Tư Tưởng

Có bao giờ bạn lắng nghe tiếng nói lao xao trong nội tâm bạn không? Tiếng nói này là những lời phân tích, so sánh, đánh giá, lên án, tán dương, bênh vực, bào chữa, đả phá, miệt thị, lo trước, tính sau, bày mưu thiết kế v.v... Khi bạn oán thù, căm ghét ai, tiếng nói ấy bới lông tìm vết, đục cây tra cành, xuyên tạc, bóp méo, nói lên phương cách này, đường lối nọ, để gây khó dễ, để ám hại không những đối tượng mà còn cả những người có liên hệ xa gần với đối tượng nữa. Khi bạn yêu thương ai thì tiếng nói ấy lại tô son, điểm phấn, bênh vực, bao che, ca tụng, đề cao, thậm chí thần thánh hóa không những người mà bạn yêu thương mà còn cả thân nhân họ hàng người ấy nữa.
Nếu được ghi chép lại đầy đủ thì, chắc chắn bạn sẽ phát hiện ra, qua tiếng nói ấy, một thế giới rối loạn, điên đảo đến giật mình. Hèn chi mà thế giới bên ngoài chẳng loạn rối, đảo điên. Có những lúc bạn ngồi một mình cạnh chén trà hay ly cà phê, hoặc thơ thẩn dạo bước bên bờ sông vắng, hay trong công viên lúc ít người, bề ngoài trông bạn nhàn tản, an lạc như một tiên ông, nhưng có biết đâu bề trong tiếng nói kia ồn ào hơn nhóm chợ, làm cho bạn phiền não, khổ đau và sợ hãi khôn cùng. Cái khía cạnh nổi bật nhất của tiếng nói ấy là luôn luôn sặc mùi tham lam, vị kỷ. Suốt hai mươi bốn tiếng đồng hồ trong một ngày, nếu không thì thôi, chứ còn đã cất lời lên thì toàn là những tính toán vị kỷ. Đố các bạn tìm ra trong chuỗi bép xép tràng giang, đại hải của tiếng nói ấy một lời, và chỉ một lời thôi, mang tính vị tha. Đôi khi có những lời thoạt nghe có vẻ vị tha, nhưng suy cho kỹ, nghĩ cho cùng thì cũng chẳng vị tha chút nào.
Tiếng nói nội tâm này là kiến thức và kinh nghiệm mà bạn tích lũy trong quá khứ, rồi vì một kích thích nào đó của cuộc sống, của ngoại giới, hoặc cũng có thể tự động trồi lên và cất tiếng nói. Nó thường lập đi, lập lại những khoái lạc, khổ đau và sợ hãi đã qua. Đúng vậy, nó cứ nhắc đến hoài hoài những giây phút đê mê bữa nào, trong đêm ân ái với người yêu; hay bữa ăn ngon tuyệt vời với sơn hào, hải vị mà bạn đã được long trọng thết đãi trong một dịp may nào đó. Nó cũng nhắc lại những cảnh hiểm nghèo đe dọa tính mạng bạn mà bạn đã may mắn thoát được trong đường tơ, kẽ tóc; những nỗi khốn cùng, cơ cực đã từng dày vò thân xác bạn; những âm mưu thâm độc nhằm làm bại hoại công danh, sự nghiệp, danh dự bạn v.v... Thật quả không sai, lập đi lập lại là bản chất cố hữu muôn đời của tiếng nói ấy, làm cho bạn luôn luôn phiền não, luôn luôn khổ đau và luôn luôn sợ hãi. Thế cũng chưa hết, tiếng nói ấy còn xúi dục bạn rượt bắt hay tìm đường tránh né những cái mà nó tô vẽ, đặt bầy. Những cái mà nó tô vẽ, đặt bầy ấy thường là những cái trái ngược với quá khứ và hiện tại. Bạn đã và đang nghèo hèn thì tiếng nói ấy lại nói lên một cảnh giàu sang và xúi dục bạn chạy theo nắm bắt. Nếu bạn đã và đang giàu sang thì tiếng nói ấy lại nói đến cảnh sa cơ, thất thế, và xúi dục bạn phải tìm phương tránh né, loại trừ. Nếu bạn dại dột nghe theo những lời xúi dục ấy thì nhất định bạn sẽ bước chân vào một trình tự phiền não, khổ đau và sợ hãi không thể tránh được. Tóm lại, tiếng nói ấy lúc nào cũng làm cho bạn phải hao khí, tổn thần và không cho bạn lấy một sát na tĩnh lặng, an lạc.
Nếu không có kiến thức và kinh nghiệm tích chứa trong ký ức thì nhất định không có tiếng nói ấy; hoặc có, nhưng bạn làm chủ được các kiến thức và kinh nghiệm ấy thì tiếng nói kia cũng không thể tự động cất lên bất cứ lúc nào để tác oai, tác quái, làm bạn phải đắm chìm triền miên trong phiền não, khổ đau và sợ hãi.
Tuy gọi là tiếng nói, nhưng loại tiếng nói này lại không có âm thanh. Và cũng vì không có âm thanh nên chỉ một mình bạn nghe được tiếng nói ấy mà thôi. Dù ồn ào, lao xao, bép xép là thế, nhưng nếu bạn chú tâm lắng nghe với một thái độ vô tư, chỉ bình tĩnh lắng nghe, thản nhiên lắng nghe, mà không tham gia, nhập cuộc thì tiếng nói ấy lại như cụt hứng và tự động tắt lịm.
Tiếng nói nội tâm ấy chính là tư tưởng của bạn. Tư tưởng là tiếng nói không có âm thanh, và tiếng nói là tư tưởng có âm thanh vậy. Khi bạn chú tâm lắng nghe tiếng nói nội tâm, tức là bạn hiểu biết rõ tư tưởng của bạn. Tư tưởng của bạn một khi bạn hiểu biết nó, thì nó tự nhiên ngưng dứt.
Thay vì lắng nghe tiếng nói có âm thanh ở ngoài, bạn quay vào nghe tiếng nói không âm thanh ở trong. Phật học gọi như thế là "Phản Văn Văn Tự Tánh". Phản Văn Văn Tự Tánh chính là tham thiền và được các vị tổ sư gọi là " vô thượng diệu môn".
Khi tiếng nói nội tâm tắt lịm, tức tư tưởng ngưng dứt, thì phiền não, khổ đau và sợ hãi không còn, nghĩa là giải thoát vậy. Vì còn tư tưởng là còn có chuyện lập đi, lập lại để nuôi dưỡng, để kéo dài những phiền não, khổ đau, và sợ hãi đã qua. Và còn tư tưởng là còn có chuyện phóng ra những ảo ảnh để ôm ấp, ước mơ hay giật mình run sợ. Ngoài ra, còn tư tưởng là còn có chuyện phân biệt nữa. Hễ có mặt của tư tưởng là lập tức có nhị nguyên đối đãi: đẹp xấu, sang hèn, cao thấp, dở hay, thiện ác ... Phật học nói: "Nhất niệm khởi thiện ác dĩ phân" là thế.
Có nhị nguyên là có hai mé. Trụ vào mé nào cũng là phiền não, khổ đau và sợ hãi cả. Mé yêu cũng vậy, mé ghét cũng thế. Muốn giải thoát khỏi vòng trói buộc của ghét yêu, nghĩa là giải thoát khỏi phiền não, khổ đau và sợ hãi thì đừng phân biệt. Khi đối pháp ta hãy nhìn vạn pháp như vạn pháp đang là. Với bản thân, ta hãy nhìn bản thân như bản thân đang là. Tuyệt đối không phân tích, phê bình, so sánh, đánh giá, kết luận để mống khởi ghét yêu. Vì phân tích, phê bình, so sánh, đánh giá để đi tới một kết luận nào đó chính là ngón nghề của tư tưởng. Chỉ có tư tưởng với những kiến thức và kinh nghiệm tích lũy trong quá khứ mới có dữ kiện để thực hiện ngón nghề này. Nói khác đi, nếu ta còn mắc kẹt vào vòng lệ thuộc của không gian, thời gian thì còn có tư tưởng xuất hiện, xen vào bóp méo, cái thấy biết của ta làm cho ta không thấy biết được cái thực tướng của vạn pháp cũng như của chính ta. Phiền não, khổ đau và sợ hãi chính là ở chỗ này mà ra.
Tôi còn nhớ trước đây, vợ chồng tôi đã có dịp mời một ông bạn ngoại quốc đi ăn bánh cuốn tại một tiệm trong thành phố Saigon. Tiệm bánh cuốn mà chúng tôi tìm đến bữa đó cũng là một tiệm nổi tiếng lúc bấy giờ. Thực khách ra vào nườm nượp, ai đến cũng phải chờ, phải đợi, mới có bánh ăn. Ông bạn ngoại quốc của chúng tôi mới tới Việt Nam lần đầu tiên và ông ta chưa hề ăn bánh cuốn bao giờ. Tôi đặt ba phần ăn và sau khoảng nửa giờ chờ đợi, nhà hàng bưng ra cho chúng tôi ba đĩa bánh cuốn chả quế. Tôi mời khách, và chúng tôi bắt đầu ăn. Ông bạn ngoại quốc như bị cuốn hút bởi món ăn lạ. Ông nhìn ngắm những chiếc bánh cuốn trắng phau ánh lên màu đen lờ mờ của nhân bánh làm bằng thịt heo, nấm mèo và củ sắn nước. Ông hít hà mùi hành phi, mùi chả quế và mùi ngò hương rắc trên mặt bánh. Ông bạn ấy ăn trọn cả đĩa bánh cuốn lớn, nóng hổi chấm nước mắm ngọt cùng với chả quế và vừa ăn vừa khen ngon.
Còn vợ tôi, thì trái lại, chỉ ăn chiếc bánh cuốn đầu tiên là đã muốn bỏ đũa, bỏ chén, nhưng vì phép lịch sự đành tiếp tục nhâm nhi cho qua bữa, để tiếp khách. Vợ tôi nói nào là bánh dở vì không làm bằng gạo thơm, lại tráng hơi dầy, thua xa bánh cuốn Thanh Trì bán ở đường Trần Khát Chân, Tân Định. Nhân bánh thì thịt ít, đồ độn nhiều. Chả quế thì bở, không ngon bằng chả quế của tiệm Ngọc Sơn đường Gia Long. Nước chấm thì dở vì pha bằng nước mắm loại tồi và dấm rẻ tiền, hơi nhiều mặn, ít ngọt và sau cùng còn một khuyết điểm quan trọng là không có dầu cà cuống. Cứ thế vợ tôi phân tích, phê bình, so sánh, đánh giá và sau cùng kết luận là bữa bánh cuốn hôm đó không đạt yêu cầu. Vợ tôi tỏ vẻ bực tức và trách tôi sao không quá bộ sang Tân Định (đường Trần Khát Chân) mà ăn. Cũng mức chi phí ấy mà bữa ăn ở đây chán ơi là chán! Thấy vợ buồn phiền, tôi cũng mất vui.
Đấy thưa các bạn, ông bạn ngoại quốc nói trên ăn bánh cuốn mà không có tư tưởng xen vào. Bánh cuốn thế nào thì ông ta thấy nó y như vậy. Còn vợ tôi vì có nhiều kiến thức và kinh nghiệm về bánh cuốn tích lũy trong ký ức, nên vừa thấy bánh cuốn là tư tưởng lập tức xen vào, thực hiện ngón nghề quen thuộc của nó, làm cho vợ tôi không thấy được bánh cuốn bữa đó như nó đang là, và làm mống khởi ghét yêu đưa đến phiền não. Về phần ông bạn ngoại quốc kia, nếu như bữa bánh cuốn hôm ấy làm ông thích thú thì chắc chắn hương vị bánh cuốn sẽ còn trụ nơi ông, và sau này, ông cũng sẽ bồn chồn đi tìm bánh cuốn ăn nữa và ăn nữa. Những loại bánh cuốn mà ông gặp sau này, ở các nơi khác cũng sẽ làm ông vui mừng hay bực dọc, vui mừng khi gặp loại bánh cuốn ngon, ngon hơn loại đã dùng trước; và bực dọc, như vợ tôi, khi gặp phải loại bánh cuốn kém chất nào đó, vì các bữa bánh cuốn về sau của ông đã có tư tưởng xen vào.
Rõ ràng là có kiến thức và kinh nghiệm tích chứa trong ký ức thì có tư tưởng. Và có tư tưởng là có phiền não, khổ đau và sợ hãi.
Đúng thế, con người ai cũng có một thói quen thâm căn cố đế, đó là thói quen tư duy. Thói quen ấy mạnh mẽ đến như khó bỏ. Thấy gì cũng tư duy, gặp gì cũng tư duy. Không những tư duy chuyện mình, mà tư duy cả chuyện người. Khi không cũng nặn ra chuyện để tư duy. Hết tư duy chuyện nọ lại tư duy chuyện kia, làm cho tâm luôn luôn nổi sóng, khi vui, lúc buồn; khi thống thiết ân oán, lúc bồn chồn tham sân, tạo cơ hội cho phiền não, khổ đau và sợ hãi xô đến dày vò, hành hạ.
Muốn giải thoát khỏi phiền não, khổ đau và sợ hãi, chẳng có đường lối nào khác hơn là phi tư tưởng. Chẳng thế mà Thiền Tông Trung Hoa, phái Tào Động, đã đưa ra khẩu hiệu hành thiền là: "Phi tư tưởng tức toạ thiền chi yếu dã", tức yếu chỉ hành thiền là phải ngưng dứt tư tưởng. Tọa thiền phải là phi tư tưởng. Còn tư tưởng chưa phải là tọa thiền. Tư tưởng đã "phi" rồi thì đi, đứng, nằm, ngồi cũng đều là tọa thiền cả. Tọa ở đây là tâm tọa, chứ không phải thân tọa. Tọa có nghĩa là ngồi. Tâm tọa có nghĩa là tâm ở tại chổ chứ không chạy nhảy lăng xăng nữa. Tâm ở tại chổ là tâm hiện tiền, không quá khứ, không tương lai, là tâm nhất tướng, là phi tư tưởng vậy.
Còn với thiền sư Bạch Ẩn thì chánh lệnh của ông ta là "Bát thức trung điền hạ nhất đao", nghĩa là hãy cầm dao, xuống tay một nhát, băm nát thức thứ tám. Trong Phật học thì thức thứ tám còn gọi là tạng thức hay A-LẠI-DA thức. A-LẠI-DA là một từ phiên âm của chữ Phạn Alaya. Trong tiếng Phạn thì Alaya có nghĩa là tích chứa. Dãy núi cao nhất thế giới ở Ấn Độ có tên là dãy Himalaya (Hy Mã Lạp Sơn). Him là tuyết. Alaya là tích chứa. Gọi thế vì dãy núi này cao nên lạnh lẽo, có tuyết phủ quanh năm. Nó giống như một kho tích chứa tuyết vĩ đại vậy. Thức thứ tám được gọi là Alaya vì nó là nơi tích chứa tập khí, mà tập khí chính là kinh nghiệm và kiến thức tom góp, lưu giữ suốt trong quá khứ. Thức thứ tám là thùng chứa (le contenant hay the container) còn tập khí là những gì chứa ở trong thùng (le contenu hay the contained). Nay băm nát thùng chứa, thì tập khí hết chỗ hội tụ, bám níu. Loại trừ được tập khí tức giải trừ được kinh nghiệm và kiến thức, cái cội gốc của tư tưởng, thì tư tưởng không còn, và tiếng nói nội tâm tắt lịm.
Nhưng có người lại nêu bài kệ sau đây của Ngài Huệ Năng, vị Lục Tổ của Trung Hoa:

"Huệ Năng một kỹ lưỡng"
"Bất đoạn bách tư tưởng"
"Đối cảnh tâm sổ khởi"
"Bồ Đề cánh ma trưởng"

Mà cho rằng đoạn tư tưởng là sai lầm. Đúng vậy, Ngài Lục Tổ dạy chúng ta đừng tìm cách "đoạn" hay loại trừ tư tưởng vì đoạn hay loại trừ là có hàm ý xung đột, và khi đã có xung đột thì tâm hành giả làm sao có thể bình thường được, mà bình thường tâm lại chính là ĐẠO. Mỗi khi đối cảnh, cứ để mặc tư tưởng "sổ khởi" tự nhiên. Nhưng với cái tâm hiện tiền, cái tâm tỉnh thức, hành giả sẽ thấy rõ từng tư tưởng mỗi khi nó mống khởi. Và do đó, tư tưởng tự động ngưng dứt, hồn nhiên ngưng dứt, chứ không cần phải có một cố gắng nào đễ "đoạn" hay loại trừ cả.
Nói khác đi, điều quan trọng chẳng phải là "đoạn" hay "bất đoạn tư tưởng" mà là ở chỗ có tỉnh thức hay không thế thôi. Thiền Sư cổ Đức cũng nói: "Chớ sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm" là thế.
Cũng xin nhắc lại, là trong các bài viết của tập sách này, thì phi tư tưởng không có nghĩa là cố gắng dập tắt, dẹp bỏ hay loại trừ tư tưởng. Phi tư tưởng cũng không phải là một mục tiêu để hành giả theo đuổi, cầu cạnh. Phi tư tưởng ở đây chỉ có nghĩa là tư tưởng tự động ngưng dứt một khi ta hiểu biết nó, nhận diện và theo dõi nó, hay nói một cách khác, thì phi tư tưởng là một tâm thái vô niệm tự động xuất hiện khi ta sống trọn vẹn với hiện tiền.
Chính Ngài Lục Tổ chẳng đã có dạy:
"Ngộ vô niệm pháp giả, kiến chư Phật cảnh giới",

"Ngộ vô niệm pháp, chí Phật địa vị".
Nghĩa là ai hành pháp vô niệm thì đi vào cảnh giới Phật, đạt được địa vị Phật. Rõ ràng Ngài Lục Tổ đã khẳng định vô niệm là giải thoát. Vô niệm chính là phi tư tưởng theo ngôn ngữ thời thượng.
Tóm lại, nói gì thì nói, nhưng rốt cùng thì cũng đi tới kết luận là chỉ có giải thoát khi vô niệm hay phi tư tưởng, hay trạng thái giải thoát là trạng thái phi tư tưởng thì cũng vậy.
Nhưng thông thường thì trước khi hành xử việc thế gian, con người phải có tư duy, nên e rằng với trạng thái vô niệm hay phi tư tưởng thì mọi hành xử trong cuộc sống có thể sa vào sai lầm, tội lỗi chăng?
- Cái tâm chĩu nặng tư tưởng là cái tâm tham, sân, si; là cái tâm vị kỷ điên đảo mà Phật học gọi là vọng tâm. Chính cái tâm thái này mới dẫn ta đến sai lầm, tội lỗi. Còn khi vô niệm hay phi tư tưởng thì tâm ta thanh tịnh và sáng suốt vô cùng. Tự nó sáng soi và phân biệt thiện ác mà không vướng vào thiện ác. Tâm thanh tịnh thường được ví như mặt nước hồ phẳng lặng, có thể phản chiếu cảnh vật chung quanh một cách vô cùng rõ nét, vô cùng chính xác, nghĩa là cảnh vật thế nào thì nó phản chiếu y như thế ấy, không sai sót, không bóp méo. Còn vọng tâm thì lại được ví như mặt nước hồ nổi sóng chẳng thể phản chiếu cảnh vật xung quanh một cách trung thực. Vì thế, trước một sự việc, một tình huống cần giải quyết, cần đối phó, với tâm thanh tịnh, sáng suốt, con người sẽ có được một đáp ứng tuyệt hảo, còn với vọng tâm thì không. Chúng ta thử nghiệm coi. Mỗi khi ta khởi tham, sân, si và hành động sai trái một cách hăng say mù quáng. Đến lúc, tâm bình trở lại, là lập tức ta ân hận, hối tiếc những việc đã làm, không cần phải có người bình phẩm, phê phán ta mới nhận ra.
Chúng ta cũng thường thấy có những tổ chức tìm người rồi huấn luyện, trang bị cho cái gọi là lý tưởng hay một ý thức hệ nào đó để những người này dám làm những hành vi tàn bạo, dã man theo yêu cầu của tổ chức, mà những người không được trang bị không thể làm nổi. Lý tưởng và ý thức hệ lại chính là con đẻ của tư tưởng vậy.
Thêm nữa, tưởng cũng nên nhắc lại rằng mọi hành xử của con người trong cuộc sống nói chung, khi đã có tư tưởng xen vào thì đẹp có thể có, nhưng tốt thì không, vì như đã nói trên là tư tưởng luôn luôn vị kỷ, vị ngã.
Nhưng con người trong cuộc sống có thể nào phi tư tưởng được không?
- Sống là phải tư tưởng. Sống mà không tư tưởng chỉ có loài súc sinh, cây cỏ. Tư tưởng là kiến thức và kinh nghiệm tích luỹ trong ký ức. Ta không thể sống một cuộc đời bình thường hài hòa với xã hội, nếu không có kiến thức và kinh nghiệm. Không nói gì đến những chuyện to lớn như trị quốc, an dân hay thành đạt những tiến bộ vượt bực về văn hoá, khoa học, kỹ thuật, những chuyện mà chỉ những con người có vốn lớn kiến thức và kinh nghiệm mới có thể làm, và làm có hiệu quả được, mà ngay những sinh hoạt thường ngày trong cuộc sống của một con người cũng đòi hỏi một mức độ kiến thức và kinh nghiệm nào đó.
Không ai là không phải làm một công việc, bất kỳ là công việc gì, để trước là kiếm sống, sau là đóng góp vào sự tồn tại và sự tiến bộ của xã hội. Nếu không có kiến thức và kinh nghiệm ta không thể làm được công việc của ta, dù chỉ là công việc đơn giản, khiêm nhường nhất. Đi ra đường nếu không có kinh nghiệm và kiến thức thì ta không thể di chuyển an toàn được, không đi tới nơi, không về tới chốn được, ấy là chưa nói đến chuyện bị cảnh sát giao thông chặn lại, phạt tiền, giam xe.
Muốn chơi một trò chơi thể thao như đấu quyền anh, đánh bóng bàn, bóng rổ v.v.., hay chơi một trò chơi giải trí như đánh cờ, như thụt bi da v.v... ta cũng phải có kiến thức và kinh nghiệm mới có thể nhập cuộc và chơi có hiệu quả tốt được.
Như vậy, rõ ràng phi tư tưởng thì không thể sống một cuộc sống xã hội bình thường, mà có tư tưởng thì lại có phiền não, khổ đau và sợ hãi, vậy phải làm sao đây?
- Con người ta phần nào giống như một chiếc máy điện toán. Người ta đưa vào bộ nhớ của máy các dữ kiện đủ loại và khi cần tin tức nào, người ta bấm nút hỏi máy, máy sẽ trả lời. Dĩ nhiên máy chỉ trả lời được những câu hỏi mà máy đã có sẵn dữ kiện. Với những câu hỏi mà máy không có sẵn dữ kiện thì máy đành chào thua. Con người cũng vậy, chúng ta đưa vào ký ức rất nhiều dữ kiện, đó là những kiến thức và kinh nghiệm tom góp trong quá khứ, tích chứa trong ký ức. Khi cần làm một công việc gì hay đáp ứng một đòi hỏi nào, một tình huống nào trong cuộc sống, ta phải huy động các dữ kiện ấy. Nếu ký ức ta có sẵn các loại dữ kiện cần thiết thì ta mới làm được công việc muốn làm, hay đáp ứng được những đòi hỏi, những tình huống trong cuộc sống một cách thích đáng, còn không thì ta cũng khoanh tay. Ta chưa học lái xe, nghĩa là ta chưa có kinh nghiệm và kiến thức về lái xe trong ký ức thì có cho ta lên một chiếc xe hơi và bảo ta lái đi, ta cũng đành chịu.
Ta muốn đi thăm một người quen hay một người bà con nào đó, ta cũng phải nương dựa vào các dữ kiện sẵn có trong ký ức về lộ trình tốt nhất, về khu phố, số nhà của người mà ta muốn đến thăm. Nhờ có kiến thức và kinh nghiệm tích lũy, ta mới đi tới đích một cách hiệu quả nhất, nghĩa là ta không phải mất thì giờ và tốn công sức dò hỏi đường đi, lối lại, tìm kiếm khu phố, số nhà.
Khi ta gặp một người mà ta sáp lại tay bắt, mặt mừng, chuyện trò niềm nở vì trong ký ức của ta đã có nhiều dữ kiện về người ấy như hình dáng, tên tuổi, hoàn cảnh gia đình, địa vị xã hội, tính nết, địa chỉ, cùng những kỷ niệm vui buồn khác khi cùng học, cùng làm, cùng ở tù, v.v... Trái lại, ta lạnh lùng bước đi khi gặp một người lạ, vì trong ký ức của ta không có dữ kiện nào về người ấy cả.
Ta giống máy điện toán là như thế, nhưng ta lại khác máy ở một điểm quan trọng là chỉ khi nào cần tin tức, ta bấm nút hỏi máy, máy mới lựa chọn các dữ kiện thích hợp tồn trữ trong bộ nhớ để trả lời. Còn không thì các dữ kiện đã đưa vào vẫn nằm yên, bất động trong bộ nhớ của máy. Về phần ta thì các dữ kiện tích chứa trong ký ức lại cứ tự động trồi lên mỗi khi tâm ta rời bỏ hiện tiền để lôi ta vào hết suy nghĩ này đến suy nghĩ khác, và đặc biệt là khi một dữ kiện trồi lên thì nó thường lôi kéo các dữ kiện khác có liên hệ xa gần với nó cùng trồi lên, đẩy ta vào những suy nghĩ miên man, chuyện nọ xọ chuyện kia, vòng vo, rễ má, giây mơ, vô tận, vô cùng. Chẳng thế mà có những đêm ta trằn trọc thâu canh, hoặc sáng thức dậy thật sớm nhâm nhi chén trà để suy nghĩ đăm chiêu những chuyện bâng quơ, chuyện quá khứ, chuyện tương lai, nào là hối tiếc, nào là ao ước, cầu mong, nào là lo âu, sợ hãi, nào là oán trời, trách người, nào là tính toán xa gần, lập bầy mưu chước để chiếm đoạt những điều ưa chuộng, say mê; hay tránh né, loại trừ những gì ta căm giận, thù ghét. Cái gốc phiền não, khổ đau và sợ hãi của ta là ở chỗ này.
Nay nếu ta hành xử được như máy điện toán, nghĩa là chỉ suy nghĩ khi cần thiết, khi có đòi hỏi của cuộc sống, còn không thì thôi, ta cứ sống trọn vẹn với hiện tiền. Không nên rời bỏ hiện tiền để tư tưởng lại có cơ hội lôi kéo ta vào phiền não, khổ đau và sợ hãi không đâu. Nói khác đi là ta phải làm chủ tư tưởng của ta, chứ không để cho con ma tư tưởng tự do thao túng, đưa lối, dẫn đường như từ trước đến nay nữa. Gọi là ma, vì tư tưởng một khi ta chưa kiểm soát được nó, chưa làm chủ được nó, thì nó chẳng bao giờ đem lại cho ta an lạc, hạnh phúc mà trái lại hễ cứ có mặt nó, là chắc chắn có phiền não, khổ đau và sợ hãi bời bời. Thật sự làm chủ tư tưởng thì ta vẫn có thể sống một cuộc sống bình thường, hài hòa trong xã hội mà vẫn giải thoát, vẫn tự tại.
Làm chủ tư tưởng cũng còn là khi đối diện với một tình huống, một đòi hỏi, một vấn đề trong cuộc sống cần phải tư duy để tìm ra một đáp ứng, một biện pháp giải quyết thì ta cứ tư duy, nhưng một khi xong việc rồi, dù kết quả có thế nào, thì ta cũng không trở lại để mừng vui, đắc ý hay hối hận, tiếc nuối về đáp ứng đã lựa chọn hay về biện pháp giải quyết đã thi hành, nếu không thật sự cần thiết.
Trong cuộc sống mỗi khi cần tư duy, nếu thật sự làm chủ tư tưởng thì ta sẽ chọn lựa được một lối tư duy hầu giải tỏa những chuyện sợ hãi, khổ đau, phiền não để chúng hết đường dính cứng, bám chặt vào ta mà day dứt, dằn vật ta về lâu, về dài.
Ví dụ: Một thằng nhỏ, con nhà hàng xóm hỗn láo với ta.
1/ Ta có thể tư duy như sau: Thằng ranh con này, miệng còn hơi sữa, đáng cháu nội, cháu ngoại mình mà dám hỗn láo với một bậc trưởng thượng. Đúng là đồ mất dạy! Cha mẹ nó chẳng trông nom, dạy dỗ nó. Nhưng cha mẹ nó nào có tử tế gì đâu, cũng thô lỗ, cục cằn, ngang ngược, cả xóm ai cũng biết. Đúng là có "gien" hỗn láo.
Nghĩ như vậy rồi thì ta căm ghét thằng nhỏ kia. Và từ đấy mối căm ghét cứ hiện diện hoài hoài trong tâm tư ta để hành hạ ta, nhất là những khi đi ra, đi vô, ta bắt gặp thằng nhỏ hàng xóm ấy thì mối căm ghét kia lại như sôi sục, nấu nung, khiến ta muốn dạy hay mong có một người nào đó dạy cho thằng nhỏ một bài học xứng đáng.
2/ Nhưng ta cũng có thể tư duy: Thằng nhỏ này hỗn láo thật, nhưng xét cho cùng thì cũng tội nghiệp nó. Cha mẹ nó vì cuộc sống khó khăn, suốt ngày phải bươn chải kiếm ăn, có thì giờ đâu mà trông nom, dạy dỗ con cái, và cũng chẳng đủ phương tiện tài chánh để gửi con đến trường, đến lớp. Cứ thả nó đi rong với bọn du thủ, du thực, cao bồi, du đãng, tập dữ tính thành, gần mực ắt phải đen thôi. Cũng như máy điện toán, ta đưa vào máy những dữ kiện nào thì khi hỏi, máy cũng chỉ lựa chọn những dữ kiện tồn trữ trong bộ nhớ để trả lời, chứ đâu lại có chuyện máy đưa ra những dữ kiện mà người ta chưa hề đưa vào máy bao giờ. Thằng bé này cũng vậy, nó có hỗn láo gì đâu. Hoàn cảnh, cuộc sống của nó đã đưa vào ký ức nó những loại dữ kiện mà ta gọi là hỗn láo, và khi bị kích thích, nó cũng chỉ vận dụng và đưa ra được những loại dữ kiện như thế mà thôi. Ta đòi nó phải đưa ra những loại dữ kiện khác thì không thể có được.
Sau cùng, xã hội nói chung và cộng đồng địa phương nói riêng mà chính ta cũng là một thành viên, với lề lối tổ chức và điều hành còn nhiều khuyết điểm cũng phải chịu trách nhiệm về sự vô giáo dục và thái độ hỗn láo của thằng nhỏ này.
3/ Hoặc ta cũng có thể tư duy: Con người cũng như vạn pháp trên thế gian này chỉ là những hiện tượng tâm-vật-lý chịu sự chi phối chặt chẽ của luật vô thường. Chúng thay đổi từng phút, từng giây. Không có người nào hay hiện tượng nào lại y hệt trong hai khoảnh khắc kế tiếp. Một hiện tượng P ở thời điểm T hoàn toàn khác với hiện tượng P' ở thời điểm T' kế đó. Vậy hôm nay ta có gặp lại thằng nhỏ kia, thì thằng nhỏ ấy không phải là thằng nhỏ đã hỗn láo với ta hôm qua, và cái ta bị thằng nhỏ xúc phạm hôm qua cũng không phải là cái ta hôm nay. Ta và nó hôm nay đã là hai người hoàn toàn khác biệt so với hôm qua rồi. Nay, mai cũng như những ngày tháng kế tiếp sau này, nếu có gặp nhau, thì cũng chỉ là cuộc gặp gỡ của hai hiện tượng hay hai người hoàn toàn xa lạ chưa từng quen biết và liên hệ với nhau bao giờ.
Ta bỏ lối tư duy thứ 1/ và chọn lối tư duy thứ 2/ hoặc thứ 3/ thì cũng đã là tốt vì như thế là ta đã làm chủ được tư tưởng. Ta chối bỏ được lối tư tưởng cột buộc, vướng mắc để chọn một lối tư tưởng cởi mở, hầu giảm thiểu đi lửa sân hận, bực dọc.
4/ Nhưng nếu đã nắm được lý ĐẠO thì chắc chắn ta sẽ chọn ngay lối tư duy rốt ráo sau đây: Thằng nhỏ ấy có buông lời hỗn láo với ta, nhưng những lời hỗn láo ấy vừa ra khỏi cửa miệng nó thì xe bốn ngựa đã đuổi không kịp rồi. Chúng đã lập tức đi vào quá khứ và đi mất luôn. Chỉ tại ta lưu luyến, chấp trước, nên chúng mới ở lại cùng ta, hay năng lui tới với ta, làm ta bực tức, căm ghét dài dài. Sao ta không vượt thoát ra khỏi vòng lệ thuộc của thời gian, nghĩa là trả lại cho quá khứ những gì thuộc quá khứ đi, rồi quay lại sống trọn vẹn với hiện tiền thì nỗi bực tức kia, cái căm ghét kia sẽ lập tức tan biến và tâm ta tức thì trở lại an lạc.
Tư duy như thế là Chánh Tư Duy và sống với hiện tiền là Chánh Niệm. Thực hành Chánh Tư Duy và Chánh Niệm là hành ĐẠO và đạt ĐẠO vậy.
Tóm lại, hành ĐẠO là nắm quyền làm chủ tư tưởng mình, nghĩa là khi có đòi hỏi của cuộc sống cần tư duy thì cứ tư duy, còn không thì hãy sống trọn vẹn với hiện tiền, đừng để sa vào vòng chi phối của thời gian, không gian, tức của tư tưởng, mà chuốc lấy phiền não, khổ đau và sợ hãi khôn cùng. Được vậy thì hành giả vẫn sống cuộc sống bình thường như mọi người, một cuộc sống hài hòa với xã hội, thế gian, mà vẫn giải thoát, vẫn tự tại.

Nhi Bất Nhược


Audio: Tư tưởng