Những bài Pháp ngắn (4) [THẦY VIÊN MINH]






Được làm Người

Dân số loài người tăng thực ra không đáng kể, và đó chỉ là sự chuyển đổi cõi giới của chúng sinh trong Vũ trụ bao la này mà thôi. Chúng sinh tuỳ theo duyên nghiệp mà điều tiết sự sinh trưởng ở cõi này hay cõi khác. Ví dụ Chư Thiên sinh xuống, quỷ thần sinh lên làm người, do đó loài người có thể Tăng, hoặc chiến tranh, thiên tai... làm loài người có thể giảm, việc tăng giảm chỉ là hiện tượng trên trái đất chứ không phải trên toàn vũ trụ, do đó khó mà kết luận được.
Sinh làm người là khó ở đây ý muốn nói làm người là cơ hội hiếm có để thực hiện bài học giác ngộ, đừng nên để mất cơ hội đó. Cõi thấp hơn thì khổ đau nhiều quá, cõi cao hơn thì sung sướng nhiều quá nên khó học được bài học điều chỉnh nhận thức và hành vi như cõi người - nơi có cả khổ lẫn vui, cả thiện lẫn ác cho sự học tập tôi luyện. Nếu có nhiều chúng sinh hội đủ điều kiện "tuyển sinh" thì được tuyển làm người để hoàn thành bài học giác ngộ của mình, do vậy số người có thể đông hơn là chuyện bình thường.


***
Loài người muốn sống và để duy trì phát triển sự sống đó bằng cách sát hại những sinh vật, khai thác khoáng vật nào có lợi và tiêu diệt những gì có hại để nuôi dưỡng và bảo vệ sự sống của mình. Đó là "lý của kẻ mạnh luôn luôn thắng" và cũng chính vì sự độc tài bất công này mà trái đất của chúng ta đang mất thăng bằng và suy thoái trầm trọng. Chính trong khi tham lam vơ vét vào cho sự sống của mình thì loài người không biết rằng "bệnh tùng khẩu nhập" nên cũng rước vào vô số nguyên nhân của sự tử vong! Nghĩa là loài người vì sự tồn sinh mà đang tự dẫn mình vào tiến trình của sự... hủy diệt!

***
Lời Phật dạy đôi lúc bị diễn dịch ra thành ý khác. "Được sinh làm người là khó" vì đó là cơ hội tốt nhất để học bài học giác ngộ, chứ không phải có ý đề cao con người là "tối linh ư vạn vật". Chấp thân là ta mới khổ nên cái khổ thuộc về tâm chứ không phải có thân là khổ, thân tự nó không biết khổ. Kẻ thù lớn nhất đời người là cái ta ảo tưởng chứ không phải là chính mình. Đức Phật còn dạy: "Chính mình là nơi nương nhờ của mình chứ không ai khác" (Attà'hi attano nàtho, ko hi nàtho parosiyà). Do đó khi học đạo đừng vội tin mà phải kiểm chứng lời nói xem có đúng với sự thật không mới được.



                              

Thông minh và Trí Tuệ

Đôi lúc trí thông minh và trí tuệ được dùng đồng nghĩa trong văn hóa phổ thông. Tuy nhiên, trí thông mình hay trí tuệở ngoài đời, là khả năng hiểu biết nhanh nhẹn, tinh tế, rõ ràng và khôn ngoan, thuộc lãnh vực ý thức của lý trí phân tích biện luận, gọi là thế trí biện tài, phần nhiều được ứng dụng trong phương diện tục đế, với những khái niệm chế định hay quy ước do con người đặt ra. Ví dụ như thông minh trong ứng xử, tranh biện, kỷ thuật, học tập v.v...

Còn trí tuệ được dùng trong thuật ngữ Phật giáo thì tuy cũng có hàm nghĩa thông minh nhưng thuộc lãnh vực trực giác của tánh biết rỗng lặng trong sáng, là khả năng thâm nhập trực tiếp vào thực tánh chân đế (vượt ngoài khái niệm chế định của tục đế), cụ thể được biểu hiện qua chánh kiến và chánh tư duy. Trí tuệ (của tánh biết trong sáng vô vi, vô ngã và tự nhiên) này có hai tác dụng: Một là hóa giải cái ta ảo tưởng, hai là thể nhập thực tánh Chân Đế hay Niết-bàn.

                  

Ăn Ngủ

Ăn ngủ đương nhiên phải điều độ mới tốt, ăn ngủ không đúng, như quá nhiều hay quá ít, tất nhiên có hại cho thân tâm. Không có một quy định nào về mức độ ăn ngủ cho mọi người, mỗi người phải tự biết điều chỉnh nhận thức và hành vi trong lãnh vực ăn ngủ của bản thân mình. Những điều con chiêm nghiệm đang dần dần mở ra cho con nhận thức đúng về ăn ngủ. Con nên thận trọng chú tâm quan sát để học ra bài học rất gần gũi và thiết thực này. Trải nghiệm, chiêm nghiệm, thể nghiệm đời sống là quá trình chứng nghiệm sự thật, đó là một quá trình khám phá đầy hứng thú mà con không nên bắt chước hay nghe theo chỉ dẫn của bất cứ ai khác.
Ăn ngủ cũng quan trọng nhưng chưa phải là toàn bộ vấn đề cuộc sống. Tâm là yếu tố còn quan trọng hơn nhiều. Nếu tâm con không đủ định tĩnh sáng suốt thì làm sao biết được thế nào là ăn ngủ đúng tốt? Lão Tử nói: "Hư kỳ tâm, thực kỳ phúc, nhược kỳ chí cường kỳ cốt" là đạo dưỡng sinh. Tâm nên rỗng lặng trong sáng (hư kỳ tâm, nhược kỳ chí) thân nên khỏe mạnh điều hoà, ăn ngủ hợp đạo dưỡng sinh (thực kỳ phúc, cường kỳ cốt). Nếu tâm quá lăng xăng với những tham vọng trở thành để đạt được những sở đắc, còn thân mất ăn mất ngủ thì đó là tự mình tạo địa ngục cho mình mà thôi! Đầu-đà (dhutanga) là pháp đối trị tham ăn tham ngủ... và say mê trong phóng dật, chứ không phải là ép xác như pháp tu khổ hạnh của bàng môn, tả đạo.

***
Thân thuộc về quả (vô nhân dị thục), còn tâm tạo tác mới là nhân. Nhân là thái độ (attitude), quả là trạng thái (state), thay đổi thái độ là chính còn trạng thái có thay đổi hay không thì còn tùy trường hợp. Ví dụ một người thamăn nên bị rối loạn tiêu hóa. Rối loạn tiêu hóa là trạng thái, tham ăn là thái độ. Có thể uống thuốc để trị khỏi tình trạng rối loạn tiêu hóa nhưng nếu cứ tham ăn nên phải uống thuốc dài dài làm cho chức năng gan, thận v.v... yếu đi và sinh bệnh. Như vậy là chữa ngọn chứ không chữa gốc, và chữa bệnh này mắc bệnh khác. Nhưng nếu không tham ăn - biết tiết độ trong ăn uống - thì bệnh rối loạn tiêu hóa sẽ tự khỏi. Tuy nhiên trường hợp tham ăn quá lâu, bây giờ đã đưa đến tình trạng ung thư đường ruột, lúc đó dù hết tham ăn thì còn lâu mới lành được bệnh ung thư hoặc lắm khi phải mang bệnh suốt đời cho đến chết. Vậy con thấy nên giải thoát thái độ tâm hay chỉ lo giải thoát trạng thái thân?



        

TÍNH CÁCH

Tính cách được hình thành từ thái độ, nói cách khác tính cách là thái độ đã được khẳng định hay đã tạo thành nếp, và vì vậy chính tính cách của một người tạo ra số phận người đó. Điều này vẫn đúng với nguyên lý nhân (thái độ) quá khứ tạo ra quả (trạng thái) hiện tại, và nhân hiện tại (tính cách hay thái độ) hình thành hậu quả (số phận) tương lai.
Nói cho dễ hiểu, tính cách hay thái độ của một người tạo ra đau khổ, hạnh phúc hay giải thoát cho bản thân người đó. Vậy hậu quả khổ đau giúp cho người ấy thấy ra nguyên nhân của nó và học ra bài học nhân quả để từ đó biết tự điều chỉnh nhận thức và hành vi của mình. Không ai khuyên can tốt hơn là hậu quả của nghiệp. Chỉ những người đã trải nghiệm khổ đau mới biết mình đã sai lầm như thế nào. Phật cũng chỉ khai thì thôi còn Pháp mới là bài học quý giá để mỗi người thấy ra sự thật.



NGHỊCH DUYÊN

Nếu nghịch duyên mà con vẫn sống thuận pháp tức tâm con vẫn sáng suốt định tĩnh trong lành thì mới gọi là tùy duyên thuận pháp.
Không phải dấn thân đi tìm phiền não để tu nhưng con cũng đừng sợ phiền não đến, phải cám ơn nó đến giúp tâm con phát huy tánh biết rỗng lặng trong sáng. Do đó hành giả thiện xảo không sợ phiền não đến, chỉ sợ không đủ trầm tĩnh sáng suốt để thấy ra nó mà thôi. Chống lại phiền não hay muốn được vô phiền không phải là biểu hiện của bản ngã tham sân si hay sao? Chính vì chỗ sai lầm đó mà pháp nghịch mới đang đến giúp con, hãy trân trọng pháp ấy, thái độ đó là yếu tố cực kỳ quan trọng của một hành giả.

***
1) Đúng là khi bất mãn với ngoại cảnh thì tâm thích trú vào sâu bên trong. Ở một mức độ nào đó hay trong một số trường hợp nhất định thì như vậy cũng tốt, nhưng nếu đó là một phản ứng đã trở thành thói quen thì không tốt, vì như vậy là thiếu sự kiên nhẫn để giáp mặt với thực tế, thiếu sự khoan dung để cảm thông với hoàn cảnh và thiếu trí tuệ sáng suốt để thấy ra bản chất thật của thực tại thân tâm cảnh. 

2) Nếu vì người khác là lòng từ, bi, hỷ, xả hay hành động đem lại lợi ích cho người khác mà không vụ lợi thì đó là vô ngã vị tha. Ngược lại, nếu vì người khác là do bị lệ thuộc vào họ hay vì vụ lợi cho cá nhân mình thì đó mới là ích kỷ. Thường biết mình trong sự tương giao với hoàn cảnh xung quanh để phát hiện ra đâu là hữu ngã vị kỷ đâu là vô ngã vị tha cũng chính là đang đi trên đường giác ngộ. Vì vậy, giải thoát là ở trong sự tương giao với vạn pháp mà không bị ràng buộc bởi mối quan hệ chủ quan của những cái ta ảo tưởng.
3) Một hành động vô thức thường xuất phát từ tâm vô nhân dị thục (quả của nghiệp nhân quá khứ) hay nói cách khác là từ tập khí ngủ ngầm mà phân tâm học gọi là một khuynh hướng xung động vô thức xuất phát từ tiềm thức.


Tự biết tự thấy

Pháp tu "Tự biết tự thấy" hay tự tri tự giác (của tánh biết vô ngã chứ không phải cái biết của bản ngã) đúng là cốt lõi của Phật Pháp mà Ngài Hộ Tông, Tổ Phật Giáo Nguyên Thủy Việt Nam, đã tóm kết được toàn bộ tinh hoa giáo pháp đức Phật một cách uyên thâm, tài tình, nhưng vô cùng giản dị để di huấn lại cho hậu thế chúng ta. (Pháp này cũng đã được Đạt-ma xiển dương ở Trung Hoa với Huệ Khả bằng câu nói dung dị: "Đưa tâm ta an cho" thực ra cũng có ý huấn thị rằng hãy trờ về mà tự biết tự thấy đi! Và Huệ Khả đã tiếp thu rất chính xác yếu chỉ nàylà "Liễu liễu thường tri")

Tự biết tự thấy cũng chính là tinh hoa của Kinh Tứ Niệm Xứ hay Thiền Vipassanà, trong đó Phật dạy trở về trọn vẹn soi sáng thực tại thân thọ tâm pháp (trở về = tinh tấn, trọn vẹn = chánh niệm, soi sáng = tỉnh giác) mà sau này tất cả các phái thiền Nam Bắc Tông đều vận dụng từ đây. Bí quyết để vào được pháp tu tự biết tự thấy hay nói cho dễ hiểu là tánh biết tự thấy pháp này là buông cái ta ảo tưởng muốn thấy muốn biết một cách chủ quan rađể cho Danh Sắc tự vận hành (tuệ thấy Danh Sắc là tuệ cơ bản để thật sự vào Tứ Niệm Xứ) thì ngay đó Danh tự thấy Sắc (= Tánh Biết tự thấy Pháp), thoát khỏi mọi ý niệm chế định của cái ta ảo tưởng muốn thấy biết, muốn nắm bắt, muốn đạt được sở cầu của nó.
Sai lầm lớn nhất của người tu thiền là đem cái ta muốn thấy, muốn biết và muốn đạt được ra để giành cho mình sở tri sở đắc vì tưởng chữ tự có nghĩa là tôi nên hiểu thành tôi biết tôi thấy với nỗ lực của cái ta tầm cầu thấy biết để rồi "hủy phần sáng của mình, tự chẻ đầu chính nó" (1) trong cái thấy biết nhị nguyên của năng tri và sở tri. Trong khi đó đức Phật dạy rõ biết chỉ là biết, thấy chỉ là thấy không có cái ta trong đó. Tự ở đây là tự tánh (sabhàva) hay thực tánh pháp vô ngã, do đó buông cái tự ngã lăng xăng tạo tác đi thì thực tánh pháp sẽ tự vận hành một cách hoàn hảo. Toàn bộ pháp tu mà thầy đang hướng dẫn chính là triển khai ứng dụng nguyên lý tự biết tự thấy mà Ngài Hộ Tông đã di huấn cho chúng ta, thầy chỉ đổi lại là tánh biết tự thấy để khỏi hiểu lầm là ta biết ta thấy mà thôi.

(1): Pháp Cú 72:

Quả thật điều nguy hại
Người ngu sinh sở tri (2)
Hủy phần sáng (3) của mình
Tự chẻ đầu chính nó.


(2): Ám chỉ luôn cả sở đắc
(3): Tánh biết rỗng lặng trong sáng của tâm.



                             

Cầu nguyện và hồi hướng


Thành tâm cầu nguyện thì cũng được đáp ứng, tuy nhiên tùy theo tính chất của lời cầu mà người cầu sẽ nhận kếtquả của nó. Nếu lời cầu đúng tốt (thuận pháp) thì kết quả sẽ tốt đẹp, nếu lời cầu không đúng pháp thì sẽ rước lấy khổ đau. Vậy vấn đề không phải là có cầu hay không mà có tùy duyên thuận pháp hay không. Có người hỏi Phật có cần cầu giải thoát hay không. Phật dạy cầu hay không không quan trọng mà quan trọng là có làm đúng hay không. Và Ngài ví dụ: không phải là cầu có sữa bò mà là có vắt sữa đúng vú bò để lấy sữa hay không, nếu cầu sữa bò mà vắt sừng bò thì không bao giờ có sữa!
Ngay cả cầu Chư Phật, Chư Bồ-tát cũng đã sai rồi huống chi cầu Chư Thần. Phật Đạo là Không, Vô tướng, Vô tác, Vô cầu nên Phật dạy sống tuỳ duyên thuận pháp (Dhammanudhamma patipanno viharati) thôi chứ không cầu vì có sống đúng pháp thì tự nhiên được pháp hộ trì rồi (Dhamma dhammacari rakkhati). Nên tập sống vô ngã vị tha hơn là cầu tha lực cho bản thân mình.

***
Hồi hướng là đem tâm lực chia sẻ phước lực đến một hay nhiều đối tượng, như một người thân hoặc tất cả chúng sanh. Điều này giống như mình chia vui với một ai đó. Người được chia vui hoan hỷ theo niềm vui của người chia sẻ gọi là tùy hỷ công đức (Anumodana). Tùy hỷ công đức cũng là một điều phước, do đó người hồi hướng hoan hỷ thì người tùy hỷ cũng hoan hỷ theo, đôi lúc niềm vui của người tùy hỷ còn mạnh hơn cả người hồi hướng nữa, bởi vì điều này dựa vào thái độ tâm của người cho và người nhận. Vậy đem tâm lành hồi hướng phước báuđến người bệnh thì năng lượng ấy sẽ hỗ trợ tinh thần cho người bệnh và giúp người bệnh chóng bình phục. (Thầyđã chứng kiến rất nhiều trường hợp như vậy). Và điều này rất phù hợp luật nhân quả (ở mức độ hỗ trợ thôi, chứ không phải là yếu tố chính).
Nếu chia sẻ phước lành trực tiếp giữa người cho và người nhận thì quá tốt, nhưng hồi hướng cho một người ở xa,vắng mặt hay đã khuất vẫn có hiệu quả, vì tâm có thể cảm nhận được làn sóng tâm của người khác phát ra qua trường sinh học, như kiểu thần giao cách cảm, linh tri, hoặc như trong khí công phát khí chữa bệnh từ xa, và trong vật lý ném một viên sỏi xuống nước thì sóng sẽ lan ra xung quanh hay nhận âm thanh, hình ảnh qua làn sóng điện. Trong ba trường hợp: phát ý (t/h1), phát khí (t/h2), phát hình (t/h3) thì trường hợp hồi hướng thuộc về phát ý (phát ra một tâm lực) mạnh hơn 2 trường hợp sau rất nhiều vì ý không bị khí hay hình ngăn cản, nên có thể hồi hướng cho người đã khuất đang ở một cõi giới xa xôi nào đó mà không hề bị trở ngại.

Mặt khác, dù hồi hướng không kết quả đến người nhận (nhiều trường hợp vì một lý do nào đó mà người được chia vui không chịu nhận) thì tâm lực và phước lực này vẫn giúp cho người hồi hướng mở rộng tâm mình theo hướng vô ngã vị tha. Do đó việc hồi hướng tự nó là một phước lành đúng pháp.

                    



Bản chất sự thật của chính mình

Nếu con xem cuộc đời là trường học để mọi người học hỏi khám phá ra bản chất sự thật của chính mình và đời sống thì con sẽ thấy mọi hiện thực trong đời đểu là bài học có ý nghĩa tuyệt vời của nó. Nói cách khác, sống là quá trình điều chỉnh nhận thức và hành vi để hoá giải hay chuyển hoá những ảo tưởng sai xấu cho đến khi giác ngộ ra bản chất đúng tốt của lẽ sống tự nhiên và đích thực. Chính vì không thấy ra ý nghĩa của mọi hiện thực đời sống nên người ta luôn phân vân chọn lựa, lấy cái này, bỏ cái kia để rồi luôn thăng trầm trong cái được, cái mất, cái thành, cái bại, cái vui, cái khổ... và kết quả tất nhiên là khổ đau thất vọng, là muốn thoát khỏi cuộc đời "vô nghĩa"! Nhưng nếu chưa học ra ý nghĩa đích thực của đời sống thì mọi hình thức trốn học đều chỉ kéo dài thêm đau khổ, chán chường và thất vọng mà thôi. Con có biết không, tự tử, ẩn trú trong thiền định và muốn mau "giải thoát" ra khỏi cuộc đời đều là những cách trốn học có bản chất hoàn toàn giống nhau. 

***
Hãy can đảm đối diện với sự thật, vì chỉ có sự thật, dù là không vừa lòng, nghịch ý, mới giải thoát con ra khỏi ý nghĩ sai lầm của chính mình... chứ không phải giải thoát ra khỏi sự sống có ý nghĩa này mà Đức Phật xác định "được sinh làm người là khó" đó con! Muốn thoát khỏi ám ảnh đó con nên thường trở về sống trọn vẹn tỉnh thức với chính mình ngay hiện tại trong từng hoạt động đời sống hàng ngày. Khi con đã sống trọn vẹn với thực tại thì không những con không còn bị ám ảnh bởi quá khứ mà con còn tìm thấy tình thương yêu ngập tràn trong chính mình và cuộc sống.


CHIA SẺ

Khi mở trang web này thầy chỉ có mục đích chia sẻ sự thể nghiệm đời sống tùy duyên thuận pháp, vô ngã vị tha - mà đức Phật đã chứng ngộ và khai thị - với những ai hữu duyên. Phật Pháp mênh mông nên có nhiều tông, nhiều phái, nhiều phương pháp thể hiện khác nhau, do đó thầy muốn xiển dương nguyên lý cốt lõi, giản dị và đồng nhất của Phật Pháp để xóa bớt sự phân chia ra nhiều nhánh ngọn mà thành mạt pháp (pháp ngọn). Việc phân chia nhánh ngọn đa thù của các phương pháp tu tập thiền hiện nay cũng là sự kiện tất nhiên để đáp ứng nhiều căn cơ trình độ khác nhau của quần chúng và đã đem lại lợi lạc cho nhiều người, tuy nhiên đó cũng lại là nguyên nhân đưa đến mạt pháp, làm cho Phật Pháp phát triển nhánh ngọn mà quênđi cốt lõi uyên nguyên.
Trong Kinh Ví Dụ Lõi Cây, đức Phật dạy rằng giáo pháp của ngài giống như cây trong rừng. Có người đi tìm lõi cây nhưng lại vào rừng lấy về nhánh ngọn, hoặc vỏ cây, giác cây... vì sao vậy, vì người ấy không biết thế nào là lõi cây. Còn người thợ mộc thiện xảo vào rừng sau khi bỏ đi nhánh ngọn, vỏ cây và giác cây người ấy đem lõi cây về dùng... vì sao vậy, vì người ấy biết rõ lõi cây là lõi cây. Cũng vậy, việc chia sẻ sự thể nghiệm chánh pháp là bổn phận của người xuất gia muốn đền ơn Tam Bảo, ơn thầy tổ, ơn cha mẹ và ơn chúng sanh nên cống hiến chút lòng thành không có gì đáng kể. Người xưa dạy: "Biết mà không nói là bất nhân, nói mà không hết là bất nghĩa" nên thầy chỉ hết lòng chia sẻ vậy thôi, chẳng có công lao gì cả.

Nguồn: www.trungtamhotong.org