Đông đường, Tây đường tranh nhau con mèo, Thiền Sư Nam Tuyền thấy thế bắt mèo đưa lên nói:
- Nói được là cứu con mèo, nói không được thì chém nó.
Thiền chúng không ai nói được, Sư liền chém con mèo.
Tùng Thẩm về. Sư đem câu nói đó hỏi. Tùng Thẩm cởi giày để lên đầu đi ra. Sư nói:
- Nếu hồi nãy có ngươi thì con mèo đã được cứu rồi.
Câu chuyện đó vẫn còn là một nghi vấn đời này sang đời khác trong nhà thiền. Ai cũng muốn tìm ra yếu nghĩa vì sao Nam Tuyền lại giết mèo.
Nhưng Đạo đâu thể dùng lý trí mà nghi vấn nên càng nghi vấn càng xa. Vấn đáp cơ phong chỉ để trắc nghiệm xem người thiền có đang “cước căn điểm địa” không mà thôi. Nếu đã “điểm địa” thì không đâu không phải là Đạo, bằng không thì lý trí đành hoang mang ngơ ngác chẳng thể nào nói được một lời khế hợp. Còn một khi đã khế hợp thì im lặng hay nói bất cứ điều gì cũng đều khế hợp.
Thế còn Tùng Thẩm đội giày lên đầu thì sao, nói đi?
Đạo chẳng thể học bằng thân, bằng tâm hay bằng trí. Chiếc xe chạy không thể chạy bằng tay lái, bằng bánh, bằng khung,... hay bằng người lái. Không thể tách riêng cái toàn thể rồi chỉ ngộ một phần là đủ, vì chỉ có giác ngộ trong sự tương giao (tâm lý, sinh lý, vật lý, nội và ngoại) chứ không thể giác ngộ cá biệt, đơn phương hay phiến diện.
Ngộ tánh ngộ tâm ư? Sao lại tách rời thân với tâm, tánh với tướng, thể với dụng? Không có ngộ chung cũng chẳng có ngộ riêng, nên Đức Phật đã dạy “không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng”. Và Ngài dạy tiếp: “Kẻ nào không còn thấy có bên này, bên kia và cả hai, người ấy thoát ly phiền não, Như Lai gọi đó là Phạm Chí” (Dh. 385).
Vậy ngộ thì phải “ngộ nguyên con”, hồc là “không chấp thủ bất cứ điều gì ở đời”(Sabbe dhammà nàlam abhinivasaya).
Lấy trái táo còn phải lấy “nguyên con” huống chi là học đạo .
Người ta không biết rằng ai cũng có sẵn thần thông diệu dụng, nên cứ mãi lo đi tìm diệu dụng thần thông, không hề quan tâm sử dụng kho tàng khả năng quý báu của mình.
Khi bại liệt mới biết chân đi là thần thông, khi nhắm mắt mới hay cái nhìn là diệu dụng. Chỉ riêng bàn tay của con người đã đa năng đến nỗi chưa robot điện tử nào thực hiện được khả năng tương tự. Người ta chưa khám phá hết tiềm năng của con người đã vội muốn thành tiên, cũng như chưa hiểu hết trái đất đã mong chinh phục các vì sao. Đó là bệnh “đứng núi này trông sang núi nọ”.
Quyền năng đó là một trong những khuynh hướng tính dục của bản ngã. Những người cố gắng tao luyện thần thông, nói là để có phương tiện độ đời, trên thực tế chỉ là vị ngã. Nếu đã giác ngộ thì mọi phương tiện sẵn có đều là thần thông diệu dụng, chẳng cần thêm bớt, chẳng cần lấy bỏ. Hét, đánh, bửa củi, gánh nước, đi đứng, nằm ngồi,... há chẳng phải là phương tiện độ đời thiện xảo của các vị Thiền Sư đó sao?
Người tu hành cứ loay hoay đi tìm một cái gì đó để đạt đến, vì chưa thấy ra “xương tủy” của mình. Pháp vốn biến hóa vô cùng, tâm giác ngộ cũng phải vô cùng biến hóa mới có thể hài hòa với nhịp sống linh động hồn nhiên.
Tịnh hay động cũng là phiến diện. Không ai có thể động không mà chẳng tịnh, cũng không ai có thể tịnh không mà chẳng động. Nắm cái này bỏ cái kia, suốt đời lăng xăng qua lại nên chẳng có lấy một phút giây an ổn trong sáng thì làm sao có thể tự tại hồn nhiên “hòa kỳ quang, đồng kỳ trần” cho được?
Hễ mở miệng nói câu “làm sao để được” là còn xa ngàn dặm mất rồi.
Làm sao để được thành chánh quả
Cứ loay hoay tính chuyện ngoài da
Nơi sinh tử muôn đời phước họa
Sao chẳng dừng ngàn dặm bôn ba?
Phương tiện
Pháp môn tu nào cũng chỉ là phương tiện, có giá trị như phương thuốc chữa bịnh, ai có bịnh thì dùng, ai không bịnh thì thôi. Người tu pháp môn này, kẻ tu pháp môn khác, đó là vì tùy bịnh mà chữa. Không phải ai không tu pháp môn của mình đều là sai cả.
Người mắc bịnh phải uống thuốc, cần uống đúng giờ giấc liều lượng và chừng nào hết bịnh thì thôi, uống hoài chỉ sinh bịnh khác.
Uống thuốc là việc bất đắc dĩ, chẳng có gì đáng hãnh diện với phương thuốc này hay phương thuốc nọ. đáng lẽ phải thẹn vì phải uống thuốc thì đúng hơn. Cũng như người ghiền thuốc lá, khi muốn bỏ phải dùng kẹo để cai, khi bỏ được cũng chẳng hơn chi người không hút, huống hồ là kiêu căng với thứ kẹo để cai. Hoặc bỏ thuốc rồi ghiền kẹo thì đúng là “đoạn trừ phiền não trùng tăng bịnh”.
Pháp môn tu là thuốc chữa bịnh phiền não, trong phiền não, ngã mạn là bịnh lớn, chữa phiền não sao lại để ngã mạn lớn hơn? Cho nên Kinh dạy: “Pháp như người đưa thuyền qua sông, pháp còn phải bỏ huống là phi pháp”.
Thờ cúng Thờ cúng chỉ mang tính cách tượng trưng, thế rồi những tôn giáo cổ xưa đã biến thành những nghi lễ huyền bí và những buổi hiến tế phức tạp..., tưởng qua đó họ có thể được cứu rỗi. Nhưng Đức Phật xem đó chỉ là giới cấm thủ (mê tín, dị đoan, hình thức ràng buộc), và Ngài dạy rằng chỉ có sống đúng pháp (Dhammànudhammà patipanno vihàrati) mới là tôn kính, cúng dường, lễ bái Như Lai một cách cao thượng. Xưa có một người xuất gia theo Phật chỉ mong hàng ngày được lễ bái và chiêm ngưỡng 32 tướng tốt của Ngài. Đức Phật trách: “Dẫu cho hàng ngày con có nắm chéo y Như Lai và bước theo từng dấu chân của Như Lai thì cũng vẫn xa Như Lai vời vợi. Người nào sống đúng Pháp mới gọi là gần gũi, cung kính, lễ bái, chiêm ngưỡng Như Lai một cách chân chính”. Hàng ngày sống bên Đức Phật, lễ bái, chiêm ngưỡng và đặt trọn niềm tin ở Ngài vẫn còn bị Ngài khiển trách, huống nữa chỉ biết lễ lạy, tụng đọc trước tượng Phật bằng đá để cầu xin cứu độ thì muôn đời cũng không bao giờ nếm được chút hương vị giác ngộ giải thoát. Tin tưởng, lễ bái, cung kính, chân thành, tri ân, tinh khiết,... là những nhân tố của phương tiện thờ cúng, nhờ đó đem lại hạnh phúc, hân hoan, thái hòa, an lạc,... cho những kẻ sơ cơ. Nhưng cho đến một lúc nào đó phải biết thoát ra khỏi phương tiện, vì dù tin Phật dưới bất cứ hình thức nào cũng đều phải tự mình sống đúng chân lý, nếu không thì muôn đời vẫn như lão ăn xin với con cá rô cây vô vị. |
Pháp vốn đầy đủ mọi điều, không phải chỉ có tịnh mà không động, hữu mà không vô, tánh mà không tướng, thế mà không dụng... Có người nọ được giao cho “ngôi nhà pháp” đầy đủ mọi thứ tiện nghi. Nhưng anh lại bị bịt mắt, chẳng thấy thứ gì nên đi đâu đụng đó. đụng trên đầu thì lo tránh chỗ cao, đụng dưới chân thì ngại ngùng chỗ thấp, đụng dao thì đứt, đụng lửa thì phỏng,... nên đối với anh mọi vật chỉ là tai họa ! Anh bèn nghĩ “bây giờ cứ ngồi một chỗ là tốt nhất” . Nhưng ngồi mãi cũng có cái khổ của ngồi, lại còn cần phải uống, phải ăn, phải tiểu, phải đại, ... ngồi hoài sao được. Thế rồi anh lại đứng dậy đi, đi thì lại đụng. Lần này anh tự nhủ: “À, phải rồi, bây giờ mình dẹp hết mọi thứ là yên” . Thế là đụng gì anh dẹp nấy, trong nhà rộng rãi mọi thứ trống trơn. Chưa kịp hân hoan thì bụng đói, nhưng cơm đâu có mà ăn, nước đâu mà uống, mệt lả chẳng có giường mà nằm, lạnh queo chẳng mền đâu mà đắp. Té ra ngôi nhà trống trơn lại càng thêm khổ. Anh lại nghĩ “thôi mình bỏ nhà này đi tìm nhà khác”. Cuối cùng anh cũng mò mẫm đến được ngôi nhà bên cạnh. Nhưng khi đến nơi mọi việc cũng hoàn như cũ. Anh thở dài ảo não, thất vọng chán chường, khóc lóc thảm thiết. Ý nghĩ cuối cùng đến với anh là “chỉ còn tự tử là xong” . Có kẻ sáng mắt đi qua, lấy làm lạ gạn hỏi. Anh kể lể đầu đuôi tự sự. Người sáng mắt nói: “Tránh mọi vật hay bỏ chúng đi, ra khỏi nhà hay toan tự tử phỏng có lợi ích gì ? Chỉ vì anh bị bịt mắt mà không thấy, chứ mọi vật đâu có tội tình gì, sao không chịu mở mắt ra mà lại ngồi than oán ?”. Chúng sanh cũng thế, sợ động tìm tịnh, chán tịnh tìm động, lấy tánh bỏ tướng, tránh thể tìm dụng,... đều y như vậy. Nói là thể nhập vạn pháp mà lại bắt vạn pháp chìu theo ý mình. Pháp vốn không sai không đúng, vì chấp THỂ mà thành ra chơn, giả. Pháp cũng không sạch không dơ vì chấp TƯỚNG mà hóa thành xấu, đẹp. Pháp lại chẳng hay, chẳng dở vì chấp DỤNG mà biến thành thiện, |
Nghe Pháp thuyết
Thuyết pháp tức là dùng ngôn ngữ để chỉ bày chân lý. Đức Phật thấy chân lý bằng tuệ giác chứ không qua ngôn ngữ của lý trí. Chân lý thuộc về đệ nhất nghĩa đế (paramattha), còn ngôn ngữ thuộc về chế định của tục đế (pannatti). Nhưng chúng sanh không thấy được chân lý nên Đức Phật phải dùng ngôn ngữ để chỉ bày. Người nghe thuyết pháp không nên lệ thuộc vào ngôn ngữ mà chỉ nương ngôn ngữ để thấy chân lý. Người ta thường lắng nghe người thuyết pháp và ngôn ngữ người ấy thuyết để tìm ra một ý nghĩa cao siêu nào đó chứ không chịu lắng nghe chính “cái pháp” mà ngôn ngữ ấy chỉ bày.
Chân lý tự nó luôn luôn hiển hiện sự thật mà không cần ngôn ngữ, đó là cách mà chân lý (pháp) tự thuyết minh chính mình. Ai biết lắng nghe sự tự thuyết ấy của chân lý, người ấy biết nghe pháp thuyết vậy.
Pháp trong Đạo Thiên Chúa gọi là Đức Chúa Cha. Còn Đức Chúa Con sở dĩ được gọi là Ngôi Lời vì Ngài chỉ bày sự có mặt của Đức Chúa Cha. Đó chính là thuyết pháp. Đức Chúa Thánh Thần thì có nhiệm vụ mặc khải sự có mặt của Đức Chúa Cha, không bằng ngôn ngữ như Đức Chúa Con, mà bằng cách hiện ra hình ảnh để từ đó người ta có thể nhận diện được Đức Chúa Cha. Đó chính là pháp thuyết.
So sánh với Phật Giáo, Đức Chúa Cha là Pháp Tánh, Đức Chúa Con là người giác ngộ và chỉ bày Pháp Tánh. Đức Chúa Thánh Thần là hiện tướng của Pháp vậy.
Trích: " Vi tiếu"