Hỏi Đáp: Pháp học 4 (THẦY VIÊN MINH)



1. NIỆM PHẬT

Câu hỏi: Kính thưa Thầy, con có một thắc mắc này mong thầy giúp con giải toả. Theo như truyền thuyết thì thái tử Tất Đạt Đa đi tu sau này trở thành Phật Thích Ca, nhưng cũng có nhiều chỗ viết là thành Phật A Di Đà, còn bạn con giải thích thì Phật Thích Ca độ cõi ta bà, còn Phật A Di Đà thì quản trên Tây Phương Cực Lạc, nên mọi người thường niệm hồng ân Phật A Di Đà mà không niêm danh hiệu Phật Thích Ca. Con thấy không hiểu lắm, có phải Phật Thích Ca và Phật A Di Đà là một không thầy? Và tại sao khi mọi người niệm Phật thì chỉ niệm A Di Đà mà không niệm Phật Thích Ca, con xin cám ơn Thầy và chúc Thầy luôn khoẻ.
Trả lời:
Phật Adiđà là biểu tượng cho Tánh Giác Thanh tịnh (Araham), Sáng suốt (Sammà Sambuddho) của Chư Phật. Tánh Giác này có 9 Ân Đức mà hai Ân Đức Thanh tịnh, Sáng suốt là chính vì nhờ có hai Ân Đức này mới có những Ân Đức còn lại. Do đó trong thời Đức Phật Gotama Ngài chỉ dạy niệm Ân Đức Phật chứ không niệm danh hiệu của cá nhân vị Phật nào. Chư Phật đều thành tựu 9 Ân Đức như nhau cho nên niệm 9 Ân Đức hoặc niệm 2 Ân Đức tượng trưng là Thanh tịnh, Sáng suốt tức đã niệm Chư Phật chứ Đức Phật không dạy niệm cá nhân Ngài, hay một vị Phật nào khác.

2. BÀI KINH VÔ THƯỜNG

Câu hỏi: Thưa Thầy, xin thầy giới thiệu cho con một số kinh, kệ mà trong đó Đức Phật dạy về vô thường, nhắc nhở về vô thường ạ. Con cần phải học lại từ đầu ạ.
Trả lời: Kinh đó nằm nơi mỗi hơi thở, mỗi bước chân… mỗi sát-na sự sống trong con. Hãy thận trọng, chú tâm, quan sát ngay nơi thân, thọ, tâm, pháp con sẽ đọc thấy từng lời vô ngôn vô cùng giản dị và vi tế của những bài kinh mầu nhiệm này. Nếu con còn tìm kinh trong ngôn từ chữ nghĩa thì coi chừng tẩu hoả nhập ma đó.
(Câu trả lời này chỉ đặc biệt dành riêng cho con, không liên can đến người khác).

3. SÁCH THAM KHẢO

Câu hỏi: Thầy kính! Có được Thầy chỉ dạy, tìm được minh sư, con thực sự rất xúc động! Mặc dù con chỉ có duyên gặp Thầy khi nghe Thầy nói chuyện với các đệ tử khác 1 lần và được Thầy tặng 2 quyển Thư Thầy trò, con tìm mua thêm 2 quyển nữa là THỰC TẠI HIỆN TIỀN, SỐNG TRONG THỰC TẠI, đọc xong con tìm lên trang WEB này nghe pháp thoại và các thắc mắc đều được Thầy giải đáp. Con thực sự có duyên với cách học này và rất có kết quả đối với con, điều may mắn nhất trong cuộc đời con là được gặp Thầy! Con thành kính tri ân Thầy.
Thầy kính, xin Thầy giới thiệu, chỉ con thêm một số sách cần đọc nữa, để học hỏi thêm lúc rảnh rỗi. Nhưng thưa Thầy, lúc rảnh rỗi con nên ngồi thiền tập trung hơi thở hay nên đọc sách Phật? Con cảm ơn Thầy.
Trả lời: Cám ơn con. Nếu nhu cầu đọc sách vẫn còn thì con cứ đọc. Ngoài những sách thầy viết như Tuyển Tập Thư Thầy, Vi Tiếu, Thiền Phật Giáo: Nguyên Thuỷ và Phát Triển, Lão Tử Đạo Đức Kinh qua cái nhìn Phật học, Con đường Hạnh phúc... mà con thấy thích hợp với con, thì con có thể đọc thêm cuốn Đức Phật và Phật Pháp của Narada, Những Điều Đức Phật Dạy của Rahula... để có kiến thức cơ bản về Phật Pháp. Và khi nào rảnh cũng nên ngồi thư giãn buông xả để cho tâm rỗng lặng trong sáng, thoải mái tự nhiên chứ không nên cố ép tâm theo một phương pháp thiền nào, vì tâm không động, không trụ, thanh tịnh sáng suốt tự nhiên mới thực sự là thiền...

4. TÁNH KHÔNG

Câu hỏi:
Thưa Thầy,
Đã từ lâu, con có đọc và nghe về Tánh Không (Tính Không) nhưng thực sự con chưa rõ nên ứng dụng trong thực tế cuộc sống thế nào. Con mong Thầy chỉ dậy tiếp cho con về vấn đề này ạ.
Những triết lý của đạo Phật qua sự giảng giải của Thầy trở nên rất gần gũi và dễ ứng dụng ngay trong cuộc sống hiện tại với con rất nhiều. Nhờ đó, con đã tự giải thoát được khỏi nhiều phiền muộn, vướng mắc. Con ơn Thầy vô cùng. Con luôn nguyện cầu các Chư Phật hộ trì Thầy mạnh khỏe để giúp thêm cho nhiều Chúng sinh nữa ạ.
Trả lời:
Tánh không có nhiều nghĩa: vô thường không, duyên sinh không (giả hợp không), sinh diệt không, pháp không, ngã không… Nhưng có cái không thực tế nhất là tâm không, đó chính là tâm rỗng lặng trong sáng đối với thực tại thân-tâm-cảnh: Trong thấy chỉ có thấy, trong nghe chỉ có nghe… trong biết chỉ có biết. Tánh không là vậy.

5. THAM ÁI

Câu hỏi: Thưa Thầy, Sáng hôm qua, con có được nghe Thầy giảng về Tham ái. Con vào trễ nên không dám chắc là mình nghe và hiểu đầy đủ những điều Thấy đã giảng. Con chỉ hiểu đại ý là muốn đoạn trừ Tham ái thì cần hiểu rằng vạn sự là "Vô diệt, Vô sinh". Con xin Thầy chỉnh lại cho con nếu con hiểu chưa chính xác và giải thích lại về "Vô sinh, Vô diệt".
Con cám ơn Thầy ạ.
Trả lời: Không phải là thấy vạn sự không sinh không diệt mà là thấy vạn sự sinh diệt nhưng tâm cái tâm "vô sinh" vẫn không sinh không diệt. Chính nhờ cái tâm "không sinh, không hữu, không tác, không thành" này mà chúng sinh mới thoát được cái sinh, hữu, tác và thành.

6. NHÂN QUẢ

Câu hỏi: Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Kính bạch Thầy, con có một câu hỏi, kính mong Thầy từ bi chỉ dạy cho con.
Một gia đình có rất nhiều con, nhưng một đứa trong số những người con bị bệnh nhiều, bệnh từ khi còn bé
Nếu hiểu theo sự vận hành của nhân quả thì người con này đang trả quả của nhân sát sanh quá nhiều (theo Kinh Địa Tạng) trong quá khứ đã gieo nên khiến cho kiếp hiện tại anh ta bị bệnh lề mề từ nhỏ tới lớn. Thế nhưng, người thế gian lại cho rằng người con này đã gánh nghiệp bệnh cho tất cả người thân trong gia đình. Và thỉnh thoảng người mẹ vẫn thường hay nói rằng: các anh chị em nên thương người nhiều bệnh này hơn, vì người này đã chịu nhiều thiệt thòi nhất.
Vậy con phải giải thích với người hỏi như thế nào? Con chỉ có thể giải thích theo nhân quả mà thôi.
Con kính mong Thầy chỉ dạy thêm cho con. Con thành kính tri ân Thầy. Con Như Tường
Trả lời: Người con bị bệnh đúng là đang chịu quả khổ, nhưng khi đã c
ng nghiệp với những người trong 1 gia đình thì bài học về nhân quả nghiệp báo này là một cơ hội để cho những người trong nhà học về tình thương yêu, lòng nhẫn nại... cũng như phát triển được rất nhiều đức tính tốt đẹp.

7. VÔ NGÃ

Câu hỏi: Kính sư! Con xin cám ơn sư về câu trả lời của sư hôm 26/06/11 nhưng con còn một tắhc mắc là đã là vô ngã thì làm sao sau khi chết mẹ của Đức Phật còn sinh lên ở cung Trời? Có phải sau khi chết, thể xác không còn nhưng tâm vẫn còn? Hay tánh biết còn hiện hữu? Con xin sư explain again cho con hiểu rõ thêm. Con xin lỗi đã làm phiền sư.
Trả lời: Vô ngã có nghĩa là tất cả pháp đều không phải là ta hay của ta. Ta và của ta chỉ là ý niệm thôi chứ không có thật. Vì dù không có ý niệm "ta" gán vào thì pháp vẫn vận hành. Trong mỗi cá nhân có những yếu tố hợp lại mà thành như thân vật lý (physical body), cảm giác (sensation), tri giác (perseption), phản ứng tâm lý (mental action and reaction), tâm thức (mind, consciousness), chúng tương quan với nhau mà tạo thành quá trình sự sống (living process), trong đó không có gì là ta và của ta cả. Mẹ đức Phật sinh lên cõi Trời có nghĩa là thân gồm 5 yếu tố (ngũ uẩn) nơi bà (ở cõi người) biến đổi qua một quá trình để tái sinh thành một thân gồm 5 yếu tố (uẩn) dưới dạng tinh vi hơn (ở cõi trời) chứ trong quá trình ấy không có bản ngã hay linh hồn bất biến nào đi tái sinh cả. Vui lòng đọc The Buddha and His Teachings của Ngài Narada sẽ hiểu rõ hơn về vấn đề này, vì sư chỉ hướng dẫn về thiền thôi, nên chỉ nói vắn tắt chứ không giải thích nhiều về giáo lý.



8. THẮC MẮC bộ sách "Một cuộc đời Một vầng nhật nguyệt"

Câu hỏi: Kính Thưa Thầy. Hiện nay con đang nghiên cứu bộ sách Một cuộc đời Một vầng nhật nguyệt, quả là một bộ sách hay và dường như tất cả các triết lý sâu rộng đều có trong bộ sách này. Tuy nhiên con thấy có một số điểm mà con chưa hiểu xin Thầy chỉ dạy cho con - Phải chăng khi Đức Phật chiến đấu với Ma Vương là chiến đấu với chính ngũ dục của mình? - Nếu như con không thể bố thí được: gia đình, của cải, thân thể... thì con vẫn bị vướng vào luân hồi sinh tử? - Nếu thực hành định-tuệ mà không đi kèm Bát chánh đạo thì không thể đắc quả được và Bát chánh đạo là phải sinh cùng lúc chứ không thể sinh cái này trước cái này sau? Con còn rất nhiều điều muốn hỏi nhưng hôm nay chỉ xin Thầy giảng cho con như vậy thôi ạ. Con cảm ơn Thầy. Chúc Thầy luôn An Lạc
Trả lời:
1) Ma bên ngoài gọi là Thiên ma, Tử ma; ma bên trong gọi là Ngũ uẩn ma, Phiền não ma, Pháp hành ma. Cảm thắng ma có nghĩa là cảm hóa được các loại ma trên.
2) Không dính mắc vào gia đình, của cải, vợ con, thân thể, mạng sống... cũng gọi là bố thí.
3) Bát Chánh Đạo gồm Chánh kiến, Chánh tư duy thuộc Tuệ; Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng thuộcGiới; Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định thuộc Định. Vậy khi tu Giới Định Tuệ chính là hoàn thiện Bát Chánh Đạo. Trong Siêu thế tâm, Bát Thánh Đạo mới tròn đủ.
Đúng ra thầy chỉ hướng dẫn pháp hành thôi chứ không giải đáp thắc mắc về giáo lý, những điểm về giáo lý con nên hỏi các vị giáo thọ thì đúng hơn.

9. THẮC MẮC 
giáo lý Bắc Tông và giáo lý Nguyên Thủy

Câu hỏi: Kính bạch Sư, thời gian qua con có theo dõi mục hỏi đáp và nghe những bài giảng của sư trên trang Web. Con đã nhận thức ra được rất nhiều điều hữu ích cho việc tu tập của mình. Xin sư hoan hỉ cho con được hỏi một câu hỏi có phần nghiêng nhiều về Pháp học. Theo giáo lý Bắc Tông, nhất là Thiền Tông, khi hành giả ngay nơi thực tại hiện tiền, trực nhận thực tánh pháp thì có thể coi như ngay lúc đó, vị đó không còn tạo nghiệp sinh tử. Như các thiền sư nói: "Bình thường tâm thị Đạo". Thế nhưng trong giáo lý Nguyên thủy hình như không chấp nhận chỗ này. Kể cả một vị đắc Tu-đà-hoàn thì tâm vị đó vẫn còn là tâm nằm trong tam giới. Mà tam giới thì còn sinh tử. Chỉ khi đã chứng quả Alahán thì tâm vị đó mới thực sự không còn tạo nghiệp sinh tử nữa. Đây có phải là chỗ khác biệt lớn giữa giáo lý Bắc Tông và giáo lý Nguyên Thủy? Con không hiểu sâu về giáo lý Nguyên Thủy nên có chỗ nào không đúng, kính xin Sư giải nghi. Con thành kính tri ân Sư. 
Trả lời: Đây là chỗ hiểu lầm về lý nhưng trên sự thì không có gì khác. Đạo hữu có thể đọc thêm cuốn Thiền Phật Giáo: Nguyên Thủy và Phát Triển trong mục Thư Viện, nhất là chương đối chiếu thiền Vipassanà với thiền Tông Đông Độ. Hai loại thiền này bên ngoài có vẻ như rất khác nhau nhưng nội dung thì hoàn toàn giống nhau. Chỉ khác ở chỗ Thiền Tông cốt giúp hành giả ngộ lý làm gốc, còn Thiền Vipassanà lấy chứng sự làm nền. Khi diễn đạt theo sự thì phải nói tiến trình thực chứng nên có vẻ như theo trình tự tu chứng. Khi diễn đạt về lý thì có thể thấy ngay lập tức. Do đó các vị thiền sư Đông Độ cũng nói: "Lý đốn ngộ, sự tiệm tu". 
1100 năm trước Thiền Tông, chữ Pháp trong Thiền Nguyên Thủy đã có nghĩa là thực tại hiện tiền (Dhammo) có thể thấy ngay (sandtthiko), không qua thời gian (Akàliko), quay lại là thấy (Ehipassiko), ngay trên chính nó (Opanayiko) mỗi người có thể tự chứng (Paccattam veditabo vinnùhi). Vậy điều Thiền Tông thấy sau này đâu có khác gì thiền Nguyên Thủy?. Lý và sự tuy diễn đạt khác nhau nhưng cùng nói về một sự thật duy nhất. Ví dụ, nói "ăn thì no" và nói: "nhai, nuốt, tiêu hóa, thành nhũ trấp, thành máu v.v..." thì tuy khác nhau nhưng cũng chỉ diễn đạt cùng một thực kiện, đâu có gì sai khác? Khi lý và sự chưa dung thông thì thấy đó là hai, khi sự lý viên dung thì pháp là bất dị.

10. Ý NGHĨA hình ảnh 
Tổ Đạt-Ma quẩy một chiếc dép trên vai

Câu hỏi: Kính thưa Thầy, Con xin Thầy hoan hỉ giải thích dùm con ý nghĩa, hoặc sự tích của Sư Tổ, sao Ngài lại vác một chiếc dép trên vai, con đến Chùa và mỗi lần lạy Tổ, con lại tự thắc mắc điều này, con suy nghĩ mình có học được điều gì từ hình ảnh của Ngài chăng, mà muốn học thì phải hiểu đấy là gì. Con mong được Thầy chỉ giảng cho. Con kính chúc Thầy luôn an lạc, con thành tâm tri ân Thầy.
Trả lời: Truyền thuyết nói rằng Tổ Đạt-ma tịch ở Trung Hoa, nhưng có người lại thấy Ngài quẩy một chiếc dép trên vai cởi sóng đi ra biển về Ấn Độ. Khi khai quật mộ Ngài để kiểm tra thì thấy chỉ còn một chiếc dép. Truyền thuyết này có ý nói rằng Tổ đến Trung Quốc truyền dạy pháp thiền, thực ra chẳng có pháp thiền nào cả, chỉ là nói cho mọi người tự thấy ra chính mình thôi, vì rằng ngôn thuyết chỉ là khái niệm chế định như chiếc dép bỏ, phải tự mình thấy ra thức tánh mới được.

11. Ý NGHĨA 
hình thức đi chùa, quy y, ăn chay, tụng chú

Câu hỏi: Bạch Thầy,
Con là người mới tập tành vào con đương tu tập dù đã bươc vào tuổi trung niên. Con có ăn chay, tụng chú, tuy nhiên lại ít đến chùa nên chưa hiểu đươc Phật pháp nhiều. Mọi việc bây giờ đến với con đều được giải quyết theo 2 chữ DUYÊN & NGHIỆP nên phần nào con cũng bớt đau khổ, sân hận và tự tìm sự thoải mái, bình an cho bản thân mình. Cho phép con đươc hỏi: Việc quy y có nên thưc hiện không Thầy? Theo con được biết việc này có 2 ý nghĩa:
1. Quy y để luôn nhớ và thực hiện 5 điều giáo giới của Phật (không sát sanh, trộm căp, tà dâm, nói dối, rượu chè)
2. Sau khi quy y trở thành Phật tử rồi thì mình có thể dựa vào đức năng của Phật, Pháp, Tăng giúp mình vượt qua các khó khăn, hoàn thành việc tu tập.
Theo suy nghĩ còn thiển cận của con nếu như mình luôn sống tốt, giữ được 5 giới, luôn biết giúp đỡ người khác, biết chấp nhận thoải mái với tất cả sự việc đến với mình dù tốt hay xấu, nếu là điêu tốt thì xem như mình đã tạo được nghiệp lành. Còn nếu điều xấu đến mình cố gắng giải quyết, tùy duyên thuận pháp mà hoán chuyển nó trở thành việc tốt nhưng luôn phải phù hợp với hoàn cảnh, nếu không được thì xem đó là duyên và nghiệp mà mình phải trả để bình thản đối mặt và chấp nhận nó.
Vậy mình có cần phải quy y không Thầy? và chùa mình có tổ chức quy y hàng tháng không Thầy? Con chỉ vừa được nghe các anh chị giới thiệu về Thầy và chùa Bửu Long nhưng chưa có duyên ghé thăm. Con xin cám ơn Thầy và chúc Thầy nhiếu sức khỏe và bình an.
Trả lời: Những hình thức đi chùa, quy y, ăn chay, tụng chú sẽ trở thành vô nghĩa nếu con không thông suốt được nguyên lý của sự tu tập. Nếu hàng ngày con có thể sống (hành động, nói năng, suy nghĩ) sáng suốt, định tĩnh, trong lành thì chính là con đang quy y Tam Bảo, đang sống đúng tốt, đang giữ giới hạnh trong sạch một cách trọn vẹn rồi đâu cần hình thức nào khác.

12. Ý NGHĨA "Thầy - Trò"


Câu hỏi: Thầy kính, Thầy trí tuệ và nhân từ quá, con kính phục Thầy! Con muốn là đệ tử chính quy của Thầy, con có pháp danh rồi ở một phái tu khác, vậy giờ con phải làm sao đề đăng ký vào lớp, vào gia đình chính quy của Thầy, con không muốn đứng ngoài cửa "học lén" nữa, mặc dù học như vậy qua mạng con cũng đã thêm hiểu biết và kết quả rất nhiều đối với con. Con cám ơn Thầy.
Trả lời: Chủ yếu là con thấy pháp và sống thuận pháp tức là đã cùng thầy "một nhà" rồi đâu cần đăng ký gia nhập gì nữa con. Con cứ sống tuỳ duyên thuận pháp vô ngã vị tha là sự gia nhập hoàn hảo nhất. Thầy rất hoan hỷ
.
13. BÀI HỌC NHẪN NẠI

Hỏi: 
 Một số tôn giáo tin vào thuyết định mệnh, cho rằng mọi sự đều đã được an bài. Nhờ vậy họ dễ dàng nhẫn nại hơn. Điều đó có tốt không?
Đáp: Thật sự nhẫn nại thì không do áp lực. Niềm tin ở điều gì chưa biết rõ chính là sự sợ hãi áp lực từ bên ngoài. Nhẫn nại không có từ sự phục tùng hay do một giả định mà vì thấy rõ vấn đề và vì sự cần thiết của chính lòng nhẫn nại. Theo Phật giáo, nhẫn nại cũng là một hình thức chịu trách nhiệm về hành vi của chính mình đã làm trong quá khứ, đồng thời qua hậu quả đó thấy rõ sai lầm để tự điều chỉnh hành vi của mình. Ví dụ, một học sinh có điểm toán thấp, phát hiện ra do mình ham chơi và thiếu chú ý. Bởi vậy, bây giờ em học hành siêng năng và chú ý vào môn toán hơn để tự điều chỉnh sai lầm của mình và tất nhiên sẽ cải thiện được điểm toán của em về sau. Đó hoàn toàn là do nhận thức đúng của em, không phải do định mệnh nào từ bên ngoài.

14. Ý NGHĨA đích thực giới luật
Hỏi: 
- Con đã từng thấy nhiều người giữ giới luật rất nghiêm túc, nhưng sao hình như họ có vẻ cố chấp và ngã mạn, họ luôn xem thường và lên án người không giữ giới nghiêm khắc như họ. Vì sao lại như vậy?
Trả lời: 
- Đơn giản chỉ vì những lý do sau đây:
1) Họ chỉ chú trọng giữ hình thức bên ngoài của giới mà không thấy được ý nghĩa đích thực bên trong, nên họ quá nghiêm khắc với mình và người khác.
2) Họ mượn giới để tạo uy tín và hư danh cho bản thân mình hay cho tổ chức của họ hơn là sống hiền lương, trung thực với chính mình và mọi người.
3) Họ chỉ căn cứ trên giới điều hữu hạn để đánh giá đúng sai, xấu tốt, chứ không lấy đó làm điều học để thấy ra và điều chỉnh hành vi đạo đức của mình.
4) Họ chỉ đơn giản tin vào khuôn khổ mà giới luật qui định để tuân thủ hơn là tin vào sự thận trọng khám phá những diễn biến tâm - sinh - vật lý thực tế giữa cái đúng-sai-xấu-tốt trong hành vi đạo đức của họ.
5) Họ luôn ở một trong hai thái độ tâm lý: tự ti hoặc tự tôn. Khi giữ giới nghiêm túc họ trở nên tự cao ngã mạn, nhưng khi phạm giới thì dễ rơi vào tình trạng tự ti mặc cảm.


15. Ý NGHĨA "Công đức"

Hỏi: - Con đọc những câu chuyện tiền thân của Phật thấy Bồ-tát thực hành những hạnh Ba-la-mật rất khó làm. Con nghĩ đó là những công đức rất lớn sao gọi là không có công đức?
Trả lời: - Bản ngã luôn muốn lập công để khẳng định mình và cho rằng mỗi hành động thiện của mình là một công đức. Vì thế mà không thể nào giác ngộ giải thoát được. Đức Phật dạy Ba-la-mật chính là để buông bỏ cái bản ngã ảo tưởng đó. Bồ-tát có nghĩa là người thể hiện trí tuệ trong đời sống vô ngã vị tha, để loại trừ bản ngã, chứ không phải để lập công bồi đức. Tích lũy công đức là quan niệm hữu vi tạo tác của tiểu ngã muốn trở thành đại ngã của Bà-la-môn giáo chứ không phải Phật giáo.