PHÁT TÂM BỒ ĐỀ

Trong sự tu học giáo pháp Phật có nhiều khác biệt tuỳ theo sự phát tâm bồ đề của mỗi người. Căn bản có thể nói là có hai loại phát tâm bồ đề : nông cạn và chân thực.

Hiểu được rằng có sanh tất có diệt, có thăng tất có trầm, để rồi buông đi những tham vọng thế gian và chỉ tìm cầu con đường giải thoát – đó gọi là phát tâm bồ đề nông cạn. Đại sư Nagarjuna nói rằng: “Quán thấy sự vô thường của các pháp tạm gọi là phát tâm bồ đề.”
Bởi vì tu tập là đi từ nông đến sâu, những người không phát được cả tâm bồ đề nông cạn sẽ không thể nào phát triển được tâm bồ đề chân thực. Vì vậy các thiền sư vẫn luôn luôn giảng lý vô thường đến các đệ tử, mặc dù họ có chủ đích giáo hóa trực tiếp để khai thị nền tảng cốt yếu nơi tâm.
Những người chỉ sợ hãi vô thường muốn dứt bỏ tham vọng thế gian nhưng không phát tâm bồ đề chân thực là vẫn còn ở trong vô minh.
Người ta thường cho rằng phát tâm bồ đề tức là buông bỏ những tham vọng thế gian và đi vào nơi rừng sâu núi thẳm để sống ẩn dật, thanh lọc tâm bằng tiếng thác chảy, tiếng thông reo. Nhưng đó không thể gọi là phát tâm bồ đề chân thực được. Kinh nói, “Những người ẩn tu trong rừng núi tự cho mình hơn người thì ngay cả hạnh phúc cũng không đạt được, huống chi là chứng đắc quả Phật.”
Phát tâm bồ đề chân thực là phát triển tín tâm nơi giác tánh vô thượng (vô thượng bồ đề). Giác tánh vô thượng ấy vẫn hằng hữu nơi chúng ta, bất biến và miên viễn. Tin tưởng nơi điều ấy gọi là phát tâm bồ đề chân thực.
Niềm tin đặc trưng trong sự phát tâm bồ đề chân thực không thể tìm thấy nơi giáo điều hay những đối tượng bên ngoài, mà căn bản theo như kinh nói, là ý nguyện muốn được giải thoát. Điều đó nghĩa là có thể tự tại lướt qua mọi trạng huống của cuộc đời, cũng có nghĩa là vượt qua mọi trạng thái tâm linh mà không xem đó như đạt được sự tối hậu hay tuyệt đối.
Tiến trình này chỉ có thể được duy trì khi có một linh cảm nội tại về sự siêu việt của giác tánh trên những mục tiêu thấp kém hơn, và đồng thời cũng có một linh cảm nội tại về sự hằng hữu của giác tánh ngay nơi mình. Sự cộng hưởng phong phú của những linh cảm nội tại này được gọi là sự phát tâm bồ đề chân thực.
Nếu chỉ phát tâm trong giới hạn của niềm tin, không có sự cộng hưởng của những linh cảm nội tại này, là theo như kinh nói, “Khởi tâm bồ đề rồi cho qua đi thì đó chỉ là phù du; không phải là bản chất thường hằng, bất hoại của giác tánh.”
Kinh Đại Nhật nói: “Giác tánh là gì? Đó là biết tâm mình trong hiện trạng thực sự của nó.”
Có lời bình rằng: “Nếu giác tánh vốn đã có, vậy tại sao người ta không giác ngộ? Đó là vì họ không biết được tâm mình trong hiện trạng của nó. Nếu họ biết tâm thực sự là thế nào, họ sẽ giác ngộ ngay từ lúc đầu phát khởi chí nguyện.”
Nếu người nào chưa từng cảm nhận được giác tánh hằng hữu và xem việc tu tập miên mật như sự minh chứng cho chí nguyện kiên cố muốn được giác ngộ và có đạo lực, người ấy chắc chắn sẽ khởi lên một niềm tự hào ám ảnh. Và rồi, lẫn trong niềm tự hào đó là nỗi lo sợ rằng chí nguyện của họ có thể bị giảm sút, những duyên trần đưa đến có thể làm cho họ bị thối chuyển và không chứng đắc được. Như thế giác tánh hằng hữu lại càng bị cản trở và che lấp với những nỗi niềm tự hào và lo sợ này.
Khi người mới tu học có tâm thức như vậy, nếu họ nhận ra rằng những ý tưởng sai lầm này khởi lên là vì họ chưa điều hợp được tâm ý thuận theo đạo siêu việt, và nếu họ buông bỏ hết tất cả để trực chỉ quán tâm mà thôi, họ sẽ dần dần điều hợp theo được.
Những cảm xúc theo trần cảnh
Yêu và ghét là hai cảm xúc đã giam hãm con người trong sự ràng buộc của những cách hành xử vô minh tái tục. Những người chỉ đi tìm kiếm những gì họ ưa thích và cố tìm cách trốn tránh những gì không ưa thích hành động như vậy, bởi vì họ không nhận ra được bản chất của thế giới đang sống.
Đối với những người đã nhận ra được bản chất của thế giới đang sống, những việc bất như ý hay không hoàn thành được trên thế gian lại chính là sự nhắc nhở để tập hạnh xả ly. Nếu người ta không thèm muốn những điều ưa thích, họ sẽ không bị bất mãn. Nguyên nhân tạo nên phiền não trong tâm không phải là hoàn cảnh, mà chính là tự tâm mình vậy.
Tu tập trên nền tảng căn bản
Không cần phải diệt trừ những cảm xúc thế gian để tu tập trên nền tảng căn bản. Những người có ý thức sâu sắc về thân phận mong manh của con người và những thoáng chớp ngắn ngủi của giây phút giác ngộ, nếu biết dùng sự giác ngộ này để hun đúc ý chí, sẽ không bị những cảm xúc trần cảnh làm phân tán sự tu tập.
Những cảm xúc khởi lên theo hoàn cảnh thật ra có thể dùng để gợi lên sự cấp bách tu tập trên nền tảng căn bản. Những phương pháp sơ khai để làm dịu đi những cảm xúc thế gian thường tình được dùng để giáo hóa cho những người không có đủ quyết tâm. Điều này không có nghĩa là sự tu tập trên nền tảng căn bản chỉ bắt đầu được sau khi dứt bỏ hết những cảm xúc thế gian.

Mộng và ảo ảnh

Có một cách tu tập phổ biến, như thường được nói đến trong kinh Phật và những bản văn Thiền, là xem tất cả mọi hiện tượng (vạn pháp) như là mộng hay ảo ảnh. Cách tu tập đó vẫn còn ở trong lãnh vực của pháp tu, không phải là giáo lý rốt ráo.
Trong văn học cũng như cách ngôn của thế gian hình ảnh của những gì huyễn ảo, như trong mộng, thường được dùng để nói lên tính cách vô thường, thoáng qua của mọi sự. Đạo Phật lý giải rằng mọi hiện tượng rốt ráo là hư giả, tuy nhiên chúng vẫn hiện hữu theo duyên hợp. Điều đó biểu hiện sự quân bình, tránh khỏi hai cách nhìn chấp có và chấp không. Tuy rằng vạn vật có hiện hữu, nhưng ta thấy chúng không phải là thực sự hiện hữu, tuy rằng vạn vật là không, không có tính cách tuyệt đối, nhưng tri thức hiểu biết không phải là không.
Như vậy, quán mọi hiện tượng là huyễn mộng là một phương tiện sơ khai được dùng để trợ giúp cho dễ dàng hơn sự chứng ngộ con đường Trung Đạo, vượt qua mọi kiến chấp đối đãi và cực đoan.
Pháp tu này trong Thiền môn mục đích không phải để cho người ta quán sát cái nguyên lý, mà để khuyến khích sự buông bỏ tất cả để chỉ quay về trực chỉ quán tâm trên nền tảng căn bản. Một vị cổ đức có nói: “Việc gì phải mất công nắm bắt những giấc mơ, những huyễn tượng, ảo ảnh? Hãy chỉ buông bỏ hết đi những gì được hay mất, phải hay trái, ngay trong lúc này.”

Muso Kosushi

(trích đoạn từ “Mộng đàm về Phật đạo và Thiền – do Thomas Cleary dịch)

Việt dịch: Diệu Huyền

Theo ngocbao.org