Kính thưa Thầy, sao càng tu tốt, mỗi khi được bạn đạo khen về việc thực hành Pháp của mình, con càng thấy rõ ngã mạn càng lớn khởi lên trong con, thưa Thầy. Con phải tiếp tục kiên trì quan sát để thấy rõ mặt mũi thật, tác hại của nó phải không thưa Thầy.
Thiền Sư Viên Minh: Đúng vậy. Tu chủ yếu là trở về quan sát lại chính mình trong khi tiếp xúc với hoàn cảnh để thấy ra hoạt động của thân (Niệm Thân) và qua đó phát hiện ra những cảm giác (Niệm Thọ), những phản ứng nội tâm (Niệm Tâm) và những diễn biến trong sự tương giao căn-trần-cảnh (Niệm Pháp).
Lẽ ra Niệm Thân là trở về trọn vẹn quan sát thân để phát hiện ra cái sai trong hoạt động của nó. Thân tự nó không sai mà sai là do người ta hành động mà không biết mình đang hành động như thế nào, và nhất là không thấy ra ảo tưởng cho rằng thân đẹp, thân xấu, thân khỏe, thân bệnh, thân của ta, ta đi, ta đứng, ta ăn v.v... Có quan sát để phát hiện ra những sai lầm đó mới trả cái thân về đúng thực tánh của nó, không bị khái niệm, tư tưởng, quan niệm che lấp. Nhưng người ta lại tu theo cách bắt cái thân phải tuân theo cái mà họ cho là đúng, hay bị thuyết phục theo cái đúng của người khác, để rồi tưởng mình đã đúng đã tốt nên sinh ra ngã mạn, mà không biết rằng cái đúng do bản ngã tạo tác thì muôn đời vẫn là sai.
Niệm Thọ cũng vậy. Bình thường người ta gán vào cho cảm giác hoặc cảm xúc diễn ra nơi mình vô số khái niệm, quan niệm, ảo tưởng... như cho cảm giác là, buộc cảm giác phải là hay mong cảm giác sẽ là... hơn là thấy chúng đang là. Lạc và khổ mà người ta cảm nhận phần lớn do ảo tưởng tạo ra hơn là thấy đúng bản chất thật của chúng. Niệm Thọ chính là phát hiện và loại bỏ những cảm nhận sai lầm để trả thọ về cho bản chất trung thực của chúng. Nhưng người ta lại muốn tu để tìm cảm thọ, muốn có cảm thọ tốt hơn, thường hằng hơn, siêu việt hơn... ở tương lai hay ở một nơi nào đó xa xăm trong tưởng tượng. Họ tưởng là đang tu đúng tốt, nhưng đâu biết rằng cái cảm giác họ cho là đúng tốt hơn mà họ cố tìm tòi tạo tác để thỏa mãn cái ngã ảo thưởng đó thực chất vẫn chỉ là loay hoay trong đau khổ triền miên. Lẽ ra họ nên phát hiện những sai lầm đó tốt hơn là mãi mê đi tìm ảo giác lý tưởng, để rồi không thất vọng thì cũng chỉ thêm ngã mạn tà kiếm mà thôi.
Niệm Tâm không phải là trò chơi cút bắt với ý đồ loại bỏ tâm này nuôi dưỡng tâm kia rồi lại đuổi theo tâm nọ để đạt được một trạng thái tốt đẹp hơn, một tâm trạng an ổn hơn, hoặc trang bị cho tâm những yếu tố ngoại lai như là sở cầu sở đắc lý tưởng mà không biết rằng trong tâm vốn đã có đầy đủ những yếu tính hoàn mỹ muôn đời. Cái ngã không ngừng phát ra những khái niệm, tư tưởng, quan niệm chủ quan sai lầm mà tự buộc mình trong vọng tưởng, tà kiến để rồi tạo ra thời gian, nhân quả, phiền não và khổ đau mà che lấp đi cái tâm trong sáng hồn nhiên (pabhassara citta) sẵn có. Niệm Tâm chính là phát hiện ra những sai lầm trói buộc đó để trả tâm về với cái đúng muôn đời của nó. Vậy đừng cố gắng đạt được hay trụ vào một tâm lý tưởng nào, vì tâm quá khứ, tương lai, hiện tại gì cũng không thể nào đắc được, tốt hơn tâm không nên trụ vào đâu. Do đó Đức Phật dạy: "Sống không nương tựa, không bám víu bất cứ điều gì ở đời" (Anissito viharati, natthi loke upadiyati). Khi nghe Đức Phật dạy: "Trong thấy chỉ có thấy, trong nghe chỉ có nghe, trong xúc chỉ có xúc, trong biết chỉ có biết, không có ai là Bahiya trong quá khứ, hiện tại, vị lai", ông Bahiya liền trở về với Tánh Giác Vô Sanh, Bất Tử.
Niệm Pháp không phải để xác định pháp là hữu hay vô, thường hay đoạn, khổ hay vui... để chọn lựa lấy bỏ. Con người gán cho pháp vô số những quan niệm mà Đức Phật tóm gọn trong 62 tà kiến về Pháp và Ngã hay nói cách khác là về nhân sinh quan và vũ trụ quan. Những quan niệm này dù hay cách mấy thì cũng vẫn chỉ là những trói buộc con người trong phiền não khổ đau gọi là chấp ngã chấp pháp. Thực ra chấp pháp chính là chấp ngã, và chấp ngã cũng chính là chấp pháp, bởi vì ngã pháp trong vọng tưởng đâu có gì khác biệt, chỉ tại phân chia mà có thôi. Niệm pháp chính là thấy ra sự sai lầm chủ quan trong mối quan hệ ràng buộc chằng chịt của ngã với pháp, của ta với người để trả lại cho sự tương giao tự nhiên giữa muôn loài vạn vật. Thấy ra những che lấp (5 triền cái), thấy quá trình hình thành kinh nghiệm của bản ngã (5 uẩn), thấy những phát sinh trong sự tiếp xúc căn trần (12 xứ), thấy những yếu tố giác ngộ có sẵn bên trong (7 giác chi) và thấy ra Sinh Tử và Niết-bàn (Tứ Diệu Đế). Nghĩa là phát hiện cái sai trong vô minh tà kiến để trả pháp về với tự tánh muôn đời của nó, chứ không để bản ngã lăng xăng lập ra cái gọi chân pháp trong ảo tưởng vọng thức.
Tóm lại, đừng tìm kiếm, rèn luyện, tạo tác hay dựng lên cái đúng như mình nghĩ, mà chỉ phát hiện cái sai trong nhận thức và hành vi thì cái đúng liền hiển hiện. Cái sai vốn là vọng, mà vọng thì không thực, nên chỉ cần không sai thì chân lý muôn đời vẫn vậy.