ĐẠO & THIỀN

Đạo thường được hiểu là tôn giáo như Đạo Thiên Chúa, Đạo Phật, Đạo Hồi,v.v... Ngoài cái nghĩa tôn giáo, danh từ ĐẠO ở đây còn hàm nghĩa giải thoát. Hành ĐẠO là hành pháp giải thoát và đạt ĐẠO là đạt đến trạng thái giải thoát hay nhập vào cảnh giới giải thoát.
Đã là giải thoát thì lúc nào cũng trọn vẹn, tròn đầy. Hoặc là giải thoát, hoặc là không, chứ không có giải thoát nửa vời, giải thoát có mức độ, có cấp bậc, tích tụ từ từ, theo thời gian từ nhỏ đến lớn, từ ít đến nhiều, từ thấp đến cao. Ngoài cái tính tròn đầy, giải thoát còn có tính tức thì. Vì thế giải thoát không thể là một cái đích, một mục tiêu để người hành ĐẠO theo đuổi, rượt bắt, cố gắng liên tục, mỗi ngày xích lại gần một chút, lâu rồi cũng tới.

Trong Hán tự, ĐẠO ngoài cái nghĩa tôn giáo còn nghĩa là đường đi, nhưng ở đây ĐẠO không hàm nghĩa con đường, con đường dẫn tới giải thoát. Nếu quả thật có con đường dẫn tới giải thoát, thì con đường ấy hẳn phải có khởi điểm và chung điểm, và cũng cần phải có một thời gian nào đó để đi trọn con đường này, nghĩa là nếu có con đường thì lại có vấn đề không gian và thời gian. Và đã có không gian, có thời gian tất có tư tưởng, mà tư tưởng thì lại là mẹ đẻ của phiền não, khổ đau và sợ hãi. Vì vậy, nếu ta quan niệm là có con đường dẫn đến giải thoát, hay có con đường để ta đi tìm giải thoát, thì ta lại vướng mắc vào con đường này và chẳng bao giờ giải thoát cả.
Những danh từ như: con đường vào ĐẠO hay con đường giải thoát, v.v... dùng trong những bài viết của cuốn sách này thực ra chỉ là một lối nói vì đường vào ĐẠO là một con đường-không-đường. Muốn giải thoát phải phi không gian, phi thời gian, tức phi tư tưởng. Hễ phi tư tưởng là lập tức giải thoát và giải thoát trọn vẹn.
ĐẠO ở đây đồng nghĩa với Thiền. Vì Thiền cũng lấy phi tư tưởng làm yếu chỉ hành ĐẠO. "Phi tư tưởng tức tọa thiền chi yếu dã", nghĩa là tọa thiền thì điều cốt yếu là ngưng dứt tư tưởng.
Sau cùng ĐẠO là chân kiện (fact). Bản thân của ĐẠO là chân kiện. Đối tượng của ĐẠO cũng là chân kiện, tức là những sự kiện diễn biến trong cuộc sống hàng ngày, hay nói ngắn hơn, ĐẠO chính là cuộc sống. Và sống trọn vẹn với cuộc sống chính là hành ĐẠO và đồng thời là đạt ĐẠO vậy.
Chân kiện là những sự kiện đang hiện hữu, đang diễn biến trong nội tâm hay ngoại giới. Chỉ có những chân kiện này mới thật là "chân", mới mang tính giải thoát. Còn những cái vọng, cái huyễn không giải thoát ta, nếu không muốn nói chính chúng trói buộc, giam hãm ta trong phiền não, khổ đau và sợ hãi.
Đã là chân kiện thì không thể mô tả, luận bàn. Chân kiện là chân kiện. Ngôn ngữ, văn tự chẳng thể là chân kiện. Chân kiện chỉ có thể cảm nhận, thân chứng hay trực nghiệm, chứ không có phương cách nào, phương tiện nào để mà phu diễn, truyền đạt cho được.
Chân kiện không thuộc hôm qua, không thuộc ngày mai. Chân kiện là những gì ở ngay hiện tiền, là những gì đang hiện hữu, đang diễn biến mà các giác quan của ta đang thật sự cảm nhận được. Ta đang ăn một chiếc bánh. Ta đang nghe một bản nhạc. Ăn bánh, nghe nhạc là những chân kiện. Khi ta ăn xong, hay khi bản nhạc vừa dứt thì chân kiện không còn. Chân kiện vốn vô thường, nghĩa là chân kiện biến đổi liên tục và luôn luôn mới mẻ chứ không cũ kỹ như tư tưởng.
Chân kiện nhiều khi có tính riêng tư, cá nhân. Cái là chân kiện đối với bạn, có thể không là chân kiện đối với tôi và ngược lại.
Bạn đang có nỗi buồn day dứt hay niềm vui phơi phới trong lòng. Nỗi buồn ấy, niềm vui ấy là chân kiện đối với bạn. Chỉ có bạn mới thực sự hiểu biết chúng và cảm nhận được chúng. Dù bạn có tìm đủ mọi ngôn từ thích hợp để phu diễn thì cũng chẳng ai có tài gì mà hiểu biết và cảm nhận được chúng như chính bạn, bất quá thì người nghe cũng chỉ lấy kinh nghiệm buồn vui của họ trong quá khứ để hiểu biết cái buồn vui của bạn bây giờ mà thôi. Nhưng trên thực tế không có cái buồn vui nào lại giống cái buồn vui nào bao giờ. Ngay đối với chính bản thân bạn, cái buồn vui ở thời điểm T này, đâu có giống cái buồn vui ở thời điểm T' trước đó, hay thời điểm T" sau này.
Sống với chân kiện là sống trọn vẹn với hiện tiền, và chỉ có những gì ở hiện tiền mới là chân kiện mà thôi. Sống trọn vẹn với hiện tiền là nhận biết đầy đủ những gì đang diễn biến trong nội tâm hay ngoại giới và nhận biết chúng y như chúng đang là, không phân tích, phê bình, lên án hay tán dương. Sống trọn vẹn với hiện tiền tức với chân kiện là hành ĐẠO và đạt ĐẠO, là giải thoát vậy.
Vì đối tượng của ĐẠO là chân kiện, và chân kiện thì ở ngay hiện tiền, nên ĐẠO không cần phải nghiên cứu và cũng không cần kiếm tìm. Nghiên cứu, tìm kiếm thì không bao giờ thấy ĐẠO.
Ta hãy nghe vài câu trong "Bạch-Ân tọa Thiền Ca":

Đạo gần bên mình mà chẳng biết
Bao người tìm kiếm xa vời đáng Thương!
Đó cũng như người nằm trong nước
Gào rát cổ xin cho đỡ khát


(Thiền Luận của ông Daisetz Teitaro Suzuki Tập thượng do ông Trúc Thiên dịch trang 555)
Vì bản thân của ĐẠO là chân kiện nên ĐẠO không thể luận bàn. Cái luận bàn được không phải là ĐẠO.
ĐẠO cũng chẳng thể suy nghĩ được. Những điều suy nghĩ về ĐẠO chẳng phải là ĐẠO.
Người ta thường ví những người chưa đạt ĐẠO nay muốn bỏ công sức và thì giờ để nghiên cứu và tìm hiểu ĐẠO, như những người không may bị khiếm thị ngay từ lúc sơ sinh, nay muốn tìm biết ánh sáng và mầu sắc. Họ họp nhau lại để suy nghĩ, luận bàn về ánh sáng và mầu sắc. Ngoài ra họ còn mời các vị học giả, chuyên gia về ánh sáng và mầu sắc đến giảng dạy để giúp họ đạt được sở cầu. Nhưng dù họ có bàn bạc đến hết hơi, suy nghĩ đến nát óc; dù các vị học giả, chuyên gia có nói gì thì nói, có nói hay, nói giỏi đến mấy, thì những người khiếm thị cũng chẳng thể biết được ánh sáng và mầu sắc như người sáng mắt.
Nay nếu nhờ một vị lương y xuất chúng, hay một phép lạ nào đó, mà những người khiếm thị ấy lấy lại được thị giác, thì ngay khi mở mắt ra là lập tức họ biết được thế nào là ánh sáng và mầu sắc. Và cũng từ phút giây đó thì họ không còn suy nghĩ, luận bàn về ánh sáng và mầu sắc, và cũng chẳng còn cầu cạnh ai giảng thuyết về ánh sáng và mầu sắc nữa, vì họ đã nhận ra là bao nhiêu công sức, thời giờ mà họ đã dành ra trước đây để suy nghĩ, bàn bạc, học hỏi về ánh sáng và mầu sắc đều vô ích và sai trật cả.
Anh T khi được yêu cầu nghỉ lao động để đi nói về món ăn mà anh ưa thích nhất trước đây, thì anh vui vẻ nhận lời ngay. Anh tìm mọi lời lẽ thích hợp để mô tả phở Tầu Bay thật chính xác, thật đầy đủ. Nhưng sau khi nghe anh T nói cả giờ lâu, anh bộ đội kết luận:
"Thế mà ai cũng nói phở Tầu Bay ngon, tôi chẳng thấy ngon chút nào"
Đúng vậy, cũng như ánh sáng và mầu sắc, phở Tầu Bay là chân kiện. Chân kiện là chân kiện. Ngôn từ là ngôn từ. Ngôn từ chẳng thể giúp ta đi vào chân như của chân kiện được.
ĐẠO là chân kiện nên ĐẠO chẳng thể luận bàn. Lão Tử cũng nói: "ĐẠO khả đạo phi thường ĐẠO". Nghĩa là cái ĐẠO mà mang ra đàm đạo được thì không còn là ĐẠO nữa.

***
Trong sách TRUYỀN đăng lục của Trung Quốc có ghi chuyện Tổ Bồ Đề Đạt Ma khảo vấn các đệ tử về ĐẠO trước khi Tổ rời Trung Quốc trở về Ấn Độ. Câu chuyện đại khái như sau:
Tổ Bồ Đề Đạt Ma ở Trung Quốc đã chín năm. Ngài muốn trở về Ấn Độ. Trước khi hồi hương, Tổ gọi các đệ tử lại và nói:
"Ngày giờ ta đi sắp tới, vậy mỗi đệ tử hãy nói cho ta nghe sở đắc của mình".
- Đạo Phó bạch:
- Theo chỗ thấy của tôi, muốn thấy ĐẠO phải chẳng chấp văn tự mà cũng chẳng lìa văn tự.
Tổ đáp:
"Ông được lớp da của tôi rồi"
Tổng Trì Ni bạch:
- Cái sở đắc của tôi là cái mừng vui thấy nước Phật khi tâm bất động.
Tổ đáp:
"Bà được phần thịt của tôi rồi"
Đạo Dục, một độ tử khác bạch:
- Bốn đại vốn không, ngũ uẩn chẳng phải thật có. Vậy thì chỗ thấy của tôi là không có một pháp nào để đắc cả.
Tổ đáp:
"Ông được bộ xương của tôi rồi"
Rốt hết, tới phiên Huệ Khả. Huệ Khả lễ bái Tổ rồi đứng một chỗ, im lặng, không bạch lời nào.
Tổ nói:
"Ông được phần tủy của tôi rồi".
Cũng như Vô Vi Vị, cũng như Cuồng Khuất, những người đã chứng ĐẠO, Huệ Khả không nói năng gì, vì ĐẠO chẳng thể dùng ngôn ngữ mà nói ra được. Về phần Bồ Đề Đạt Ma cũng vậy. Ngài là tổ thứ 28 của Ấn Độ và là sơ tổ của Trung Quốc. Nhớ lời dặn của tổ thứ 27 là Bát Nhã Đà Là, Ngài đã cưỡi sóng qua Đông Độ (Trung Quốc) để truyền bá chánh pháp. Nhưng tại đây, quá trình truyền ĐẠO của Ngài cũng không phải là một quá trình ồn ào, nói năng, giảng thuyết. Tại chùa Thiếu Lâm trong dẫy núi Tung Sơn, huyện Đăng Phong, tỉnh Hà Nam, Ngài ngồi ngó vách, trọn ngày làm thinh. Nên người đời mới gọi Ngài là "Bích quán Bà La Môn" nghĩa là ông Bà La Môn ngó vách và Tuệ Trung Bồ Tát (tên thật là Trần Quốc Tảng, con trai của Đức Trần Hưng Đạo) khi viết về Tổ Bồ Đề Đạt Ma cũng không ngần ngại hạ bút: "Thiếu Thất cửu niên vô nhất ngữ".
Ngài ở Trung Quốc 9 năm mà hầu như suốt 9 năm ấy, Ngài chẳng nói năng gì bao nhiêu. Thì ra tại trời Tây (Ấn Độ) hai mươi tám vị tổ đều lần lượt truyền tâm ấn cho nhau, cũng như tại Trung Hoa Ngài Bồ Đề Đạt Ma đã dĩ tâm truyền tâm cho Ngài Huệ Khả, vị tổ thứ 2 của Trung Quốc vậy.
Trong "LỤC MÔN THIẾU THẤT" thiên "HUYẾT MẠCH LUẬN", tổ Bồ Đề Đạt Ma cũng lại có dạy:
"Nói cho cùng lý: giáo là lời nói, thật chẳng phải ĐẠO. ĐẠO vốn không lời"
Lại nữa, trong kinh Duy-Ma-Cật, phẩm "Pháp Môn Bất Nhị" tức Pháp Môn Không Hai, Ngài Duy Ma Cật hỏi các vị Bồ Tát rằng thế nào là Pháp Môn Không Hai. Sau khi các vị Bồ Tát lần lượt trả lời rồi, thì Bồ Tát Văn Thù hỏi lại ông Duy Ma Cật.
Chúng tôi ai cũng nói rồi, giờ đến lượt ông cho biết thế nào là Pháp Môn Không Hai.
Ông Duy Ma Cật ngồi im lặng. Bồ Tát Văn thù khen: Hay thay! Hay thay! Cho đến không có ngôn ngữ, văn tự, đó mới thật là Pháp Môn Không Hai.
Muốn vào được Pháp Môn Không Hai thì tâm hành giả phải là Tâm Không Hai, thường gọi là Nhất Tướng Tâm.
Tâm một khi nhất tướng thì liền có cảnh nhất tướng. Cảnh giới nhất tướng là cảnh giới tuyệt đãi (không còn đối đãi, không có nhị nguyên), là cảnh giới giải thoát mà trong bài viết này gọi là ĐẠO.
Tâm Nhất Tướng là tâm thanh tịnh là tâm hiện tiền, là phi tư tưởng vậy. Đúng thế, chỉ có phi tư tưởng thì mới tuyệt được ngôn ngữ và vân tự, vì ngôn ngữ là tư tưởng có âm thanh và văn tự là những ký hiệu ghi chép tư tưởng. Tư tưởng ngưng dứt thì ngôn ngữ đương nhiên ngưng dứt và văn tự cũng đương nhiên ngưng dứt vậy.
Đức Phật sau khi thành ĐẠO chỉ giữ im lặng, chẳng muốn nói ra, nên người đương thời mới gọi Ngài là Sakya Muni, phiên âm là Thích Ca Mâu Ni (Sakya là tên bộ tộc, Muni là thầm lặng), nghĩa là vị Đại Sa Môn thầm lặng thuộc bộ tộc Sakya. Ngài không nói ra, vì Ngài không thể nói ra. Ngôn ngữ dù phong phú đến đâu cũng không thể đưa con người vào chân như của chân kiện được. ĐẠO là chân kiện, nên không thể dùng ngôn ngữ mà phu diễn truyền đạt. Nói về chân kiện thì nói nhiều trật nhiều, nói ít trật ít.
Lúc ấy có vị Phạm Thiên Sahampati tìm đến long trọng cung thỉnh Ngài nói pháp. Ngài từ chối. Vị Phạm Thiên cung thỉnh lần thứ hai. Ngài cũng từ chối. Vị Phạm Thiên cung thỉnh lần thứ ba. Lần này, có lẽ vì quá xót thương chúng sinh trầm luân khổ hải, nên Ngài đã nhận lời và bắt đầu truyền bá giáo pháp, nghĩa là thuyết giảng về ĐẠO GIẢI THOÁT. Đúng vậy, yếu chỉ của Phật Giáo chỉ là con người và sự giải thoát con người ra khỏi phiền não, khổ đau và sợ hãi.
Nhưng sau khi giảng thuyết 45 năm, Ngài đã khẳng định là Ngài chẳng nói được gì. Khẳng định như vậy vì Ngài e rằng người đời trụ vào giáo thuyết của Ngài mà lầm lẫn chấp nhận rằng giáo thuyết này là ĐẠO, nhận phương tiện làm cứu cánh, để rồi giải thoát thì chẳng thấy đâu, mà chỉ thấy càng ngày càng lún sâu vào vướng mắc.
Ngài cũng nói là tất cả những điều Ngài thuyết giảng trong bấy nhiêu năm chỉ là cái ngón chỉ trăng. Trăng tượng trưng cho ĐẠO. Tất cả giáo thuyết của Ngài chỉ nhằm vạch ra một hướng đi, rồi ai nương vào đấy mà đi, thì người ấy đến, chứ cứ khư khư ôm lấy cái ngón kia thì muôn đời không thấy được trăng, tức không chứng được ĐẠO.
Đúng là tự thân của ĐẠO, chân như của ĐẠO thì chẳng thể dùng ngôn ngữ mà nói ra được. Nhưng đường đi vào ĐẠO, nẻo đến với ĐẠO thì cũng phải được trình bày, bộc lộ để giúp tha nhân có lòng tìm ĐẠO, biết đường, biết nẻo mà đi. Cái ngón chỉ nẻo đưa đường ấy trong Phật Giáo là cả một kho tàng giáo lý to lớn, uyên bác. Với những ai muốn trở thành học giả Phật Giáo hay những ai muốn góp công lớn vào việc hoằng dương Phật Pháp thì dĩ nhiên phải bỏ công sức và thời gian để tìm hiểu, nghiên cứu sâu rộng kho tàng giáo lý vĩ đại ấy. Nhưng, nếu chỉ muốn có một chìa khóa để mở cửa vào ĐẠO thì việc học hỏi nghiên cứu giáo lý của Phật đến sâu sắc, tường tận lại không cần thiết. Chỉ một câu nói của Phật cũng đủ đối với hành giả rồi. Vì cũng như mọi giọt nước của đại dương đều có vị mặn, lời nói nào của Phật mà chẳng có vị giải thoát. Chẳng hạn như lời trao đổi của Phật với một vị giáo chủ ngoại đạo và một vị Tiên hay lời trối trăn của Phật với các đệ tử lúc Ngài sắp nhập diệt dưới đây:
Lúc sinh thời của Phật có một vị giáo chủ ngoại đạo tìm đến tiếp xúc, trao đổi với Phật. Nội dung trao đổi thật ngắn ngủi nhưng vô cùng súc tích. Vị giáo chủ ngoại đạo hỏi Phật:
- Tôi nghe nói ĐẠO của Ngài là ĐẠO GIẢI THOÁT, vậy những người theo Ngài hành ĐẠO thì hàng ngày họ phải làm gì để được giải thoát?
Phật đáp:
-Họ đi, đứng, nằm, ngồi, tắm, giặt, ăn, ngủ.
Vị giáo chủ ngoại đạo tiếp:
-Chỉ có vậy thôi ư? ĐẠO nào mà người theo ĐẠO chẳng đi, đứng, nằm, ngồi, tắm, giặt, ăn, ngủ. Chỉ làm có thế mà giải thoát sao?
Phật nói thêm:
-Ai thì hàng ngày cũng đi, đứng, nằm, ngồi, tắm, giặt, ăn, ngủ, nhưng khi họ đi, đứng, nằm, ngồi,... thì họ không chú tâm vào việc họ đang đi, đứng, nằm, ngồi,... Còn đạo hữu của tôi thì khi đi, đứng, nằm, ngồi,... họ chú tâm vào các hoạt động đi, đứng, nằm, ngồi,... ấy.
Chú tâm vào mọi hoạt động của thân, tâm là thực hành Chánh Niệm. Chánh Niệm là chìa khóa giải thoát. Thực hành Chánh Niệm là hành ĐẠO và tức thì giải thoát. Xách nước, chẻ củi, quét nhà, thậm chí đến việc tiêu hóa, bài tiết nếu được chú tâm thì cũng đều là hành ĐẠO cả. Có một vị thiền sư đã nói là đối với hành giả Thiền Tông thì cầu tiêu, nhà tắm cũng là thiền đường. Lời nói này âu cũng hàm chứa cái ý trên đây.
Chánh niệm là chìa khóa mở cửa và lập tức đưa hành giả vào tòa nhà lộng lẫy của ĐẠO GIẢI THOÁT mặc dù trong cuộc sống hành giả có là ai đi nữa, có ở trình độ, địa vị nào đi nữa.
Lại nữa, ngày nọ có một vị Tiên đến hầu Phật và hỏi:
"Những người thường lai vãng chốn rừng sâu, những bậc thánh nhân có đời sống đạo hạnh mỗi ngày ăn chỉ một lần, tại sao các vị ấy có vẻ tự tại, xin Ngài dạy cho."
Đức Phật giải đáp:
"Những vị ấy không than vãn, sầu muộn những chuyện đã qua, không nóng nẩy, khát khao những gì chưa đến mà chỉ tập trung tâm trí vào hiện tại, do đó các vị ấy được tự tại"
(Trích từ "Đức Phật và Phật Pháp" của Đại Đức NARADA THERA do ông Phạm Kim Khánh dịch)
Sau cùng, trước khi nhập diệt tại rừng Sa-La- Song Thọ, đức Phật có trối trăn các đệ tử một điều vô cùng quan trọng. Ngài khuyên các đệ tử phải tinh tấn hành TỨ NIỆM XỨ Ngài nói bất cứ ai tinh tấn hành TỨ NIỆM XỨ thì người đó là đệ tử chân chính của Ngài.
TỨ NIỆM XỨ là gì? TỨ NIỆM XỨ là 4 trong 37 phẩm trợ đạo, phép tu của Thanh Văn gồm:


1. Quán thân như thân
2. Quán thọ như thọ
3. Quán tâm như tâm
4. Quán pháp như pháp

Thế nào là hành TỨ NIỆM XỨ?

1. Thân ta làm gì (đi, đứng, nằm, ngồi, tắm, giặt,...)
2. Những cảm giác ta thọ nhận như phiền não, khổ đau, sợ hãi hay hỷ lạc, và quá trình: sinh, trụ, dị, diệt của chúng.
3. Tâm ta thế nào (tham, sân, si, đố kỵ, ghét, yêu,...)
Tất cả mọi hoạt động của thân, mọi cảm giác và mọi hiện tượng trong tâm giới đều được thấy biết đầy đủ, tức thì và chú tâm theo dõi không sao lãng, không lơi lỏng.
4. Còn khi đối pháp ta hãy nhìn vạn pháp như vạn pháp đang là, không gán ghép cho chúng bất cứ một tướng nào khác, nghĩa là nó làm sao thì ta thấy nó làm vậy, thế thôi.
TỨ NIỆM XỨ cũng như Chánh Niệm, cũng như Hồi Quang Phản Chiếu, hay Phản Quang Tự Kỷ, đều là những phép tu cao tột, rốt ráo. Hành TỨ NIỆM XỨ cũng là sống phi tư tưởng, là sống trọn vẹn với hiện tiền, với cuộc sống, là hành ĐẠO vậy, vì:
"Sống là ĐẠO, ngoài ra không có ĐẠO nào khác. ĐẠO nào khác đều tìm thánh mà bỏ phàm, đều ham ngộ mà bỏ mê, đều bỏ đời mà cầu ĐẠO, đều tự trói buộc mình". "Cho nên bất cứ phương diện nào của cuộc sống cũng là ĐẠO".
Ngài Lục Tổ Huệ Năng cũng khẳng định như thế trong bài kệ dưới đây:

Phật pháp tại thế gian
Bất ly thế gian giác
Ly thế mịch Bồ Đề
Kháp như tầm thố giác


Dịch:

Phật pháp ở thế gian
Chẳng lìa thế gian giác
Lìa thế kiếm Bồ Đề
Giống như tìm sừng thỏ


Phật pháp chẳng ở không gian, thời gian nào khác mà ở ngay tại thế gian này, trong cuộc sống hàng ngày. Bỏ thế gian này, lìa xa cuộc sống này mà đi tìm Bồ Đề, tức tìm ĐẠO thì không khác gì đi tìm sừng thỏ, nghĩa là đi tìm một cái mà muôn đời, vạn kiếp không bao giờ tìm được.
...
Đúng vậy, ĐẠO là cuộc sống. Ngoài cuộc sống không có ĐẠO. Sống trọn vẹn với cuộc sống chính là hành ĐẠO , là tự mình mở cửa và tức thì bước vào cõi giải thoát hoàn toàn. Vì thế mà Ngài J. Krishnamurti mới nói:
"Cái mà Phật gọi là Niết Bàn, Jesus gọi là Thiên Quốc, tôi gọi là cuộc sống".

THIỀN


Những năm gần đây, tại miền Nam Việt Nam, Thiền đã trở thành một phong trào khá sôi nổi. Danh từ Thiền được nói đến nhiều. Người ta đua nhau học Thiền, hành Thiền. Theo sách báo và thư tín từ nước ngoài gởi về, thì không những ở Việt Nam nói riêng và các nước Đông Á, Nam Á nói chung, mà ngay tại các nước Phương Tây, quê hương của duy lý chủ nghĩa, Thiền cũng mỗi ngày mỗi có một địa vị quan trọng hơn. Vậy Thiền là gì và thế nào là hành Thiền?
Thiền là phiên âm của từ Phạn ngữ Dhyana, trọn chữ phải gọi là Thiền na. Trong tiếng Phạn, từ Dhyana có nghĩa là đốt cháy, nên Thiền là một phương cách, một đường lối đưa dẫn hành giả tới một tâm thái yên nghỉ, tĩnh lặng, sáng suốt, trong đó mọi cội nguồn của phiền não, khổ đau và sợ hãi, những tấm màn ngăn che chân lý, đã bị đốt cháy hoàn toàn.
Vì Thiền nhằm loại bỏ cái trạng thái lăng xăng, vọng động vốn có của tâm, để tâm trở nên định tỉnh, nên còn gọi là Thiền Định.
Có người cho rằng tu Phật là phải chuyên chú hành Thiền, và Thiền là một pháp môn cao thâm, vi diệu, đồng thời cũng là con đường ngắn nhất để đi tới giải thoát. Nhận xét này không sai. Dịch giả Trúc Thiên, một vị vừa là hành giả vừa là học giả, trong bài viết thay lời tựa của sách "SÁU CỬA VÀO ĐỘNG THIẾU THẤT" cũng khẳng định:
"Trong các ngành Phật Giáo, Thiền đứng riêng một chân trời cùng tuyệt, chủ trương chỉ thẳng vào nơi tánh, thấy thẳng tự nơi tâm để tức khắc thành Phật, khỏi phải khổ tu nhiều kiếp. Do đó, Thiền được gọi là tối thượng thừa, nghĩa là cỗ xe tối thượng đi thẳng vào nước Phật".
Nhưng điều đáng nói là đa số hành giả đều cho rằng hành Thiền là phải ngồi, và chỉ có ngồi mới là thiền thôi, nên mỗi khi hành Thiền người ta thường tìm đến một nơi thích hợp như thiền đường, tịnh thất, chùa chiền hoặc nơi vắng vẻ, hoặc một căn phòng biệt lập tại nhà riêng, để ngồi theo một tư thế ấn định, thở hít theo một nguyên tắc ấn định, nhắm mắt, khóa căn trần, chặn đứng sự sống bằng giác quan, tập trung vào một đề tài nào đó, đồng thời ra sức xua đuổi mọi tư tưởng khác, không phải là đề tài, xuất hiện nơi tâm.
Đây là một ngộ nhận, một thiên chấp. Thiền không phủ nhận ngồi, nhưng các tư thế khác của con người như đi, đứng, nằm cũng đều thuận lợi và thích hợp cho hành giả cả. Nếu thiền nhất thiết phải ngồi thì các Thiền giả không thể hành Thiền toàn thời gian, hoặc nếu có thì đã tự biến mình thành một người hoàn toàn vô dụng về mặt gia đình và xã hội. Ngài Lục Tổ chẳng đã nhấn mạnh rằng:
"Ngoại ư nhất thiết cảnh giới, tâm niệm bất khởi, danh vi tọa"
Nghĩa là đối với mọi cảnh vật tốt xấu bên ngoài mà tâm chẳng khởi suy nghĩ gọi là tọa. Như thế thì rõ ràng là tâm tọa chứ chẳng phải thân tọa.
Ngài cũng lại dạy:
"Ngoại ly tướng vi thiền, nội bất loạn vi định", nghĩa là ngoài không vướng mắc hình tướng là thiền, trong chẳng loạn là định.
Chẳng ai tìm được trong Pháp-Bảo-Đàn kinh một lời nào của Ngài buộc các đệ tử khi hành Thiền phải ngồi theo một tư thế ấn định nào đó. Câu chuyện sau đây còn giúp ta hiểu rõ hơn: Hoài Nhượng, một đệ tử xuất sắc nhất của Lục Tổ, thấy Mã Tổ hàng ngày siêng năng ngồi thiền, mới hỏi:
"Ông ngồi thiền để làm gì vậy?
Mã Tổ đáp: "Tôi muốn thành Phật".
Hoài Nhượng không nói gì, bèn lượm môt viên ngói và mài lên một phiến đá gần đó, Mã Tố thấy vậy mới hỏi:
Thầy làm gì vậy?
Tôi mài ngói để làm gương Mã Tổ nói: mài ngói thành gương thì bao giờ thành được?
Hoài Nhượng đáp: Ngồi thiền để thành Phật thì bao giờ thành được?
Một lần khác Hoài Nhượng lại nói: "Ông muốn học Thiền hay ông muốn thành Phật. Nếu ông muốn học Thiền, thì Thiền chẳng phải ngồi, chẳng phải nằm. Nếu ông muốn thành Phật thì Phật chẳng có hình tướng nào riêng biệt. Nếu ông cố thành Phật bằng cách xếp chân ngồi thiền thì có khác gì giết Phật. Chừng nào ông còn cố chấp tư thế ngồi này thì không thể đạt được tâm yếu".
Lại nữa, Thiền cũng không đòi hỏi có một hình thức bề ngoài nào. Mọi hình thức đối với Thiền đều là những đặt bầy không cần thiết. Thiền cũng chẳng cho phép bắt chước một ai. Còn bắt chước là còn tìm kiếm mẫu mực, quyền lực mà hậu quả tất nhiên lại là vướng mắc. Thiền giả phải là một khách độc hành hoàn toàn tự do. Có vậy mới mong đạt được tâm thái an nghỉ, tĩnh lặng, sáng suốt, một tâm thái giải thoát.
Để đi đến tâm thái giải thoát này, Đức Phật dạy tứ Thiền. Tứ Thiền cùng với ba mươi bẩy phẩm trợ đạo, Tứ Không và Tứ Vô Lượng Tâm là phép tu của hàng Thanh Văn. Tứ Thiền là bốn bước từ thấp đến cao, mà hành giả lần lượt thực hành.
- Sơ Thiền: (bước thứ nhất). Thực hành bước này, hành giả đạt đến hỷ lạc nhờ ly ngoại cảnh. Hỷ là niềm vui mừng hiện ra trên dung mạo. Lạc là niềm vui phơi phới dấy lên trong lòng. Muốn ly ngoại cảnh thì hành giả phải quan sát chi tiết, rành rẽ đầy đủ bề ngoài các pháp thế gian. Phật học gọi việc quan sát ngoại diện này là TẦM hay Thô Tư hay Thô Tưởng (suy xét một cách thô lậu).
Quan sát ngoại diện như thế chưa đủ, hành giả còn phải quan sát các pháp đến tận nội dung sâu kín, hầu biết được thực chất của chúng. Việc quan sát thứ hai này sâu sắc hơn, triệt để hơn, Phật học gọi là TỨ hay tế tư hay tế tưởng (suy xét đến chỗ tinh tế). Một khi biết rõ bộ mặt thật của các pháp bằng TẦM và nội dung, thực chất của chúng bằng TỨ thì hành giả có thể xa lìa được mọi cám dỗ, mọi lôi cuốn của trần cảnh mà đạt được hỷ lạc. Nói khác đi, trong bước đầu sơ Thiền, hành giả đạt được Thiền vị "Ly Sanh Hỷ Lạc", tức là hỷ lạc do ly (trần cảnh) mà sanh ra. Ở đây hành giả đạt được niềm vui trong ngoài nhờ xa lìa mọi cảm giác do trần cảnh mang lại. Niềm vui do xa lìa trần cảnh này là bước đầu giải thoát, khác với cảm giác vui mừng do quyến luyến trần cảnh đem đến vốn luôn luôn gắn liền với phiền não, khổ đau và sợ hãi.
- Nhị Thiền: (bước thứ hai). Trong bước này, hành giả đạt đến hỷ lạc nhờ vào sức định. Nói khác đi trong bước thứ hai này TẦM và TỨ không còn vai trò nào nữa mà ở đây hành giả nhờ tập trung tư tưởng mà đạt đến Thiền vị "Định Sanh Hỷ Lạc" tức là hỷ lạc do định mà sanh ra.
- Tam Thiền: (bước thứ ba). Trong bước này, hành giả đã đi sâu hơn vào định và đạt đến cái vui huyền diệu nội tâm. Ở đây hỷ không còn nữa. Dung mạo của hành giả tự nhiên, bình thản, không biểu lộ một niềm vui nào, chỉ còn niềm vui sâu kín vô cùng vi diệu dấy lên trong lòng. Ởbước này thiền giả đạt thiền vị "Ly Hỷ Diệu Lạc".
- Tứ Thiền: (bước thứ tư). Ở đây tâm hành giả hoàn toàn thanh tịnh vì đã xả bỏ được vọng niệm. Cả Diệu Lạc cũng không còn nữa. Sau khi xả bỏ mọi vọng niệm, tức phi tư tưởng hành giả đạt đến Thiền vị "Xả Niệm Thanh Tịnh", một chứng đắc cao nhất trong Như Lai Thiền.
Về sau, khi Đại Thừa ra đời, các tổ Đại Thừa đã từ nền tảng của Tứ Thiền mà xây dựng lên Đại Thừa Thiền và khai sinh Tổ Sư Thiền, một tòa lâu đài nguy nga, tráng lệ của Phật Giáo Đại Thừa. Tổ Sư Thiền do Tổ Bồ Đề Đạt Ma du nhập vào Trung Quốc đầu thế kỷ thứ 6, tại chùa Thiếu Lâm trong núi Tung Sơn thuộc tỉnh Hà Nam. Cũng chính từ chùa Thiếu Lâm này, từ Sơ Tổ Đạt Ma đến Lục Tổ Huệ Năng, Thiền tông đã trở thành một hào quang sáng chói của Phật Giáo. Nhiều hành giả Thiền Tông đã đạt đến những kết quả tuyệt vời mà không một ai trong các tông phái của Phật Giáo Đại Thừa sánh kịp. Cho nên văn học Phật Giáo Trung Hoa và Nhật Bổn đều gọi Tổ Sư Thiền là bước siêu đẳng, là thượng tầng, là cực điểm của đạo pháp.
Thiền, phát triển đến giai đoạn này, đã chiếm giữ một vị trí tuyệt đỉnh trong đạo pháp vì hiệu quả to lớn của nó. Hiệu quả ấy sở dĩ có được là vì Thiền tông đã lấy "phi tư tưởng" làm yếu chỉ hành đạo. Như trên nói trong Tứ Thiền, bước thứ tư là bước cao nhất trong Như Lai Thiền, Phật không dạy gì khác hơn là "xả niệm" tức ngưng dứt tư tưởng.
Ngưng dứt được tư tưởng, quét sạch mọi lưu dư của nó, thì nó không còn ngự trị và chi phối tâm tư hành giả làm cho hành giả không thấy được cái tướng chân thật của vạn pháp. Nói một cách khác một khi tư tưởng, tấm màn ngăn che chân lý, không còn thì lập tức hành giả trực ngộ được thực tại. Sự trực ngộ đó mói thật là chân kiến. Mọi loại tri kiến không do trực ngộ mà có đều là tri kiến giả dối, sai lầm, vì bị tư tưởng ngăn che, bóp méo, xuyên tạc.
Chân kiến đi đôi với chân tâm. Chân tâm là cái tâm an nghỉ, tĩnh lặng, sáng suốt. Để đi đến tâm thái này, không cần một hình thức nào, một sự giúp đỡ hay chỉ dẫn nào của bất cứ ai, bất cứ tổ chức nào. Những vị tôn sư không thật cần thiết. Sách vở chẳng còn giá trị. Kiến thức, kinh nghiệm đã tom góp chẳng có hiệu lực gì. Tâm thái ấy đòi hỏi một sự thân chứng, độc hành mà thân chứng. Và một khi đã thân chứng thì cái thân chứng ấy có thể gọi là gì cũng được, ở đây gọi là ĐẠO. Cái thân chứng ấy chẳng thể mô tả, truyền đạt được. Vì vậy mà Lão Tử, Trang Tử mới chủ trương "vô ngôn". Còn Đức Phật sau khi thành ĐẠO đã do dự chẳng muốn mở lời, và Thiền Tông thì chủ trương "bất lập văn tự" và "Dĩ Tâm truyền Tâm", chẳng muốn sử dụng đến văn tự, ngôn từ.
Cái mà Thiền giả bắt gặp ấy chẳng phải là cái gì xa lạ mà chính là cuộc sống, cuộc sống thế gian, cuộc sống giữa chợ đời. Đúng thế "sống là ĐẠO, ngoài ra không có ĐẠO nào khác. ĐẠO nào khác đều tìm thánh mà bỏ phàm, đều ham ngộ mà ghét mê, đều bỏ đời mà cầu ĐẠO, đều tự trói buộc mình". Chính cuộc sống là Niết Bàn, là cõi giải thoát nếu ta biết sống trọn vẹn với nó.
Đúng vậy, sống trọn vẹn với cuộc sống trong ngoài là chìa khóa, là yếu chỉ hành Thiền. Vì vậy Đức Phật truyền dạy suốt 45 năm, đến khi sắp viên tịch Ngài chỉ trăn trối các đệ tử nên hành "Tứ Niệm Xứ". Hành Tứ Niệm Xứ (bốn trong 37 phẩm trợ đạo) là sống trọn vẹn với cuộc sống trong ngoài, là phi thời gian là phi tư tưởng vậy. Thiền tông đã nắm được cái rốt ráo trong lời trăn trối của Phật, nên mới đưa ra khẩu hiệu hành Thiền là vô niệm, hay vô tâm, hay phi tư tưởng, "Phi tư tưởng tức tọa Thiền chi yếu dã". Nhờ vậy, Thiền đã đạt những hiệu quả sáng chói. Thiền được coi là thượng thừa, nghĩa là một cỗ xe tối thượng đi thẳng vào nước Phật, vì Thiền chủ trương chỉ thẳng vào nơi tánh, thấy thẳng được nơi tâm, để tức khắc thành Phật. Vì vậy mới nói Thiền là con đường ngắn nhất, để đi tới giải thoát, một con đường-không-đường, con đường phi tư tưởng. Cứ phi tư tưởng nghĩa là cứ sống trọn vẹn với hiện tiền tức với cuộc sống thì lập tức phiền não, khổ đau, và sợ hãi tự nhiên tan biến và Thiền giả đạt ngay đến Thiền vị "xả niệm thanh tịnh".
Ngài J. Krishnamurti cũng nói: "When you understand the structure of your daily living with its competition, greed, ambition, and the search for power then you will see not only the absurdity of theories, of saviours, and gurus, but you may find an ending to sorrow, an ending to the whole structure which thought has put together. The penetration into and the understanding of this structure is meditation".
Tôi xin phỏng dịch như sau:
"Khi bạn thấy biết đầy đủ, cuộc sống hàng ngày của bạn, với mọi cạnh tranh, tham lam, khát vọng và sự sục sạo mưu tìm quyền lực, thì bấy giờ bạn không những sẽ nhận ra sự vô bổ của các giáo thuyết, của các đấng cứu nhân độ thế, cũng như của các đạo sư, mà bạn còn bắt gặp sự chấm dứt mọi phiền não, sự chấm dứt toàn bộ cái cơ cấu mà tư tưởng đã vun trồng xây dựng nên. Sự thấu triệt cơ cấu này chính là thiền vậy".
Như vậy theo Ngài J Krishnamurti thì hành Thiền cũng chỉ là sự thấy biết đầy đủ cuộc sống hàng ngày với mọi cạnh tranh, tham lam, khát vọng hay nói khác đi, hành Thiền là thấu triệt tư tưởng của mình. Tư tưởng một khi được thấu triệt thì nó tự nhiên ngưng dứt. Vì vậy, lại một lần nữa Ngài J Krishnamurti khẳng định: "Meditation is the ending of thought".
Còn Tổ Bồ Đề Đạt Ma thì nói:
"Thấy thẳng tánh mình thì gọi là thiền. Nếu chẳng thấy tánh mình, tức không phải thiền vậy. Dầu có nói được ngàn kinh, muôn luận mà không thấy tánh thì vẫn là phàm phu, chẳng phải là pháp Phật".

"Chỉ cần thấy tánh thì dầu không biết một chữ vẫn được ĐẠO. Thấy tánh tức là Phật. Phật là tiếng của nước Tây Thiên Trúc (Ấn Độ). Tại đây (Trung Quốc) gọi là giác tánh. Giác tức là linh giác, ứng đối với cơ duyên, tiếp xúc với sự vật (ứng cơ tiếp vật). Ngẩng mày, nheo mắt, cử động chân tay đều là do tánh linh giác của chính mình.
Tánh tức tâm
Tâm tức Phật
Phật tức ĐẠO
ĐẠO tức Thiền"

(Trích trong thiên “Huyết Mạch Luận” của sách “Sáu Cửa Vào Động Thiếu Thất”)

Cách nhau trên dưới 15 thế kỷ, hai vị thầy vĩ đại này (Ngài J. Krisnamurti và Tổ Bồ Đề Đạt Ma) cũng chỉ dạy rằng thiền là sự tỉnh giác trước cuộc sống, không tỉnh giác không phải là thiền dù đi, đứng, nằm, ngồi gì cũng vậy.
Sự tỉnh giác trước cuộc sống trong ngoài thường nhật ấy Đức Phật gọi là Chánh Niệm. Ngài J. Krisnamurti gọi là "Constant Awareness". Sự tỉnh giấc ấy không cần ai dạy dỗ, chỉ bảo. Sự tỉnh giác ấy không đòi hỏi thủ tục, hình thức hay phương pháp nào. Nó vốn đơn giản vậy. Chỉ có con người mới mưu toan phức tạp hóa nó. Mọi phức tạp hoá ấy đều không cần thiết.
Về lý thì Thiền chỉ đơn giản như thế, nhưng về sự, tức hành Thiền một cách miên mật, tinh tấn, không sao lãng, không loi lỏng lại không phải là chuyện dễ dàng, đơn giản. Chắc chắn một khi hành Thiền, các hành giả sẽ thấy rõ điều này. Nhưng dù có chưa hành Thiền được đến mức miên mật, tinh tấn, thì hành giả cũng sẽ thân chứng một điều là hễ hành Thiền tức sống trọn vẹn với cuộc sống trong ngoài thì lập tức có Niết Bàn, còn hễ mắc kẹt vào thời gian, nghĩa là rời bỏ hiện tiền, thì lập tức tư tưởng xuất hiện và địa ngục tức thì mở cửa. Niết Bàn và địa ngục rõ ràng là không có khoảng cách, không có ranh giới. Niết Bàn đấy, mà địa ngục cũng đấy.
Sống trọn vẹn với cuộc sống có nghĩa là chú tâm theo dõi mọi hoạt động của thân, khẩu, ý. Cuộc sống này không đòi hỏi một cố gắng nào. Vì có cố gắng là có mặt của tư tưởng và cuộc sống sẽ mất vẻ hồn nhiên. Mà hồn nhiên lại chính là Đạo, "bình thường tâm thị Đạo".
Cũng lại không nên có một sự tập trung nào. Vì có tập trung (concentration) tất có loại trừ. Có loại trừ tất có đối kháng, xung đột. Tâm của Thiền giả chân chính phải là cái tâm tự nhiên, nhi nhiên, thoát ly hoàn toàn mọi xung đột, đối kháng.
Một khi đã thoát vòng chi phối của thời gian, thì tư tưởng tự nhiên ngưng dứt, và hành giả lập tức giải thoát, giải thoát hoàn toàn. Tư tưởng ngưng dứt thì thần lực được bảo tồn, vì phiền não, khổ đau và sợ hãi, những yếu tố làm xói mòn thần lực con người, không còn nữa. Thần lực được bảo tồn và tích tụ đến mức nào đó, thì trí huệ bát nhã bừng khai với tất cả cái vẻ linh diệu tròn đầy của nó. Phật học gọi nó là "thật tướng bát nhã". Trí huệ ấy thanh tịnh và sáng soi. Diệu dụng của sáng soi ấy, Phật học gọi là "quán chiếu bát nhã". Cái biết của "quán chiếu bát nhã" là cái biết cùng khắp chân chính, nên còn gọi là "chánh biến tri", một cái biết đơn phương, đơn cực (connaissance unilatérale ou unipolaire) cái biết tự có, khác với cái biết song phương, lưỡng cực (connaissance bilatérale ou bipolaire) sặc mùi vay mượn, duyên sanh. Có cái biết ấy, hành giả như một kẻ đui mù, nay bỗng sáng mắt, thoát khỏi cơn trường mộng tối tăm.
Tóm lại chỉ có hành Thiền, nghĩa là chỉ có "thừa" vào cỗ xe tối thượng này, hành giả mới tức thì giải thoát và mới có cơ may bắt gặp cái mà chư Phật, chư Tổ đã bắt gặp. Đó là sự bùng nổ đến kinh thiên động địa, biến hành giả thành những bậc đại giác với trí huệ siêu phàm.

NHI BẤT NHƯỢC