Đời sống là kinh nghiệm , kinh nghiệm trong tương giao – mình không thể sống trong cô lập ; vì thế, đời sống là tương giao và tương giao là hành động. Làm thế nào mình có thể có được khả năng hiểu được tương giao, tức là đời sống ? Phải chăng tương giao chẳng những nghĩa là giao cảm với người đời mà còn có nghĩa thân thiết thâm trầm với những sự vật, và những ý tưởng ? Đời sống là tương giao được diễn tả qua cách tiếp xúc với những sự vật, với người đời và với những ý tưởng. Khi hiểu được niềm tương giao, chúng ta sẽ có khả năng đón gặp đời sống một cách trọn vẹn, một cách thích đáng.
Vì thế vấn đề chúng ta không phải khả năng – vì khả năng không độc lập, không đứng bên ngoài tương giao – mà tinh thần giao cảm lý hội ý nghĩa của sự tương giao, sự giao cảm lý hội ấy hiển nhiên sẽ tạo ra khả năng uyển chuyển nhanh nhẹn, điều chỉnh nhanh chóng, đáp ứng mau lẹ.
Cố nhiên tương giao là mặt kính mà các ngài tự soi để thấy bản thể các ngài. Không tương giao, các ngài không thể hiện hữu được ; hiện hữu có nghĩa là liên hệ ; liên hệ có nghĩa là hiện sinh. Các ngài chỉ hiện sinh trong tương giao ; nếu không thế, các ngài không hiện sinh được, cuộc hiện sinh mất hết ý nghĩa. Không phải vì các ngài nghĩ rằngcác ngài hiện hữu là các ngài hiện sinh được. Các ngài hiện sinh bởi vì các ngài sống trong tương giao liên hệ ; vì mất sự lý hội về ý nghĩa của tương giao cho nên mới phát sinh sự xung đột tương tranh.Thực trạng hiện nay là chúng ta không hiểu được tương giao, vì chúng ta chỉ dùng tương giao như một phương tiện để tiến thân thành đạt, biến đổi, trở thành một cái gì đó. Nhưng tương giao là một phương tiện để tự khám phá, vì tương giao là hiện thể ; tương giao là hiện sinh. Không có tương giao tôi không hiện hữu được. Muốn tự hiểu mình tôi phải hiểu tương giao. Tương giao là một lăng kính có thể bị méo mó sai lạc, hoặc cũng có thể soi đúng sự thực, phản chiếu đúng hiện thể . Nhưng phần đông chúng ta , trong khi soi kính, chỉ thấy trong tương quan những điều gì mình thích muốn thấy, chứ không chịu thấy sự thực đang là , đang hiện thể. Chúng ta thích muốn lý tưởng hóa thoát ly, ham sống trong tương lai hơn là hiểu tương giao ấy trong hiện tại trực tiếp.
Vậy, nếu chúng ta khảo sát đời sống chúng ta , tương giao chúng ta với người khác, chúng ta sẽ thấy rằng đó là một biến trình cô lập hóa. Chúng ta thực sự không chú tâm tới người khác ; mặc dù chúng ta nói nhiều về sự bận tâm ấy. Chúng ta chỉ giữ tương giao với một người nào đó khi nào tương giao ấy thỏa mãn chúng ta , làm hài lòng chúng ta . Nhưng đến lúc xảy ra sự phiền rầy trong tương giao, sự bực bội bất ổn trong tâm thức chúng ta thì chúng ta loại bỏ ngay tương giao ấy. Nói khác đi, chỉ khi nào chúng ta còn thỏa mãn thỏa dạ thì lúc ấy còn tương giao. Điều này có vẻ khó nghe, nhưng nếu các ngài thực sự khảo sát đời sống các ngài một cách gần gũi hơn, các ngài sẽ thấy rằng đó là một sự kiện ; muốn tránh một sự kiện có nghĩa là sống trong ngu muội dốt nát và sự ngu dốt nhất định không bao giờ có thể tạo ra tương giao chân chính. Nếu các ngài nhìn sâu vào đời sống chúng ta quan sát tương giao , chúng ta thấy rằng đó là một tiến trình xây dựng sự chống đối, phản kháng lại người khác, một bức tường kiên cố mà mình dựng lên để nhìn xét người khác ; nhưng chúng ta vẫn luôn luôn giữ lại bức tường và núp đàng sau nó, đó có thể là bức tường tâm lý, bức tường vật chất, bức tường kinh tế hay bức tường quốc gia. Khi mà chúng ta còn sống trong cô lập, ẩn núp đàng sau bức tường thì không thể nào có được tương giao với kẻ khác ; chúng ta sống bưng bít bởi vì điệu sống ấy dễ mang đến thỏa mãn cho chúng ta hơn, chúng ta nghĩ rằng sống như vậy an ổn, an toàn hơn. Thế gian này quá phân tán, quá nhiều thống khổ, quá nhiều đau đớn , chiến tranh, tàn phá, khốn cùng, đến nỗi chúng ta muốn trốn thoát và sống ẩn núp trong những bức tường an toàn của bản thể tâm lý. Vì thế, đối với hầu hết chúng ta , tương giao thực ra chỉ là một tiến trình cô lập hóa, cố nhiên tương giao đại loại như thế chỉ xây dựng nên một xã hội cũng mang tính cách cô lập hóa như vậy. Đó là đúng như những gì đang xảy ra hiện nay ở khắp thế giới : các ngài ở lì trong sự cô lập hóa của các ngài và chìa tay với qua bức tường rồi gọi đó là chủ nghĩa quốc gia, tình huynh đệ hay bất cứ danh hiệu nào khác, nhưng trong thực tế thì chính thể tập quyền, những quân đội vẫn tiếp tục hiện hữu. Khi hãy còn đeo níu vào những giới hạn riêng tư, các ngài nghĩ rằng các ngài có thể tạo ra sự thống nhất thế giới, hòa bình thế giới – việc ấy không thể nào thực hiện được nếu mình còn bị vướng trong những giới hạn riêng lẻ. Khi mà các ngài còn có một biên giới, dù là biên giới quốc gia, kinh tế, to6n giáo hay xã hội thì sự kiện vẫn hiển nhiên là không thể nào có được hòa bình ở thế giới.
Tiến trình cô lập hóa là một tiến trình tìm kiếm quyền thế, không cần phân biệt tìm kiếm quyền hành cá thể hay quyền thế cho chủng loại hoặc tập đoàn quốc gia, tiến trình này vẫn luôn luôn là chủ trương phân ly. Đại để, đó là điều mỗi người đều muốn như vậy, phải thế không ? Hắn muốn một địa vị đầy quyền thế để hắn có thể cai trị điều động, không phân biệt là ở trong gia đình, trong văn phòng, hoặc trong một chế độ quan lại. Mỗi người đều tìm kiếm quyền hành ; và khi tìm kiếm quyền hành, hắn sẽ thiết lập một xã hội xây dựng trên quyền hành, thuộc phạm vi quân sự, kỹ nghệ, kinh tế, vân vân – điều này thực quá hiển nhiên. Phải chăng lòng khát khao quyền thế trong tự bản chất, đã mang tính cách cô lập ? Tôi nghĩ rằng hiểu được như vậy là một điều vô cùng quan trọng, bởi vì kẻ muốn có được một thế giới hòa bình, một thế giới tuyệt dứt mọi chiến tranh, mọi sự phá hủy khủng khiếp, dứt hết nỗi khốn cùng tàn khốc lan rộng đến mức vô lượng, thì kẻ ấy phải hiểu được vấn đề căn bản này, phải thế ? Một người nào giữ được tình người, có lòng ưu ái cao đẹp, không bao giờ có cảm thức gì về quyền hành ; người ấy không thể nào bị ràng buộc với bất cứ quốc gia nào, với bất cứ lá cờ nào . Kẻ ấy không bao giờ có một lá cờ nào cả.
Không thể nào có chuyện sống cô lập được – không có quốc gia nào, không có dân tộc nào, không có cá thể nào có thể sống trong cô lập ; tuy nhiên, vì các ngài đang tìm kiếm quyền hành thế lực trong quá nhiều đường lối khác nhau, cho nên các ngài đã gây ra sự cô lập. Người theo chủ nghĩa quốc gia là một tai ương, tai họa, vì hắn tạo ra một bức tường cô lập qua tinh thần ái quốc, tinh thần quốc gia cực đoan của hắn. Hắn đồng hóa với quốc gia hắn đến nỗi tạo ra một bức tường ngăn cách chống đối lại một quốc gia khác. Khi các ngài xây dựng một bức tường để ngăn chận cái gì đó thì những gì sẽ xảy ra ? Điều các ngài ngăn chận sẽ luôn luôn là điều tấn công, đập phá thường xuyên vào bức tường các ngài. Khi các ngài chống đối một cái gì đó, chính sự chống đối ấy chứng tỏ rằng các ngài đang xung đột với một người khác. Do đó, chủ nghĩa quốc gia, tức là một tiến trình cô lập, tức là hậu quả của việc tìm kiếm quyền hành, không thể nào đem đến hòa bình cho thế giới được. Kẻ nào là một người theo chủ nghĩa quốc gia mà vẫn nói về tình huynh đệ thì vẫn là một kẻ nói dối ; kẻ ấy đang sống trong trạng thái mâu thuẫn.
Mình có thể nào sống trên cuộc đời này mà không còn khát vọng quyền hành, thế lực, địa vị, thị uy ? Cố nhiên là mình có thể sống được như vậy . Mình chỉ có thể sống trên đời mà không còn khát khao những thứ đó, chỉ khi nào mình không còn tự đồng hóa với một cái gì to lớn hơn mình – như đảng phái, quốc gia, chủng tộc, tôn giáo, Thượng đế – chỉ là sự tìm kiếm quyền hành thế lực . Bởi vì trong tâm tư, các ngài cảm thấy trống rỗng, chán chường, yếu đuối ; các ngài liền muốn tự đồng hóa với một cái gì cao siêu, cao cả hơn mình. Lòng khát khao đồng hóa này chỉ là lòng khát khao quyền lực.
Tương giao là một tiến trình tự khai phát ; khi mình không tự hiểu mình, không hiểu được những đường lối tế nhị của tâm trí, mà lại chỉ lo thiết lập một trật tự bên ngoài, một hệ thống, một phương trình xảo quyệt, thì sự thiết lập ấy chẳng có ý nghĩa gì đáng kể. Điều quan trọng nhất vẫn là tự hiểu mình trong tương giao với một người khác. Lúc ấy, tương giao chẳng phải trở thành một tiến trình cô lập, mà lại là sự vận hành luân chuyển ; trong đó, mình khám phá ra những động lực riêng lẻ, những tư tưởng kín đáo riêng tư, những đeo đuổi riêng biệt của chính mình ; chính sự khám phá này là bước đầu của giải phóng, khởi đầu sự biến chuyển toàn triệt.
Krishnamurti
Trích: CHƯƠNG 14
"Tự do đầu tiên và cuối cùng"