Kề cạnh cái chết

Với tôi sống chết nào đâu,
Chỉ có sóng thở nhịp cầu tử sinh.

Cơ thể này của chúng ta được sanh ra chỉ một lần trên đời, lớn lên, già đi rồi chết. Thật ra, đây mới chỉ là một sự hiểu biết thể lý, vật chất ở mức độ rất thô thiển mà thôi. Tác giả của bài kệ này không nói về cuộc sống và cái chết của con người ở mức độ thô thiển và nông cạn như thế. Ông muốn nói đến bản chất của cuộc sống và cái chết vi tế ở trong tâm (là các hiện tượng tâm lý).
Là một hành giả thực hành niệm hơi thở (anapana), tác giả muốn ám chỉ đến hơi thở của mình với lối ẩn dụ về những nhịp sóng triều lên xuống. Khi bạn hít vào giống như nhịp sóng lên cao, một hơi thở ra như ngọn triều xuống thấp. Có được một hình ảnh như thế và chú tâm vào nó, bạn có thể quán chiếu về cuộc sống và cái chết, bạn có thể thấy được, có thể hiểu được sinh tử, tử sinh của một kiếp người.
Khi được Đức Phật giảng dạy về pháp môn niệm chết, nhiều vị Tỳ kheo đã theo lời Ngài thực hành quán niệm về cái chết. Khi chư vị đến gặp Đức Phật, Ngài hỏi: "Này các con, các con có quán niệm về sự chết không?". Chúng Tỳ kheo thưa: "Bạch Thế Tôn, chúng con có quán niệm". "Thế các con quán niệm về sự chết như thế nào?"
Một vị đáp: "Con thường quán niệm thế này - nếu con chỉ còn sống thêm được một ngày hôm nay nữa thôi, thì thế cũng đã là tốt lắm rồi. Con sẽ dành trọn ngày cuối cùng của đời mình để hành thiền".
Một vị kia nói: "Con thường tự nhắc nhở mình rằng, nếu chỉ còn được sống thêm thời gian vừa đủ ăn thêm một miếng nữa thôi, thì thế cũng đã là tốt lắm rồi. Nói cách khác, con không mong mình sẽ còn được sống lâu hơn thời gian để ăn xong một miếng cơm nữa".
Một Tỳ kheo khác thưa: "Nếu con được sống thêm chỉ một hơi thở nữa thôi, thì thế cũng đã là tốt lắm rồi. Con sẽ dành chút thời gian còn lại đó để hành thiền". Vị Tỳ kheo này không mong là sẽ còn sống thêm được lâu hơn một hơi thở nữa - như thế đủ để hiểu rằng cái chết nó ở gần chúng ta đến như thế nào.
Người Miến Điện thường hay nói là: "Trước khi kịp co tay vào và trước khi kịp duỗi tay ra". Đây là một sự nhắc nhở rằng cái chết thực sự ở rất gần bên cạnh chúng ta. Đối với một số người, họ thấy được cái chết ở ngay trước mắt, không có chút thời gian nào để mà hoang phí nữa. Khi bạn thực sự biết rằng mình có thể chết bất cứ lúc nào, khi đó bạn sẽ không còn phí phạm thời gian nữa.
Tôi đã 3 lần ở kề bên cạnh cái chết và một lần tôi đã chắc chắn là mình thực sự sắp chết đến nơi rồi. Tôi rất mệt mỏi và kiệt sức. Khi bạn đã tới chỗ không thể chịu đựng thêm được bất cứ điều gì hơn nữa, dù nhẹ đến đâu, thì đó là lúc bạn biết rằng mình đang chuẩn bị chết. Lúc đó tôi đã phải cố gắng kiểm soát bản thân mình bằng chánh niệm, và tôi tin rằng chính nhờ sự chế ngự bằng chánh niệm ấy mà tôi đã không chết. Nếu tôi không thể giữ được bình tĩnh và giữ cho tâm mình yên tĩnh, mát mẻ, thì tôi nghĩ mình đã tới lúc không thể chịu đựng thêm được nữa và chỉ còn chết mà thôi.
Thân và tâm này luôn vận hành cùng với nhau. Nếu tâm không còn chịu đựng được thêm chút nào nữa, nó sẽ làm một cái gì đó có tác dụng như một câu nói:'thôi, thế là đủ rồi' đối với thân, và nó sẽ thực sự làm như vậy.
Khi tôi gần chết và nghĩ lại những việc mình đã làm trong quá khứ, tất cả quay lại với tôi thật rõ ràng, tôi có thể nhìn thấy được chúng. Chỉ một việc nhỏ nhất cũng đủ khiến cho chúng ta chỉ vào mặt nhau, thù hằn, đấu đá nhau đến mức không thèm nói chuyện, không thèm nhìn mặt nhau nữa và mang lại cho nhau bao nhiêu là đớn đau, khổ não. Chúng ta đã phung phí quá nhiều thời gian quý giá, bỏ ra bao nhiêu năm trời chỉ để làm cho người khác đánh giá cao về mình, dưới cái vỏ danh vọng, tiếng tăm và uy tín. Chúng ta chỉ làm những việc mà nhờ đó mọi người sẽ đánh giá cao về mình, để tô son đánh bóng cho bản thân mình - để ăn ngon, mặc đẹp và sống sung sướng, thoải mái. Có được 3 nhu cầu cơ bản đó cũng là điều quan trọng, nhưng chúng có phải là những điều quan trọng nhất để làm trong cuộc đời chúng ta không?
Tôi chỉ nghĩ đến những điều này khi đã ở kề bên cạnh cái chết, "Thực sự mình đã sống cả cuộc đời chỉ cho người khác mà thôi". Mọi người nghĩ rằng họ sống cuộc đời của chính họ - nhưng đó chỉ là một suy nghĩ đầy bóng dáng của "cái tôi". Nhưng dù bạn có nghĩ cho mình nhiều đến đâu chăng nữa, thì con người cũng không bao giờ thực sự sống cuộc đời họ cho chính bản thân họ. Họ sống cuộc đời họ cho người khác. Cái tôi muốn nói ở đây là chúng ta chỉ cố sống sao cho người khác đánh giá cao về mình, nghĩ tốt về mình, ngưỡng mộ, ca ngợi mình, để cho người khác được hài lòng, thỏa mãn. Chỉ khi nghĩ đến những điều này ở bên ngưỡng cửa cái chết, tôi mới thấy được nó rõ như ban ngày và không thể phủ nhận được.
Nếu bạn sống với chánh niệm và trí tuệ, thì ngay trước lúc chết, bạn sẽ có thể hiểu được cuộc đời một cách sâu sắc hơn nhiều. Bạn có thể nói rằng, cái nhìn của bạn lúc đó sẽ hoàn toàn thay đổi và điều này sẽ dễ xảy ra hơn khi bạn đã có một thói quen hành thiền lâu năm.
Khi kiểm điểm lại toàn bộ cuộc đời mình, bạn có thể thấy được việc nào là việc quan trọng nhất để làm. Nó rất rõ ràng. Tôi thấy một cách rất rõ ràng: những gì tôi đã làm bởi vì nghĩ chúng là quan trọng, thực ra chỉ là những điều tôi làm để cho người khác đánh giá cao về tôi, nghĩ tốt về tôi mà thôi. Còn thực sự việc gì là quan trọng nhất để làm? Câu trả lời là "phát triển trí tuệ".
Chúng ta sinh ra là để học hỏi và phát triển trí tuệ. Và để làm được điều đó, bạn cần phải có tấm lòng hào hiệp và một nội tâm thật cao thượng.
Tấm lòng hào hiệp và một nội tâm cao thượng luôn đi cùng với nhau. Nói một cách hình tượng thì những nhu cầu căn bản của cuộc sống (cái ăn, cái mặc và nơi ở) cũng giống như nền móng của một ngôi nhà, trong khi tấm lòng hào hiệp, quảng đại của trí tuệ và sự cao thượng của tâm hồn giống như hai mái nhà.
Tôi đã phải bỏ ra bao nhiêu thời gian để theo đuổi con đường phát triển trí tuệ này đây?
Tôi đã đến trường, đến lớp, đã học tới đại học - song những kiến thức tôi học được ở đó chỉ có thể giúp tôi làm việc để kiếm sống mà thôi. Đấy vẫn chưa phải là sự học hỏi sâu sắc nhất. Hiểu biết về khoa học, các loại bằng cấp chuyên môn, kế toán và kinh tế, đó không phải là trí tuệ, nhưng con người lại không biết dành thời gian để học những kiến thức thực sự liên quan đến chính cuộc sống của mình.
Nếu bạn cứ chỉ sống như thế này mãi thôi, đến lúc chết bạn sẽ nhận thấy rằng mình đã sống một cuộc đời thật phù phiếm, hời hợt và rồi sẽ thấy hối tiếc làm sao. Có thể, lúc đó bạn sẽ tự nói với chính mình rằng: "Nếu tôi không chết, chắc chắn tôi sẽ chỉ làm những việc có giá trị nhất cho bản thân mình".
Khi còn trẻ, tôi đã chép lại một câu rất hay ở trong một cuốn sách mình đã đọc - "Hãy đọc cuốn sách hay nhất đầu tiên, kẻo bạn sẽ không còn cơ hội để đọc nó nữa". Nếu suy ra từ câu nói đó, bạn sẽ hiểu được câu nói này: "Hãy làm việc quan trọng nhất đầu tiên, kẻo bạn sẽ không còn cơ hội để làm nó nữa.”
Tôi nghĩ, điều này sẽ giúp bạn hiểu biết một cách sâu sắc hơn.
Song bạn không thể lơ là, bỏ mặc tất cả mọi thứ trên đời với lý do là để làm những việc quan trọng nhất. Là một con người, một thành viên trong xã hội chúng ta có rất nhiều bổn phận phải làm - nào là sự sinh nhai, làm ăn kiếm sống, nào là con cái, gia đình, nào là trách nhiệm xã hội, chính trị, tôn giáo…vân vân. Nhưng giữa tất cả những công chuyện bộn bề đó, chúng ta vẫn phải tìm ra thời gian dành riêng cho bản thân mình, bất cứ lúc nào cũng được, để phát triển nhận thức về một bản chất cao thượng hơn và sâu sắc hơn của chính mình. Không còn gì phải nghi ngờ về điều này nữa.
Nếu chúng ta làm các công việc hàng ngày của mình, dù đó là để kiếm sống hay thực hiện các bổn phận, trách nhiệm với xã hội, với một thái độ chân chánh, với chánh niệm và trí tuệ, thì chúng ta sẽ học hỏi được rất nhiều, sẽ tăng trưởng kiến thức và hiểu biết của mình từ trong chính những hoàn cảnh này. Khi đối mặt với những khó khăn, thăng trầm ở đời (8 pháp thế gian, hay 8 ngọn gió đời - lokadhammas - là 4 cặp: giàu sang và khốn khó, vinh và nhục, hạnh phúc và đau khổ, được ca tụng và bị chỉ trích), chúng ta có thể học hỏi với chánh niệm và trí tuệ, sẽ thu được rất nhiều kiến thức từ chính những kinh nghiệm này. Trong cuộc đời có rất nhiều bài học để chúng ta học hỏi. Trong một bài pháp trước đây, tôi đã từng nói:
"Bạn sẽ phải học các bài học trong đời. Chúng ta đã đăng ký trọn thời gian trong một trường học không chính thức, được gọi là cuộc đời".
Toàn bộ cuộc đời của chúng ta là một trường học. Chúng ta học dưới mái trường này, từ lúc mới mở mắt lọt lòng cho đến tận khi nhắm mắt xuôi tay, từ giã cõi đời. Mọi thứ chúng ta trải nghiệm trong đời, mỗi âm thanh, mỗi hình ảnh, dù tốt dù xấu cũng đều chỉ là những bài học, không có một ngoại lệ nào cả. Nếu chúng ta có thể học hỏi từ nó, chúng ta sẽ trở nên ngày càng trí tuệ hơn. Nhưng để có thể học được các bài học từ trong một hoàn cảnh nhất định nào đó, lại cần phải có chánh niệm. Nếu chúng ta thất niệm, đãng trí và với cái tâm chai cứng, nhẫn tâm thì sẽ không học được bài học nào cả và cũng chẳng có chút trí tuệ nào.
Cuộc đời là một trường học. Từ khi sinh ra đến lúc chết đi, chúng ta đều ở trong trường học đó. Mọi thứ chúng ta trải nghiệm trong cuộc đời này, những thứ ta nghe, ta nhìn, dù xấu hay tốt cũng đều là các bài học. Nếu biết cách học bài, chúng ta sẽ có trí tuệ và tri kiến - song để học được những bài học này, chúng ta cần phải có chánh niệm. Sống phóng dật, lơ đễnh thì chúng ta sẽ chẳng học được gì cả.
Trẻ con đến trường, ngồi trong lớp mà mơ mộng, suy nghĩ vẩn vơ đâu đâu thì sẽ không nghe được thầy giáo đang giảng những gì, chúng sẽ không hiểu, không ghi nhớ được bài học - và rốt cuộc sẽ không học được bài. Trong cuộc đời, chúng ta luôn quay cuồng bận rộn, sống buông thả, hời hợt và đầy ảo tưởng mộng mơ, nên dù đã trải qua biết bao thăng trầm trong đời, nhưng rốt cuộc cũng chẳng học được bài học nào. Nếu chúng ta muốn học được nhiều bài học, thì phải thực hành cách sống chánh niệm thật nhiều - chúng ta phải luôn luôn chánh niệm, tỉnh thức; đó là con đuờng duy nhất để học bài.
Khi nhìn một cái gì đó, bạn cảm thấy thế nào? Khi nghe, bạn cảm nhận ra sao? Khi nghĩ một điều gì đó, bạn có cảm giác gì? Chúng ta phải học cách thực sự chú ý vào những điều này và quan sát chúng trong chánh niệm. Bạn có thể nghĩ một cách vô trách nhiệm rằng: "Ôi dào, tôi không thể làm được điều đó đâu!". Hãy cố gắng thực hành mỗi lần một chút vào một lúc nào đó thôi, làm từ từ theo thời gian. Bạn sẽ học cách làm điều đó từng chút từng chút một. Nó dễ thôi mà!
Mỗi khi thầy trò có dịp gặp nhau, tôi thường sách tấn, khuyến khích và nhắc nhở các đệ tử cư sĩ của mình, cuối cùng thì một số Phật tử cũng đã thử cố gắng hành thiền. Một số đã hành thiền được 4, 5 năm; một số đã được 10 năm. Từ việc lúc đầu chỉ nhớ chánh niệm mỗi ngày một lần vào lúc cuối ngày (và họ không cảm thấy chán), cho đến khi họ chánh niệm được cả một phút mỗi ngày. Rồi cố gắng được đến phút chánh niệm liên tục không gián đoạn. Dần dần họ tiến bộ đến mức có thể ngồi thiền và giữ tâm theo dõi hơi thở được 1 phút. Sau đó họ bắt đầu cố gắng giữ chánh niệm từ lúc mở mắt dậy cho đến khi lên giường đi ngủ, luôn hay biết tất cả mọi thứ hoặc hay biết bất cứ những gì diễn ra trong tâm, và họ đã tiến bộ đến mức có thể thấy được tâm chánh niệm của chính mình, nghĩa là biết rõ được tâm chánh niệm của bản thân.
Đôi khi gặp nhau, tôi hỏi họ: "Có lúc nào con bị thất niệm liền một lúc cả phút hoặc trong cả 10 phút không?", và họ đáp: "Không, dù rằng chánh niệm có khi hời hợt hay sít sao, cặn kẽ, nhưng ít nhất chúng con cũng luôn có chánh niệm. Không có lúc nào là hoàn toàn vắng mặt chánh niệm cả. Bất cứ việc gì chúng con làm, ít nhất cũng có một chút ít chánh niệm trong đó".
Khi đã thực hành tương đối thuần thục, bạn sẽ bắt đầu cảm thấy dường như có hai cái tâm. Đối với những người đã kinh nghiệm qua điều này thì không có gì là lạ cả. Có một cái tâm hay biết công việc đang làm, biết rõ bạn đang làm việc. Và có một cái tâm khác biết cái tâm đó nữa.
Khi bạn không còn biết rõ công việc mình đang làm hay các hoạt động của tâm mình, thì đó chính là tâm si (moha). Khi có tâm si thì không có chánh niệm. Một người đã thực hành chánh niệm miên mật sẽ cảm thấy rất mệt mỏi và thiếu sức sống mỗi khi tâm si đến và họ không còn chánh niệm được nữa. Bạn cảm thấy mỏi mệt, tâm xáo động, bất an; nó không còn an lạc nữa. Ngay lập tức bạn chánh niệm, hay biết điều đó và bắt đầu quan sát nó. Bạn không thể sống thất niệm trong một thời gian dài.
Ngay cả khi bạn nói chuyện cũng có một mức độ chánh niệm nào đó. Chỉ hoàn toàn nhờ vào lực đẩy của thói quen mà chánh niệm sẽ diễn ra một cách tự động - bạn không cần phải cố gắng chút nào. Bạn biết rõ, ý thức được mình đang nói gì và định nói gì. Bạn cũng dành cơ hội cho người đối diện được nói, lắng nghe một cách cẩn thận và hiểu được điều họ muốn nói. Như vậy sự giao tiếp giữa bạn với người cũng được trôi chảy tốt đẹp hơn.
Bạn phải cố gắng giữ chánh niệm và sự quan sát càng nhiều càng tốt, trong suốt cả ngày. Người nào thực hành được như thế sẽ thấy được mọi thứ diễn ra trong thân, tâm mình một cách hết sức rõ ràng và sâu sắc. Khi chánh niệm thực sự mạnh, mọi suy nghĩ, tư tưởng sẽ hoàn toàn chấm dứt. Tâm trở nên hoàn toàn yên lặng. Khi tâm tĩnh lặng, bạn sẽ hay biết được một cách trực tiếp các cảm giác trong thân hoặc bất kỳ một đề mục nào khác - nếu nhìn vào tâm mình, bạn sẽ có thể quán sát được tính chất tĩnh lặng và thanh bình trong tâm.
Khi đã chánh niệm được một cách sắc bén như vậy, nếu có điều gì thu hút sự chú ý của bạn thì bạn cũng chánh niệm về nó ngay lập tức. Khoảnh khắc bạn hay biết nó, nó liền biến mất, và bạn cũng thấy được cả điều này nữa. Bạn không suy nghĩ về nó. Bạn thấy nó ngay lập tức, bạn biết nó bởi vì bạn cảm nhận được nó - bạn sẽ thấy được đặc tính tự nhiên của mọi hiện tượng, đó là sanh và diệt ngay tức thì. Đó là chánh niệm về sự sanh diệt.
Những người đã hành thiền một cách nhiệt tâm, tinh cần sẽ thấy sanh và diệt cũng như sinh ra và chết đi. Tri kiến về sanh tử này thật là sâu sắc, thậm thâm vi diệu.
Đối với hầu hết mọi người, họ đã sinh ra từ lâu trước đây; lâu như số tuổi của họ, dĩ nhiên là như thế. Họ không hề biết được quãng đời còn lại sẽ là bao lâu nữa. Có thể họ nghĩ cái chết đối với mình vẫn còn xa lắm. Và như vậy họ sẽ chết một cách không chánh niệm. Người hành thiền thì không như thế. Cái gì đang diễn ra bây giờ là sanh và cái gì đang diệt đi bây giờ là chết - họ thấy ra được điều này, ồ, thật thâm sâu vi diệu biết bao. Đó là lý do tại sao, càng có trí tuệ thì bạn sẽ càng cảm nhận sâu sắc ý nghĩa của những từ này: "Tôi lấy nhịp sóng hơi thở làm cái sống cái chết của mình".

     Trích: Ngôi nhà Chánh Niệm
     Tác Giả: Sayādaw U Jotika
     Dịch Giả: Tâm Pháp

     Nguồn: TRUNG TÂM HỘ TÔNG