Vô Ngã - Thiền Sư Viên Minh

Tất cả pháp dù hữu vi hay vô vi, sinh tử hay Niết-bàn đều vô ngã, vì nó vận hành theo nguyên lý của nó chứ không theo ý đồ của ai cả. Bản ngã chỉ là "cái ta ảo tưởng" hoàn toàn không có thật, cho nên dù có chủ trương "ta", "của ta", "tự ngã của ta" hay không thì mọi pháp đang là vẫn vô ngã...
- Đối với pháp thì tự bản chất của nó là vô ngã, đối với nhận thức thì không khởi niệm chấp trước bất cứ điều gì là vô ngã.
 Niết-bàn là vô ngã chứ không phải vô ngã là Niết-bàn.
- Tinh tấn rốt ráo nhất là buông mọi ý đồ lăng xăng của bản ngã để trở về với tự tánh không là gì cả (vô ngã). 
- Người thức ngộ không còn đi tìm Niết-bàn nữa mà chỉ cần buông cái ta ảo tưởng xuống, chấm dứt mọi tạo tác, thì ngay đó là Niết-bàn, pháp vốn đã hoàn hảo không một tỳ vết.
- Đức Phật biết rất rõ là khó mà ngăn chặn được tham vọng cầu toàn của bản ngã, nên một lần nữa Ngài lấy hướng tu của mình để minh họa cho hướng giác ngộ giải thoát đích thực, Ngài nói: “Không bước tới không dừng lại, Như Lai thoát khỏi bộc lưu”. Đó chính là hướng tu vô ngã...



Hỏi: Kính thưa Thầy, xin Thầy hoan hỷ cho con hỏi. Con đọc trong quyển "Thực tại hiện tiền", chương 2 thầy có viết:
"Vậy vô ngã là gì? Anh ta trả lời: vô ngã là không có gì là ta, không có gì là tôi cả. Ta, tôi, đã không có thì làm gì có cái gọi là xe của tôi, nhà của tôi! Nghe nói thế là tôi biết anh ta trật rồi... Vô ngã là vô ngã, còn cái nhà của tôi vẫn là cái nhà của tôi, nó có liên hệ gì với nhau đâu?..."
Con không hiểu rõ chỗ này "Vô ngã là vô ngã, còn cái nhà của tôi vẫn là cái nhà của tôi" Kính xin thầy soi sáng thêm cho con, thành thật cám ơn Thầy.

T.S Viên Minh: Đối với tục đế thì cái nhà của tôi hay của anh vẫn chỉ là khái niệm chế định có thể chấp nhận được một cách tương đối (có như vậy thì người ta mới mua bán nhà được chứ!), nhưng đối với chân đế thì cái gọi là "nhà" vẫn vô ngã. Cái ta, tôi, của ta, của tôi chỉ là chủ cách hay sở hữu cách trong ngôn ngữ chế định thôi, dù có nói mỗi ngày chữ tôi ấy ngàn lần thì nó vẫn vô ngã. Nhưng khi người đã chấp ngã thì dù cả ngày lặng yên trong thiền định, không nghĩ, không nói tới chữ ta chữ tôi thì cái ngã vẫn lớn dần. Do đó, nói ta, tôi với chấp ngã là hai việc khác nhau. Để dễ hiểu thầy chia ra bốn trường hợp:
1) Nói tôi và cũng chấp ngã.
2) Nói tôi nhưng không chấp ngã.
3) Không nói tôi nhưng chấp ngã.
4) Không nói tôi cũng không chấp ngã.
Vậy chủ yếu là thấy ra vô ngã thật sự chứ không phải là nói sáo ngữ hay chỉ tránh dùng từ ngã thôi là được đâu.


Hỏi: Kính thưa Thầy, con rất hoan hỷ Thầy làm cái website cho Phật tử hỏi đáp từ mọi nơi. Con được rất nhiều lợi lạc qua sự giảng dạy trực tiếp và tùy duyên của Thầy. Con cám ơn Thầy rất nhiều.
Vừa rồi con có đọc câu hỏi của một đạo hữu hỏi về vô ngã, con có thể hiểu như thế này không, nếu có sai xin Thầy chỉnh lại cho con biết.
Vô ngã là những gì mình không làm chủ được, thí dụ như cái bệnh, cái đau, cái già nó có thể đến bất cứ lúc nào ngoài ý muốn của mình. Con hiểu thêm một nghĩa nữa, là tự nó không thành lập được một mình, ví dụ như cái nhà cần phải có đất, nước, xi-măng, gỗ, ngói,... tức là phải gồm nhiều yếu tố hợp lại mới thành cái nhà, nó cũng vô ngã luôn. Con hiểu như vậy có đúng không Thầy?
Kính chúc Thầy thân tâm an lạc.


T.S Viên Minh:


Phần thứ nhất
con hiểu đúng. Tất cả pháp dù hữu vi hay vô vi, sinh tử hay Niết-bàn đều vô ngã, vì nó vận hành theo nguyên lý của nó chứ không theo ý đồ của ai cả. Bản ngã chỉ là "cái ta ảo tưởng" - hoàn toàn không có thật, cho nên dù có chủ trương "ta", "của ta", "tự ngã của ta" hay không thì mọi pháp đang là vẫn vô ngã. Đối với pháp thì tự bản chất của nó là vô ngã, đối với nhận thức thì không khởi niệm chấp trước bất cứ điều gì là vô ngã.
Phần thứ hai con hiểu theo nghĩa "tánh không" (không có bản thể riêng) của pháp hữu vi - do duyên thành lập - thìđúng, nhưng với pháp vô vi, tự nó hiện hữu không do duyên khởi, không do ai thành lập, như Niết-bàn chẳng hạn, thì sao? Những pháp có tính nguyên tố như đất, nước, lửa, gió, hư không và tánh biết đều có đặc tính riêng và tự hữu - không do duyên khởi - nhưng vẫn vô ngã. Dù Niết-bàn thì cũng không chấp là "ta", "của ta" và "tự ngã của ta", đó là vô ngã.


Trích : Hỏi đáp Trung Tâm Hộ Tông