Những gì tôi đã làm và đang làm dường như là rất quan trọng đối với tôi, nhưng đối với người khác xem ra nó chẳng có gì là quan trọng cả. Sau khi chết, tôi sẽ bị người đời quên lãng ngay. Chẳng có gì quan trọng cả. Điều quan trọng nhất đối với tôi là sống một cuộc sống mãn nguyện sâu sắc và đầy ý nghĩa, ý nghĩa đối với tôi.
Lời khen tiếng chê của thế gian chẳng có chút gì quan trọng đối với tôi cả, hầu hết chúng đều thiên vị, lệch lạc, đầy thành kiến...
CHƯƠNG VI: Giá trị và Triết lý
“Tất cả những gì có giá trị đều từ trái tim này mà ra”.
Thật đúng. Bạn biết không, trước đây tôi là một người trí thức. Tôi coi trọng kiến thức và lý luận quá mức. Tôi đã đọc hàng ngàn cuốn sách về mọi chủ đề. Nhưng giờ đây tôi đọc rất ít , mặc dù vẫn còn coi trọng kiến thức và tư duy lôgic. Tôi không thể thuyết giảng được nữa vì tôi cảm thấy nói như vậy quá đại ngôn. Thay vào đó, tôi chỉ nói và và chia sẻ những gì tôi đã học hỏi được. Trái tim tôi đang ngày càng trở nên rộng mở hơn.
Giờ gây, mọi lý tưởng ngày càng trở nên ít quan trọng hơn đối với tôi. Tôi không sống bó mình theo một khuôn mẫu nào. Tôi nhìn sâu vào trong trái tim mình. “Nên” hay “không nên” không còn quan trọng với tôi nữa. Tôi đặt lòng tin vào trái tim mình (bộ não của tôi dựa quá nhiều vào lý trí); tôi cảm thấy mình sống động hơn khi hay biết được trái tim mình.
“Người nào, ở mọi nơi và mọi thời đại, dù anh ta là ai chăng nữa, nếu anh ta biết hành động theo sự lựa chọn của mình chứ không theo sự suy luận của lý trí, nhất định lợi thế sẽ thuộc về người đó.”
Đó là điều Dostoevsky đã nói trong cuốn Ghi Chép Từ Lòng Đất. Bạn nói gì đây?
Bạn của tôi, Henry David Thoreau đã nói: “Một con người trí tuệ và tỉnh thức thường thấy mình đối nghịch lại cái được coi là những luật lệ và chuẩn mực thiêng liêng nhất của xã hội, để sống thuận theo những quy luật và chuẩn mực còn thiêng liêng hơn nữa, và hành động ấy là sự thử thách lòng quyết tâm không hề rời xa con đường anh ta đang tiến bước”.
Đối với tôi, tôi đã chán đấu tranh và xung đột.
Tôi muốn sống cuộc đời mình thật bình yên.
Tôi muốn tìm cho mình một cách sống,
không phải hòa mình theo thế giới điên rồ ngoài kia,
mà cũng không phải xung đột với nó.
Hãy để cho thế giới đi theo con đường điên rồ
của riêng nó. Tôi sẽ đứng bên ngoài thế giới ấy.
Nếu có bất cứ cái gì tôi coi là của đương nhiên mình được hưởng, thì tôi không thể được gọi là một người thực tâm đi tìm chân lý, ngay cả đó là những điều chính Đức Phật đã nói. Không thể chỉ vì tôn kính Ngài mà tôi tin (và Ngài là người tôi tôn kính nhất trên đời). Tôi muốn tự chính mình hiểu.
Một điều khác tôi đã học được, đó là kết nối
và giao tiếp với chính mình. Người duy nhất mà tôi
có thể giao tiếp một cách thực sự, thực sự tốt đẹp nhất
là chính bản thân mình.
Điều đó chẳng dễ tý nào. Tất cả mọi cử động, sự bực tức, mọi cảm xúc, tâm ngã mạn, sự buồn chán (nhất là khi tiếp xúc với người khác, bởi vì tôi không hề cảm thấy chán khi ở một mình) đều được cảm nhận một cách trọn vẹn. Tôi cảm thấy hoàn toàn rộng mở đối với chính mình. Giờ đây, tôi hiểu chính bản thân mình thật sâu sắc.
Bây giờ tôi tận hưởng một cảm giác thật thanh thản, nhẹ nhàng mà trước đây chưa từng có.
Tôi không muốn đánh giá, phán xét; tôi muốn sự hiểu biết. Tôi không hoàn hảo, thực ra tôi thậm chí đang trở nên ngày càng không hoàn hảo hơn. Vì vậy tôi sợ những người hay đánh giá, phán xét người khác. Tôi muốn được yên thân một mình.
Trong cuộc đời, tôi đã từng làm nhiều việc xấu, nhưng tôi không tự đổ lỗi cho mình hay người khác về điều đó. Chưa từng bao giờ làm một việc bất thiện nào cả, đó là điều không thể có trong đời. Tôi đang cố gắng thực hành Pháp, và tôi cảm thấy hạnh phúc về điều đó.
Tôi thích sự kỷ luật. Vì vậy, khi mọi người làm điều gì không đúng, tôi sẽ nói cho họ biết.
Xung đột với mọi người chẳng có ích lợi gì cả. Khi tôi không làm hay nói điều gì với ý lừa dối người khác, tôi luôn cảm thấy bình an trong tâm. Điều tôi muốn nói ở đây là tôi không thể cư xử hay nói theo cách tôi đang thực sự cảm nhận ở trong mình.
Tôi muốn hiểu rõ cách quan hệ với mọi người ra sao cho hợp lý. Tôi không thích mọi người nghĩ về tôi như một mẫu người nhất định mà thực ra tôi không phải là như thế, nhưng đó là điều không thể tránh khỏi. Tất cả mọi người trên thế giới đều hiểu sai về người khác. Và tôi vẫn thất vọng khi họ hiểu đúng về mình.
Miễn là tôi luôn luôn ý thức rõ ràng
về những động cơ của chính mình,
thì tất cả mọi việc đều OK.
Tôi đồng ý với bạn về cách làm thế nào mà một kẻ ngu có thể đạt tới một vị trí nào đó trong một tổ chức. Kinh nghiệm đối với những kẻ ngu loại như vậy, tôi đã biết đủ lắm rồi. Tôi có thể hiểu con người nhiều hơn, nhưng tôi không muốn tranh luận với những kẻ ngu, nhất là đối với những kẻ ngu luôn tự cho mình giỏi hơn người. Tôi ngày càng trở nên xa lánh con người và các loại tổ chức. Tôi không nghĩ nhiều đến việc giúp người; con người sử dụng con người để quảng bá chính mình dưới danh nghĩa giúp đỡ nhau.
Bất cứ ai chiến đấu chống lại quỷ dữ nên ghi nhớ: chớ để chính mình cũng bị biến thành quỷ dữ trong cuộc chiến ấy.
Giống như có ai đó đã từng nói: “Cái gì? Một con người vĩ đại ấy hả? Tôi chỉ thấy đó là một vai diễn thể hiện lý tưởng của chính anh ta mà thôi”. Có quá nhiều việc chúng ta làm chỉ là để chứng tỏ cho mọi người thấy mình không phải là một kẻ ngu, một gã khờ!
Tôi đang thay đổi quá nhanh, đến nỗi rất khó để nói được năm tới quan điểm và thái độ của tôi (đối với mọi thứ) sẽ như thế nào. Tôi đã phát hiện ra rất nhiều loại lý tưởng là không thực tế. Tôi sẽ dạy cái gì đây?
Tiến trình thay đổi trong tôi vẫn đang tiếp tục; tôi không muốn can thiệp vào nó. Sự vỡ mộng này tiếp nối sự vỡ mộng khác. Có lẽ đó là học hỏi – tỉnh dậy khỏi một giấc mộng đẹp để đối diện với thực tế khắc nghiệt.
Những giá trị của tôi đã thay đổi quá nhiều đến mức tôi cảm thấy rất khó để nói chuyện được với mọi người. Tôi muốn hiểu rõ hơn về thái độ của chính mình.
Bạn có sợ thay đổi không? Tôi hy vọng là không. Nếu bạn sợ sự thay đổi, bạn sẽ không thể là bạn của tôi được.
Chúng ta muốn mình phải là một cái gì đó
khác và hơn cái hiện tại. Tại sao?
Bởi vì cái chúng ta đang là
bây giờ không tốt, hay không chấp nhận được?
Hay bởi vì cái “tôi” hay sự ngã mạn?
Một người nói: “Tôi muốn đắc đạo!”, người khác nói: “Tôi muốn hiểu về tham lam, sân hận, ngã mạn, hoài nghi…”. Người nào có thái độ chân chánh?
Hầu hết tất cả mọi người không có
định hướng cho cuộc đời mình, là bởi vì họ đi tìm
định hướng ấy ở bên ngoài.
Bất cứ một định hướng nào con người tìm kiếm ở bên ngoài đều không phải là định hướng đúng. Nhưng những nguồn bên ngoài có thể cho người đó một gợi ý để tìm định hướng bên trong mình. Không có định hướng bên trong này, con người sẽ hoàn toàn lạc lối.
Chỉ những người đã thất vọng về sự vô nghĩa,
sự mù quáng và mất phương hướng
trong cuộc đời mới có cơ hội tìm ra cho mình
một định hướng.
Để có thể thất vọng về hoàn cảnh mình đang ở,
con người cần phải có rất nhiều trí tuệ và sự quán sát.
Đó cũng là trạng thái tâm của Thái tử Tất-Đạt-Đa (Siddhattha) khi ngài bỏ cung điện đi xuất gia để trở thành Đức Phật.
Một số người chỉ đi tìm kiếm một sự thay đổi, một sự khác biệt nào đó. Họ bám víu vào bất cứ cái gì.
Con người thích bị lừa dối. Rất khó để khiến họ từ bỏ những quan kiến sai lầm mà họ đang chấp giữ. Họ sẽ rất bực mình khi bạn nói điều gì đó đụng chạm đến những ý tưởng “con cưng” của họ (những ước mơ, những sự tưởng tượng… họ đang ôm ấp, dưỡng nuôi).
Con người thích tin vào những chuyện hoang đường, tôi nghĩ. Không gì có thể khiến họ từ bỏ lòng tin vào những thứ đó. Họ cứ như là những đứa con nít. Nếu không có những cái “bánh vẽ” tự nặn ra để mà tin như vậy, họ cảm thấy mất phương hướng; không có nó, cuộc đời họ cảm thấy xương xẩu khó nuốt, như một khúc xương khô vô dụng. Vì vậy, nếu bạn muốn lấy đi những câu chuyện hoang đường khỏi đầu họ, bạn phải cho họ một cái gì đó để thay thế.
Đa số con người ta chỉ già đi
mà chẳng trưởng thành.
Sự trung thực về tri thức rất là hiếm. Khi một số vị thầy nói, họ nói cứ như thể họ biết chắc điều đó, mặc dù chẳng có chút kinh nghiệm thực tế nào về những gì họ đang nói cả. Họ không bao giờ thể hiện sự hoài nghi của mình ra. Chẳng lẽ họ không có chút hòai nghi nào cả sao? Chẳng lẽ có thể như thế được sao?
Tôi muốn sống thật giữa ban ngày,
không phải sống trong mơ.
Khi tôi sống một mình với chính tôi, không phải nói nhiều, tôi sống trong một thế giới khác. Tôi gọi nó là thế giới tâm linh, nhưng khi phải nói chuyện quá nhiều với mọi người, đủ thứ chuyện thế gian, tôi cảm thấy mình bị kéo trở lại với thế giới dục lạc, thế giới vật chất điên rồ, nông cạn và tầm thường, tôi buộc phải lắng nghe, trả lời và tham gia vào câu chuyện của họ.
Có người (tôi quên mất là ai) có lần nói với tôi rằng một số người mang rất nhiều trang sức quý giá trên người bởi vì bản thân con người họ vô giá trị; họ chỉ cảm thấy mình có giá khi đeo những đồ vật ấy trên người. Một số người sở hữu những viên đá sặc sỡ, những thứ kim loại lấp lánh; một số khác thì có những con số khổng lồ trong ngân hàng; một số người được tạm thời bổ nhiệm làm bộ trưởng hay tổng thống (và hãy nhìn xem mặt họ vênh thượng lên làm sao). Nếu bạn không gọi đó là điên khùng, thì tôi không biết như thế nào mới là điên nữa! Không có cách nào khác để con người tự làm cho mình cảm thấy có giá trị ư? Tôi còn nhớ A. thường hay nói:
“Có quá nhiều đau khổ trên thế giới này”.
Tôi muốn nói thêm rằng:
“Có quá nhiều thứ vô nghĩa trên thế giới này”.
Dù bạn cố gắng đến đâu để không bị lôi kéo vào màn kịch vô nghĩa này, bạn vẫn bị buộc phải tham gia vào trong đó. Bạn đã từng bị định khuôn đến mức như thế bao giờ chưa?
Bạn cần phải có rất nhiều chánh niệm để không bị “lôi tuột” đi trong lúc chuyện trò. Tôi thích được yên tĩnh hơn. Điều đó tốt cho sự bình an của tâm hồn tôi.
Nếu loại bỏ đi những lời nói vô nghĩa, những lời nói dối và sự giả tạo trong lúc nói chuyện, bạn sẽ chẳng có gì nhiều để mà nói cả đâu. Tôi đã chán ghét sự giả tạo lắm rồi, quá nhiều sự giả tạo làm cho cuộc sống trở nên không thực.
Những con người giả tạo làm những
hành động giả tạo, trong một hoàn cảnh giả tạo,
và sống một cuộc đời giả tạo.
Tôi e rằng tôi đang ngày càng trở thành một con người khác với lệ thường của đời; có lẽ tôi sẽ phải đi một con đường hiếm người đi nhất, ở nơi đó tôi sẽ chỉ có một mình.
Tôi mới gặp lại một số bạn bè, tôi cảm thấy khó nói chuyện với họ bởi vì sự khác lệ đó của mình. Tôi đang cố gắng để hiểu rõ và thích nghi với nó. Tôi sẽ có thêm bạn bè mới và mất dần đi một số bạn bè cũ. Mọi người sợ những con người khác thường, tôi nghĩ, và sợ sự thay đổi. Họ tìm thấy sự an toàn ở những ý tưởng xưa cũ, quen thuộc; những ý tưởng mới mẻ luôn đầy đe dọa – những người hay thay tâm đổi ý thì không đáng tin cậy.
Những điều tôi coi là lớn lao thì người khác lại coi là trẻ con và vô nghĩa. Bởi vì tôi không có gì phải lo lắng cho việc sinh nhai, tôi suy nghĩ nhiều đến những điều nằm ngoài sự quan tâm của hầu hết mọi người.
Bởi vì không tin vào bất cứ thứ giáo điều nào, tôi hoàn toàn tự do đi tìm kiếm câu trả lời của chính mình.
Đôi khi tôi thực sự thất vọng (với cuộc đời). Đôi khi tôi cảm thấy thực sự mệt mỏi, bị thiêu cháy hết sức lực. Khi đó, tôi quay trở lại với những điều đơn giản và cơ bản nhất, và cố gắng nhìn nhận cuộc sống một cách hoàn toàn mới mẻ, không bị ảnh hưởng bởi bất cứ một định kiến về giá trị nào. Trong những khoảnh khắc bình an, sáng suốt và tách rời đó, dường như chẳng có gì là quan trọng nữa cả. Chỉ có một vài sự thật cơ bản hiện lên thật rõ ràng, chẳng hạn như sự thật về vô thường (anicca), vô ngã (anattā), tham ái (sự dính mắc, chấp thủ, khao khát-mong cầu), khổ (sự bất toại nguyện, nỗi đau-thể chất và tinh thần), tâm tham (lobha), tâm sân (dosa), tâm si (moha).
Cái tồi tệ nhất là tâm si.
Không dành được cơ hội để quán sát lại chính mình
là một điều vô cùng tệ hại. Con người bị cuộc sống
chi phối và phân tán quá nhiều.
“…con người phải chịu nhiều đau khổ đến thế chỉ để đóng một vai hề như vậy sao!”. Có đúng như vậy không, bạn của tôi? Bạn phải biết. Nietzsche đã nói về Shakepeare như vậy đó.
Nếu tôi nói thật ra hết những gì mình nghĩ, thì kết cục chắc chắn là tôi sẽ gặp phải rắc rối. Sống trung thực và thẳng thắn không phải là dễ. Tôi muốn ngày càng sống thật hơn và cởi mở hơn, nhưng tôi không muốn gặp phải rắc rối. Tôi phải học cách im lặng, hoặc sẽ trở thành một đạo sỹ.
Trong cái thế giới siêu bận, siêu thanh, siêu chi phối và phù phiếm này, có hy vọng nào để phần lớn con người trở thành người tỉnh được không?
Con người đang trở nên rất giống với quần áo may sẵn – cùng một kiểu rập khuôn, rẻ, và nhanh hỏng, không có bản sắc riêng của cá nhân. Tôi thích đồ vật (quần áo) được đặt làm riêng theo ý mình, hợp thị hiếu, có chất lượng (vâng, điều đó rất quan trọng), và bền.
Tôi đã từng đọc trong một cuốn sách khoa học về vệ tinh nhân tạo: một số vệ tinh quay quanh trái đất với quỹ đạo ngày càng rộng; càng quay nó càng tách xa dần khỏi trái đất, và đến một điểm nào đó, không thể quay theo quỹ đạo quanh trái đất được nữa, nó tách ra, bứt mình ra khỏi sức hút của trái đất để đi vào vũ trụ. Tôi cảm thấy mình như cái vệ tinh đó. Tôi cảm thấy điều này rất thường xuyên và mạnh mẽ.
Đôi khi tôi cảm thấy chẳng muốn nói gì. Mọi người nói chuyện chủ yếu là vì muốn giết thời gian, chứ chẳng phải vì họ có điều gì quan trọng cần nói. Lúc đó sẽ có nguy cơ bị hiểu lầm khi bạn muốn nói điều gì đó mà mình đang cảm nhận thật sâu sắc. Bạn sẽ bị họ cười vào mũi. Sự hiểu biết lẫn nhau quả là điều trân quý và hiếm gặp trên đời này.
“Cũng như bác sỹ nói rằng không có bất cứ một con người nào là hoàn toàn khỏe mạnh, bất cứ ai hiểu biết về con người cũng sẽ nói: không có bất cứ người nào là không thất vọng ít nhiều, không bí mật mang theo mình một sự bất an, một xung đột nội tâm, bất an vì một điều gì không biết hay không dám biết, bất an về một điều gì đó có thể xảy ra trong kiếp sống, bất an về chính mình.
Như một người bệnh mang theo bệnh tật trong mình, anh ta mang tâm bệnh theo mình; nó bộc lộ ra qua sự bất an mà chính bản thân anh ta cũng không
thể lý giải”.
KIERKEGAARD
Đức Phật nói: “Ta có thể thấy có người thân thể không bệnh tật trong một ngày, hai ngày…một năm, hai năm. Nhưng nếu có người nói rằng tâm người đó không có bệnh, dù là trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, kẻ đó không thể là một ai khác ngoài một kẻ ngu”. (phiền não là tâm bệnh).
Vậy, bạn là ai hả bạn của tôi? Bạn không có tâm bệnh hay bạn là kẻ ngu? Nếu bạn nói bạn không có tâm bệnh, thì bạn sẽ là một kẻ ngu!
Lời của Kierkegaard nữa: “Có cái gì đó khác người luôn luôn là điều tốt. Tôi chẳng yêu cầu một điều gì hơn là được mọi người coi là người duy nhất không nghiêm túc ở lứa tuổi nghiêm túc của chúng ta”. Bạn có thích thế không? Bạn có muốn chết trong khi vẫn đang cười hay không?
Tôi muốn trích một số đoạn trong cuốn HỒI KẾT CHO SỰ NGÂY THƠ. Đây là một đoạn trong đó:
“Một nòi giống thánh thiện giả tạo khác nữa là những kẻ chỉ nhăm nhăm tìm cách tạo dựng và tô vẽ một hình ảnh thánh thiện cho chính mình. Sử dụng như một cách sống tính toán, sự thánh thiện ấy ẩn chứa mong đợi bóc lột người khác bằng cách lợi dụng lòng kính tín của họ. Song mục đích chính vẫn là để tiếp tục tô vẽ và khẳng định hình ảnh trong sáng thánh thiện ấy của bản thân mình. Tôi thấy những kẻ như thế hóa ra toàn là loại đạo đức giả, họ tốt đến mức đáng ngờ”.
Tôi đã từng suy nghĩ đến những điều này cả một thời gian dài. Đây là một đoạn nữa: “Những ý định siêu tốt thường có kết quả là những hành động siêu xấu.” Bạn nghĩ thế nào về điều đó? “Đau buồn vì kết quả của những hành động ngu ngốc của chính mình, một số kẻ thánh thiện quá-tốt-đến-mức-đáng-ngờ đã bị loạn thần kinh và phải cầu viện đến bác sỹ tâm lý”.
Còn đây là lời nhận xét của tôi:
Hầu như là những kẻ không thể giúp được người
thì lại rất hay nói về chuyện giúp đỡ người;
có thể bởi vì chính họ mới là người cần giúp đỡ.
Hãy giúp mọi người tự giúp chính mình,
để họ sẽ không cần đến sự giúp đỡ của bạn nữa.
Con người ta không hiểu thế nào là tâm linh đích thực.
Họ nhầm lẫn tâm linh với lòng tin, lòng tin mù quáng –
Còn tôi cho đó là sự tự do về mặt tinh thần.
Người nào nghĩ rằng đi giúp đỡ người khác (hoằng dương chánh pháp) và phục vụ nhân loại (hay cứu vớt nhân loại) là điều quan trọng nhất trong cuộc đời, kẻ đó chẳng thể hiểu được cái gì mới là điều thực sự quan trọng và sâu sắc nhất. Điều quan trọng nhất mà người trí tuệ có thể làm được là sống cuộc đời mình một cách trung thực, chân thành và nhiệt tâm, sống mạnh mẽ và cố gắng để đạt tới những hiểu biết sâu sắc hơn về bản chất đích thực của chính con người mình. Giúp đỡ người là việc xếp sau.
Một điều đang dần dần trở nên rõ ràng đối với tôi: từ trước tới nay, một cách vô thức, tôi luôn luôn đi tìm kiếm một cách sống mà bất cứ con người trí tuệ nào cũng chấp nhận được, hợp lý từ mọi góc độ, thiết thực và có lợi ích đối với tất cả mọi người. Tôi đã quá quan tâm đến, hay quá trân trọng cách hiểu biết và suy nghĩ của người khác. Bây giờ thì tôi hiểu rằng điều đó chẳng quan trọng; tôi không cần phải giải thích cho mọi người tất cả mọi việc tôi làm.
Ngay cả trước kia cũng vậy, tôi hay làm
những gì tôi thích, nhưng cứ phải cố giải thích
theo cách làm sao cho hợp lý với mọi người.
Bây giờ thì tôi thấy ra rằng cuộc sống riêng của mình
chẳng có liên quan gì đến bất cứ ai.
Tôi sống (và sẽ sống) cuộc sống của mình sao cho
mãn nguyện nhất đối với tôi, chứ không phải
tuân theo những gì người khác nghĩ là tôi nên làm.
Tôi không muốn có quan hệ gì với bất cứ loại tổ chức nào nữa. Quá nhiều chuyện phải nói, quá nhiều tranh chấp, xung đột quanh những những chuyện nhỏ nhen, vụn vặt, ganh đua và nói xấu lẫn nhau; tôi muốn vượt lên trên tất cả những thứ đó. Tôi chắc chắn một điều rằng tôi không phải là một con người của tổ chức. Tôi không muốn thuộc về một tổ chức nào cả, nhưng tôi sẽ cố gắng hết mình để giúp đỡ bất cứ ai đến với tôi.
Tôi có thói quen xác định mình là một với con người; Tất cả mọi thứ, nếu là vấn đề của con người thì cũng là mối quan tâm của tôi. Tôi không biết như thế là tốt hay xấu, nhưng tôi đã học hỏi được rất nhiều theo cách đó.
Bây giờ thì tôi thấy đó quả là một gánh nặng lớn. Tại sao tôi lại phải cố gắng giải quyết tất cả mọi vấn đề cơ chứ? (về tâm lý, tôi có thói quen giải quyết tất cả mọi vấn đề). Tôi là ai mà đi giải quyết tất cả mọi vấn đề như thế? Tôi không thể giải quyết vấn đề của người khác; tôi còn có quá đủ vấn đề của chính mình. Một số người nghĩ rằng tôi chẳng có vấn đề gì hết. Đúng, đúng là tôi không có những vấn đề loại giống như của họ, nhưng tôi vẫn có những vấn đề của riêng mình. Tôi cố gắng hết sức để tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi của mình, những câu hỏi mà hầu hết mọi người chẳng bao giờ nghĩ đến. Những câu trả lời làm mọi người thỏa mãn lại không thỏa mãn được tôi. Đối với hầu hết mọi người, câu trả lời cho tất cả mọi câu hỏi nằm trong sách vở, nhưng đối với tôi thì không phải như thế.
Một tòa lâu đài cát, gió thổi bay. Thật khó để từ bỏ những giấc mơ của mình.
Những vấn đề vụn vặt chỉ khiến cho
tâm mình thêm bận rộn.
Tôi có đủ những thứ mà hầu hết mọi người mong muốn. Mỗi khi tôi cố gắng có được cái gì đó, tôi nghĩ nó sẽ làm cho cuộc sống của mình thêm ý nghĩa, nhưng khi có được những gì mình muốn, tôi lại thấy nó thật là phù phiếm, chỉ là một viên đá lót đường, một thứ nữa để buông bỏ mà thôi. Mỗi lần buông bỏ là một lần ngộ, cho đến khi chẳng còn gì để buông bỏ nữa.
Những gì tôi đã làm và đang làm dường như là rất quan trọng đối với tôi, nhưng đối với người khác xem ra nó chẳng có gì là quan trọng cả. Sau khi chết, tôi sẽ bị người đời quên lãng ngay. Chẳng có gì quan trọng cả. Điều quan trọng nhất đối với tôi là sống một cuộc sống mãn nguyện sâu sắc và đầy ý nghĩa, ý nghĩa đối với tôi.
Lời khen tiếng chê của thế gian chẳng có chút gì quan trọng đối với tôi cả, hầu hết chúng đều thiên vị, lệch lạc, đầy thành kiến.
Rất nhiều thứ giờ đây đã mất đi tầm quan trọng đối với tôi; rất nhiều thứ đã mất đi sự kìm kẹp, sự chấp thủ và sức quyến rũ đối với tôi, chẳng hạn như chính trị, tiến bộ khoa học kỹ thuật, và thậm chí ngay cả tôn giáo.
Những gì con người tin tưởng vào thật đáng ngạc nhiên làm sao. Hình như tôi thấy con người ta không thể sống mà không tin vào một cái gì đó. Tôi tự hỏi không biết khi tôi sống mà không tin vào bất cứ loại tín ngưỡng hay hy vọng, khát vọng nào, thì cuộc sống sẽ ra sao nhỉ. Bạn có tưởng tượng ra điều đó không?
Bận rộn, bận rộn, lúc nào cũng bận rộn. Không cần thiết, vô ích. Quá điên rồ, quá vô nghĩa làm sao. Trên trái đất này có cuộc sống trí tuệ hay không? Thế nào là trí tuệ?
Thật là một sự phí phạm ghê gớm khi bạn không làm những gì thực sự có ý nghĩa đối với mình mà cứ phải đi làm những gì người khác mong muốn, trông đợi bạn phải làm. Bạn có biết cái gì là thực sự có ý nghĩa và mãn nguyện sâu sắc đối với bạn hay không?
Hạnh phúc thôi thì không đủ đối với tôi.
Tôi muốn thấu hiểu tất cả mọi thứ thật sâu sắc,
Hiểu không phải bằng suy nghĩ mà bằng việc
sống với nó, sống một cuộc đời thực chứ không phải
sống rập khuôn theo lý tưởng.
Mặc dù ở bề ngoài tôi phải (tôi buộc phải) tuân theo truyền thống đã định sẵn, dưới nhiều hình thức khác nhau, nhưng ở trong tâm, tôi sống một cuộc sống rất riêng biệt của chính mình.
Cái kẻ ma lanh hay bình luận, xét đoán trong tâm mình quả là rất khó chịu (như gai trong thịt); nó cứ phải chú thích tất cả mọi việc thì mới chịu. Bạn muốn mọi người học cái gì? Bạn muốn họ phải như thế nào thì mới vừa ý? Làm thế nào để bạn làm được điều đó?
Thế nhưng, còn bạn, bạn đang sống cuộc đời mình như thế nào?
Tôi đang đọc cuốn HỒI KẾT PHI KHOA HỌC của Soren Kierkegaard. Rất lạ là tôi lại rất thích đọc nó. Tôi thích phong cách của ông ấy. Tôi có một cuốn nữa của ông, BỆNH CHO TỚI CHẾT, tôi đã đọc nhanh qua. Tôi sẽ đọc lại lần nữa. Bạn có biết cuốn sách hay nào về triết học sinh tồn không?
Tôi muốn trích một đoạn nữa từ cuốn HỒI KẾT PHI KHOA HỌC:
“Vậy chúng ta hãy tiếp tục, nhưng xin đừng lừa dối lẫn nhau. Tôi, Johannes Chimacus (ông dùng bút danh này khi viết sách), là một con người, không hơn không kém; và tôi cho rằng bất cứ ai tôi đang nói chuyện cùng cũng là một con người. Nếu anh ta chỉ là kẻ lý thuyết suông, chỉ có triết lý và lý luận, tôi sẽ phải từ chối không nói chuyện cùng; bởi vì trong giây phút đó anh ta không hiện hữu trong con mắt tôi hay trong mắt bất cứ một con người có trí nào”.
SOREN KIERKEGAARD
Rất rõ ràng! Chính là cách tôi cảm nhận về chính mình và người khác. Tôi là một con người, không hơn không kém; tôi không chỉ là một nhà sư, và tôi muốn nói chuyện với một con người.
Khi nói chuyện với một người hay đóng kịch, hay giả bộ, tôi cảm thấy rất lúng túng, chẳng biết phải cư xử ra sao.
Tự coi mình là một cái gì đó,
một nhà sư hay một đạo sư hay một triết gia,
tất cả đều rất phiến diện, rất hạn chế và bó buộc.
Từ “người theo đạo Phật” hay “Phật tử” là một từ mới có sau này. Thời ngày xưa, người ta thường sử dụng từ Pali làsammā-ditthi-vādī (người có chánh kiến). Người theo đạo Phật ngày nay có thật sự là có chánh kiến hay không?
“Tất cả các việc ác trên đời, tôi cho rằng bạn đều có khả năng làm được: chính vì vậy mà tôi mong muốn bạn làm những việc tốt lành”.
NIETZSCHE
Tôi ước gì mình có được một chút hài hước giống như Mark Twain, hay ít nhất cũng được như bạn. Một con người không thể sống sót (không thể bảo vệ mình khỏi bị biến thành kẻ ngớ ngẩn) mà không có nó. Tôi nghĩ về con người quá nghiêm túc. Liệu con người có thể nghĩ một cách thẳng thắn được không nhỉ?
Tôi kể cho bạn chuyện này. Ngày hôm qua, một vị sư tìm đến gặp tôi. Sư ấy 39 tuổi. Tôi biết vị ấy từ lâu. Vị ấy nói với tôi là vị ấy có đại nguyện trở thành một vị Phật. Không chỉ thế, vị ấy còn khăng khăng nói rằng vị ấy chắc chắn sẽ thành Phật. Khi tôi tỏ ra không chú ý lắm, và nói “không ai có thể chắc chắn về điều đó cả”, vị ấy rất thất vọng và ngồi nói liền một hơi trong hai tiếng đồng hồ, chỉ để cố thuyết phục tôi tin vào điều đó. Vị ấy đi khắp nơi và nói với mọi người rằng vị ấy sắp trở thành một vị Phật. Ở Miến Điện không hiếm gặp những loại người hoang tưởng như vậy đâu. Ha, ha! Tốt nhất là nên cười hơn là nên thất vọng! Tôi khó mà hùa theo họ được. Ước gì tôi có thể nói, như T.P.S, “Thật hả?”.
Bởi vì có rất nhiều thứ đã mất đi tầm quan trọng đối với tôi, những thứ mà không ai có thể biết chắc nó có đúng hay không, tôi thấy mình ngày càng có ít chuyện để mà nói. Những gì tôi đang kinh nghiệm được trong giây phút hiện tại ngày càng trở nên quan trọng hơn đối với tôi.
Khi không cố để đạt đến bất cứ cái gì,
tôi lại càng có thể nhìn nhận mọi thứ một cách
rất đơn giản và rõ ràng.
Giờ đây tôi cảm nhận ngày càng rõ hơn về những gì đang diễn ra với mình.
Cái diễn ra trong hiện tại là cái duy nhất mà tôi có, dù nó là tốt hay xấu; vì vậy nó càng quan trọng hơn đối với tôi. Không bị phân tán tư tưởng nhiều, tôi có thể quan sát mọi thứ một cách dễ dàng.
“Con người phải từ bỏ thói xấu cứ muốn
mình phải thuận theo quan điểm với nhiều người”.
Tôi nghĩ nhiệm vụ quan trọng nhất của một người (và tôi) là thấu hiểu chính bản thân mình; hiểu mọi thứ đang diễn ra trong cuộc đời mình một cách sâu sắc, chứ không chỉ là hiểu về lý thuyết, triết lý suông; hiểu rõ ràng mọi động cơ khi nói một lời hay làm một việc gì đó; biết rõ mình đang cảm nhận như thế nào đối với mọi thứ mình nghe, nhìn… mà không bóp méo, xuyên tạc (phản ứng thực sự, chân thực của tâm mình); không để bị ai lừa dối và cũng không tự lừa dối chính mình; không theo đuôi bất cứ ai; không ôm ấp một lý tưởng nào đó chỉ vì nó có vẻ tốt đẹp, mà phải tự mình tìm hiểu ra xem nó có tự nhiên hay không, có khả thi hay không và cân nhắc đến mọi hậu quả và hệ lụy của nó nữa; và biết rõ khả năng của chính mình khi bắt tay vào làm một việc gì đó. Khi đã thấu hiểu tất cả những điều đó một cách rõ ràng thì tôi mới có thể nghĩ đến việc giúp đỡ người khác. Nếu không, tôi sẽ chỉ là kẻ tự lừa dối chính mình và lừa dối người dưới cái vỏ giúp đỡ người. Giúp đỡ người có thể lại trở thành một trò khuyếch trương bản ngã của mình. Tôi nhìn thấy trò khuyếch trương bản ngã này ở khắp mọi nơi. Đó là lý do tại sao tôi phải nhắc lại. Xin lỗi nếu tôi cứ hay lặp đi lặp lại như thế nhé.
“Một vấn đề khi đã trở nên rõ ràng
sẽ không còn làm chúng ta quan tâm nữa”.
Hãy đoán xem ai nói câu đó? Nietzsche.
Tôi kể cho bạn nghe câu chuyện về một con rắn. Thời xa xưa có một con rắn. Một hôm, một con ong bay đến đốt lên đầu nó và nhất định không chịu buông ra. Con rắn tìm đủ mọi cách để tống khứ con ong đi, nhưng không thể làm gì được con ong cả. Khi đó, con rắn nhìn thấy một chiếc xe bò chất đầy hàng đang đi đến. Nó nói với con ong: “Được rồi, hãy đợi đấy, tao sẽ cho mày biết thế nào là lễ độ”. Nó bò lên mặt đường và kê đầu đúng vào chỗ bánh xe đang lăn đến. Bánh xe bò nghiến lên đầu nó và giết chết con ong. Con rắn thực sự đã rất thành công trong việc trừng phạt con ong hỗn láo kia. Hãy xem con rắn ấy thông minh đến mức nào cơ chứ? Trên thế giới này không thiếu gì những kẻ thông minh như thế đâu.
Con người bình thường không thể thay đổi một cách nhanh chóng và triệt để. Sự chuyển hóa chỉ có thể diễn ra nhờ quá trình thiền tập. Ngay cả khi đó, nó cũng cần cả một thời gian dài. Một mức độ chánh niệm sâu sắc là điều cần thiết để có thể chứng nghiệm được bản chất vô ngã (anattā) một cách rõ ràng, và đó là một công việc khó. Vì vậy, chớ nên mong đợi quá nhiều.
Những gì bạn kể về Bangkok quả thực là rất sốc. Không biết một ngày nào đó Miến Điện (Rangoon) có như thế hay không? Đó là cái giá người ta phải trả để hiện đại hóa. Tôi thà ở trong núi, ăn thức ăn đơn giản, sống trong một ngôi lều giản dị, hít thở không khí trong lành, làm mọi việc một cách thanh thản, nhẹ nhàng, không phải lo toan, vướng bận về tiền bạc và địa vị, không có ngày nghỉ cũng chẳng có ngày làm việc, không xa hoa rộn ràng, còn hơn là sống như thế.
Chúng ta quá mong muốn sự ngưỡng mộ,
sự công nhận, sự kính trọng và tình yêu
của người khác đến mức nghĩ rất nhiều đến việc
làm thế nào để có được chúng.
Sống như thế, chúng ta không sống với những giá trị
mình coi trọng nhất mà chỉ sống vì những gì
mà người khác coi trọng nhất.
Điều rất quan trọng là phải tìm ra những giá trị nào
mình coi trọng nhất và hãy sống với nó mà không
xung đột với người khác, nếu có thể được.
Chúng ta tự tạo nên những giá trị của riêng mình
và sống với những giá trị ấy.
Vì vậy, điều rất quan trọng nữa là phải tìm hiểu xem
những giá trị ấy có thực sự đáng để mình sống
vì nó hay không.
Một số người nghĩ rằng cuộc sống ở B. chắc là giống như ở cõi chư thiên (devaloka), được hưởng thụ mọi vui thú và sự xa hoa. Thật khó để cho họ hiểu được rằng những thú vui và sự xa hoa cũng trống rỗng như một giấc mơ mà thôi.
Tôi muốn có một người bạn không ép khuôn mình theo một chuẩn mực, quy tắc hay một khuôn phép nhất định nào một cách cứng nhắc, mù quáng và không phân biệt; là người luôn quán sát và tỉnh thức; sống có trí tuệ; học hỏi và trưởng thành theo từng tháng năm qua; là người linh động, uyển chuyển (hiểu biết mỗi hoàn cảnh và ứng xử thuận tình hợp lý theo nó); là người mong muốn tự tìm hiểu ra cho chính mình ngay cả những sự thật đơn giản nhất (những điều đã được bậc trí tuệ vĩ đại nhất trong lịch sử (Đức Phật) truyền dạy lại); người không coi bất cứ thứ gì mình được hưởng là điều nghiễm nhiên (mà với sự trân trọng và biết ơn đúng mức); một người luôn sống động mà không lạnh lẽo, thờ ơ, không sợ phải đứng một mình.
Danh vọng mới thực là điều nực cười
– vô cùng rỗng tuếch và phiền phức làm sao.
Khi tôi nghe một số bạn bè kể lại những gì người ta nói về tôi, tôi không biết mình nên khóc hay nên cười nữa. Thật là những câu chuyện điên rồ và nực cười mà họ đã sáng tác ra. Con người thật ngu ngốc và điên khùng; không còn nghi ngờ gì về điều đó[56]. Họ muốn được lừa dối, và họ lừa dối chính bản thân mình. Tôi biết, về cơ bản họ là những con người đơn giản và dễ mến; họ không muốn tin vào sự thật, và quá sẵn sàng để tin vào những câu chuyện hoang đường. Tại sao con người lại dễ tin vào những chuyện hoang đường thế nhỉ? Làm như vậy họ được cái gì cơ chứ?
Tôi thích đọc cuốn ẢO ẢNH CỦA PHƯƠNG PHÁP. Đức Phật nói: “Mā naya hetu”, nghĩa là: “Đừng tin bất cứ điều gì chỉ vì điều đó hợp với một hệ thống triết lý nào đó”. Phương pháp hay hệ thống triết lý rất hay lừa mình; phương pháp và hệ thống là sự phát minh của tâm con người. Tự nhiên không vừa khít với bất cứ một hệ thống nào. Thậm chí ngay cả Vi Diệu Pháp (Abhidhamma) cũng không thể diễn giải các hiện tượng tự nhiên một cách đầy đủ; nó còn rất nhiều thiếu sót. Tôi đọc, cố gắng hiểu, thử nghiệm và học hỏi được điều gì đó từ những phương pháp đó. Tôi biết bạn thất vọng về triết học Phương Tây, và tôi cũng không thỏa mãn, những tôi nghĩ mình có thể học được điều gì đó từ nó. Hầu hết luận điểm của triết học sinh tồn đều mang đậm tính bi quan. Họ cho bạn thấy cuộc đời đau khổ thế nào, nhưng lại không thể chỉ cho bạn cách sống bình an và hạnh phúc. Hầu hết mọi triết gia chỉ có mỗi cái đầu suy nghĩ, cái đầu đất. Tất cả những gì họ làm là suy nghĩ; thậm chí họ không hề hạnh phúc, và rất nhiều người trong số họ đã phát điên. Nhiều người chẳng nghĩ ngợi nhiều, chẳng bao giờ đọc triết lý, nhưng họ lại hạnh phúc hơn hầu hết mấy nhà triết học kia. Càng đọc những thể loại triết học đó, tôi lại càng trân quý những lời dạy của Đức Phật, những lời dạy thật vô cùng thiết thực và ý nghĩa.
Tâm từ (mettā), lòng bi mẫn (karunā), tâm hỷ (muditā), tâm xả (upekkhā), giới hạnh (sīla), định tâm (samādhi), chánh niệm (sati) và trí tuệ (paññā) – những tâm thiện này mới thực sự có ý nghĩa và quan trọng trong cuộc đời, và nếu con người phát triển chúng lên, chúng có thể mang lại sự thay đổi lớn trong cuộc đời một con người.
Đối với nhiều người, và bằng nhiều cách, triết học và khoa học đã giúp đỡ rất nhiều trong việc giải phóng tâm con người khỏi những giáo điều và mê tín. Đó là điều tốt đẹp nhất của chúng, nhưng chúng cũng tạo ra một khoảng trống trong tâm con người; con người bị bỏ lại với một sự trống rỗng, vỡ mộng và mất phương hướng, nhưng chúng ta có thể đổ lỗi cho triết học và khoa học về điều đó được hay không? Triết học và khoa học đã giúp giải phóng tâm tôi khỏi sự mê tín mù quáng vào tôn giáo của cha mẹ tôi (Hồi giáo), song nó cũng để lại trong tôi một khoảng trống. Giờ đây, việc đem lại ý nghĩa cho cuộc đời mình là trách nhiệm của chính bản thân tôi.
Đọc triết học sinh tồn đã giúp tôi hiểu được người Phương Tây và những vấn đề của họ, cách suy nghĩ của họ và những thiếu sót trong cách suy nghĩ ấy, cách họ cố gắng giải quyết những vấn đề của mình ra sao. Liệu những lời dạy của Đức Phật có thể giúp họ được không? Giúp bằng cách nào
Hiểu biết người khác là quan trọng
để hiểu biết về chính bản thân mình.
Thế giới này thật điên khùng, hoàn toàn vô nghĩa và giả tạm, chỉ là một tấn tuồng, một màn kịch phô trương bản ngã. Kẻ ngu sa mình kẹt cứng trong cạm bẫy của đời. Vinh hoa là trò phù phiếm. Của cải là đồ đi mượn. “Công danh bánh vẽ, sang giàu chiêm bao”.
“Rất nhiều mối quan hệ của tôi với bạn tu và những liên hệ với Phật Pháp đã nhạt dần đi, một phần vì sự dễ duôi của chính mình, một phần vì tôi quá vỡ mộng và thất vọng về những hình thức, nghi thức và những thể chế”. Tôi rất hiểu điều đó, bạn thân mến ạ. Hoàn cảnh của tôi cũng không khác biệt là mấy. Hình như tôi thấy càng hiểu biết nhiều, bạn lại càng cảm thấy cô đơn hơn, ít người chia sẻ được với mình hơn trong cách suy nghĩ.
Nhưng dù sao tôi cũng chẳng còn thất vọng về điều đó nữa, mặc dù tôi vẫn mong muốn có được một sự giao tiếp cởi mở, không đánh giá phán xét lẫn nhau. Tôi đang cố gắng học cách sống với sự cô đơn đó; tôi buộc phải như vậy. Tôi cảm thấy mình như một vì sao giữa vũ trụ, cách xa vì sao khác cả hàng triệu năm ánh sáng! Tôi nghĩ tất cả mọi người đều vô cùng cô đơn. Một số người nhạy cảm hơn và vì vậy họ cảm nhận điều đó rõ hơn.
Song tôi cảm thấy vô cùng nhẹ nhàng, giải thoát trong tâm mình, chỉ lấy những suy nghĩ thiện hay bất thiện làm nguyên tắc chỉ đạo cho mình. Suy nghĩ bất thiện đem lại sự đau đớn, phiền não và cũng là nguyên nhân gây ra đau khổ, trong khi các suy nghĩ thiện lành đem lại sự bình an.
Bạn nói: “…không còn con đường nào tôi chưa thử qua nữa”.
Chúng ta cần con đường nào nữa?
Tôi nghĩ nếu chúng ta thực hành chánh niệm
đến nơi đến chốn, (không bỏ qua bất cứ một phần nào
trong cuộc sống), thì như thế là đã quá đủ.
Tôi muốn sống với tâm giải thoát. Có thể tôi sẽ chẳng bao giờ thành đạt được điều gì to tát “trong con mắt của người khác” cả, nhưng tôi cảm thấy hoàn toàn thanh thản, hoàn toàn OK về chuyện đó. Ở bên trong, tôi cảm thấy một sự giải thoát mà trước kia tôi chưa từng bao giờ cảm nhận được, là thứ mà hầu hết mọi người không hề biết đến. Tôi nói điều này không có nghĩa là muốn đề cập đến một tầng giác ngộ nào đó theo nghĩa chính thống đâu.
Bạn thân mến của tôi, bạn có thể sống một cuộc sống bình an nếu bạn sáng suốt và trí tuệ. Tại sao bạn lại quan tâm đến người khác quá như vậy? Bạn nghĩ là mình phải có trách nhiệm với họ ư?
Không có bất cứ điều gì trên đời đáng để
mình phải khổ vì nó cả. Tôi không nói là tôi luôn luôn
hạnh phúc, nhưng tôi có thể thấy được mỗi khi
ngã mạn khởi lên do đồng hóa mình với một cái gì đó,
nhất định sẽ có cái khổ kèm theo.
Lời của bạn nữa: “Tôi nghĩ tôi vẫn chưa giải quyết được, trong tâm mình, một câu hỏi lớn: làm thế nào để cân bằng giữa việc sống thuận Pháp, thực hành Pháp ở đây, giữa thế giới phương Tây này, và cùng lúc lại phải đáp ứng những nhu cầu vật chất do nền văn hóa này áp đặt một cách kỳ lạ lên con người”. Đây là một câu hỏi lớn. Trước hết bạn hãy tự trả lời câu hỏi ấy cho chính mình.
Tôi nghĩ việc đầu tiên và quan trọng nhất
trong quá trình thực hành là phải thấy ra
sự thật rằng: chính những suy nghĩ bất thiện
làm cho con người đau khổ.
Thực hành Pháp không phải là cố vượt qua những
suy nghĩ bất thiện ấy, mà chỉ nhìn chúng một cách
thật thẳng thắn, thật đơn giản và rõ ràng.
Con người muốn gì? Họ muốn hạnh phúc và không muốn đau khổ. Vậy hãy nhìn rõ xem cái gì đang làm bạn khổ. Con người không thấy được rằng chính các suy nghĩ bất thiện làm họ khổ; rất khó để hầu hết mọi người chấp nhận được điều đó. Họ nghĩ rằng các thú vui dục lạc và tất cả những gì họ mong muốn là cái làm cho họ hạnh phúc. Nếu bên trong bạn luôn hạnh phúc, bạn không cần nhiều những thứ ở bên ngoài để hạnh phúc nữa.
Nietzsche nói:
“Cuộc sống của con người bình thường rất bản năng và vô nghĩa, trừ những người theo lý tưởng tu hành”
“Con người tâm linh nhất là con người mạnh mẽ nhất”
“Ngay một sự thỏa hiệp nhỏ nhất với quan điểm ưa thích của công chúng cũng có thể làm cho một nhà tư tưởng đánh mất đi năng lực tri thức của mình”
“Năng lực vĩ đại thể hiện bằng sự tự làm chủ chính mình”.
“Người không biết làm chủ chính cái “tôi” sâu kín nhất của mình xin miễn đừng cố uốn nắn tâm ý người khác tuân theo cái ngã mạn của bản thân mình”.
GOETHE
Giấc mộng đẹp nhất bạn thường ôm ấp là gì?
Ah! Những giấc mộng đẹp! Nó làm cho tôi hạnh phúc; nó nuôi dưỡng tôi; nó rất có ích thời tôi còn trẻ. Bây giờ thì tôi hiểu rằng nó chỉ là sự mộng mơ. Đôi khi tôi ước mình có thể mộng mơ trở lại được như thế. Thật là những niềm vui ngớ ngẩn! Nhưng không, đó là những điều không thể có! Tôi phải leo lên ngọn núi này, một mình, giữa trưa hè nắng gắt. Tôi mong có được một người bạn đồng hành, nhưng không thể có được người nào. Tôi phải làm cho thân và tâm mình mạnh mẽ hơn để leo lên tới đỉnh núi đơn độc một mình.
Tôi biết thế nào là cô đơn. Tôi đang chuẩn bị cho chính mình để đón nhận điều đó. Đó là số phận của tôi. Sự cô đơn ngọt ngào.
Bạn thân mến của tôi, hãy sống hiểu mình và kết nối sâu sắc với chính mình.
Tôi càng ngày càng cảm thấy ít muốn dạy, nhưng vẫn thích được nói chuyện với những người trí tuệ và thoáng đạt, cởi mở. Tệ nhất, tôi không thể nghe nổi những kẻ nói như thuyết giảng, cứ như thể anh ta biết hết tất cả mọi thứ trên đời.
Nếu bạn viết thư kể chuyện của bạn, thì tôi sẽ đọc. Con người bạn là một chiến trường của những lý tưởng đầy mâu thuẫn; một người Mỹ gốc Do Thái, theo đạo Phật; một người hiểu biết quá nhiều nhưng lại không biết phải làm gì với cuộc đời mình; một con người thấy ra được trò hề của thế gian và không thể coi bất cứ điều gì trên đời là quan trọng và nghiêm túc, ngay cả chính bản thân mình. Điều đó đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng với anh ta. (Điều đó cũng đúng với tôi, nhưng tôi chánh niệm, biết tâm mình rõ hơn nhiều).
Hãy buông bỏ! quan sát!
“Đáng lẽ phải biết ơn lòng tốt của bạn, thì họ lại nghĩ bạn là kẻ ngu, là đồ rẻ tiền, dễ bị lợi dụng và họ bắt đầu thao túng bạn. Tại sao?”. Đó là vì họ không biết tôn trọng người khác. Họ chưa học được cách giữ quan hệ tốt đẹp với mọi người. Có thể bởi vì họ chưa bao giờ được đối xử một cách tôn trọng. Chúng ta học được những điều này từ kinh nghiệm của chính mình, không phải từ trong sách vở, có thể họ đã từng phải sống với những người, hay cha mẹ, vợ chồng họ quen thao túng người khác.
Rất khó để tìm ra được một người nào không tìm cách thao túng người khác. Chúng ta thao túng người khác bởi vì chúng ta không tin tưởng hoặc không tôn trọng họ, và chúng ta cũng không tin tưởng chính mình nữa. Nếu chúng ta tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau, chúng ta sẽ không thao túng nhau. Thao túng người là một dấu hiệu của sự yếu kém và chưa trưởng thành.
Lừa dối và tự lừa dối chính mình
sẽ không bao giờ đem lại sự trưởng thành và trí tuệ.
Nếu muốn thấy sự thật, điều đầu tiên
bạn cần phải có là sự dũng cảm và trung thực.
Một phần con người chúng ta là thiên thần
và một phần là quỷ dữ. Nếu chúng ta chối bỏ quỷ dữ,
nó sẽ săn đuổi chúng ta từ trong bóng tối;
tốt hơn cả là hãy để quỷ dữ lộ mặt ra ngoài ánh sáng.
Tự vẽ ra cho mình tin, maya (ảo tưởng), và tự ám thị làm cho cuộc sống càng trở nên trống rỗng hơn.
“Có đủ tất cả các loại dính mắc, lệ thuộc mà xã hội chúng ta - vốn đầy những kẻ cô đơn, rỗng tuếch và lo âu, bấn loạn- ngụy tạo ra thành tình yêu. Loại tình yêu ngụy tạo ấy rất đa dạng, từ những hình thức dựa dẫm lẫn nhau hay cùng nhau thỏa mãn ham muốn (nghe rất kêu nếu gọi đúng tên nó ra), thông qua nhiều hình thức kiếm lợi từ những quan hệ cá nhân, cho tới những hình thức lạm dụng tình dục trắng trợn. Không hiếm trường hợp hai kẻ cảm thấy cô đơn và trống rỗng, tìm đến với nhau bằng thỏa thuận không lời để giữ cho nhau khỏi phải chịu đựng nỗi cô đơn ấy”.
ROLLIO MAY
“Một vấn đề bi kịch là nhìn thấy ra thực tế và sự thật về chính bản thân mình. Khi bạn gặp trở ngại và khó khăn, thì chính thái độ của bạn (đối với khó khăn ấy) mới là cái sai cần phải sửa”.
MEISTER ECKHART
Nếu bạn không sống vì một cái gì đó, điều đó nghĩa là bạn chẳng trân trọng cái gì trên đời cả, bạn sống chơ vơ, không có điểm tựa. Tất cả mọi lý tưởng bạn ôm ấp chỉ là đồ vay mượn. Trong những thời điểm như hiện nay, bạn không có một chỗ đứng vững chắc nào để mà nương tựa cả.
“…Con người không thể tìm kiếm một điểm tựa nào từ bên ngoài được cả”.
“Công việc của chúng ta thật là khó khăn, chúng ta phải chấp nhận chính mình và xã hội chúng ta đang sống, và tìm kiếm một điểm tựa tinh thần thông qua việc thấu hiểu chính bản thân mình, và dũng cảm đối diện với hoàn cảnh mình đang sống”.
“Và chỗ tốt nhất để bắt đầu học cách yêu thương là hãy tìm hiểu xem tại sao chúng ta lại không thể yêu thương được người khác”.
ROLLIO MAY
Tha thứ là thấu hiểu. Tha thứ là giải thoát.
Khi bạn không thể tha thứ cho người khác là bạn
đang bị trói buộc.
Khi bạn thấy vô ngã (anattā) thì có ai ở đó
mà tha thứ?
Đây là một số trích đoạn mà tôi thấy rất đáng để suy nghĩ:
“Một xu hướng tâm lý phổ biến hiện nay là khi áp chế, đè nén một cảm xúc hay một thái độ nào đó, chúng ta lại thường làm cân bằng lại trên bề mặt tâm lý bằng cách thể hiện hay tự tạo ra một thái độ ngược lại. Chẳng hạn, bạn có thể thấy mình đối xử một cách đặc biệt lịch sự với một kẻ mình ghét cay ghét đắng trong lòng”.
“Hơn nữa, nếu không đối diện với sự sân hận, bất mãn một cách cởi mở, không sớm thì muộn chúng sẽ biến thành một hiệu ứng chẳng tốt đẹp cho bất cứ ai cả, đó là tự thương hại bản thân mình. Tự thương hại là một hình thức sân hận và bất mãn ngủ ngầm”.
“…không ai có thể có được tình thương, đạo đức hay tự do thật sự nếu không đối diện thẳng thắn với sự sân hận, bất mãn trong mình và vượt qua nó”.
“Tự do không phải là nổi loạn”.
“Tự do là sự cởi mở, sẵn sàng để trưởng thành; nó có nghĩa là sự linh động, sẵn sàng thay đổi vì lợi ích của các giá trị nhân bản cao thượng”.
“Do vậy, một xã hội tốt là xã hội cho con người ta quyền tự do cao nhất-tự do được định nghĩa một cách tích cực, như là cơ hội để hiện thực hóa những giá trị nhân bản cao thượng”.
“Tự do là khả năng xây dựng nên sự phát triển của chính mình. Đó là khả năng tự định hình chính mình”.
“…càng ít tự ý thức về chính mình, con người càng có ít tự do”. (Nhiều chánh niệm nghĩa là có nhiều sự lựa chọn và do đó nhiều tự do hơn).
“Tự do được thể hiện ở chỗ sống cuộc đời mình thuận theo thực tại”.
“Thật khó tin nếu có ai đó sống lành mạnh mà không do có trách nhiệm với chính mình, tự chọn cho mình cách sống lành mạnh”.
“Vì vậy, tự do không chỉ có nghĩa là nói “có” hoặc “không” trong một hoàn cảnh cụ thể nào đó, mà nó là năng lực tự định hình và tạo nên chính mình”.
“Tự do không có nghĩa là sống cô lập một mình. Nó có nghĩa là khi có thể được sống tách biệt, anh ta cũng có thể chọn lựa, một cách có ý thức, hành động một cách đầy trách nhiệm, trong mối liên quan với thế giới, nhất là thế giới của những người sống quanh mình”.
“Con người phải tự quyết định lấy những lựa chọn cơ bản cho chính mình”.
“Dấu mốc của sự trưởng thành là cuộc sống của anh ta được sắp xếp hài hòa xung quanh mục đích tự lựa chọn của mình, anh ta biết mình muốn gì…”.
“…Sự mê tín và truyền thống do xã hội áp đặt được khuôn đúc thành những hình thức khô cứng, đè nén sức sống của cá nhân mỗi con người”.
“Con người không bao giờ có thể vay mượn một chỗ dựa nào từ bên ngoài cả”. (không ai có thể bảo bạn phải sống vì cái gì hay chết vì cái gì được).
“Vấn đề thực sự là phân biệt rõ cái gì là lành mạnh trong đạo đức và tôn giáo, tìm được nơi nương tựa mà nơi đó phải làm tăng giá trị con người, trách nhiệm và tự do chứ không phải hạ thấp nó. Những con người của ngày hôm nay, tìm kiếm những giá trị để sống với nó, cần phải đối diện với thực tế là: tìm được con đường ra cho mình không phải là điều đơn giản và dễ dàng chút nào đâu”.
“…Chính xác hơn, có gì mâu thuẫn giữa nhu cầu đấu tranh để phát triển sự tự ý thức về chính mình, sự trưởng thành, tự do và trách nhiệm, với xu hướng vẫn muốn là một đứa trẻ bám víu vào cha mẹ hay sự bảo hộ của người khác?”. (thông điệp là: hãy trưởng thành lên!).
“Tôn giáo chẳng lẽ là để bẻ gẫy ý chí, kìm hãm mình phát triển chập chững, và giúp tránh né sự bất an của tự do và trách nhiệm với chính mình hay sao? Hay là để khẳng định giá trị và phẩm giá của mình, làm nền tảng cho sự chấp nhận một cách dũng cảm những hạn chế của mình và những bất an thường tình, song lại trợ giúp mình tăng cường sức mạnh, trách nhiệm và khả năng yêu thương đồng loại?”.
ROLLIO MAY
“Việc mình trở thành con mồi cho quyền lực của kẻ khác lại được thúc đẩy, tất nhiên, bởi chính mong muốn ấu trĩ muốn được người khác chăm lo cho mình”.
“Con người thường được dạy là hạnh phúc và thành công sẽ đến nếu bạn “là người tốt”, “người tốt” ở đây thường được diễn dịch là sự vâng lời. Nhưng chỉ mỗi vâng lời và quy phục thôi sẽ phá hoại sự phát triển ý thức đạo đức và sức mạnh nội tâm của bạn. Tuân phục sự đòi hỏi của bên ngoài một thời gian dài sẽ làm mất đi sức mạnh đạo đức thực sự và sự lựa chọn đầy trách nhiệm của chính mình. Và lạ lùng thay, sức mạnh của con người đi tìm kiếm cái tốt đó cùng với niềm vui sống đã tan biến mất”.
“…người nào đầu hàng, từ bỏ sự độc lập về tinh thần và đạo đức của chính mình thì cũng từ bỏ luôn cả sức mạnh tìm kiếm hạnh phúc và giới hạnh. Chả trách mà anh ta cảm thấy đầy bất mãn”.
“Những sự lạm dụng tôn giáo một cách điên rồ có một điểm chung duy nhất: đó là công cụ để con người ta trốn tránh không phải đối diện với sự cô đơn và bất an trong chính bản thân mình”.
“…ở sâu thẳm bên trong mỗi con người, về cơ bản chỉ là nỗi cô đơn…không thể cầu viện vào đâu khác, cuối cùng chúng ta cũng vẫn phải tự một mình lựa chọn mà thôi”.
“…không thể nào vượt qua được sự tuyệt vọng và bất an nếu con người không đối diện với nó trước thực tế đầy đủ và khắc nghiệt”.
“Con người chỉ có thể trưởng thành và vượt qua nỗi cô đơn khi bắt đầu dũng cảm chấp nhận sự cô đơn ấy của mình”.
“Đòi hỏi tình yêu như một món nợ người khác phải trả thì không còn là tình yêu chút nào”.
“Chúng ta nhận được tình yêu không phải tương xứng với sự đòi hỏi, sự hy sinh hay nhu cầu của mình, mà tương xứng với khả năng yêu thương của chính mình. Và khả năng yêu thương phụ thuộc vào khả năng sống thật với chính mình”.
“Lý do mà chúng ta không thấy được sự thật là vì chúng ta không có đủ can đảm để thấy”.
“Khi con người có đủ khả năng nói “không” với những nhu cầu được áp đặt bởi người khác, hay nói cách khác, không đòi hỏi người khác phải chăm lo cho mình, đủ dũng cảm để đứng một mình, thì khi đó lời nói của anh ta mới có trọng lượng”.
“Càng có khả năng định hướng cuộc đời mình một cách có ý thức, con người càng có thể sử dụng thời gian để làm việc hữu ích. Khả năng chứng nghiệm chân lý đi cùng với sự trưởng thành về cảm xúc và đạo đức. Thấy được chân lý theo cách đó, anh ta sẽ đủ tự tin về những gì mình nói. Anh ta tự tin về những điều mình tin tưởng, xuất phát từ chính kinh nghiệm thực tế và từ chính trong tâm mình, chứ không phải dựa vào những giáo điều trừu tượng hay do ai nói lại cho mình hay”.
“Càng thiếu chánh niệm (tự ý thức về bản thân mình), con người càng dễ làm mồi cho sự bất an, sân si, bất mãn vô lý. Sân si nói chung thường ngăn cản chúng ta sử dụng công cụ trực giác vi tế để thấy rõ sự thật, sự bất an cũng luôn luôn cản trở chúng ta như vậy”.
“Khả năng cho và nhận tình thương là thước đo sự hoàn thiện về nhân cách”.
“Nhưng khi tình yêu được sử dụng vào mục đích chạy trốn sự cô đơn, thì nó sẽ chỉ càng làm tăng thêm sự trống rỗng trong cả hai người mà thôi”.
“Tình yêu thường bị nhầm lẫn thành sự phụ thuộc, nhưng thực ra chúng ta chỉ có thể yêu thương tương ứng với mức độ độc lập của mình”.
(Hầu hết những trích dẫn trên đây được rút ra từ cuốn Cuộc Tìm Kiếm Chính Mình Của Con Người của Rollio May, hoặc từ cuốn Tự Do Học Hỏi của Carl Roger)
SÁCH: TUYẾT GIỮA MÙA HÈ - SAYADAW U.JOTIKA
Sư Tâm Pháp dịch
http://www.thiengiuadoithuong.org/2012/12/sach-tuyet-giua-mua-he-sayadaw-ujotika_6.html