Hỏi đáp về Cuộc sống 4 [ THẦY VIÊN MINH]




1. Sự tương giao và mối quan hệ

a. Ngày gửi: 24-04-2013


Câu hỏi: Kính thưa Thầy!
Lâu lắm con không có điều gì để hỏi Thầy, vì những điều con thắc mắc phần nhiều đều giống những câu hỏi của các đạo hữu đã được Thầy trả lời. Mặt khác, con cũng kiên nhẫn với Pháp nên cũng tìm ra được câu trả lời cho mình.
Những lúc bị ai đó xúc phạm, con thấy được tâm khởi sinh, cảm thọ, bản ngã tổn thương như thế nào đồng thời con cũng dễ trở về với việc mình đang làm hơn trước đây. Trong cuộc sống mưu sinh, trong sự tùy duyên có lúc con thấy tâm lăng xăng mong cầu, con thấy được khổ sanh khởi rõ nơi thân tâm, những lúc như vậy con thấy mọi sự nỗ lực phấn đấu để đạt được điều gì đều vô nghĩa và muốn buông tất cả. Điều trở ngại đối với con hiện nay là khi người thân làm con tổn thương thì con không đủ trầm tĩnh để thấy ra mình lúc đó. Con xin Thầy từ bi chỉ dạy thêm cho con.
Con xin thành kính tri ân Thầy và chúc Thầy luôn mạnh khỏe.
Trả lời:
Sở dĩ con có thể nhẫn nhịn được với người ngoài hay hoàn cảnh xung quanh là vì con chưa thiết lập mối quan hệ nào trước với họ và chưa mong đợi ở họ một cách cư xử nhất định nào. Còn đối với người thân con đã thiết lập mối quan hệ tâm lý từ trước, thí dụ như con đã nghĩ người thân thì phải tương thân, tương ái, tương kính, tương trợ lẫn nhau... nên mỗi khi họ không làm như vậy thì con cảm thấy bị tổn thương. Vậy tốt hơn con đừng mong đợi người thân phải đối xử với con như thế nào cả, cứ tuỳ duyên mà ứng sao cho thuận pháp là được. Sự xúc phạm của người thân biết đâu giúp con thấy ra nguyên lý vô ngã tốt hơn, phải không con?

b. Ngày gửi: 25-04-2013


Câu hỏi: Kính thưa thầy,
Trước đây, con thiết lập 1 mối quan hệ, và mối quan hệ này làm con đau khổ, lý do đau khổ là vì người đó không nói và làm như những gì con tưởng tượng và kỳ vọng.
Con phải làm gì thưa thầy? Con chuyển "mối quan hệ" này thành "sự tương giao"?
Trả lời:
Mối quan hệ mà con thiết lập chính là những gì con tưởng tượng và kỳ vọng nơi người ấy. Đơn giản là con để người ấy như người ấy là, và con như con là, không còn tưởng tượng ra những điều kiện lý tưởng cho mình và người ấy để kỳ vọng và thất vọng nữa thì tức là con đã trả mối quan hệ về sự tương giao rồi đó.

2. 
 Hãy để trí tuệ làm việc một cách tự do sáng tạo 

Ngày gửi: 25-04-2013 

Câu hỏi: Kính thưa thầy! Thầy cho con hỏi việc ăn chay và ăn mặn có ảnh hưởng gì đến việc tu tập không ạ? Con nghe người ta nói ăn 1 miếng thịt vài bữa phải trả 1 miếng, mong Thầy giải nghi cho con, con cám ơn thầy.
Trả lời:
Đừng quan niệm ăn chay hay ăn mặn gì cả, hãy để trí tuệ làm việc một cách tự do sáng tạo thì nó sẽ cho con biết ăn thế nào là đúng tốt chứ đừng theo một khuôn mẫu nào có sẵn. Con cứ ăn rồi tự nhận ra đâu là sai đâu là đúng thì cái đúng đó sẽ thực hơn là con tin theo một mẫu đúng nhất định nào đó để rồi làm thui chột nhận thức thế nào là đúng là sai. Cái đúng có từ nhận thức ra cái sai thì tốt hơn là chỉ tin và rập khuôn hay bắt chước theo cái đúng lý tưởng. Điều đúng của thầy chưa hẳn đã đúng với căn cơ trình độ của con, do vậy con đừng vội tin theo bất cứ ai, hãy tin vào bài học chuyển hóa nhận thức và hành vi tại đây và bây giờ nơi chính mình mà thôi.

3. Đ
ừng vội kết luận gì cả. 

Ngày gửi: 29-04-2013 

Câu hỏi: Kính thưa Thầy! Hôm nay con lại xin phép được hỏi Thầy, xin Thầy hoan hỷ giúp con.
Con có một người thân đã xuất gia từ lâu bên Đại thừa, nay có người hướng dẫn chuyển sang chùa Nguyên Thủy để tu. Người thân con đã nghe theo, nhưng sau khi đi khỏi chùa cũ thì không gặp thuận lợi trong việc tu hành, hay ốm đau, mất nhiều năng lượng, đuối sức không đi nổi. Khi quay lại chùa cũ thì bị trách móc và không được ở lại nữa.
Thưa Thầy, như vậy có phải bị Tổ phạt không ạ, có phải bị một số vong theo phá không? Con xin Thầy giải thích và giúp chúng con hiểu đúng sai chỗ nào để kịp thời chỉnh sửa ạ. Con thành kính tri ân Thầy.
Trả lời:
Điều này thì có thể có nhiều lý do sâu xa ẩn mật khó đoán được. Chuyện nhân quả khó lường không thể thấy hiện tượng như vậy mà vội kết luận, hay vội liên kết nhân này với quả nọ mà thực ra không có liên quan với nhau. Đức Phật dạy nhân quả của nghiệp là không thể nghĩ bàn, do đó đừng vội kết luận gì cả.


4. Q
uý Thầy Bắc Tông Việt Nam lấy thêm họ Thích ngoài việc để phân biệt với tên các Tôn giáo hay Tông phái khác thì không hề có mục đích nhận thừa tự dòng họ Sakya đâu. 

Ngày gửi: 10-05-2013

Câu hỏi: Kính bạch Thầy, con có một vấn đề thắc mắc như sau kính mong chư Thầy giải đáp giùm.
Các Thầy Bắc Tông thường hay lấy họ "Thích" để làm họ đặt trước Pháp Danh (điều này theo như con được biết thì các Thầy lấy họ của Đức Phật Thích Ca để tỏ sự tôn kính, và cũng như con hiểu thì các Thầy Nam Tông không có tục lệ này). Tuy nhiên một số trường hợp như cố Đại lão Hòa Thượng Kim Cương Tử lại lấy họ là "Kim" chứ không phải là "Thích" như các quý Thầy. Nhờ nhân duyên con cũng đã được nghe chính Đại lão Hòa thượng Kim Cương Tử giải thích điều này, song vì khi đó còn quá nhỏ nên con không nhớ được điểu này (chỉ nhớ mang máng là do Tông phái gì đó nên Ngài không dùng họ Thích). Vậy con kính mong các Thầy giải thích cho con hiểu, con cám ơn các Thầy.
Trả lời: Điều này thì thầy không rành lắm, vì khi học đạo thầy chỉ chú tâm học để tu nên một khi đã được ý thì quên lời và không quan tâm đến những hình thức hay tập tục mang tính truyền thống mà người sau đặt ra cho Tông phái mình. Nếu thầy không lầm thì chỉ Phật giáo Bắc Tông Việt Nam mới có thêm họ Thích hay họ Kim gì đó, mà chẳng qua là để phân biệt với tên của các Tôn giáo hay Tông phái khác thôi chứ không có ý nghĩa gì đặc biệt cả. Khi Đức Phật trở về độ dòng họ Thích-ca (Sakya) thì Rahula đến xin được thừa tự dòng họ, Phật dạy rằng Như Lai nay đã là dòng họ Chư Phật chứ không còn dòng Sakya nữa nên nếu con muốn thừa tự Pháp thì hãy xuất gia theo Như Lai. Như vậy quý Thầy Bắc Tông Việt Nam lấy thêm họ Thích ngoài việc để phân biệt với tên các Tôn giáo hay Tông phái khác thì không hề có mục đích nhận thừa tự dòng họ Sakya đâu. Do đó chúng ta không nên quan tâm đến những chuyện "ngoài lề" như vậy, "học đạo quý vô tâm" thì tốt hơn.


5. Vấn đề đức tin... nên con tin gì thì nó là vậy.

Ngày gửi: 30-04-2013 
Câu hỏi: Kính Thầy! Một bạn đạo chia sẻ rằng Quán Thế Âm Bồ Tát chỉ là một hình tượng ẩn dụ trong pháp môn của nhà Phật, nhưng qua nhiều trải nghiệm trong cuộc đời của riêng bản thân con thì cứ mỗi lần gặp khổ nạn đến mức tự thân không có cách thoát khổ thì hễ cầu Bồ Tát cứu khổ là được những người hoàn toàn xa lạ đột ngột xuất hiện cứu giúp, và cứ sau mỗi lần như thế năng lượng từ bi của Bồ Tát Quán Thế Âm càng hiện rõ trong cảm nhận của con. Vậy xin Thầy phân tích hộ sự khác biệt giữa ranh giới của niềm tin thấy biết và suy diễn của tư duy. Theo cách nhận biết của Thầy thì Bồ Tát Quán Thế Âm trong kinh nhà Phật là nhân vật có thật trong quá khứ hay chỉ là một hình tượng ẩn dụ về Tâm Từ Bi của nhà Phật ạ?

Trả lời:
Con đặt ra một vấn đề nhạy cảm rồi đó. Đã là đức tin nên con tin gì thì nó là vậy. Trong khi con cầu đức QTÂ có linh nghiệm, còn con chiên Thiên Chúa thì nguyện Đức Mẹ cũng có cảm ứng. Ngày xưa nhà thờ La Vang là một ngôi chùa nhỏ mà người ta tin rằng có đức QTÂ hiện ra để cứu nhân độ thế. Sau đó Thiên Chúa Giáo mua lại để xây dựng nhà thờ La Vang thì con chiên nói đó là Đức Mẹ. Vậy đó là ai? Con trả lời câu hỏi đó được thì vấn đề sẽ thông thôi. 


6. Xá-lợi là phiên âm chữ Sàrìrikadhàtu cũng có nghĩa là di cốt thôi.
   "người thường" gọi là "di cốt"
   Phật và của Chư vị Thánh Tăng gọi là "Xá-lợi"  

Câu hỏi: Bạch Sư cho con hỏi!
Con là một Phật tử, có người hỏi con Xá-lợi Phật do từ đâu sinh ra? 
Tại sao một người niệm A-di-đà khi hỏa thiêu lại có Xá-lợi? 
Bạch Sư con không giải thích được, kính xin Sư giải thích cho con được rõ. 
Con xin cám ơn ơn và chúc Sư an lạc, viên thành đạo quả! 
Trả lời:
Phần còn lại sau khi thiêu xác một "người thường" gọi là "di cốt", còn của Phật và của Chư vị Thánh Tăng gọi là "Xá-lợi". Xá-lợi là phiên âm chữ Sàrìrikadhàtu cũng có nghĩa là di cốt thôi. Ai mà chẳng có di cốt, còn có xứng đáng được gọi là Xá-lợi hay không thì lại là chuyện khác. Ngày nay răng giả bằng sứ thiêu không cháy đúng ra không thuộc di cốt cũng được phong là Xá-lợi thì sao con? Thời đại "duy danh" này thì phong gì mà chẳng được, còn "chính danh" thì Trời mà biết! 

7. Pháp mầu nhiệm đến nỗi đạo Thiên Chúa phải gọi là Thượng Đế. 

Ngày gửi: 05-05-2013 
Câu hỏi: Con chào Sư.
Con rất vui mừng vì Sư đã trả lời thư và chỉ bày cho con. Con không biết nên gọi sư là thầy hay là sư vì con đạo công giáo. Nhưng con nhớ rất rõ là trước đây mỗi khi đọc sách của Sư con rất sợ, vì mỗi lần đọc là nhận ra, mà nhận ra thì phải bỏ, mà bỏ thì cuộc sống thật buồn. Nhưng do con luôn có niềm tin là Sư luôn luôn đúng và những nỗi khổ nơi con là do con nhận thức và hành động sai lầm mà ra, nên con phải liều, mà từ trước đến giờ chưa bao giờ con thất bại cho mỗi lần liều lĩnh bước vào vì lần nào con cũng bước ra với con người mới. Trước đây con không hiểu được sự chỉ bày của Sư kỳ diệu đến mức nào, nhưng gần đây khi tĩnh tâm con nhận ra tâm mình còn vướng vào hơi thở mà con không biết (do thói quen của con trước đây) thì đồng thời con lại thấy ra sự sân hận của con rõ hơn khi con bị xúc phạm, cái hay nữa là con hiểu và cảm thông được người xúc phạm con. Bây giờ thì con hiểu ra là pháp sửa mình rất giản dị và thâm trầm. Thâm trầm ngay cả khi nếu không bị bế tắc gì thì cũng không nên viết thư cho Sư nói này nói nọ làm mất thời giờ của sư và tự mình đánh mất sự thâm trầm của mình. Con rất mong được gặp sư một lần vì sợ sau này sư mất con không được gặp sư thì tiếc quá. Hy vọng một ngày nào đó con được gặp sư, con chúc sư mạnh khỏe và bình an. 
Trả lời:
Cám ơn con thật nhiều vì con đã bắt đầu thấy ra sự mầu nhiệm của Pháp. Pháp mầu nhiệm đến nỗi đạo Thiên Chúa phải gọi là Thượng Đế. Khi đã thấy thì đức tin không còn chỉ là tin mà đã trở thành sự thấy biết chân thực rõ ràng (chánh tri kiến hay tri kiến thanh tịnh). Chúc mừng con.
TB: Thầy với Sư cũng đồng nghĩa, giống như Cha với Linh mục vậy thôi, nên con gọi sao cũng được không có gì quan trọng.

8. 
 Khi cúng dường đến phàm Tăng thì cũng nên có tác ý cúng dường đến Thánh Tăng thì mới có phước cúng dường Tăng

Ngày gửi: 09-05-2013
Câu hỏi: Kính thưa Thầy, con tác ý cúng dường đến chư Tăng không phân biệt Bắc tông, Khất sĩ, Nam tông. Như vậy con có thể thành tựu được phước cúng dường đến Tăng không thưa Thầy? Con cám ơn Thầy
Trả lời: Con đã có tâm không phân biệt Tông phái mà chỉ nghĩ tới Tăng thôi như vậy là quý rồi, sao lại còn khởi tâm phân biệt được phước cúng dường Tăng hay không nữa? Cúng dường Tăng thực ra là ám chỉ cúng dường Chư Thánh Tăng Bốn Đôi, Tám Chúng, mà đã là cúng dường Thánh Tăng thì đâu cần phân biệt Tăng ở đâu. Do đó chư tôn Thiền Đức dạy rằng dù khi cúng dường đến phàm Tăng thì cũng nên có tác ý cúng dường đến Thánh Tăng thì mới có phước cúng dường Tăng, cũng đúng con nhỉ? Phàm Tăng tuy chưa hoàn hảo, sai thì họ chịu nhưng cúng dường vẫn có phước. Phật dạy rằng sau thời mạt pháp cũng vẫn còn những bậc xuất gia, nhưng họ không đủ tam y nhất bát chân truyền mà chỉ đeo tượng trưng một mảnh y vàng nhỏ bằng hai ngón tay, nhưng nếu ai biết mà cúng dường thì phước báu cũng vô lượng đó con.


9. Phương pháp trị liệu nào cũng đều có phản ứng phụ, nên chỉ tương đối thôi


Ngày gửi: 07-05-2013
Câu hỏi: Con chào Sư. Con đã nghe sư giảng thiền tại Huế. Con rất ngưỡng mộ kiến thức của Sư. Con có một thắc mắc chưa giải đáp được xin nhờ Sư giúp.
Con bị viêm xoang đã 20 năm, chạy chữa nhiều loại thuốc đông, tây y nhưng không khỏi. Cách đây gần 2 năm con đi tập nhân điện thì kết quả rất khả quan. Hai năm nay hầu như con không cần dùng thuốc, chỉ cần thiền nhận năng lượng là có thể ngăn bệnh. Tuy nhiên thiền nhận năng lượng nhiều thì trán hay bị nặng, cảm giác không thoải mái.
Một năm nay con thường đi chùa và hành thiền Phật giáo thì thấy thoải mái hơn. Tuy nhiên bệnh viêm xoang lại trở lại. Con có hỏi một vị sư và được giải thích là khi con thiền nhân điện thì trán nặng do chú tâm mà thôi. Sư có thể giúp con giải thích về hiện tượng này không?
Thời gian này con muốn trở lại thiền nhân điện để trị bệnh nhưng cảm nhận khó nhận được năng lượng như trước đây. Lúc thời tiết thay đổi con lại bị viêm xoang trở lại. Mong nhận được hồi âm của Sư. Cám ơn Sư.
Trả lời: Nếu tập phương pháp thu năng lượng mà chữa được bệnh thì con cứ xem như đó là một cách chữa bệnh, mà phương pháp trị liệu nào cũng đều có phản ứng phụ, nên chỉ tương đối thôi. Còn thiền Phật giáo thì chỉ có mục đích thấy ra lẽ thật nơi chính mình và cuộc sống để không còn bị đắm chìm trong tà kiến và tham ái. Tính chất đời sống là vô thường, khổ, vô ngã nên nếu điều gì che lấp sự thật này thì đều không tốt, dù cho lúc đó có được mạnh khỏe, sung sướng thì vẫn chìm trong vô minh ái dục, luân hồi sinh tử, vì vẫn còn bị chi phối bởi tính chất vô thường, khổ, vô ngã ấy.

10. Có chân khí thì tà khí khó xâm nhập

Câu hỏi: Kính thưa Thầy, có một cô Phật tử khoảng 60 tuổi rất thuần thành, buối tối thường tự thắp hương, mặc áo tràng, niệm Phật ở tại nhà, nhưng cứ mỗi sáng sớm (khoảng 4 giờ sáng) thức dậy đang còn nằm thì bị ngáp dài liên tục rất nhiều cái, có lúc ngáp đuối cả sức mặc dù đã ngủ đủ giấc (cách ngáp giống như người sắp lên đồng), kéo dài mấy tháng rồi mà không hết, có một người khác cũng hay bị nhập đồng cốt đến chơi nói rằng: “Bà về mà không chịu ngồi dậy tu hành, sao làm biếng vậy”. Xin Thầy dạy cho Phật tử đó phải làm thế nào để không bị chi phối như vậy nữa. Com cảm ơn Thầy.
Trả lời:
Đức Phật dạy tín nhiều đi đôi với tham. Do tín quá nên tham cầu nhiều mà trở nên căng thẳng, căng thẳng lâu thì trở nên suy nhược. Ngáp hoài là biểu hiện của trạng thái tâm thần suy nhược. Nên tập thể dục hoặc hoạt động chân tay nhiều hơn với tâm tỉnh giác tự nhiên cho thân tâm thư giãn buông xả thì sẽ phục hồi được chân khí. Có chân khí thì tà khí khó xâm nhập. 

11. Chỉ có đau khổ thật sự thì mới là liều thuốc chữa trị được thói quen của lòng tham ái. 

Ngày gửi: 27-04-2013 

Câu hỏi: Thưa Thầy! Con có một tính xấu, hay một thói quen xấu. Con đã cố gắng bỏ nó, đã hứa với mình là sẽ không làm vậy, đã sám hối nhiều lần, con cũng đã thấy được sự nguy hại vô cùng của nó nhưng con vẫn theo thói quen mà lập lại sai lầm, xin Thầy giúp con! Con xin cảm ơn Thầy!
Trả lời:
Phải xem là con thấy đó là tật xấu thật hay xấu theo một quan niệm nào đó. Bản chất xấu và quan niệm xấu khác nhau. Sự nguy hại cũng vậy. Con cần thật sự thấy ra bản chất của nó chứ không phải đánh giá trên một hệ quy chiếu đạo đức có sẳn trong quan niệm của con hay người đời. Có thể con chỉ mới phỏng đoán về sự nguy hại chứ chưa thật sự trải nghiệm đến tận cùng sự nguy hại đó. Chỉ có đau khổ thật sự thì mới là liều thuốc chữa trị được thói quen của lòng tham ái.

12. K
hông so sánh hay bắt chước bất cứ ai 

Ngày gửi: 30-04-2013

Câu hỏi: Thưa thầy, gần đây thầy có viết "Chỉ có đau khổ thật sự thì mới là liều thuốc chữa trị được thói quen của lòng tham ái." Con đọc câu này thấy thấm thía nhưng lúc sau lại chợt nhớ đến mục tiêu của Đạo Phật, của sự tu tập là để thoát khổ. Vậy có gì mâu thuẫn ở đây không thưa thầy, khi mà chúng ta cố gắng diệt trừ tham ái để thoát khổ, nhưng chịu khổ - như thầy nói - lại là liều thuốc để chữa trị lòng tham ái?
Trả lời:
Điều quan trọng là con có thật sự thấy điều thầy nói là đúng hay sai với sự thật không, chứ không phải con đem so sánh câu nói ấy với ai. Khi thầy thấy ra điều này thầy không so sánh hay bắt chước bất cứ ai cả, do đó vấn đề là con có thấy nó hay không mà thôi. 


13. Vấn đề không phải là diệt khổ mà là diệt nguyên nhân sinh khổ.

Ngày gửi: 01-05-2013 
Câu hỏi: Kính thưa Thầy, con vừa đọc câu hỏi của một Phật tử viết ngày 30/4 về đau khổ. Con thấy đó cũng từa tựa thắc mắc của con. Khi mà mình làm nhiều phước quá như bố thí cúng dường, quả báu là giàu sang sung sướng, thì lúc đó mình lại rượu, hút, ăn chơi... như các hoàng tử, công chúa, tài tử bên này. Trong khi đó thì khổ đau rất cần thiết cho giác ngộ, giải thoát. Trong gia đình con và những người quen có quá nhiều phước báu hữu lậu nên cũng có những tật bệnh như vậy, thưa Thầy. Con xin cám ơn Thầy chỉ dạy cho con thêm.
Trả lời:
Khi tà kiến, tham ái và tạo nghiệp người ta thấy rất thích thú, chỉ khi hậu quả đến mới thấy đau khổ là thế nào, và nhờ vậy người ta mới biết do đâu mà khổ và vấn đề không phải là diệt khổ mà là diệt nguyên nhân sinh khổ. Vậy nếu không có khổ người ta sẽ đắm chìm mãi trong tà kiến tham ái và tạo tác lăng xăng. Cám ơn con đã chia sẻ. 


14. Tất cả phương pháp đều giới hạn và cục bộ. Phải tự mình khám phá, giác ngộ mới được. 

Ngày gửi: 30-04-2013
Câu hỏi: Thưa thầy, con có một thắc mắc này xin được hỏi thầy ạ. Gần đây con đang vướng phải một điều phiền muộn mà không biết giải quyết thế nào, nhớ lời thầy dạy nên mỗi khi phiền muộn nổi lên con lại thận trọng quan sát quá trình sinh diệt của nó, và cũng có hiệu quả. Thế nhưng được một thời gian là phiền muộn lại nổi lên, con nghi ngờ mình đã làm sai, đã cho cái ta lý trí vào suy ngẫm và dồn nén phiền muộn chứ chưa phải thấy nó như là nên mới xảy ra tình huống này. Vì vậy, con mong thầy có thể chỉ cho con có cách nào để con có thể biết được là mình đang thận trọng quan sát đúng cách không hả thầy, và nếu con đang làm sai thì phải nên sửa thế nào cho phải ạ?
Trả lời:
Con cứ tiếp tục thể nghiệm rồi sẽ tự thấy ra. Thầy chỉ trình bày nguyên lý thôi chứ không chỉ ra phương pháp nào, vì thầy biết hầu như tất cả phương pháp đều giới hạn và cục bộ. Phải tự mình khám phá, giác ngộ mới được. 



15. Bài học về "bất toại nguyện"...duy nhất có trong tâm con và ngay trong đời sống này.

Ngày gửi: 06-05-2013
Câu hỏi: Kính thưa Thầy! Con đang học bài học về: Bất toại nguyện. Con xin Thầy chỉ dạy cho con về bài học này. Con đã tìm hiểu nhưng vẫn chưa thấu đáo . Con cảm ơn Thầy ạ!
Trả lời:
Không phải là "tìm hiểu" bài học về "bất toại nguyện" ở trong tài liệu hay kinh sách nào, cũng không cần ai định nghĩa từ ngữ ấy ra sao, bài học này chỉ duy nhất có trong tâm con và ngay trong đời sống này. Khi con gặp trái ý nghịch lòng hãy xem bất toại nguyện trong con diễn ra thế nào, khi con đau khổ hãy xem bất toại nguyện có khởi lên trong con không, khi con hạnh phúc hãy xem con đã thực sự toại nguyện chưa, khi con đạt được mục đích và con rất toại nguyện nhưng hãy chờ xem con có thật sự toại nguyện không, và con có biết tại sao con lại bất toại nguyện? v.v. và v.v... Đó là bài học diễn ra trong con đồng thời khi con đã phát hiện ra nó thì rồi con cũng thấy nó xuật hiện khắp nơi trong đời sống xung quanh. Vậy con có vô số tại liệu hiện thực để học hỏi chứ không cần tìm kiếm trong những giải thích ngữ nghĩa bên ngoài.


16. Chỉ cần "thấy" và "thực chứng" vấn đề

Ngày gửi: 07-05-2013
Câu hỏi: Thưa Thầy, những lúc rãnh rỗi (thọ xả), con thường hay khởi lên ý muốn làm cái gì đó cho vui như xem phim hay rủ bạn bè đi uống cafe, ...thay vì làm những việc hữu ích hơn. Lúc đó con cũng biết đó là dục ái nhưng con vẫn cứ thực hiện theo ý muốn đó. Xin Thầy chỉ cho con, con vẫn cứ để như vậy và sáng suốt quan sát nó hay con phải làm sao ? Con xin cảm ơn Thầy !
Trả lời:
Làm sao là chuyện của con chứ không phải chuyện của thầy, sao con lại hỏi thầy? Khi con chưa thực sự thấy rõ bản thân con và vấn đề của con thì dĩ nhiên con vẫn chưa thoát khỏi nó. Con chỉ mới "biết" nó qua kiến thức của cái ngã lý trí mong muốn giải quyết, chứ chưa thực "thấy" sự sinh diệt, vị ngọt và sự nguy hại của nó một cách toàn diện bởi thân chứng. Vậy con không cần "biết" mà chỉ cần "thấy" và "thực chứng" vấn đề của con thì nó sẽ tự chuyển hoá mà con khỏi nhọc công giải quyết.

17. Giá trị của mỗi sự vật là trọn vẹn nơi chính nó, chứ không phải nơi cái con cho là hay nghĩ là... 

Ngày gửi: 07-05-2013
Câu hỏi: Chào người thầy kính mến của con! Xin phép thầy cho con hỏi tại sao khi con ghé thăm nhà bạn chơi. Rồi sau đó bạn con mời con ăn 1 hộp cơm sườn. Tiếp theo con cảm thấy đau bụng quá! Thầy có cách nào chỉ con với. Con xin lỗi vì trong trường học không có dạy con biết, nên con mới mạo muội lên núi tìm thầy và xin thầy chỉ dạy giúp đỡ con qua cơn khó khăn này!
Trả lời:
Hãy lắng nghe và cảm nhận cơn đau bụng như nó đang là, ở đó con sẽ thấy ra sự mầu nhiệm của nó, đừng mất thì giờ giải thích rồi vội kết luận qua tưởng tượng hay theo một quan niệm nào đó để gán vào sự kiện đang là như kiểu vẽ rắn thêm chân, hay "trên đầu đội đầu, trên tuyết thêm sương". Có khi nào con biết lặng lẽ cảm nhận chân thiện mỹ của mọi sự mọi vật chưa? Hãy thử đi con, đừng mất thì giờ so lường đánh giá. Giá trị của mỗi sự vật là trọn vẹn nơi chính nó, chứ không phải nơi cái con cho là hay nghĩ là...


Nguồn: http://www.trungtamhotong.org/index.php?module=faq