Những đức hạnh căn bản của con người.


Có một câu truyện xưa được kể lại về một nhà ẩn tu ở Tây Tạng tên là Geshe Ben. Ông đang trong thời kỳ nhập thất. Một hôm , ông nghe nói vị thí chủ đang bảo trợ cho ông tu ẩn cư muốn đến thăm. Thế là ông lo dọn dẹp phòng ốc sạch sẽ, sắp xếp lại điện thờ thật ngăn nắp, bầy biện các đồ cúng thật hoàn hảo, rồi ngồi đợi đón tiếp vị thí chủ. Đột nhiên, ngay trước khi vị thí chủ ấy đến nơi, ông tự xét lại động cơ của mình rồi nói,
" Ta đang làm gì đây? Thật ra tất cả chỉ là một màn kịch giả tạo!

Ta chỉ muốn tạo nên một ấn tượng tốt thôi, chứ chẳng có gì khác!"
Thế là ông bốc một nắm tro từ trong cái lò gần bên rồi tung hết lên điện thờ, vương vãi cả lên những đồ cúng. Một đại sư tên là Padampa Sangye nghe kể lại câu chuyện này, đã gọi đó là " sự cúng dường lớn nhất trong cả nuớc Tây Tạng."
Động cơ trong sáng và một tấm lòng tốt chính là điều cơ bản cho việc tu học Phật. Tôi nhớ đại sư Dudjom Rinpoche (1904-1987) thường hay nói là, một người tu cần phải có ba đức tính:

Thứ nhất là sampa zangpo, một tấm lòng tốt .

Thứ hai là tenpo, sự vững chãi và kiên định.
Một trong những chướng ngại lớn nhất của chúng ta là thiếu kiên định. Dù chúng ta có muốn vững chãi và kiên định đến đâu, tất cả mọi sự trên đời này đều vô thường, chuyển biến không ngừng, kể cả tâm tư ta. Nếu tâm ta không mạnh mẽ, ta có thể bị cuốn hút theo hoàn cảnh và những đổi thay trước mắt. Ta sẽ không có được sự kiên định đối với những vô thường trước mắt.
Nói đến kiên định, có rất nhiều người trong chúng ta lại quá kiên trì trong những điều tiêu cực - đó là sự cố chấp, cố thủ trong những quan điểm sai lầm của mình. Thật đáng buồn là đối với việc học đạo chúng ta lại thường không có được sự kiên trì như vậy - đó là bởi vì ta không thấy Pháp với mình là một, nên không có được sự vững chãi nơi mình.
Nói ví dụ, một xâu chuỗi có sợi chỉ xuyên suốt qua tất cả những hạt, giữ chúng lại với nhau. Chúng ta cũng vậy, cần có một sợi chỉ sáng suốt và vững chãi xuyên qua tâm mình. Bởi vì khi có một sợi chỉ xuyên qua, dù cho mỗi hạt đều riêng biệt với nhau, chúng vẫn liên kết với nhau. Khi đã thấm nhuần Pháp, ta có được sự vững chãi, như thế là ta có một sợi chỉ xuyên qua để chống giữ cuộc đời mình khỏi bị tan nát đổ vỡ. Và khi có được sợi chỉ ấy, ta cũng sẽ có được sự uyển chuyển trong đời sống. Ta sẽ có được tự do để làm một con người riêng biệt và độc đáo, trong khi có sự vững chãi và thú vị đối với mọi sự. Đó là đặc tính mà ta cần phải tu luyện và phát triển; đó chính là sợi chỉ xuyên qua.
Không có kỷ luật bản thân sẽ rất khó để phát triển sự vững chãi; vì thế chúng ta cần phải tu tập. Và khi chúng ta sống thuận theo Pháp, khi chúng ta đi theo sự chỉ dẫn của thầy, khi chúng ta nương vào Phật, Pháp, Tăng, ta sẽ thực sự có được sự vững chãi trong tâm. Như thế, ví như khi ta đã quy y, ta tìm thấy sự quy y nơi chính mình; khi ta cần có ta, ta đã có ở đó cho chính mình. Có rất nhiều lần, khi ta cần có ta, ta lại không có ở đó cho chính mình.

Đức tính thứ ba mà đại sư Dudjom Rinpoche nói đến là lhopo - tức là có sự cởi mở, thoải mái với chính mình.
Khi chúng ta thoải mái với chính mình, ta sẽ thoải mái với người khác. Khi chúng ta không thoải mái với chính mình, ta sẽ cảm thấy bất an, khó chịu, nhất là khi đang ở cùng với những người khác.
Hãy tưởng tượng bạn đang ở trong một buổi tiệc của giới thượng lưu trí thức tại Paris. Đủ mọi loại người có mặt ở đó, từ những gốc gác khác nhau, hơi khác với bạn. Một người trông có vẻ rất thành công và lịch thiệp quay qua chào hỏi bạn. Nhưng cái cách ông ta nói "Bonjour" có một vẻ gì kiêu kỳ trong đó, trong dáng đứng cao, nhìn xuống bạn một cách kẻ cả. Nếu bạn thoải mái với chính mình, bạn sẽ không thấy có vấn đề gì. Dù ông ta có nói "bonjour" dẻo quẹo và nhìn bạn một cách trịch thượng, bạn vẫn thấy hoàn toàn tốt đẹp, bởi vì đối với bạn đó chỉ là một câu chào bon jour không hơn không kém, vì bạn cảm thấy thảnh thơi với chính mình.
Khi chúng ta thảnh thơi với chính mình, dù bất cứ chuyện gì xẩy ra cũng không thành vấn đề đối với chúng ta, bởi vì ta đã có được sự quân bình và vững chãi nơi mình. Ta không cảm thấy thiếu tự tin gì cả. Nếu không, ta sẽ luôn luôn dao động, chờ xem người khác đối với ta như thế nào, họ nói gì và nghĩ gì về ta. Sự tự tin của ta treo trên những điều người ta nói với ta về ta, về hình dáng, cách xử sự của ta như thế nào. Khi chúng ta thực sự tiếp xúc với chính mình, ta biết là con người thực sự của mình vượt lên trên những lời nói của người khác.
Như vậy, có thể nói rằng, ba đức tính này - một tấm lòng tốt, sự vững chãi và thoải mái cởi mở - thực sự là những đức hạnh căn bản của con người.


 Sogyal Rinpoche
Diệu Huyền phóng dịch


Trích từ bài "Đi tìm sợi chỉ xuyên qua" (Finding the Thread), quyển " Mất những tầng mây" (Losing the cloud) do Đại sư Sogyal Rinpoche viết., Tricycle số mùa hè 2008.