Những hiểm họa của Tâm Định – Ajahn Chah

Tâm định (samàdhi) có thể đem lại nhiều tai hại cũng như nhiều lợi ích đến hành giả. Ta không thể nói quả quyết điều nầy hay điều nọ. Đối với người không có trí tuệ thì có hại, nhưng với người có trí tuệ thì tâm định đem lại nhiều lợi ích thật sự. Tâm định có thể đưa đến Tuệ Minh Sát.
Điều có thể gây tai hại lớn lao nhất cho hành giả là các tầng Thiền (Jhàna), tâm định với trạng thái vắng lặng vững chắc và thâm sâu. Tâm định nầy đem lại rất nhiều an lạc. Khi có an lạc là có thỏa thích.

Khi thỏa thích ắt có luyến ái, dính mắc, và bám níu chặt chẽ vào sự thỏa thích ấy. Hành giả không còn muốn quán chiếu gì khác nữa mà chỉ thỏa thích trong thọ cảm nhàn lạc mà mình đang hưởng.
Khi hành thiền lâu ngày chúng ta có thể dễ dàng nhập vào trạng thái định nầy một cách mau lẹ. Vừa bắt đầu ghi nhận đề mục là tâm trở nên vắng lặng, và ta không muốn rời khỏi nó để quán chiếu gì khác. Ta chỉ dính kẹt trong thỏa thích ấy. Đó là mối nguy hại có thể đến với người hành thiền.
Ta phải dùng cận định (upacàra samàdhi). Nơi đây, nhập vào trạng thái vắng lặng, và khi tâm đã đủ vắng lặng thì ta ra ngoài và nhìn vào “sinh hoạt bên ngoài” [5]. Nhìn ngoại cảnh với tâm vắng lặng sẽ giúp phát sanh trí tuệ. Điều nầy khó hiểu một cách rõ ràng bởi vì nó cũng gần giống nhau, cũng tương tợ như ta suy tư và tưởng tượng thường ngày. Khi suy tư, ta có thể nghĩ rằng tâm không an lạc, nhưng trong thực tế suy tư nầy nằm bên trong vắng lặng. Có quán chiếu, nhưng vắng lặng không bị khuấy động. Ta có thể làm nổi bật ý nghĩ hay sự suy tư ấy lên để quán chiếu nó. Nơi đây, ta khơi dậy ý nghĩ lên để quan sát, tìm hiểu nó, chớ không phải suy tư buông lung, không có mục tiêu, cũng không phải đoán chừng. Nó là cái gì phát sanh từ tâm an lạc thanh bình. Điều nầy được gọi là “hay biết bên trong vắng lặng, và vắng lặng bên trong hay biết.” Nếu chỉ là suy tư thông thường và tưởng tượng thì tâm ắt không an lạc mà sẽ chao động. Nhưng nơi đây Sư không đề cập đến suy tư thông thường, đây là cảm giác phát sanh từ cái tâm thanh bình an lạc. Đó là “quán niệm”. Trí tuệ phát sanh ngay từ đây.
Như vậy, có thể có chánh định và tà định. Tà định là khi nào tâm lắng vào trạng thái vắng lặng mà không có sự hay biết gì hết. Ta có thể ngồi trong hai tiếng, hoặc ngồi cả ngày đi nữa, nhưng tâm không biết mình ở đâu hay điều gì đã xảy ra. Không biết gì hết. Có vắng lặng, nhưng chỉ có chừng đó. Cũng giống như một lưỡi dao đã được mài giũa thật bén nhưng ta không màng dùng vào việc gì. Đó là một loại vắng lặng si mê, bởi vì không tự biết mình. Lúc bấy giờ hành giả có thể nghĩ rằng mình đã đạt đến tột đỉnh và không màng tìm kiếm gì khác. Trong trường hợp nầy thì định (samàdhi) có thể là người thù. Trí tuệ không thể phát sanh bởi vì không có sự hay biết điều nào là đúng, điều nào sai.
Với Chánh Định, dầu ở tầng lớp vắng lặng nào mà ta đạt đến, luôn luôn có sự hay biết. Có niệm đầy đủ và hay biết rõ ràng. Đó là tâm định có khả năng giúp cho trí tuệ phát khởi, ta không thể lạc lối trong đó. Người hành thiền phải thấu hiểu chắc chắn điều nầy. Không có sự hay biết quý vị không thể thành công. Phải hay biết từ đầu đến cuối. Loại định nầy không nguy hại.
Quý vị có thể thắc mắc, tự hỏi vậy lợi ích phát sanh ở đâu, trí tuệ phát sanh như thế nào, có phải từ tâm định không? Khi chánh định đã được trau giồi và phát triển đầy đủ thì trí tuệ có thể phát khởi bất luận lúc nào. Khi mắt nhìn thấy hình thể, tai nghe âm thanh, mũi hửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý chứng nghiệm cảm xúc — dầu ở trong oai nghi nào — tâm vẫn luôn luôn hay biết đầy đủ bản chất thật sự của những thọ cảm ấy và không đeo níu theo. Khi tâm có trí tuệ dầu ở trong oai nghi nào, chúng ta hay biết đầy đủ sự phát sanh hạnh phúc và đau khổ. Chúng ta buông bỏ cả hai, không bám níu vào cái nào. Đó là hành đúng chánh pháp trong tất cả oai nghi. Những danh từ “tất cả oai nghi” không phải chỉ hàm xúc những oai nghi của thân như đi, đứng, nằm, ngồi mà còn chỉ cái tâm, trong tất cả trạng thái tâm, luôn luôn chú niệm và hay biết rõ ràng chân lý. Khi định được phát triển và trau giồi chân chánh thì trí tuệ phát sanh như thế ấy. Đó là Tuệ Minh Sát, tình trạng thấu triệt chân lý.
Có hai loại an lạc — loại thô kịch và loại vi tế. An lạc phát sanh từ tâm định là loại thô. Khi tâm an lạc ắt có thỏa thích, hạnh phúc. Tâm lầm tưởng hạnh phúc ấy là an lạc. Nhưng hạnh phúc và đau khổ là “hữu”, sự trở thành và “sanh”. Không thoát ra khỏi vòng luân hồi, samsàra, bởi vì chúng ta còn bám níu vào nó. Như vậy, hạnh phúc không phải là an lạc, an lạc không phải là hạnh phúc.
Loại hạnh phúc kia phát sanh từ trí tuệ. Nơi đây chúng ta không còn lẫn lộn an lạc với hạnh phúc. Chúng ta thấu triệt cái tâm quán chiếu hạnh phúc và đau khổ. Trạng thái an lạc phát sanh từ trí tuệ không phải là hạnh phúc mà là cái gì nhận thấy chân lý của cả hai, hạnh phúc và đau khổ. Không có sự bám níu vào hai trạng thái ấy, tâm đã vượt lên cao hơn tầng lớp hạnh phúc và đau khổ. Đó là mục tiêu cứu cánh của tất cả những pháp hành trong Phật Giáo.
Trung đạo bên trong
… Đức Phật ban truyền ba pháp tu học: Giới, Định và Tuệ. Đó là Con Đường dẫn đến thanh bình an lạc, đường đến giác ngộ. Nhưng trong thực tế, ba pháp ấy không phải là tinh hoa của Phật Giáo. Đó chỉ là Con Đường … Tinh hoa của Phật Giáo là an lạc, và trạng thái an lạc nầy phát sanh từ sự thấu triệt thực tướng của vạn pháp …
Phật Giáo dạy ta không làm điều ác và làm những việc thiện. Như vậy, khi điều ác đã được lánh xa và điều thiện đã vững chắc ổn định, ta phải buông bỏ cả hai, thiện và ác. Chúng ta đã có nghe và đã có một kiến thức đầy đủ về những nghiệp thiện và nghiệp bất thiện. Giờ đây Sư muốn đề cập đến Trung Đạo, tức con đường lẫn thoát ra cả hai, thiện và bất thiện nghiệp.
Tất cả những bài giảng về Giáo Pháp và những lời dạy của Đức Phật chỉ nhằm một mục tiêu là vạch tỏ và rọi sáng con đường dẫn ra khỏi mọi đau khổ, cho những ai còn chưa lẫn thoát. Những lời dạy nầy nhằm cho ta một sự hiểu biết chân chánh, chánh kiến. Nếu không hiểu biết chân chánh ắt ta không thể đạt đến an lạc. Khi những vị Phật khác nhau chứng ngộ Chánh Đẳng Chánh Giác và ban truyền những lời dạy đầu tiên thì tất cả các Ngài đều vạch rõ hai cực đoan — Lợi Dưỡng Trong Dục Lạc và Lợi Dưỡng Trong Đau Khổ. Đó là hai con đường mê hoặc, là hai lối sống cực đoan làm cho những ai say mê trong đó phải luôn luôn vọng động, không bao giờ được thanh bình an lạc. Đó là hai con đường dẫn dắt và cột chặt chúng sanh trong vòng luân hồi, sanh tử triền miên.
Đấng Toàn Giác nhận thức rằng tất cả chúng sanh đều bị dính kẹt trong hai cực đoan ấy, không bao giờ thấy được Trung Đạo của Giáo Pháp. Do đó Ngài giáo truyền lối sống ở khoảng giữa, nhằm vạch rõ tầm mức nguy hại của cả hai cực đoan. Vì chúng ta còn dính kẹt, còn ham muốn, nên chúng ta vẫn phải còn mãi mãi sống dưới sự chi phối của nó. Đức Phật tuyên ngôn rằng cả hai đều là con đường đầu độc, không phải con đường của người hành thiền, không đưa đến an lạc. Hai con đường ấy là lợi dưỡng, đắm chìm trong những thú vui của trần thế và say mê trong cuộc sống ép xác khổ hạnh hay một cách đơn giản, là con đường dể duôi buông lung và con đường căng thẳng. Nếu hướng cái nhìn vào và quán chiếu bên trong mình từng giờ, từng phút, từng khoảnh khắc, quý vị sẽ thấy rằng con đường căng thẳng là sân hận, là ưu phiền, sầu muộn. Noi theo con đường ấy chỉ đến khó khăn và thất vọng. Còn Lợi Dưỡng Trong Dục Lạc — nếu quý vị lẫn thoát ra được khỏi nó tức là quý vị đã thoát ra khỏi thỏa thích. Cả hai con đường, hạnh phúc và đau khổ, đều không phải là đường lối dẫn đến trạng thái an lạc. Đức Phật dạy ta nên buông bỏ cả hai, không bám níu vào đau khổ mà cũng không dính kẹt trong hạnh phúc. Đó là Pháp Hành Chân Chánh. Đó là Trung Đạo.
Những danh từ “Trung Đạo” không nhắm vào thân và khẩu mà nhắm vào ý. Khi những cảm xúc mà ta không ưa thích phát sanh, nó ảnh hưởng tâm, đưa đến tình trạng xáo trộn. Khi tâm bị xáo trộn ắt có “vọng động”, đó không phải là con đường chân chánh. Khi những cảm xúc mà ta ưa thích phát sanh, tâm sẽ đeo níu vào và lợi dưỡng trong sự thỏa thích — đó cũng không phải là con đường chân chánh.
Người đời chúng ta không thích đau khổ, chúng ta muốn hạnh phúc. Tuy nhiên trong thực tế, hạnh phúc chỉ là một hình thức vi tế của đau khổ. Đau khổ tự nó là hình thức thô kịch. Quý vị có thể ví hạnh phúc và đau khổ như đầu và đuôi của một con rắn. Đầu rắn là đau khổ, đuôi là hạnh phúc. Cái đầu của con rắn thật sự là nguy hiểm, nó có nọc độc. Nếu quý vị sờ đụng ắt nó cắn ngay tức khắc. Nhưng, không nói chi cái đầu, nếu quý vị chỉ nắm đuôi rắn thôi, nó cũng quay đầu lại cắn quý vị y hệt như vậy, bởi vì đầu và đuôi, cả hai đều thuộc về một con rắn.
Cùng thế ấy cả hai, hạnh phúc và đau khổ, hay vui thích và sầu muộn, đều cùng cha cùng mẹ, phát xuất từ một nguồn gốc — lòng ham muốn. Chỉ có mê hoặc, say đắm trong ái dục! Do đó trong lúc thọ hưởng hạnh phúc, tâm của quý vị không an lạc. Tâm thật sự là không an lạc! Thí dụ khi đạt được điều gì mà ta ưa thích, như tài sản sự nghiệp, danh vọng quyền thế, những lời khen tặng hay hạnh phúc thì ta vui vẽ thỏa thích. Nhưng cùng lúc ấy, tâm vẫn lo ngại, không hoàn toàn thoải mái dễ chịu vì sợ nó mất đi. Chính tình trạng lo sợ ấy không phải là an lạc. Về sau nữa, có thể ta mất luôn điều ấy và thật sự đau khổ. Như vậy, nếu quý vị không nhận thức rõ ràng để kịp thời buông bỏ, không bám níu vào, thì chính trong hạnh phúc đã có mầm mống đau khổ rồi. Nó cũng giống hệt như khi ta nắm đuôi con rắn — nếu không buông bỏ ắt sẽ bị rắn quay đầu lại cắn. Như vậy dầu là đầu hay đuôi con rắn, tức thiện hay bất thiện nghiệp, tất cả đều có đặc tánh cột chặt ta vào những kiếp sống triền miên vô cùng tận của vòng luân hồi.
Đức Phật ban truyền ba pháp tu học: Giới, Định, Tuệ. Đó là con đường dẫn đến an lạc, là con đường Giác Ngộ. Nhưng thật sự ba pháp ấy không phải là tinh hoa của Phật Giáo. Nó chỉ là Con Đường. Đức Phật gọi là “Magga”, có nghĩa là “Con Đường”, hay Đạo. Tinh hoa của Phật Giáo là an lạc, và trạng thái an lạc nầy phát sanh từ sự thấu triệt thực tướng của vạn pháp. Nếu quán chiếu tường tận và phân tách rành mạch, ta có thể thấy rằng an lạc không phải là hạnh phúc, cũng không phải là đau khổ. Đau khổ và hạnh phúc, cả hai đều không phải là chân lý.
Tâm của con người — cái tâm mà Đức Phật kêu gọi chúng ta nên quán chiếu và thấu hiểu — là cái gì mà ta chỉ có thể hiểu biết qua sinh hoạt của nó. Không có gì mà ta có thể dùng để đo lường cái Tâm Nguyên Thủy thật sự, quả thật không có gì mà ta có thể dùng để hiểu biết nó. Trong trạng thái thiên nhiên tâm không chao động, không di chuyển. Khi hạnh phúc phát sanh, tâm bị lạc lối trong cảm xúc. Có sự di chuyển, tâm chao động. Khi tâm xúc động như vậy, tình trạng bám níu vào niềm vui thích ấy phát sanh.
Đức Phật đã vạch ra Con Đường và giáo truyền đầy đủ pháp hành để chúng ta tiến bước trên đó, nhưng chúng ta không thực hành hoặc chỉ thực hành bằng lời nói. Tâm và lời nói của chúng ta không điều hợp với nhau. Chúng ta chỉ lợi dưỡng trong cuộc đàm thoại rỗng không. Nhưng nền tảng của Phật Giáo không phải là cái gì có thể luận bàn suông, hay ức đoán. Nền tảng thật sự của Phật Giáo là thấu triệt trọn vẹn chân lý của thực tại. Nếu đã thấu đạt chân lý ấy rồi thì không cần gì đến giáo huấn. Còn nếu không thấu hiểu chân lý thì dầu có lắng nghe bao nhiêu lời dạy, vẫn không thật sự là nghe. Đó là lý do tại sao Đức Phật dạy: “Bậc Toàn Giác chỉ rọi sáng Con Đường.” Ngài không thể thực hành cho quý vị, bởi vì chân lý là cái gì không thể diễn đạt bằng lời nói, mà cũng không thể biếu tặng cho ai.
Tất cả những lời dạy chỉ là những câu chuyện ngụ ngôn và những thí dụ nhằm giúp cho tâm thấu hiểu chân lý. Nếu không thấy chân lý ắt chúng ta phải đau khổ. Thí dụ như chúng ta thường nói “sankhàra”, pháp hữu vi, khi đề cập đến cơ thể vật chất. Bất luận ai cũng có thể nói như vậy. Nhưng trong thực tế chúng ta vẫn bị khó khăn, vì chúng ta không thấu hiểu chân lý của “các pháp hữu vi” và do đó, bám níu chặt chẽ vào. Vì không thấu đạt trọn vẹn chân lý của thân nên chúng ta đau khổ.
Sau đây là một thí dụ. Buổi sáng nọ, khi quý vị đang rảo bước trên đường đến sở làm thì từ lề bên kia đường có người la to, chửi mắng quý vị thậm tệ. Vừa khi nghe tiếng chửi mình thì tâm quý vị liền biến đổi, không còn ở tình trạng bình thường. Quý vị cảm nghe không thoải mái, tự thấy mình bị xúc phạm, và nổi giận. Người kia cứ đi quanh quẩn, đêm ngày chưởi mắng quý vị. Khi nghe tiếng la chửi thì quý vị tức giận. Chí đến khi về nhà rồi, quý vị vẫn còn cảm nghe sân hận, có ý muốn trả đủa, làm một điều gì để trả thù.
Vài ngày sau đó, một người khác đến gặp quý vị và nói, “Ông ơi! Người mà hôm nọ chửi mắng ông ngoài đường là một người mất trí, anh ta điên! Đã nhiều năm rồi anh ấy điên như vậy. Cứ đi ngoài đường chửi mắng mọi người. Không ai màng để ý đến những gì anh ta nói.” Được nghe giải thích như vậy thì quý vị cảm thấy nhẹ nhàng. Bao nhiêu phiền giận và khó chịu mà quý vị mang trong lòng từ mấy ngày qua hoàn toàn tan biến. Tại sao? Bởi vì giờ đây quý vị đã thấu hiểu chân lý của vấn đề. Trước kia quý vị không hiểu, nghĩ rằng người kia bình thường nên giận anh ta. Vì không thấu hiểu nên quý vị nổi giận. Vừa khi tìm ra chân lý thì mọi việc đều thay đổi, “ờ, người ấy điên! Điều nầy giải thích mọi việc!” Khi đã thấu hiểu vấn đề, quý vị cảm nghe thoải mái dễ chịu trở lại. Quý vị đã tự mình thấu hiểu. Đã thấu hiểu, quý vị liền buông bỏ, không chấp vào đó nữa. Nếu không hiểu biết ắt quý vị sẽ bám níu, dính mắc ngay vào đó. Nghĩ rằng anh chàng chửi mắng kia là bình thường thì quý vị phát sân lên và có thể sát hại anh ta. Nhưng khi đã hiểu được chân lý, biết rằng anh ta chỉ là người điên thì quý vị cảm nghe thoải mái dễ chịu hơn nhiều. Thấu hiển chân lý là như vậy.
Người đã chứng ngộ Giáo Pháp cũng có những kinh nghiệm tương tợ. Khi tham, sân và si tan biến, nó cũng tan biến cùng thế ấy. Ngày nào còn chưa hiểu biết tường tận chúng ta nghĩ, “Ta có thể làm gì được bây giờ? Tham và sân của ta đã quá nhiều.” Đó là không thấu hiểu rõ ràng. Cũng như khi ta nghĩ rằng anh chàng kia là người tỉnh trí. Khi cuối cùng, đã thấy rõ anh ta là người điên thì bao nhiêu âu lo đều tan biến. Không ai có thể chỉ cho quý vị. Chỉ khi nào tự tâm của quý vị nhận thức rõ ràng, nó mới có thể bứng tận gốc rễ tham, sân và không còn bám níu.
Đối với thân nầy mà chúng ta gọi là pháp hữu vi (sankhàra) cũng vậy. Mặc dầu Đức Bổn Sư đã giải thích rành mạch rằng không có một thực thể hay một chúng sanh thật sự có thực chất, chúng ta vẫn còn chưa chấp nhận và vẫn còn ngoan cố bám chắc vào nó. Nếu thân có thể nói, hằng ngày nó sẽ thì thầm với ta rằng, “Ông không phải là chủ của tôi, ông biết không? Tôi không thuộc quyền sở hữu của ông đâu.” Trong thực tế, nó vẫn luôn luôn nói với ta như vậy, nhưng đó là ngôn ngữ của Giáo Pháp nên ta không thể lãnh hội. Thí dụ như mắt, tai, mũi, lưỡi và thân nầy luôn luôn biến đổi nhưng nào có xin phép ta bao giờ! Đôi khi chúng ta đau bụng hay nhức đầu. Có lần nào cơ thể nầy xin phép ta trước không? Nó chỉ diễn tiến theo con đường thiên nhiên của nó. Điều nầy nói lên rằng thân nầy không để cho ai làm chủ nó. Nó không có chủ. Đức Phật mô tả nó như một vật rỗng không.
Chúng ta không thông hiểu Giáo Pháp và do đó, không thông hiểu các pháp hữu vi. Ta nhận nó là chúng ta, là sở hữu của ta, hay của ai khác. Đó là nguyên nhân tạo nên luyến ái. Ta trìu mến, bám sát, níu chắc vào nó (Thủ). Khi Thủ phát sanh thì Hữu, sự trở thành, đi liền theo. Một khi Hữu phát sanh ắt có Sanh. Có Sanh tức có Lão, có Bệnh, có Tử … và toàn thể khối đau khổ phát sanh. Đó là Paticcasamuppàda, chuỗi dài những vòng khoen của Thập Nhị Nhân Duyên. Chúng ta nói Vô Minh tạo duyên cho Hành phát sanh, rồi cả hai tạo duyên cho Thức v.v… Tất cả những điều ấy chỉ đơn giản là những diễn biến trong tâm. Khi xúc chạm với điều gì mà ta không ưa thích, nếu không có chánh niệm thì Vô Minh ở ngay tại đó. Đau khổ tức khắc phát sanh. Tuy nhiên, tâm vượt xuyên qua những biến đổi ấy nhanh chóng đến độ ta không theo dõi kịp. Cũng giống như khi ta rơi từ ngọn cây xuống đất. Sự thật là từ ngọn cây xuống đất ta va chạm bao nhiêu cành to và bao nhiêu nhánh nhỏ, nhưng ta không thể đếm, không thể nhớ hết những cành nhánh ấy. Chỉ hụt tay, rồi từ trên cao rơi xuống, “phịt!”.
Pháp Thập Nhị Nhân Duyên cũng cùng thế ấy. Nếu phân chia như trong kinh điển thì ta nói rằng Vô Minh tạo duyên cho Hành phát sanh, Hành tạo duyên cho Thức phát sanh, Thức tạo duyên cho Danh-Sắc phát sanh, Danh-Sắc tạo duyên cho Lục Căn phát sanh, Lục Căn tạo duyên cho Xúc phát sanh, Xúc tạo duyên cho Thọ phát sanh, Thọ tạo duyên cho Ái phát sanh, Ái tạo duyên cho Thủ phát sanh, Thủ tạo duyên cho Hữu phát sanh, Hữu tạo duyên cho Sanh phát sanh, Sanh tạo duyên cho Lão, Bệnh, Tử và tất cả những hình thức sầu muộn. Nhưng trong thực tế, khi quý vị xúc chạm với điều gì mình không ưa thích tức khắc có đau khổ! Cảm giác đau khổ ấy thật sự là hậu quả của toàn thể những vòng khoen của Thập Nhị Nhân Duyên. Đó là lý do tại sao Đức Bổn Sư kêu gọi hàng môn đệ nên quán chiếu và thấu đạt trọn vẹn tâm mình.
Khi bước chân vào đời, con người không có danh tánh — sanh ra rồi mới được đặt tên. Đó là quy ước. Chúng ta đặt tên, cho mỗi người một danh tánh, để tiện việc kêu gọi nhau. Kinh điển cũng vậy. Chúng ta phân chia sự vật và dán nhãn hiệu lên để tiện việc nghiên cứu sự vật. Tất cả mọi sự vật chỉ giản dị là những pháp hữu vi, sankhàra. [6] Bản chất cơ bản của vạn pháp chỉ là những sự vật phát sanh và hiện hữu do nhân duyên. Đức Phật dạy rằng nó là Vô Thường, Khổ, và Vô Ngã. Nó không ổn định, không thường còn. Chúng ta không hiểu biết như vậy một cách chắc chắn. Kiến thức của ta không vững vàng. Do đó chúng ta mang nặng Tà Kiến. Tà Kiến đây là chấp rằng pháp hữu vi là chính ta, ta là pháp hữu vi, hoặc chấp hạnh phúc và đau khổ là chính ta, ta hạnh phúc, ta đau khổ. Nhận thức như vậy là không hiểu biết trọn vẹn và rõ ràng bản chất thật sự của vạn pháp. Chân lý là chúng ta không thể cưỡng bách các sự vật ấy theo đúng ý muốn của mình. Nó chỉ theo con đường của Thiên Nhiên.
Sau đây là một thí dụ đơn giản. Như quý vị ra giữa một xa lộ nhộn nhịp xe cộ và ngồi ngay tại đó trong khi những chiếc xe lớn, xe nhỏ chạy trờ tới đâm thẳng vào quý vị. Quý vị không thể tức giận xe cộ và quát to, “Chớ có chạy đến đây! Đừng chạy lại đây!” Đó là một xa lộ. Quý vị không thể nói vậy với họ! Vậy thì quý vị phải làm gì? — Phải vào lề đường để tránh xe. Xa lộ là nơi để cho xe cộ chạy, nếu muốn không có xe trên đường ắt quý vị phải đau khổ.
Với các pháp hữu vi cũng cùng thế ấy. Chúng ta nói rằng nó quấy rầy. Như lúc mình ngồi thiền mà có tiếng động, ta nghĩ rằng, “ồ, tiếng động nầy quấy rầy ta quá!” Nếu hiểu rằng tiếng động quấy rầy ta, thì ta sẽ đau khổ vì nó. Quán chiếu vào sâu hơn nữa, ta sẽ thấy rằng chính ta đi ra ngoài và quấy rầy tiếng động! Tiếng động chỉ giản dị là tiếng động. Thông hiểu như vậy thì không có gì hơn nữa. Hãy để nó là vậy. Hãy nhận thức rằng âm thanh là một việc, ta là một việc khác. Người mà thấy rằng âm thanh đến để khuấy nhiễu mình là người không tự thấy mình. Người ấy thật sự không tự thấy mình! Một khi tự thấy mình ắt quý vị sẽ thoải mái dễ chịu. Âm thanh chỉ là âm thanh, tại sao quý vị phải chạy đi đâu để nắm bắt nó lại? Quý vị thấy rằng trong thực tế chính quý vị đi ra ngoài để khuấy rầy âm thanh. Đó là thật sự hiểu biết chân lý. Quý vị thấy được cả hai phía, và nhờ thấy hai bề, quý vị an lạc. Nếu chỉ thấy một bên ắt có đau khổ. Khi thấy hai phía, quý vị theo con đường ở khoảng giữa, Trung Đạo. Đó là pháp hành chân chánh, là chánh pháp. Điều đó được gọi là “làm cho sự hiểu biết của mình được ngay thẳng”.
Cùng một thế ấy, bản chất của tất cả các pháp hữu vi là vô thường và phải biến đổi. Nhưng chúng ta khát khao bám níu, cố nắm cho được. Chúng ta mang nó đi đầu nầy đầu nọ và luôn luôn thèm muốn. Chúng ta muốn nó là thật. Chúng ta muốn tìm sự thật trong những sự vật không thật! Bất luận khi nào có ai nhận thức như vậy và bám níu vào các pháp hữu vi, tự đồng hóa mình với nó, chắc rằng nó là mình, mình là nó, người ấy đương nhiên phải đau khổ. Đức Phật dạy ta hãy quán tưởng sự việc nầy.
Muốn thực hành Giáo Pháp, không cần phải là tỳ khưu, sa di, hoặc một cư sĩ tại gia mà cần phải làm cho sự hiểu biết của mình được chân chánh, ngay thẳng, đúng đắn. Hiểu biết chân chánh, chúng ta sẽ thành đạt an lạc thanh bình. Dầu xuất gia cùng không, mọi người đều có cơ may để thực hành Giáo Pháp, để quán niệm Giáo Pháp. Tất cả chúng ta đều quán niệm như nhau. Nếu chúng ta thành đạt an lạc, tất cả đều là một thứ an lạc. Tất cả cùng đi trên một Con Đường, cùng theo một pháp hành.
Đức Phật không có sự phân chia nào giữa hàng cư sĩ và các bậc xuất gia. Ngài dạy tất cả mọi người pháp hành để thấu triệt chân lý của các pháp hữu vi, sankhàra. Đã thông hiểu chân lý ấy ta sẽ buông bỏ, để cho tất cả trôi qua như nước lăn trôi trên lá sen. Đã thông hiểu chân lý ấy ắt không còn “Hữu” và “Sanh”. Vì sao không còn Sanh nữa? Hiện tượng sanh không còn cách nào để xảy diễn vì ta đã thấu triệt đầy đủ chân lý của các pháp hữu vi. Đã thông hiểu chân lý ấy một cách toàn vẹn ắt có an lạc. Có hay không có cũng vậy. Lợi lạc và mất mát là một. Đức Phật dạy ta nên hiểu như vậy. Đó là an lạc. An lạc vượt ra khỏi hạnh phúc, đau khổ, vui thích và sầu muộn.
Chúng ta phải thấy rằng không có lý do gì để được sanh. Sanh ra cách nào? Sanh ra trong niềm vui! Khi thành đạt điều ưa thích thì ta vui mừng. Nếu không luyến ái, không bám níu vào niềm vui ấy ắt không còn tái sanh. Chính sự bám níu được gọi là sanh. Không có “Thủ” ắt không có “Sanh”. Như vậy, nếu đạt được gì ta không sanh (vào trạng thái thỏa thích vui mừng). Nếu mất gì, ta không sanh (vào phiền muộn). Đó là vô sanh và bất diệt. Cả hai, sanh và tử đều bắt nguồn và đặt nền tảng trên “Ái” và “Thủ”, lòng khát khao ham muốn và luyến ái, cố bám vào các pháp hữu vi.
Do đó Đức Phật dạy, “Như Lai không còn trở thành (Hữu) nữa, đời sống thánh thiện đã chấm dứt, đây là kiếp sống cuối cùng của Như Lai.” Đó! Ngài đã thông hiểu trạng thái vô sanh và bất diệt! Đó là điều mà Đức Bổn Sư không ngớt kêu gọi hàng môn đệ nên thấu hiểu. Đó là Pháp Hành Chân Chánh. Nếu quý vị không đạt đến đó, nếu quý vị không đạt đến Trung Đạo, ắt quý vị chưa vượt qua khỏi đau khổ.


Hương vị giải thoát – Ajahn Chah (Phạm Kim Khánh dịch việt)
Nguồn: Budsas.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét