như những lời quảng cáo rỗng tuếch, nhưng bài pháp thực sự là khi người chủ hành xử như một người chủ chân chính, người hầu hành xử như một người hầu chân chính, và những người buôn bán hay viên chức chính quyền cũng như vậy. Tất cả mọi sự, từ con chó đến con mèo, cây cỏ, động vật hay tĩnh vật, đều có những lối đi chính đáng của nó, và khi chúng giữ đúng như vậy không dao động, đó gọi là bài pháp của hành động.
Một bài thơ của Sontoku đã diễn tả điều này như sau: “Không cần ngôn ngữ hay hương nhang, trời và đất vẫn luôn lập lại những bài kinh không lời.”
Xưa kia Linh Vân khi thấy hoa đào nở bỗng chợt giác ngộ; và Hương Nghiêm cũng thế khi nghe tiếng hòn đá đập vào cành tre. Cũng có câu chuyện của những người đã tu tập đến lúc chín mùi và chợt bừng ngộ khi thấy cánh hoa rơi, hay chiếc lá tàn bay theo gió mùa thu. Ngay cả Đức Phật cũng đã đạt được Đại Ngộ khi ngài thấy những tia sáng lấp lánh của ánh sao mai.
Cũng như thế, tất cả núi sông, mặt trời mặt trăng và các vì sao, sáng hay chiều đều vẫn không ngừng thuyết pháp cho ta được giác ngộ...
Rosen Takashina (1876- 1968)
Diệu Huyền dịch
http://www.ngocbao.org