Hỏi: Thế nào là tâm Phật?
Ðáp: Tâm ngươi chính là tâm Phật. Khi ngươi thấy cái bản chất nhất thể của tâm, thì đó gọi là Như Như. Khi ngươi thấy tánh thường hằng không thay đổi của tâm, thì đó gọi là Tam thân Phật (pháp thân, báo thân, hóa thân). Nó chẳng thuộc về gì cả, nên được gọi là Giải thoát. Nó vận dụng dễ dàng và tự do, không bị nhiễu loạn bởi ngoại duyên, nên gọi là Chân Ðạo. Nó chưa bao giờ sinh, nên cũng không bao giờ diệt, đó gọi là Niết Bàn.
Hỏi: Thế nào là Như Lai?
Ðáp: Ðó là người nhận ra được mình không đến từ đâu, và cũng chẳng đi về đâu.
Hỏi: Thế nào là Như Lai?
Ðáp: Ðó là người nhận ra được mình không đến từ đâu, và cũng chẳng đi về đâu.
Hỏi: Thế nào là Phật?
Ðáp: Ðó là người ngộ được chân lý, mà thấy chẳng có gì để ngộ cả.
Hỏi: Thế nào là Pháp?
Ðáp: Cái chưa từng được đặt ra, và cũng chẳng bao giờ bị giảm đi, đó gọi là Pháp, là cái thường của Vũ Trụ.
Hỏi: Thế nào là Tăng?
Ðáp: Gọi như vậy là vì do cái đẹp của sự hòa đồng mà ra.
Hỏi: Thế nào là quán Không?
Ðáp: Quán sát mọi sự nơi thế giới hiện tượng nhưng luôn luôn không rời gốc Không của chúng. Ðó là quán Không.
Hỏi: Làm sao một người nam sống mà thấy như không nam, và một người nữ sống mà thấy như không nữ?
Ðáp: Phật tánh không có khác biệt giữa người nam và người nữ; chẳng có một thực thể nào được chỉ định sẵn như là một người nam hay người nữ. Những yếu tố vật chất duyên hợp đã phát sinh ra cỏ và cây, cũng như con người sinh ra vậy. Ðể so sánh phân biệt người ta gọi đó là “cỏ” hay là “cây”. Con người ta đặt ra đủ loại tên cho những thứ huyễn ảo thấy trên đời. Phật nói, “Nếu có người thấy được rằng tất cả mọi hiện tướng đều là hư vọng, người đó có thể sống trên một cõi giới cao hơn một con người bình thường.”
Tất cả chư Phật đều nói đến tánh Không. Tại sao? Bởi vì các ngàiï muốn phá vỡ những kiến chấp nơi các đệ tử của họ. Nhưng nếu một đệ tử nào lại chấp vào ý niệm Không, thì như vậy là đã phản lại Phật. Có người chấp vào Sinh mặc dù chẳng có gì để gọi là Sinh; có người chấp vào Tử mặc dù chẳng có gì để gọi là Tử. Thực ra là không có gì để mà sinh, nên cũng không có gì để mà diệt.
Qua sự chấp thủ bám víu người ta nhận diện một sự vật hay một ý niệm. Chân lý không có trong, không có ngoài, cũng chẳng ở giữa. Người mê tạo nên những mê vọng và đau khổ vì những ý niệm phân biệt của mình. Chân lý hiện thực không có phải và trái. Người mê tạo ra chúng, nhận diện chúng, cho chúng là ở xa hay ở gần, ở ngoài hay ở trong. Sự phân biệt đối đãi đó là gốc của phiền não. Trong thế giới hiện tượng điều này thường hay xẩy ra.
Những điều Phật dạy chúng ta khiến có thể khai mở được trí tuệ vô thượng giác. Không ai có thể dùng ngôn từ mà diễn tả lại điều ấy được, chỉ có thể tự mình kinh nghiệm lấy thôi.
Hỏi: Ðạt đạo có những cách nhanh và chậm chăng?
Ðáp: Nếu thấy tâm đồng với thời gian vô tận vô thủy vô chung, thì người ấy sẽ chóng đạt đạo, còn nếu đặt ra một thời điểm trong tâm và nhắm vào một điểm đến nào đó, người ấy sẽ chậm đạt đạo. Người trí biết tâm mình là đạo, kẻ ngu thấy đạo ở ngoài tâm. Hắn không biết đạo ở đâu, mà cũng chẳng biết tâm mình chính là Đạo.
Hỏi: Thế nào là một đệ tử thông tuệ, và thế nào là một đệ tử tầm thường?
Ðáp: Một đệ tử thông tuệ không bám vào những lời thầy giảng, mà tự mình thể nghiệm chân lý. Một đệ tử tầm thường nương tựa vào những lời của thầy để dần dần tìm hiểu ra.
Một vị thầy có thể có hai loại đệ tử; người nào nghe thầy giảng mà không chấp trước những gì hữu vi hay không hữu vi, hình tướng hay không hình tướng, cũng chẳng có một niệm gì về động hay tịnh... đó là người đệ tử thông tuệ; còn người nào ham muốn hiểu biết nhiều, tích tụ những điều diễn giải, và lẫn lộn cái tốt với cái xấu là người đệ tử tầm thường.
Người đệ tử thông tuệ hội được lý ngay tức thì; người ấy không cho là tâm mình nâng cao khi ï nghe lời thầy giảng, cũng chẳng tìm cầu theo tâm của những bậc trí giả; người ấy đã vượt qua sự đối đãi của trí huệ và si mê.
Còn người nghe giảng pháp và không còn bám víu vào những dục vọng thế gian, không yêu Phật hay yêu Pháp, nhưng nếu được bảo phải chọn một trong hai, mà người ấy chọn sự an tĩnh hơn vọng động, chọn trí tuệ hơn là si mê, chọn tịnh hơn là động và cố chấp thủ vào một thứ, người ấy là một đệ tử tầm thường.
Người nào có thể vượt qua được sự phân biệt giữa trí huệ và vô minh, không tham trước vào những lời pháp, không sống trong sự luôn luôn phán xét thế nào là đúng là phải, cũng chẳng mong cầu sẽ trở thành Phật hay Bồ Tát, người ấy là một đệ tử thông tuệ.
(Chân Thường trích dịch từ Daily Zen Journal)
Theo ngocbao.org