Trong đó vốn có tự tánh giới định tuệ vô vi vô ngã nên không phải sở đắc thiền định hữu vi hữu ngã do rèn luyện mà có nữa...
"...Trong Thiền Tông, nhiều thiền giả tưởng kiến tánh là xong, nên họ chỉ trú trong chân không mà xem thường lãnh vực diệu hữu. Cũng vậy, trong Thiền Vipassanā, thấy được thực tánh, nhiều thiền giả tự khép kín trong chân đế, không màng gì đến cuộc đời. Thái độ sai lầm này là một trong những phiền não chướng của thiền tuệ. Vì vậy, ở mức độ này, quyết định hay nguyện lực ba-la-mật là vô cùng cần thiết để không rơi vào trầm không trệ tịch.
Lấy tâm nguyện sống vô ngã vị tha làm bài học tự giác và chia sẻ sự giác ngộ với mọi người, không chỉ lo an lạc giải thoát cho riêng mình, chính là buông cái ta vi tế chấp không để sống “vì hạnh phúc chúng sinh, vì an lạc cho đời” ..."*
Niết-bàn không phải là xa. Xa là vì chúng ta cứ mãi hướng ngoại tầm cầu mà sở cầu chỉ là Niết-bàn ảo ảnh. Nhưng ngay khi buông bỏ mọi khát vọng, mọi tầm cầu, mọi ý muốn thủ đắc Niết-bàn thì Niết-bàn đã ở đó tự bao giờ...
...Thấy pháp và sống pháp, ấy mới gọi là tu. Tu là ở trong pháp, với pháp, đặt chân đúng trên đất pháp, chứ không phải là chạy ra khỏi pháp mà tu để tìm pháp cái kiểu thả mồi bắt bóng. Nhưng nếu đã không biết hồi đầu ra làm sao mà thấy, lúc bấy giờ mới sử dụng phương tiện hay phương pháp mà tu. Đành vậy chứ biết làm sao! Pháp môn phương tiện thiện xảo của chư Tổ tuy không bằng pháp môn trực tiếp thấy pháp mà Đức Phật đã dạy, nhưng có thể giúp chúng ta tiếp cận với pháp một cách hữu hiệu. Tiếc rằng càng về sau càng ít ai hiểu được ý chỉ của chư Tổ nên lắm khi đành phải…lạc đường...
Thầy Viên Minh