Chuyển biến là việc của pháp


Chuyển biến là việc của pháp, nên thấy tức chuyển biến cực kỳ mầu nhiệm, còn một khi khởi lên ý đồ muốn chuyển biến tức rơi vào bản ngã, thời gian, nhân quả, trói buộc và khổ đau. Đó chính là rơi vào sinh tử. Và đó là lý do vì sao Đức Phật không bước tới (chuyển biến đến tương lai), không đừng lại (dính mắc trong hiện tại) mà thoát khỏi dòng thác sinh tử trầm luân.

Con chào Sư. Hôm qua, một người bạn của con có trao đổi với con về một câu hỏi, nội dung câu hỏi như sau: "Con ứng dụng những điều đã học (học đạo) vào trong cuộc sống như thế nào?". Con thưa Sư, câu hỏi này là do vị Thầy của bạn con đặt cho bạn ấy. Câu trả lời của bạn con là: "Dạ thưa, con làm gì thì biết cái nấy, và qua đó khám phá hành trình của bản ngã nơi chính bản thân mình. Cái gì khởi lên thì chỉ thấy thôi". Vị Thầy của bạn con nói rằng câu trả lời ấy "chung chung quá", cần phải có chuyển biến gì đặc biệt hơn. Bản thân con, con đồng ý với câu trả lời của bạn con.
Theo cái hiểu của con, thực ra một người học đạo thì không phải trả lời câu hỏi: "tu như thế nào?", mà phải trả lời câu hỏi: "ai tu, mà tu để làm gì", hay: "kẻ tu và cái thực thể sẽ phải bị đem ra để tu, sự tách biệt ấy là thực hay chỉ là một ảo tưởng". Con có trao đổi với bạn con về những điều con hiểu. Hai đứa cũng đồng ý với nhau. Có phải tụi con đang đi ngược lại với cách sống thông thường của mọi người, nhưng lại trở về ngày càng gần hơn với cuộc sống thực, với thiên nhiên, cỏ cây, hoa lá, với sự sống bất tận, và yên bình muôn đời vẫn như "nó đang là" không ạ? Như vậy, Sư ơi, vậy là tụi con chỉ còn thiếu cái duy nhất là sự dũng cảm và chú tâm hoàn toàn vào cuộc sống thực ấy thôi.
Con xin sư từ bi chỉ dạy cho tụi con một con đường sáng. Con thành kính tri ân Sư.
Trả lời: 
Cả hai con đều trả lời câu hỏi rất xuất sắc. Đạo lý sống thực thì "chung chung" vậy thôi, nhưng một khi cái chung chung ấy trọn vẹn trong từng sát-na sự sống thì đâu cần "chuyển biến" làm gì. Chuyển biến là việc của pháp, nên thấy tức chuyển biến cực kỳ mầu nhiệm, còn một khi khởi lên ý đồ muốn chuyển biến tức rơi vào bản ngã, thời gian, nhân quả, trói buộc và khổ đau. Đó chính là rơi vào sinh tử. Và đó là lý do vì sao Đức Phật không bước tới (chuyển biến đến tương lai), không đừng lại (dính mắc trong hiện tại) mà thoát khỏi dòng thác sinh tử trầm luân.

Hỏi đáp: trungtamhotong.org

                                        
 

Krishnamurti nói rằng con người muốn mình chuyển hóa thì thời gian phải chấm dứt và chấm dứt ngay lập tức, và phương cách để chấm dứt thời gian là thiền định, với điều kiện thiền định phải là một tâm thái không thuộc thời gian tức là không nỗ lực, không cố gắng, không tìm kiếm, không chọn lựa, không loại trừ. Điều này là dĩ nhiên vì nếu thiền định thuộc thời gian thì nó không thể chấm dứt cái sản sinh ra nó là thời gian. Nhưng nếu điều này là đúng thì việc chấm dứt thời gian tâm lý phải là trọng tâm trong mọi suy tưởng, quan sát, xem xét, vì đây là mấu chốt của mọi vấn đề, bất kể là vấn đề nào. Theo Krishnamurti, thiền định có thể phá vỡ cấu trúc kiên cố của thời gian, nhưng tất cả không chỉ có thế, thời gian chấm dứt chỉ mới là một tiền đề, nhưng đó là một tiền đề không phát sinh vấn đề.


***

Bài nói chuyện cuối cùng của Krishnamurti trên đời được ghi nhận tại Ấn Độ, vào đầu năm 1986, khoảng một tháng trước khi ông chết, khi ấy ông chín mươi mốt tuổi. Ông nói, “chúng ta phải bắt đầu từ cái chúng ta đang là bây giờ, không phải từ cái chúng ta đã là trong quá khứ hay cái chúng ta sẽ là trong tương lai. Cái chúng ta sẽ là ở tương lai là cái chúng ta đang là bây giờ (Krishnamurti, The Future is Now). Rõ ràng thời gian là một trọng tâm mà Krishnamurti lặp đi lặp lại trong hầu hết các buổi nói chuyện của mình, có lẽ chính vì thời gian là nỗi ám ảnh và là một định mệnh của con người .Con người trầm luân vì đã lỡ mang trong định mệnh của mình thành tố thời gian, và để vượt qua sự trầm luân ấy không còn cách nào khác hơn là phải vượt qua thời gian. Dĩ nhiên thời gian ở đây là thời gian tâm lý, là sự chuyển dịch của tâm trí qua lại điểm cân bằng là hiện tại. Đối với Krishnamurti quá khứ là cái đã chết rồi, nhưng không hề bị chôn vùi, ký ức về nó vẫn còn đâu đó trong tâm trí bây giờ, và đó chính là ngục tù của tâm trí. Con người không thay đổi được vì không muốn thay đổi, không muốn đánh mất cái nhà tù quá thơ mộng, quá yên ổn của quá khứ. Thoát ra khỏi nhà tù quá khứ, con người sẽ cảm thấy bơ vơ tận cùng, cảm thấy bản ngã mình bị đánh rơi, bị lạc mất, không biết phải làm gì với sự thể ở hiện tại. Con người cảm thấy mình không thể sống nổi nếu không có quá khứ. Quá khứ ở đây không chỉ là những kỷ niệm êm đềm hay ê chề, mà là toàn bộ truyền thống, văn hóa, nếp sống, tư tưởng, tri thức đã có hàng ngàn năm. Dù có lý luận hay dở thế nào thì con người cũng không muốn hay không thể tách rời ra với quá khứ, và do đó phải lệ thuộc thời gian. Một con người không có quá khứ thì biết phải hành xử ra sao trong hiện tại ? Do vậy đa số vì sinh tồn sẽ quyết định con đường tuyển chọn, sẽ chọn ra quá khứ nào hay để giữ lại, quá khứ nào tồi tệ phải bỏ đi, và như thế, Krishnamurti nói, vẫn lệ thuộc thời gian. Ngay dù có lối sống bất chấp truyền thống, bất chấp quá khứ, thì đó vẫn là một lối sống khuôn theo một ý tưởng, và do vậy con người vẫn bị khuôn định trong thời gian. Vì mọi hành động của con người loay hoay trong cái rọ quá khứ,tức là trầm luân trong thời gian, con người trở nên ngộp thở và bắt đầu tư duy để tìm ra lối thoát, bắt đầu dự kiến đến các mô hình tương lai, trong đó có cả thiên đường, cực lạc, hay cái chết hư vô, nhưng vô ích, Krishnamurti nói, vì tư duy, tư tưởng là thời gian, và do vậy nỗ lực vượt thoát nỗi đau hiện tại để đi đến tương lai hạnh phúc vẫn là một ước mơ thuộc thời gian. Cho nên từ lúc bắt đầu đến lúc chấm dứt, tâm trí con người ngụp lặn trong thời gian, dùng tư duy là thời gian để bứt phá cái định mệnh thời gian xuyên suốt từ quá khứ đến tương lai thì cũng giống như lấy mực bôi mực, biết chừng nào mới hết bẩn. Krishnamurti nói rằng suy nghĩ không thể dừng được, vì bản chất của suy nghĩ là dịch chuyển, khi dừng lại thì suy nghĩ sẽ chết. Suy nghĩ chết thì con người sẽ chết, vì hoạt động của con người cần đến suy nghĩ. Nhưng có một cái có thể chấm dứt, đó là thời gian tâm lý. Con người không muốn bỏ những kho tàng mà họ trân trọng trong quá khứ, cũng không muốn bỏ những kỳ vọng, những ước mơ tươi đẹp về tương lai, con người không muốn tay trắng, chẳng có gì cả và chẳng là gì cả trong đời, và vì thế họ không chịu thay đổi. Con người đưa thân mình chống đỡ cả hai đầu quá khứ và tương lai, và họ cam chịu ở lại với hiện trạng mà theo Krishnamurti là đầy lòng tham lam, ganh tỵ, ghen tuông, mê tín, thích tôn thờ người khác, thích cai trị người khác, sợ hãi, thù hận, hung tàn, và dĩ nhiên xen kẽ có những lạc thú mong manh. Mọi vấn đề của con người có thể gói gọn trong hai chữ thời gian, là một khái niệm hết sức trừu tượng, co dãn, biến hóa, và đôi khi mơ hồ đến mức chẳng ai buồn để ý. Nỗ lực là thời gian. Mong cầu là thời gian. Thành tựu là thời gian. Rèn luyện là thời gian. Kiến thức, tri thức là thời gian. Hứa hẹn, hy vọng, mơ ước là thời gian. Thiên đường, cực lạc cũng là thời gian. Ý chí là thời gian. Lý tưởng là thời gian. Và hạnh phúc, chân lý, tình yêu cũng đã bị ném tận cuối con đường thời gian.
Krishnamurti nói rằng con người muốn mình chuyển hóa thì thời gian phải chấm dứt và chấm dứt ngay lập tức, và phương cách để chấm dứt thời gian là thiền định, với điều kiện thiền định phải là một tâm thái không thuộc thời gian tức là không nỗ lực, không cố gắng, không tìm kiếm, không chọn lựa, không loại trừ. Điều này là dĩ nhiên vì nếu thiền định thuộc thời gian thì nó không thể chấm dứt cái sản sinh ra nó là thời gian. Nhưng nếu điều này là đúng thì việc chấm dứt thời gian tâm lý phải là trọng tâm trong mọi suy tưởng, quan sát, xem xét, vì đây là mấu chốt của mọi vấn đề, bất kể là vấn đề nào. Theo Krishnamurti, thiền định có thể phá vỡ cấu trúc kiên cố của thời gian, nhưng tất cả không chỉ có thế, thời gian chấm dứt chỉ mới là một tiền đề, nhưng đó là một tiền đề không phát sinh vấn đề.


Mộc Nhiên