Hỏi đáp về Cuộc sống 2 [THẦY VIÊN MINH]




BÀI HỌC ỨNG XỬ TRONG GIA ĐÌNH

Câu hỏi: Con có một đứa em hay trái ý với mẹ, con rất lo mà không cách nào hoá giải được để gia đình cùng nhau vui vẻ. Con kính xin Thầy một lời khuyên. Con kính Thầy!

Trả lời: Đó là bí mật mà pháp đang đến giúp ba mẹ con con học ra sự thật về chính mình và người thân trong gia đình. Nếu học ra được bài học ứng xử trong gia đình thì sẽ dễ dàng hơn trong giao tiếp với xã hội bên ngoài. Mỗi người qua đó thấy ra cách ứng xử của mình có đúng tốt và hiệu quả chưa, nếu chưa thì thận trọng chú tâm quan sát lạiđể điều chỉnh nhận thức và hành vi của mình. Chỗ nào còn chủ quan thiên lệnh vì nặng cảm tình hay lý trí chưa sát với sự thật thì cần trầm tĩnh sáng suốt để khám phá cho ra sự thật. Đừng bi quan, tình thương yêu cũng là một yếu tố cần thiết để chuyển hóa.

BÀI HỌC ỨNG XỬ ĐÚNG TỐT TRONG ĐỜI SỐNG


Câu hỏi: Gia đình con không hạnh phúc lắm. Ba mẹ con li dị và ba con tiến tới hôn nhân một lần nữa. Mẹ kế thì lúc nào cũng im lặng không nói chuyện. Nhiều lần con cũng muốn bắt chuyện để xóa đi cái khoảng cách vô hình đó, nhưng mẹ kế cứ lờ đi và không trả lời. Con không muốn giữa con và mẹ kế có bất đồng cãi vả vì như vậy người khó xử nhất là ba con mà thôi. Xin cho con hỏi, giờ con phải làm gì, vì gia đình luôn làm cho con cảm thấy buồn và chán nản.

Trả lời: Đó chính là tình huống giúp con khôn lớn với nhiều khả năng trí tuệ và yêu thương hơn. Sao con không xem tình huống khó khăn đó là điều kiện thuận lợi nung đúc con để học ra bài học ứng xử đúng tốt trong đời sống. Con cứ vận dụng mọi khả năng sẵn có để ứng xử và nếu sai hay không hiệu quả thì đó là cơ hội thực tiễn để con điều chỉnh nhận thức và hành vi cho ngày càng đúng tốt và hiệu quả hơn. Hãy xem tình huống cam go đó như những điều hứng thú để con khôn lớn thành người. Chúc con thành công.

KHÔNG CÓ MỘT CÔNG THỨC CHUNG NÀO CẢ



Câu hỏi: Mẹ con là một người tốt nhưng rất hay tự ái nên thỉnh thoảng con và mẹ lại giận nhau. Ví dụ như hôm nay là ngày ông Công ông Táo, tối qua con bảo với mẹ là: Để con đến trường nộp bài xong rồi về giúp mẹ. Mẹ con bảo là: Thôi không cần giúp gì đâu. Sáng nay con về đến nhà, con bảo mẹ có làm gì không để con giúp. Mẹ con kể mấy việc, mấy việc. Con thấy cũng không nhiều việc lắm nên nói là, cũng chẳng có việc gì nhiều lắm mẹ nhỉ. Xong rồi mẹ con tự ái, dỗi con, nói vài câu rồi đuổi con lên gác bảo là: Thôi không cần gì hết. Con thấy mẹ con hay dỗi nhiều lúc con cũng mệt. Suốt ngày những cái chuyện chẳng đâu vào với đâu nên con cũng kệ, bỏ lên lầu luôn.
Rồi còn chuyện này nữa. Bố con tâm sự là nhà chi tiêu cũng không có gì nhiều nhưng mẹ hay nói là thiếu thứ này thứ kia. Tất nhiên là tiền đưa thì cũng không dư dật gì. Nhưng bố con nói với con là mẹ con hay làm đồ ăn biếu hàng xóm xung quanh. Thực ra hàng xóm nhà con cũng còn khá giả hơn nhà con nữa, họ cũng chẳng thiếu đồ. Nhưng mẹ con lúc nào cũng thế rồi nói chi tiêu không đủ. 
Con cũng biết tính mẹ con rộng lượng, tốt bụng nhưng mẹ con không cân đối được những chuyện đó. Thỉnh thoảng bố mẹ có chuyện gì thì đều nói qua lại với con. Nói chung con cũng biết mẹ con tự ái cao, cái tôi lớn, nhiều lúc con cũng mệt mỏi, vì cứ chiều theo mẹ con thì mẹ lại cho rằng mẹ đang đúng. Xin thầy chỉ bảo giúp con. 
Trả lời:
Mỗi người có những tình huống mà chính mình phải tự xử lý chứ không có một công thức chung nào cả, từ đó mới có thể học ra bài học cho chính mình. Vấn đề không phải là làm như thế nào mà là có học ra được gì trong sự ứng xử của mình, qua đó sẽ điều chỉnh dần nhận thức và hành vi sao cho đúng tốt, thì tự nhiên sẽ phù hợp với xung quanh chứ không phải là sự chống trái đúng sai theo chủ quan của mình. 

NHÂN VÔ THẬP TOÀN


Câu hỏi: Thưa Thầy con có một chị em bạn đã chơi chung với nhau. Về công việc thì tính toán với con từng chút, nói chung là muốn cái gì tốt, và sướng đều về mình, không chịu phấn đấu mà muốn hưởng thụ, nên con rất là bức xúc chị ấy. Nhưng con có suy nghĩ, nếu con không tỏ thái độ phản đối thì giống như con dung túng chị ấy, còn nói ra thì chị ấy vì mình mà tổn thương. Thưa thầy con phải nghĩ như thế nào cho đúng, mình cũng thoải mái trong cư xử và chị ấy cũng không tổn thương, con cảm đức Thầy!

Trả lời: Quan trọng là cách nhìn và thái độ của con đối với bạn ấy chứ không phải là cách ứng xử với bạn ấy sao cho vẹn toàn. Chẳng có cái gì vẹn toàn được mọi phương diện, hễ được mặt này thì mất mặt khác, đời là bất toàn, nhân cũng vô thập toàn mà con. Vậy con cứ tùy cơ ứng biến chứ không nên cầu toàn, chủ yếu là tâm con trầm tĩnh, sáng suốt và trong lành hiền thiện là được còn ứng xử như thế nào thì tùy lúc tùy nơi tùy tính chất của mỗi người, mỗi sự việc. Khi cần im lặng thì im lặng, khi cần nói năng thì nói năng, khi cần thẳng thắn thì thẳng thắn, khi cần nhu mì thì nhu mì... chủ yếu là có hiệu quả tốt cho bạn ấy hay không chứ không phải là vấn đề tổn thương hay dung túng. Nếu nói thì lời nói cần phải chân, thiện, mỹ, đúng chỗ, đúng lúc thì mới đạt hiệu quả tốt được.


THẾ NÀO LÀ Tuỳ Duyên Thuận Pháp, Vô Ngã Vị Tha

Câu hỏi: Kính bạch Thầy, mong thầy hoan hỷ chỉ dạy giùm con ạ! Thế nào được gọi là Tuỳ duyên Thuận pháp, vô ngã vị tha? Trong cuộc sống ngoài đời, con làm sao để có thể sống được Tuỳ duyên Thuận pháp, vô ngã vị tha?Con cám ơn Thầy.
Trả lời:Tuỳ duyên là tuỳ hoàn cảnh, tuỳ tình huống, tuỳ điều kiện khách quan hay tự nhiên đang diễn ra. Thuận pháp là dù duyên đó thế nào thì cũng phải sống đúng với nguyên lý của đời sống (thực tánh chân đế), và phù hợp với quy định chung của cộng đồng xã hội mà mọi người đang chấp nhận (quy ước tục đế). Vô ngã vị tha là sống không hữu ngã vị kỷ mà sống vì mọi người. Ví dụ: Một bác sĩ đang khám bệnh phải tuỳ vào tình trạng của bệnh nhân, tuỳ vào loại bệnh gì... (đó là tuỳ duyên) để cho thuốc đúng bệnh, đúng liều lượng, đúng pháp luật cho phép...(đó là thuận pháp) với tấm lòng lương thiện không chỉ vì tiền cho mình mà vì giúp cho người bệnh được bình phục... (đó là vô ngã vị tha). 
Muốn sống được như vậy thì con cần có một tâm hồn sáng suốt định tĩnh trong lành và muốn sống trong sáng suốt định tĩnh trong lành thì con nên thường thận trọng chú tâm quan sát; muốn thận trọng chú tâm quan sát tốt thì con không nên buông lung, thất niệm và mê mờ mà nên thường trở về trọn vẹn trong sáng với thực tại thân tâm trong mọi hoàn cảnh. Được vậy thì sống tuỳ duyên thuận pháp vô ngã vị tha là tất yếu và cũng không phải là không làm được, phải không con?


                   
    

TẠI SAO PHẢI CÚNG

Câu hỏi: Thưa thầy, con muốn hỏi về việc "tại sao lại phải cúng".
Hôm nay con đi hộ tống bạn con xem tử vi và con có nghe thấy thông tin là vì đất của nhà bạn đang ở phạm vào đất đình đất chùa, nên bây giờ cần phải cúng để giải hạn. Và ông bà hàng thứ 4 của nhà bạn đã từng chết trẻ, chết đuối nên cần phải cúng nếu không sẽ cản trở tình duyên của bạn. Và bạn con giải thích là "vì trong gia đình của bạn ấy có người không chung thủy nên hậu quả của bạn ấy sẽ là phải lấy những người chồng lăng nhăng" nên cúng là để giải bớt hạn đi. Con thấy rất chấm hỏi về việc này ạ.
Theo như con được hiểu thì ông bà và gia đình mình là những người có duyên với mình và có cộng nghiệp với mình nên chuyện từ đời này sang đời khác là chuyện có thật. Song, bên cạnh đó, con thấy Đạo Phật rất sòng phẳng nên có nhân thì có quả. Vậy thì những quả nở ra cho mình ở đời này cũng là một nhân duyên để mình có thể học được những bài học từ cuộc sống. Vì vậy con thấy cúng bái cũng cần có sự hiểu biết, cần phải có sự thành tâm, sự hướng thiện, làm những việc tốt để hồi hướng cho ông bà. Còn nếu cúng với một tâm trạng "tôi muốn tốt hơn, tôi muốn sung sướng và thoát khổ" mà dựa vào lễ nghi thì thật khó hiểu. Con chưa đủ thông tin và niềm tin để tâm niệm rằng chỉ cần vàng mã, thắp hương đúng cách, đốt nến, cầu khấn là sẽ hóa giải được nghiệp.
Xin thầy mở lòng từ bi giảng giải cho con biết con cần phải hiểu chuyện cúng bái này như thế nào? Có những loại cúng bái nào? Sự cúng bái có hiểu biết và tốt cho tất cả mọi người có phải là việc ta làm việc thiện với một tâm từ bi và yêu thương với tất cả mọi chúng sinh đúng không ạ?
Con tạ ơn thầy ạ!

Trả lời:
Trước giờ đức Phật nhập diệt chư Thiên rải hoa cúng dường đầy trời. Ngài Ananda khen ngợi đó là cúng dường cao thượng, nhưng đức Phật nói đó không phải là cúng dường cao thượng và dạy rằng: Ai hànhđúng pháp, sống thuận pháp thì người ấy mới cúng dường Như Lai một cách cao thượng. Vậy cách cúng dường tốt nhất là:
1) Sống đúng tốt theo đường chân lẽ chính, nghĩa là hành động, nói năng, suy nghĩ không hại mình hại người. Chính tư tưởng và hành động lương thiện là năng lượng gây ảnh hưởng tốt cho những người đang sống trong cõi âm.
2) Tôn trọng người đã chết và có tâm từ đối với họ. Nếu họ là thân nhân hoăc ân nhân của mình thì phải tri ân và sám hối những điều lỗi lầm đã xúc phạm đến họ. Nếu họ là những sinh linh đang sống trong môi trường của mình thì sự tôn trọng và tâm từ là mối quan hệ tốt đẹp nhất giữa cõi âm dương.
3) Làm những điều phước thiện lợi lạc cho nhiều người, hoặc cúng dường bậc đáng cúng dường (Tam Bảo, Cha Mẹ, Thầy Tổ, các bậc ân nhân) và thành tâm hồi hướng phước lành đến những người đã quá vãng. Vì người đã quá vãng không dùng được vật chất dương gian mà chỉ hưởng được sự phước lành do sự thành tâm hồi hướng mà thôi.
4) Không nên cúng bái theo kiểu hối lộ vì sợ hãi hay cầu xin được lợi ích cho mình.


PHONG THỦY

Câu hỏi: Kính thưa Thầy ! Con đã chứng kiến do thấy & nghe từ những người bạn của con qua 2 sự việc xảy ra dưới đây:

- Vấn đề thứ nhất: Một hôm, con cùng nhóm bạn vào công viên, tình cờ thấy một chú mèo con lạc mẹ, khát sữa, bơ vơ rất tội nghiệp. 1 người trong nhóm định mang về chăm sóc, nuôi nấng nhưng những người bạn nói rằng đem mèo về nhà sẽ xui xẻo, thậm chí có thể mất mạng. Sau một lúc phân vân, người bạn đó quyết định cứu giúp nó vì tin rằng bạn ấy đang làm một việc tốt, từ bi. 
- Vấn đề thứ hai: Con có 1 người bạn rất tin theo Phong thủy, và có ý định muốn nuôi Rùa; bởi theo Phong thủy, rùa là con vật mang lại may mắn và sự bảo vệ cho gia đình. Vì vậy, để thu hút tài lộc, vận may vào nhà, chúng ta có thể nuôi rùa. Rùa được xem là con vật linh thiêng mang lại điềm lành và có năng lực bảo vệ rất mạnh. Vì vậy, bất cứ ai nuôi rùa cũng đều có thể hưởng được sự may mắn do rùa mang lại. Tuy nhiên bạn ấy lại băn khoăn khi nghe một số người nói rằng nuôi rùa là không may mắn. 
Xin Thầy chia sẻ và soi sáng thêm cho chúng con về 2 vấn đề này. Con xin cảm ơn Thầy ! 
Trả lời: Xui xẻo hay may mắn đều do mình tạo ra, không ai hay vật gì có thể đem lại điều đó cho mình. Tuy điều kiện bên ngoài cũng có tốt xấu với người này hay người khác nhưng chính yếu vẫn là cái tâm. Tâm thiện (như bạn con cứu giúp con mèo) đem đến quả lành, tâm bất thiện đem lại điều dữ. Cho nên người xưa có nói, người có đức độ có khả năng thắng được phong thủy.

CƯ TRẦN LẠC ĐẠO


Câu hỏi: Bạch Thầy con chưa hiểu câu "Cơ tắc xan hề khốn tắc miên" của vua Trần Nhân Tông. Xin Thầy giảng cho con, con cảm ơn Thầy.


Trả lời:

Câu này được trích trong "Cư trần lạc đạo phú" của Sơ tổ Trúc Lâm, vua Trần Nhân Tông:

Cư trần lạc đạo thả tùy duyên
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên
Gia trung hữu bảo hưu tầm mích
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền

Dịch thơ:

Ở đời vui đạo hãy tùy duyên
Đói đến thì ăn, mệt ngủ liền
Trong nhà có báu thôi tìm kiếm
Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền.

Tóm tắt ý nghĩa bài kệ này là nói về đời sống tùy duyên thuận pháp của một người đã thấy ra lý đạo. 

NGƯỜI HỌC ĐẠO KHÔNG NÊN CỐ CHẤP TÔNG PHÁI HAY TÔN GIÁO

Câu hỏi: NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT.
Năm mới con kính chúc thầy nhiều sức khỏe.
Thưa thầy, con theo Phật nhưng con cũng tin Chúa nữa, con thường đi lễ chùa đọc kinh, đồng thời thỉnh thoảng con cũng đến nhà thờ đi lễ và cầu nguyện nữa, thưa thầy như vậy thì có được hay không, như vậy thì con có mang tội không thầy. Xin thầy giải bày cho con, con xin chân thành cảm ơn thầy. 
Trả lời:
Theo Kinh Kalama thì đức Phật dạy, bất cứ điều gì dù ai nói mà khi thực hành đem lại sự lợi ích cho mình và người, hướng đến giác ngộ giải thoát thì đều đáng học đáng làm. Người học đạo không nên cố chấp tôn giáo hay tông phái mà chỉ y cứ trên chân lý. Nếu con làm đúng như vậy thì đâu mang tội gì.


Ý NGHĨA ĂN CHAY


Câu hỏi: Con kính chào thầy ạ. Thưa thầy, thầy có thể cho con biết về ý nghĩa ăn chay trong Phật giáo không ạ. Con cũng thích dùng đồ ăn chay nhưng trong hoàn cảnh của con hiện nay quả thật là rất khó để ăn chay thường xuyên khi cùng sống trong gia đình, việc này có thể gây xáo trộn. Vậy liệu cách dùng thức ăn có ảnh hưởng nhiều đến quá trình tu tâp không ạ. Con xin chân thành cảm ơn.

Trả lời: Thức ăn có ảnh hưởng đến sự tu tập, chính vì vậy mà phải thông minh bén nhạy để nhận ra loại nào thích hợp với cơ thể của mình, tùy chỗ, tùy lúc chứ không nên theo một quy định sẵn có nào. Tây phương không gọi là người ăn chay mà gọi là người ăn rau củ quả (Vegetarians). Bởi vì nói ăn chay có vẻ như quy định nghiêm ngặt quá, trong khi ăn rau củ quả thì thoải mái hơn để tùy nghi thích ứng. 
Trong Phật giáo, mặc dù thức ăn cũng có ảnh hưởng đến việc tu tập, tuy nhiên thái độ ăn mới là quan trọng. Cho nên khi ăn cần chánh niệm tỉnh giác để thấy rõ thái độ ăn của mình hơn là máy móc tuân theo một quy định đã có sẵn.

THIỆN ÁC ĐÚNG SAI


Câu hỏi: Kính thưa Thầy! Con mong thầy trả lời câu hỏi sau ạ.
- Thiện hay ác có bao giờ thấy rõ rành mạch không ạ? Nước biển thời nay đục quá, chẳng thể soi bóng mà chỉ tâm được. 
- Con thấy ai cũng muốn ăn viên kẹo quyền lực, chẳng hạn; thường phải cần bằng chứng, đo lường để chứng minh con người đang tiến bộ về mặt tâm linh. Vậy hoặc là dừng ngay ăn kẹo, hoặc là đến cái bất biến hả thầy? Thầy giải thích cho con ạ. 
Chúc thầy mùa xuân an vui. 
Trả lời:
- Thiện ác đúng sai trong thế giới khái niệm (tục đế) thì đúng là khó phân biệt. Người trí thấy rõ thực tánh các pháp (chân đế) trong tâm. Tâm đục do vô minh ái dục nên không thấy rõ thiện ác. Khi tâm rỗng lặng trong sáng thì các pháp tự hiện rõ ràng.
- Năng lực tâm linh cao nhất không phải là bất kỳ quyền lực nào mà không là gì cả.