GIRIMĀNANDA SUTTA - KINH GIẢI BỆNH



KINH KỲ-LỢI-MA-NAN (Girimànanda sutta)

Thuộc Tăng Chi Bộ (Anguttaranikàya) của Kinh tạng Pàli, đây là một bài kinhđược tụng đọc thường nhật ở các xứ Phật giáo Nam Truyền, vừa như một thoại đầu cho hành giả mà cũng vừa là bài kinh hộ niệm cho người bệnh. Duyên khởi của kinh này là một ngày kia tôn giả Girimànanda lâm trọng bệnh, chính đức Phật đã gọi ngài Ànanda thọ trì nguyên văn bài kinh này rồi đến đọc lại cho tôn giả Girimànanda nghe. Kinh ghi rằng tôn giảGirimànanda sau khi lắng nghe kinh này đã được bình phục sức khỏe. Dĩ nhiên điều đó không phải là sự linh nghiệm huyền hoặc của bài kinh, mà là cách thức lắng nghe của ngài Girimànanda. Người thời sau không ít kẻ hiểu lầm tác dụng của kinh văn, không chú ý đến nghĩa lý để hành trì mà chỉ dốc sức khẩu tụng như thần chú để cầu mong hiệu quả. Chuyện đó chẵng khác gì nhìn ảnh chụp viên thuốc rồi mong hết bệnh.
Nhắc đến ngài Girimànanda thì ai người học Phật cũng phải nhớ đến một giai thoại thú vị. Câu chuyện về ngài cũng giống như của ngài Subhùti (cháu trai ông Cấp Cô Độc). Chuyện xảy ra ở hai thời điểm khác nhau nhưng tình tiếtgiống hệt như một. Hai vị được vua thỉnh vào ngự uyển an cư mùa mưa nhưng vua lại quên chuẩn bị am thất. Suốt mấy tháng trời hai vị im lặng sống dưới gốc cây và đức độ của hai tôn giả đã khiến chư thiên trong khu vực đó phải chú ý. Họ dùng thần lực ngăn mưa không rơi xuống ngự uyển trong suốt mùa mưa ấy như có một chiếc lộng che bên trên vậy. Chuyện lạ đến tai vua, vua nhớ ra mọi sự và khẩn cấp cho thợ làm ngay trong ngày một am thất dâng cho 2 tôn giả. Hai vị vừa ngồi vào mái che của am thất thì trời lập tức đổ mưa. Hai vị tôn giả đã có những lời thơ rấtthú vị để ghi nhận lại sự kiện đặc biệt này. Độc giả muốn đọc xin vào Trưởng Lão Tăng Kệ có sẳn trên Internet.
Xưa nay Phật tử Nam Tông Việt Nam đã xem qua nhiều bản dịch khác nhau của bài kinh này, và những điểm bất nhất trong các bản dịch đã khiến nhiều người nghi hoặc. Theo lời dạy của hoà thượng bổn sư, chúng tôi đã y cứbản Pàli của Tipitaka.org (cả chánh tạng và sớ giải) cùng bản Hán văn của bộ Nam Truyền Đại Tạng (cuốn 24) đểgiới thiệu một bản dịch mới có đính kèm phần phiên âm Hán Việt cho người có nhu cầu tham chiếu. Chỉ mong Phật pháp mãi hoài xương thịnh ở đời. Mong thay.

TOẠI KHANH kính đề

KINH GIRIMÀNANDA (Lời Việt)

Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn ngự tại Kỳ Viên, khu vườn của ông Cấp Cô Độc. Lúc bấy giờ, tôn giả Girimananda bị lâm trọng bệnh, đau đớn trầm kha. Rồi tôn giả Ànanda đã đi đến Thế Tôn, đảnh lễ Ngài và ngồi xuông một bên. Sau khi yên vị, tôn giả Ànanda đã thưa chuyện với Thế Tôn: Bạch Thế Tôn, tôn giả Girimànada đang bị lâm trọng bệnh, đau đớn trầm kha. Lành thay, bạch Thế Tôn, xin Thế Tôn vì lòng bi mẫn quang lâm đến chổ tôn giả Girimànanda để thăm bệnh.
Này Ànanda, nếu ngươi đến chổ của tỷ kheo Girimànanda và nói lại 10 pháp niệm tưởng sau đây, thì sự kiệnnày có thể xảy ra là sau khi nghe xong, bệnh tình của tỷ kheo Girimànanda có thể lập tức thuyên giảm. Thế nào là 10 pháp niệm tưởng đó? Đó là Vô thường tưởng, Vô ngã tưởng, Bất tịnh tưởng, Nguy hại tưởng, Đoạn trừ tưởng, Ly tham tưởng, Tịch diệt tưởng, Yếm thế tưởng, Hữu vi hoại tưởng và Nhập xuất tức niệm.
Này Ànanda, thế nào là Vô thường tưởng ? Ở đây này Ànanda, vị tỷ kheo vào rừng sâu, hay tìm đến gốc cây hoặc nhà vắng sống tùy quán vô thường trong 5 thủ uẩn này bằng cách quán xét rằng sắc là vô thường, thọ là vô thường, tưởng là vô thường, hành là vô thường, thức là vô thường. Này Ànanda, đây được gọi là Vô thường tưởng.
Này Ànanda, thế nào là Vô Ngã tưởng ? Ở đây này Ànanda, vị tỷ kheo vào rừng sâu, hay tìm đến gốc cây hoặc nhà vắng sống tùy quán vô ngã trong 6 nội ngoại xứ này bằng cách quán xét rằng mắt là vô ngã, cảnh sắc là vô ngã, tai là vô ngã, cảnh thinh là vô ngã, mũi là vô ngã, các mùi là vô ngã, lưỡi là vô ngã, các vị là vô ngã, thân là vô ngã, cảnh xúc là vô ngã, ý là vô ngã, cảnh pháp là vô ngã. Này Ànanda, đây được gọi là Vô ngã tưởng.
Này Ànanda, thế nào là Bất Tịnh Tưởng ? Ở đây này Ànanda, vị tỷ kheo sống tùy quán bất tịnh đối với tấm thân này bằng cách quán xét rằng thân này từ chân trở lên và từ tóc trở xuống có da bao bọc bên ngoài và đầy ắp các vật bất tịnh sai biệt, gồm tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tủy, thận, tim, gan, màng phổi, lá lách, phổi, ruột non, ruột già, dạ dày, phẩn, mật, đờm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ đặc, nước mắt, mỡ lõng, nước miếng, nước mũi, nước khớp xương, nước tiểu. Này Ànanda, đây được gọi là Bất tịnh tưởng.
Này Ànanda, thế nào là Nguy Hại Tưởng? Ở đây này Ànanda, vị tỷ kheo vào rừng sâu, hay tìm đến gốc cây hoặc nhà vắng sống tùy quán các Nguy hại trong thân bằng cách quán xét rằng tấm thân này là đầy khổ nạn, nhiều nguy khốn. Trong thân này có nhiều thứ tật bệnh sai khác như là các bệnh về mắt, các bệnh về tai, các bệnh về mũi, các bệnh về lưỡi, các bệnh về thân, các bệnh đau đầu, bệnh quai bị, các bệnh về miệng, các bệnh về răng, các bệnh ho, bệnh xuyễn, bệnh sổ mũi, chứng ợ nóng, bệnh sốt, các bệnh dạ dày, bệnh thất phách, bệnh lỵ, bệnh phù, bệnh cảm cúm, bệnh phong cùi, bệnh ung nhọt, bệnh lao hạch, bệnh động kinh, bệnh nấm da, bệnh ngứa, các bệnh phát ban, bệnh viêm da, các bệnh huyết vận, bệnh tiểu đường, bệnh trỉ, ung thư, bệnh rò, các bệnh do mật gây ra, do đờm dãi, do gió, do rối loạn tâm thần, do thời tiết, do oai nghi thất điều, do bị thương tổn, do ác quả, và lạnh, nóng, đói, khát, đại tiện, tiểu tiện. Này Ànanda, đây được gọi là Nguy hại tưởng.
Này Ànanda, thế nào là Đoạn Trừ Tưởng ? Ở đây này Ànanda, vị tỷ kheo bất nhẫn, lìa bỏ, chấm dứt đoạn trừ tẩy xóa dục tầm, sân tầm, hại tầm và các ác bất thiện pháp nói chung đã khởi lên nơi tâm mình. Này Ànanda, đây được gọi làĐoạn trừ tưởng.
Này Ànanda, thế nào là Ly Tham Tưởng ? Ở đây này Ànanda, vị tỷ kheo vào rừng sâu hay tìm đến gốc cây hoặc nhà vắng, quán xét rằng chỉ có sự vắng mặt toàn triệt các pháp hữu vi, sự lìa bỏ hoàn toàn các sanh y, sựchấm dứt khát ái, ly ái nhiễm và niết-bàn mới thật sự là thanh tịnh, thù diệu nhất trong các pháp. Này Ànanda, đây được gọi là Ly tham tưởng.
Này Ànanda, thế nào là Tịch Diệt Tưởng ? Ở đây này Ànanda, vị tỷ kheo vào rừng sâu hay tìm đến gốc cây hoặc nhà vắng, quán xét rằng chỉ có sự vắng mặt toàn triệt các pháp hữu vi, sự lìa bỏ hoàn toàn các sanh y, sựchấm dứt khát ái, ly ái nhiễm và niết-bàn mới thật sự là thanh tịnh, thù diệu nhất trong các pháp. Này Ànanda, đây được gọi là Tịch diệt tưởng.
Này Ànanda, thế nào là Yếm thế tưởng ? Ở đây này Ànanda, vị tỷ kheo loại trừ, lìa bỏ không chấp trước các ý niệm nắm níu, hy cầu đối với thế gian. Này Ànanda, đây được gọi là Yếm Thế Tưởng.
Này Ànanda, thế nào là Hữu vi hoại tưởng ? Ở đây này Ànanda, vị tỷ kheo cảm thấy xấu hổ, chán ghét, nhờm tởm, đối với tất cả hữu vi. Này Ànanda, đây được gọi là Hữu ViHoại Tưởng.
Này Ànanda, thế nào là Nhập Xuất Tức Niệm ? Ở đây này Ànanda, vị tỷ kheo vào rừng sâu hay tìm đến gốc cây hoặc nhà vắng, rồi ngồi kiết già thẳng lưng, chánh niệm hướng ra phía trước, thở vào trong tỉnh thức và thở ra trongtỉnh thức. Khi thở vô dài, vị ấy biết rõ: Ta đang thở vô dài. Khi thở ra dài, vị ấy biết rõ: Ta đang thở ra dài. Khi thở vô ngắn, vị ấy biết rõ: Ta đang thở vô ngắn. Khi thở ra ngắn, vị ấy biết rõ: Ta đang thở ra ngắn.
Vị ấy tâm niệm: Ý thức toàn thân ta sẽ thở vô.
Vị ấy tâm niệm: Ý thức toàn thân ta sẽ thở ra.
Vị ấy tâm niệm: Với thân hành lắng đọng, ta sẽ thở vô.
Vị ấy tâm niệm: Với thân hành lắng đọng, ta sẽ thở ra.
Vị ấy tâm niệm: Trong niềm hỷ duyệt, ta sẽ thở vô.
Vị ấy tâm niệm: Trong niềm hỷ duyệt ta sẽ thở ra.
Vị ấy tâm niệm: Trong niềm an lạc, ta sẽ thở vô.
Vị ấy tâm niệm: Trong niềm an lạc, ta sẽ thở ra.
Vị ấy tâm niệm: Cảm nhận toàn bộ tâm hành, ta sẽ thở vô
Vị ấy tâm niệm: Cảm nhận toàn bộ tâm hành, ta sẽ thở ra
Vị ấy tâm niệm: Với tâm hành lắng đọng, ta sẽ thở vô
Vị ấy tâm niệm: Với tâm hành lắng đọng, ta sẽ thở ra
Vị ấy tâm niệm: Cảm nhận toàn bộ tâm thức, ta sẽ thở vô
Vị ấy tâm niệm: Cảm nhận toàn bộ tâm thức, ta sẽ thở ra
Vị ấy tâm niệm: Với nội tâm thắng duyệt, ta sẽ thở vô
Vị ấy tâm niệm: Với nội tâm thắng duyệt, ta sẽ thở ra
Vị ấy tâm niệm: Với nội tâm định tĩnh, ta sẽ thở vô
Vị ấy tâm niệm: Với nội tâm định tĩnh, ta sẽ thở ra
Vị ấy tâm niệm: Với nội tâm giải thoát, ta sẽ thở vô
Vị ấy tâm niệm: Với nội tâm giải thoát, ta sẽ thở ra
Vị ấy tâm niệm: Sống tùy quán vô thường, ta sẽ thở vô
Vị ấy tâm niệm: Sống tùy quán vô thường, ta sẽ thở ra
Vị ấy tâm niệm: Sống tùy quán ly tham, ta sẽ thở vô
Vị ấy tâm niệm: Sống tùy quán ly tham, ta sẽ thở ra
Vị ấy tâm niệm: Sống tùy quán tịch diệt, ta sẽ thở vô
Vị ấy tâm niệm: Sống tùy quán tịch diệt, ta sẽ thở ra
Vị ấy tâm niệm: Sống tùy quán xả ly, ta sẽ thở vô
Vị ấy tâm niệm: Sống tùy quán xả ly, ta sẽ thở ra
Này Ànanda, đây được gọi là Nhập xuất tức niệm.
Này Ànanda, nếu ngươi đến chỗ tỷ kheo Girimànanda và nói lại 10 phép niệm tưởng này, sự kiện này có thể xảy ra là sau khi nghe xong, bênh tình của tỷ kheo Girimànanda có thể lập tức thuyên giảm.
Rồi tôn giả Ànanda, sau khi học xong 10 pháp niệm tưởng này từ nơi Thế Tôn, đã đi đến chỗ tôn giảGirimànanda và nói lại 10 pháp niệm tưởng này. Lúc bấy giờ, sau khi nghe xong, cơn trọng bệnh của tôn giảGirimànanda đã lập tức thuyên giảm. Bệnh tình của tôn giả Girimànanda đã chấm dứt với sự kiện như vậy.

Toại Khanh



Pali - Việt

1. Evaṃ me sutaṃ : Ekaṃ samayaṃ bhagavā Sāvatthiyaṃ viharati Jetavane Anāthapindikassa ārāme.
1. Như vầy tôi (Ananda) nghe : Một thuở nọ Đức Phật ngự tại Kỳ Viên Tịnh Xá, của Trưởng Giả Cấp Cô Độc, trong thành Xá Vệ.
2. Tena kho pana samayena āyasmā Girimānando ābādhiko hoti dukkhito bālhagilāno.

2. Thuở ấy có Tỳ Khưu tên Girimànanda đang bệnh trầm trọng và chịu nhiều đau đớn….
3. Atha kho āyasmā Ānando yena bhagavā tenupasaṅkami upasaṅkamitvā bhagavantaṃ abhivādetvā ekamantaṃ nisīdi…

3. Ananda liền vào nơi Phật ngự, đảnh lễ xong rồi ngồi sang một bên…
4. Ekamantaṃ nisinno kho āyasmā Ānando bhagavantaṃ etadavoca.

4. Khi an vị rồi, Đại Đức Ananda bèn bạch với Đức Thế Tôn bằng lời kệ rằng :
5. Āyasmā bhante Girimānando ābādhiko dukkhito bālhagilāno.

5. Bạch Đức Thiên Nhân Sư ! Thầy Girimànanda đang mang trọng bệnh và trải qua nhiều sự đau đớn.
6. Sādhu bhante bhagavā yenayasmā Girimānando tenupasaṅkamatu anukampaṃ upādāyāti.

6. Bạch Đức Thế Tôn ! Cầu xin Đức Thế Tôn vì lòng bác ái mà cứu vớt thầy Girimãnanda. Cầu thỉnh Đức Thế Tôn ngự vào phòng bệnh của thầy Girimànanda…
7. Sace kho tvaṃ Ānanda Girimānandassa bhikkhuno upasaṅkamitvā dasa saññā bhāseyyāsi.
7. Đức Phật liền đáp : Này Ananda ! Ông nên vào chỗ ở của Tỳ Khưu Girimànanda, để giảng giải cả mười phép Quán Tưởng.
8. Thānaṃ kho panetaṃ vijjati yaṃ Girimānandassa bhikkhuno dasa saññā sutvā so ābādho thānaso paṭippassambheyya.

8. Phép ấy là nguyên nhân diệt bệnh. Nếu thầy Tỳ Khưu Girimànanda được nghe thì bệnh sẽ giảm lập tức.
9. Katamā dassa ?

9. Mười phép ấy là gì ?
10. Aniccasaññā anattasaññā asubhasaññā ādīnavasaññā dukkhasaññā pahānasaññā virāgasaññā nirodhasaññā sabbaloke anabhiratasaññā sabbasaṅkhāresu aniccasaññā ānāpānassati.

10. Ấy là tưởng vô thường, tưởng vô ngã, tưởng bất tịnh, tưởngsự khổ, tưởng dứt bỏ, tưởng ly dục, tưởng thanh tịnh, tưởng sựkhông dính mắc thế gian, tưởng các pháp hành sinh diệt (hợp tan), tưởng tự thân (hơi thở)….
11. Katamā c’Ànanda aniccasaññā ?
11. Nầy Ananda ! Tưởng vô thường là thế nào ?
12. Idh’Ànanda bhikkhu araññagato vā rukkhamūlagato vā suññagāragato vā’ti paṭisañcikkhati.
* Rūpaṃ aniccaṃ
* Vedanā aniccā
* Saññā aniccā
* Saṅkhāra aniccā
* Viññānaṃ aniccan’ti
Iti imesu pañcasu upādānakhandhesu aniccānupassī viharati.

12. Nầy Ananda ! Thầy Tỳ Khưu thấm nhuần Phật Pháp, dù ở trong rừng hay cạnh cội cây, hoặc ở một nơi thanh vắng hằng suy tưởng như vầy :
* Sắc thân vô thường
* Cảm thọ vô thường
* Tưởng biết vô thường
* Vận hành vô thường
* Tri thức vô thường
Như Lai gọi đây là phép quán tưởng ngũ uẫn vô thường, mà hàng Tỳ Khưu phải có.

13. Ayaṃ vuccat’Ànanda anattasaññā ?
13. Nầy Ananda ! Còn tưởng vô ngã là gì ?
14. Kataṃā c’Ànanda anattasaññā idh’Ànanda bhikkhu araññagato vārukkhamūlagato vā’ti paṭisañcikkhati :
* Cakkhù anattā* Rūpā anattā* Sotaṃ anattā* Saddā anattā
* Ghānaṃ anattā* Gandhā anattā* Jīvhā anattā* Rasā anattā
* Kāyo anattā* Photthabbā anattā* Mano anattā* Dhammā anattā’ti
Iti imesu chasu ajjhattikabāhiresu āyataneru anattānupassī viharati.

14. Tưởng vô ngã như thế nào. Nầy Ananda ! Tỳ Khưu thấm nhuần Phật Pháp, dù ở trong rừng hay cạnh cội cây, hoặc trú một nơi thanh vắng, hằng nhớ rõ như vầy :
* Mắt chẳng phải là của ta* Các sắc chẳng phải là của ta
* Tai chẳng phải là của ta* Âm thanh chẳng phải là của ta
* Mủi chẳng phải là của ta* Các mùi chẳng phải là của ta
* Lưỡi chẳng phải là của ta* Các vị chẳng phải là của ta
* Thân nầy chẳng phải của ta* Các sự đụng chạm chẳng phải của ta
* Tâm chẳng phải là của ta* Vạn pháp chẳng phải của ta.
Đây là LỤC CĂN và LỤC TRẦN hằng biến đổi, mà một vị Tỳ Khưu lúc nào cũng thấy rõ là không phải của ta.

15. Ayaṃ vuccat’ Ànanda anattasaññā.

15. Nầy Ananda ! Pháp ấy Như Lai gọi là Tưởng Vô Ngã vậy.
16. Katamā c’Ànanda asubhsaññā ?

16. Nầy Ananda ! Tưởng Bất Tịnh là thế nào ?

17. Idh’Ànanda bhikkhu imaṃ eva kāyaṃ uddhaṃ pādatalā adho kesamatthakā tacapariyantaṃ purannānappakārassa asucino paccavekkhati atthi imasmiṃ kāya kesā lomā nakhā dantā taco maṃsaṃ nahārū aṭṭhī aṭṭhimiñjaṃ vakkhaṃ hadayaṃ yakanaṃ kilomakaṃ pihakaṃ papphasaṃ antaṃ antagunaṃ udariyaṃ karīsaṃ pittaṃ semhaṃ pubbo lohitaṃ sedo medo assu vasā khelo siṅghānikā lasikā muttan’ti.
18. Īti imasmiṃ kāye asubhānupassi viharati.
Ayam vucct’Ànanda asubhasaññā.

17. Nầy Ananda ! Thầy Tỳ Khưu suy tưởng thấy trong thân thể, từ bàn chân trở lên, từ ngọn tóc trở xuống, có da bọc chung quanh, chứa những vật không sạch, với nhiều hình dạng khác nhau gọi là tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tủy, bao tử, thận, tim, gan, ruột non, lá lách, phổi, ruột già, da non, vật thực chưa tiêu hoá, phẩn, mật, đàm, máu, mủ, tinh dịch, mồ hôi, mỡ, nước mắt, dầu trong da, nước miếng, nước mủi, nhớt, nước tiểu.
18. Īti imasmiṃ kāye asubhānupassi viharati.
Ayam vucct’Ànanda asubhasaññā.

18. Đây là những vật (32 thể trược) đáng ghê tởm trong thân thể. Nầy Ananda ! Nhớ biết như vậy Như Lai gọi là quán tưởng bất tịnh.
19. Katamā c’Ànanda ādīnavasaññā ?

19. Nầy Ananda ! Tưởng sự khổ là thế nào?
20. Idh’Ànanda bhikkhu araññagato vā rukkhamūlagato vā suññāgāragato vā īti paṭisañcikkhati :

20. Nầy Ananda! Thầy Tỳ Khưu thấm nhuần Phật Giáo, dù ở trong rừng hay cạnh cội cây, hoặc trú trong nơi thanh vắng hằng suy tưởng như vầy:
21. Bahudukkho kho ayaṃ kāyo bahu ādīnavoti.

21. Thân nầy có nhiều chịu đựng khổ nảo và đầy tội nghiệp !
22. Iti imasmiṃ kāye vividhā ābādhā upajjanti.

22. Các bệnh hoạn khổ sở chỉ phát sanh trong thân thể nầy.
23. Seyyathīdaṃ ?
* Cakkhurogo
* Sotarogo* Ghānarogo* Jīvhārogo
* Kāyarogo* Sīsarogo* Kannarogo* Mukharogo
* Datarogo* Kāso kāso* Pināso* Daho, Jaro
* Kucchirogo* Mucchā* Pakkhandikā* Sulā Visūcikā
* Kutthaṃ gando* Kilāso, soso* Apamāro, daddu* Kandu, kacchu
* Rakhasā, vitacchikā* Lohitaṃ, pittaṃ* Madhumeto aṃsā
* Pilakā* Bhagaṃdalā* Pittasamuṭṭhāna ābādhā* Vātasamuṭṭhānā ābādhā* Sannipātikā ābādhā* Utuparināmathā ābādhā
* Visamapanhārathā* Opakkamikā ābādhā* Kammavipākajā ābādhā* Sītaṃ unhaṃ* Jighacchā pipāsa* Uccaro passāvoti
Iti imasmiṃ kāye ādinnavānupassī viharati. * Ayaṃ vuccat’Ànanda ādīnavasaññā.
23. Những bệnh hoạn ấy gọi là gì ?
* Bệnh trong con mắt
* Bệnh trong lỗ tai* Bệnh trong lỗ mủi* Bệnh trong lưởi* Bệnh trong thân* Bệnh trong đầu* Bệnh ngoài lỗ tai
* Bệnh trong miệng* Bệnh chân răng* Bệnh ho, bệnh suyển
* Bệnh ngoài lỗ mủi* Bệnh nóng, gầy mòn* Bệnh trong bụng
* Bệnh trúng gió* Bệnh thổ huyết* Bệnh đau bụng, đi tả
* Bệnh cùi, bệnh bướu* Bệnh lác, bệnh lao* Bệnh kinh phong, mụt nhọt* Bệnh sởi, phong lở * Bệnh ban trái, ghẻ hờm
* Bệnh nghẹt máu, đau mật* Bệnh bạch đái, trỉ ngoại* Bệnh dương sang (da lở)
* Bệnh âm sang (trỉ nội)* Bệnh do đàm
* Bệnh cảm gió* Bệnh phong trệ (có đàm)
* Bệnh thời khí* Bệnh tổn* Bệnh vì bị đánh đập
* Bệnh do tiền nghiệp* Bệnh do lạnh hay nóng* Bệnh vì đói hoặc khát* Bệnh táo bón, bệnh lậu
Đây là những chịu đựng khổ đau và tội nghiệp của thân thể.
* Nầy Ananda ! Pháp ấy Như Lai gọi là tưởng sự khổ nơi thân thể vậy.

24. Katamā c’Ànanda pahānasaññā ?

24. Nầy Ananda ! Tưởng sự dứt bỏ là thế nào ?
25. Idh’Ànanda bhikkhu uppannaṃ kāmavitakkam nādhivāseti pajahati vinodeti byantikaroti anabhavaṃ gameti.
25. Nầy Ananda! Thầy Tỳ Khưu thấm nhuần Phật Pháp, hằng bình đẳng, dứt bỏ của bố thí, nghĩa là dửng dưng trước sắc vật, giữ tâm thanh tịnh không cho phát sanh tham luyến tư duy, nhứt là tình dục.
26. Uppannaṃ byāpādavitakkaṃ nādhivesāti pajahati vinodeti byantikaroti anabhāvaṃ gameti.

26. Hằng dửng dưng trước mọi cảm thọ, không để phát sinh các hận tư duy, là trong lòng hay suy nghĩ về sự hiềm thù, nguồn gốc gây tai hại đến chúng sanh khác.
27. Uppannaṃ vihimsāvitakkaṃ nadhivāseti pajahati vinodeti byantīkaroti anabhāvaṃ gameti.

27. Hằng dửng dưng trước mọi chấp nhứt, không để phát sanh các khốn tư duy, là thứ lòng suy nghĩ làm khó chúng sanh.
28. Uppannupanne pāpake akusale dhamme nādhivāseti pajahati vinodeti byantīkaro anabhāvaṃ gameti.

28. Hằng dứt bỏ và cảnh giác, không nghĩ nhớ đến nghiệp xấu cũ đã phát sinh, và ngăn chặn các nghiệp dữ mới, không để có dịp phát sinh.
29. Ayaṃ vuccat’Ànanda pahānasaññā.

29. Nầy Ananda ! Pháp ấy Như Lai gọi là tưởng sự dứt bỏ cao thượng vậy.
30. Katamā c’Ànanda virāgasaññā.

30. Nầy Ananda ! Tưởng ly dục là thế nào ?
31. Idh’Ànanda bhikkhu araññagato vā rukkhamūlagato vā suññāgāragato’ti patisañcikkhati.

31. Nầy Ananda ! Thầy Tỳ Khưu thấm nhuần Pháp Phật, dù ở trong rừng hoặc ở cạnh cội cây, hay tạm trú nơi tranh vắng, hằng quán tưởng như vầy :
32. Etaṃ santaṃ etaṃ panītaṃ yadidaṃ sabbasankhārā- rasamatho sabbūpadhippatinissaggo tanhakkhayo virāgo nibbānan’ ti.

32.Pháp diệt dục vọng là Niết Bàn. Đoạn tuyệt tham ái, dứt bỏ khoái cảm, nhất là tình dục sẽ đưa đến sự chứng đạt giải thoát cao thượng.
33. Ayaṃ vuccat’Ànanda virāgasaññā.

33.Nầy! Như Lai gọi pháp ấy là tưởng ly dục vậy.
34. Katamā c’Ànanda nirodhasaññā ?
34. Nầy Ananda ! Tưởng thanh tịnh là thế nào ?
35. Idh’Ànanda bhikkhu araññāgato vā rukkhamūlagato vā suññā gāragato vā’ti patisañcikkhati.

35. Nầy Ananda ! Thầy Tỳ Khưu thấm nhuần Phật Pháp, dù ở trong rừng hoặc gần cội cây, hay tạm trú nơi thanh vắng, hằng quán tưởng như vầy :
36. Evaṃ santaṃ etaṃ panītaṃ yadidaṃ sabbasaṅkhārāra-samatho sabbūpadhippatinissaggo tanhakkhayo nirodho nibbānan’ti.

36. Pháp Tịch Tịnh là Niết Bàn. Khi diệt được các sở hành, tiêu trừ hết phiền não, chặt đứt được ái dục là đạt đến thanh tịnh. Chỉ có đức thanh tịnh ấy là pháp cao thượng.
37. Ayaṃ vaccat’Ànanda nirodhasaññā.

37. Này Ananda ! Như Lai gọi pháp ấy là tưởng thanh tịnh đưa đến giải thoát vậy.
38. Katamā c’Ànanda sabbaloke anabhiratasaññā.

38. Nầy Ananda, Tưởng sự không dính mắc thế gian (hay tam giới) là thế nào ?
39. Idh’Ànanda bhikkhu ye loke upāyupādānā cetaso adhiṭṭhā-nabhinivesānusāyā te pajahanto viramati na upādiyanto.

39. Nầy Ananda ! Tâm nào nương theo ái dục, mắc dính nơi thường kiến hay đoạn kiến, hướng vọng vào mọi pháp hành trên thế gian là tâm sa đọa. Thầy Tỳ Khưu thấm nhuần Phật Pháp hằng cảnh giác dứt bỏ những ác pháp ấy.
40. Ayaṃ vuccat’Ànanda sabbaloke anabhiratasaññā.

40. Nầy Ananda ! Pháp nầy Như Lai gọi là tưởng sự không dính mắc thế gian.
41. Katamā c’Ànanda sabbasankhāresu aniccasaññā ?

41. Nầy Ananda ! Tưởng pháp hành biến đổi là thế nào ?
42. Idh’Ànanda bhikkhu sabbasaṅkhārehiṭṭi yati harāyati jigucchati.
42. Nầy Ananda ! Thầy Tỳ Khưu thấm nhuần Phật Pháp, biết rõ mọi pháp hành không ngừng thay đổi, thiên về sa đọa, nên xa lánh và ghê sợ hành nghiệp, như ghê sợ nguy hiểm tội lỗi.
43. Ayaṃ vuccat’Ànanda sabbasaṅkhāresu aniccasaññā.

43. Nầy Ananda ! Pháp ấy Như Lai gọi là tưởng pháp hành biến đổi, triền miên vô thường vậy. 

44. Katamā c’Ànanda ānāpānassati ?

44. Nầy Ananda ! Tưởng hơi thở là thế nào ?
45. Idh’Ànanda bhikkhu araññāgato vā rukkhamūlagato vā suññāgāragato vā nisīdatipallaṅkaṃ ābhujjitvā ujuṃ kāyaṃ panīdhāya pannimukhaṃ satiṃ upaṭṭhapetvā.

45. Nầy Ananda ! Thầy Tỳ Khưu thấm nhuần Phật Pháp, dù ở trong rừng hoặc gần cội cây, hay tạm trú trong nơi thanh vắng, siêng năng ngồi yên, thân hình ngay ngắn, ý tưởng chân chánh để hành thiền (định trong thân)…
46. * So satova assasati.

46. * Rồi châm chỉ nhớ biết hơi thở ra,
* Satova passasati.

* Chăm chỉ nhớ biết hơi thở vô;
* Dīghaṃ vā assasanto dīghaṃ assasissām’īti pajānāti.
* Khi hơi thở ra dài tự thân biết rõ thở ra dài;
* Dīghaṃ vā passasanto dīghaṃ passasissām’īti pajānāti.

* Khi hơi thở vô dài tự thân biết rõ thở vô dài;
* Rassaṃ vā assasanto rassaṃ assasissām’īti pajānāti.

* Khi hơi thở ra ngắn tự thân biết rõ thở ra ngắn;
* Rassaṃ vā passasanto rassaṃ passasissām’īti pajānāti.

* Khi hơi thở vô ngắn tự thân biết rõ thở vô ngắn;
* Sabbakāyappatisamvetī assasissām’īti sikkhati.

* Rồi Tỳ Khưu ấy cũng tự thân ý thức rằng sắp sữa thở ra, và thở ra.
* Sabbakāyappatisamvetī passasissām’īti sikkhati.

* Rồi Tỳ Khưu ấy cũng tự thân ý thức rằng sắp sữa thở vô, rồi thở vô.
* Passambhayaṃ kāyasankhāraṃ assasissām’īti sikhati.
* Rồi Tỳ Khưu ấy cũng tự thân biết rõ sắp dứt hơi thở ra, và dứt thở ra.
* Passambhayaṃ kāyasankhāraṃ passasisām’īti sikhati.
* Rồi Tỳ Khưu ấy cũng tự thân biết rõ sắp dứt hơi thở vô, và dứt thở vô.
* Pītippatisaṃvedī assatissām’īti sikkhati.* Rồi Tỳ Khưu ấy cũng tự thân cảm thấy có sự phỉ lạc trong hơi thở ra, và thở ra.
* Pītippatisaṃvedī passasissām’īti sikkhati.
* Rồi Tỳ Khưu ấy cũng tự thân cảm thấy có sự phỉ lạc trong hơi thở vô, và thở vô.
* Sukhappaṭisaṃvedī assasissām’īti sikkhati.
* Rồi Tỳ Khưu ấy cũng tinh tường rằng tự thân cảm thấy an tịnh trong hơi thở ra, và thở ra.
* Sukhappaṭisaṃvedī passasissām’īti sikkhati.
* Rồi Tỳ Khưu ấy cũng tinh tường rằng, tự thân cảm thấy an tịnh trong hơi thở vô, và thở vô.
* Cittasaṅkhārappaṭisaṃvedī assasissām’īti sikkhati.
* Rồi Tỳ Khư ấy cũng theo sát mọi biến chuyễn của toàn thân hành trong hơi thở ra, và thở ra.
* Cittasaṅkhārappaṭisaṃvedī passasissām’īti sikkhati
* Rồi Tỳ Khưu ấy cũng tinh tường rằng, tự thân tâm đang biết rỏ mọi biến chuyển của tâm hành trong hơi thở vô, rồi thở vô.
* Passambhayaṃ cittasaṅkhāraṃ assasissām’īti sikkhati.
* Rồi Tỳ Khưu ấy cũng tinh tường rằng, ý thức đang diệt (hay không mắc dính vào) tâm hành, khi thở ra.
* Passambhayaṃ cittasaṅkhāraṃ passasissām’īti sikkhati.
* Rồi Tỳ Khưu ấy cũng tinh tường rằng, ý thức đang diệt (hay không mắc dính vào) tâm hành, khi thở vô.
* Cittappatisaṃvedi assassām’īti sikkhati.
* Rồi Tỳ Khưu ấy cũng tinh tường rằng, ý thức đang biết rõ tướng tâm, khi thở ra.
* Cittappatisaṃvedi passasissām’īti sikkhati.
* Rồi Tỳ Khưu ấy cũng tinh tường rằng, ý thức giữ tâm thơ thới, khi thở ra.
* Abhippamodayaṃ cittaṃ assasissām’īti sikkhati.
* Rồi Tỳ Khưu ấy cũng tinh tường rằng, ý thức giữ tâm thơ thới, khi thở ra.
* Abhippamodayaṃ cittaṃ passasissām’īti sikkhati.
* Rồi Tỳ Khưu ấy cũng tinh tường rằng, ý thức đang giữ tâm thơ thới, khi thở vô.
* Samādahaṃ cittaṃ assasissām’īti sikkhati.
* Rồi Tỳ Khưu ấy cũng tinh tường rằng, ý thức đang giữ cho tâm bình thản trong cảnh giới, khi thở ra.
* Samādahaṃ cittaṃ passasissām’īti sikkhati.
* Rồi Tỳ Khưu ấy cũng tinh tường rằng, ý thức đang giữ cho tâm bình thản trong cảnh giới, khi thở vô.
* Vimocayaṃ cittaṃ assasisām’īti sikkhati.
* Rồi Tỳ Khưu ấy cũng tinh tường rằng, ý thức đang diệt (hay thoát khỏi) những tâm chướng ngại, nhất là 5 triền cái khi thở ra.
* Vimocayaṃ cittaṃ passasisām’īti sikkhati.
* Rồi Tỳ Khưu ấy cũng tinh tường rằng, ý thức đang diệt (hay thoát khỏi) những tâm pháp chướng ngại, nhất là 5 triền cái khi thở vô.
* Aniccānupassī assasissām’īti sikkhati.
* Rồi Tỳ Khưu ấy tinh tường rằng, ta là người thấy rỏ ngũ uẩn là vô thường khi thở ra.
* Aniccānupassī passasissām’īti sikkhati.
* Rồi Tỳ Khưu ấy tinh tường rằng, ta là người thấy rỏ ngũ uẩn là vô thường khi thở vô.
* Virāgānupassī assasissām’īti sikkhati.
* Rồi Tỳ Khưu ấy cũng tinh tường rằng, pháp hành đang giúp đạt tới dứt bỏ tình dục, khi thở ra…
* Virāgānupassī passasisām’īti sikkhati.
* Rồi Tỳ Khưu ấy cũng tinh tường rằng, pháp hành đang giúp đạt tới dứt bỏ tình dục, khi thở vô…
* Nirodhānupassī assasissām’īti sikkhati.
* Rồi Tỳ Khưu ấy cũng tinh tường rằng, pháp hành đang giúp chứng pháp tịch tịnh, không còn thống khổ, khi thở ra…
* Nirodhānupassī passasissām’īti sikkhati
* Rồi Tỳ Khưu ấy cũng tinh tường rằng, pháp hành đang giúp chứng pháp tịch tịnh, không còn thống khổ, khi thở vô…
* Patinissaggānupassī assasissām’īti sikkhati.
* Rồi Tỳ Khưu ấy cũng tinh tường rằng, pháp hành đang giúp chứng pháp xa lìa phiền não, khi thở ra…
* Patinissaggānupassī passasissām’īti sikkhati.
* Rồi Tỳ Khưu ấy cũng tinh tường rằng, pháp hành đang giúp chứng pháp xa lìa phiền não, khi thở vô…
47. Ayaṃ vuccat’ Ànanda ānāpānassati.
47. Nầy Ananda ! Những pháp ấy Như lai gọi là tưởng hơi thở (thanh tịnh trong niệm thân) vậy.
48. Sace kho tvaṃ Ànanda Girimānandassa bhikkhuno upasaṇkamitvā imā dasa saññā bhāseyyāsi, thānaṃ kho panetaṃ vijjati yaṃ Girimānandassa bhikkhuno imā dasa saññā sutvā so ābādho thānaso paṭipassambheyyāti.

48. Nầy Ananda ! Khi ông đến gặp Tỳ Khưu Girimānanda rồi, ông nên giảng rõ mười pháp quán tưởng như vậy. Vì đó là Diệu Pháp duy nhất đủ khả năng thuyên giảm trọng bệnh của thầy Tỳ Khưu Girimānanda.
49. Atha kho āyasmā Anando bhagavato santike imā dasa saññā uggahetvā yenāyasmā Girimānando tenupasaṅkami upasaṅkamitvā āyasmato Girimānandassa imā dasa saññā abhāsi.

49. Liền đó Đại Đức Ananda nhớ kỹ mười pháp quán tưởng (giải bệnh) của Đức Thế Tôn, rồi đem giảng giải lại cho thầy Tỳ Khưu Girimānanda.
50. Atha kho āyasmato Girimānandassa imā dasa saññā sutvā so ābādho thānaso patippasambhi.
50. Nhờ nghe được mười pháp quán tưởng nầy mà thầy Tỳ Khưu liền cảm thấy trọng bệnh không còn gây đau đớn nữa.
51. Vutthahi c’ayasmā Girimātamhā ābādhā.

51. Và thầy Tỳ Khưu Girimānanda dứt khỏi bệnh ấy.
52. Tathā pahīno ca panāyasmato Girimānandassa so ābābho ahosi’ti.
52. Pháp lành đã trị được trọng bệnh của thầy Tỳ Khưu Girimānanda chính là mười pháp niệm tưởng nêu trên đây vậy.


VÀI LỜI TRẦN TÌNH

Khi tôi khôn lớn thì cha mẹ tôi đã qua đời. Tôi được các anh chị kể lại rằng song thân tôi đã từ trần sau một cơn bạo bịnh !
Rồi tôi may mắn được học hỏi Phật Giáo, biết được nhiều điều chân chánh, vi diệu vô giá trong nhà Phật. Và tôi cũng chưa có dịp báo ơn cha mẹ một cách ý nghĩa, nên lòng tôi vẫn mong mỏi dịp ấy !
Nhận được đọc bài GIRIMÃNANDASUTTA trong Tạng Kinh, tôi cảm thấy năng lực của Kinh nầy thần kỳ vô lượng, nên tôi không ngại lời lẽ kém thông, xin trích dịch ra đây để cống hiến quí vị Phật Tử xa gần, nhất là những bậc đáng hàng cha mẹ tôi, đang chuẩn bị trải qua những năm tháng sau cùng của cuộc đời.
Nếu những vị ấy, khi bệnh hoạn hay khổ sở vì già nua, mà đọc kinh nầy rồi được hoan hỷ, thuyên giảm phần nào cái khổ trong tuổi già, là tôi sẽ có được một phần phước. Tôi xin hồi hướng phần phước ấy đến hai đấng sinh thành ra tôi, ở trong một thế giới nà đó.
Tôi cũng xin cống hiến công quả biên soạn nầy đến tất cả chúng sinh, nhất là những ai hữu duyên trên con đường học Phật và tu Phật !
Với tấm lòng thành.
Paris cuối tháng 12 / 1984 DL.
(Dịch để ấn tống, do lời yêu cầu của một đạo hữu có thân nhân đang bạo bệnh)


Phật tử Tuệ -Lạc (Nguyễn-Điều)

Theo : tuelac.net


GIRIMANANDA SUTTA - (Kinh Gi-ri-ma-nan-đa)

Ta nghe như vầy:
Một thuở nọ gần thành Xá Vệ.
Phật cùng hàng tử đệ ngự yên,
Tại nơi tịnh xá KỲ VIÊN
Của Cấp Cô Ðộc làm duyên cúng dường
Lúc ấy có người vương bịnh nặng
Thầy Tỳ Khưu Gi-Ri-Ma-Nan-Ða
Chịu nhiều đau đớn thiết tha,
Xót thương Ðại Ðức A Nan Ðà trình bày
Vào đến chốn Như Lai an ngự,
Ðảnh lễ rồi cớ sự bạch qua
Rằng Gi-Ri-Ma-Nan-Ða (Girimananda)
Thầy vương chứng bịnh trầm kha não nùng
Bạch THẾ TÔN mở lòng bác ái
Dời gót vào đến tại thất riêng
Cứu thầy trong lúc ngửa nghiêng
Vì chưng bịnh hoạn triền miên lâu ngày.
Liền lúc đó NHƯ LAI bèn dạy,
A-NAN-ÐA người phải thẳng qua
Chỗ thầy Gi-Ri-Ma-Nan-Ða,
Truyền mười pháp tưởng của ta chỉ bày,
Pháp tưởng ấy tánh hay khước bịnh.
Chẳng luận là căn bịnh chóng chầy.
Nếu Gi-Ri-Ma-Nan-Ða,
Ðược nghe lập tức bịnh thầy giảm thuyên.
Mười pháp tưởng linh thiêng bao nả?
Tưởng những là Vô Ngã, Vô Thường,
Bất Tịnh lại đức tình trường.
Sự Khổ dứt bỏ thói thường cho xong,
Tưởng Tịch tịnh, tưởng không tham luyến.
Pháp thế gian lắm chuyện thị phi.
Tưởng đến những pháp hành vi.
Ðiều vô thường hết có chi bận lòng.
Lại để ý đến trong Hơi thở.
Cho đủ mười điều nhớ của ta.
Này, A-NAN-ÐA.
Tưởng vô thường ấy nghĩa là làm sao?
Này, A-NAN-ÐA.
Thầy Tỳ Khưu đã vào Phật Pháp.
Ở trong rừng, ở dựa cội cây.
Hoặc nhà thanh vắng, không ai.
Trầm ngâm tưởng pháp Như Lai như vầy:
Sắc, Thọ, Tưởng liên dây, Hành thức.
Ðều vô thường một mực như nhau.
Ngũ Uẩn chẳng luận Uẩn nào.
Tỳ Khưu tưởng thấy biến mau không thường.
Nầy, A-NAN-ÐA.
Tưởng Ngũ Uẩn vô thường là vậy.
Như Lai cho tưởng ấy vô thường.
Nầy, A-NAN-ÐA.
Còn tưởng Vô Ngã con đường thế nào?
Nầy, A-NAN-ÐA.
Thầy Tỳ Khưu đã vào Phật Pháp.
Ở trong rừng, ở dựa cội cây.
Hoặc nhà thanh vắng, không ai.
Trầm ngâm tưởng pháp Như Lai như vầy:
Mắt cùng các sắc đây một cuộc.
Chẳng phải là vật thuộc của tạ.
Tai và các tiếng gần xa.
Cũng là chẳng phải của ta đâu nào.
Mũi lại với các mùi cả thảy.
Ðều ở ngoài, chẳng phải của ta.
Lưỡi cùng các vị phớt qua.
Thật đó chẳng phải của ta chớ lầm.
Thân thể với các mần đụng cọ.
Chớ đảo điên cho đó của ta.
Tâm cùng Pháp hà sa.
Cũng đều chẳng phải của ta mỗi phần.
Tỳ Khưu tưởng căn trần như thế.
Ngoài phạm vi, chẳng kể của ta.
Này, A-NAN-ÐA.
Pháp tưởng vô ngã đó ta đã bày.
Này, A-NAN-ÐA.
Tưởng bất tịnh là điều chi vậy?
Này, A-NAN-ÐA.
Thầy Tỳ Khưu tưởng thấy trong thân.
Bắt từ ngọn tóc xuống chân.
Có da bao bọc chung quanh cả mình.
Trong chứa vật nhiều hình, nhiều dáng.
Khác khác nhau nhưng đáng gớm ghê.
Tóc, lông với móng, răng, da.
Thịt, gân, xương tủy, ruột già, ruột non.
Thận, tim gan, da non, lá lách.
Phổi, phẩn, đàm, nước mắt, mồ hôi.
Mật cùng vật thực chưa tiêu.
Dầu da, mủ, máu, rất nhiều phần dơ.
Mỡ, nhớt, mũi, chẳng bao giờ thiếu.
Nước miếng cùng nước tiểu dẫy đầy.
Tỳ Khưu tưởng các vật này.
Vẫn không sạch sẽ trong thây con người.
A-NAN-ÐA vậy ngươi cố nhớ
Pháp ấy là tưởng sợ thân ta.
Này A-NAN-ÐA.
Tưởng sự khổ ấy tưởng là làm sao?
Này, A-NAN-ÐA
Thầy Tỳ Khưu đã vào Phật Pháp.
Ở trong rừng, ở dựa cội cây,
Hoặc nhà thanh vắng không ai,
Trầm ngâm tưởng pháp Như Lai như vầy:
Thân thể có dẫy đầy khổ não.
Tội lỗi gây quả báo về sau.
Bịnh căn khốn khó nhức đau.
Những bịnh hoạn ấy kể sao cho cùng.
Như bịnh phát phần trong tai mũi,
Trong thân hình, trong lưỡi trong đầu
Trong miệng, trong bụng, đâu đâu.
Ngoài tai, ngoài mũi, khắp hầu châu thân.
Bịnh ho, suyễn, gầy lần, bịnh nóng.
Bịnh chơn răng, các giống lác, cùi.
Bịnh bướu, sải, mụn, lôi thôi.
Bịnh phong, lao, tổn, vô hồi khó toan.
Bịnh chóng mặt, trái ban, thổ huyết.
Trĩ, đinh san, chi xiết thúi tha.
Âm san, ghẻ phỏng ngoài da.
Ðau bụng, bịnh tả, cùng là đàm xanh.
Bịnh đau máu dễ thành chứng nặng.
Bịnh mật đau, huyết trắng, phong đàm.
Bịnh bón, bịnh lậu, không kham.
Phong lở, đau mật, gió làm cho đau.
Bịnh thời khí, bịnh do đánh đập.
Do nghiệp duyên dồn dập từ xưa.
Do lạnh, do nóng không ưa.
Do đói, do khát, chẳng chừa một nhân.
Tưởng tội khổ trong thân như thế.
Pháp ấy là tưởng khổ thân ta.
Này, A-NAN-ÐA,
Còn tưởng dứt bỏ nghĩa là làm sao?
Nầy, A-NAN-ÐA
Thầy Tỳ Khưu đã vào Phật Pháp,
Không có lòng thọ Pháp dục chi.
Cố làm tiêu tán dứt đi.
Không cho sanh Dục-tư-duy thường tình.
Không thọ lãnh lại đành dứt bỏ.
Làm tiêu tan chẳng có chút chi.
Không cho sanh Hận-tư-duy.
Thứ lòng cố chấp nghĩ suy oán thù.
Không thọ lãnh hận thù dứt bỏ.
Làm tiêu tan chẳng có chút chi,
Không cho sanh Khốn-tư-duy.
Thứ lòng khốn khó nghĩ suy thật hành.
Không thọ lãnh lại đành dứt bỏ.
Làm tiêu tan chẳng có dư dành.
Không cho nghiệp dữ phát sanh.
Nghiệp dữ đã có không thành nhiều thêm.
Này, A-NAN-ÐA.
Pháp ấy gọi tưởng về dứt bỏ.
Này, A-NAN-ÐA.
Tưởng dứt tình dục nghĩa là làm sao?
Này, A-NAN-ÐA.
Thầy Tỳ Khưu đã vào Phật Pháp,
Ở trong rừng, ở dựa cội cây,
Hoặc nhà thanh vắng không ai.
Trầm ngâm tưởng pháp Như Lai như vầy:
Dứt tình dục, nơi đây bất diệt.
Là Niết Bàn trừ diệt sở hành.
Dứt bỏ phiền não chẳng sanh.
Ðoạn trừ ái dục cội căn tuyệt rồi.
Niết Bàn ấy vô hồi tịch tịnh.
Pháp môn này cao thượng sâu xa.
Này, A-NAN-ÐA.
Tưởng dứt tình dục đó ta giáo truyền.
Này, A-NAN-ÐA.
Tưởng tịch tịnh, cơ duyên sao đó?
Này, A-NAN-ÐA.
Thầy Tỳ Khưu trong giáo pháp này.
Ở rừng hoặc dựa cội cây.
Trong nhà vắng vẻ tưởng suy như vầy:
Pháp tịch mịch nơi đây bất diệt.
Là Niết Bàn trừ diệt sở hành.
Dứt bỏ phiền não chẳng sanh.
Ðoạn trừ ái dục cội căn tuyệt rồi.
Niết Bàn ấy vô hồi tịch tịnh.
Pháp môn này cao thượng sâu xa,
Này, A-NAN-ÐA.
Ðó là pháp tịnh mà ta giáo truyền.
Này, A-NAN-ÐA.
Sao gọi tưởng không duyên thế giới?
Này, A-NAN-ÐA.
Cái tâm này mong đợi, chấp nương.
Ái dục; với kiến thức thường.
Ðoạn kiến cùng những vị phiền thế gian.
Cái tâm ấy thuộc hàng tâm ác.
Thầy Tỳ Khưu trong pháp của ta.
Khi nào bỏ pháp ấy ra,
Không lòng cố chấp, tránh xa được rồi.
Này, A-NAN-ÐA,
Pháp ấy gọi tưởng thôi, không tiến.
Hoặc là không tham luyến thế gian.
Này, A-NAN-ÐA.
Còn tưởng hành tác vô thường là sao?
Này, A-NAN-ÐA.
Hàng Tỳ Khưu thầy nào chán nản.
Hoặc gớm ghê chẳng quản hành vi.
Này, A-NAN-ÐA.
Ðó Như Lai gọi hành vi vô thường.
Này, A-NAN-ÐA.
Thế nào gọi niệm thường hơi thở?
Này, A-NAN-ÐA.
Thầy Tỳ Khưu hoặc ở trong rừng.
Trong nhà hoặc dựa cội cây.
Nên ngồi nhắm mắt; thân ngay im līm.
Ý chơn chánh để tìm Thiền định.
Khi mọi bề yên tịnh thản nhiên,
Chú tâm đề mục tham thiền.
Nhớ biết rõ rệt, thở vào thở ra.
Thở ra dài, cùng ra hơi vắn.
Thở vô mà có vắn hay dài
Hơi vô cũng nhớ vắn dài phân minh.
Thầy Tỳ Khưu chuyên tình ròng rã.
Nhớ biết rằng: Ta đã rõ ta.
Là người biết hơi thở ra.
Niệm xong rồi mới thở ra từ từ,
Thầy Tỳ Khưu cũng như thế ấy.
Cứ chuyên cần nhớ thấy hơi vô.
Biết rằng: ta rõ hơi vô.
Niệm xong rồi mới thở vô lần lần
Thầy Tỳ Khưu chuyên cần ròng rã.
Nhớ biết rằng: ta đã biết ta.
Là người diệt hơi thở ra.
Niệm xong rồi mới thở ra từ từ.
Thầy Tỳ Khưu cũng như thế ấy.
Cứ chuyên cần, nhớ thấy hơi vô.
Biết rằng: ta diệt hơi vô.
Niệm xong rồi mới thở vô lần lần.
Thầy Tỳ Khưu chuyên cần một mực.
Ta biết rằng: ta thật biết rành,
Những điều, thọ sướng, vui mừng.
Niệm xong rồi mới lần lần thở ra.
Thầy Tỳ Khưu cũng là một mực.
Tự biết rằng; ta thật biết rành.
Những điều thọ sướng, vui, mừng.
Niệm xong rồi mới lần lần thở vô.
Thầy Tỳ Khưu tâm đồ chuyên chú.
Tự biết rằng: rõ thú yên vui.
Phân minh biết được rõ rồi.
Niệm xong rồi mới lần lần thở ra.
Thầy Tỳ Khưu cũng là một mực.
Nhớ biết rằng: ta thật biết mùi.
Của các thú vị yên vui.
Niệm xong rồi mới lần lần thở vô.
Thầy Tỳ Khưu quan hô, sát hấp.
Tự biết là rõ khắp tâm hành.
Biết cho rõ rệt đành rành.
Niệm xong rồi mới thật hành thở ra.
Thầy Tỳ Khưu tâm đà tinh tấn.
Cố chuyên cần đặng phấn chí lành.
Biết rằng: ta rõ tâm hành.
Niệm xong rồi mới thật hành thở vô.
Thầy Tỳ Khưu quan hô, sát hấp,
Tự biết rằng: diệt tắt tâm hành.
Biết cho rõ rệt đành rành.
Niệm xong rồi mới thật hành thở ra.
Thầy Tỳ Khưu tâm đà tinh tấn.
Cố chuyên cần đặng phấn chí lành.
Biết rằng: ta diệt tâm hành,
Niệm xong rồi mới thật hành thở vô.
Tỳ Khưu không mơ hồ chán nản.
Vẫn tinh cần, thanh sảng luôn luôn.
Biết rằng: ta đã rõ tâm.
Niệm xong rồi mới âm thầm thở ra,
Tỳ Khưu tự biết ta thành thiệt.
Vốn là người đã biết rõ tâm.
Biết cho rõ rệt không lầm.
Niệm xong rồi mới âm thầm thở vô.
Thầy Tỳ Khưu trong mô phạm ấy.
Vẫn chuyên cần nhớ thấy rằng ta,
Làm tâm được thơi thới ra.
Niệm xong rồi mới khởi mà thở ra
Thầy Tỳ Khưu cũng là thế ấy.
Vẫn chuyên cần nhớ thấy rằng ta.
Làm tâm được thơi thới ra.
Niệm xong rồi mới khởi mà thở vô,
Thầy Tỳ Khưu nên phô nhẫn nại.
Chuyên cần rằng: ta phải giữ tâm.
Quân bình trong các cảnh trần.
Niệm xong rồi mới lần lần thở ra.
Thầy Tỳ Khưu cũng như là trước,
Chuyên cần rằng: ta giữ được tâm.
Quân bình trong các cảnh trần.
Niệm xong rồi mới lần lần thở vô,
Thầy Tỳ Khưu nguyện cho hăng hái,
Tinh cần rằng: ta giải thoát tâm.
Khỏi Pháp chướng cái cả năm.
Niệm xong rồi mới đầm đầm thở ra.
Thầy Tỳ Khưu tỏ ra hăng hái
Tinh cần rằng: Ta giải thoát tâm
Khỏi Pháp chướng cái cả năm.
Niệm xong rồi mới đầm đầm thở vô.
Thầy Tỳ Khưu xét vô thường biến.
Rằng: ta hằng, thấy hiện tinh tường.
Ngũ uẩn đều là vô thường.
Niệm xong rồi mới mở đường thở ra.
Thầy Tỳ Khưu cũng là thế đó,
Rằng: ta hằng thấy rõ tinh tường.
Ngũ uẩn đều là vô thường.
Niệm xong rồi mới mở đường thở vô,
Tỳ Khưu để, tâm vô đề mục;
Rằng: Pháp trừ tình dục mà ta,
Là người hằng được thấy qua.
Niệm xong rồi mới thở ra lần lần.
Thầy Tỳ Khưu chuyên cần đề mục.
Rằng: Pháp trừ tình dục mà ta,
Là người hằng được thấy qua.
Niệm xong rồi mới khởi mà thở vô.
Thầy Tỳ Khưu, tự cho hằng thấy.
Pháp tịch tịnh, pháp ấy được yên,
Khỏi điều thống khổ triền miên.
Niệm xong rồi mới thở liền hơi ra,
Thầy Tỳ Khưu rằng: Ta hằng thấy,
Pháp tịch tịnh, pháp ấy được yên.
Khỏi điều thống khổ triền miên.
Niệm xong rồi mới thở liền hơi vô.
Thầy Tỳ Khưu tự cho thấy rõ.
Những pháp lành dứt bỏ ưu phiền,
Chuyên cần niệm chẳng trì duyên.
Niệm xong rồi mới thở liền hơi ra.
Thầy Tỳ Khưu rằng: Ta thấy rõ
Những pháp lành dứt bỏ ưu phiền,
Chuyên cần niệm chẳng trì duyên.
Niệm xong rồi mới thở liền hơi vô.
Này, A-NAN-ÐA.
Ðiều ấy gọi niệm vô hơi thở.
Này, A-NAN-ÐA.
Nếu người vào chỗ bịnh nhân.
Của GI-RI-MA-NAN-ÐA.
Ngươi nên giảng giải pháp ta chỉ bày.
Mười pháp tưởng nhân hay diệt bịnh,
Làm cho thầy GI-RI-MA-NAN-ÐA.
Chỉ trong giây phút thoáng qua.
Căn bịnh thuyên giảm chắc là không sai.
Liền theo đó A-NAN-ÐA học.
Pháp tưởng này của Ðức Thế Tôn.
Rồi đem truyền đến Sa Môn.
Người đương bịnh hoạn dập dồn bấy lâu.
Nhờ nghe được Pháp mầu quán tưởng.
Bịnh của thầy GI-RI-MA-NAN-ÐA.
Giảm thuyên rồi khỏi hẳn ra.
Chỉ trong giây phút thoáng qua không chầy.
Diệt căn bịnh của thầy trầm trọng,
Chính cho thầy GI-RI-MA-NA-ÐA.
Ðược nghe pháp tưởng sâu xa.
Phật truyền cho đức A-NAN-ÐA giải bày.
http://www.budsas.org/uni/u-nhat-tung/nhattung04.htm