Thiền Tuệ là Nghệ Thuật Sống - Sunlungu Vipassanā Meditation

1. Thiền sư Sunlun Sayadaw 

Thiền sư Sunlun Sayadaw là một người trung thực, lời nói nghiêm túc và súc tích, ngài có một sức mạnh nội tâm và rất cương quyết.
Ngài đắc được đạo quả Tu-đà-huờn - hương vị Níp-bàn đầu tiên - giữa năm 1920. Tháng sau, ngài đắc được đạo quả Tư-đa-hàm. Tháng thứ ba ngài đắc được đạo quả A-na-hàm... 

Cho đến tháng mười năm 1920, ngài đạt được đạo quả giải thoát cuối cùng A-la-hán. Sự thành đạt của ngài trong hàng ngũ chư tăng ai cũng biết đến và nhiều vị đến thử nghiệm ngài. Ngài là bậc giải thoát hoàn toàn, cho nên những câu trả lời của ngài giải tỏa những thắc mắc cho những ai tìm học.
Cũng có nhiều lần, họ không đồng quan điểm với câu giải đáp của ngài, nhưng khi được đối chứng với kinh điển thì họ thấy lời nói của ngài là đúng. Nhiều vị tỳ khưu uyên bác ở khắp thế giới đi đến thực hành chánh niệm dưới sự hướng dẫn của ngài, có một vị rất uyên bác tên là Nyaung Sayadaw, vị này cũng đã giác ngộ sau khi thực hành thiền quán. Ðến năm 1952, thiền sư Sunlun Sayadaw viên tịch.

Hỏi:
Chánh niệm là gì? 

Ðáp: Chánh niệm là sự nhận biết có tỉnh giác và liên tục. Giữa chánh niệm và sự nhận biết này không có một khái niệm nào được hình thành, mà cũng không có ý tưởng nào phát sinh.

Hỏi: Có sự khác biệt nào giữa thiền quán và thiền chỉ?


Ðáp: Thiền chỉ là tập trung vào những đề mục, ý tưởng, hình ảnh. Thiền quán dùng sức mạnh của sự tập trung đặt căn bản trên cảm thọ phát sinh trong thân. Thiền chỉ tạo cho tâm mạnh mẽ, trong khi đó thiền quán thanh lọc tâm để có thể đạt được tuệ giác. Một người thành công với sự tập trung, sẽ thuyết phục mọi người trong lúc tranh luận, và người ấy có ảnh hưởng đến tất cả mọi người, nhưng thông thường tác dụng này thường đến muộn. Với thiền quán thì khác biệt, một người thành công ở thiền quán thì tuệ giác và sự hiểu biết thực rõ ràng, điều này làm cho mọi người lắng nghe hành giả mà không có sự nghi ngờ lúc này hay lúc khác.

Trích: 
Living Buddhist Masters, Jack Kornfield - Tỳ kheo Thiện Minh dịch Việt


2. Phương pháp hành thiền tại Sunlungu Vipassanā Thiền Viện:

Một thời toạ thiền thường kéo dài 1 giờ.

  Các bước chuẩn bị: Sám hối, thọ trì Tam Quy Ngũ Giới hoặc Bát Giới, phát nguyện cúng dường ngũ uẩn đến Đức Thế Tôn và Ngài Thiền Sư Sunlungu.


      Lễ Phật và phát nguyện cúng dường ngũ uẩn:

    - Namo tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa
      (Con đem hết lòng thành kính đảnh lễ Đức Thế Tôn ấy, Ngài là bậc A-ra-han cao thượng, đã chứng Quả Chánh Biến Tri do Ngài tự ngộ không thầy chỉ dạy).

     - Kính bạch Đức Thế Tôn, với nguyện vọng chứng ngộ, Niết Bàn giải thoát khổ, trong lúc đang hành thiền, con thành kính cúng dường, đến Ngài ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp này.

- Nguyện chúng sinh luân hồi, trong ba mươi mốt cõi, thân tâm thường an lạc, thân tâm thường an lạc, thân tâm thường an lạc.
    - Xin chia đều phần phước, thiện pháp hành thiền này, đến chúng sinh luân hồi, trong ba mươi mốt cõi, xin quý vị hoan hỷ, xin quý vị hoan hỷ, xin quý vị hoan hỷ.
    - Chúng con xin hoan hỷ, tâm từ và thiện pháp, mà chư bậc Thiện trí, ban rải và chia đến: Sādhu, Sādhu, Lành thay! Nguyện chúng sinh luân hồi, trong ba mươi mốt cõi, thân tâm thường an lạc, thân tâm thường an lạc, thân tâm thường an lạc.
    - Xin chia đều phần phước, thiện pháp hành thiền này, đến chúng sinh luân hồi, trong ba mươi mốt cõi, xin quý vị hoan hỷ, xin quý vị hoan hỷ, xin quý vị hoan hỷ.
    - Chúng con xin hoan hỷ, tâm từ và thiện pháp, mà chư bậc Thiện trí, ban rải và chia đến: Sādhu, Sādhu, Lành thay!



 ❋ Thực hành: Thiền định khoảng 35 phút, sau đó thiền tuệ 25 phút. Trong thời thiền 1 giờ, hành giả vừa thực hành thiền định và thiền tuệ.

- Thiền định: 
Đề mục hơi thở. Hành giả ngồi tư thế nào cảm thấy thoải mái dễ chịu, giữ lưng và cổ thẳng đứng tự nhiên, thư giản, không gồng mình. Hai tay chồng ngữa lên nhau, tay phải đặt trên tay trái, hai đầu ngón tay cái chạm hoặc chồng lên nhau. Nhắm mắt, ngậm miệng tự nhiên, không cố gắng thái quá. Thư giản toàn thân, chú tâm đến hơi thở tại chỗ tiếp xúc ở lỗ mũi, hoặc ở chỗ giao nhau giữa chóp mũi và môi trên. Khi hơi thở đi vào, hành giả biết rõ hơi thở đang đi vào; biết rõ như vậy từ đầu đến cuối hơi thở vào. Khi hơi thở đi ra, hành giả biết rõ hơi thở đang đi ra; biết rõ như vậy từ đầu đến cuối hơi thở ra. Chỉ vậy thôi, thật đơn giản! Khi có một âm thanh tác động đến lỗ tai, đủ mạnh để tâm hướng về lỗ tai, hành giả không quan tâm đến âm thanh đó mà chỉ hướng tâm trở về lại hơi thở. Khi có một cảm giác ở nơi nào đó trên thân, hoặc một hình ảnh hay suy nghĩ nào đó xuất hiện trong tâm, hành giả không cần quan tâm đến cảm giác, hình ảnh hay suy nghĩ đó, mà chỉ hướng tâm về lại hơi thở và biết rõ hơi thở vào ra tự nhiên. Nếu ban đầu tâm phân tán, hoặc hơi thở không rõ ràng, hành giả có thể thở mạnh và sâu hơn bình thường khoảng 2 đến 3 phút, và vẫn quan sát biết rõ hơi thở vào ra. Sau đó hành giả thở bình thường, tự nhiên.

- Thiền tuệ: 
Đề mục chính là Thọ (cảm giác) và đề mục phụ là Thân, Tâm và Pháp. Sau 35 phút thực hành thiền định với đề mục hơi thở, tâm hành giả trở nên ổn định và sáng suốt, và các cảm giác đau nhức ở chân cũng bắt đầu xuất hiện. Lúc này, hành giả một lần nữa thư giản toàn thân, đặt tâm ở trước mặt và quan sát cảm giác tổng quát toàn thân, không chú ý đến hơi thở nữa. Cảm giác thế nào thì chỉ nhận biết như thế ấy, không thêm không bớt bất kỳ một suy tưởng nào. Không thích thú các cảm giác dễ chịu và cũng không phản kháng các cảm giác khó chịu. Chỉ nhận biết cảm giác nó sinh lên nó mất đi, chỉ biết vậy mà thôi. Cái biết ban sơ này cực kỳ quan trọng, và sẽ làm nền tảng cho những cái biết đột phá tiếp theo. Khác với khi thực hành thiền định, nếu có một âm thanh tác động vào lỗ tai và đủ mạnh để tâm hướng đến lỗ tai, hành giả tiếp tục quan sát âm thanh đó; khi âm thanh không còn nữa, hành giả hướng tâm trở lại quan sát cảm giác tổng quát toàn thân. Tương tự như vậy, khi một hình ảnh hay suy nghĩ xuất hiện trong tâm, hành giả quan sát và nhận biết đến khi hình ảnh hay suy nghĩ đó không còn nữa thì hướng tâm về lại quan sát cảm giác tổng quát toàn thân. Khi hướng tâm về lại như vậy, hành giả cũng nhận biết ý muốn hướng tâm về lại, trước khi quan sát cảm giác toàn thân. 
Thiền tuệ là nghệ thuật sống giản đơn, bỏ đi ý niệm đẹp xấu, vui khổ... và cái ta chủ quan. Giản đơn đến từng sắc pháp và danh pháp.
+ Hiểu biết danh sắc: 
* Cảm giác (danh pháp) + sự nhận biết cảm giác (danh pháp)
Âm thanh (sắc pháp) + sự nhận biết âm thanh (danh pháp)
* Suy nghĩ (danh pháp) + sự nhận biết suy nghĩ (danh pháp)
Ý muốn hướng tâm (danh pháp) + sự nhận biết ý muốn hướng tâm (danh pháp)
* vân vân... như vậy, danh sắc sinh diệt liên tục theo nhân duyên của chúng.
+ Hiểu biết tam tướng của danh sắc:
* Vô thường: diệt ngay sau khi sinh (hutvā abhāvato aniccaṃ)
* Khổ: bị áp bức bởi sự sinh diệt (uppādādi paṭipīlitattā dukkhaṃ)
* Vô ngã: sinh diệt không theo ý muốn chủ quan (avasavattanato anattā)

❋ Phát nguyện và chia phước


- Imāya Dhammānudhamma-paṭipattiyā Buddhaṃ pūjemi. 
  Với sự thực hành thiện pháp dẫn đến chứng ngộ Niết-bàn này, con xin cúng dường đến Phật bảo.
- Imāya Dhammānudhamma-paṭipattiyā Dhammaṃ pūjemi. 

  Với sự thực hành thiện pháp dẫn đến chứng ngộ Niết-bàn này, con xin cúng dường đến Pháp bảo.
- Imāya Dhammānudhamma-paṭipattiyā Saṅghaṃ pūjemi. 

  Với sự thực hành thiện pháp dẫn đến chứng ngộ Niết-bàn này, con xin cúng dường đến Tăng bảo.
- Idaṃ me puññaṃ āsavakkhayā'vahaṃ hotu, nibbānassa paccayo hotu. 

  Nguyện phước thiện này là nhân lành duyên tốt đối với sự thành tựu chánh trí và chứng ngộ Niết-bàn.
- Mama puññabhāgaṃ sabbasattānaṃ bhājemi. Te sabbe me samaṃ puññabhāgaṃ labhantu. 

  Con xin chia đều phần phước này đến tất cả chúng sanh. Mong tất cả thọ nhận phần phước này đồng đều nhau cả thảy.

Sādhu, sādhu, lành thay!
Ciraṃ tiṭṭhatu Saddhammo. 

Nguyện cầu Chánh Pháp được trường tồn!

Thiện Đức Kusalaguṇa




                                        🌻🌻🌻🌻🌻🌻

 Hành giả Tứ Niệm Xứ muốn cho Chánh niệm được tốt, mỗi ngày trước khi bắt đầu công phu ngồi thiền và trước khi đi ngủ, nên dành chút thời gian niệm 4 đề mục hộ thân:

1- Niệm Ân đức Phật: Làm cho hành giả tăng trưởng đức tin trong sạch nơi Tam bảo."Namo Tasa Bhagavato Arahato Samma Sambuddhassa". (3 lần)
Hoặc niệm 9 Ân đức Phật: "Itipi so Bhagavà Araham, Sammàsambuddho, Vijjàcaranasampanno, Sugato, Lokavidù, Anuttaro purisadammasàrathi, Satthàdevamanussànam, Buddho, Bhagavà".

2. Niệm rải tâm từ: 
Phát triển tâm từ cho mình và cho tất cả chúng sanh (Khi có được từ tâm không còn có sợ hãi hay dính mắc trói buộc vào thương ghét, có lực lan tỏa rất mạnh)
Nguyện cho tôi tránh khỏi hận thù.
Nguyện cho tôi tránh khỏi bệnh tâm.
Nguyện cho tôi tránh khỏi bệnh thân.
Nguyện cho tôi tự chăm sóc chính mình cho được an lạc.
Nguyện cho tất cả chúng sanh tránh khỏi hận thù
Nguyện cho tất cả chúng sanh tránh khỏi bệnh tâm.
Nguyện cho tất cả chúng sanh tránh khỏi bệnh thân.
Nguyện cho tất cả chúng sanh tự chăm sóc chính mình cho được an lạc.


3- Quán bất tịnh: Giúp cho hành giả nhàm chán, thân ô trược này để không luyến ái xác thân (dù thân mình hay thân người). 
Quan sát 32 thể trược của mình gọi là "Quán thân trên nội thân"
Quan sát 32 thể trược của người gọi là "Quán thân trên ngoại thân" Quan sát 32 thể trược của mình rồi nghĩ đến 32 thể trược của người khác gọi là "Quán thân trên nội và ngoại thân". 
Quan sát thấy rõ sự sinh khởi của 32 thể trược là "Quán sự sinh trên thân", thấy rõ sự diệt của 32 thể trược là "Quán sự diệt trên thân", thấy rõ sự sinh và diệt của 32 thể trược là "Quán sự sinh diệt trên thân". 

4- Niệm sự chết: Làm cho hành giả không dễ duôi, niệm-niệm rằng: “Sự chết đối với ta là điều chắc chắn, còn sinh-mạng của ta là điều không chắc chắn”. Sự chết sẽ xảy đến với ta, ta không thể nào trốn tránh khỏi sự chết được.






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét