Căn bản của thiền Bankei

Tâm – theo Bankei mô tả, là một cơ cấu năng động, nghề của nó là phản chiếu, ghi lại và hồi tưởng những ấn tượng về thế giới bên ngoài; nó như một loại gương soi sống động luôn luôn vận hành, không bao giờ ở yên từ giây phút này sang giây phút kế. Trong cái tâm như gương sáng này, những ý tưởng và cảm giác cứ đến rồi đi, sinh, diệt rồi lại tái sinh tùy hoàn cảnh, tự bản chất chúng không tốt cũng không xấu. Nhưng khác với người an trú Bất sinh; người hay phản ứng phải chịu khổ vì thói bám víu ràng buộc. Người ấy không bao giờ tự nhiên thoải mái vì họ là một tên nô lệ cho những phản ứng của mình, không nhận ra được đấy chỉ là những cái bóng thoáng qua. Kết quả là người ấy luôn luôn bị treo, vướng vào những ý tưởng hay cảm xúc đặc biệt nào đó, làm trở ngại sự tuôn chảy tự nhiên của cái tâm bình thường.

Mọi sự sẽ vận hành suông sẻ, Bankei nhấn mạnh, nếu chúng ta làm ơn xê ra để cho mọi sự tự nhiên vận hành. Ngài chứng minh điều này bằng cách chỉ cho thính giả thấy rằng, ngay dù trong khi tập trung lắng tai nghe giảng, họ vẫn tự động ghi nhận được mọi sự khác ở xung quanh, như tiếng quạ kêu, chim sẻ chíp chíp, những màu sắc và mùi hương khác nhau, đủ hạng người đang ở trong phòng giảng. Không ai cố tình làm vậy, chuyện ấy chỉ xảy xa một cách tự nhiên. Bankei bảo, đó chính là cái cách mà Bất sinh vận hành.
Đối với Bankei, điều quan trọng là buông xả, phá vỡ cái khuôn ngã chấp và những thói quen xấu, những thành phần chính của si mê. Ngã chấp hay sự tập trung vào tự ngã, là căn để của cái tôi giả tạo. Chính ngã chấp khiến chúng ta phán đoán mọi sự trên một quan điểm ích kỷ hẹp hòi. Chất liệu nuôi dưỡng thái độ này là những thói quen xấu, những tì vết trong nhân cách, cũng như sự chấp ngã, vốn là hậu quả của hoàn cảnh.
Theo Bankei, chúng ta khi còn bé thường bắt chước những người lớn xung quanh mình, và dần dần tích tập một số thói xấu cuối cùng trở thành thâm căn cố đế tới nỗi ta lầm cho đó là bản ngã đích thực của mình. Tuy nhiên, khác với Phật tâm bất sinh ; thói xấu hay sự chấp ngã đều không phải bẩm sinh, được hấp thụ về sau, do ảnh hưởng bên ngoài. Mỗi khi bị si mê lầm lạc là chúng ta tạm thời bỏ rơi Tâm Phật mà ta đã có từ khởi thủy để đổi lấy những phản ứng mới học đòi này. Khi sự tình này xảy đến thì phát sinh đối đãi nhị nguyên, từ tính nhất thể nguyên ủy, ta sinh vào những cảnh huống khác nhau như ngạ quỷ (quỷ đói), a tu la (quỷ chiến đấu), súc sinh, địa ngục, đi từ loài này đến loài khác, bị vướng vào luân hồi bất tận. Cách duy nhất để ra khỏi ngõ bí này, theo Bankei là trở về theo con đường mà từ đó ta đã phát xuất, trở về cái Vô điều kiện, cái chưa từng được tạo tác – cái Bất sinh. Cái mà ta có được từ lúc mới sinh, ấy chính là cái Tâm Phật.
Tâm Phật là bất sinh và chiếu sáng một cách kỳ diệu, với cái bất sinh ấy thì mọi sự đều hoàn bị cả rồi. Hãy an trú trong Tâm Phật bất sinh. Đây là căn bản của thiền Bankei, cương yếu của ngài về Bất sinh. Ngài giải thích điều ấy nhiều lần bằng nhiều cách, vì theo ngài thì chân lý Bất sinh thực quá đơn giản, quá trực chỉ, ai cũng nắm được. Theo nghĩa ấy, thiền của Bankei quả là rất phổ thông. Cũng có nhiều thiền sư khác đã giảng dạy cho người thế tục, nhưng phần nhiều, thiền chính thống được xem là quá khó đối với người thường, nên giáo lý phổ thông của các thiền sư ấy không bao giờ nói đến thiền. Thay vì thế, họ chỉ nói về giáo lý chung chung, đề cao những việc công đức như lễ bái niệm Phật, và thảo luận về những khái niệm trong các kinh Phật.
Bankei hoàn toàn ngược lại. Ngài cho rằng cốt tủy của thiền hoàn toàn giản dị, trực tiếp, mà bất cứ ai có tâm hồn mở rộng cũng có thể hiểu khi được chỉ cho. Bankei nhấn mạnh, muốn dạy thiền, người ta phải đi ngay vào cốt lõi, lột hết những gì màu mè che đậy bên ngoài – những thuật ngữ khó hiểu, những danh từ ngoại lai lạ tai.
Đấy là lý do chính khiến Bankei phản đối sử dụng công án trong thiền. Theo ngài, toàn thể phương pháp thiền công án thật là gượng ép một cách thảm hại. Ngài thấy sự uyên bác là điều hoàn toàn không cần thiết để học thiền, lại còn là một sự vướng bận vô ích. Ngài loại bỏ công án vì cho đấy là một kỹ thuật giả tạo. Những công án nguyên ủy không phải là những mẫu mực mà là những sự thật xảy ra trong đời sống. Những thiền sư ngày trước chỉ đơn giản ứng phó với những tình huống đặc biệt mà họ gặp, tùy theo nhu cầu của những môn đệ đương thời. Bất cứ thiền sư nào cũng tùy cơ ứng biến như vậy cả.
Vậy thì, chỉ cần bảo họ nhìn vào những công án riêng của chính họ, cái cách mà tâm Bất sinh đang vận hành ngay tại đây và bây giờ, trong những hoàn cảnh sống hiện thực. Đây là điều mà Bankei gọi là lối dạy trực tiếp, đối lại với lối tham công án mà ngài gọi là tham cứu giấy lộn. Bankei bảo công án chỉ là một phương tiện, những bậc thầy nào còn dựa vào đó hay vào bất cứ kỹ thuật nào khác, thì cũng đều thực hành pháp thiền phương tiện. Tại sao cần phải dựa vào phương tiện khi ta có thể dùng ngay thứ thiệt? Bankei lập luận.
Theo nghĩa ấy, Bankei lại là một người theo truyền thống. Ngài quay về những thiền sư của thời hoàng kim – trước cả thời vinh quang của công. Bankei nhấn mạnh rằng giáo lý ngài cũng như của Lâm tế, và nhiều điểm tương đồng giữa những Bài giảng của ngài với Lâm tế ngữ lục cho ta thấy có lẽ bậc thầy Trung hoa đã có ảnh hưởng quan trọng trong pháp thiền Bankei. Nhưng nhìn chung, giáo lý của Bankei vẫn có gì rất thực độc nhất vô nhị.
Một điều mỉa mai, sở dĩ giáo lý ấy không thịnh hành cũng bởi chính những đức tính độc đáo của nó, những đức tính đặc biệt đã lôi cuốn những người đến học Bankei: đó là nó quá giống với cá tính ngài, không thỏa hiệp với bất cứ phương pháp hay kỹ thuật nào. Cuối cùng, pháp thiền Hakuin (Bạch Ẩn) khôi phục và hệ thống hóa thiền công án ở Nhật, đã quét sạch những tu viện thuộc tông Thiên thai và lại còn xâm nhập Long môn tự cùng các chùa khác thuộc hệ thống Bankei.
Hakuin cho rằng giáo lý Bất sinh của Bankei là phạm thánh và cực lực đả kích. Nhưng thế kỷ hai mươi lại bắt đầu chú ý đến thiền Bankei. Nhà học Phật D.T. Suzuki (1886-1975) là người tiên phong hiện đại đã đề cao giáo lý Bankei, hoan nghênh giáo lý này xem như một liều giải độc cho pháp tham công án quá khô khan, và xem Bankei như một trong ba thiền sư vĩ đại của Nhật bản, ngang hàng với Dogen và Hakuin (Đạo Nguyên và Bạch Ẩn). Suzuki cùng những học giả khác khởi sự sưu tập và ấn hành những ngữ lục và giáo lý của Bankei, mà phần lớn còn nằm rải rác bị bỏ quên trong các chùa ngoại ô – và hiện nay một lần nũa Bankei lại được nhiều người biết đến.
Tính lôi cuốn của Bankei cũng dễ hiểu. Mặc dù thế giới ngài sống khác xa với thế giới hiện đại, song vẫn có cái gì rất gần gũi với chúng ta trong nhiều điều ngài dạy. Cảm nghĩ về tự do giải thoát, tính nhân hậu của ngài, cách ngài đề cập những vấn đề tối hậu không tách rời với đời sống hàng ngày của con người, dường như hoàn toàn ăn nhịp với tinh thần thời đại. Và khi chúng ta đang lật xem những trang Bài giảng, thì Bankei dường như vẫn còn đấy, sống động một cách lạ lùng, và đang chiếu sáng một cách kỳ diệu.

***

Lắng nghe

Sư bảo chúng: Trong tất cả quý vị tại đây hôm nay, không một ai là người chưa giác ngộ. Mỗi người ở đây đều là một vị Phật. Bởi thế hãy lắng nghe cho kỹ. Cái mà tất cả quý vị thừa hưởng của cha mẹ lúc mới lọt lòng, chỉ là cái tâm Phật bất sinh. Không có cái bẫm sinh nào khác ở nơi quý vị. Cái tâm Phật mà quý vị có từ lúc mới sinh, thực sự là bất sinh và chiếu sáng một cách kỳ diệu. Hơn thế nữa, với cái bất sinh này mọi sự đều được thu xếp một cách toàn hảo. Bằng chứng về điều này là, trong lúc tất cả quý vị đang lắng nghe tôi nói, mà ngoài kia có tiếng quạ kêu, tiếng chim sẻ chíp chíp, tiếng gió xào xạc… mặc dù không cố tình phân biệt những âm thanh ấy, quý vị vẫn nhận ra và phân biệt được từng tiếng: tiếng chim quạ, tiếng chim sẻ, tiếng gió xao cành – quý vị nghe mà không lầm lẫn, đấy gọi là nghe với cái Bất sinh.
Với cái Bất sinh, tất cả mọi sự được thu xếp hoàn toàn ổn thỏa cũng y như vậy. Đấy là bằng chứng thực sự về cái Bất sinh. Hãy nhận ra một cách dứt khoát rằng cái không sinh và đang chiếu sáng kỳ diệu ấy đích thực là Tâm Phật. “An trú ngay trong Tâm Phật Bất Sinh ấy, thì từ đây cho đến mãi mãi quý vị là một đức Như Lai sống”.Vì khi đã nhận ra một cách rốt ráo thì từ nay trở đi quý vị sẽ luôn an trú trong Tâm Phật, nên trường phái của tôi mệnh danh là trường phái “Phật tâm”.
Thật vậy, trong khi đang lắng nghe tôi nói, quý vị vẫn không lầm lẫn tiếng chim sẻ với tiếng quạ kêu bên ngoài, không lầm lẫn tiếng chuông với tiếng trống, tiếng đàn ông với tiếng phụ nữ, tiếng người lớn với tiếng trẻ con – quý vị nhận ra và phân biệt rõ ràngtừng thứ tiếng quý vị nghe, không lẫn lộn chút nào. Đấy chính là cái diệu dụng linh động chiếu sáng của Bất sinh. Đó không là gì khác, mà chính là Phật tâm bất sinh đang chiếu sáng một cách kỳ diệu, là bằng cứ xác thực về bản chất chiếu sáng vi diệu của Tâm.
Mỗi người, khi dứt khoát nhận ra được cái bất sinh và chiếu sáng kỳ diệu ấy, an trú trong đó, thì từ nay cho đến mãi về sau là một vị Phật sống. Cả đến khái niệm Phật cũng chỉ là một tên gọi được đặt ra về sau, bởi thế, từ nơi Bất sinh mà nhìn, thì đó cũng chỉ là chuyện phụ thuộc, không có gì quan trọng. Con người của Bất sinh ở tận nguồn gốc của tất cả các vị Phật. Cái gì bất sinh thì đó là suối nguồn của tất cả mọi sự, là khởi điểm của mọi sự. Không có gì “nguyên sơ” hơn là cái Bất sinh, không có gì ở trước nó. Bởi thế nên khi quý vị trú trong Bất sinh là quý vị ở nơi ngọn nguồn của tất cả Phật, và bởi thế Bất sinh là một cái gì quý báu tuyệt trần. Ở đây không có vấn đề diệt, cho nên khi trú trong bất sinh thì cũng không cần gì nói đến bất diệt. Đấy là lý do tại sao tôi chỉ nói về Bất sinh mà không đề cập bất diệt. Cái gì không được tạo tác thì cũng không bị hủy hoại, bởi thế, khi nó đã bất sinh thì đương nhiên cũng bất diệt. Phải vậy không nào?
Dĩ nhiên, từ ngữ bất sinh bất diệt đã có rải rác trong kinh điển và ngữ lục từ xưa, nhưng chưa ai nói bằng chứng thực sự của cái Bất sinh. Ai cũng chỉ học từ ngữ bất sinh bất diệtrồi lặp đi lặp lại, nhưng đến việc nhận cho ra và thực sự đi thẳng vào trọng tâm vấn đề, thì không ai hiểu được Bất sinh là cái gì.

Giới luật

Một bậc thầy thuộc Luật tông đến hỏi: Ngài có tuân giữ giới luật không?
Sư trả lời: Từ khởi thủy, tất cả những gì mà người ta gọi là giới luật đều cốt dành cho những thầy tu tồi tệ phá giới. Với người an trú trong tâm Phật bất sinh thì không cần nói đến giới. Giới được dạy là để giúp chúng sinh, không để giúp Phật! Mọi người khi cha mẹ mới sinh chỉ có duy nhất cái Tâm Phật Bất sinh, bởi thế hãy an trú trong tâm bất sinh ấy. Khi an trú trong Bất sinh, thì bạn đã là một vị Phật sống ngay bây giờ rồi, và vị Phật ấy cố nhiên không vẽ vời những chuyện như thọ giới, bởi thế không có giới điều nào cho ông ta thọ. Bày đặt những chuyện như thọ giới thì không phải là ý nghĩa của Tâm Bất sinh. Khi ta an trú trong Bất sinh thì không cách gì phạm giới nổi. Từ nơi Bất sinh, giới luật cũng thành phụ thuộc nhảm nhí, trong chỗ Bất sinh, thực sự không có gì là giới luật.

Biết tâm người khác

Có người hỏi: Ai cũng nói ngài có tha tâm thông, có phải thế không?
Sư đáp: Trong trường phái của tôi, không có những chuyện phi thường. Và dù nếu có, chúng tôi cũng không sử dụng, vì tâm Phật vốn bất sinh. Khi nói với bạn, thì tôi làm việc với chính bản ngã của bạn, nên bạn tưởng là tôi có tha tâm thông. Nhưng tôi không có thần thông như thế. Tôi cũng giống như bạn mà thôi. Khi bạn trú trong Bất sinh, là bạn ở tận ngọn nguồn của tất cả thần thông diệu dụng của chư Phật, không cần tìm kiếm thần thông mà có thể xử lý mọi chuyện một cách êm thấm dễ dàng. Trong chính giáo lý về Bất sinh, bạn có thể dàn xếp mọi sự bằng cách làm việc với chính bản ngã của bạn, không cần đưa vào những vấn đề ngoại lai.
Có người hỏi: Tôi đã nỗ lực hết sức để tiến đừng lùi, nhưng dù làm gì đi nữa, khuynh hướng thụt lùi vẫn mạnh hơn, và có những lúc tôi lùi thực sự. Và càng cố tiến tới, thì tôi chỉ có thấy mình lại thụt lùi. Làm sao cho tôi khỏi thụt lùi?
Sư nói: Hãy an trú trong Tâm Bất sinh! Khi an trú, bạn không cần bận tâm về tiến hay thoái. Quả vậy, khi bạn an trú Bất sinh, thì nỗ lực tiến tới là lập tức đang lùi khỏi vị trí Bất sinh. Người của Bất sinh không can dự gì đến tiến hay lùi, mà vượt trên cả hai.

Sống như Phật

Cái gì đã khiến một đám đông người như thế này đến đây khi trời vừa mới sáng, để lắng nghe tôi nói, cái ấy không gì khác hơn là Tâm Phật Bất sinh. Nếu không thấy có cái gì thật phi thường trong những lời tôi nói, thì quý vị đã không quày quả ra đi sớm như vậy để đến nơi đây. Vậy là, trong số quý vị đến tham dự buổi giảng hôm nay, những người tuổi ngũ tuần thì đã sống 50 năm không nhận ra Tâm Phật ngay trong mình, những người tuổi ba mươi đã sống 30 năm mà cho đến ngày hôm nay vẫn chưa nhận ra được sự thật ấy – tất cả quý vị đều trải qua những năm tháng của đời mình trong sự mờ mịt.
Nhưng tại giảng đường hôm nay khi quý vị đã hoàn toàn nắm vững rằng mỗi người trong đây đều có sẵn tâm Phật Bất sinh ngay trong mình, thì từ hôm nay trở đi quý vị sẽ sống trong cái Tâm Phật ấy mà thôi, và sẽ mãi mãi thành những vị Phật sống. Điều tôi đang nói với tất cả quý vị chỉ cốt là làm cho quý vị nhận ra rằng Tâm Phật Bất sinh đang chiếu sáng một cách kỳ diệu. Khi đã hoàn toàn nhận ra điều này, thì từ đây mãi mãi về sau, quý vị sẽ có một thân Phật không khác gì thân đức Phật Thích ca, và sẽ không bao giờ đọa lạc trở lại vào ba ác đạo. Tuy nhiên, trong khi nghe giảng như thế này quý vị dù có thể hiểu rõ Tâm Phật Bất sinh, mà khi trở về lại nhà, những điều quý vị trông thấy và nghe thấy sẽ khởi động cái tâm giận dữ nơi quý vị trở lại. Và khi ấy, dù chỉ nổi giận một chút xíu, quý vị cũng sẽ mang tội gấp triệu lần trước khi nghe tôi giảng về Tâm Phật Bất sinh. Khi ấy quý vị sẽ chuyển từ cái tâm Phật Bất sinh mà quý vị đã biết, thành ra những chúng sinh ở địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ, mãi mãi luân hồi.
Cái tâm Phật bất sinh đó là gì vậy? Trong khi tất cả quý vị đều tập trung thính giác nghe giảng như thế, mà bên ngoài có tiếng chó sủa, tiếng người hàng rong rao hàng, mặc dù không cố ý nghe, quý vị vẫn nghe được tất cả những thứ tiếng ấy: đó là nghe với cái Bất sinh, diệu dụng của Phật tâm. Ví như: Tâm Phật, vốn chưa từng sinh ra và đang chiếu sáng kỳ diệu, tâm ấy giống như một tấm gương sáng. Gương thì phản chiếu bất cứ gì xuất hiện trước nó. Nó không cố ý phản chiếu sự vật, nhưng bất cứ vật gì đến trước gương, thì màu sắc dáng hình của nó đều chắc chắn hiện ra. Cũng vậy, khi vật được dời đi, thì tấm gương cũng không cố ý không phản chiếu, nhưng khi vật đã bỏ đi thì bóng nó cũng không còn hiện trong gương. Cái tâm Phật Bất sinh cũng hệt như thế. Khi bạn cố ý nhìn và nghe điều gì, thì bạn sẽ nghe và thấy, đó là lẽ tự nhiên. Nhưng khi bạn thấy và nghe được những gì mà trước đấy bạn không dự định để thấy nghe, thì đó chính là nhờ cái diệu dụng linh hoạt của Tâm Phật mà mọi người ai cũng có. Đấy là ý nghĩa cái Tâm Phật Bất sinh. Khi tôi đã tìm cách giảng giải về cái Bất sinh sao cho tất cả quý vị đều hiểu được như thế, mà nếu có người vẫn chưa hiểu, thì dù vị ấy có nghe ngàn vạn lần cũng không ăn thua gì. Người nào dù chỉ nghe một bài giảng, đã nhận ra được Tâm Phật bẩm sinh nơi tất cả mọi người, thì người ấy từ đó trở đi trở thành Phật sống.
Lấy một ví dụ khác. Giả sử có người đi từ Takamatsu đến Marugame mà không biết đường, gặp một người biết rành đường lối chỉ bày cho. Sau khi nhớ kỹ những lời chỉ dẫn, người ấy theo đó mà đi và đến đích không khó khăn gì. Cũng thế, khi tất cả quý vị đã nắm được chính xác những gì tôi nói, thì từ đấy trở đi quý vị sẽ an trú trong tâm Phật bản nhiên. Ngược lại nếu không an trú được như thế, thì cũng như đã được người ta chỉ cho đường đến Marugame mà không theo, lại theo con đường dẫn tới nơi nào khác. Đó là lý do quý vị nên lắng nghe kỹ những gì tôi nói. Tôi không chắc có thể trở lại đây nói chuyện cùng quý vị nữa không. Cho dù quý vị đi nghe giảng nơi nào khác, cũng không chắc có người nào giải thích cho quý vị về cái Tâm Phật bất sinh mà chiếu sáng kỳ diệu này. Bởi vậy nếu chư vị thấy lời tôi nói có lý, thì hãy nên coi chừng ngăn chặn sự nổi lên đủ loại ý tưởng, để chấm dứt vòng luân hồi. Nếu không thành Phật ngay bây giờ thì trong mười ngàn kiếp quý vị cũng sẽ khỏi tái sinh lại trong cõi này, bởi thế hãy nỗ lực thực chứng một cách rốt ráo cái Tâm Phật Bất sinh, và chớ để bị mê lầm. Được như vậy thì ngay từ hôm nay, quý ông sẽ là những người nam an trú Tâm Phật, quý bà sẽ là những người nữ an trú Tâm Phật, tất cả đều hết si mê lầm lạc. Đó không gì khác hơn là Phật quả, là giác ngộ.
Tôi có thể nói cho quý vị vài điều về Tâm Phật nơi phụ nữ. Theo tôi hiểu, phụ nữ thường rất buồn khi nghe nói họ không thể thành Phật. Nhưng sự thực không phải vậy. Có gì khác nhau giữa nam và nữ? Thân nam là thân Phật, thân nữ cũng là thân Phật. Quý vị không nên nghi ngờ gì về điểm này. Khi quý vị đã hoàn toàn nắm được lý Bất sinh, thì trong Bất sinh, không có gì khác nhau giữa nam hay nữ. Mọi người đều là thân Phật.
Về phương diện hình thể, rõ ràng là nam nữ khác nhau, nhưng về phương diện Tâm Phật thì không có khác gì. Quý vị đừng bị tướng bề ngoài làm cho lầm lạc. Tâm Phật vẫn giống nhau, không có khác biệt nào giữa nam với nữ.
Tôi xin chứng minh với quý vị điều này. Trong giảng đường hôm nay có rất đông người tụ tập, nhưng khi nghe tiếng trống hay tiếng chuông ngoài kia, quý vị có nghĩ là phụ nữ lầm tiếng chuông là tiếng trống, tiếng trống là tiếng chuông chăng? Quý vị có thực nghĩ rằng có gì khác nhau trong cách đàn ông nghe với cách phụ nữ nghe những tiếng ấy? Tuyệt đối không khác chút nào. Lại nữa, thưa tất cả quý vị, đâu phải việc này chỉ đúng cho “nam giới và nữ giới” mà thôi. Trong giảng đường này, chúng ta có những người trẻ và người già, tăng và tục, đủ tất cả hạng người; nhưng nói đến sự nghe chuông trống, quý vị có thể nói được hay chăng, rằng người già nghe cách này, người trẻ nghe cách khác? Không có sự khác nhau trong cách tu sĩ nghe, cách cư sĩ nghe, cách đàn ông nghe, cách đàn bà nghe chăng? Điều ấy chứng tỏ tất cả mọi người đều sẵn có bẩm sinh một Tâm Phật đồng nhất. Vậy thì nói về nam và nữ chẳng qua chỉ là những danh từ, những cái bóng của tâm sản xuất ra. Trước khi những cái bóng ấy phát sinh, ở trong cảnh giới Bất sinh không có gì là nam hay nữ. Và vì sự tình là vậy, thì không có gì khác nhau giữa Tâm Phật nơi người nam và Tâm Phật nơi người nữ.
Giả sử trong lúc bạn đang an trú liên tục trong Bất sinh, trong Tâm Phật, quên hết những phân biệt nam nữ, nhưng đột nhiên bạn trông thấy hay nghe một việc gì rối rắm, chẳng hạn có người nào nói xấu bạn, hay những ý niệm tham dục bám víu khởi lên trong bạn mà bạn ràng buộc vào đó, thế là bạn đang chuyển tâm Phật thành ra ý nghĩ, chẳng hạn nghĩ “chỉ vì mình là một phụ nữ” hay đại loại như thế. Nếu không bị đánh lừa bởi hình tướng bên ngoài, hoàn toàn nắm lấy con đường duy nhất, cái Bất sinh, thì bạn sẽ thấy rằng không những nam hay nữ, mà chư Phật trong quá khứ hay vị lai cũng đều là một Tâm Phật đồng nhất ấy. Không lý do gì phụ nữ lại là một trường hợp đặc biệt, không thể chứng thành Phật quả.
Nếu sự thực có vài lý do khiến phụ nữ không thể thành Phật, mà tôi lại nói là họ có thể, để xí gạt tất cả quý vị, thì bảo đảm tôi sẽ phải đáp xuống địa ngục ngay lập tức. Chỉ vì mong thành Phật quả mà ngay từ tấm bé tôi đã phải chịu bao nhiêu gian khổ tu hành; không lẽ ngày nay tôi lại cố nói dối với quý vị để bị đọa xuống địa ngục? Những gì tôi nói với quý vị không phải là dối trá. Tôi muốn các vị phải nắm kỹ điều này, để từ nay trở đi, hãy an tâm mà sống những ngày tháng của các vị ở trong Tâm Phật Bất sinh…
Lại nữa, ngay cả nơi những người xấu ác, Tâm Phật vẫn không biến mất. Khi bạn lật ngược cái tâm xấu của họ, thì đấy là tâm Phật không gì khác. Tôi xin kể cho quý vị nghe một kẻ ác có tâm Phật là thế nào. Giả sử có hai người cùng đi với nhau từ đây đến Taka-matsu, một người thiện một người ác. Nhưng cả hai không ai để ý gì đến chuyện thiện ác mà cứ vừa đi vừa nói chuyện dọc đường. Hai bên đường hoặc trên đường có cái gì, thì mắt của người thiện cũng như người ác đều trông thấy như nhau. Nếu có con ngựa hay con bò xông tới trước mặt thì cả hai đều biết nhảy tránh, mặc dù không tính trước. Nếu có gặp hố nước, cả hai cùng nhảy qua, gặp sông thì cùng lội. Sở dĩ có phản ứng giống nhau như vây là vì người tốt lẫn người xấu đều cùng có một căn bảnchung là Tâm Phật Bất sinh.
Mỗi người trong đây cũng thế, từ trước đến nay, đã từng làm ác, bị ngốn ngấu bởi đủ loại bám víu và thèm khát, bị xâm chiếm bởi sân si, nên phải chịu luân hồi, chuyển đổi cái tâm Phật quý vị vốn có thành a tu la và quỷ đói. Nhưng sau khi nghe giải thích về tâm Phật Bất sinh rồi nếu quý vị hiểu rõ, thì chính cáitâm tham dục sân giận bám víu bấy lâu nơi quý vị lập tức sẽ chuyển thành Tâm Phật bất sinh, và quý vị sẽ không bao giờ mất tâm ấy, dù trải qua bao nhiêu kiếp. Khi quý vị an trú trong tâm Phật ấy, thì từ đây quý vị sẽ là những Phật sống. Nhưng đừng lầm; nếu bây giờ quý vị đánh mất tâm Phật ấy thì cả đến trăm ngàn kiếp sau quý vị cũng không thành Phật được. Hãy nên nhớ kỹ điều này.
Dù cho những thói tật thâm căn cố đế nơi quý vị sẽ khiến quý vị bám lấy những gì gặp phải, vọng tưởng chốc lát khởi lên, thì người có đức tin bền chắc sẽ không bám víu cũng không xua đuổi chúng – trong nháy mắt, người ấy sẽ dễ dàng quay trở về với Phật tính bất sinh. Ngay cả đối với chư Phật chư tổ, cũng không phải rằng các ngài hoàn toàn không có tư tưởng nào từ khởi thủy. Nhưng vì các ngài không bị vướng vào tư tưởng, và cũng như trẻ con, không có tưởng tương tục, nên cũng như thể là tư tưởng chưa từng sinh khởi. Chính vì vậy mà Phật, tổ giải thoát khỏi tư tưởng.
Khi tư tưởng không khởi lên, thì cái diệu dụng chiếu sáng linh hoạt của tâm Phật không hiện rõ, bởi thế sự sinh khởi những ý tưởng kỳ thực là diệu dụng của Phật tâmchiếu sáng. Nội cái việc tôi đang giải thích điều này và quý vị đang tiếp nhận đó cũng là do mọi người đều có được cái công năng chiếu sáng kỳ diệu của Tâm Phật bẩm sinh. Có phải điều ấy thật quý báu không? Vậy hãy nhớ kỹ điều này, nhận thức rõ rằng, gặp cảnh gì cũng dấy động tư tưởng thì chỉ chuốc lấy khổ đau. Bởi thế đừng chuyển cái Tâm Phật thành ra những tơ tưởng vốn không phải bẩm sinh nơi bạn, và hãy sống trọn ngày an trú trong Tâm Phật Bất sinh….
Chúng ta thường thấy, khi có người nào được ca tụng “Anh ta hay thật, giỏi thật!”, khi nghe vậy, một người khác sẽ tìm cách bôi nhọ cả đến những tài năng của người khác. Rõ ràng, đó là thói xấu của người kiêu ngạo. Có phải thái độ ấy thực sai lầm ghê gớm không? Chúng ta nên hoan hỉ khen ngợi người đáng khen, và khi nghe ai được hạnh phúc, hãy vui mừng như chính mình hạnh phúc. Sự thể đáng lẽ phải vậy. Người được như thế là người sáng suốt không để mờ tâm Phật. Nhưng nếu khi thấy hay nghe điều gì, mà bạn phản ứng với lòng kiêu căng hay cuồng tín, thì thế là bạn đã chuyển cái tâm Phật bẩm sinh nơi bạn thành một giống dân địa ngục…
Khi dẹp bỏ thói tức giận, tham lam, bám víu, chấp ngã, thì dù với kẻ tôi tớ, quý vị cũng không dữ dằn, mà bày tỏ lòng thương. Dù với tôi tớ, ta cũng không nên nghĩ họ không liên hệ gì đến mình. La mắng người khác xối xả, tức giận điên cuồng, đó là một lỗi lầm lớn. Từ trước đến nay, vì không hiểu nguyên tắc đằng sau sự việc, nên bạn tha hồ nổi nóng không cần suy nghĩ, tin rằng sự sân si tức giận là lẽ tự nhiên thường tình trong cõi người ta. Nhưng bây giờ, khi đã nghe về Tâm Phật bất sinh mà mỗi người đều sẵn có từ lúc mới sinh ra, thì từ đây về sau quý vị nên giữ gìn đừng làm hại cái tâm ấy.
Trên thế gian không có gì quý bằng Tâm Phật. Vì tất cả quý vị đều đang cố thực chứng Tâm Phật bất sinh, nên cần phải hiểu cho thấu đáo mới được. Tôi không bảo quý vị phải tu theo pháp này pháp nọ, phải giữ giới, phải tụng kinh, phải xem Ngữ lục của chư tổ, phải tọa thiền…Tâm Phật vốn đã sẵn nơi tất cả quý vị, không có cái chuyện tôi đem lại cho quý vị tâm Phật ấy. Khi lắng nghe bài giảng này, hãy nhận ra tâm Phật mà mỗi người đều có ngay trong chính mình, rồi từ nay về sau hãy an trú trong Tâm Phật bất sinh ấy. Một khi quý vị đã xác chứng được Tâm Phật mà mọi người bẩm sinh đều có, thì quý vị muốn đọc kinh cứ việc đọc kinh, muốn ngồi thiền cứ việc ngồi thiền, muốn giữ giới cứ việc thọ giới, muốn niệm Phật cứ việc niệm Phật, muốn trì chú cứ việc trì chú, hay cứ việc làm phận sự hàng ngày của quý vị – công việc sẽ là pháp chánh định của mỗi người. Tôi chỉ nói một điều duy nhất là: hãy nhận ra tâm Phật mà mỗi người quý vị bẩm thụ từ lúc cha mẹ mới sinh. Điều cốt yếu là nhận ra, và an trú trong tâm ấy với trọn vẹn niềm tin tưởng…
Sư dạy chúng: Như quý vị đều đã nghe tôi nói, mọi người bẩm sinh đều có tâm Phật, vậy quý vị chỉ cần làm mỗi một việc duy nhất là an trú trong cái tâm Bất sinh ấy. Thế nhưng, vì theo thói đời, quý vị đã vướng vào những tệ đoan và đã chuyển tâm Phật thành ra quỷ đói luôn bám víu thèm khát. Hãy nhớ kỹ điều này, để luôn trú trong tâm Phật bất sinh. Nhưng nếu vì mong mỏi nhận cho ra cái Bất sinh mà quý vị rán ngăn chặn những ý tưởng giận dữ thèm khát không cho chúng khởi lên, thì khi làm như vậy quý vị đã phân chia một cái tâm duy nhất ra làm hai. Cũng như thể là quý vị đuổi theo một cái gì đang trốn chạy. Khi ta còn cố ý ngăn tư tưởng khởi lên, thì cái ý ấy chống lại với những ý khác đang khởi lên liên tục, thế là không bao giờ có sự chấm dứt thật sự. Việc ấy cũng như thể là dùng máu để rửa máu, không bao giờ sạch được. Cũng vậy, mặc dù những tư tưởng giận dữ mà bạn ngăn chặn ấy có thể chấm dứt, nhưng cái tư tưởng sau dùng để ngăn chặn tư tưởng trước cứ tiếp tục không bao giờ dừng nghỉ. Bạn có thể hỏi, vậy phải làm sao? Nếu bỗng dưng ý tưởng giận dữ, hay thèm khát, hay bám víu… khởi lên nơi bạn một cách bất trị, ngoài ý muốn, thì đừng khai triển nó thêm, đừng để ý đến nó. Đừng bận tâm ngăn chặn hay không ngăn chặn, chỉ cần mặc kệ nó, thì nó không thể làm gì khác hơn là đi đến chấm dứt. Bạn không thể cãi với vách tường nếu bạn chỉ đứng một mình. Khi không có ai ở đấy để chiến đấu, thì mọi việc tự động đi đến chấm dứt.
Dù cho đủ mọi thứ tư tưởng tạp loạn thò mặt ra, thì cũng chỉ ló ra trong một chốc. Nếu bạn không bám víu một tư tưởng nào đặc biệt, như vui hay buồn, không nghĩ tới chuyện chấm dứt hay không chấm dứt nó, thì thế chính là an trú trong Tâm Bất sinh. Hãy giữ cho cái tâm duy nhất vẫn là cái tâm duy nhất. Nếu tâm bạn luôn luôn như vậy, thì dù cho điều tốt điều xấu gì khởi lên cũng tự động chấm dứt mà không cần bạn phải cố nghĩ hay không nghĩ. Cái mà bạn gọi là cơn giận hay niềm vui toàn là do bạn sản xuấtvới mãnh lực của tính chấp ngã, hậu quả của dục vọng ích kỷ. Khi vượt ngoài mọi ý tưởng bám víu thì những tư tưởng kia sẽ tự động tan biến. Sự biến mất ấy chính là cái Bất diệt. Và cái bất diệt chính là Tâm Phật bất sinh.
Tóm lại, điều chính yếu là luôn luôn nhớ đến Tâm Phật bất sinh, không hâm nấu những tư tưởng này nọ trên cái nền Bất sinh ấy, nghĩa là đừng bám lấy những gì bạn gặp phải và đổi cái tâm Phật thành ra những ý tưởng. Khi bạn không bị lay chuyển, thì không tư tưởng nào còn khởi lên dù tốt hay xấu và do đó cũng không cần gì phải diệt. Như thế có phải là bạn không tạo tác cũng không hủy diệt hay chăng? Đấy không gì khác hơn là cái Tâm Phật bất sinh bất diệt đó vậy. Hãy hiểu rõ điều này.

Tự tại trong sống chết

Khi bàn đến vấn đề tự tại với sống chết, người ta thường dễ hiểu lầm. Có những người công bố trước ngày giờ họ sẽ chết, rồi đến lúc ấy, không đau ốm gì họ lăn ra chết thực; hoặc đôi khi triển hạn qua ngày khác mới chết. Rất nhiều người xem đấy là tự tại trong việc sống chết. Tôi không phủ nhận điều đó. Nói về tự tại, thì những người ấy quả là tự tại kinh khủng! Nhưng những chuyện như thế chỉ là do năng lực khổ hạnh nơi họ, và thường họ chưa mở được con mắt tuệ (Tuệ nhãn hay Pháp nhãn của Bồ tát để thấy rõ thực chất mọi sự vật và để cứu độ hữu tình). Ngay trong số những người thường, ta cũng thấy những trường hợp biết trước cái chết như vậy, trong khi họ chưa mở khai đạo nhãn.
Con người của Bất sinh thì siêu việt cả sống chết. Bây giờ, có lẽ quý vị đang tự hỏi siêu việt sống chết là thế nào. Cái gì đã bất sinh thì bất diệt, và cái gì bất diệt thì không chết, nên gọi là siêu việt sinh tử. Vậy một người tự tại trước sống chết theo tôi, là một con người khi chết không bận tâm về chuyện sống chết. Hơn nữa, vấn đề sống chết vẫn xảy ra hàng ngày với chúng ta, không phải đợi đến lúc ta chạm mặt với cái chết thực sự mới gọi là chết. Một người tự tại trong sinh tử là người không bao giờ bận tâm đến sống chết, vì biết khi còn được sống thì cứ sống, khi đến thời chết thì cứ chết, dù chết ngay bây giờ cũng được, cái chuyện lúc nào chết không quan trọng lắm. Người như thế cũng là người đã rốt ráo thực chứng cái Tâm Phật bất sinh chiếu sáng kỳ diệu. Cứ nói và suy nghĩ về những chuyện vặt vãnh như bạn sẽ chết vào giờ ngày nào, quả thực là tâm lý hẹp hòi, phải vậy không?
Rồi lại có ý nghĩ cho rằng “sinh tử là niết bàn”, đây cũng lại là một cái gì vẫn còn ràng buộc với sinh tử. Ai cũng biết cảnh giới của sinh tử không khác gì cảnh giới của niết bàn. Cái lý do người ta phải nói lên như vậy là vì họ không thực chứng cái Tâm Phật mà mọi người bẩm sinh đã có và hiện tại đang giải quyết mọi sự với Bất sinh. Bị bao phủ, gói kín trong danh tự chữ nghĩa, họ cứ lang thang tìm khắp nơi cái sinh tử và niết bàn ở bên ngoài, đổi cái Tâm Phật bất sinh của họ để lấy những khái niệm về sống chết và niết bàn, khiến họ tối ngày cứ lẩn quẩn trong lĩnh vực sinh tử không có giây phút nào bình yên. Nghĩ thật đáng thương xót.
Vì Tâm Phật đang dàn xếp mọi sự một cách hoàn toàn ổn thỏa với cái Bất sinh, nên nó không cần biết đến sinh tử hay niết bàn. Từ vị trí Bất sinh, thì sinh tử và niết bàn cũng chỉ là một mớ tư duy trống rỗng. Nên ngay cả một người mới hôm nào vẫn ngụp lặn trong sinh diệt, mà hôm nay nhận ra mình đã lầm, từ đó không còn đổi cái Tâm Phật bất sinh thành ra ba độc (tham sân si) hay vướng vào sinh tử niết bàn nữa, thì người ấy cũng sẽ an trú trong Tâm Phật bất sinh. Khi ấy, lúc các yếu tố làm nên thân xác của mình đã đến thời tan rã, họ cứ để cho nó tan rã, và chết không chút lưu luyến. Đây là một con người mà đối với họ sinh tử là niết bàn chân thật, một con người tự tại trước sống chết.

Bản lai diện mục


Cái được gọi là bản lai diện mục cũng không khác gì Tâm Phật bất sinh. Cái mà bạn thừa hưởng của cha mẹ từ lúc mới sinh chỉ là Tâm Phật, không gì khác. Đây là từ ngữ mà một bậc thầy ngày xưa đã đặt ra cốt làm cho người học nhận ra rằng Tâm Phật bất sinh chính là mặt mũi nguyên ủy của mình, hay bản lai diện mục. Ngay danh từ cha hay mẹ cũng là những gì đặt cho cái đã sinh ra. Con người thực chứng được Tâm Phật thì ở tận ngọn nguồn của cha và mẹ, đó là lý do ta nói đến một cái “hiện hữu trước cả khi cha và mẹ ra đời”. Cái đó không gì khác hơn là cái Bất sinh; bởi thế Tâm Phật cũng chính là Bản lai diện mục của bạn…

Nước và băng


Vì cái Tâm Phật mỗi người sinh ra đã có, vốn không do tạo tác mà thành, nên nó không chứa đựng một chút mê lầm nào. Bởi thế, người nào bảo “tôi mê lầm, vì tôi là một con người không được giác ngộ” là một người con hết sức bất hiếu vì đã phỉ báng cha mẹ mình. Về cái Tâm Phật mà mỗi người có sẵn từ lúc cha mẹ mới sinh, thì chư Phật quá khứ và những con người hiện tại đều có cùng bản chất, không gì khác nhau. Việc ấy cũng như nước ở đại dương: Giữa mùa đông, nước đông lại thành băng giá nên có những hình thù khác nhau như vuông tròn, nhưng khi băng tan, thì tất cả chỉ là một thứ nước biển.
Khi bạn ngộ được bản chất bất sinh của Tâm Phật, thì đó chính là nước như xưa nay nó vẫn là, và bạn có thể tha hồ thọc tay vào đó. (Nghĩa là, khi cái tâm trở về nguyên trạng của nó – như băng trở lại thành nước – thì nó trở nên lưu nhuận, trong suốt, không gì ngăn bít dòng chảy tự do của nó)

Chấm dứt tư tưởng

Vì trong Tâm Phật bất sinh chiếu sáng kỳ diệu ấy vốn không có một chút thiên kiếnnào, nên nó tha hồ thích ứng, mỗi khi gặp cảnh là những tư tưởng lại ló ra. Nếu bạn không quan tâm đến chúng thì không sao cả; nhưng nếu bạn vướng vào chúng và tiếp tục triển khai, những ý tưởng ấy thì bạn không thể dừng lại. Khi ấy bạn làm mờ cái công năng chiếu diệu của tâm Phật và tạo nên si mê lầm lạc. Trái lại, vì từ khởi thủy, Tâm Phật vẫn chiếu sáng kỳ diệu, sẵn sàng soi sáng và phân biệt mọi thứ, nên khi bạn căm ghét những ý tưởng si mê đã khởi lên ấy, và cố ngăn chặn chúng, thì bạn bị vướng vào công việc ngăn chặn, tạo ra mâu thuẫn giữa người ngăn chặn và cái bị ngăn chặn (năng – sở). Nếu bạn cố dùng ý tưởng để ngăn ý tưởng, thì sẽ không bao giờ đi đến cùng tận. Việc ấy cũng như dùng máu rửa máu, dù bạn tẩy được lớp máu trước, vẫn còn lại lớp máu sau.

Gương sáng

Vì tâm Phật vốn bất sinh và chiếu sáng kỳ diệu, nên nó ngàn vạn lần sáng hơn một tấm gương, không có cái gì mà tâm ấy không nhận ra và không phân biệt được. Với một mặt gương, hình thể của vật nào vừa đi qua trước mặt thì liền có bóng hiện ra. Gương không có ý định nhận vào hay bỏ ra vật gì, cũng không định phản chiếu hay không phản chiếu một cái bóng nào. Đấy là công năng của gương sáng. Vì không có ví dụ nào tốt hơn nên chúng ta đành phải mượn tấm gương để ví với diệu dụng chiếu sáng của Tâm Phật, kỳ thực Tâm Phật còn ngàn vạn lần kỳ diệu hơn thế nữa.
Với công năng chiếu sáng kỳ diệu của tâm Phật, mọi đối tượng xuất hiện trước mắt bạn đều được nhận ra và phân biệt rành rẽ, bạn không cần phải làm bất cứ gì. Bởi thế mặc dù không cố ý, bạn vẫn nhận ra trăm ngàn ấn tượng khác nhau qua hình sắc hoặc âm thanh. Đấy là những vật thể có hình dáng. Nhưng ngay cả những thứ vô hình, như những gì xảy ra trong tâm người, cũng được phản chiếu rõ ràng. Dù bạn gặp nhiều gương mặt khác nhau đủ loại, những tư tưởng thiện hay ác của họ đều được phản chiếu nhờ tâm Phật chiếu sáng kỳ diệu. Ví dụ trong chúng hội đang nghe pháp tại đây, nếu có người ho lên, thì mặc dù bạn không cố ý lắng nghe, mà vừa khi có tiếng ho, bạn có thể phân biệt ngay tiếng ho ấy là của đàn ông hay đàn bà, già hay trẻ. Hoặc lấy ví dụ một người bạn đã hai mươi năm không gặp, nay tình cờ gặp lại trên đường, tự nhiên những biến cố thuộc hai mươi năm trước tuôn dậy rõ ràng trong ý thức. Việc này thật khác xa công năng của tấm gương!
Cái sự bạn nhận ra và phân biệt được ngay lập tức, một cách tự nhiên bất cứ gì bạn thấy và nghe, chính là công năng linh hoạt của tâm Phật mà bạn có được một cách bẩm sinh từ lúc mới lọt lòng, cái tâm Phật bất sinh và chiếu sáng kỳ diệu.
Một ví dụ khác về công năng bẩm sinh của tâm Phật là: khi bạn đang ngồi yên bỗng có ai dí vào tay một đóm lửa thì bạn giật mình, và tự động rụt tay lại. Điều này cũng chứng tỏ cái tâm Phật chiếu sáng kỳ diệu vốn bất sinh và dàn xếp một cách toàn hảo mọi sự.
Ngược lại, khi bạn nghĩ “vừa rồi là một đóm lửa” rồi nhận ra “lửa nóng” và tức giận kẻ nào đã đốt bạn, thì chính bạn đã rơi vào lãnh vực của kinh nghiệm phụ thuộc sau khi sự kiện đã xảy ra.

Không có gì gọi là giác ngộ

Một vị tăng từ Sendai đến bảo: Tôi nhớ đâu đó có một thành ngữ rằng: “Tâm bị lụy vì hình hài.” Tôi mong sống hợp với tâm nguyên thủy vào mọi thời, nhưng làm sao tu tập để được như thế? Xin Ngài chỉ giáo cho.
Sư dạy: Trong tông phái tôi, không có hình thức chỉ giáo nào đặc biệt về pháp tu, cũng không có phương pháp đặc biệt nào. Vì người ta không nhận ra rằng ngay trong chính mình đã sẵn đủ cái tâm Phật mà họ có từ thuở sơ sinh, nên họ mất hết tự do giải thoát và nói về chuyện muốn sống hợp với tâm nguyên thủy. Khi bạn ngộ được rằng tâm Phật bạn có từ cha mẹ sinh, vốn bất sinh và chiếu sáng kỳ diệu, thì tay chân bạn vận hành thoải mái, và đấy là công năng của tâm Phật chiếu sáng vốn bất sinh. Bằng chứng là, vì muốn nghe Bankei, bạn đã từ Sendai lặn lội đến đây qua một đoạn đường dài. Nhưng khi bạn dừng chỗ này chỗ kia dọc đường để nghỉ, thì không phải lúc nào bạn cũng nghĩ đến Bankei. Ban ngày, bạn ngắm phong cảnh trên đường, và nếu có người cùng đi, bạn nói chuyện với họ. Mặc dù trong lúc đi, bạn không nghĩ gì về cuộc gặp gỡ với tôi, cuối cùng bạn vẫn đến chỗ tôi. Đây là ý nghĩa về tâm Phật vốn bất sinh và dàn xếp mọi sự một cách êm đẹp.
Lại nữa, ở Sendai bạn thấy những con cò màu trắng và những con quạ màu đen không cần ai nhuộm. Ở đây cũng vậy, mặc dù không cố ý phân biệt, vừa khi thấy chúng xuất hiện, bạn biết ngay con trắng là cò và con đen là quạ. Không cần dấy lên ý tưởng nào, tất cả điều đó được dàn xếp một cách trơn tru phải thế không?
Khi ấy vị tăng hỏi: Tôi thấy không thể nào kiểm soát tất cả những sân si dục vọng trong tôi. Tôi phải làm sao, xin Ngài chỉ giáo.
Sư trả lời: Cái ý tưởng muốn kiểm soát của bạn chính là một vọng tưởng, đổi tâm Phật thành ra vọng tưởng. Vọng tưởng vốn không có thực chất khi nó sinh khởi. Sự thật chúng chỉ là những cái bóng, những sự việc bạn đã thấy và nghe khi gặp cơ hội lại trồi lên.
Vị tăng lại hỏi: Giác ngộ là gì?
Sư trả lời: Không có điều gì gọi là giác ngộ, đấy hoàn toàn là một đeo đuổi vô ích. Hãy nhận ra một cách rốt ráo rằng tâm Phật mà bạn có từ cha mẹ vốn bất sinh và chiếu sáng kỳ diệu – đó chính là giác ngộ. Không nhận ra điều này là si mê. Vì tâm Phật nguyên ủy vốn bất sinh, nên nó vận hành không có những ý tưởng về si mê hay mong cầu giác ngộ. Vừa khi có ước muốn giác ngộ là bạn đã rời khỏi vị trí của Bất sinh và đi ngược lại với nó. Vì tâm Phật là bất sinh, nó tuyệt nhiên không có tư tưởng gì cả. Tư tưởng là nguồn gốc của vô minh. Khi hết tư tưởng thì vô minh cũng diệt. Và khi bạn đã hết vô minh thì không cần gì nói đến mong muốn đạt giác ngộ, phải vậy không?

An trú trong tâm Phật


Một vị tăng hỏi: Con thường đọc kinh và tọa thiền, vì con cảm thấy những việc này có công đức. Bây giờ con có nên dẹp hết vì vô ích chăng?
Sư trả lời: Tọa thiền và xem kinh là việc tốt. Tọa thiền là việc mà tất cả tu sĩ muốn uống nước từ nguồn Thích Ca đều phải thực hành không được coi khinh. Mặc dù tất cả những pháp này thay đổi tùy hoàn cảnh khác nhau và tùy cách dạy của mỗi bậc thầy, song tất cả đều liên hệ đến việc bạn phải tự mình thực chứng cái tâm Phật bất sinh. Khi bạn không lầm tiếng chuông với tiếng trống, tiếng chim sẻ với tiếng chim quạ, tất cả những âm thanh nghe qua, bạn đều nhận ra và phân biệt từng thứ một, không sót tiếng nào. Đấy chính là cái tâm Phật chiếu sáng kỳ diệu đang lắng nghe. Những gì nói trong Lâm tế ngữ lục và những gì tôi nói chỉ là một thứ không có gì khác nhau. Vấn đề duy nhất là bạn có đức tin hay không. Nếu bạn không thể an trú trong tâm Phật bất sinh mà khuấy động lên đủ thứ tư tưởng như nuối tiếc quá khứ, lo lắng về tương lai, thì chính là bạn đang xoay vần biến hóa trong sinh tử mà không tự biết. Bạn đã đổi tâm Phật thành ra những tư tưởng phù du, không bao giờ có một giây phút an ổn.
Bây giờ bạn có thể tọa thiền đọc kinh, nhưng hãy an trú trong tâm Phật mà bạn có, và thực chứng cái bất sinh. Nếu bạn tọa thiền hay đọc kinh, với mục đích hay hy vọng tích lũy công đức, thì thế là bạn đổi tâm Phật lấy công đức, đổi tâm Phật lấy tọa thiền và tụng kinh! Thế đấy, nên điều bạn cần làm là nhận ra với niềm tin tưởng sâu xa rằng, mọi sự tự nó được nhận chân và được phân biệt mà không cần bạn phải để tâm suy nghĩ. Tất cả là vì tâm Phật chiếu sáng kỳ diệu vốn bất sinh, và thu xếp mọi sự một cách trôi chảy.

Khi tư tưởng khởi lên

Một chú tiểu hỏi: Khi con tọa thiền, tư tưởng lại khởi lên. Con phải làm sao?
Sư dạy: Phân biệt được và nhận ra được từng ý nghĩ khởi lên, đấy chính là công năng linh hoạt của tâm Phật. Vì tâm Phật vốn bất sinh mà cũng chiếu sáng kỳ diệu nữa, nên bất cứ gì được lưu giữ trong tâm con bây giờ trồi lên. Trong tâm Phật không có một tư tưởng hay một vật gì, bởi thế khi con không để mình vương vấn với chúng, tức là đã phù hợp với tâm Phật bất sinh. Đừng lo cố xua đuổi chúng hay ngăn chặn chúng.

Tâm Phật sống động


Sư bảo đại chúng: Với một người thực chứng tâm Phật một cách rốt ráo vào mọi lúc, thì khi vị ấy đi ngủ, cũng đi ngủ với tâm Phật; khi dậy là dậy với tâm Phật; khi ở là ở với tâm Phật; khi đi là đi với tâm Phật; khi ngồi là ngồi với tâm Phật; khi đứng là đứng với tâm Phật; khi nói là nói với tâm Phật; khi im lặng là im lặng với tâm Phật; khi ăn cơm là ăn với tâm Phật; khi uống trà là uống với tâm Phật; khi mặc áo là mặc áo với tâm Phật. Vào mọi lúc, vị ấy an trú liên tục trong tâm Phật, không có lúc nào là vị ấy không ở trong tâm Phật. Vị ấy hành xử ung dung tùy theo hoàn cảnh, cứ để mọi sự theo cách tự nhiên của chúng. Chỉ cốt là không làm những điều ác mà chỉ làm những việc lành.
Nhưng nếu bạn tự hào về những việc lành của mình, bám víu vào đó và ghét cái xấu, thì thế là đi ngược với tâm Phật. Tâm Phật không thiện cũng không ác, mà vận hành vượt ngoài cả thiện ác. Đó không phải là tâm Phật sống động hay sao? Khi bạn đã ngộ được điều này không còn một chút nghi ngờ nào cả, thì ngay lúc ấy bạn sẽ mở được con mắt thấy suốt tâm người. Bởi thế mà tông phái của tôi được mệnh danh là tông Mắt Sáng.

Đàn áp cũng là mê muội


Một vị Tăng hỏi: Con nhận thấy không thể nào đàn áp tất cả phiền não vọng tưởng của con. Con phải làm sao?
Sư đáp: Cố mà đàn áp vọng tưởng thì cũng là mê muội. Vọng tưởng nguyên ủy vốn không hiện hữu, mà chỉ do chính bạn tạo ra vì phân biệt.
Một vị Tăng từ Sendai đến hỏi: Làm thế nào con có thể thực chứng cái tâm bản nhiên?
Sư đáp: Ngoài con người đang hỏi tôi lúc này ra, thì không có tâm bản nhiên nào. Cái tâm bản nhiên ấy siêu việt tư duy mà phân biệt rõ ràng mọi sự. Bằng cớ điều này là, nếu tôi hỏi bạn điều gì liên hệ đến nơi bạn ở, có phải là bạn trả lời vanh vách không cần suy nghĩ hay không.

Buông xả

Một cư sĩ nói: Vài năm về trước, tôi hỏi Ngài phải làm sao để ngăn vọng tưởng sinh khởi, và Ngài đã dạy tôi cứ để mặc chúng sinh diệt tùy ý. Tôi vẫn làm theo lời khuyên của Ngài, nhưng tôi lại thấy thật khó mà cứ để cho những vọng tưởng cứ khởi và diệt như vậy.
Sư bảo: Lý do bạn gặp khó khăn là vì bạn tưởng rằng có một phương pháp đặc biệt nào để phó mặc cho ý tưởng cứ khởi và diệt.

Như bạn vốn là

Sư bảo đại chúng: Tất cả quý vị nên nhận ra cái tâm Phật vận hành sống động này! Từ nhiều trăm năm nay người học Phật đã hiểu lầm giáo lý Thiền, cố đạt giác ngộ bằng cách tọa thiền hoặc cố tìm cho ra “con người thấy và nghe”, tất cả điều này là một sai lầm lớn. Tọa thiền chỉ là một tên khác của tâm bản lai, nó có nghĩa là ngồi an tịnh với một cái tâm an tịnh. Khi ngồi thiền bạn chỉ cần ngồi như bạn vẫn ngồi; khi bạn thiền hành, thì bạn cứ tản bộ như bạn vẫn đi. Dù cho miệng của bạn rộng lớn đủ để nuốt trọng cả trời đất, cũng không thể nào diễn tả Phật Pháp bằng lời. Những người nói về Phật Pháp, phần đông chỉ làm cho người ta lòa mắt.
Trong cái “tâm” mà bạn thừa hưởng của Cha Mẹ từ lúc mới sinh, không có một chút mê lầm nào cả. Bởi thế, khi bạn quả quyết rằng “tôi mê mờ vì tôi là một người sinh ra đã ngu dốt” thì thế là bạn đổ lỗi cho cha mẹ mình một cách bất công. Chư Phật trong quá khứ với con người trong hiện tại đều có đồng một tâm Phật duy nhất ấy, không có khác gì nhau. Tôi sẽ lấy một ví dụ cho bạn hiểu: khi nước biển múc lên đổ vào những bình chứa khác nhau, và gặp thời tiết nước đông lại, thì tùy theo những bình chứa lớn nhỏ vuông tròn khác nhau mà nước đông thành đá sẽ có những hình dạng khác nhau; nhưng khi băng tan thì tất cả nước trở lại đồng là nước của biển cả. Vì không biết tâm Phật vận hành sống động như thế, nên bạn nghĩ bạn sẽ thành Phật nhờ tích lũy quả báo tu hành và giác ngộ. Bị rơi vào mê lầm, đi từ bóng tối vào trong bóng tối, thật là bi đát phải không? Tôi không giảng dạy về Phật giáo, nhưng khi nói chuyện tôi chỉ xử lý những ý tưởng sai lầm nơi các bạn.

Không một dấu vết

Một khách tăng hỏi: Con tu hành với mục đích là đạt giác ngộ. Ngài nghĩ sao về vấn đề này?
Sư dạy: Giác ngộ chỉ có khi có si mê. Nhưng mọi người đều có bản chất giác ngộ, nên một chút mê lầm cũng không hiện hữu. Thế thì bạn cần phải đạt đến cái gì?
Vị Tăng nói: Điều ấy tôi nghe thật điên rồ. Chính nhờ đạt giác ngộ mà tất cả thánh hiền xưa kể từ sơ tổ Bồ đề đạt ma, đã hoàn toàn chứng đắc về Pháp.
Sư bảo: Như Lai cứu độ hữu tình bằng cách “điên rồ” như thế đấy, không đến không đi, mà vẫn như tính bạn bẩm sinh, không để cho tâm trở nên mờ mịt – đấy chính là ý nghĩa của Như Lai. Và đấy cũng là đường lối chư Tổ trong quá khứ.

Bịt mắt

Một vị khách tăng hỏi : Tọa thiền có công đức gì không?
Sư nói: Tọa thiền là điều không nên coi thường, cũng không nên xem thường việc tụng kinh, lễ bái. Tổ Đức Sơn dùng gậy, Thiên Thai dùng tiếng hét, Đạt ma diện bích – Tất cả đều là những phương tiện của các bậc thầy, những phương pháp đối phó với những tình huống đặc biệt và đáp ứng những nhu cầu của từng cá nhân trong cuộc. Ngay từ đầu đã không có những quy luật cố định. Nếu bạn xem những phương tiện tạm thời ấy như những lời dạy bất di dịch, thì cũng như bạn tự bịt mắt mình. Chỉ cần vững tin vào lời tôi nói, giữ tâm hồn nhiên như lúc mới sinh không có những phân biệt phù phiếm, hệt như khi mọi vật phản chiếu trong gương, thì khi đó không có gì trên đời mà bạn không thâm nhập thông suốt. Đừng nghi ngờ!

Mọi sự đều được dàn xếp trơn tru


Một vị tăng từ Tamba đến hỏi: ước nguyện chân thành của con trong dịp này là chứng được giác ngộ và trở thành một con người toàn hảo về mọi mặt. Xin Ngài chỉ giáo cho con.
Sư nói: Bạn đã lặn lội từ xa đến và có những ước nguyện đáng khen, nhưng chúng toàn là vọng tưởng. Trong cái tâm nguyên ủy, không có vọng tưởng cũng không có ước nguyện. Trong cái công năng chiếu sáng kỳ diệu nội tâm, không hề có một ước nguyện nào cả, thế mà mọi sự vẫn được dàn xếp trơn tru. Ngay cả cái việc muốn thành Phật liền bây giờ cũng là một điều giả tạo. Chỉ cần nhận thức rằng mình đang tạo những ước nguyện, rồi cứ sống tự nhiên, đừng vướng mắc bất cứ sự gì, thì bản lai diện mục của bạn sẽ được hiển lộ.

Đi đâu

Một cư sĩ hỏi: Khi thành Phật rồi, ta sẽ đi đâu?
Sư trả lời: Nếu bạn thành Phật, không có nơi nào để đi cả. Khi đó bạn ở khắp cả tam thiên đại thiên thế giới. Chỉ khi bạn trở thành loại chúng sinh nào khác thì mới có nhiều chỗ khác nhau để đi.

Trái banh bằng vàng


Có lần Sư bảo : Không giống như những bậc thầy khác ở khắp nơi, trong giáo lý tôi, tôi không lập ra một mục tiêu đặc biệt nào như chứng đắc giác ngộ hay tham cứu công án. Tôi cũng không dựa vào lời Phật và tổ. Tôi chỉ thẳng vào sự việc, nên không có gì để bám lấy, và cũng vì vậy không có người nào sẵn sàng chấp nhận những gì tôi giảng dạy. Trước hết, những người thông minh và đa văn thì bị chướng ngại bởi chính sự thông minh tính toán của họ, nên họ không thể chấp nhận lời tôi. Ngược lại, có rất nhiều phụ nữ ngu dốt không biết đọc biết viết, lại không có tài năng đặc biệt nào, và cũng không thể đẩy họ lên làm thiền sư. Nhưng họ có được thực chứng và không vướng vào tri thức.
Sư lại thêm : Mặc dù vậy, dù không có ai chấp nhận hoàn toàn, giáo lý tôi giống như một trái banh bằng vàng bị đập vỡ ra nhiều mảnh tung tóe khắp nơi, để cho ai được một mảnh thì sẽ có được một mảnh giác ngộ, ai được hai mảnh thì sẽ có được hai mảnh giác ngộ…, từng mảnh nhỏ, nhưng không ai là không lợi lạc tùy theo chỗ chứng đắc của mình.

Nghi lớn

Một vị Tăng hỏi: Người xưa tuyên bố nghi lớn ngộ lớn (đại nghi đại ngộ). Tại sao Ngài không sử dụng cái nghi lớn của các bậc Thầy xưa?
Sư đáp: Về ý nghĩa của nghi lớn là như sau: ngày xưa khi Nam Nhạc Hoài Nhượng đến thăm Lục tổ, tổ hỏi, vật gì đến đó? Nam Nhạc hoàn toàn bối rối, thắc mắc về vấn đề này đến 8 năm, và cuối cùng đã trả lời: nói là một vật thì không trúng. Đây mới thực sự là đại nghi đại ngộ. Ví dụ khi một vị tăng mất chiếc y ca sa độc nhất, ông ta đi tìm khắp nơi không lúc nào không nghĩ đến nó – đấy là nghi thực sự! Người ngày ngày cứ khơi lên hoài nghi chỉ vì họ bảo những bậc thầy ngày xưa cũng làm như vậy; bởi thế họ chỉ phát sinh được một thứ hoài nghi bắt chước. Vì sự hoài nghi này không chân thật, nên họ sẽ không có ngày nào ngộ. Việc ấy cũng như thể là họ đi tìm khắp nơi tưởng mình mất một cái gì mà thực sự chưa từng bị mất.

Khác nhau trời vực

Vào một dịp khác, Sư bảo: Về cái chân lý mà tôi đã tìm ra năm tôi 26 tuổi khi nhập thất trong làng Nonaka – chân lý mà tôi đã tìm đến thiền sư Dosha để được ấn chứng – cái thấy lúc ấy với bây giờ không có chút gì khác nhau. Tuy nhiên, nói về sự thâm nhập Phật pháp với pháp nhãn hoàn toàn trong sáng và giải thoát tuyệt đối, thì từ ngày tôi gặp Dosha đến nay thực khác nhau một trời một vực. Tất cả quý vị hãy tin rằng điều này có thể xảy ra, và hãy đợi đến cái ngày quý vị hoàn toàn chứng được pháp nhãn.
Có người hỏi: Có phải pháp nhãn hoàn toàn trong sáng cần phải có thời gian mới chứng được? Người ta chứng pháp nhãn ngay lập tức có được không?
Sư trả lời: Đương nhiên là cần một số lượng thời gian. Khi đã phát sinh con mắt Pháp trong suốt không chút tì vết (pháp nhãn ly trần vô cấu) là bạn đã chứng ngộ một cách toàn vẹn. Và việc chứng ngộ của bạn tùy thuộc vào sự tu tập một cách nghiêm túc và nhất tâm.

Hãy coi chừng nơi bạn đi

Khi tôi (tức Sonin đệ tử thừa kế của Bankei) mới gặp Sư lần đầu, tôi thọ giáo với Ngài nhưng vì không có được sự thấu hiểu sâu xa, tôi đã nói: Những gì thầy dạy là cảnh giới của bậc thầy. Nhưng với một kẻ như con chưa từng chứng ngộ, con nghĩ rằng thật khó mà với tới cảnh giới bậc thầy.
Sư đã bảo tôi: Nếu ông muốn chân lý, ông phải làm như tôi nói. Những người học đạo trước hết phải cẩn thận xem chừng mình đang đi ở đâu. Ví dụ, nếu một người muốn đi Edo và được người ta chỉ cho phải đi về phía đông. Nếu anh ta đi đúng hướng thì cứ mỗi dặm đường là tiến gần đến đích một dặm; nhưng nếu anh ta lầm đi sang phía tây, thì càng đi nhanh càng xa với mục tiêu của mình. Có lần tôi hỏi Sư: Trong việc học đạo, có cần đọc kinh Phật và ngữ lục của các vị tổ không?
Sư trả lời: Cũng còn tùy. Nếu ông đọc kinh điển và ngữ lục mà ông hoàn toàn lệ thuộc vào những nguyên tắc trong đó, tức là ông tự bịt mắt mình lại. Ngược lại, khi ông đủ trình độ để bất chấp nguyên tắc mà đọc những thứ ấy, thì ông sẽ tìm ra bằng cứ cho sự chứng ngộ của mình.
Một lần tôi hỏi Sư: Con luôn luôn bị khổ vì những thói quen xấu. Con có thể chấm dứt chúng bằng cách luôn luôn đề phòng hay không?
Sư hỏi: Nếu ông nhận ra rằng từ khởi thủy, không có thói quen xấu, thì có gì để chấm dứt?
Tôi trả lời: Con công nhận rằng khởi thủy không có thói quen xấu, con không nghi ngờ gì về điều ấy. Nhưng thỉnh thoảng những thói quen xấu của con lại xuất hiện, và khi con đề phòng chúng thì chúng không xuất hiện. Bởi thế mặc dù con hoàn toàn công nhận sự thật là, từ đầu thói xấu không hiện hữu, nhưng riêng về chuyện tu hành hằng ngày của con, thì có phải tốt nhất nên đề phòng?
Sư nói: Đó không phải là chân thật công nhận.
Bây giờ từ khi khắc cốt ghi tâm những lời dạy từ bi của bậc thầy, tôi đã thực chứng một cách rốt ráo thực tướng của chân lý. Vào một dịp khác tôi hỏi: Từ lúc mới sinh, con đã bị những cơn đau thắt ghê gớm trong bụng, mỗi lần như vậy con phải hoàn toàn nhịn ăn trong nhiều ngày, bị nhức đầu kinh khủng và cảm thấy đau đớn tới độ muốn đưa tay lên mà sửa cái gối cũng không thể được. Bình thường khi đang khỏe thì con hết sức dũng mãnh tinh tấn, sẵn sàng vì Pháp mà hy sinh mạng sống và tay chân. Nhưng vào những lúc cơn đau vừa nổi lên, là con hoàn toàn bất lực. Khi cơn đau đến tột đỉnh thì con yếu hơn bao giờ cả. Dường như là tinh thần dũng mãnh thường lệ của con bị ngọn gió bệnh làm cho điêu đứng. Con vô cùng buồn khổ vì chuyện này.
Sư hỏi: Một khi ông lành mạnh trở lại thì thế nào? Tôi trả lời: Khi con mạnh trở lại thì mọi sự lại trở lại như thường.
Sư bảo: Thế thì tốt. Từ đấy về sau vào mọi lúc, tôi luôn luôn giống như bây giờ, vượt ngoài phân biệt, hoàn toàn tự do thoải mái, không một chút gắng gượng.
Một lần tôi hỏi Sư: Con đã theo thầy khá lâu, và được may mắn hầu cận bên thầy trong nhiều năm làm thị giả. Về những điều cốt yếu trong giáo lý thầy, con không có một chút hoài nghi nào cả. Tuy nhiên điều con nhận thấy tuyệt vời khi gần Ngài là: Con càng vào sâu, thầy càng trở nên rắn chắc, con càng ngước lên cao mà nhìn, thì thầy càng bay cao hơn. Bởi thế con vô cùng thán phục. Thầy đáp ứng những nhu cầu của người học một cách lưu loát vô giới hạn đến nỗi trải qua bao nhiêu ngày tháng cũng không ai địch nổi. Làm sao chúng con cũng có thể đạt đến sự toàn hảo ấy?
Sư bảo: Những thiền sinh thường trong 10 điều có thể nắm được 7, 8 điều, nhưng không thể vượt qua được 2 hay 3 điều còn lại. Tôi nói: Có cách nào để vượt qua không?
Sư đáp: Không cách nào để vượt qua. Tôi hỏi: Lỗi nằm ở đâu?
Sư im lặng một lúc rồi trả lời: Nói cho cùng, thì chính là vì lòng khát khao đạt đến chân lý còn yếu.


Đối xử với kẻ hư

Khi Sư nhập thất ở chùa Jizoji, vị tăng tri sự ở chùa Long môn phái tăng sĩ Tenkyu đến vấn an Ngài và trình bày: Tại chùa Long môn có một số tăng bê trễ phận sự, hành vi thô tháo, xáo trộn quy củ thiền môn. Chúng con nghĩ nên gởi họ đi đến các chùa khác họa may họ có thay đổi. Kính mong được tôn ý của Ngài.
Khi Tenkyu nói xong, Sư triệu tập Shùin, Sokako và Shonin. Ngài nhắc lại cho họ nghe những lời Tenkyu vừa nói, và bảo: Một thiền viện được lập ra cốt là để quy tụ những bọn xấu xa như bọn ấy, chinh phục chúng bằng sự tiếp xúc thân mật để làm chúng trở thành người tốt. Thế mà các ông hoàn toàn thiếu từ bi, các ông muốn tẩy những bọn tội phạm đi nơi khác để cho chúng đi gây rối chỗ khác! Một người như thế có xứng đáng làm trụ trì một thiền viện không? Khi một người không có tâm từ bi quảng đại mà làm trụ trì chùa tôi, đó là bắt đầu thời suy tàn của giáo lý tôi dạy.
Sau lần quở trách nghiêm khắc ấy, tất cả mọi người gồm trụ trì, chức sự trong chùa cũng như các thị giả không ai còn dám phàn nàn gì với Sư về hành vi các tu sĩ.

Không quy luật

Vào một kỳ đại kiết thất ở chùa Long môn, có trên mười ngàn người tham dự. Mọi người bảo: “Trong kỳ hội này, chắc người ta sẽ phải lập ra những quy luật sách tấn mọi người khiến cho toàn thể phải sợ run!” Nhưng sau đó chẳng có một bản quy luật nào được đặt ra, mà mọi người vẫn an tịnh.
Thỉnh thoảng Sư thăng pháp tòa bảo đại chúng: “Cái bất sinh có từ khởi thủy – tất cả mọi người hãy bảo đảm là quý vị không làm nó ẩn mất trong quý vị! Cái bất sinh ấy giống như một quả bóng lớn bằng lửa: động vào nó bạn sẽ bị đốt cháy. Tôi có thể nói với quý vị về nó ngay bây giờ, nhưng nói không hết lời; tôi có thể sử dụng nó, nhưng dùng không bao giờ hết. Với tôi, muốn sách tấn người khác mà la lối um sùm khiến cho họ sợ hãi phải tuân hành, thì chỉ là một sự lừa dối vô ích. Không bao giờ nên làm vậy.” Khi những người trong chúng hội nghe điều này, tất cả hoài nghi của họ điều tiêu tan.


Như ông bây giờ

Khi Sư ở chùa Nyoroshi, Ngài dạy chúng: Tất cả các ông quả thật may mắn đã gặp được bậc thầy! Không cần phải đi mòn dép cỏ, phí sức theo đuổi hoa đốm giữa hư không, hay dấn mình vào những khổ hạnh đau đớn, các ông vẫn có thể đi thẳng vào chánh giáo. Thật là may mắn! Đừng phí thì giờ! Một vị tăng hiện diện nói: Duy chỉ có điều này. Ví dụ một người muốn qua sông để ra khỏi thành phố, mà nếu không dùng một con thuyền, cũng không đi một bước nào, thì anh ta sẽ không bao giờ đạt đến đâu cả.
Sư nói: Cũng như ông đang ở đây lúc này, phải không? Không có cái sự đi đến đâu hay không đi đến đâu. Đây là ý nghĩa đốn giáo. Bạn do dự thì nó tuột mất; chần chờ thì nó càng ngày càng xa.

Phương pháp tự nhiên của Bankei

Trong một kỳ kiết thất, có trên một ngàn ba trăm người tham dự, chưa kể tăng và tục từ ngoài đến chùa hàng ngày để nghe pháp. Những ngưòi tham dự chia nhau ở trong các phòng, nơi thì tọa thiền, nơi thì đọc tụng. Không cần lập ra quy luật, mỗi người theo đuổi hoạt động của mình một cách tự nhiên, tu tập một cách tinh cần và lặng lẽ đến nỗi dường như không có ai ở trong phòng.
Ngày nay, các thiền viện khắp nơi quy tụ năm ba trăm tu sĩ, đặt ra thời gian biểu cho đến từng phút, hạn chế khu vực lui tới, gần như trói tay chân người ta không khác gì ở tù. Nếu có ai phạm dù một lỗi nhỏ cũng bị đánh và ném ra khỏi chùa không bao giờ tha thứ. Sự rình rập và độc ác còn tồi tệ hơn những viên chức nhà nước! Mỗi khi xong các kỳ thất, có nhiều người ngã bệnh, nhiều người khác hoàn toàn suy kiệt. Thế là những mầm non chưa ra đã bị nổ tung, khiến cho cha mẹ và thầy đâm chán.
Đấy là hành động của những người tự xưng chuyên môn dạy thiền ngày nay. Than ôi! Những ông thầy theo phong trào ấy không thể vượt trên đám đông tầm thường, thật đáng thương. Người xưa dựng ra tấm ngăn là cái chết, mở ra cái hố để chôn sống những người học đạo thiền (1). Tất cả những điều này ngày xưa được làm là nhắm một mục tiêu đặc biệt, nhưng ngày nay người ta bắt chước một cách mù quáng, với hy vọng sai lầm là sẽ phát sinh cùng một hậu quả.


http://www.trungtamhotong.org/thuvien/index.php?module=mucluc&l_id=293