Cho nên các Thiền sư Trung Quốc trước khi khai ngộ phải cố gắng tu hành, sau khi khai ngộ phải tìm vị Thầy giỏi hơn hướng dẫn cho. Và chỉ có sau khi khai ngộ mới biết người như thế nào mới là vị Thầy giỏi.
Sau đó chính mình lại cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa.
Thiền, không nhất định phải tĩnh tọa. Cho nên Lục Tổ Đàn Kinh nói: “Môn Tọa Thiền này vốn không chấp tâm, cũng không chấp tịnh, cũng không phải không động.” Lại nói “Có người dạy ngồi, khán tâm quán tịnh, không động không khởi, do đây lập công khoá, người mê không biết chấp trước thành điên đảo.” Lục Tổ chủ trương: “Định là thể của huệ, huệ là dụng của định. Ngay lúc huệ, định ở trong huệ; ngay lúc định, huệ ở trong định.” Cho nên chúng ta không thấy Lục Tổ Huệ Năng tĩnh tọa. Thiền sư Hoài Nhượng, đời thứ hai sau Lục Tổ, khi thấy Thiền sư Mã Tổ Đạo Nhất ngồi Thiền, đã nêu lên một ví dụ: “Tọa Thiền cầu thành Phật, chẳng khác nào mài gạch để làm gương.”
Nhưng trong nhiều ghi chép về Thiền học, chúng ta lại thấy rất nhiều Tổ sư Thiền tông tọa Thiền. Trong “Thanh Quy” của Tổ Bách Trượng (đệ tử Mã Tổ), có ghi câu “ngồi Thiền đã lâu”. Có điều Thiền Tông không chỉ coi trọng việc ngồi Thiền, mà mọi thời điểm, mọi động tác trong cuộc sống hàng ngày đều được xem là tu hành.
Chúng ta đọc nguyên tắc sống của Tổ Bách Trượng, không thấy ghi chép Tổ một ngày ngồi Thiền bao lâu, nhưng Tổ từng nói câu: “Một ngày không làm, một ngày không ăn”. Điều đó cho thấy cách tu hành chủ yếu của Tổ chính là “Lên núi khai hoang, xuống ruộng cày bừa.”
Lục Tổ Huệ Năng cũng vậy. Trước khi gặp Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn, Ngài là một người đốn củi, sau khi gặp Ngũ Tổ, Tổ cũng không bảo Ngài đi tọa thiền, trái lại bảo Ngài xuống nhà bếp giã gạo. Chúng ta phải biết rằng ngay khi làm việc, tâm Ngài luôn ở trong trạng thái ổn định, bình tĩnh, sáng rỡ, không một gợn sóng tình phàm. Người như thế mới có thể đạt được sự khai ngộ thật sự.
Nhưng cũng cần có sự dẫn đạo về giáo lý. Đại sư Huệ Năng thật sự khai ngộ khi nghe được Kinh Kim Cang, nhờ đó Ngài có thể biện biệt rõ chỗ giống nhau và khác nhau của chấp trước và không chấp trước, ngã và vô ngã v.v…
Do đây có thể thấy “giáo lý” vẫn rất quan trọng. Tuy Thiền tông nói “không lập văn tự”, nhưng ý là nói không chấp trước vào ngôn ngữ văn tự, nhưng vẫn phải từ ngôn ngữ văn tự nhận được tin tức, có được sự chỉ đạo đúng đắn, đó gọi là “mượn giáo để ngộ tông”.
Nếu Lục Tổ không nghe được câu kinh “Nên không có chỗ trụ mà sanh tâm kia” trong Kinh Kim Cang thì Ngài không thể khai ngộ. Và nếu Ngài chỉ ôm giữ, chấp cứng câu đó thì Ngài cũng không thể khai ngộ. Cho nên Thiền tông dụ công dụng của Kinh giáo giống như “dùng ngón tay chỉ mặt trăng”. Nếu không có ngón tay, người mê không biết mặt trăng ở đâu. Nếu người mê chỉ xem ngón tay, không chịu xem mặt trăng, thì ngón tay sẽ trở thành vô dụng. Nếu người mê nương ngón tay thấy được mặt trăng rồi, ngón tay cũng không còn công dụng nữa.
Do người bình thường không biết cách làm cho tâm yên tĩnh, dù có yên tĩnh cũng khó giữ được sự yên tĩnh dài lâu, cho nên vẫn phải tĩnh tọa. Có thể nói để ngộ Thiền không nhất định phải tĩnh tọa, nhưng định lực của tĩnh tọa có thể trợ giúp cho việc ngộ Thiền, nhưng chỉ tĩnh tọa suông cũng không ngộ được Thiền.
Hỏi: Địa vị của từ bi trong pháp Thiền như thế nào?
Sư: Ý nghĩa của từ bi và trí tuệ giống nhau, nhưng cách biểu đạt không đồng. Người thật có trí tuệ, nhất định có từ bi. Biểu hiện của từ bi là rộng độ chúng sanh. Nhưng trong tâm vị ấy không có mình cũng không có chúng sanh, đó là thực chứng trí tuệ vô ngã tánh Không. Chỉ có trí tuệ vô ngã, không chấp trước mới hay biểu hiện lòng từ bi chân thật.
(Pháp sư Thánh Nghiêm)
Sư: Ý nghĩa của từ bi và trí tuệ giống nhau, nhưng cách biểu đạt không đồng. Người thật có trí tuệ, nhất định có từ bi. Biểu hiện của từ bi là rộng độ chúng sanh. Nhưng trong tâm vị ấy không có mình cũng không có chúng sanh, đó là thực chứng trí tuệ vô ngã tánh Không. Chỉ có trí tuệ vô ngã, không chấp trước mới hay biểu hiện lòng từ bi chân thật.
(Pháp sư Thánh Nghiêm)