Hỏi đáp về Cuộc sống 1 [ THẦY VIÊN MINH]


HÃY TỰ CỨU MÌNH

Ngày gửi: 15-11-2012

Câu hỏi: Thưa sư thầy, con xin hỏi. Con có một người bạn tên HTH, 62 tuổi. Trong năm nay, chồng cô bị tai nạn xe gãy chân, cô ấy thì bị mổ mắt 2 lần và vừa qua lại 2 lần đi cấp cứu...

Cô lại bị mất một số tiền rất lớn và cứ ray rứt hoài nên bị bệnh nặng.
Vừa qua, cô đã lập đàn Dược Sư Phật để cầu hết bệnh, cúng dường đến chùa, tụng kinh, niệm Phật và đi phóng sanh nhưng cũng không hết bệnh và vẫn bất an.
Con có nói với cô, trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế này, có rất nhiều đại gia giàu có cũng đã mất rất nhiều tài sản, họ cũng rất đau khổ, cũng bị bệnh, có khi đi tù vì phá sản và nợ nần.
Xin sư thầy cho người bạn con một lời khuyên để có thể bình tâm trở lại.

Trả lời: Không ai khuyên hay bằng chính pháp nói lên một cách cụ thể từng giây từng phút qua nhân duyên nghiệp báo của mỗi người. Cách duy nhất là qua trải nghiệm đó mà chiêm nghiệm và học ra bài học của chính mình. Lời nói hay nhất vẫn là im lặng để mỗi người tự thâm nghiệm tình huống của riêng mình. Thành bại, được mất, khen chê, vui khổ không quan trọng mà quan trọng là có học ra từ đó bài học về chính mình và cuộc sống hay không mà thôi. Bạn con không biết tự cứu mình thì Bồ tát cũng chịu thôi, làm sao con giúp được?

HÓA GIẢI CẢM XÚC


Ngày gửi: 01-11-2012 

Câu hỏi: Kính thưa thầy, con có một người bạn. Giữa con và người bạn này mối quan hệ cũng không thân thiết lắm nhưng cùng là đồng nghiệp nên rất hay chạm mặt nhau. Kì lạ là cứ mỗi lần tiếp xúc với người bạn này, con lại có một cảm giác rất khó chịu. Bất cứ điều gì người đó nói hay làm đều làm con có một cảm xúc rất tiêu cực. Con thực sự không hiểu nguyên nhân do đâu. Vì nói cho đúng con cũng không phải là ghét hay không thích gì người bạn đó. Chỉ là tính cách và quan điểm có nhiều điểm không tương đồng nên khó có mối quan hệ thân tình thôi ạ. Con cũng đã cố gắng quan sát và nhận thức được là những phản ứng của mình là vô lý nhưng sự khó chịu đó cứ như đã ở đó tự bao giờ và con cứ vậy phản ứng lại một cách rất tự nhiên thôi ạ. Con muốn hỏi thầy là con nên làm thế nào để thoải mái hơn mỗi khi phải làm việc với người bạn đó ạ? Xin thầy từ bi chỉ bảo giúp con.

Trả lời: Có rất nhiều cách để hóa giải cảm xúc đó, vì vậy lẽ ra con nên tự mình tìm thái độ thích ứng để chuyển hóa, thầy chỉ đưa ra một vài thí dụ để góp ý thôi chứ không phải là công thức để áp dụng: 
1) Đừng để ý đến những điểm bất đồng mà nên suy nghĩ tốt về bạn ấy hoặc tìm những điểm tốt mà bạn ấy có. Vì bất cứ người nào xấu đến đâu cũng có những điểm tốt. Đó là cách phát triển tư tưởng không sân hay suy tưởng về bạn ấy với thiện cảm.
2) Khi cảm xúc ấy khởi lên con không nên hướng nó đến bạn ấy mà liền trở về cảm nhận hay lắng nghe cảm xúc ấy đang diễn ra trong con. Tập quan sát hay đọc được tất cả mọi cảm xúc, phản ứng, tư tưởng... ngay khi nó khởi lên trong con để xem nó sinh diệt thế nào.
3) Mỉm cười với cảm xúc đối kháng ấy của mình, và tập mỉm cười với mọi sự xảy ra xung quanh, mọi người con đang tiếp xúc hay đang nghĩ đến với tâm mát mẻ, cảm thông.
4) Tặng bạn ấy một món quà nhân sinh nhật bạn ấy hoặc mời bạn ấy đi ăn sinh nhật của con chẳng hạn, và có khi nào con thử ngồi tâm sự với nhau về những vấn đề đồng quan điểm với bạn ấy.
Vân vân và vân vân. 


XIN MỘT LỜI KHUYÊN

Ngày gửi: 27-10-2012


Câu hỏi: Con kính chào thầy! Con thưa thầy, con đang chìm trong những ngày đen tối nhất. Con chưa kết hôn, chưa xin được việc làm nhưng đã có em bé. Bố mẹ con giận lắm. Mẹ con luôn âu sầu, buồn bã, lo lắng cho con. Đôi lúc con tự hỏi việc giữ lại đứa trẻ này có đáng không khi bố mẹ con giận, buồn, lo lắng và cảm thấy ê chề với mọi người như vậy. Con xin thầy cho con một lời khuyên. 
Con xin đảnh lễ thầy !
 
Trả lời: Đó là bài học mà con nên thận trọng xem xét mọi khía cạnh của nó để thấy ra chính mình trong quan hệ với cuộc sống đa diện này, để nhận thức thế nào là đạo đức và trách nhiệm của một hành động, lời nói hay ý nghĩ của mình. Sai một ly đi một dặm, cho nên thận trọng chú tâm quan sát vẫn là bài học muôn đời. Dù con giải quyết cách nào thì cũng đều có hậu quả khó lường của nó. Được mặt này mất mặt khác khó có thể vẹn toàn như ý được. Đời là một chuỗi dài bất như ý như vậy đấy con ạ. Do đó nếu con một lần nữa quyết định không thận trọng thì chỉ kéo thêm một loạt vấn đề nan giải tiếp theo. 
Nếu phải giải quyết thì con nên giải quyết trên nền tảng đạo đức, tức trên nguyên tắc có tình có lý có trách nhiệmvà nhất là không hại mình hại người, chứ không giải quyết vì sợ mất một chút danh tiếng hay cái gọi là "danh dự" gì đó của mình và của những người xung quanh mà thực chất chỉ là hư danh. Nên giải quyết thái độ sống hơn là giải quyết hoàn cảnh sống, thái độ là nhân, hoàn cảnh chỉ là duyên mà thôi. Và chủ yếu không phải là tìm cách giải quyết vấn đề cho ổn thỏa, vì giải quyết cách nào không quan trọng, mà là có biết học ra từ đó bài học ý nghĩa đích thực về chính mình và cuộc sống hay không. 


LÀM SAO ĐỂ DỨT CUỘC SỐNG TRẦN TỤC

Ngày gửi: 19-10-2012 

Câu hỏi:
Kính bạch thầy cho con hỏi.
Làm sao để dứt được cuộc sống trần tục này?
Thoát ra khỏi được những mối quan hệ chằng chịt trọng cuộc đời thường?
Làm sao để tròn được Tình và nghĩa?

Trả lời:
1- Cuộc sống vốn không trần tục nhưng nó trở nên trần tục là do thái độ sống trần tục của mỗi người. Vậy chỉ cần dứt cái trần tục trong lòng mình lúc đó như Phật dạy: "Tâm thanh tịnh thì thấy các pháp đều thanh tịnh" tức là tâm bình thì thế giới cũng bình chứ không trần tục như mình tưởng. Thái độ trần tục xuất hiện nơi thân, thọ, tâm, pháp do đó muốn dứt trần tục thì chỉ cần thường trở về trọn vẹn trong sáng (tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác) với thực tại thân tâm cảnh là được.
2- Quan hệ chằng chịt cũng xuất phát từ lòng mình hơn là sự liên hệ với thế giới bên ngoài. Lệ thuộc vào mối quan hệ xã hội chứng tỏ tự mình không đủ lực an nhiên tự tại. Khi một tâm hồn đã an nhiên tự tại thì sẽ sống vô ngại trong mối quan hệ mà chỉ thấy sự tương giao tự nhiên chứ không hề bị ràng buộc. Cảm thấy bị ràng buộc chính là cái ta ảo tưởng. Vậy chỉ cần thoát ra khỏi cái ta ảo tưởng thì có thể ung dung trong ràng buộc trong bất kỳ mối quan hệ nào.
3- Cứ sống tuỳ duyên thuận pháp vô ngã vị tha thì đã trọn tình trọn nghĩa chứ đợi trọn thì biết bao giờ mới trọn. Không thể chỉ ngồi cầu toàn sao cho trọn tình trọn nghĩa mà chỉ cần sống hết lòng rồi có sai thì điều chỉnh lại nhận thức và hành vi cho đúng tốt là sẽ trọn tình trọn nghĩa được thôi. 


NGƯỜI MẤT TRÍ

Ngày gửi: 19-10-2012

Câu hỏi: Thưa Thầy! Bản chất sống thực của một con người không ở một quy định nào cả, điển hình như một người bị mất trí nhớ hay một người điên chẳng hạn: Họ đang sống hoàn toàn thực mà không che đậy hay bảo vệ bằng một quan điểm hay quy định nào cả. Người mất trí thì trên cái mới mẻ họ đang sống vẫn bị quan niệm chi phối, còn người điên thì họ hoàn toàn sống với họ mà bỏ mặc mọi thứ chung quanh đang chê trách họ thế này thế kia. Họ chỉ khác người là họ không biết minh đang như vậy, quên mất lợi mình lợi người mà thôi. So với người đầy đủ tất cả thì lại che đậy cho mình bằng mọi hình thức, triết lý, luận lý, phương tiện này nọ v v... Nói về giác hay chưa giác thì đều như nhau, nhưng về sống thực thì hai loại người gần như bị chối bỏ đó lại sống thực hơn. Khi hỏi vậy con không phân minh trong đó. Con xin hỏi thầy về sự sống không lấy bỏ chọn lựa này hoàn toàn có mâu thuẫn không? Con xin kính thầy!
Trả lời: Người mất trí có thể chỉ sống với bản năng, với sự điều động của nghiệp quả và cũng có thể đang sống với những hoang tưởng của anh ta. Như vậy là không che đậy bằng ý thức hay lý trí, nhưng vẫn bị che đậy bởi hoang tưởng, si mê hoặc nghiệp lực. Sự khác biệt giữa người mất trí với người lý trí là người mất tri sống với tưởng tri nên không biết phân biệt lý luận, còn người lý trí thì sống với thức tri nên biết phân biệt, lý luận nhưng rất chủ quan, nghi hoặc và luôn phân vân chọn lựa lấy bỏ. Chỉ có người tuệ tri mới có thể thấy rất phân mình nhưng tâm lại không chọn lựa lấy bỏ bởi đã thấy rõ thực tánh pháp là như thị. 


Dù biện pháp nào thì cũng phải xuất phát từ TÌNH THƯƠNG YÊU

Ngày gửi: 13-10-2012

Câu hỏi: Kính thưa Sư!
Con có đứa em trai út 18 tuổi, đang bắt đầu học cao đẳng năm thứ nhất. Em con tính tình lông bông ham chơi, thích thể hiện, ưa làm bất cứ điều gì để có tiền ăn chơi, kể cả lấy tiền của ba mẹ, lấy đồ trong nhà đem đi bán, hay nói láo để mượn được tiền mọi người quen để tiêu xài. Gần đây lại bỏ nhà ra ngoài sống với bạn bè. Ba mẹ con đã kêu về rồi lại đi, khiến ba mẹ con vô cùng khổ tâm và lo lắng! 
Xin Sư chỉ dạy cho gia đình con nên làm thế nào với em con? "Bỏ thì thương, mà sương thì nặng", nếu cứ bảo bọc và bỏ qua lỗi lầm cho em có cơ hội làm lại thì có khiến em con càng hư hơn không? Làm cách nào để uốn nắn lại em con quay về với điều hay lẽ phải đây thưa Sư?
Trả lời: 
Một sự kiện xẩy ra luôn có nhân có duyên của nó. Em con là một hiện tượng mà muốn giúp em thì nên xem xét lại mọi hướng: điều kiện sống trong gia đình và môi trường xã hội (học đường, bạn bè, sự thân cận...) của em như thế nào, cách giáo dục, cách cư xử, tình thương yêu của những thành viên khác trong gia đình đối với em ra sao, thể lý và tâm lý em ở tình trạng nào, v.v. và v.v... Từ đó mới có biện pháp cụ thể để giúp em thoát khỏi những thói hư tật xấu. Tất nhiên không thể loại bỏ em được, vì nếu em là kẻ xấu mà loại em ra khỏi nhà thì để xã hội phải gánh lấy tai họa sao? Nếu trong nhà không có cách nào tốt thì nên nhờ đến những tổ chức giáo dục cải tạo khác giúp đỡ. Có điều con nên lưu ý là dù biện pháp nào thì cũng phải xuất phát từ tình thương yêu.


 NHẬN RÕ CHÍNH MÌNH

Ngày gửi: 12-10-2012 

Câu hỏi:
Bạch thầy, 
Thầy dạy con sứ mệnh lớn nhất của đời người là nhận rõ chính mình trong bối cảnh cuộc sống. Vậy làm sao để nhận rõ điều đó? Có phải khi bối cảnh sống và bản thân ta thay đổi thì nhận thức về con người ta sẽ thay đổi. Con nghĩ đời ta phải có một thể thống nhất có đúng không thầy? 
Con thấy cuộc sống là vô thường, không biết liệu một việc xảy đến là phúc hay họa, không biết việc làm này là đúng hay là sai. Vì thế nhiều khi con hoài nghi và tự vấn việc mình đang và sẽ làm. Vì thế con đôi khi hay luẩn quẩn trong tư tưởng.
Trả lời: Đó là bệnh lý trí phân vân nghi hoặc của tất cả mọi người khi chưa thấy ra lẽ thật nơi chính mình và cuộc sống. Nhưng để thấy ra chính mình thì cần một quá trình điều chỉnh thái độ nhận thức và hành vi. Sai cũng là một nhân tố để thấy ra cái đúng, nhờ vậy mới có quá trình điểu chỉnh cho đến khi hoàn toàn đúng tốt. Một người có nhận thức và hành vi hoàn hảo gọi là bậc Minh Hạnh Túc. Thể thống nhất chỉ có khi biết trở về trọn vẹn trong sáng với chính mình và làm gì cũng thận trọng chú tâm quan sát một cách tự nhiên chính là cách tốt nhất để nhận rõ chính mình trong cuộc sống. 



Ngày gửi: 12-10-2012
Câu hỏi: Kính thưa Thầy, xin Thầy bắt mạch giúp bệnh tình của con với ạ. Con thấy tâm tĩnh lặng nhưng sự nghiệp của con thì vô cùng trắc trở, khó khăn. Con làm nghề kế toán. Trong công việc con luôn nỗ lực không ngừng để hoàn thành nhiệm vụ được giao, thậm chí luôn đạt kết quả xuất sắc và được mọi người trong công ty ghi nhận. Nhưng, trớ trêu thay, bên cạnh con luôn có những đồng nghiệp cả nam lẫn nữ hành xử xấu xa với con, Thầy ạ. Họ luôn có những mưu mô, suy tính có lợi cho chính bản thân họ và bắt con phải làm nhưng con không đồng ý, bởi nó trái với lương tâm của con. Từ đó, họ gây khó dễ cho con. Vì vậy, con không thể làm việc chung cùng với họ. Lạ thay, khi con quyết định nghỉ việc thì họ lại cứ níu kéo con, Thầy ạ. Bản thân con khi đã quyết định làm như vậy là con đã hết sự nhiệt tình, tận tâm với môi trường làm việc đó rồi. Thứ nữa, nếu con thỏa hiệp với họ nghĩa là con dung túng cho những việc làm sai trái của họ. Xin Thầy cho con lời khuyên để con được sống trọn vẹn hơn. Con kính chúc Thầy sức khỏe và tạ ơn Thầy nhiều ạ!
Trả lời: Con giống Khuất Nguyên đời xưa rồi đó. Trong quan trường tham quan ô lại quá nhiều nên ông không chịu nổi và từ quan. Khi đi qua sông Thương Lương ông than sao mà nước sông đục quá. Một ngư ông nghe lời than biết rõ tâm sự của ông, một quan vị nổi tiếng liêm khiết nên cất tiếng hát: "Thương Lương chi thủy thanh hề khả dĩ trạc ngã anh, Thương Lương chi thuỷ trược hề khả dĩ trạc ngã túc" (Nước Thương Lương trong ta giặt dãi nón, nước Thương Lương đục ta lại rửa chân).
Xưa nay đời vẫn thế
Nhưng là trường học hay
Thị phi dìm kẻ ác
Người trí vẫn đường ngay. 


Đời là bất toàn, nhân cũng vô thập toàn

Ngày gửi: 11-10-2012

Câu hỏi: Thưa Thầy con có một chị em bạn đã chơi chung với nhau. Về công việc thì tính toán với con từng chút, nói chung là muốn cái gì tốt, và sướng đều về mình, không chịu phấn đấu mà muốn hưởng thụ, nên con rất là bức xúc chị ấy. Nhưng con có suy nghĩ, nếu con không tỏ thái độ phản đối thì giống như con dung túng chị ấy, còn nói ra thì chị ấy vì mình mà tổn thương. Thưa thầy con phải nghĩ như thế nào cho đúng, mình cũng thoải mái trong cư xử và chị ấy cũng không tổn thương, con cảm đức Thầy!
Trả lời: Quan trọng là cách nhìn và thái độ của con đối với bạn ấy chứ không phải là cách ứng xử với bạn ấy sao cho vẹn toàn. Chẳng có cái gì vẹn toàn được mọi phương diện, hễ được mặt này thì mất mặt khác, đời là bất toàn, nhân cũng vô thập toàn mà con. Vậy con cứ tùy cơ ứng biến chứ không nên cầu toàn, chủ yếu là tâm con trầm tĩnh, sáng suốt và trong lành hiền thiện là được còn ứng xử như thế nào thì tùy lúc tùy nơi tùy tính chất của mỗi người, mỗi sự việc. Khi cần im lặng thì im lặng, khi cần nói năng thì nói năng, khi cần thẳng thắn thì thẳng thắn, khi cần nhu mì thì nhu mì... chủ yếu là có hiệu quả tốt cho bạn ấy hay không chứ không phải là vấn đề tổn thương hay dung túng. Nếu nói thì lời nói cần phải chân, thiện, mỹ, đúng chỗ, đúng lúc thì mới đạt hiệu quả tốt được. 
Sứ mệnh lớn nhất của một đời người là biết rõ chính mình trong bối cảnh cuộc sống

Ngày gửi: 11-10-2012

Câu hỏi: Bạch thầy, đầu tiên con chúc thầy mạnh khỏe. Gần đây con trăn trở không ăn không ngủ về sứ mệnh của mình. Con muốn tìm ra nhiệm vụ của đời mình để làm tốt nhất có thể mà không sao biết được việc nào là việc con sẽ lựa chọn. Con thấy mình từ nhỏ có thiên hướng làm kinh doanh, 12 tuổi đã tự làm kinh doanh và thấy mình rất giỏi trong lĩnh vực đó. Nhưng gần đây con lại có những tư tưởng liên quan đến chính trị, con muốn làm những điều tốt đẹp cho xã hội và các duyên về chính trị cứ đến với con, làm khởi phát trong tâm trí con những suy nghĩ về chính trị. Vậy con phải làm thế nào để tìm ra nhiệm vụ của đời mình?
Câu thứ 2 con muốn hỏi thầy: Trong đời sống hay trong đối nhân xử thế thì không nên đa sầu đa cảm nhưng con nhận thấy mình là người đa sầu đa cảm, con đã tìm các thông tin nhưng chưa có câu trả lời làm sao để bỏ thói đa sầu đa cảm. Mong thầy trả lời giúp con. Con xin cám ơn thầy nhiều!

Trả lời:
1) Theo thầy thì sứ mệnh lớn nhất của một đời người là biết rõ chính mình trong bối cảnh cuộc sống. Nếu con chọn kinh doanh hay làm chính trị mà không biết rõ mình trong hoàn cảnh mình đang sống thì làm gì cũng thất bại thôi. Người ta có lý khi nói "biết mình biết người trăm trận trăm thắng", phải không?
2) Người đa sầu đa cảm xấu nhất là người bi quan yếm thế và cũng có thể tốt nhất là có lòng bi mẫn. Cho dù tốt nhất thì bi mà thiếu trí thiếu dũng vẫn là bi lụy mà thôi. Muốn có trí thì phải thận trọng, chú tâm, quan sát mọi việc cho tỏ tường. Muốn có dũng thì phải mạnh dạn, tích cực, cần mẫn, hăng hái trong việc lợi mình lợi người. Con muốn làm kinh tế, chính trị mà đa sầu đa cảm là chưa biết mình biết người, chưa có đủ bi, trí, dũng đó nghe! 


Cứ Tuỳ Duyên mà ỨNG, Tùy Cảnh mà AN

Ngày gửi: 09-10-2012


Câu hỏi: Thưa Thầy! Con có một số người bạn đã cùng con trải qua một thời gian dài trong khó khăn, đồng cam cộng khổ, giờ cuộc sống đã tạm ổn, vậy mà bạn ấy vì những lí do vô lý, mà rời xa con, vậy con phải làm sao cho đúng với lương tâm của mình? Nếu con không giữ lại có vẻ như vô tình quá, còn giữ lại thì như con đã ràng buộc bạn ấy chịu cực khổ cùng con, thì như vậy con thấy mình ích kỷ. Thưa Thầy con phải suy nghĩ như thế nào cho đúng? Con cảm đức Thầy! 
Trả lời: Con đừng suy nghĩ tính toán quá nhiều mà chỉ nên sống tuỳ duyên thuận pháp thôi. Lý lẽ không bao giờ phù hợp với sự vận hành tự nhiên của pháp. Giống như nước cứ tuỳ duyên mà chảy chứ không tính trước đường đi nước bước của mình, vậy mà nước không bao giờ thấy mình bị trở ngại, chịu tất cả mọi thứ mà tính nước vẫn trong. Con chỉ cần sống sáng suốt định tĩnh trong lành còn mọi chuyện cứ tuỳ duyên mà ứng, tùy cảnh mà an chứ đừng tìm một sự an toàn hay hoàn hảo lý tưởng nào. Lòng con hồn nhiên trong sáng thì vạn pháp đều an nhiên vô ngại. 

Chính vì sự bất toàn nên tất cả mọi người đang cần học BÀI HỌC GIÁC NGỘ của mình

Ngày gửi: 08-10-2012

Câu hỏi: Thưa Thầy con đã phát tâm tu từ nhỏ, đến nay đã trải qua một thời gian con gặp một số khó khăn trong cuộc sống, con đã cảm nhận được sự xa lánh của những ngư
i xung quanh con. Giờ khó khăn đã tạm ổn, nhưng tâm con lại rất lạnh lùng, xa lạ với mọi người. Con biết một người tu như thế là không đúng, nhưng con không biết phải làm sao để trở lại bình thường, tâm con bất mãn những người mà con từng quen biết. Con kính mong Thầy cho con lời khuyên, con cảm đức Thầy!

Trả lời: Có thể là trước đây con sống hơi lý tưởng, muốn ai cũng tốt đẹp như một mẫu tiêu chuẩn đạo đức hoàn hảo nào đó, và chính ý tưởng tu hành của con cũng xuất phát từ lý tưởng đó. Nhưng khi thấy những người thân không như ý muốn của mình thì con đâm ra chán nản và cảm thấy lạnh lùng xa lạ với họ. Con nói đúng, một tâm lạnh lùng không phải là tâm người tu tốt. Tâm cần tỉnh thức và linh động đầy trí tuệ và từ bi để tiếp ứng với pháp đến đi sinh diệt trong cuộc sống mới đúng. 
Bây giờ khi con có nhận thức đúng hơn về cuộc sống, về bài học nhân quả nghiệp báo trong hoàn cảnh riêng của mỗi người thì con dần dần biết thông cảm và yêu thương mọi người hơn. Đừng lý tưởng hóa bản thân hay người khác trong một khuôn mẫu cầu toàn, mà hãy lắng nghe, chiêm nghiệm, học hỏi sự bất toàn nơi chính mình và người khác để thấy ra nguyên lý vận hành của cuộc sống. Chính vì sự bất toàn nên tất cả mọi người đang cần học bài học giác ngộ của mình trong hoàn cảnh riêng và chung, do đó mọi người cần thương yêu thông cảm lẫn nhau hơn là chỉ muốn mong cầu hoàn hảo. 


SỐNG TRỌN VẸN TRONG MỌI HÌNH THỨC

Ngày gửi: 02-10-2012

Câu hỏi: Thưa thầy!
Có người Phật tử hỏi một câu hỏi mà con nghe cũng có lý và thực tế. Không nói đến truyền thống tôn giáo, bên cạnh các vị sư, các vị cư sĩ và giới tử đang sống với hình tướng như vậy phải chăng là đang trốn chạy cuộc đời? Trai trẻ sao lại gạt bỏ tương lai vào đây để sống cuộc sống không có "hình thức" nào như vậy? Lại hỏi thêm là, phải chăng không có lập trường nên phải sống như vậy? Sống như vậy có lợi ích gì chăng? Và sinh sống bằng tứ vật dụng của tín thí như vậy không sợ tội người ta hả? Mặc dù nhận thức mỗi người mỗi khác, nhưng con thấy câu hỏi cũng hay và thực tế cho đời sống chúng con bây giờ nên con kính thầy giảng dạy!
Con xin cám ơn Thầy. 

Trả lời: Khó nói lắm. Tất cả hình thức đều rơi vào một trong hai trường hợp:
1) Đó là hình thức đương nhiên của một giai đoạn tất yếu phải vậy
2) Đó là hình thức trốn chạy một thực tế khác.
Ví dụ, một người ở đời chọn hình thức lập gia đình thì có thể là đương nhiên anh ta phải như vậy, mà cũng có thể là anh ta đang trốn chạy đời sống độc lập một mình.
Một tu sĩ cố gắng tu tập để giải thoát sinh tử có thể là đương nhiên đến lúc anh ta phải thế, mà cũng có thể anh ta đang trốn chạy đối diện với sinh tử để học bài học giác ngộ của mình.
Nếu một chú giới tử muốn trở thành hình thức nhà sư thì cũng có thể là chú ấy đến lúc cần được thọ giới, mà cũng có thể chú ta muốn khẳng định mình dưới hình thức nhà sư để trốn chạy giai đoạn tất yếu phải làm giới tử của mình v.v. và v.v...
Vậy làm sao biết được ai đang đương nhiên cần ở trong hình thức này, và ai đang mượn hình thức này để trốn chạy một điều gì khác? Theo thầy, tốt nhất là đang ở trong hình thức nào thì cứ trọn vẹn trong sáng với hình thức đó tức là trọn vẹn với pháp, trọn vẹn với chính mình, chứ không trốn chạy gì cả. Và điều này thì chỉ người trong cuộc mới biết mình đang trọn vẹn với mình hay đang trốn chạy, còn nếu người nào chỉ đứng bên ngoài để phê phán đánh giá thì biết đâu anh ta mới là người đang trốn chạy tính chất "như thị" của một hình thức mà anh ta cho là, phải là hay sẽ là theo ý muốn chủ quan của mình? 


CUỘC SỐNG NÀY BUỒN CHÁN QUÁ

Ngày gửi: 18-09-2012

Câu hỏi: Bạch Thầy: Con thấy cuộc sống này buồn chán quá, con không biết mình phải làm gì bây giờ, con xin Thầy cho con một lời khuyên. Con cảm ơn Thầy! 

Trả lời: Không phải cuộc sống buồn chán mà trong lòng con buồn chán. Có thể con thấy cuộc sống không như ý muốn của mình, hoặc con nhận thức sai lầm về ý nghĩa cuộc sống và cũng có thể con đã làm gì đó khiến con thất vọng về bản thân mình trong hoàn cảnh xã hội mà con đang sống nên mới sinh ra buồn chán. Có thể là con chưa biết cách sống trọn vẹn với chính mình từng giây phút nên không thưởng thức được vẻ đẹp của cuộc sống? 
Con nên thận trọng chú tâm quan sát lại thân tâm mình trong từng giây phút thì con sẽ hiểu ra nguyên nhân sự buồn chán của con, đồng thời con sẽ hiểu ra ý nghĩa đích thực của đời sống. Ví dụ như trong khi ăn cơm con đừng suy nghĩ lung tung mà chỉ trọn vẹn tỉnh thức với chính mình để cảm nhận được hương vị của miếng cơm đang nhai thì con sẽ thấy vẻ đẹp kỳ diệu bất ngờ của cuộc sống mà bấy lâu con đã bỏ quên để chạy theo ảo tưởng. 

NGỘT NGẠT VÀ MỆT MỎI TRONG CUỘC SỐNG

Ngày gửi: 13-09-2012

Câu hỏi: Con xin đảnh lễ Thầy!
Dù con được biết Thầy đã lâu nhưng hôm nay con mới đủ duyên tiếp nhận lời dạy bảo của Thầy. Con đang rất buồn và khó xử không biết phải làm thế nào đây. Con hiểu rằng mình sinh ra trong cuộc sống tạm bợ này là để trả nghiệp "ta đi với nghiệp của ta" nhưng thật tâm con làm điều đó khó quá.
Từ nhỏ con sinh ra trong gia đình không đầy đủ tình yêu thương của cha mẹ, tự sống học tập và vươn lên trong sự buồn tẻ cô đơn. Đến khi con lập gia đình, ước nguyện lớn nhất của con là phải sống hạnh phúc để con mình không giống như mình. Cuộc đời không mặn mà với con Thầy ạ. Con cảm giác cuộc sống của con bây giờ là sự ngột ngạt và mệt mỏi kinh khủng. Bà con bên chồng, ba mẹ chồng và chồng con là 3 tảng đá lớn như dìm chết con vậy. Con nhớ một lời dạy rằng "khi làm việc gì mà thấy lòng bất an thì không nên làm, còn nếu nghĩ đến việc làm đó thấy an vui thì việc đó là đúng". Vấn đề lớn nhất của con bây giờ là khi suy nghĩ về ly hôn con cảm thấy rất an vui, nó làm lòng con nhẹ nhõm như vừa thoát khỏi u tối cũng như ngột ngạt nhất. Xin Thầy hãy cho con biết tại sao con lúc nào cũng có cảm giác như vậy? 
Con thành kính tri ơn Thầy.
Trả lời: 
Giống như một người đang ở trong tù thấy ngột ngạt nên khi nghĩ đến ra tu tất nhiên là thấy nhẹ nhõm rồi. Tuy nhiên càng thoải mái khi nghĩ đến vượt ngục thì càng thấy ngột ngạt hơn khi thấy mình còn ở trong tù. Ly hôn hay không là tùy thái độ nhận thức của con nên thầy không có ý kiến về việc đó. Quan trọng là thái độ đúng tốt trong quyết định của con, chứ không phải con chọn quyết định nào. Vấn đề không phải là điều kiện hạnh phúc hay đau khổ mà là con có học được gì từ những niềm hạnh phúc hay đau khổ đó điều gì hay không. Có giác ngộ mới có giải thoát, nếu chưa giác ngộ mà cố gắng giải thoát thì chỉ bỏ đau khổ này để lấy đau khổ khác mà thôi. Sự giác ngộ giải thoát chỉ có trong thái độ tâm hồn con. Hãy hiểu chính con thật rõ thì con mới thấy ra những phẩm chất đích thực của bản thân và cuộc sống.