Chân Như

Hãy cố hiểu từ chân như. Giáo lý của Đức Phật xoay quanh từ ấy. Trong thuật ngữ của Ngài, từ ấy là tathata - chân như. Toàn bộ quan điểm của Phật Giáo có thể quy về từ ấy, sống với từ ấy, sống một cách thâm sâu đến nỗi khái niệm ấy mất hẳn, và bạn trở thành chân như. Thí dụ, bạn bị bệnh. Thái độ của chân như là: chấp nhận nó "Đó là bản chất của cơ thể." Đừng tranh đấu, đừng chống đối. Bạn bị nhức đầu - hãy chấp nhận nó. Đó là luật tự nhiên. Bỗng nhiên có sự thay đổi, bởi vì khi có thái độ như thế, sự thay đổi sẽ theo như hình với bóng. Nếu chấp nhận bạn nhức đầu, nó sẽ dịu hẳn đi.
Hãy thử đi. Nếu bạn thấy khó chịu và chấp nhận, nó sẽ biến mất.

Tại sao? Bởi vì khi bạn chống lại, năng lượng của bạn bị chia chẻ: một nửa năng lượng dành cho đau nhức, nửa còn lại chống lại đau nhức. Một khoảng trống, một rạn nứt tạo ra do sự tranh đấu. Thật vậy, tranh đấu càng nhiều càng nhức nhối. Một khi bạn chấp nhận, năng lực trở nên một bên trong. Khi sự rạn nứt được hàn gắn, năng lượng được phóng thích tất cả vì không còn xung đột nữa, và năng lượng được phóng thích ấy trở thành năng lượng chữa lành. Hết bệnh không phải do bên ngoài mà có. Thuốc chỉ có thể giúp cơ thể khơi dậy cái lực bên trong để nó tự chữa. Nhiệm vụ của bác sĩ là giúp bạn tìm ra sức mạnh tự chữa bệnh của bạn. Sức khoẻ không thể cưỡng ép từ bên ngoài. Nó do sự tràn đầy năng lượng của bạn mà có. Từ chân như có thể áp dụng cho những căn bệnh thuộc về thể chất, về tinh thần, và đặc biệt là tâm linh. Đó là một phương pháp bí mật, mà nếu áp dụng đúng cách, mọi bệnh tật sẽ chấm dứt. Hãy bắt đầu với cơ thể vì đó là tầng thấp nhất. Nếu thành công ở giai đoạn đó, hãy tiếp tục lên những tầng cao hơn. Nếu thất bại ở đó, khó mà bạn có thể đi xa hơn. Nếu cơ thể bị bệnh, hãy thư giãn và chấp nhận, đồng thời hãy tự nhủ rằng - "đó là bản chất của sự việc." Cơ thể là một hỗn hợp của nhiều bộ phận. Cơ thể được sinh ra, ngày nào đó nó sẽ phải chết. Nó là một cơ chế rất phức tạp nên có rất nhiều khả năng để nó bị trục trặc. Hãy chấp nhận mà đừng đồng nhất với nó. Một khi chấp nhận, bạn sẽ dửng dưng, sẽ không bị lệ thuộc vào nó. Khi chống trả, bạn đi xuống cùng với tầng của cơ thể. Chấp nhận là vượt qua. Khi chấp nhận, bạn ở trên đỉnh đồi; cơ thể bị bỏ lại đàng sau "Đó là bản chất tự nhiên của nó. Có sinh tất có diệt. Mà nếu sinh ra để rồi chết, lúc nào đó nó sẽ ngã bệnh. Vậy chẳng nên quan tâm quá đáng." Bạn sẽ quan sát, như thể nó không xảy ra cho bạn, mà xảy ra trong thế giới của vật chất. Đó là diệu dụng của nó: khi không tranh đấu, bạn vượt lên trên. Bạn không ngang hàng với nó. Sự siêu việt này trở thành lực chữa lành. Bỗng dưng cơ thể bắt đầu thay đổi. Những căn bệnh khác của tâm trí như lo lắng, căng thẳng, ưu tư, và buồn phiền cũng có những quy luật tương tự. Bạn lo lắng về việc gì đó. Sao bạn phải lo lắng? Bởi vì bạn không chấp nhận sự thật. Đó là căn nguyên của sự lo lắng. Bạn không chấp nhận những gì đang xảy ra. Bạn lo lắng vì bạn có những ý tưởng mà bạn muốn thiên nhiên phải tuân theo... Thế thì bạn sẽ tự tạo căng thẳng cho chính mình. Không ai có thể thắng thiên nhiên. Tình yêu là một sự nở hoa, nhưng nay hoa đã tàn, nhụy đã phai. Cơn gió thoảng đã đến nhà bạn, nay nó đang hướng về nơi khác. Đó là cách thức ở đời. Tất cả đều thay đổi và di chuyển không ngừng. Thay đổi là bản chất của thế giới hiện tượng, chẳng có gì tồn tại mãi mãi. Đừng mong đợi gì cả. Nếu muốn tìm sự lâu bền giữa những vô thường, bạn sẽ rước lấy lo âu cho mình. Bạn muốn tình yêu bền vững muôn đời. Chẳng có gì tồn tại mãi mãi trong thế gian này. Tất cả đều chóng qua. Đó là bản chất của sự việc, chân như, tathata. Cho nên khi bạn biết tình yêu đã mọc cánh, nó sẽ làm bạn buồn. Hãy chấp nhận. Bạn cảm thấy run rẩy. Hãy chấp nhận sự run rẩy ấy. Đừng đàn áp. Nếu muốn khóc. Hãy khóc đi. Hãy chấp nhận. Đừng đóng kịch; đừng giả vờ là bạn không lo sợ, bởi vì nó sẽ chẳng giúp được bạn. Lo lắng là chuyện của bạn. Ra đi là chuyện của vợ bạn. Nếu tình yêu không còn nữa, nó đã chết rồi. Sự thật quá phũ phàng. Hãy chấp nhận nó.
Nếu chấp nhận một cách miễn cưỡng, bạn sẽ đau khổ triền miên. Nếu chấp nhận mà không than phiền, không phải vì tuyệt vọng mà vì hiểu biết, nó sẽ trở thành chân như. Thế thì bạn chẳng lo lắng, chẳng có vấn đề gì cả. Vấn đề chỉ xảy ra khi bạn không chấp nhận những gì đang xảy ra, không phải vì những gì đang xảy ra. Bạn muốn nó theo ý của bạn. Đời sống bất kể bạn là ai. Bạn phải sống theo nó. Miễn cưỡng hay vui vẻ. Chọn cái nào cũng được. Nếu theo một cách miễn cưỡng, bạn sẽ đau khổ. Nếu thuận theo một cách vui vẻ, bạn trở thành Phật, và bạn sống trong ngất ngây. Đức Phật cũng phải chết; chẳng có luật riêng cho Ngài, nhưng Ngài chết khác hẳn. Ngài chết một cách vui sướng, như thể chẳng có cái chết vậy. Ngài biến mất một cách bình thường vì Ngài từng nói, "Sinh ra là phải chết. Sinh dẫn đến tử. Đó là luật tự nhiên. "Bạn có thể chết trong thống khổ. Thế thì bạn bỏ lỡ dịp để nhận ra sự lộng lẫy mà cái chết mang lại, cái ân sủng xảy ra lúc lâm chung, sự rực sáng được tạo ra khi hồn và xác giã từ nhau. Bạn sẽ lỡ dịp vì bạn quá lo âu, và vì bạn cố bám lấy quá khứ, cố bám lấy sự sống trong lúc mắt bạn nhắm lại. Bạn không thể thấy những gì đang diễn ra vì bạn không chấp nhận sự kiện. Vì vậy, bạn nhắm mắt lại, bạn đóng cả con người của bạn mà chết. Bạn sẽ chết nhiều lần nữa vì bạn tiếp tục bỏ lỡ dịp. Chết rất là tuyệt diệu nếu bạn chấp nhận, nếu mở toang cửa mà đón nhận với sự hân hoan, với sự tiếp đón nồng hậu rằng, "Bởi vì nếu sinh ra, tôi sẽ chết. Ngày đó đã đến, vòng tròn đã hoàn tất." Nếu đón nhận cái chết như một khách quí, một thượng khách, phẩm chất của nó sẽ thay đổi hẳn. Bỗng dưng bạn bất tử: thể xác chết đi, nhưng bạn không chết. Bạn có thể chứng nghiệm điều đó ngay lúc ấy, rằng chỉ có quần áo là bị bỏ lại, không phải bạn. Chỉ cái vỏ, cái bình bị bỏ lại, còn nội dung bên trong thì không: tâm thức không hề mất sự sáng rực của nó. Mà còn hơn vậy nữa vì trong lúc còn sống, nhiều rác rưởi đã che lấp tâm thức của bạn. Lúc lâm chung nó lộ ra vẻ đẹp muôn đời. Và trong sự sáng uyên nguyên ấy, tâm thức đẹp tuyệt trần. Nhưng để có kinh nghiệm ấy, một thái độ về chân như phải được hấp thụ; cả linh hồn lẫn thể xác phải thấm nhuần trong chân như. Không phải là bạn chỉ nghĩ về nó, mà nó phải trở thành tính tự nhiên của bạn. Bạn ăn trong chân như, ngủ trong chân như, thở trong chân như, yêu trong chân như, khóc trong chân như. Nó trở thành lối sống của bạn. Bạn chẳng cần quan tâm về nó, chẳng cần nghĩ về nó; nó là tánh trời của bạn. Đó là ý của tôi khi nói rằng chân như phải được hấp thụ. Bạn hấp thụ nó, tiêu hóa nó. Nó chảy trong máu, lưu thông trong lòng xương, nhảy theo từng nhịp đập của con tim bạn. Bạn chấp nhận nó. ... 

Nếu bạn chấp nhận chuyện gì, nó không trở thành gánh nặng cho bạn; vết thương sẽ lành lặn hoàn toàn. Nếu bạn chấp nhận chuyện đã rồi, nó sẽ không ám ảnh bạn nữa; bạn thoát khỏi sự kiềm chế của nó. Chấp nhận cởi trói cho bạn. Nhưng nếu chấp nhận một cách miễn cưỡng, một cách bất lực, nó sẽ theo bạn dài dài. Đừng quên một điều: những gì chưa hoàn tất sẽ được tâm trí mang theo mãi mãi. Những gì hoàn tất sẽ bị bỏ lại. Khuynh hướng của tâm trí là mang theo những cái chưa hoàn tất với hy vọng là ngày nào đó nó sẽ có cơ hội để hoàn tất. ...
 Khi thực sự chấp nhận, với thái độ chân như đó, bạn sẽ không bực bội, không tuyệt vọng. Bạn sẽ hiểu rằng đó là bản chất của mọi sự. Thí dụ. Nếu muốn ra khỏi phòng, tôi sẽ đi qua cửa, không đi qua tường, bởi vì xuyên qua tường là phải lấy đầu mà húc. Đó là cách ngu xuẩn. Bản chất của tường là ngăn chặn không cho bạn đi qua. Còn bản chất của cửa là để bạn đi qua, bởi vì cửa trống rỗng nên bạn có thể đi qua được.
Khi một vị Phật chấp nhận, Ngài chấp nhận mọi sự như cửa và tường. Ngài đi qua cửa vì đó là cách duy nhất. Bạn thì không. Bạn xô tường mà đi,để bị thương tích trăm chiều. Lúc đó bạn mới bò đến cửa, sau khi đã bị đè bẹp, đánh bại, buồn chán, ngã lòng. Nếu chọn cửa ngay từ đầu đi mà thì đâu đến nỗi nào. Sao bạn muốn ăn thua đủ với tường? Nếu có thể nhìn sự việc một cách sáng suốt, bạn đã không tưởng tường là cửa. Nếu tình yêu vỗ cánh, nó đã bay đi.Đó là bức tường. Đừng cố đi qua. Cửa không còn nữa. Con tim đã lạnh nhạt rồi; nó đã sưởi ấm cho người khác. Bạn chẳng hoàn toàn cô độc, bởi vì còn người khác nữa. Cửa không mở cho bạn nữa; nó đã trở thành bức tường. Đừng lấy đầu mà thử. Bạn sẽ bị thương một cách không cần thiết. Và sau khi bị đè bẹp, bị thương tích, dù cửa có mở cũng chẳng còn đẹp nữa. Bạn chỉ cần nhìn rõ. Đừng ép buộc những gì phản tự nhiên lên những gì tự nhiên. Hãy tìm cửa mà ra. Nếu mỗi ngày cố gắng một cách điên rồ để đi qua tường, bạn sẽ bị căng thẳng, và sẽ cảm thấy rối loạn không ngừng. Thống khổ sẽ trở thành định mệnh của bạn. Sao không nhìn sự việc một cách tự nhiên? Sao bạn không nhìn vào các dữ kiện? Bởi vì những ước mơ của bạn quá lớn. Bạn luôn luôn hy vọng hão huyền. Chỉ cần nhìn: mỗi khi ở trong tình huống nào đó,đừng ham muốn gì cả, bởi vì ham muốn sẽ làm bạn lạc đường. Đừng ước muốn, đừng tưởng tượng. Hãy nhìn sự việc với toàn bộ ý thức của bạn. Đừng bao giờ đi qua tường. Hãy tìm cửa mà ra. Bạn sẽ không bị thương tích, sẽ không bị mang gánh nặng. Đừng quên là chân như là một sự hiểu biết, không phải một định mệnh tuyệt vọng. Khác nhau ở chỗ đó. Có những người tin ở số phận, định mệnh. Họ nói, "Bạn có thể làmđược gì? Thượng Đế đã an bài rồi. Con nhỏ của tôi mới chết, cho nên đó là ý muốn của Thượng Đế, và đó là số phận của tôi. Điều đó đã được định trước rồi, và nó sẽ xảy ra." Tuy nhiên, xét cho kỹ thì đó là sự khước từ. Đó là những mưu kế để đánh bóng sự phản kháng ấy. Bạn có biết Thượng Đế không? Bạn biết gì về định mệnh? Sao bạn biết điều đó đã được định trước rồi? Không. Đó chỉ là những cái cớ, những lý do để bạn an ủi chính mình. Thái độ của chân như không phải là thái độ của số mệnh luận. Nó không cần đến Thượng Đế, số phận, định mệnh - tuyệt đối không. Nó nói rằng, "Hãy nhìn vào sự việc. Hãy nhìn vào dữ kiện của sự việc và hiểu rõ thì sẽ nhận ra cửa vì bao giờ cũng có cửa." Bạn vượt lên trên. Chân như là chấp nhận một cách toàn bộ, chấp nhận với một con tim niềm nở, không phải trong sự tuyệt vọng.


Osho – Đức Phật và Phật Pháp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét