Tu là gì?


Tu là gì? Đây là một câu hỏi có quá nhiều câu trả lời khác nhau. Người thì nói tu là sửa, tu là diệt tham sân si, lại có người xem tu là phải có một pháp môn, một phương pháp như ngồi thiền, niệm Phật để đạt được mục đích như ý. Mà ngồi thiền để làm gì nhỉ? Để nhiếp tâm xem hơi thở ở bụng hoặc ở mũi sao? Rồi phải dụng công thế này, không phải thế kia. Ôi, sao mà phức tạp thế ! Không biết có bị tẩu hỏa nhập ma không đây?
Trải qua một thời gian tôi quên hẳn đi câu hỏi “Tu là gì?” Vì không ai cho tôi một giải đáp thỏa đáng. Lớn lên vui chơi với bạn bè, lấy chồng, sinh con, lặn hụp trong công việc làm ăn, danh lợi, cơm áo gạo tiền. Nhờ được “vô chiêu” của sư phụ trao nên nay cũng đã thấm nhuần được phần nào câu hỏi “Tu là gì?” khuấy lên trong tôi từ bấy lâu nay.
Lúc đầu Thầy tôi dạy tu là trở về thấy hoạt động thân tâm diễn ra như nó đang là. Thoạt nghe cũng là lạ, mịt mù, hoài nghi với ba cái ngôn từ chữ nghĩa. Trở về? Cái gì trở về? Trở về đâu? Thân tâm là cái gì? Đang là là sao? Không đang là là sao? Nghe ra thì dễ mà cũng khó dữ đây! Loáng thoáng mà đã gần ba năm. Ba năm trôi qua tôi mới thật sự hiểu được ý Thầy chỉ dạy. Vì lý do gì mà tôi mãi không thấy?
A, thì ra tôi đã khái niệm hóa tu là một cái gì đó thật khác thường, ở tận đâu đâu mà tôi chưa có nên quyết phải đi tìm cho bằng được. Trải qua bao thăng trầm, vùi dập tôi mới thấy ra tu là thấy mình như mình là. Nó ra sao thì nó là vậy, thế thôi. Không cần trở thành cái gì cả, vì tất cả đều đã hoàn bị nơi mình. Hèn chi Thầy tôi nói ngay đó mà thấy! Thế mà tôi cứ loay hoay bỏ nó đi, rồi lăng xăng tìm cái khác để trở thành!
Ủa, mà trở thành là sinh tử sao gọi là tu? Càng bỏ cái tôi này đi tìm cái tôi khác, cái tôi lại càng thấy khổ hơn. Wow! Tôi hiểu rồi! Mong muốn trở thành là vô minh ái dục, là luân hồi sinh tử, thế mà bấy lâu nay tôi cứ tưởng là mình tu dữ dội lắm, té ra đó không phải là tu, mà chỉ là tìm chỗ tái sanh thôi! Thầy tôi nói đừng có tu, để pháp tu giùm cho. Thế mà tôi không hiểu, nỗ lực tìm kiếm tu luyện thiếu đường tẩu hỏa nhập ma rồi mới chịu hiểu ra! Đúng quá! Tu là chẳng làm chi cả. Chỉ trở về trọn vẹn trong sáng để thấy pháp làm cho mà coi. Bao nhiêu đó học hoài không xong còn đòi làm gì nữa cho cuộc đời rắc rối thêm đây! Giận ư? Tham ư? Đố kỵ, lười biếng, toại nguyện, bất toại nguyện ư? Pháp đang giúp cho thấy đó, sao không thấy đi. Chỉ thấy thôi nha, đừng có thêm vô đó cái tôi đòi hỏi phải thế này thế nọ rồi cho là tu thì đúng là tu mù rồi đó! Ái dà, không biết có ai đã từng nhìn một cái gì mà thật sự thấy chưa, hay chỉ nhìn nó qua cặp kính màu khái niệm của mình thôi nhỉ? Nếu vậy thì có thực sự thấy gì đâu!
Lạ kỳ thật! Lúc đầu mới nghe Thầy nói, chỉ thấy thôi đừng làm gì cả, tôi tưởng là Thầy nói đùa, nếu không thì hẳn là Thầy có dụng ý gì cao siêu lắm, chẳng lẽ cứ thấy mình như mình là thì chán chết! Thế mà từ đó tới nay tôi đã khám phá ra nơi mình rất nhiều điều thú vị. Đây quả là cánh cửa giản dị mà kỳ diệu vô cùng. Nó hóa giải biết bao thắc mắc hoài nghi mà tôi đã kẹt cứng bấy lâu nay. Mọi nỗ lực lăng xăng hành động phản ứng của cái tôi cứng đầu cứng cổ đầy tham vọng – hết tham sinh tử đến tham Niết-bàn – cuối cùng cũng đành thúc thủ. Đúng là “Của Cesar trả về cho Cesar, của Thượng Đế trả về cho Thượng Đế !”
Ừ, mà làm cho cố thì cũng có làm gì được đâu! Ấy thế mà trước đây tại sao mình không chịu buông cái tôi luôn muốn tạo tác để trở thành ấy nhỉ. Cái mà Thầy gọi là “không làm gì cả” dễ như trở bàn tay thế mà cái tôi cứ bám chắc không chịu buông rồi khư khư cho là khó quá! Thấy là buông, buông là để nguyên, để nguyên không làm gì cả, không làm gì cả mới là tu! Ngộ thiệt đó! Thảo nào mình nghĩ hoài cũng không hiểu, bởi nghĩ suy toan tính tức là đã làm rồi, sao mà thấy như nó là được!
Mà cũng lạ thật đó! Từ khi học được cái chiêu vô chiêu “không làm gì cả” của Thầy thì mới biết không làm mới có khả năng làm tất cả mà vẫn không sai. Làm mà không bị cái tôi cằn nhằn hối thúc và trói buộc thì làm mà như không làm gì cả. Hèn chi đức Phật nói đạo của Ngài là: Không, vô tướng, vô tác (vô hành, vô vi), vô cầu là vậy.
Trước kia tôi thích nhất là ngồi thiền đắc định. Tôi cứ tưởng định tức tâm an nhiên trong định xả là tuyệt cú mèo rồi. Cũng hên tôi ngồi thiền có định, nên tôi quyết tâm bảo trì phát triển nó cho đến tột đỉnh mới thôi. Đến khi nghe Thầy tôi nói, “Định như vậy vẫn còn kẹt trong tưởng và tạo tác, chỉ là tạo tác vi tế làm tăng cái ngã mà thôi, sao con không buông ra cho thân tâm nghỉ ngơi vô sự, vô ngã?” thì tôi bàng hoàng choáng váng. Mặc kệ Thầy nói gì thì nói, tôi định được tội gì không định? Thế là tôi cứ ngồi nhập định cho nó thoải mái tấm thân, Thầy làm sao biết được mà mình cũng có tội gì đâu? Mình đâu có làm ác đâu?
Đến khi đụng phải những chuyện bất ngờ, những cú shock trở tay không kịp, những chuyện điêu ngoa lừa đảo... giữa cuộc đời đầy thị phi gian trá tôi mới thấy định cũng chẳng giúp được gì, mà chỉ làm cho tôi lớ ngớ thêm thì có. Việc gì khó khăn thì tôi cứ lấy định ra mà lờ đi cho qua chuyện, không chịu quan sát tinh tường để thấy ra sự thật, nên tôi đã ngày càng trở nên trì trệ, thụ động. Hèn chi đức Phật nói định nhiều thì sinh hôn trầm. Thì ra có thể Thầy tôi không biết tôi lén ngồi phát triển thiền định, nhưng cái trì trệ trong cách xử sự của tôi thì chắc chắn là không thể qua mắt Thầy được rồi! Tôi còn biết mình trì trệ huống chi là Thầy.
Bây giờ tôi mới thấy không cần tu luyện thiền định chi hết, mà chỉ cần tâm rỗng lặng trong sáng như Thầy thường nói là xong. Khi lái xe, khi làm việc, khi uống ăn... tâm rỗng lặng trong sáng, không đầy ắp những ý đồ của bản ngã, thì tánh biết sẽ tự ứng từ nhận thức đến hành vi rất bén nhạy chính xác một cách kỳ diệu.
Một hôm tôi lái xe trên đường với tốc độ nhanh theo luật giao thông của Úc, có một xe khác bỗng tiến thẳng vào xe tôi. Phản xạ tự nhiên của tánh biết giúp tôi lách qua một bên để tránh né an toàn trong gang tấc! Hành động này xảy ra trong tích tắc không kịp suy nghĩ tính toán gì cả, mà có muốn suy tính thì cũng được đâu. Tôi chỉ biết lúc đó tâm mình rất bình tĩnh sáng suốt. Thầy tôi nói tánh biết và pháp tự ứng không cần bản ngã xen vào định đoạt một cách chủ quan, cái ta lý trí chỉ làm cho sự việc càng thêm phức tạp và tồi tệ hơn thôi. Quả đúng là như vậy, từ khi thấy rõ tánh biết tự ứng như thế nào thì tôi cũng bắt đầu hiểu tại sao tu, là làm tất cả mà như không làm gì cả.

Đỗ Ngọc Quế